SKKN: Mấy vấn đề về việc dạy học tác phẩm Vũ Như Tô và trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng
lượt xem 38
download
Sáng kiến kinh nghiệm gồm 4 phần: Cuộc đời và sự nghiệp của một trí thức say mê lịch sử nước nhà. Nguyễn Huy Tưởng và Vũ Như Tô. Nhìn lại việc giảng dạy tác phẩm Vũ Như Tô trong nhà trường thời gian qua. Một vài đề xuất khi dạy học đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Mời quý thầy cô tham khảo sáng kiến trên.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: SKKN: Mấy vấn đề về việc dạy học tác phẩm Vũ Như Tô và trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng
- SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI Đơn vị: Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh Mã số:…………………… SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM Mấy vấn đề về việc dạy học tác phẩm Vũ Như Tô và trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng Người thực hiện: Trần Thị Châu Thưởng Lĩnh vực nghiên cứu: Quản lý giáo dục: Phương pháp dạy học bộ môn: Văn ´ Phương pháp giáo dục: Lĩnh vực khác: Có đính kèm: Mô hình Phần mền Phim ảnh Hiện vật khác Năm học: 2011 – 2012
- SỞ GD&ĐT ĐỒNG NAI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Biên Hoà, ngày 2 tháng 5 năm 2012 PHIẾU NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM Năm học: 2011 – 2012 Tên sáng kiến kinh nghiệm: Mấy vấn đề về việc dạy học tác phẩm Vũ Như Tô và trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng. Họ và tên tác giả: Trần Thị Châu Thưởng Đơn vị: Tổ Văn Lĩnh vực: Quản lý giáo dục Phương pháp dạy học bộ môn: Văn Phương pháp giáo dục Lĩnh vực khác: 1. Tính mới - Có giải pháp hoàn toàn mới - Có giải pháp cải tiến, đổi mới từ giải pháp đã có 2. Hiệu quả - Hoàn toàn mới và đã triển khai áp dụng trong toàn ngành có hiệu quả cao - Có tính cải tiến hoặc đổi mới từ những giải pháp đã có và đã triển khai áp dụng trong toàn ngành có hiệu quả cao - Hoàn toàn mới và đã triển khai áp dụng tại đơn vị có hiệu quả cao - Có tính cải tiến hoặc đổi mới từ những giải pháp đã có và đã triển khai áp dụng tại đơn vị có hiệu quả cao 3. Khả năng áp dụng - Cung cấp được các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách: Tốt Khá Đạt - Đưa ra các giải pháp khuyến nghị có khả năng ứng dụng thực tiễn, dễ thực hiện và dễ đi vào thực tế cuộc sống: Tốt Khá Đạt - Đã được áp dụng trong thực tế đạt hiệu quả hoặc có khả năng áp dụng đạt hiệu quả trong phạm vi rộng: Tốt Khá Đạt XÁC NHẬN CỦA TỔ CHUYÊN MÔN THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
- SƠ LƯỢC LÝ LỊCH KHOA HỌC I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CÁ NHÂN 1. Họ và tên: Trần Thị Châu Thưởng 2. Ngày tháng năm sinh: 04-10-1964 3. Nam, nữ: Nữ 4. Địa chỉ: R317, đường A3, Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai 5. Điện thoại (NR): 0613.600660 6. Fax: 7. Chức vụ: Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn 8. Đơn vị công tác: Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh II. TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO - Học vị: Tốt nghiệp Đại học Sư phạm - Năm nhận bằng: 1986 - Chuyên ngành đào tạo: Ngữ văn III. KINH NGHIỆM KHOA HỌC - Lĩnh vực chuyên môn có kinh nghiệm: Giảng dạy Văn THPT Số năm kinh nghiệm: 26 năm - Các sáng kiến kinh nghiệm đã có trong 5 năm gần đây: +, Sáng kiến kinh nghiệm: Dạy văn nghị luận theo chương trình và sách giáo khoa mới, bậc trung học phổ thông, 2007; +, Nghị luận xã hội, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2009;… +, Chuyên đề: Nguyễn Minh Châu – cuộc đời và sự nghiệp văn chương, 2009 +, SKKN: Học theo dự án – Kết hợp hoc và du khảo về văn hóa Đồng Nai, 2010 +, SKKN: Một số kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn, 2011
- I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1. Khi dàn dựng vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, đạo diễn Phạm Thị Thành nhận xét: Vũ Như Tô là một trong những vở kịch sâu sắc và hoàn chỉnh nhất của Việt Nam. Nhà nghiên cứu văn học Phong Lê cho rằng, kịch Vũ Như Tô có vóc dáng vạm vỡ của một tượng đài. Phạm Vĩnh Cư sau khi đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu vở kịch đã đánh giá: Vũ Như Tô là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực của Nguyễn Huy Tưởng. Nó đáp ứng đầy đủ và khá hoàn hảo mọi yêu cầu, mọi tiêu chí của một thể loại văn học mà mĩ học châu Âu xưa nay có lý do coi là thể loại cao quý nhất và khó nhất. Sáng tạo được những bi kịch thực thụ tức là sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine – mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên khắp thế giới trong ba thế kỷ nay. Điều đó làm cho chúng ta thêm tự hào về thành công rực rỡ của nhà viết kịch Việt Nam Nguyễn Huy Tưởng. Qua những lời nhận xét trên hẳn chúng ta đã nhận thấy tầm vóc vĩ đại của vở kịch Vũ Như Tô và vị trí vinh quang của Nguyễn Huy Tưởng trong nền kịch Việt Nam. 2. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kịch Vũ Như Tô được tác giả hoàn thành năm 1941, đến năm 1943 mới xuất hiện lần đầu trên tạp chí Tri Tân. Nửa thế kỉ sau, năm 1995, vở kịch mới ra mắt công chúng lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Thời gian càng lùi xa, giới nghiên cứu văn học cũng như đông đảo công chúng mới phát hiện chiều sâu ý nghĩa và những phẩm chất nghệ thuật ưu tú của vở kịch. 3. Năm 2005, Vũ Như Tô được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông, với trích đoạn mang tên Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Với một vở kịch hàm súc, nhiều lớp nghĩa tiềm ẩn, việc giúp học sinh hiểu đúng và cảm thụ được giá trị tác phẩm, quả thật, không đơn giản. Vì vậy, chúng tôi viết sáng kiến kinh nghiệm này, với mong muốn lí giải rõ hơn MẤY VẤN ĐỀ VỀ VIỆC DẠY HỌC TÁC PHẨM VŨ NHƯ TÔ VÀ TRÍCH ĐOẠN VĨNH BIỆT CỬU TRÙNG ĐÀI CỦA NGUYỄN HUY TƯỞNG 4. Năm 2012, kỉ niệm 100 năm ngày mất của Nguyễn Huy Tưởng, bài viết này xin như một nén nhang dâng lên hương hồn nhà văn lớn của dân tộc.
- II. THỰC TRẠNG TRƯỚC KHI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ TÀI 1. Thuận lợi Sau thời kì đổi mới văn học, kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng mới thực sự trở thành đối tượng được giới phê bình nghiên cứu quan tâm chuyên sâu. Tháng 5 năm 1992, Hội thảo khoa học về Nguyễn Huy Tưởng được tổ chức tại Viện Văn học, trong đó có khá nhiều tham luận đề cập trực tiếp đến vở kịch, coi như một sự bỗng nhiên phát hiện ra một tác phẩm lớn của văn học nước nhà (Phạm Vĩnh Cư). Từ đó đến nay, đã có nhiều bài phê bình về tác phẩm Vũ Như Tô. Đó là thuận lợi cho người nghiên cứu và học tập. 2. Khó khăn - Tác giả Nguyễn Huy Tưởng và tác phẩm Vũ Như Tô vừa được đưa vào chương trình Ngữ văn bậc trung học năm 2005. Vì vậy, còn khá mới mẻ đối với cả giáo viên và học sinh. - Các bài phê bình, nghiên cứu, ngay cả sách giáo khoa vẫn còn nhiều vấn đề chưa nhất quán khiến người dạy nhiều lúng túng trong việc truyền đạt kiến thức. - Với một tác phẩm kịch, đặc biệt kịch Vũ Như Tô, dạy một trích đọan trong thời lượng 2 tiết là một thử thách cho giáo viên. III. KẾT CẤU CỦA ĐỀ TÀI Sáng kiến kinh nghiệm gồm 4 phần: 1. Cuộc đời và sự nghiệp của một trí thức say mê lịch sử nước nhà. 2. Nguyễn Huy Tưởng và Vũ Như Tô. 3. Nhìn lại việc giảng dạy tác phẩm Vũ Như Tô trong nhà trường thời gian qua. 4. Một vài đề xuất khi dạy học đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. IV. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ 1. Cuộc đời và sự nghiệp văn chương của một trí thức say mê lịch sử nước nhà Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6 tháng 5 năm 1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Dục Tú,
- huyện Đông Anh, Hà Nội. Thuở nhỏ ông sống ở làng. Cha ông mất sớm, ông chịu sự giáo dục, nuôi dưỡng chủ yếu của mẹ, một người phụ nữ tần tảo, nhân từ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của con mình. Khoảng năm lên mười tuổi, Nguyễn Huy Tưởng được gửi xuống ăn học ở Hải Phòng, sống với gia đình người chị gái lớn tuổi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã say mê những câu chuyện về các nhân vật anh hùng trong lịch sử. Vùng đất Dục Tú quê hương ông, nơi mà có nhà nghiên cứu cho là tất cả mọi cái đều là lịch sử đã truyền cho ông sự say mê đặc biệt, một sự say mê có thể nói là nhục cảm, về quá khứ oai hùng của cha ông, đồng thời cũng sớm đặt ra cho ông những băn khoăn của người dân mất nước. Năm 18 tuổi, khi còn là cậu học trò thành chung, ông đã xác định con đường đi của mình: Phận sự của người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi. Với ý thức ấy, cậu học trò Nguyễn Huy Tưởng âm thầm tìm đọc các tác giả cổ điển Pháp, Nga, Trung Quốc…., hầu tìm thấy ở các nhà văn bậc thầy những bài học sáng tác thơ, kịch, tiểu thuyết. Đồng thời, cậu cũng miệt mài cấu tứ những vần thơ đầu tiên, ghi lại những suy nghĩ về văn chương, nghệ thuật, đạo đức của riêng mình trong những trang nhật ký viết khá đều đặn. Những trang viết đầu tay của Nguyễn Huy Tưởng còn lưu giữ được, cho thấy sự vụng về của một người không hẳn đã có năng khiếu bẩm sinh về văn chương, nhưng cũng bộc lộ một khát vọng lớn lao, một tâm hồn nhạy cảm với những suy nghĩ nhiều khi vượt quá tầm của một cậu học trò đang tập sự nghề văn. Công việc đó thầm lặng kéo dài suốt từ năm 1930 (nếu chỉ tính từ thời điểm Nguyễn Huy Tưởng để lại tập bản thảo sớm nhất còn lưu giữ được – hồi ký Cái đời tôi) cho đến đầu những năm 40, khi ông bắt đầu có tác phẩm được công bố: bộ ba truyện, kịch lịch sử Đêm Hội Long Trì (1942), Vũ Như Tô, An Tư (1943). Sớm đến chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Huy Tưởng đã tham gia nhiều hoạt động mang tính chất xã hội, cách mạng. Khi còn là một học sinh ở Hải Phòng, ông tham gia rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ở chợ Sắt… Đến khi làm công chức sở Đoan (thuế quan) ở tuổi 30, ông tham gia hoạt động Hướng đạo, những mong luyện chí cả gan vàng và sau đó là hoạt động Truyền bá quốc ngữ ở Hải Phòng và Hà Nội. Đặc biệt, từ cuối năm 1942, ông bắt liên lạc với phong trào Việt Minh, và đầu năm 1943, gia nhập tổ chức Văn hóa cứu quốc của Đảng. Từ đây, cuộc đời Nguyễn Huy Tưởng chuyển sang một bước ngoặt mới, nguy hiểm hơn nhưng cũng hào hứng hơn, cả trong hoạt động xã hội cũng như trong sự nghiệp văn chương. Những ngày khởi nghĩa, Nguyễn Huy Tưởng được đoàn thể tín nhiệm cử đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông
- tham gia biên tập báo Cờ giải phóng, Tiên phong và là Tổng thư ký Ban trung ương vận động đời sống mới, Ngày 1/1/1946, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương và cũng năm 1946 được vào Quốc hội khóa I, giữ chức Phó thư ký Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam. Kháng chiến toàn quốc, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đoàn văn hóa kháng chiến, đưa các nghệ sĩ lên chiến khu tham gia kháng chiến. Năm 1948, ông tham gia sáng lập tạp chí Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn nghệ và trực tiếp làm Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ từ số 3 đến số 21. Đầu năm 1949, ông được chỉ định vào Tiểu ban văn nghệ trung ương của Đảng. Bên cạnh công tác lãnh đạo Hội văn nghệ, Nguyễn Huy Tưởng còn tham gia nhiều hoạt động gây dựng phong trào văn nghệ quần chúng trong kháng chiến. Ông có công phát hiện và bồi dưỡng nhiều cây viết trẻ trong quân đội cũng như sau này tham gia dìu dắt nhiều nhà văn mới từ miền Nam tập kết ra. Dù ở cương vị và hoàn cảnh nào, Nguyễn Huy Tưởng luôn có những sáng tạo kịp thời đóng góp cho văn học và cách mạng. Tham gia Chiến dịch biên giới, ông viết Ký sự Cao Lạng (1950). Thâm nhập nông dân trong phong trào giảm tô và cải cách ruộng đất, ông viết Truyện Anh Lục (1955- 1956). Đi vào thực tế xây dựng tại Điện Biên sau chiến tranh, ông viết Bốn năm sau (1959)… Nguyễn Huy Tưởng là một trong số ít nhà văn sớm quan tâm đến việc viết cho thiếu nhi. Ngay từ trước Cách mạng, ông đã từng viết những câu chuyện cho thiếu nhi in trong tủ sách Hoa xuân. Nhưng những tác phẩm quan trọng nhất của ông cho đối tượng này đều xuất hiện sau năm 1951, khi ông cùng một số văn nghệ sĩ khác bắt tay xây dựng phong trào sáng tác cho thiếu nhi như một thể loại riêng trong văn học. Nhiều truyện viết cho thiếu nhi của ông cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực và được các em tìm đọc: Tìm mẹ, An Dương vương xây thành Ốc, Kể chuyện Quang Trung, Lá cờ thêu sáu chữ vàng,… Ông cũng là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nguyễn Huy Tưởng mất ngày 25/7/1960, khi ông mới hoàn thành xong tập I tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô. Cùng với những trang bản thảo dở dang, ông còn để lại hàng chục tập nhật ký được ông viết liên tục trong suốt trong 30 năm cho đến trước khi qua đời. Một số trang nhật ký của ông gần đây được công bố đã giúp bạn đọc hiểu thêm những sóng gió trong cuộc đời ông cũng như những mối quan tâm mà lúc sinh thời, ông khó có điều kiện bộc lộ trực tiếp. Nổi lên qua những suy tư đầy trăn trở, dằn vặt của ông là một tấm lòng thiết tha với dân tộc và văn học, một ý thức công dân đầy trách nhiệm với mọi vấn đề xã hội, một tâm hồn nghệ sĩ không bao giờ bằng lòng với chính mình. Những trang viết riêng tư đó cũng như toàn bộ cuộc đời và tác
- phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đã phản ánh thật nhất quán con đường của ông. Từ một thanh niên yêu nước, giàu lý tưởng, lấy văn chương làm hành động cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng đã nhập vào trung tâm điểm của những hoạt động văn học dưới chế độ mới và có những đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam hiện đại. Tháng 9 năm 1996, Nguyễn Huy Tưởng được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, dành cho những tác phẩm tiêu biểu của ông viết ở hai thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám. (Theo tư liệu của Nguyễn Huy Thắng, trong sách Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, NXB Văn học, H. 1996) 2. Nguyễn Huy Tưởng và Vũ Như Tô Giống như nhiều văn nghệ sĩ cùng trang lứa trước năm 1945, Nguyễn Huy Tưởng vào nghề văn sớm. Năm 1930, 18 tuổi, ông viết hồi kí Cái đời tôi. Đây là bản thảo sớm nhất còn giữ lại được(i). Năm sau, ông viết Nhật kí tư tưởng, ghi chép các suy nghĩ của mình về đạo đức, văn chương. Kể cũng lạ, những trang viết được xem là đầu tay của một nhà văn danh tiếng ở tương lai lại là hồi kí, nhật kí. Hai năm sau, Nguyễn Huy Tưởng “ôm mộng viết những tập thơ trường thiên về Trưng Vương, Hưng Đạo Vương, Quang Trung”. Mãi đến năm 1940, Nguyễn Huy Tưởng mới viết các vở kịch ngắn để… “cho các tráng sinh diễn”. Tuy nhiên, suốt 10 năm, nhà văn chưa bao giờ bỏ “mộng văn chương”. Và, cho đến tháng 5.1942, ông mới quyết định viết Vũ Như Tô(ii). Chừng ấy chi tiết cũng đủ để nói, Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn “rất lạ” so với đương thời và không chỉ đương thời. Ông sớm ôm ấp mộng văn chương nhưng xuất hiện trước công chúng lại khá muộn. Tìm hiểu các nhà văn, nhà thơ đương thời, thấy Nguyễn Huy Tưởng không giống chút nào. Xuân Diệu (sinh năm 1916) in Thơ Thơ vào năm 22 tuổi (1938); Thạch Lam (sinh năm 1910) in Gió đầu mùa năm 27 tuổi. Còn Vũ Trọng Phụng, người cùng tuổi với Nguyễn Huy Tưởng, xuất hiện trên văn đàn sớm hơn nữa: 22 tuổi đã đăng Kĩ nghệ lấy Tây, 24 tuổi là Giông tố, Cơm thầy cơm cô, Số đỏ, Vỡ đê,… Thông thường, các nhà văn, nhà thơ khi xuất hiện lần đầu rất háo hức, thậm chí sốt ruột nữa. Nguyễn Huy Tưởng lại không giống chút nào. Tác phẩm viết xong vào tháng 6.1942, nhưng đến tháng 4.1943 nhà văn mới giới thiệu Vũ Như Tô với tạp chí Tri Tân mà ai cũng biết, đấy là nơi thân thiết với ông. Chưa vội đưa in, nhưng Nguyễn Huy Tưởng không để Vũ Như Tô yên một chỗ. Nhà văn đưa cho bạn bè của mình đọc góp ý kiến. Khi Vũ Như Tô đăng trên báo, Nhà xuất bản Anh Hoa đã đề nghị cho in thành sách, Nguyễn
- Huy Tưởng lại càng không giống chút nào so với thông thường. Nhà văn bắt tay vào việc sửa chữa tác phẩm (hai lần)(iii). Đó là lí do khiến Vũ Như Tô mãi đến năm 1946 mới được in thành sách, lúc nhà văn đã ở tuổi 34 ! Như vậy, “tính từ khi được khởi bút cho đến khi định hình, kịch bản Vũ Như Tô đã làm một cuộc hành trình kéo dài hơn bốn năm, với ba lần được viết đi viết lại”(iv). Nếu đúng như lời anh Nguyễn Huy Thắng đã viết, thì thời gian Nguyễn Huy Tưởng sáng tác lần đầu Vũ Như Tô không dài lắm, khoảng một tháng (từ tháng 5/1942 đến đầu tháng 6/1942). Nhưng thật kì lạ, thời gian nhà văn sửa chữa tác phẩm lâu hơn nhiều. Trong đó, lần sửa thứ nhất kéo dài đến hai tháng (cuối năm 1944). “Theo hồi ức của nhiều bạn bè, đồng nghiệp với Nguyễn Huy Tưởng cũng như theo các ghi chép cá nhân của ông, tác giả Vũ Như Tô sau này còn muốn sửa lại nữa tác phẩm của mình”. Tuy nhiên, “bệnh ác đã cướp ông đi giữa lúc nhà văn còn đang ôm ấp nhiều dự đồ văn nghệ, trong đó có việc sửa chữa Vũ Như Tô”(v). Rõ ràng, Vũ Như Tô là tác phẩm được Nguyễn Huy Tưởng thai nghén khá dài, có thể suốt mười năm đầu trong sự nghiệp cầm bút, khi nhà văn luôn suy ngẫm về các vấn đề “đạo đức và văn chương”. Vũ Như Tô cũng là tác phẩm mà cho đến lúc cuối đời nhà văn vẫn không thôi thao thức về nó. Thiết nghĩ, đấy là điều rất đáng lưu ý khi xem xét, đánh giá tác phẩm, bởi có lúc người ta xem Vũ Như Tô là “tác phẩm đầu tay” mà mọi người thường nghĩ hẳn sẽ chưa đủ độ “chín” hoặc chí ít là có “những băn khoăn, ngập ngừng, hạn chế”(vi). Hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể là yếu tố quan trọng để tìm hiểu tác phẩm văn học. Thế nhưng, với Vũ Như Tô, có thể xem là “tác phẩm một đời” của Nguyễn Huy Tưởng, việc bó hẹp hoàn cảnh sáng tác chỉ vào những năm đầu của thập niên bốn mươi ở thế kỉ trước hẳn sẽ không phù hợp. Để có được kịch bản định hình như ngày nay, Vũ Như Tô đã đi “một chặng đường trường”. Lí do thật đáng trân trọng và cả tự hào nữa, vì khát vọng vươn tới một Cửu Trùng Đài trong văn chương của Nguyễn Huy Tưởng(vii). Thế nhưng, từ khi “vào đời”, Vũ Như Tô lại bước vào “một chặng đường trường” mới. Lần này, không thuộc về tác giả. Nhìn lại, chúng ta sẽ thấy hai lần “vào đời” trước (1943 - 1944 và 1946) của Vũ Như Tô khá suôn sẻ. Nhưng khoảng cách giữa lần xuất bản (thành sách) đầu tiên với lần thứ hai cách nhau đến 17 năm (năm 1963), lúc này nhà văn đã mất hơn 3 năm. Giữa lần thứ hai đến lần thứ ba, còn dài hơn nữa, đến 21 năm (năm 1984). Còn việc công diễn tác phẩm, mãi tới năm 1995, tức 53 năm sau khi ra đời, lần đầu tiên Vũ Như Tô mới ra mắt khán giả. Nếu so sánh với các tác phẩm kịch khác của chính Nguyễn Huy Tưởng chúng ta cũng thấy có sự thiệt thòi của Vũ Như Tô: kịch Bắc Sơn ra đời, được công diễn và xuất bản ngay trong năm 1946;
- Những người ở lại ra đời, xuất bản năm 1948, được công diễn năm 1957. Vào năm 1978, Nhà xuất bản Tác phẩm mới xuất bản Nguyễn Huy Tưởng tuyển tập, kịch Bắc Sơn có mặt cùng Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Kí sự Cao Lạng, Sống mãi với thủ đô, còn Vũ Như Tô thì… không! Người viết dẫn lại lịch sử “vào đời” của Vũ Như Tô không phải để đánh giá về những chuyện đã qua, dù việc ấy khá cần thiết, mà cốt để nói rằng, đấy là tác phẩm thật kì lạ, từ lúc “ra đời” cho đến khi “vào đời”. Phải chăng, những tác phẩm lớn luôn có số phận ít nhiều long đong và người “mang nặng đẻ đau” thường chẳng mấy khi có được hạnh phúc nhìn thấy “đứa con” của mình được được đặt đúng vị trí của nó. Chuyện “vào đời” của Vũ Như Tô chưa dừng lại ở đó. Có một bộ phận công chúng văn học hẹp và xác định nhưng vô cùng quan trọng, đó là học sinh (sinh viên) và giáo viên(viii), bởi ở đây tác phẩm văn học không chỉ được thưởng thức mà trước hết là được học. Chắc chắn những hiểu biết, đặc biệt là những ấn tượng về một tác phẩm văn học từ trong nhà trường sẽ đọng lại lâu dài và không hiếm trường hợp đã trở thành định kiến trong lòng lớp bạn đọc ấy. Vũ Như Tô có mặt lần đầu tiên trong nhà trường phổ thông vào năm (ix) 2005 , trong sách giáo khoa (SGK) thí điểm môn Ngữ văn lớp 12, với trích đoạn mang tên Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Đây là đoạn trích gần trọn hồi V của vở kịch, được giảng dạy với thời lượng 3 tiết. Tới năm 2007, Vũ Như Tô có mặt chính thức trong SGK Ngữ văn, cũng với trích đoạn ấy, chỉ khác lần này là ở sách Ngữ văn 11 và thời lượng giảng dạy chỉ còn 2 tiết. Như vậy, 63 năm sau khi ra đời, Vũ Như Tô… vào nhà trường. So với các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ cùng thời với Nguyễn Huy Tưởng trước năm 1945, sự có mặt của Vũ Như Tô trong nhà trường thật muộn màng, nếu không nói là muộn nhất. Tuy nhiên, sự có mặt này đánh dấu bước nhận thức và đánh giá mới, rất mới của giới nghiên cứu văn học và cả xã hội đối với Vũ Như Tô. Nó là kết quả của quá trình đổi mới văn học bắt đầu ở thập niên 80 của thế kỉ trước, trong đó, đối với Nguyễn Huy Tưởng hẳn đó là kết quả trực tiếp từ việc nhận thức lại những giá trị của nhà văn vào những năm 90, nhất là sau cuộc hội thảo khoa học của Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào năm 1992 và tiếp đến là các công trình nghiên cứu công phu, chính đáng của những cây bút danh tiếng. Những đánh giá như: Vũ Như Tô là “một bi kịch hiện đại ở Việt Nam”, kịch bản này “có cấu trúc lôgic, nghiêm ngặt của kịch cổ điển phương Tây”, mang “ý nghĩa vĩnh cửu và toàn nhân loại”(x); hay “Vũ Như Tô là tác phẩm bi kịch duy nhất và đích thực
- của Nguyễn Huy Tưởng”, “Sáng tạo được những bi kịch thực thụ tức là sánh ngang với Eschyle, Sophocle, Shakespeare, Corneille, Racine – mơ ước của hàng trăm, hàng ngàn người viết kịch trên thế giới trong ba thế kỷ nay”(xi),... ban đầu có thể khiến đôi người hơi ngỡ ngàng, nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa thấy có ai phủ nhận hay nói khác. 3. Nhìn lại việc giảng dạy tác phẩm Vũ Như Tô trong nhà trường thời gian qua Trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông, Vũ Như Tô là tác phẩm mới so với những Chí Phèo, Hai đứa trẻ,… đã có mặt hàng chục năm trước. Đã là tác phẩm mới đương nhiên bước đầu được giảng dạy trong nhà trường là tác phẩm khó. Với Vũ Như Tô, điều này càng đúng hơn. Chúng tôi đã thử tìm hiểu Vũ Như Tô ở cả hai phía, học sinh và các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, tất nhiên không phải là một cuộc điều tra, khảo sát công phu. Kết quả thật chẳng vui chút nào, nhất là sự cảm thụ tác phẩm của học sinh. Tìm hiểu ở một khía cạnh khác – đề thi môn Ngữ văn trong các kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2006, tức là năm tác phẩm này vừa được giảng dạy trong chương trình thí điểm phân ban, duy nhất một lần Vũ Như Tô có mặt ở đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng – năm 2006, khối D. Chúng tôi không hề có ý kiến đánh giá mà chỉ nhằm nêu việc Vũ Như Tô đã… vào nhà trường như thế nào, nên tìm hiểu một tác phẩm cũng mới được đưa vào chương trình là truyện ngắn Một người Hà Nội (Nguyễn Khải). Cũng chừng đấy thời gian, truyện ngắn này có mặt 3 lần ở đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và 3 lần ở đề thi tốt nghiệp THPT. Chuyện này, chỉ có một trường hợp khá giống Vũ Như Tô là kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, nhưng có lẽ nên bàn sâu vào một dịp khác. Những lí do nào khiến Vũ Như Tô “vào nhà trường” giống người khách lạ? 1. Các em học sinh bảo rằng, Vũ Như Tô được học tuần thứ 15, gần cuối của học kì một. Khi ấy, không khí chung là “ôn tập” để chuẩn bị kiểm tra cuối kì. 2. Trong chương trình môn Ngữ văn phổ thông xưa nay, tuy không có văn bản quy định, nhưng học văn dường như đồng nghĩa với việc học các tác phẩm thơ, văn xuôi (truyện, tiểu thuyết, kí). Từ bậc THCS đến bậc THPT (7 lớp), loại hình sân khấu (phần kịch bản văn học), chỉ có 8 tác phẩm (trích đoạn) được học, bao gồm: 2 vở chèo (Quan Âm Thị Kính và Kim Nham); 3 vở kịch nước ngoài (Trưởng giả học làm sang và Romeo và Juliet) và 4 vở kịch
- hiện đại Việt Nam (Bắc Sơn, Tôi và chúng ta, Vũ Như Tô và Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Thời lượng dành cho một tác phẩm không nhiều, phổ biến chỉ là 2 tiết, người thầy giáo tài ba nào cũng khó chuyển tải những gì cần thiết đến với học sinh. Sách giáo viên (SGV) Ngữ văn 11, tập 1 (chương trình Nâng cao)(xii), gợi ý cho giáo viên khi dạy Vũ Như Tô “có thể tổ chức cho học sinh xem kịch (Vũ Như Tô đã được nhiều đoàn kịch nói dàn dựng thành công, có thể dùng băng đĩa)”, hoặc “kể về nội dung vở kịch, đọc phân vai” (tr. 201). Các sách giáo viên và sách giáo khoa cũng luôn yêu cầu học sinh hiểu biết về “đoạn trích và về vở kịch” và người giáo viên “cần phải dạy và học đoạn trích này trong mối quan hệ với toàn bộ tác phẩm”(xiii). Những “gợi ý” hay “yêu cầu” này thật… hay nhưng làm sao có thể thực hiện được trong thời lượng đã được quy định và kể cả việc kiếm tìm một văn bản đầy đủ của vở kịch Vũ Như Tô ? Chừng ấy lí do đã đủ để giải thích trường hợp Vũ Như Tô trong nhà trường chưa? Chúng ta đã trao đổi chuyện với nhiều thầy cô giáo dạy văn lâu năm. Các đồng nghiệp đã đồng ý với những lí do nêu trên và có người còn cho rằng, những nhà soạn SGK quả thật đã khá tinh tường khi đưa Vũ Như Tô vào trong chương trình, bởi đây tác phẩm “quá lớn”. Nhưng vì “quá lớn” nên nó không vừa với (khuôn) “khổ” hiện hành, bởi một tác phẩm vào nhà trường đâu chỉ có tính nghệ thuật mà còn nhiều “tính” khác nữa. Chúng tôi đã kiểm tra một lần nữa ở SGK, SGV, từ chương trình thí điểm đến chương trình chính thức hiện nay. Vấn đề đáng chú ý nhất là việc xác định thể loại của Vũ Như Tô. Ở SGK thí điểm Ngữ văn 12, tập 1, bộ 2, ban Khoa học xã hội và Nhân văn(xiv), Vũ Như Tô được xác định là vở kịch lịch sử (những chỗ gạch dưới là do người viết nhấn mạnh – TCT). Còn SGK thí điểm Ngữ văn 12, tập 1, bộ 1, ban Khoa học xã hội và Nhân văn(xv), thể loại Vũ Như Tô xem ra có phần phức tạp hơn. Trong khi SGK xem Vũ Như Tô là vở kịch lịch sử (tr.104), thì SGV lại viết: “Hiện cũng có những ý kiến khác nhau. Một số người muốn xem đây là một vở kịch lịch sử, một số khác xem đây là bi kịch (…) khó xem đây là một vở kịch lịch sử theo đúng nghĩa của nó (…) Soạn giả SGK cũng xem Vũ Như Tô là bi kịch, nhưng cũng không bỏ qua tính chất kịch lịch sử của nó (tr. 85). Năm 2007, khi Nxb. Giáo dục xuất bản SGK mới (theo Chương trình giáo dục phổ thông – môn Ngữ văn được Bộ GD-ĐT ban hành năm 2006), về cơ bản, SGK chương trình Chuẩn là SGK thí điểm Bộ 2, còn SGK chương trình Nâng cao là SGK thí điểm Bộ 1(xvi). Điều khá thú vị là ở chương trình Chuẩn, SGK xem Vũ Như Tô là “vở kịch lịch sử” (tr.184), còn SGV lại viết “nên coi Vũ Như Tô là một vở bi kịch” (tr. 187). Ở chương trình Nâng cao,
- cũng có tình trạng tương tự trong việc xác định thể loại Vũ Như Tô: SGK ghi là vở kịch lịch sử; còn SGV khẳng định là bi kịch. Tình trạng không rõ ràng về thể loại này còn thể hiện ngay trong một đoạn văn: “Là một vở kịch lịch sử, Vũ Như Tô tất nhiên được viết dựa trên sử liệu (…) Điều quan trọng là tác giả đã khai thác, vận dụng các sử liệu ấy như thế nào cho phù hợp với yêu cầu của bi kịch (tr. 209). Trong bộ sách này còn có một khái niệm mới nữa là “một vở bi kịch lịch sử” (SGK, tr.277). Chúng tôi phải dẫn dài dòng về việc xác định thể loại Vũ Như Tô ở SGK, bởi có lẽ đây là mấu chốt dẫn đến việc tiếp nhận tác phẩm này trong nhà trường rơi vào tình trạng lỡ dở. Còn nhớ, trong tiểu luận khá công phu về Vũ Như Tô công bố năm 2000, nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư trong khi đánh giá cao đóng góp của GS Đỗ Đức Hiểu về việc xác định đây là “tác phẩm bi kịch” và sự “phân tích thẩm mĩ khá tinh vi và tế nhị”, đã chỉ ra sự “không tập trung làm sáng tỏ những đặc trưng cấu thành của vở kịch này như một tác phẩm bi kịch”. Từ đó dẫn đến việc “nhìn nhận “nguyên nhân sâu xa của việc dân chúng đốt phá Cửu Trùng Đài, dẫn đến cái chết của Vũ Như Tô” là “cuộc bạo loạn của Trịnh Duy Sản và bè lũ” tức là làm nghèo đi rất nhiều nội dung tư tưởng của vở kịch”(xvii). Việc không xác định rõ thể loại của Vũ Như Tô hoặc không xem trọng vấn đề thể loại(xviii) đã khiến hướng tiếp nhận tác phẩm này trong nhà trường rơi vào tình trạng lỡ dở, nếu không nói là làm giảm đi khá nhiều giá trị của nó. Ở cả hai bộ sách đều có những nhận định nước đôi, thậm chí xa với văn bản. Chẳng hạn, như: “Hồi V của vở kịch không nói nhiều đến tài năng của Vũ Như Tô mà tập trung làm nổi bật tâm trạng bi kịch đầy căng thẳng của ông khi phải tìm kiếm câu trả lời: Xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai ? Là có công hay có tội? Nhưng Vũ Như Tô đã không trả lời thỏa đáng câu hỏi đó”(xix) (SGV, bộ Chuẩn, tr. 191). Ở SGK bộ Chuẩn còn có câu hỏi hướng dẫn học sinh học bài, theo chúng tôi, tương đối lạ: “Mâu thuẫn giữa quan điểm nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời và lợi ích thiết thân của nhân dân chưa được tác giả giải quyết dứt khoát (…) Theo anh (chị) nên giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào?” (tr.193). Và, đây là gợi ý trả lời của SGV: “Mâu thuẫn (…) chưa được tác giả giải quyết dứt khoát. (…) Vũ Như Tô có tội hay có công. “Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?” Đó là những câu hỏi mà chính tác giả cũng không thể giải quyết một cách rạch ròi, dứt khoát. Tác giả đã trực tiếp bày tỏ nỗi băn khoăn của mình qua lời đề từ: “Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc?”, “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Cách nêu vấn đề của tác giả như vậy là hợp lí. Bởi lẽ, chân lí chỉ thuộc về Vũ Như
- Tô một nửa, còn nửa kia lại thuộc về quần chúng nhân dân (tr.192). Chúng tôi nói câu hỏi này (và cả câu hướng dẫn trả lời) là “lạ”, bởi bản chất của mâu thuẫn bi kịch là “không thể giải quyết”. Thật khó làm sao, nhà văn, người sáng tác ra bi kịch còn không thể giải quyết thì làm sao học sinh ở độ tuổi 16, 17 lại giải quyết được. Chẳng trách, nhiều thầy cô giáo khi buộc phải hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi này là một phen nghe các em phán xét và “chỉ ra” bao hạn chế về tư tưởng từ Vũ Như Tô đến Nguyễn Huy Tưởng. Bên cạnh thể loại của tác phẩm, lời Đề tựa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng là vấn đề đáng quan tâm khi Vũ Như Tô “vào nhà trường”. Hướng chung của cả hai bộ sách là xem nhà văn đã bộc lộ nỗi băn khoăn của mình về cái chết của Vũ Như Tô: “Qua lời đề tựa trên, Nguyễn Huy Tưởng đã chân thành bộc lộ nỗi băn khoăn của mình: Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô ? Và ông thú nhận “ta chẳng biết”, tức là không đưa ra một lời giải đáp thỏa đáng… (SGV, bộ Chuẩn, tr.193); “Lời Đề tựa (dưới hình thức những câu thơ văn xuôi) nêu ra hai điều băn khoăn của tác giả: a, Lẽ phải thuộc về ai (Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô)? b, Mất Cửu Trừng Đài nên mừng hay nên tiếc? Và một lời khẳng định: “Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm” (tr. 211). Chúng tôi rất băn khoăn với những lời giải thích như vậy, bởi khi tìm hiểu một tác phẩm văn chương thì lời đề từ / tựa hay những ghi chú của tác giả về tác phẩm của mình dù đặc biệt đến bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là sự gợi ý, chỉ dẫn. Tất cả đều không thể thay thế bản thân văn bản, lại càng không thể xem tác phẩm là sự minh họa cho lời đề tựa hay ghi chú của tác giả. Nếu mọi người đều biết Nguyễn Huy Tưởng đã rất cẩn trọng với những dòng chữ ngắn ngủi đó như thế nào và Nguyễn Tuân đã bày tỏ sự thảng thốt, lo ngại ra sao khi bà Nguyễn Huy Tưởng đưa in Đề tựa ấy trong lần xuất bản Vũ Như Tô năm 1963 thì chắc sẽ ngại ngần trong việc đoán định tư tưởng của nhà văn. Viết đến đây, chúng tôi lại nghĩ tất cả những điều trên đây các nhà soạn SGK Ngữ văn đều biết rõ. Nhưng Vũ Như Tô “vào nhà trường” còn chênh vênh như vậy phải chăng là do chúng ta vẫn chưa hết ngập ngừng khi đánh giá những giá trị tinh thần quý giá của dân tộc một thời từng bị khuất lấp? Mong sao điều này chỉ là sự “băn khoăn” viển vông ! 4. Một vài đề xuất khi dạy học tác phẩm Vũ Như Tô qua đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài Một là, giáo viên cần xác định rõ thể loại kịch Vũ Như Tô và cung cấp kiến thức cơ bản về bi kịch cho học sinh. Điều này sẽ giúp các em hiểu
- mâu thuẫn không thể giải quyết được trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Từ đó, học sinh phần nào cảm nhận được nỗi băn khoăn, trăn trở của Nguyễn Huy Tưởng trong lời đề tựa của vở kịch. Bên cạnh đó, giáo viên không nên đặt những câu hỏi làm tầm thường hóa tác phẩm như: Nếu em là Vũ Như Tô, trong tình huống của hồi 5, em sẽ ứng phó như thế nào?... Về kiến thức thể loại bi kịch, giáo viên giúp học sinh tìm hiểu ở phần Tri thức đọc – hiểu trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, giáo viên cần tham khảo chuyên luận “Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô” của Phạm Vĩnh Cư để nhấn mạnh các đặc trưng sau đây của thể loại: - Xung đột hay mâu thuẫn của bi kịch. Đó là mâu thuẫn mang tính nội tại; không thể giải quyết; có ý nghĩa xã hội to lớn và mọi cách khắc phục mâu thuẫn đều dẫn đến sự diệt vong những giá trị quan trọng. - Nhân vật bi kịch: những nhân vật chính, còn gọi là nhân vật anh hùng (héros) của bi kịch, là một con người quá khổ, ta muốn nhận biết nó thì phải đo nó bằng cái thước của nó, chứ không phải của ta. - Tội lỗi bi kịch: Đây là một khái niệm mấu chốt trong lý thuyết bi kịch. Không có tội lỗi bi kịch, cũng như không có xung đột bi kịch thì không có tác phẩm bi kịch. Nhân vật bi kịch vừa có tội, lại vừa không có tội và lỗi lầm bi kịch có tính phổ biến, tính toàn nhân loại. - Hiệu ứng tâm lí của bi kịch: Bi kịch luôn gây cảm giác sợ hãi và xót thương, nhưng quan trọng hơn cả, hành động bi kịch dẫn đến sự thanh tẩy (catharsis) những cảm xúc ấy. Đấy là những kiến thức khó, nhưng mang tính cơ bản nhất về bi kịch. Dĩ nhiên, giáo viên không nên giảng dạy về đặc trưng thể loại này như tiết học về lí luận văn học. Sau khi học sinh hiểu được những điều căn cốt ấy, các em sẽ dễ dàng hiểu được tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm Vũ Như Tô. Hai là, giáo viên nên tóm tắt kết hợp với đọc văn bản “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”. Nhiều thầy cô, vì sợ không dạy xong trích đoạn với thời lượng 2 tiết nên đã bỏ qua việc đọc văn bản. Thiếu hoạt động này, chắc chắn các em sẽ không thể nào tiếp thu tốt một tác phẩm đa nghĩa và phức tạp như kịch Vũ Như Tô. Huống chi, đây là kịch, một nghệ thuật tổng hợp mà phần lớn linh hồn nằm ở diễn xuất, âm nhạc, bài trí sân khấu... Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chúng ta nên tóm tắt tác phẩm theo hệ thống nhân vật. Riêng trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, giáo viên nên hướng dẫn học sinh tóm tắt lớp I, II, IV, V, VI, VII; nhất thiết phải đọc các lớp III, VIII, IX.
- Ba là, cần xác định đúng mâu thuẫn bi kịch của trích đoạn “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”. Theo hướng dẫn của Sách giáo viên, trích đoạn có hai mâu thuẫn cơ bản : - Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị thối nát, xa hoa, truỵ lạc với nhân dân đau khổ, lầm than. - Mâu thuẫn giữa lí tưởng và khát vọng nghệ thuật cao đẹp, thuần túy của người nghệ sĩ với lợi ích trực tiếp, thiết thực của nhân dân. Với mâu thuẫn 1 chúng ta có thể nêu mà không cần phân tích bởi lẽ đây không phải là mâu thuẫn bi kịch, mặt khác, trong khi đọc lớp III của trích đoạn, giáo viên có thể giúp học sinh hiểu nguyên nhân và kết quả của mâu thuẫn một cách dễ dàng. Giáo viên nên dành nhiều thời gian để hướng dẫn học sinh tìm hiểu mâu thuẫn thứ 2 và nhân vật Vũ Như Tô, Đan Thiềm. Bốn là, khi phân tích nhân vật Vũ Như Tô và Đan Thiềm, cần tránh quan niệm có tính cực đoan. Có ý kiến cho rằng, Vũ Như Tô – Đan Thiềm theo đuổi cái Đẹp thuần túy, đó là một quan niệm sai lầm về nghệ thuật, nên vô hình phục vụ cho giai cấp thống trị thối nát, đi ngược quyền lợi nhân dân, do đó dẫn đến kêt cục bi thảm. Cảm hứng chung của vở kịch là cảm hứng phê phán nhưng vì quá yêu nhân vật nghệ sĩ tài hoa của mình nên trong khi phê phán, Nguyễn Huy Tưởng còn ngập ngừng, lúng túng (Hà Minh Đức). Quan niệm này thể hiện thái độ phê phán cực đoan và có lẽ chưa hiểu hết tư tưởng của tác giả. Quan niệm khác lại cực đoan khi hết lời ca ngợi phẩm chất nghệ sĩ - kẻ sĩ rất đẹp của Vũ Như Tô. Rằng, Vũ Như Tô có lỗi lầm nhưng là lỗi lầm vô tội, bởi trước sau Vũ là một nhân cách trong suốt. Căn bệnh Đan Thiềm ở đây là căn bệnh của nghệ sĩ đích thực, khao khát được thăng hoa sáng tạo. Theo chúng tôi, khi hướng dẫn học sinh, giáo viên nên cho các em hiểu Vũ Như Tô – Đan Thiềm vừa có tội vừa không có tội. Bởi họ độc tôn một giá trị cái Đẹp mà bỏ qua giá trị của cái Thiện. Họ đề cao lợi ích dân tộc mà hạ thấp lợi ích nhân dân (trong tương quan với giai cấp thống trị). Cái Đẹp thuộc về số ít trong khi cái Thiện thuộc về số đông nhân dân, do đó họ xung đột với nhân dân. Tuy nhiên, đối với người nghệ sĩ, không sáng tạo cái Đẹp cũng đồng nghĩa với sự hủy diệt. Đó là lí do vì sao trong lời đề tựa Nguyễn Huy Tưởng viết: Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm. Năm là, không tham kiến thức, khiến học sinh khó tiếp thu. Với thời lượng 2 tiết mà chương trình Ngữ văn quy định cho việc dạy học văn bản, chúng ta không nên đòi hỏi học sinh cảm thụ đầy đủ và sâu sắc trích đoạn
- Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. Học sinh hiểu đúng bi kịch của Vũ Như Tô, thiết nghĩ đã là một thành công của giáo viên khi dạy học văn bản này. V. KẾT QUẢ Qua quá trình giảng dạy, áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm nêu trên, chúng tôi nhận thấy việc dạy học tác phẩm Vũ Như Tô và trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài đạt được những kết quả sau: - Về phía giáo viên: +, Nắm một cách hệ thống và nhất quát về tác phẩm Vũ Như Tô và trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, tránh được sự lúng túng khi lí giải bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô. +, Đảm bảo những kiến thức trọng tâm trong thời lượng dành cho tác phẩm chỉ có 2 tiết. +, Có kinh nghiệm để giảng dạy tốt hơn tác phẩm Romeo và Juliet của W. Shakespeare, cũng là một bi kịch, được giảng dạy ở tuần 16 (Học kì I, lớp 11), ngay sau Vũ Như Tô. - Về phía học sinh: +, Có thể hiểu đúng đoạn trích, cảm nhận được phần nào ý nghĩa một văn bản đa nghĩa, phức tạp mang tầm vóc vĩ đại. +, Từ những kiến thức về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, vở kịch Vũ Như Tô, học sinh chuyên văn có thể hiểu sâu sắc hơn vai trò, sứ mạng và vẻ đẹp của người nghệ sĩ, cùng cái Đẹp siêu đẳng trong đời sống con người. +, Qua tác phẩm Vũ Như Tô, học sinh có dịp hiểu sâu hơn về loại hình kịch để qua đó học tốt các tác phẩm kịch khác trong chương trình Ngữ văn bậc THPT như: Romeo và Juliet của W. Shakespeare, Trưởng giả học làm sang của Molière hay Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ,… VI. BÀI HỌC KINH NGHIỆM - Để dạy tốt, giáo viên nên hướng dẫn học sinh đọc trước tác phẩm Vũ Như Tô. Công đoạn này có thể thực hiện dưới hình thức thuyết trình giới thiệu sách. - Trong tiết dạy nâng cao theo chủ đề tự chọn, giáo viên có thể cho học sinh xem băng đĩa để hiểu tác phẩm sâu sắc hơn. VI. KẾT LUẬN
- Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn lớn của dân tộc. Việc tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp văn chương và tác phẩm Vũ Như Tô là cần thiết đối với học sinh. Trên tinh thần đó chúng tôi biên soạn sáng kiến kinh nghiệm này, trước hết, dùng để áp dụng cho việc dạy học tác phẩm ở chương trình lớp 11, sau để các đồng nghiệp tham khảo, mong có thể phần nào giúp các thầy cô có thêm tư liệu khi dạy trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài. VII. TƯ LIỆU THAM KHẢO CHÍNH 1. Phạm Vĩnh Cư, Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô, tạp chí Văn học số 7/2000. 2. Hà Minh Đức, Lời giới thiệu Kịch Nguyễn Huy Tưởng, Nxb. Văn học, 1963; in lại trong Vũ Như Tô, Nxb. Sân khấu, 2006. 3. Kate Hamburger, Logic học về các thể loại văn học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. 4. Hoàng Ngọc Hiến, Nhập môn văn học và phân tích thể loại, Nxb. Đà Nẵng, 2003. 5. Đỗ Đức Hiểu, Bi kịch Vũ Như Tô, tạp chí Văn học số 10/1997. 6. Đỗ Đức Hiểu, Đổi mới đọc và bình văn, Nxb Hội Nhà văn, 1999. 7. Phan Trọng Hoàng Linh, A.CAMUS và bi kịch ở phương Tây, http://hacongtruongvngl.blogspot.com/2012/02/ly-giai-ve-nhan-inh-cua- acamus-oi-voi.html 8. Phạm Xuân Nguyên, Bệnh Đan Thiềm trong Nguyễn Huy Tưởng, một sự nghiệp chưa kết thúc – Viện văn học, 1992 9. Vũ Quần Phương, Nỗi niềm Nguyễn Huy Tưởng, http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/513522/Noi-niem-Nguyen-Huy- Tuong.html 10. Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô, Nxb. Thanh niên, 2007. 11. Nguyễn Huy Thắng: Vũ Như Tô – một chặng đường trường, tạp chí Văn học số 3/2006. 12. Nguyễn Huy Thắng: Nguyễn Huy Tưởng với người thân, Nxb. Thanh niên, 2012. 13. Nhiều tác giả, Nguyễn Huy Tưởng – về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 2005. 14. Nhiều tác giả, Nguyễn Huy Tưởng – một nhà văn Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2011. i Các tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Huy Tưởng trong bài viết này được lấy từ Niên biểu Nguyễn Huy Tưởng, trong sách Nguyễn Huy Tưởng – về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 2005 (tái bản lần thứ hai). ii Theo Nguyễn Huy Thắng: Vũ Như Tô – một chặng đường trường, tạp chí Văn học số 3/2006.
- iii Theo Nguyễn Huy Thắng: Vũ Như Tô – một chặng đường trường, tạp chí Văn học số 3/2006. iv Theo Nguyễn Huy Thắng: Vũ Như Tô – một chặng đường trường, tạp chí Văn học số 3/2006. v Theo Nguyễn Huy Thắng: Vũ Như Tô – một chặng đường trường, tạp chí Văn học số 3/2006. vi Hà Minh Đức, Lời giới thiệu Kịch Nguyễn Huy Tưởng, Nxb. Văn học, 1963; in lại trong Vũ Như Tô, Nxb. Sân khấu, 2006, tr.5. vii Theo Nguyễn Huy Thắng: Vũ Như Tô – một chặng đường trường, tạp chí Văn học số 3/2006. viii Trong bài viết này, tác giả chỉ tìm hiểu ở trường phổ thông. ix Trong Tài liệu giáo khoa thí điểm Văn học 11, tập một (Ban Khoa học xã hội), Nxb. Giáo dục, 1996, có trích giảng hồi cuối của Vũ Như Tô. Tuy nhiên, đây chưa phải là “sách giáo khoa thí điểm” biên soạn theo chương trình thí điểm THPT được Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành như đối tượng tìm hiểu ở bài viết này. x Đỗ Đức Hiểu, Bi kịch Vũ Như Tô, tạp chí Văn học số 10/1997. xi Phạm Vĩnh Cư, Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô, tạp chí Văn học số 7/2000. xii Nxb. Giáo dục, 2007, tr.201. xiii Ngữ văn 11 (sách giáo khoa), tập 1, tr. 193 và Ngữ văn 11 (sách giáo viên), tập 1, tr. 188. xiv Nxb. Giáo dục, 2005, tr. 101 (từ đây gọi tắt là sách Bộ 2). xv Nxb. Giáo dục, 2005, tr. 104 (từ đây gọi tắt là sách Bộ 1). xvi Từ đây, xin gọi tắt là sách Chuẩn và sách Nâng cao. xvii Phạm Vĩnh Cư, Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô, trong sách Sáng tạo và giao lưu, Nxb. Giáo dục, 2007. xviii SGV Ngữ văn 11 Nâng cao, tập một có lưu ý giáo viên: “…không đòi hỏi học sinh đi sâu nhận diện hay tìm hiểu đặc trưng bi kịch hay kịch lịch sử” (Nxb. Giáo dục, 2006, tr. 201). xix Thực ra, đọc kĩ văn bản kịch sẽ thấy Vũ Như Tô không hề đi kiếm tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Đến phút cuối, Vũ Như Tô vẫn xem mình không có tội, thậm chí còn chất vấn người khác: “Vậy thì ta có tội gì? Ta xây Cửu Trùng Đài có phải đâu để hại nước?...”. Người viết SKKN Trần Thị Châu Thưởng
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
SKKN: Chỉ đạo, quản lý việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy
21 p | 176 | 24
-
SKKN: Phương pháp tìm kiếm thông tin trên Internet và hướng dẫn tải video trên Youtube
28 p | 136 | 23
-
SKKN: Một số thủ thuật giúp học sinh lớp 9 hoàn thiện kỷ năng tìm kiếm thông tin trên Internet và tải video trên Youtube
26 p | 78 | 12
-
SKKN: Khai thác bài tập nâng cao về máy biến áp
39 p | 69 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn