JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 110-115<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0017<br />
<br />
VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA PHẬT GIÁO<br />
TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI<br />
Trần Nam Trung<br />
<br />
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Thế kỉ VI được các nhà nghiên cứu xem là mốc Phật giáo chính thức du nhập<br />
vào Nhật Bản. Được sự nâng đỡ của chính quyền, Phật giáo đã phát triển nhanh chóng và<br />
thu hút được đông đảo các tầng lớp cư dân trong xã hội Nhật Bản. Sự phát triển mạnh mẽ<br />
của Phật giáo ở Nhật Bản là điều kiện thuận lợi để tôn giáo này không ngừng phát huy ảnh<br />
hưởng sâu rộng của nó trong đời sống chính trị Nhật Bản. Bài báo này sẽ phân tích để chỉ<br />
ra vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại.<br />
Từ khóa: Nhật Bản, thời kì cổ - trung đại, Phật giáo, vai trò và vị trí.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Nghiên cứu về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng ở Nhật Bản thời cổ - trung đại đã thu<br />
hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Qua các công trình ấy, các<br />
tác giả đã ít nhiều đề cập đến vai trò, vị trí của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng trong các<br />
lĩnh vực văn hóa, chính trị, tư tưởng... ở Nhật Bản. Nhà nghiên cứu I Shida Kazuyoshi khi đánh giá<br />
về vai trò của Phật giáo đối với văn hóa Nhật Bản cho rằng Phật giáo có vị trí còn lớn hơn cả Nho<br />
giáo và Âm dương đạo [2;122]. George Sansom ví Phật giáo như con chim thần kì mang đến đất<br />
Nhật những nhân tố mới mà tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc Nhật chưa đủ sức làm được [6;101].<br />
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kim nhìn nhận Phật giáo là phương tiện quan trọng nhất trong việc<br />
truyền tải văn minh Trung Hoa vào Nhật Bản [3;42]. Kitagawa trong công trình nghiên cứu về tôn<br />
giáo Nhật Bản bước đầu chỉ ra mối quan hệ và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật<br />
Bản [4;19].Tác giả Phan Hải Linh khi nghiên cứu về trang viên cho rằng Phật giáo đã trở thành<br />
một trong ba thế lực phong kiến lớn nhất trong xã hội Nhật Bản [5;78]. Tác giả Dương Ngọc Dũng<br />
nhận định mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị ở Nhật là sợi chỉ xuyên suốt minh họa cho sự<br />
hình thành bản lai diện mục của tất cả các tôn giáo ở đây [1;59]... Tuy nhiên, chưa có tác giả nào<br />
nghiên cứu một cách hệ thống về vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản<br />
thời cổ - trung đại. Trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, tác giả bài báo<br />
sẽ cố gắng làm rõ hơn vấn đề này.<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/12/2015. Ngày nhận đăng: 10/3/2016<br />
Liên hệ: Trần Nam Trung, e-mail: halantrung@gmail.com<br />
<br />
110<br />
<br />
Vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại<br />
<br />
Từ khi chính thức du nhập (thế kỉ VI) đến thế kỉ XIX, Phật giáo đã thiết lập mối quan hệ<br />
chặt chẽ với chính quyền Nhật Bản và để lại những ảnh hưởng nhiều mặt trong đời sống chính trị<br />
của quốc gia này. Thông qua việc tham gia vào đời sống chính trị đất nước, Phật giáo đã thể hiện<br />
vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Nhật Bản.<br />
Thứ nhất: Phật giáo là nhân tố quan trọng để thống nhất quốc gia và củng cố chính quyền<br />
phong kiến Nhật Bản trong những thời kì lịch sử nhất định. Vai trò này của Phật giáo nổi bật nhất<br />
trong các thế kỉ VI - VII, khi Nhật Bản đang cố gắng xây dựng một nhà nước phong kiến trung<br />
ương tập quyền theo mô hình Trung Quốc và thời Mạc phủ Tokugawa, khi Phật giáo được sử dụng<br />
như một phương tiện quan trọng để chống lại Thiên Chúa giáo và kiểm soát người dân một cách<br />
chặt chẽ. Sở dĩ Phật giáo trở thành nhân tố để thống nhất Nhật Bản là do bối cảnh lịch sử của nước<br />
Nhật cùng với sức mạnh tự thân của tôn giáo này quyết định. Vào thế kỉ VI, tổ chức bộ máy nhà<br />
nước của Nhật Bản còn hết sức lỏng lẻo mà bản chất chỉ là sự tập hợp của các tiểu quốc nhỏ. Trong<br />
khi đó, sức mạnh của Trung Quốc và các nước trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng khiến Nhật<br />
Bản vừa ngưỡng mộ, vừa lo ngại khi nhận thấy sự yếu kém của mình. Tín ngưỡng đa thần của các<br />
thị tộc lúc đó là cơ sở cho việc duy trì tình trạng phân tán và trở thành lực cản lớn đối với việc xây<br />
dựng nhà nước thống nhất tập quyền. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo cấp tiến đã nhận thấy:<br />
muốn thống nhất đất nước thì trước hết phải thống nhất về tín ngưỡng và Phật giáo với những ưu<br />
thế so với tín ngưỡng bản địa (tư tưởng triết lí sâu sắc, giáo lí kinh điển đồ sộ và lễ nghi hấp dẫn)<br />
đã được giới cầm quyền Nhật Bản lựa chọn trở thành chất keo để thống nhất tín ngưỡng khi đó.<br />
Việc du nhập Phật giáo vào Nhật Bản không những góp phần củng cố sự thống nhất tín ngưỡng<br />
quốc gia mà còn dẫn đến sự ra đời của nhà nước tập quyền theo mô hình Trung Quốc. Đây là sự<br />
kiện có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu bước chuyển đổi của mô hình nhà nước Nhật Bản từ liên minh<br />
của các tiểu quốc sang nhà nước tập trung thống nhất. Sau khi cải cách Taika được thực hiện năm<br />
646, cùng với Thần đạo và Nho giáo, Phật giáo tiếp tục được chính quyền ủng hộ và sử dụng như<br />
một phương tiện để củng cố sự thống nhất nhân tâm của cư dân trong nước. Các tông phái Phật<br />
giáo thời Nara, Heian; Thiền tông thời Kamakura đều trở thành Phật giáo trấn quốc, gắn bó và<br />
phục vụ cho chính quyền. Trong lịch sử Nhật Bản, chưa có thời kì nào mà Phật giáo lại gắn bó mật<br />
thiết đồng thời cũng bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ như thời Tokugawa. Với việc ban hành chế<br />
độ đàn gia (danka seido) quy định mọi người dân phải đăng kí hộ khẩu tại một ngôi chùa ở địa<br />
phương và vĩnh viễn không được rời bỏ nơi cư trú của mình nếu không được phép của vị sư Trụ trì<br />
ngôi chùa đó, Phật giáo đã bị Mạc phủ biến thành cánh tay đắc lực của nhà nước nhằm kiểm soát<br />
và khống chế người dân trong trật tự mà chính quyền mong muốn. Chế độ đàn gia là một trong<br />
những nhân tố đã góp phần duy trì, củng cố sự thống trị của chính quyền Mạc phủ Tokugawa trong<br />
gần 3 thế kỉ.<br />
Thứ hai: Phật giáo là một thế lực lớn, tham gia vào các cuộc đấu tranh để tranh giành<br />
quyền lực ở Nhật Bản. Cùng với sự hình thành và phát triển của chế độ phong kiến Nhật Bản, Phật<br />
giáo cũng không ngừng mở rộng ảnh hưởng và trở thành một thế lực phong kiến lớn. Chính sách<br />
nâng đỡ của nhà nước là một trong những nguyên nhân chính tạo điều kiện để Phật giáo tăng cường<br />
thế lực và can dự ngày càng sâu hơn vào các hoạt động của chính quyền. Sức mạnh của nhiều tông<br />
phái Phật giáo vốn bắt nguồn từ quyền sở hữu của nó đối với hệ thống trang viên rộng lớn. Ngay<br />
trong giai đoạn đầu hình thành chế độ trang viên ở Nhật Bản, các chùa lớn như Todaiji (Đông Đại<br />
tự), Daianji (Đại An tự), Horyuji (Pháp Long tự)... thông qua các con đường khác nhau đã nắm<br />
trong tay hàng loạt những trang viên lớn nhỏ. Theo nghiên cứu của Phan Hải Linh, chùa Đông Đại<br />
111<br />
<br />
Trần Nam Trung<br />
<br />
có hơn 100 sở lãnh với tổng diện tích hơn 4000 ha; chùa Đông có khoảng 70 sở lãnh, tổng diện<br />
tích hơn 2000ha; chùa Hưng Phúc có 150 sở lãnh, tổng diện tích khoảng 2700 ha [5;144]. Để bảo<br />
vệ trang viên của mình, các chùa đã tự vũ trang, làm xuất hiện tầng lớp tăng binh đông đảo. Tầng<br />
lớp này cùng với Samurai được xem là anh em song sinh trong lịch sử Nhật Bản thời trung thế. Số<br />
lượng tăng binh của các chùa lớn nhiều thời điểm lên đến hàng vạn người và thực sự là một đối thủ<br />
đáng gờm của cả triều đình, Mạc phủ cũng như các thế lực phong kiến hùng mạnh khác. Là một<br />
thế lực phong kiến lớn, trong bối cảnh xã hội Nhật Bản thường xuyên khủng hoảng, các tông phái<br />
Phật giáo đã bị lôi kéo vào trong vòng xoáy của các cuộc đấu tranh, xung đột để tranh giành quyền<br />
lực. Từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XVI, rất nhiều cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng Phật giáo<br />
với lực lượng của triều đình, Mạc phủ và giữa các tông phái Phật giáo với nhau đã xảy ra. Nhiều<br />
khi, với thế lực của mình, các chùa lớn đã buộc triều đình hay Mạc phủ phải nhân nhượng trước<br />
những yêu sách của nó. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp khác, triều đình hay Mạc phủ đã tấn<br />
công, đàn áp và gây ra rất nhiều tổn thất cho lực lượng của phía Phật giáo. Cũng cần lưu ý là, thông<br />
thường chỉ có các chùa sở hữu nhiều trang viên rộng lớn thì mới có đủ điều kiện để tự vũ trang,<br />
duy trì được một lực lượng tăng binh lớn và phát triển thành thế lực phong kiến. Các chùa thuộc<br />
loại này thường là của Thiên Đài tông, Chân Ngôn tông và Thiền tông. Tuy nhiên, nhiều chùa mặc<br />
dù không sở hữu các trang viên rộng lớn, nhưng do thu hút được đông đảo tín đồ (các chùa thuộc<br />
Tịnh Độ tông, Nhật Liên tông, Tịnh Độ Chân tông) nên thế lực cũng rất lớn. Sức mạnh cuộc nổi<br />
dậy Pháp Hoa của tín đồ Nhật Liên tông năm 1532 và cuộc nổi dậy Nhất Hướng của tín đồ Tịnh<br />
Độ Chân tông năm 1488 là những minh chứng tiêu biểu. Như vậy, nguồn sức mạnh của các tông<br />
phái Phật giáo có thể khác nhau, song Phật giáo Nhật Bản thời trung đại đã trở thành “một trong<br />
ba thế lực phong kiến lớn nhất trong xã hội mà các sử gia Nhật Bản thường gọi là Kemon (quyền<br />
môn)” [5;78]. Việc các thế lực Phật giáo tham gia trong các cuộc đấu tranh để tranh giành quyền<br />
lực khiến cho tình trạng bất ổn xã hội càng thêm trầm trọng. Từ khía cạnh này mà nói, Phật giáo<br />
Nhật Bản nhiều khi lại trở thành nhân tố mang tính tiêu cực đối với trật tự xã hội.<br />
Thứ ba: Cá nhân các nhà sư, thông qua hoạt động và mối quan hệ của họ có ảnh hưởng lớn<br />
đến đời sống chính trị đất nước. Ảnh hưởng của các tông phái Phật giáo trong đời sống chính trị<br />
trước hết thông qua hoạt động cụ thể của cá nhân các nhà sư của tông phái đó. Khi du nhập vào<br />
Nhật Bản, để có thể tồn tại và phát triển thuận lợi trong điều kiện Thần đạo đã có vị trí vững chắc<br />
thì sự nâng đỡ của nhà nước đối với Phật giáo có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn giành được sự ủng<br />
hộ từ chính quyền thì con đường gần nhất và hiệu quả nhất là thu phục lòng tin của giới cầm quyền.<br />
Các nhà sư Nhật ngay từ những buổi đầu, với tài năng và tâm huyết của mình đã làm rất tốt điều<br />
này. Nhờ sự ủng hộ của chính quyền, Phật giáo đã nhanh chóng có được vị trí chính thức ở Nhật<br />
Bản. Nhiều nhà sư được các Thiên hoàng, Tướng quân và các lãnh đạo cao cấp của chính quyền<br />
kính trọng và tin tưởng. Trong thời Asuka và Nara, các học vấn tăng được triều đình liên tục gửi<br />
sang Trung Quốc du học và khi về nước đã có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước<br />
và phát triển Phật giáo. Công lao của các nhà sư đối với đất nước đã được ghi nhận, bằng chứng<br />
là ngay từ thế kỉ VII, nhà nước đã coi Phật giáo là quốc giáo. Các nhà sư như Nguyên Phương,<br />
Đạo Kính trước khi phạm tội từng được triều đình trọng vọng và có ảnh hưởng lớn tới mức có thể<br />
khuynh đảo cả triều đình cuối thời Nara. Thời kì Heian, xuất hiện hai nhân vật có tầm ảnh hưởng<br />
rất lớn trong toàn bộ lịch sử Phật giáo Nhật Bản là Không Hải và Tối Trừng. Hai nhà sư này đều<br />
nhận được sự tin tưởng và kính trọng của các Thiên hoàng nên đã được phép lập ra Chân Ngôn<br />
tông và Thiên Đài tông, hai tông phái có thế lực và ảnh hưởng lớn trong hàng loạt tông phái Phật<br />
giáo Nhật Bản. Sau khi mất, hai ông được triều đình phong danh hiệu Đại sư, danh hiệu cao nhất<br />
và sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản. Thời Kamakura và Muromachi, các Thiền sư được<br />
giới võ sĩ trọng vọng. Nhiều Thiền sư tham gia vào việc hoạch định chính sách của chính quyền,<br />
112<br />
<br />
Vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại<br />
<br />
thậm chí trở thành cố vấn của Tướng quân, tiêu biểu như trường hợp của Thất Đế Đại Sư Mộng<br />
Song Sơ Thạch. Thời Tokugawa, mặc dù chính quyền đề cao Tống Nho hơn Phật giáo, nhưng ảnh<br />
hưởng của các nhà sư đối với giới lãnh đạo đất nước vẫn rất lớn. Các nhà sư Sùng Truyền, Thiên<br />
Hải đã tích cực tham gia các hoạt động chính trị, ngoại giao và được tôn xưng là Hắc Y Tể Tướng.<br />
Cũng có trường hợp, hoạt động của cá nhân nhà sư đã gây ra những tác động tiêu cực làm ảnh<br />
hưởng xấu tới hình ảnh của giới Phật giáo, song nhìn một cách tổng quát, các trường hợp tiêu cực<br />
chỉ là thiểu số. Trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản thời trung đại, có rất nhiều nhà sư đã trở thành<br />
tấm gương cho tinh thần xả thân vì đạo pháp và dân tộc. Bằng tài năng, tâm huyết của mình, các<br />
nhà sư ấy đã có ảnh hưởng lớn đối với bộ phận lãnh đạo đất nước, để lại những dấu ấn sâu sắc<br />
trong đời sống chính trị Nhật Bản thời phong kiến.<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại<br />
<br />
Trong đời sống chính trị Nhật Bản, sự gắn bó, kết hợp giữa Thần đạo, Phật giáo và Nho<br />
giáo rất chặt chẽ, vì thế để chỉ ra vị trí của Phật giáo thật không đơn giản và tất yếu phải đặt trong<br />
tương quan so sánh với Thần đạo và Nho giáo. Rõ ràng là trước khi Phật giáo, Nho giáo du nhập<br />
vào Nhật Bản, tín ngưỡng bản địa đã có vị trí rất quan trọng trong đời sống chính trị đất nước khi<br />
nó đề cao vai trò của dòng họ Thiên hoàng như là dòng họ có sứ mệnh vĩnh viễn cai trị thế gian với<br />
tư cách là hậu duệ của nữ thần Mặt Trời. Trong thực tế lịch sử, có nhiều thời điểm tuy Thiên hoàng<br />
không có thực quyền nhưng về nguyên tắc, địa vị chính thống của Thiên hoàng là không thể thay<br />
đổi. Vị trí của Thần đạo trong bộ máy chính quyền đạt đến đỉnh cao vào thế kỉ VII khi Jinggykan<br />
(Thần kì Quan), cơ quan phụ trách các nghi lễ Thần đạo được xếp ngang hàng với Daijokan (Thái<br />
Chính Quan, gồm 8 bộ, đảm đương việc chính sự), đây là điều mà cả Phật giáo hay Nho giáo chưa<br />
khi nào đạt tới. Tuy nhiên, cùng với sự suy yếu của nhà nước luật lệnh, địa vị của Thần kì Quan<br />
trong bộ máy chính quyền cũng suy giảm dần và sau đó bị loại bỏ. Cơ quan này chỉ được phục hồi<br />
trở lại khi cuộc duy tân Minh Trị diễn ra năm 1868. Trong khi đó, vị trí của Phật giáo trong đời<br />
sống chính trị Nhật Bản ngày càng gia tăng, nhất là từ thế kỉ VIII, khi tôn giáo này đạt tới vị thế<br />
như là quốc giáo của Nhật Bản. Khi Phật giáo, Nho giáo cùng nền văn hóa tiên tiến của đại lục<br />
truyền đến Nhật Bản, nó đã gây ra những biến động lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa,<br />
xã hội của quốc gia này. Cùng với Thần đạo, Phật giáo và Nho giáo được tiếp nhận để tạo ra cấu<br />
trúc đa tôn giáo nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống chính trị trung ương tập quyền.<br />
Điều này được thể hiện rõ nét ngay trong Hiến pháp 17 điều của Thái tử Shotoku năm 604. Trong<br />
sự kết hợp này, nếu Thần đạo củng cố cho địa vị hợp pháp vĩnh cửu của Thiên hoàng, Nho giáo<br />
cung cấp tư tưởng trung quân và cấu trúc của bộ máy nhà nước tập quyền thì Phật giáo được xem<br />
là sức mạnh để bảo vệ cho sự trường tồn của quốc gia. Nhà nghiên cứu Kitagawa đã nhận thấy “tôn<br />
giáo Nhật Bản rốt cuộc cũng tìm kiếm một “mô hình thần quyền vĩnh cửu” từ một luận thuyết về<br />
thể chế xã hội, tôn giáo, xã hội, và văn hóa...” [4;19]. Ông cũng chỉ rõ, về vấn đề này trong lịch<br />
sử Nhật Bản có ba thuyết chính là thuyết Ritsuryo vào thế kỉ VII - VIII; thuyết Tokugawa (1603 1868); thuyết Minh Trị (1868 - 1945). Trong thuyết Ritsuryo, có ba nguyên lí cơ bản: thứ nhất, sự<br />
phụ thuộc tương hỗ giữa Vương pháp với Phật pháp. Thứ hai, thuyết lưỡng Thần đạo - Phật giáo;<br />
thứ ba, niềm tin các vị Thần của Nhật Bản là hiện thân của các Phật và Bồ tát Ấn Độ. Hệ thống luật<br />
lệnh này, theo Kitagawa, mặc dù phải trải qua một vài thay đổi về hình thức nhưng hệ tư tưởng của<br />
nó vẫn được duy trì cho đến cuộc chiến tranh Onin (1467 - 1477). Khác với quan điểm về vương<br />
quyền thần thánh theo Thần đạo của Ritsuryo, trong học thuyết Tokugawa, cơ sở của vương quyền<br />
là dựa trên những nguyên lí Tống Nho. Tuy nhiên, trong học thuyết này, nguyên tắc về cơ cấu gồm<br />
Thần đạo và Phật giáo vẫn hoạt động và quan điểm các Thần Nhật Bản là hiện thân của các vị<br />
Phật và Bồ Tát Ấn Độ vẫn được tôn trọng [7;23]. Mặc dù Tống Nho được xem là nguyên tắc chỉ<br />
113<br />
<br />
Trần Nam Trung<br />
<br />
đạo đường lối chính thức của quốc gia, song các tổ chức Phật giáo lại được chính quyền Tokugawa<br />
sử dụng như một lực lượng để kiểm soát dân chúng và bảo vệ cho chế độ. Khi cải cách Minh Trị<br />
diễn ra, biện pháp đầu tiên mà chính quyền tiến hành là giải tán mô hình lưỡng Thần - Phật già<br />
cỗi, tách Thần đạo ra khỏi Phật giáo và thành lập Thần đạo nhà nước. Đặc điểm của cải cách Minh<br />
Trị, theo Kitagawa “là kết hợp tạm thời ba yếu tố: (1) các giá trị và nguyên tắc Khổng giáo đã tạo<br />
ra tính hợp lí cho xã hội Tokugawa; (2) tư tưởng về Thiên hoàng thiêng liêng, dân tộc thần thánh,<br />
và sự thống nhất tổ chức hành chính tôn giáo và chính trị...; (3) tri thức và văn hóa mới du nhập<br />
từ phương Tây” [4;226]. Có thể thấy, cả Thần đạo, Phật giáo, Nho giáo đã gắn bó chặt chẽ với đời<br />
sống chính trị Nhật Bản trong nhiều thời kì lịch sử. Các nhân tố này vừa đấu tranh, vừa hợp tác,<br />
bổ sung cho nhau trong hệ thống chính trị quốc gia. Trong các nhân tố này, Thần đạo là tôn giáo<br />
gắn bó lâu dài và có vị trí quan trọng nhất trong đời sống chính trị Nhật Bản. Bên cạnh đó, Phật<br />
giáo và Nho giáo cũng nổi lên trong những thời kì nhất định. Không thể phủ nhận được một thực<br />
tế là việc tiếp nhận Phật giáo, Nho giáo đã dẫn đến sự chuyển đổi của mô hình nhà nước Nhật Bản<br />
trong các thế kỉ VI, VII. Mặt khác, từ thế kỉ VIII, khi nhà nước luật lệnh suy yếu thì vị trí ưu trội<br />
của Thần đạo cũng bắt đầu suy giảm và vị trí của Phật giáo dần được nâng cao. Từ thế kỉ VIII đến<br />
XIX, Phật giáo tỏ ra lấn lướt hơn Thần đạo trong các hoạt động có liên quan đến vấn đề chính trị.<br />
Điều này bắt nguồn từ sức mạnh bản thân của Phật giáo cũng như những biến động lịch sử đem<br />
lại. Đánh giá về vị trí của Phật giáo trong lịch sử Nhật Bản, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trung<br />
thế là thời kì của Phật giáo, điều này cũng đúng với vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị<br />
Nhật Bản. Từ thời Tokugawa, tuy Phật giáo vẫn gắn bó chặt chẽ với chính quyền và có được quyền<br />
lực lớn, nhưng vị trí của nó đã sụt giảm so với Tống Nho khi chính quyền Mạc phủ lựa chọn Tống<br />
Nho là hệ tư tưởng chính thống của nhà nước. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đánh giá, cận thế là thời<br />
kì của Tống Nho trong lịch sử Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng và chính trị. Như vậy,<br />
trong các thời kì lịch sử khác nhau, Thần đạo, Phật giáo và Nho giáo có những vị trí khác nhau<br />
trong đời sống chính trị Nhật Bản. Trước thế kỉ VI, vị trí độc tôn là của Thần đạo. Trong các thế<br />
kỉ VI, VII, Thần đạo vẫn có vị trí cao nhất trong bộ máy chính quyền, mặc dù Phật giáo và Nho<br />
giáo đã được tiếp nhận. Từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XVI, trong khi ảnh hưởng và vị trí của Thần đạo<br />
trong lĩnh vực chính trị bị suy giảm thì vị trí của Phật giáo lại được nâng cao và duy trì sự lấn lướt<br />
so với Thần đạo trong nhiều thế kỉ. Từ thế kỉ XVII, Tống Nho lại vươn lên chiếm vị trí cao nhất<br />
trong chính quyền Mạc phủ. Sự đảo lộn diễn ra vào cuối thế kỉ XIX khi cuộc Minh Trị duy tân tiến<br />
hành và vị trí cao nhất của Thần đạo lại được phục hồi. Điều đáng chú ý là, trong đời sống chính<br />
trị Nhật Bản, giữa Thần đạo, Phật giáo và Nho giáo đã từng diễn ra các cuộc đấu tranh, song các<br />
cuộc đấu tranh ấy không dẫn đến việc thủ tiêu một tôn giáo nào. Nét chủ đạo nổi lên vẫn là sự điều<br />
chỉnh và kết hợp nhằm bổ khuyết cho nhau của các tôn giáo để cùng tồn tại trong cấu trúc chính<br />
trị được chính quyền định hướng. Nếu “mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị trong lịch sử văn<br />
hóa Nhật Bản là sợi chỉ xuyên suốt minh họa cho sự hình thành bản lai diện mục của tất cả mọi<br />
tôn giáo phát triển trên đảo quốc Phù Tang” [1;59] thì Phật giáo chính là một phần quan trọng của<br />
sợi chỉ màu lấp lánh này.<br />
<br />
3.<br />
<br />
Kết luận<br />
<br />
Được sự ủng hộ của tầng lớp cầm quyền Nhật Bản, từ thế kỉ VI, Phật giáo đã chính thức<br />
được du nhập và nhanh chóng phát huy ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội Nhật Bản. Tồn tại<br />
và tác động tới xã hội Nhật Bản trong vòng 13 thế kỉ (tính từ thế kỉ VI đến thế kỉ XIX), Phật giáo<br />
đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống chính trị của xứ sở Phù Tang. Ảnh hưởng của Phật giáo<br />
trong đời sống chính trị Nhật Bản hết sức đa dạng và phức tạp, hàm chứa cả mặt tích cực lẫn mặt<br />
tiêu cực tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử, bản thân các tông phái hay cá nhân các nhà sư. Dù ảnh<br />
114<br />
<br />