HNUE JOURNAL OF SCIENCE<br />
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 140-145<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0037<br />
<br />
SỰ DU NHẬP CỦA PHẬT GIÁO VÀO NHẬT BẢN THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI<br />
<br />
Trần Nam Trung<br />
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Phật giáo ra đời từ thế kỉ VI TCN tại Ấn Độ. Trong quá trình phát triển, Phật giáo<br />
được truyền bá đi khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Phật giáo không trực tiếp đến Nhật Bản<br />
từ Ấn Độ mà du nhập vào quốc gia này từ Triều Tiên và Trung Quốc. Bài viết này trình bày<br />
về sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản trong thời Cổ - Trung đại trong đó tập trung làm rõ<br />
hai nội dung chính là con đường du nhập và cách thức du nhập.<br />
Từ khóa: Phật giáo Nhật Bản, lịch sử Nhật Bản, Phật giáo Triều Tiên, Cổ - trung đại.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Lịch sử Nhật Bản nói chung, lịch sử Phật giáo nhật Bản nói riêng từ lâu là đề tài thu hút sự<br />
quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước. Có thể kể tên hàng loạt các nhà<br />
nghiên cứu trong vấn đề này: D.T Suzuki với Zen and Japanese culture (Thiền tông và văn hoá<br />
Nhật Bản), xuất bản năm 1959 bởi Princeton University Press; Ishida Kazuyoshi với công trình<br />
Nhật Bản tư tưởng sử, bản dịch tiếng Việt của Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, xuất bản năm 1963 tại Sài<br />
Gòn; Thiền sư Thích Thiên Ân với công trình Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Nhà xuất bản Phương<br />
Đông ấn hành năm 1965 tại Sài Gòn; G.B Sansom với Lược sử văn hoá Nhật Bản gồm 2 tập, Nhà<br />
xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1989, 1990; George Sansom với Lịch sử Nhật Bản, 3 tập,<br />
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1994 và 1995; Kitagawa với công trình Nghiên cứu<br />
tôn giáo Nhật Bản, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, (2002); Giác Dũng với công trình Lịch sử<br />
Phật giáo Nhật Bản, Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 2002; Murakami Shigeyoshi với tác<br />
phẩm Tôn giáo Nhật Bản, Nhà xuất bản Tôn giáo phát hành năm 2005; Nguyễn Thanh Tuấn với<br />
tác phẩm Phật giáo với văn hoá Việt Nam và Nhật Bản qua một cách tham chiếu, Viện Văn hóa<br />
và Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa ấn hành năm 2009... Những tác giả trên trong các công trình<br />
của mình đã đề cập và phân tích đến nhiều vấn đề khác nhau song chưa có công trình nào đi sâu<br />
tìm hiểu một cách hệ thống về con đường và cách thức du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản trong<br />
thời Cổ - Trung đại. Trong bài báo này, tác giả bài viết sẽ tập trung phân tích để làm sáng tỏ<br />
vấn đề con đường và cách thức du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản trong thời Cổ - trung đại.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Con đường du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản<br />
Trong việc du nhập văn hóa nói chung và tôn giáo nói riêng (trong đó có Phật giáo), con<br />
đường du nhập có vai trò rất quan trọng bởi nó sẽ quy định nhân tố được du nhập đến từ đâu và do<br />
vậy sẽ có ảnh hưởng đến nhiều mặt đối với nhân tố được du nhập. Việc du nhập Phật giáo vào<br />
Nhật Bản cũng nằm trong quy luật này.<br />
Ngày nhận bài: 1/1/2018. Ngày sửa bài: 19/3/2018. Ngày nhận đăng: 29/3/2018.<br />
Tác giả liên hệ: Trần Nam Trung. Địa chỉ e-mail: halantrung@gmail.com<br />
<br />
140<br />
<br />
Sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thời cổ - trung đại<br />
<br />
Trong thực tế lịch sử, Phật giáo đã được du nhập đến Nhật Bản thông qua hai con đường, ứng<br />
với hai giai đoạn lịch sử khác nhau trong mối liên quan với các nhân tố khác như địa lí, chính trị,<br />
xã hội... Trong giai đoạn đầu (thế kỉ VI - thế kỉ VII), Phật giáo được du nhập đến Nhật Bản từ<br />
Triều Tiên; giai đoạn thứ hai (từ thế kỉ VII về sau), Phật giáo được du nhập trực tiếp vào Nhật Bản<br />
từ Trung Quốc. Vì Phật giáo Triều Tiên được truyền đến từ Trung Quốc nên khi được du nhập<br />
vào Nhật Bản thì dù là từ Triều Tiên hay Trung Quốc, về cơ bản đều là Phật giáo Đại thừa.<br />
Từ thế kỉ VII trở về trước, Phật giáo từ Triều Tiên được truyền bá đến Nhật Bản. Có nhiều lí<br />
do dẫn tới việc này. Trước tiên là ảnh hưởng của nhân tố địa lí. Trong khi khoảng cách từ Trung<br />
Quốc đến Nhật Bản là khá lớn (khoảng 800 km đường biển) thì nơi gần nhất giữa Nhật Bản với<br />
Triều Tiên chỉ khoảng 180 km, do vậy, việc đi lại giữa Nhật Bản với Triều Tiên thuận lợi hơn<br />
nhiều so với Trung Quốc. Sau nhân tố địa lí, quan hệ chính trị, ngoại giao là nhân tố rất quan<br />
trọng quyết định việc truyền bá Phật giáo từ Triều Tiên đến nước Nhật. Trong lịch sử Nhật Bản,<br />
từ thế kỉ IV, ảnh hưởng của nước này ở Triều Tiên ngày càng lớn khi chiếm được vùng đất<br />
Mimana (Nhậm Na) ở phía nam bán đảo Triều Tiên và thiết lập liên minh với Bách Tế, một trong<br />
ba nước thời Tam quốc ở đây. Trong khi đó, Phật giáo từ Trung Quốc đã được truyền bá đến<br />
Triều Tiên từ khá sớm. Theo ghi chép của cuốn Tam quốc sử ký thì Phật giáo từ Trung Quốc<br />
truyền đến Cao Cú Li (Goguryeo) thời vua Tiểu Thú Lâm Vương năm 372, đến Bách Tế (Baekje)<br />
thời vua Chẩm Lưu năm 384 và đến Tân La (Silla) thời vua Pháp Hưng Vương năm 528 [ 8;tr.57].<br />
Năm 538 (có tài liệu nói năm 552) vua Bách Tế (Baekje), để nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản đã<br />
cử sứ đoàn sang gửi biếu Thiên hoàng Nhật Bản một tượng Phật, một số bộ kinh kèm với một bức<br />
thư trong đó khuyên Nhật Bản nên tiếp nhận thứ tôn giáo này. Vua Bách Tế đã nhấn mạnh hai điểm<br />
trong thư gửi triều đình Nhật Bản khi dâng tặng tượng Phật: thứ nhất, học thuyết Phật giáo là khó<br />
hiểu; thứ hai, Phật giáo ban lộc và bình yên vô tận theo nghĩa là tất cả mọi điều người ta cầu xin<br />
Đức Phật đều sẽ được đáp ứng đầy đủ [5;tr.74]. Năm này được xem là mốc mở đầu của Phật giáo<br />
công truyền vào Nhật Bản. Một điều rất rõ là, so với Triều Tiên thì Nhật Bản thiết lập quan hệ<br />
ngoại giao với Trung Quốc sớm hơn nhiều (ngay từ thế kỉ I), nhưng Phật giáo lại không được<br />
truyền trực tiếp từ Trung Quốc đến nước Nhật. Có hai lí do có thể giải thích cho vấn đề này. Thứ<br />
nhất, khoảng cách 800 km đường biển giữa Trung Quốc với Nhật Bản là trở ngại lớn cho việc<br />
truyền bá tôn giáo. Thứ hai, và điều này quan trọng hơn là trong các thế kỉ IV đến thế kỉ VI, Trung<br />
Quốc đang trong tình trạng chiến tranh, loạn lạc, do vậy phải tập trung giải quyết các vấn đề trong<br />
nước để thống nhất quốc gia nên chưa có điều kiện để mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài (nhất là<br />
với một nước vừa nhỏ, vừa cách biệt như Nhật Bản). Có lẽ người Nhật đã biết đến Phật giáo từ thế<br />
kỉ IV hoặc V, vì lúc đó Phật giáo đã được truyền đến Cao Cú Li, Bách Tế và quan hệ của Nhật<br />
Bản với Bách Tế khá mật thiết. Tuy nhiên, đến thế kỉ VI, Phật giáo mới chính thức được giới<br />
thiệu đến Nhật Bản từ Bách Tế. Như vậy về mặt thời gian, so với nhiều nước khác ở châu Á thì<br />
Phật giáo đến Nhật Bản khá muộn. Mặt khác, nếu so với sự ra đời của nhà nước Nhật Bản thống<br />
nhất thì thế kỉ VI lại là mốc khá sớm của Phật giáo ở đây. Một điểm khác cần khẳng định là, từ thế<br />
kỉ IV đến thế kỉ VI, ảnh hưởng của Phật giáo ở Ấn Độ ngày càng giảm dần và việc truyền bá Phật<br />
giáo ra nước ngoài cũng hầu như chấm dứt nên dường như trong thời cổ, trung đại, người ta<br />
không thấy nhà sư Ấn Độ nào đến Nhật truyền bá tôn giáo và ngược lại, các nhà sư Nhật cũng<br />
chưa từng đến quê hương của Phật giáo để học hỏi giáo pháp. Điều này khác biệt hoàn toàn so<br />
với trường hợp của Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Từ cuối thế kỉ VI,<br />
do những biến động ở Triều Tiên, Trung Quốc cũng như trong nước, Nhật Bản đã thay đổi chính<br />
sách trong quan hệ với các nước này. Sau khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc, Nhật Bản đã chủ<br />
động trong việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao chính thức với nhà Tùy và từ đây mở ra thời kỳ du<br />
nhập Phật giáo trực tiếp từ Trung Quốc mà không phải qua trung gian là Triều Tiên nữa. Có thể<br />
nói, trong các thế kỉ VI, VII, VIII, sự lớn mạnh cùng nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc tạo ra<br />
sức thu hút mạnh mẽ với Nhật Bản, trở thành hình mẫu lí tưởng của đảo quốc này. Thế kỉ VII trở<br />
141<br />
<br />
Tràn Nam Trung<br />
<br />
thành một mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn du nhập Phật giáo trực tiếp từ Trung Quốc vào<br />
Nhật Bản. Việc du nhập này còn kéo dài trong nhiều thế kỉ tiếp theo và để lại những ảnh hưởng<br />
sâu sắc trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội cũng như tôn giáo Nhật Bản thời trung đại.<br />
<br />
2.2. Cách thức du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản<br />
Có thể nhận thấy ở các giai đoạn khác nhau thì mức độ chủ động hay bị động trong du nhập<br />
Phật giáo vào Nhật Bản có thể cao thấp khác nhau, song cách thức du nhập thì về cơ bản không có<br />
những thay đổi lớn: hoặc Phật giáo được các nhà sư Triều Tiên, Trung Quốc truyền đến hoặc các<br />
nhà sư Nhật Bản được gửi sang Triều Tiên, Trung Quốc học tập, nghiên cứu Phật giáo ở đây sau<br />
đó về nước truyền bá tôn giáo này.<br />
Trong giai đoạn du nhập Phật giáo từ Triều Tiên, vai trò chủ động lúc đầu thuộc về phía<br />
Triều Tiên. Sự kiện vua Bách Tế tặng Thiên hoàng Nhật Bản tượng Phật, kinh luận cùng lời<br />
khuyên nên theo tôn giáo này đã chứng tỏ điều đó. Sau khi được giới thiệu đến Nhật Bản, tôn giáo<br />
này cũng không phải ngay lập tức được triều đình chấp nhận. Lúc đầu, việc thờ cúng tượng Phật<br />
chỉ được giao cho dòng họ Soga, thậm chí do sự công kích từ các dòng họ lớn khác khi nước Nhật<br />
bị bệnh dịch hoành hành, Thiên hoàng đã ra lệnh cấm tin theo Phật giáo và tiến hành đốt chùa,<br />
phá tháp, quăng tượng Phật xuống kênh rạch [1;tr.48]. Phải đến sau năm 587, khi dòng họ Soga<br />
đánh bại dòng họ Mononobe thì Phật giáo mới có vị trí chính thức ở Nhật Bản. Khi Soga Umako<br />
lập kế hoạch xây dựng chùa Pháp Hưng (Hokoji), sau này đổi thành chùa Phi Điểu (Asukaji), phía<br />
Bách Tế đã cử các sư Huệ Tổng, Linh Cân mang xá lợi Phật sang tặng, sau đó lại gửi tiếp các sư<br />
Linh Chiếu, Linh Oai, Huệ Chúng, Huệ Túc, Đạo Nghiêm...cùng với các thợ dựng chùa, thợ ngói,<br />
thợ vẽ sang Nhật để thúc đẩy Phật giáo phát triển. Năm 596, khi chùa Pháp Hưng xây dựng xong,<br />
hai nhà sư Tuệ Từ đến từ Cao Cú Ly và Tuệ Thông đến từ Bách Tế đã được mời về chùa và trở<br />
thành thầy của Thái tử Shotoku [1;tr.51]. Ni Thiện Tín được xem là người Nhật Bản đầu tiên xuất<br />
gia đi tu năm 587 và đã học giới luật tại Bách Tế hơn một năm vốn là người di cư gốc Triều Tiên.<br />
Ngôi chùa Pháp Long (Horyuji) nổi tiếng ở Nara là do kiến trúc sư người Bách Tế xây dựng. Bức<br />
tượng Quán Thế Âm bằng gỗ trong chùa này được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật danh giá<br />
của nền mỹ thuật Phật giáo Nhật Bản cũng do các nhà điêu khắc Bách Tế tạo dựng nên được gọi<br />
là Kudara Kannon(Bồ tát Quán Thế Âm Bách Tế) [8;tr.79]. Trong các thế kỉ VII, VIII tuy không<br />
còn nhiều như trước nhưng một số nhà sư từ Triều Tiên vẫn tiếp tục sang Nhật Bản truyền bá Phật<br />
giáo, thậm chí sáng lập các tông phái ở đây. Nhà sư Huệ Quán, người Triều Tiên đã có công trong<br />
việc truyền bá dòng thứ nhất của Tam Luận tông và Thành Thật tông vào Nhật Bản năm 625<br />
[1;tr.83-121]. Ngài Thẩm Tường, vị tăng người Tân La sang Nhật chính là thầy của ngài Lương<br />
Biện, sơ tổ Hoa Nghiêm tông của Nhật Bản [1;tr.89]. Có thể nói, trước khi Nhật Bản có sự liên hệ<br />
trực tiếp với Trung Quốc, Triều Tiên chính “là nơi cung cấp chư tăng hoằng đạo tại Nhật, là nơi<br />
tăng ni Nhật Bản đến tham học Phật pháp” [8;tr.79].<br />
Từ cuối thế kỉ VI, khi Thái tử Shotoku trở thành Nhiếp chính đại thần thay mặt Thiên hoàng<br />
điều hành đất nước thì việc du nhập Phật giáo vào Nhật Bản đã có sự thay đổi căn bản. Sau khi<br />
nhà Tùy thống nhất Trung Quốc và quan hệ hai nước được thiết lập trở lại, quá trình du nhập Phật<br />
giáo trực tiếp từ Trung Quốc vào Nhật Bản cũng được đẩy mạnh. Chính quyền Nhật Bản đã chủ<br />
động cử các học vấn tăng theo các đoàn ngoại giao sang học tập, nghiên cứu Phật giáo tại Trung<br />
Quốc. Các học vấn tăng này sau đó về nước và đã có đóng góp to lớn đối với việc phát triển Phật<br />
giáo tại Nhật Bản. Sau khi Thái tử qua đời, việc chủ động cử các học vấn tăng sang học tập tại<br />
Trung Quốc tiếp tục được chính quyền Nhật Bản thực hiện cho đến cuối thế kỉ IX, khi nhà Đường<br />
suy yếu. Do việc chủ động du nhập Phật giáo Trung Quốc vào trong nước nên đến thời Nara, ở<br />
Nhật Bản đã xuất hiện sáu tông phái Phật giáo, được gọi là Nam đô Lục tông. Trong sáu tông phái<br />
này, ngoại trừ dòng thứ nhất của Tam Luận tông và Thành Thật tông do nhà sư người Triều Tiên<br />
truyền bá, còn lại đều do các nhà sư Nhật Bản du học ở Trung Quốc về nước thành lập. Tất cả các<br />
học vấn tăng này đều do triều đình cử và đi theo các phái bộ ngoại giao của Nhật khi có đoàn đi<br />
142<br />
<br />
Sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thời cổ - trung đại<br />
<br />
sang Trung Quốc.<br />
Tam Luận tông Nhật Bản có 3 dòng truyền thừa thì dòng thứ hai và thứ ba do các nhà sư<br />
người Nhật là Trí Tạng và Đạo Từ truyền bá.<br />
Pháp Tướng tông ở Nhật có 4 dòng truyền thì tất cả đều do các nhà sư Nhật du học ở Trung<br />
Quốc về truyền bá: dòng thứ nhất do ngài Đạo Chiêu, sang Trung Quốc thọ giáo nhà sư Huyền<br />
Trang năm 653, về nước năm 661; dòng thứ hai do Trí Thông và Trí Đạt đến Trung Quốc năm<br />
658, theo học nơi ngài Huyền Trang và Khuy Cơ thực hiện; dòng thứ ba do các sư Trí Phượng, Trí<br />
Loan, Trí Hùng đến Trung Quốc học tập năm 703 sau đó về nước thực hiện; dòng thứ tư do sư<br />
Huyền Phương, đến Trung Quốc năm 717, về nước năm 735 truyền bá [1;tr.83 -84].<br />
Câu Xá tông Nhật Bản thành lập bởi sự truyền bá của Trí Thông, Trí Đạt năm 658 và Huyền<br />
Phương năm 735. Cả ba nhà sư này đều là các học vấn tăng từ Trung Quốc trở về.<br />
Hoa Nghiêm tông của Nhật Bản ra đời gắn với công lao của sư Lương Biện, mặc dù ông<br />
không sang Trung Quốc du học nhưng đã thọ giáo nơi ngài Thẩm Tường, học trò của Pháp Tạng,<br />
sơ tổ đích thực của Hoa Nghiêm tông Trung Quốc.<br />
Từ thế kỉ VII đến thế kỉ IX, các tư liệu lịch sử ghi nhận việc nhiều học vấn tăng được gửi đi<br />
cùng với các đoàn ngoại giao Nhật Bản sang Trung Quốc. Theo thư của Thái tử Shotoku gửi<br />
Hoàng đế nhà Tùy thì trong sứ đoàn đến nhà Tùy năm 607 có vài chục sa môn đã được gửi sang<br />
để học thêm giáo lí cao thâm của Phật pháp [18;tr.38]. Trong phái đoàn ngoại giao năm 653 có 15<br />
vị học tăng được gửi đi. Lần tiếp theo có 6 vị trong đó có Đạo Chiêu, Đạo Quang, Huệ Thí, Biện<br />
Chính và những vị này đều được đứng vào hàng Tăng Cang. Năm 702, các sư Đạo Từ, Trí<br />
Phượng, Trí Hùng, Trí Loan được cử đi cùng sứ bộ ngoại giao. Sau đó, trong hai lần phái sứ đoàn<br />
tiếp theo, các sư như Huyền Phương, Vinh Duệ, Phổ Chiếu cũng được gửi đi cùng [1;tr.124-125].<br />
Cuối thời Nara, khi sáu tông phái Phật giáo cũ lâm vào trì trệ, để đổi mới Phật giáo, các nhà<br />
sư tiếp tục được chính quyền Nhật Bản cử sang Trung Quốc để học hỏi Phật pháp ở đây. Hai nhà<br />
sư Tối Trừng (Saicho) và Không Hải (Kukai) đều là những học vấn tăng do triều đình cử đi Trung<br />
Quốc du học. Sau khi về nước, Tối Trừng đã thành lập ra Thiên Đài tông, một tông phái có thế lực<br />
cũng như ảnh hưởng lớn tới nhiều tông phái Phật giáo Nhật Bản sau này. Cơ sở chính của Thiên<br />
Đài xây dựng trên núi Tỉ Duệ và Tỉ Duệ sơn trở thành cội nguồn của các giáo phái chủ yếu của<br />
Phật giáo Nhật Bản [6;tr.58]. Nhà sư Không Hải, sau hai năm tu học với sư Huệ Quả của chùa<br />
Thanh Long, năm 806 về nước lập ra Chân Ngôn tông. Ông cũng được xem là vị tổ thứ 8 của<br />
Chân Ngôn tông Trung Quốc. Bên cạnh số lượng đông đảo các học vấn tăng Nhật Bản được chính<br />
quyền chủ động gửi sang Trung Quốc du học, không ít các nhà sư Trung Quốc đã sang Nhật Bản<br />
để hoằng dương Phật pháp trong thời kỳ này. Những nhà sư này hoặc là được chính quyền Nhật<br />
Bản mời sang hoặc tự nguyện sang do nhiệt tâm của họ. Trong số các nhà sư Trung Quốc sang<br />
Nhật truyền bá Phật pháp, tiêu biểu nhất là tấm gương của nhà sư Giám Chân (Ganjin). Theo lời<br />
thỉnh cầu của nhà sư Vinh Duệ và Phổ Chiếu của Nhật Bản, Giám Chân đã cùng các đệ tử lên<br />
thuyền vượt biển đến Nhật để truyền bá Luật tạng. Đường đi gian khó và vô cùng nguy hiểm nên<br />
5 lần đầu đều thất bại. Đến lần thứ 6, sau 12 năm kể từ lần đầu vượt biển, năm 754 Giám Chân<br />
mới đến được Nhật Bản với đôi mắt mù lòa. Giám Chân trở thành sơ tổ của Luật tông Nhật Bản<br />
và từ đây chế độ chứng nhận tăng ni chính thức dựa trên giới điệp được ký bởi Tam sư Thất<br />
chứng thay thế cho giấy chứng nhận của triều đình được thiết lập [1;tr.100]. Nhìn chung, việc du<br />
nhập và truyền bá Phật giáo buổi đầu sau thế kỉ VII gắn với cả các nhà sư Nhật Bản và Trung<br />
Quốc, trong đó công lao lớn nhất vẫn thuộc về các nhà sư Nhật Bản. Thái độ tích cực, chủ động<br />
trong việc lựa chọn những người tài giỏi gửi sang Trung Quốc để học hỏi, tiếp thu nền văn hóa<br />
tiên tiến của nước này đã có ý nghĩa lớn đối với những chuyền biến của xã hội Nhật Bản. “Những<br />
thành quả về chính trị và kinh tế của những phái bộ ngoại giao này không mấy vĩ đại nếu so với<br />
ảnh hưởng và thành quả văn hóa. Tăng sĩ Phật giáo, các nhà học giả, văn nghệ sĩ, kỹ thuật gia<br />
thuộc mọi ngành đi theo phái đoàn ngoại giao đến Trung Quốc cư trú, học hỏi một thời gian rồi<br />
143<br />
<br />
Tràn Nam Trung<br />
<br />
trở về nước truyền bá tư tưởng, học thuật đã thâu hoạch được. Đây là một chương trình gửi sinh<br />
viên ra ngoại quốc du học được tổ chức có tầm cỡ lớn và có kế hoạch đầu tiên trên thế giới”<br />
[7;tr.109].<br />
Từ cuối thế kỉ IX, do sự khủng hoảng của nhà Đường, quan hệ ngoại giao Trung - Nhật cũng<br />
chấm dứt. Theo sử liệu thì đoàn Khiển Đường Sứ cuối cùng được Nhật cử đi năm 894 [4;tr.16].<br />
Từ cuối nhà Đường đến hết các triều đại Tống, Nguyên, không một đoàn ngoại giao chính thức<br />
nào được Nhật Bản cử sang Trung Quốc. Thời kỳ gián đoạn quan hệ ngoại giao giữa hai nước này<br />
được các nhà nghiên cứu xem là thời kỳ Nhật Bản đã dần thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa<br />
Trung Quốc để xây dựng nền văn hóa của riêng mình - thời kỳ định hình bản sắc văn hóa Nhật<br />
Bản. Tuy không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng việc buôn bán của thương nhân cũng<br />
như việc qua lại của sư tăng hai nước vẫn không ngừng diễn ra. Theo số liệu trong Lịch sử Thiền<br />
tông Nhật Bản của Ibuki Atsushi do Nguyễn Nam Trân biên dịch thì trong thời nhà Tống có hơn<br />
80 nhà sư Nhật Bản sang Trung Quốc và hơn 20 nhà sư Trung Quốc đến Nhật. Cũng theo tài liệu<br />
trên, thời Nguyên, số nhà sư Nhật đến Trung Quốc là hơn 200 người, trong khi số nhà sư Trung<br />
Quốc sang Nhật cũng khá đông, khiến cho Mạc phủ Kamakura nhiều khi muốn hạn chế. Thời<br />
Kamakura được xem là thời kỳ hình thành Phật giáo riêng của Nhật Bản (Phật giáo Nhật Bản)<br />
với sự xuất hiện của hàng loạt các tông phái Phật giáo mới như Tịnh Độ tông, Tịnh Độ Chân tông,<br />
Nhật Liên tông và hai nhánh của Thiền tông... Trong khi các tông phái khác do các nhà sư trong<br />
nước lập ra thì Lâm Tế tông và Tào Động tông được các nhà sư Nhật Bản đi du học bên nhà Tống<br />
trở về thành lập. Bên cạnh đó, các nhà sư Trung Quốc, đặc biệt là các nhà sư thuộc phái Thiền<br />
tông cũng tích cực đến Nhật Bản truyền bá giáo pháp nhà Phật. Trong thời Kamakura và<br />
Muromachi, nhiều Thiền tăng Trung Quốc đến Nhật đã được chính quyền Mạc phủ trọng dụng<br />
như Rankei Doryuu (Lan Khê Đạo Long), Mugaku Sogen (Vô Học Tổ Nguyên), Isan Ichinei<br />
(Nhất Sơn Nhất Ninh)...Những người này đã đóng góp cho sự phát triển của Thiền tông Nhật Bản.<br />
Trong thời Tokugawa, nhà sư Ẩn Nguyên Long Kỳ đến Nhật năm 1654 và đã sáng lập ra Hoàng<br />
Bá tông, nhánh thứ ba của Thiền tông Nhật Bản. Có thể thấy, việc du nhập Phật giáo từ Trung<br />
Quốc vào Nhật Bản từ sau khi nhà Đường sụp đổ đã có những sắc thái mới. Trong bối cảnh quan<br />
hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước tạm thời gián đoạn từ năm 894 đến năm 1371 thì việc cử<br />
các học vấn tăng theo các phái bộ ngoại giao cũng không còn được thực hiện. Tuy vậy, việc qua<br />
lại giữa các nhà sư hai nước vẫn được duy trì bởi tâm huyết của cá nhân các nhà sư ấy. Điểm mới<br />
cần nhấn mạnh ở đây là, trong thời kỳ này, tính chủ động và tự chủ của Nhật Bản trong việc học<br />
hỏi nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc nói chung, Phật giáo nói riêng không những được giữ<br />
vững mà còn được nâng cao hơn. Sự xuất hiện của Nhật Liên tông, một tông phái của riêng Nhật<br />
Bản cũng như việc những người đứng đầu các tông phái Phật giáo bắt đầu thể hiện các tư tưởng<br />
của chính họ bằng tiếng Nhật là những minh chứng cho điều này. Điều quan trọng ở đây là khi<br />
viết bằng tiếng Nhật, họ “là những người có thể đọc được văn bản tiếng Hán, đã chủ ý “giải thích<br />
sai” hoặc “đi trệch hướng” nghĩa gốc tiếng Hán” [3;tr.536]. Từ năm 1371, khi quan hệ ngoại<br />
giao của Nhật Bản với nhà Minh của Trung Quốc được nối lại thì việc qua lại giữa các nhà sư hai<br />
nước cũng có những điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc cử các học vấn tăng sang Trung<br />
Quốc không được tổ chức nữa. Sự suy yếu của chính quyền Mạc phủ Muromachi cùng tình trạng<br />
chiến tranh giữa các phe phái phong kiến là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này. Mặt<br />
khác, sự trưởng thành về mặt văn hóa của Nhật Bản nói chung và Phật giáo nói riêng khiến cho<br />
việc cử các đoàn học vấn tăng trở nên không còn cần thiết nữa. Chính sách này của Nhật Bản tiếp<br />
tục được duy trì đến cuối thời Tokugawa.<br />
Một điểm khác cần được khẳng định là trong quá trình du nhập và truyền bá Phật giáo ở Nhật<br />
Bản thì Phật giáo trước tiên được tiếp nhận bởi tầng lớp quý tộc trong triều đình sau đó mới có ảnh<br />
hưởng rộng trong tầng lớp bình dân. Điều này được minh chứng bằng sự ra đời của các tông phái<br />
Phật giáo ở Nhật Bản. Các tông phái Phật giáo trong thời Nara cùng với Thiên Đài tông và Chân<br />
144<br />
<br />