intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính 3-4 tuổi dưới tác động của các biện pháp tổ chức trò chơi

Chia sẻ: Y Y | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

54
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Học ngôn ngữ nói là quá trình khó khăn đối với trẻ khiếm thính, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động để phát triển ngôn ngữ cho trẻ là rất cần thiết. Nghiên cứu này đã thực nghiệm sử dụng các biện pháp tổ chức trò chơi nhằm phát triển ngôn ngữ cho ba trẻ khiếm thính ở lớp mẫu giáo hòa nhập.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính 3-4 tuổi dưới tác động của các biện pháp tổ chức trò chơi

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0041 Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 3, pp. 170-176 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn SỰ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CỦA TRẺ KHIẾM THÍNH 3 - 4 TUỔI DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA CÁC BIỆN PHÁP TỔ CHỨC TRÒ CHƠI Bùi Thị Lâm Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Học ngôn ngữ nói là quá trình khó khăn đối với trẻ khiếm thính, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động để phát triển ngôn ngữ cho trẻ là rất cần thiết. Nghiên cứu này đã thực nghiệm sử dụng các biện pháp tổ chức trò chơi nhằm phát triển ngôn ngữ cho ba trẻ khiếm thính ở lớp mẫu giáo hòa nhập. Đây là những trẻ bị khiếm thính ở mức độ nặng, có sử dụng phương tiện trợ thính và được giáo dục theo phương thức giao tiếp bằng lời nói. Kết quả tác động trong vòng một năm đã cho thấy ngôn ngữ của cả ba trẻ đã có sự tiến bộ đáng kể ở các khía cạnh: nghe hiểu lời nói, vốn từ cơ bản, độ rõ ràng của lời nói, và sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Kết quả nghiên cứu này đã cung cấp minh chứng để khẳng định sự phù hợp và hiệu quả của các biện pháp tác động trong quá trình tổ chức trò chơi cho trẻ khiếm thính ở lớp mẫu giáo hòa nhập. Từ khóa: Trẻ khiếm thính, phát triển ngôn ngữ, trò chơi. 1. Mở đầu Mất thính lực có ảnh hưởng lớn đến việc học ngôn ngữ nói của trẻ khiếm thính. Hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ luôn là mục tiêu trọng tâm của các chương trình giáo dục cho trẻ khiếm thính lứa tuổi mẫu giáo. Trên thế giới, nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ và sử dụng các hoạt động khác nhau để phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính độ tuổi mẫu giáo đã được nhiều tác giả quan tâm như Kuder, S.J., Mary, P.M., Watkin, P. và cộng sự. . . [3, 4, 7]. Trong nghiên cứu của Yoshinaga-Itano, C., Mary, P.M, Nicholas, J.G và Geer, A.E [6, 4, 5] đã mô tả mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính, so sánh mức độ phát triển ngôn ngữ của các nhóm trẻ dựa trên các tiêu chí về thời điểm can thiệp sớm, sự tham gia của gia đình, chất lượng can thiệp sớm và sự hỗ trợ thính học. . . Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu về những tác động của việc tổ chức trò chơi đến mức độ phát triển ngôn ngữ. Ở Việt Nam, những nghiên cứu về ngôn ngữ của trẻ khiếm thính tuổi mẫu giáo vẫn còn hạn chế, đặc biệt là việc đi sâu nghiên cứu mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính ở từng độ tuổi. Nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Cơi [1] đã mô tả một số đặc điểm ngôn ngữ của trẻ khiếm thính độ tuổi mẫu giáo và gợi ý một số biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ song kết quả nghiên cứu đã được công bố khá xa hiện nay. Mặt khác, phương tiện hỗ trợ thính học cho trẻ khiếm thính đã có sự thay đổi rất nhiều trong những năm qua, đòi hỏi cần có những nghiên cứu trong điều kiện hiện nay để có bức tranh thực tế hơn về ngôn ngữ của trẻ khiếm thính. Tổ chức trò chơi cho trẻ, giáo viên sẽ sử dụng sức mạnh của những ý tưởng, hứng thú, và khả năng của trẻ để nâng cao việc học ngôn ngữ thông qua chơi. Nghiên cứu này trình bày các tiến Ngày nhận bài: 5/2/2016. Ngày nhận đăng: 24/4/2016. Liên hệ: Bùi Thị Lâm, e-mail: lambt@hnue.edu.vn 170
  2. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính 3- 4 tuổi dưới tác động của các biện pháp... bộ về ngôn ngữ mà trẻ khiếm thính đạt được thông qua quá trình tác động vào hoạt động chơi của trẻ ở lớp mẫu giáo hòa nhập nhằm chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp và tìm kiếm các minh chứng về mức độ phát triển ngôn ngữ mà trẻ khiếm thính có thể đạt được hiện nay. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Mô tả kết quả phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính 3-4 tuổi ở lớp mẫu giáo hòa nhập sau quá trình tác động của các biện pháp tổ chức trò chơi nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc đánh giá kết quả tác động và khẳng định tính hiệu quả của các biện pháp tổ chức trò chơi nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính. 2.2. Tiến trình nghiên cứu - Nhóm trẻ được nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành trên ba trẻ mẫu giáo khiếm thính 3- 4 tuổi ở ba lớp mẫu giáo hòa nhập trong trường mầm non. Cả ba trẻ này đều bị điếc ở mức độ nặng, có sử dụng phương tiện trợ thính và giáo dục theo phương pháp dùng lời nói. - Tiến trình tác động: Chương trình tác động được thực hiện liên tục trong một năm học với việc giáo viên lớp mẫu giáo hòa nhập phối hợp thực hiện ba nhóm biện pháp tổ chức trò chơi: nhóm các biện pháp chuẩn bị điều kiện bao gồm các biện pháp là lựa chọn và xây dựng trò chơi nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính, lập kế hoạch tổ chức cho trẻ chơi, xây dựng môi trường chơi phù hợp, giàu kích thích ngôn ngữ; nhóm biện pháp tổ chức hướng dẫn trẻ chơi bao gồm các biện pháp: điều chỉnh cách tổ chức hướng dẫn, sử dụng các kĩ thuật phát triển ngôn ngữ cho trẻ, sử dụng giao tiếp tổng hợp, khuyến khích trẻ tương tác, đánh giá kết quả chơi; nhóm biện pháp hỗ trợ tổ chức trò chơi bao gồm hai biện pháp là tích hợp sử dụng trò chơi trong hoạt động hỗ trợ cá nhân và hỗ trợ cha mẹ trẻ khiếm thính về tổ chức trò chơi. Đánh giá mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính trước và trong quá trình tác động sư phạm. 2.3. Phương pháp đánh giá mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ Phương pháp chủ yếu để đánh giá mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ trong nghiên cứu này là phương pháp nghiên cứu trường hợp và phương pháp lấy mẫu ngôn ngữ. Để khảo sát mức độ nghe hiểu lời nói và vốn từ cơ bản của trẻ, nghiên cứu này đã sử dụng Danh sách từ vựng trẻ em của Phạm Thuỳ Giang [2]. Đánh giá mức độ phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo khiếm thính 3- 4 tuổi ở lớp mẫu giáo hòa nhập dựa trên 4 tiêu chí sau: (1) Nghe hiểu lời nói: kiểm tra khả năng nghe hiểu lời nói của trẻ với 50 từ trong Danh sách từ vựng trẻ em, bao gồm đại diện các nhóm từ trong Danh sách từ vựng, kiểm tra cả khả năng nghe từ đơn lẻ và từ trong câu. (2) Vốn từ cơ bản của trẻ: quan sát, theo dõi và thống kê vốn từ của trẻ bao gồm những từ trẻ hiểu được, những từ hiểu và nói được theo Danh sách từ vựng trẻ em, bản đầy đủ 322 từ. (3) Độ rõ ràng của lời nói: đánh giá theo ba mức độ là hiểu được dễ dàng, chỉ hiểu được khi có tình huống và không hiểu được. (4) Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp phù hợp với bối cảnh chơi: đánh giá các biểu hiện là mức độ thường xuyên xuất hiện ngôn ngữ nói trong giao tiếp, khả năng diễn đạt bằng lời nói, và độ dài của câu nói. Kết quả đo các tiêu chí 1, 3, 4 được tính bằng điểm số, theo thang điểm 10, tiêu chí 2 được tính theo số lượng vốn từ cơ bản của trẻ. Sử dụng phần mềm SPSS để xử lí và kiểm định độ tin cậy của kết quả nghiên cứu thu được. 171
  3. Bùi Thị Lâm 2.4. Kết quả nghiên cứu và bình luận * Sự tiến bộ về ngôn ngữ của trẻ trong quá trình nghiên cứu Tổng hợp các kết quả nghiên cứu trên ba trường hợp qua ba lần đo dưới tác động của các biện pháp tổ chức trò chơi được thể hiện ở bảng 1. Bảng 1. Thống kê mô tả kết quả đánh giá mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ Điểm tiêu chí 2 Tháng Điểm Vốn từ Vốn từ Điểm Điểm tuổi tiêu chí 1 trẻ chỉ trẻ hiểu tiêu chí 3 tiêu chí 4 hiểu và nói N Hợp lệ (Valid) 9 9 9 9 9 N Khuyết thiếu 0 0 0 0 0 (Missing) Trung bình (Mean) 41.333 6.733 84.222 98.333 4.611 5.333 Sai số chuẩn của trung bình (Std. 1.333 .686 8.056 10.207 .285 .440 Error of Mean) Trung vị (Median) 41.000 6.400 100.000 102.000 4.500 5.000 Độ lêch chuẩn (Std. 4.000 2.059 24.170 30.622 .857 1.322 Deviation) Độ lệch .092 .309 -.406 .421 .134 -.370 (Skewness) Sai số chuẩn của độ lêch (Std. Error of .717 .717 .717 .717 .717 .717 Skewness) Độ nhọn (Kurtosis) -.321 -.616 -1.869 -.640 -.825 -.315 Sai số chuẩn ucar độ nhọn (Std. Error 1.400 1.400 1.400 1.400 1.400 1.400 of Kurtosis) Cực tiểu 35.00 3.60 48.00 60.00 3.50 3.00 (Minimum) Maximum (Cực 48.00 9.80 110.00 152.00 6.00 7.00 đại) Bảng thống kê mô tả trên tổng hợp điểm đánh giá ngôn ngữ của trẻ trong quá trình thực nghiệm tác động theo từng tiêu chí của cả ba trường hợp nghiên cứu. Điểm trung bình tất cả các tiêu chí đều đạt được trên mức độ trung bình. Tuy nhiên, sự dao động điểm số của các tiêu chí khá rộng, từ 3,6 đến 9,8 điểm ở tiêu chí 1, 48 đến 110 ở vốn từ trẻ chỉ hiểu, từ 60 đến 152 ở vốn từ trẻ hiểu và nói, từ 3,5 đến 6,0 ở tiêu chí 3 và từ 3 đến 7 ở tiêu chí 4. Kết quả này phản ánh mức độ phát triển ngôn ngữ đa dạng ở các trẻ khiếm thính khác nhau. Sự tiến bộ của các trẻ được nghiên cứu trong suốt quá trình tác động được mô tả cụ thể ở từng tiêu chí như sau: - Về khả năng nghe hiểu lời nói Đánh giá sự tiến bộ về khả năng nghe hiểu lời nói của các trường hợp nghiên cứu cho thấy các trẻ có tiến bộ đáng kể về khả năng nghe hiểu. Lần đánh giá đầu tiên các trẻ chủ yếu mới nghe 172
  4. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính 3- 4 tuổi dưới tác động của các biện pháp... hiểu được từng từ, chỉ có trường hợp 2 là có thể hiểu được các câu đơn giản. Cuối giai đoạn nghiên cứu các trẻ đã có thể nghe hiểu khá tốt các từ đơn lẻ, nghe hiểu được các câu nói có 1- 2 yêu cầu đơn giản như: “Nhặt quả bóng”, “Lấy hình vuông mang lại đây”, trường hợp 2 có thể nghe hiểu được những chỉ dẫn có 2- 3 yêu cầu như “Lấy cho cô hình vuông màu vàng” và điểm đánh giá tiêu chí này đạt 9,6 điểm. Tuy vậy, trong một số tình huống, giáo viên cần kết hợp thêm với cử chỉ hoặc hành động để giúp trẻ hiểu đúng. - Về vốn từ cơ bản Trong giai đoạn thực nghiệm vốn từ cơ bản của các trẻ đã tăng lên khá lớn cả những từ trẻ hiểu được và từ trẻ hiểu và nói được. Đến cuối giai đoạn nghiên cứu, các trẻ đã hiểu được phần lớn các từ trong danh sách từ vựng trẻ em và nói được hầu hết các từ thuộc nhóm từ chỉ các bộ phận trên cơ thể, các con vật quen thuộc (gà, bò, cá...), một số loại hoa quả, đồ dùng và phương tiện giao thông. Xem xét kĩ bảng đánh giá, chúng tôi nhận thấy, vốn từ của các trẻ chủ yếu là danh từ, động từ và tính từ rất ít. Đặc biệt một số tính từ gần nghĩa các trẻ chưa phân biệt được như nếu yêu cầu trẻ “lấy quả bóng to” thì trẻ thực hiện được nhưng nếu nói “lấy quả bóng lớn” thì trẻ chưa hiểu, một số tính từ như “xa” và “dài”, “nhiều” và “to” trẻ vẫn nhầm lẫn. - Độ rõ ràng của lời nói Kết quả đo lần 1, các câu nói của các trẻ phần lớn là câu có một từ và chỉ hiểu được khi có tình huống. Kết quả đo lần 2 và 3 đã có một số câu nói của các trẻ có thể hiểu được dễ dàng nhưng vẫn mới chỉ là những câu nói một từ như “mẹ” (khi hỏi bé “ai đi chợ?” bé trả lời “mẹ”, hoặc “con vịt” trong trò chơi Cùng vẽ tranh). Số lượng câu nói của trẻ mà người giao tiếp không hiểu được giảm dần qua các lần đo. Điểm đánh giá lần cuối giai đoạn nghiên cứu các trẻ đạt được có sự chênh lệch so với điểm đánh giá lần đầu. Mặc dù vậy điểm trung bình chung của cả 3 lần đo trong quá trình nghiên cứu của tiêu chí này vẫn đạt được thấp nhất (Mean= 4,611). Điều này phản ánh, để cải thiện độ rõ ràng trong lời nói của trẻ cần quan tâm đến chất lượng nghe qua phương tiện trợ thính, tăng cường các trò chơi luyện phát âm cũng như cần có một số hoạt động trị liệu ngôn ngữ và lời nói khác. Lời nói của các trẻ khó hiểu vì trẻ thường phát âm sai, âm phát ra không được rõ, khi nói các âm hay kéo dài và cường điệu hình miệng. Trong phát âm của các trẻ hầu hết các âm phát ra đều mất phụ âm đầu ví dụ: “tam giác” thành “am ác”, “con rùa” thành “con ùa”. Do khi nói trẻ bắt chước hình miệng của người lớn, nên trong lời nói của trẻ các phụ âm có phương thức phát âm giống nhau thường bị nhầm lẫn ví dụ: “mắt” thành “bắt”, “máy bay” thành “báy bay”, các thanh điệu cũng không được phân biệt bằng hình miệng, do đó bé hay bỏ dấu thanh ví dụ: “bảng” thành “bang”, “hà mã” thành “hà ma”. Trong quá trình phát âm, trẻ thường sử dụng giọng mũi, phát âm thường lấy hơi kéo dài, hay dồn âm và hay nhấn mạnh ở cuối mỗi từ. Điều này khiến cho trẻ gặp khó khăn khi nói câu dài và khó đạt được sự rõ ràng. - Về sử dụng ngôn ngữ trong quá trình chơi Kết quả đo tiêu chí sử dụng ngôn ngữ trong quá trình chơi ở các trẻ đã có sự thay đổi đáng kể sau quá trình nghiên cứu tác động. Trong đó mức độ thường xuyên xuất hiện ngôn ngữ trong giao tiếp của trẻ đã chuyển biến từ mức độ hiếm khi trẻ sử dụng lời nói sang mức độ thỉnh thoảng sử dụng lời nói (2- 4 lần sử dụng lời nói trong 15 phút chơi), trường hợp 2 đạt được mức độ cao nhất 4 lần giao tiếp bằng lời trong 15 phút chơi. Đến cuối giai đoạn nghiên cứu, cả 3 trẻ đã có thể diễn đạt được ý muốn của mình bằng lời nói kết hợp với cử chỉ điệu bộ và bé có thể nói được câu có 2 từ có 2- 3 tiếng như “Con uống”, “hoa màu đỏ”. Ở giai đoạn 3 của quá trình tác động, trẻ đã sử dụng được thành thạo mẫu câu có 2- 3 tiếng như “quả thanh long”, “màu da cam”, “chào cô Liên”, thỉnh thoảng sử dụng câu có 4 tiếng kết hợp 173
  5. Bùi Thị Lâm chỉ sự vật và đặc điểm như “quả táo màu đỏ”, ”xe màu da cam”... Đây cũng chính là sự tiến bộ đáng kể của các trẻ. Chính sự tiến bộ này đã khích lệ giáo viên thực hiện các biện pháp tác động cũng như gia đình trẻ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với giáo viên trong quá trình tác động giáo dục đến trẻ. * Kiểm định t mẫu cặp điểm trước và sau thực nghiệm tác động Để kiểm định sự thay đổi điểm trước và sau thực nghiệm của nhóm trẻ được nghiên cứu có ý nghĩa về mặt thống kê hay không, chúng tôi đã sử dụng kiểm định mẫu cặp (Paired-Samples T Test) kết quả thu được cho thấy có mối quan hệ tuyến tính giữa điểm trước và sau thực nghiệm của cả ba trẻ. Kiểm định các mẫu cặp cho thấy, trung bình của sự khác nhau giữa các cặp (Mean of Paired Differences) về điểm trước và sau thực nghiệm là -17,770. Một khoảng tin cậy 95% cho sự khác nhau giữa hai số trung bình biến thiên từ -28,230 đến -7,309. Trị số p-value (Sig.(2-tailed)) tương ứng với thống kê t-3,584 là có ý nghĩa (0,002 < 0,005) cho phép kết luận rằng có bằng chứng mạnh về sự tiến bộ có ý nghĩa về ngôn ngữ của các trẻ trước và sau thực nghiệm. Hay nói cách khác, ngôn ngữ của cả ba trẻ đã có sự tiến bộ có ý nghĩa. Song một câu hỏi khác đặt ra đối với kết quả đánh giá trên ba trẻ là liệu sự tiến bộ ở từng trẻ có giống nhau? So sánh kết quả phát triển ngôn ngữ của ba trường hợp nghiên cứu được thể hiện trong các biểu đồ 1 và 2. Biểu đồ 1. So sánh sự tiến bộ về ngôn ngữ của các trường hợp nghiên cứu ở tiêu chí 1, 3, 4 Nhìn vào các biểu đồ 1 và 2 chúng ta thấy, kết quả thực nghiệm đạt được ở ba trường hợp nghiên cứu không giống nhau. Trường hợp 2 (bé H.A) đạt được điểm số cao nhất ở tất cả các tiêu chí 1, 3 và 4. Bé K.N đạt được điểm số thấp nhất ở tất cả các tiêu chí. Vốn từ cơ bản của bé H.A cao hơn hẳn so với hai trường hợp còn lại. Vốn từ cơ bản của bé V.H và K.N không chênh lệch đáng kể. Kết quả này phản ánh sự đa dạng trong mức độ phát triển ngôn ngữ của TKT và đặc biệt vai trò quan trọng của yếu tố thính học trong hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ của TKT. Để kiểm định sự tiến bộ khác nhau giữa ba trường hợp nghiên cứu có ý nghĩa về mặt thống kê hay không, chúng tôi đã phân tích phương sai một yếu tố (One-way ANOVA) để kiểm định có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê hay không về điểm từng tiêu chí giữa ba trẻ được nghiên cứu. Kết quả phân tích cung cấp bằng chứng không có sự khác nhau có ý nghĩa giữa các trung bình điểm từng tiêu chí trong quá trình thực nghiệm giữa các trẻ được nghiên cứu. Từ kết quả kiểm định trên cho thấy, kết quả thực nghiệm ở ba trường hợp nghiên cứu có khác nhau nhưng khi kiểm định tính độc lập ở từng trường hợp nghiên cứu thì sự khác biệt này 174
  6. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính 3- 4 tuổi dưới tác động của các biện pháp... Biểu đồ 2. So sánh sự tiến bộ về ngôn ngữ của các trường hợp nghiên cứu ở tiêu chí 2 chưa có ý nghĩa thống kê. Điều này giúp củng cố thêm khẳng định về sự tiến bộ của mỗi trường hợp nghiên cứu là có ý nghĩa và những tiến bộ của các trường hợp nghiên cứu khá ổn định. Từ kết quả mô tả trên có thể rút ra một số nhận xét sau: - Cả ba trường hợp nghiên cứu đều được tác động bởi ba nhóm biện pháp và đều thể hiện rõ ràng sự phát triển ngôn ngữ theo hướng tích cực qua kết quả ba lần đo. - Nhìn chung điểm trung bình chung của kết quả thực nghiệm tác động thay đổi rõ rệt so với kết quả đo trước thực nghiệm ở cả 4 tiêu chí đo. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa điểm trước thực nghiệm và sau thực nghiệm ở mỗi tiêu chí là không đồng đều, trong đó tiêu chí độ rõ ràng của lời nói có sự chênh lệch thấp nhất. Điều này có thể lí giải được là để cải thiện độ rõ ràng trong lời nói của trẻ khiếm thính là một quá trình lâu dài thông qua quá trình luyện nghe cùng với một số hoạt động trị liệu lời nói khác khi trẻ ở độ tuổi lớn hơn. Mục tiêu của giai đoạn đầu trong sự phát triển lời nói cho trẻ khiếm thính là cung cấp những mẫu ngôn ngữ đúng cho trẻ để trẻ học tập và dần dần điều chỉnh sản phẩm phát ngôn của mình cho phù hợp với chuẩn ngôn ngữ được tiếp nhận. Kết quả này cũng khẳng định ngoài các trò chơi thông thường được sử dụng cho tất cả trẻ em, cần thay đổi điều chỉnh quá trình tổ chức để trẻ khiếm thính tham gia chơi được thì các trò chơi hỗ trợ cho các kĩ năng đặc thù hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ cần được tăng cường trong các hoạt động hỗ trợ cá nhân cho trẻ khiếm thính. Qua đó cũng thấy sự hợp lí của hệ thống các biện pháp mà chúng tôi đề xuất luôn nhấn mạnh cả những kĩ thuật tổ chức trò chơi chung cho tất cả trẻ em ở lớp mẫu giáo hòa nhập và kĩ thuật hỗ trợ cá nhân cho trẻ khiếm thính trong quá trình tổ chức trò chơi. - Điểm tổng hợp chung cả ba trường hợp nghiên cứu cho thấy, trẻ nào đạt điểm cao hơn thì cao ở tất cả các tiêu chí, ví dụ trường hợp bé H.A, tất cả các tiêu chí điểm bé đều cao hơn so với hai trường hợp còn lại, còn trẻ nào đạt điểm thấp thì tất cả các tiêu chí đều có điểm thấp hơn. Kết quả này cho thấy các yếu tố về khả năng nghe, vốn từ, độ rõ ràng trong lời nói, và việc sử dụng lời nói trong giao tiếp có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Sự tiến bộ ở tiêu chí này cũng có tác động đến các tiêu chí khác. - Sự tiến bộ khác nhau ở ba trường hợp nghiên cứu còn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa 175
  7. Bùi Thị Lâm tác động của các biện pháp có được thực hiện một cách đầy đủ và đúng đắn hay không. Chẳng hạn, đối với hai trường hợp bé V.H và H.A việc thực hiện biện pháp tích hợp trò chơi trong hoạt động hỗ trợ cá nhân cho trẻ khiếm thính được thực hiện khá tốt song trường hợp bé K.N thì các hoạt động hỗ trợ cá nhân cho bé được thực hiện không thường xuyên. Mặt khác, yếu tố hỗ trợ thính học cũng ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khiếm thính. Trong ba trường hợp nghiên cứu, bé H.A được cấy điện cực ốc tai đã có kết quả phát triển ngôn ngữ tốt hơn hẳn so với hai trường hợp còn lại. 3. Kết luận Phát triển ngôn ngữ nói là hành trình đầy khó khăn đối với trẻ khiếm thính. Kết quả thực nghiệm các biện pháp tác động trong quá trình tổ chức trò chơi đã cho thấy sự tiến bộ về ngôn ngữ của trẻ cả về khả năng hiều lời nói, vốn từ cơ bản, độ rõ ràng của lời nói và việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Kết quả nghiên cứu này là những minh chứng khoa học khẳng định hiệu quả tác động của các biện pháp tổ chức trò chơi nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính. Đồng thời, mở ra những hy vọng lớn hơn cho xu hướng phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ khiếm thính Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phạm Thị Cơi, 1988. Quá trình hình thành ngôn ngữ nói ở trẻ điếc Việt Nam, Luận án phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Hà Nội. [2] Phạm Thùy Giang, 2008. Danh sách từ vựng trẻ em Thích ứng từ MacArthur Bates Communicative Development Inventories. [3] Kuder, S.J., 2003. Teaching students with language and communication disabilities. Boston: Allyn and Bacon. [4] Mary, P.M., 2000. Early intervention and language development in children who are deaf and hard of hearing. Pediatrics, 106, 43-52. [5] Nicholas, J.G., Geer, AE, 2006. Effects of early auditory experience on the spoken language of deaf children at 3 years of age. Ear Hear, 27, 286- 298. [6] Yoshinaga-Itano, C., 2000. Successful outcomes for deaf and hard of hearing children. Seminars in hearing, Vol. 21, No. 4, 125-154. [7] Watkin, P. et al., 2007. Language ability in children with permanent hearing impairment: The influence of early management and family participation. Pediatrics, 120, 694-701. ABSTRACT Using games in development of language for 3-4-year-old children with hearing impairment Learning spoken language is challenging for children with hearing impairment, so assisting them with activities intended for their language development is indispensible. This experimental research was aimed at using games to develop language for 3 children with hearing impairment in an integrated preschool class. These children are characterized by severe hearing disability, wearing hearing aids, and being educated in verbal communication. As a result of one year’s modification of this type, the language of the subjects have been improved significantly in the comprehension of speech, basic vocabulary, speech clarity, and use of language for communication. The findings have shown evidence to reconfirm the appropriacy and effficacy of the modifications in the games for the said purpose. Keywords: Children with hearing impairment, language development, play. 176
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2