Sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các tác động đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng
lượt xem 1
download
Bài viết "Sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các tác động đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng" tập trung làm rõ các nội dung của Fintech và phân tích các tác động của nó tới hoạt động của hệ thống ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định sự hợp tác cùng phát triển giữa các công ty Fintech và hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các tác động đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng
- SỰ XUẤT HIỆN CỦA CÁC CÔNG TY CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH (FINTECH) VÀ CÁC TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TS. Nguyễn Thị Hiền1 Tóm tắt: Sự tăng trưởng nhanh của Fintech trong thời gian qua đã tác động và làm thay đổi sâu sắc toàn bộ hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Thuật ngữ Fintech, vì vậy, cũng trở nên phổ biến và thu hút nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Bài viết tập trung làm rõ các nội dung của Fintech và phân tích các tác động của nó tới hoạt động của hệ thống ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định sự hợp tác cùng phát triển giữa các công ty Fintech và hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Từ khóa: công nghệ tài chính, Fintech, Big Data, Blockchain, Neo-Bank, Sandbox… The rapid growth of Fintech in recent times has profoundly impacted and changed the entire business activities of the banking system. The term Fintech, therefore, has also become popular and attracted a lot of attention from researchers. The article focuses on clarifying the contents of Fintech and analyzing its impacts on the operations of the banking system. The research results also confirm that cooperation and development between Fintech companies and the commercial banking system will continue to be the main trend in the coming time. Key words: Fintech, Big Data, Blockchain, Neo-Bank, Sandbox… 1. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH (FINTECH) VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN Cuộc cách mạng công nghệ số, Internet và điện thoại di động thông minh diễn ra ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã tác động, làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn cầu. Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ đã đem lại những hiệu quả, thành tựu rõ rệt trong việc đa dạng hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tới tất cả các đối tượng khách hàng. Trên thực tế, việc áp dụng công nghệ nói chung trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIX với sự xuất hiện của công nghệ điện báo (telegraph) được ứng dụng trong các điện chuyển tiền xuyên Đại Tây Dương và tiếp tục thay đổi liên tục trong vòng hơn 1 thế kỷ vừa qua. Trong đó, Fintech trong 1 thập niên trở lại đây đã trở thành cụm từ phổ biến, lan tỏa sức ảnh hưởng vô cùng lớn tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ban đầu, Fintech chỉ được dùng để nói về khía cạnh kĩ thuật hay công nghệ máy tính mà một tổ chức tài chính, ngân hàng ứng dụng trong quá trình cung ứng dịch vụ của mình. Nhưng sau đó, từ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Fintech đã và đang trở thành trào lưu phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới với sự xâm nhập thị trường tài chính của các công ty công nghệ phi ngân hàng và ý nghĩa cụm từ này được mở rộng ra cho tất cả những tiến bộ về công nghệ trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả những đổi mới trong kiến thức và giáo dục về tài chính, ngân hàng bán lẻ, đầu tư và tiền kỹ thuật số... 1 Phó Viện trưởng Viện CLNH, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Email: hn210677@gmail.com.
- Phần 3: Khai thác tiềm năng và khơi thông động lực phát triển của Fintech tại Việt Nam 927 Các cột mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của lĩnh vực Fintech Mốc thời gian Sự kiện Năm 1865 Điện báo ảnh (pantelegraph) được phát minh bởi Giovanni Caselli, bắt đầu hoạt động giữa Paris và Lyon (Pháp). Điện báo ảnh được sử dụng phổ biến để xác nhận chữ ký trong các giao dịch ngân hàng. Năm 1866 Máy điện báo (telegraph) được ra mắt vào năm 1838, tiếp theo vào năm 1866 bằng cách lắp đặt thành công hệ thống cáp quang xuyên Đại Tây Dương, cung cấp cơ sở hạ tầng cho các hệ thống tài chính toàn cầu. Cuối những năm Những người tiêu dùng và thương nhân trao đổi hàng hóa bằng việc sử dụng tín dụng lần đầu tiên, dưới hình thức tấm 1800 phí (plates) và đồng tiền tín dụng (credit coins) Năm 1918 Dịch vụ huy động Fedwire được thành lập bởi các ngân hàng Cục Dự trữ Liên bang để chuyển tiền và kết nối 12 Ngân hàng Dự trữ thông qua việc sử dụng hệ thống điện báo bằng mã Morse Năm 1919 Nhà kinh tế học John Maynard Kenyes đã viết về mối liên hệ giữa tài chính và công nghệ trong cuốn sách “Những hậu quả về kinh tế trong hòa bình”. Năm 1950 Các thẻ tín dụng hiện đại được giới thiệu, bắt đầu với Câu lạc bộ Diners, được thành lập bởi Frank X. McNamara Năm 1960 Lần đầu giới thiệu hệ thống Quotron, hệ thống điện tử đầu tiên cung cấp thông tin thị trường chứng khoán cho các nhà môi giới thông qua các thiết bị máy tính. Năm 1966 Mạng lưới viễn thông toàn cầu được đi vào vận hành, cung cấp các thông tin cần thiết cho giai đoạn phát triển của công nghệ tài chính (fintech). Năm 1967 Ngân hàng Barclays (Anh) giới thiệu máy ATM đầu tiên, gọi là “thu ngân tự động - robot cashier”, cho phép các khách hành nhận tiền tại mọi thời điểm. Năm 1970 Trung tâm bù trừ thanh toán liên ngân hàng được thành lập để truyền và thanh toán lệnh bằng đô la Mỹ cho một số ngân hàng lớn trên thế giới. Năm 1971 Sàn chứng khoán quốc gia Nasdaq được thành lập ở Mỹ, đánh dấu sự kết thúc của việc chi hoa hồng cho các khoản chứng khoán cố định khi giao dịch (fixed securities commissions) Năm 1973 Đánh dấu sự ra đời của SWIFT, hệ thống được thiết lập nhằm giải quyết các vấn đề về giao dịch xuyên biên giới. Năm 1982 Sàn môi giới chứng khoán trực tuyến đầu tiên (E-Trade) được thành lập, thực hiện giao dịch điện tử lần đầu tiên bởi các nhà đầu tư cá nhân. Năm 1983 Ngân hàng điện tử được ra mắt ở Anh (lần đầu được thành lập ở Mỹ vào năm 1980 nhưng sau đó đã bãi bỏ vào năm 1983. Năm 1984 Sàn mua sắm trực tuyến đầu tiên – Jane Snowball, sử dụng hệ thống Gateshead SIS/Tesco để mua hàng hóa từ Tesco. Năm 1987 “Ngày đen tối Thứ Hai – Black Monday” về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán có ảnh hưởng đến toàn thế giới, đã cho thấy công nghệ có khả năng liên kết các thị trường trên thế giới. Năm 1998 Đa số các ngân hàng ở Mỹ giới thiệu dịch vụ Internet banking Năm 2009 Phiên bản đồng tiền ảo Bitcoin 1.0 và công nghệ chuỗi khối (blockchain) ra đời Năm 2011 Google cho ra mắt Ví Google cho phép người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh được trang bị chip giao tiếp trường gần (near-field communication chip) để thực hiện thanh toán. Năm 2015 Người khổng lồ công nghệ thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) được dẫn dắt bởi Jack Ma, cho phép người tiêu dùng xác thực các giao dịch thanh toán di động bằng cách nhận diện khuôn mặt bằng điện thoại di động. Nguồn: Douglas W. Arner et al 2016. Thuật ngữ “Fintech” là dạng rút gọn của cụm từ “Financial Technology” và cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chính xác nào về Fintech được đưa ra. Theo Uỷ ban Basel về Giám sát ngân hàng (BCBS), Fintech được hiểu là “sự đổi mới tài chính được thúc đẩy bởi công nghệ dẫn tới những mô hình kinh doanh mới, ứng dụng mới, quy trình xử lý mới, hoặc những sản phẩm mới có ảnh hưởng đáng kể lên các thị trường tài chính, định chế tài chính và việc cung ứng các dịch vụ tài chính”. Theo đó, thuật ngữ Fintech được sử dụng ở đây có hàm nghĩa rộng, mô tả những đổi mới sáng tạo được tiến hành bởi cả các ngân hàng truyền thống lẫn các tổ chức mới xuất hiện, các start-up hay là các công ty công nghệ lớn. Theo Dorfleitner và cộng sự (2017),
- 928 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM Fintech biểu thị các công ty hoặc đại diện của nó cung cấp các dịch vụ tài chính kết hợp với các công nghệ hiện đại và sáng tạo. Ủy ban ổn định tài chính (FSB, 2017) bàn về những hàm ý chính sách nhằm ổn định tài chính từ Fintech, Fintech được định nghĩa là sự đổi mới trong các dịch vụ tài chính được hỗ trợ bởi công nghệ dẫn đến các mô hình kinh doanh, các ứng dụng, quy trình hoặc sản phẩm mới có ảnh hưởng trọng yếu đến việc cung cấp dịch vụ tài chính. Định nghĩa này cũng được sử dụng bởi Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF, 2018) trong nghiên cứu xem xét toàn cảnh sự phát triển của Fintech ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi - Afghanista - Pakistan, Trung Á và Caucasas. Trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, Fintech đã tạo dựng nên một hệ sinh thái vận động xung quanh, với các nhân tố hoạt động tương hỗ lẫn nhau trong đó bao gồm 3 nhân tố chính là Chính phủ, định chế tài chính và các công ty Fintech. Nghiên cứu của công ty Strategy& (2016) đã cho thấy để phát triển một hệ sinh thái bền vững và thành công cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa ba (03) nhân tố này, trong đó: (i) Chính phủ tham gia trong hệ sinh thái Fintech với vai trò triển khai xây dựng khuôn khổ pháp lý và thực thi các chính sách quản lý nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của các công ty tài chính cũng như công ty công nghệ qua đó giúp cải thiện năng lực cạnh tranh tổng thể của quốc gia. (ii) Các định chế tài chính tham gia vào hệ sinh thái Fintech thông qua việc đầu tư hình thành các Công ty Fintech, tham gia hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp hỗ trợ sáng tạo của các Fintech Startup, hỗ trợ vốn cho các giải pháp Fintech hay đầu tư mạo hiểm vào các Fintech Startup, hợp tác nghiên cứu xây dựng và phát triển giải pháp công nghệ tài chính mới…. (iii) Các công ty Fintech tham gia vào hệ sinh thái Fintech thông qua việc đóng góp các giải pháp công nghệ mang tính đột phá và sáng tạo cho hệ sinh thái, giúp tăng cường các sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo tới các phân khúc thị trường tiềm năng và hưởng lợi từ việc tiếp cận tài chính và các chuyên gia thị trường. Hệ sinh thái Fintech rất quan trọng để ươm mầm những đổi mới sáng tạo về công nghệ nhằm tạo sự hiệu quả cho các hệ thống tài chính và thị trường tài chính, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng từ các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo. Một hệ sinh thái Fintech vững chắc có thể thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trên phạm vi rộng lớn hơn thông qua thu hút các nhân tài có nhiều hoài bão tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, kinh doanh ý tưởng sáng tạo. Các chủ thể cấu thành một hệ sinh thái Fintech Nguồn: Stategy&, 2016.
- Phần 3: Khai thác tiềm năng và khơi thông động lực phát triển của Fintech tại Việt Nam 929 Độ lan tỏa mạnh mẽ của Fintech ngày nay xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt các công nghệ mới như ứng dụng sổ cái phân tán (DLT), robot tư vấn (robo-advisor), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, giải pháp nhận diện khách hàng hiện đại… Mỗi loại công nghệ có tốc độ phát triển và quy mô ảnh hưởng khác nhau đến lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, một số lĩnh vực Fintech hứa hẹn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ hệ thống, tạo nên cuộc cách mạng số hóa cho ngành tài chính ngân hàng (như trường hợp của công nghệ Blockchain1). Fintech cũng làm thay đổi quan niệm cho rằng ngành dịch vụ tài chính là sân chơi của các định chế tài chính lớn với lợi thế về quy mô, mạng lưới, cơ sở khách hàng cùng nguồn lực dồi dào để phát triển ngay cả trong điều kiện kinh tế khó khăn. Sự khác biệt giữa Fintech và các ngân hàng truyền thống nằm ở chỗ: các Fintech sử dụng mô hình kinh doanh trực tuyến để tiếp cận tới thế hệ những người chịu tác động mạnh mẽ của công nghệ và các phân khúc khách hàng khác; trong khi các ngân hàng sử dụng công nghệ trực tuyến để cắt giảm chi phí hoạt động, thì các Fintech sử dụng mô hình trực tuyến để có thêm thị phần thông qua việc cung ứng trải nghiệm được điều chỉnh phù hợp cho người tiêu dùng với chi phí cố định thấp. Theo đó, ảnh hưởng của Fintech lên thị trường dịch vụ tài chính là khác nhau giữa các nước, phụ thuộc vào các rào cản quy định cùng hệ sinh thái Fintech ở mỗi quốc gia. 2. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC FINTECH TRÊN THẾ GIỚI Trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động đầu tư vào lĩnh vực Fintech trên toàn cầu. Theo thống kê của Fintech Global, sự gia tăng đầu tư vào Fintech đặc biệt mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2014 trở lại đây. Nếu như trong giai đoạn 2010 – 2013, lượng đầu tư vào Fintech giao động trong khoảng 2 – 4 tỷ USD thì đến năm 2018, lượng đầu tư vào Fintech đã tăng lên gấp 13 lần đạt 54 tỷ USD. Điều này cho thấy lĩnh vực này tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính đã thu hút được hơn 14 tỷ đô la vốn đầu tư mạo hiểm trong quý I năm 2023. Con số này khác xa so với mức của năm 2021 nhưng nhiều hơn so với hai quý trước. Tài trợ cho Fintech cho đến nay đang trên đà vượt qua năm 2020, mặc dù đã có xu hướng giảm trong năm 2021 và năm 2022 do tác động của dịch bệnh và những vấn đề bất ổn của kinh tế thế giới. Thống kê đầu tư vào Fintech trên toàn cầu theo quý giai đoạn 2016 – 2023 Nguồn: Dealroom.co 1 Blockchain (chuỗi khối) là cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.
- 930 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM Trong hoạt động ngân hàng, Fintech thâm nhập vào nhiều lĩnh vực, từ hoạt động cho vay, dịch vụ ngân hàng, quản trị rủi ro, đến các giao dịch tần suất cao, dữ liệu lớn. Phần lớn các khoản đầu tư này tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa vào nhỏ với hai lĩnh vực nổi bật là thanh toán và cho vay, những lĩnh vực vốn là thế mạnh của ngân hàng. Xu hướng và mức độ phát triển của Fintech tại các khu vực và trên thế giới cũng có sự khác nhau. Tuy vậy, có thể thấy rằng mặc dù ở các khu vực khác nhau với mức độ tiếp cận và chấp nhận thị trường khác nhau nhưng không thể phủ nhận rằng Fintech đã và đang dần tạo ra những tác động rất lớn tới thị trường ngân hàng và xu hướng phát triển ngành tài chính ngân hàng trong tương lai. Ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha đã tổng kết một số xu hướng phát triển chính của Fintech trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong thời gian tới sẽ đi theo hai hướng chính: Thứ nhất, Fintech sẽ ngày càng thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, trong đó bên cạnh những lĩnh vực truyền thống vốn là thế mạnh của ngân hàng là thanh toán và cho vay, Fintech sẽ tiếp tục phát triển sang những lĩnh vực có nhiều tiềm năng khác như dịch vụ chuyển tiền quốc tế, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng,… Thứ hai, Fintech sẽ tiếp tục đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới, nâng cao tiện ích cho người sử dụng cũng như mức độ bảo mật cho khách hàng. Ví dụ như, việc phát triển các công cụ tự phục vụ như Internet Banking và Mobile Banking; cung cấp các giải pháp số hóa cho ngành Ngân hàng; cung cấp các giải pháp về POS thế hệ mới như POS sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần NFC hoặc mã QR; cung cấp giải pháp công nghệ giúp tăng cường bảo mật khách hàng từ các hoạt động gian lận, làm giả tài khoản và ăn cắp thông tin; phát triển các giải pháp thanh toán ngang hàng và ví điện tử, sử dụng công nghệ phi tiếp xúc cho ví điện tử; áp dụng rộng rãi công nghệ Blockchain trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; sử dụng các công nghệ hiện đại và dữ liệu từ mạng xã hội để nâng cao các quyết định đầu tư;… Như vậy, có thể nhận thấy trong những xu hướng phát triển của Fintech trong thời gian tới sẽ tiếp tục chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của Fintech vào các lĩnh vực trong ngành Ngân hàng. Điều này có thể tạo ra những cơ hội cũng như những thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong quá trình phát triển dưới kỷ nguyên công nghệ 4.0. 3. FINTECH - NHỮNG CƠ HỘI, THÁCH THỨC ĐẶT RA ĐỐI VỚI HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VÀ XU HƯỚNG HÌNH THÀNH MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA FINTECH VÀ CÁC NGÂN HÀNG Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech trong thời gian qua có thể mang lại những lợi ích và rủi ro, thách thức đối với hệ thống ngân hàng. Fintech hiện đang có ảnh hưởng tới phần lớn các dịch vụ truyền thống mang tính cốt lõi của ngân hàng (như huy động vốn, cho vay và thanh toán) với hàng loạt công nghệ mang tính đột phá, hiện đại. Chính vì vậy, Fintech cũng chính là những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của ngân hàng, ảnh hưởng tới thị phần khách hàng của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, Fintech đặt ra thách thức lớn cho các tổ chức tài chính trong việc thay đổi để thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phải đặt mình trước yêu cầu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, không cản trở đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính. Tuy nhiên, xét một trên một khía cạnh khác, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và áp lực từ sự phát triển của các công ty Fintech cũng đang làm thay đổi dần cơ cấu tổ chức và hoạt động của một ngân hàng truyền thống. Với sự phát triển của các sản phẩm điện thoại thông
- Phần 3: Khai thác tiềm năng và khơi thông động lực phát triển của Fintech tại Việt Nam 931 minh và thiết bị di động đã làm thay đổi theo quen của người sử dụng trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng1. Chính sự thay đổi này sẽ khiến các ngân hàng phải định hình lại chiến lược phát triển của mình. Theo đó, trong tương lai, các ngân hàng sẽ có xu hướng giảm bớt số lượng chi nhánh, chuyển hóa dần vai trò của ngân hàng từ thực hiện giao dịch sang tư vấn, đồng thời hướng tới xây dựng mô hình ngân hàng số nhằm hướng đến cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho nhiều phân khúc khách hàng. Như vậy, nhờ sự phát triển của những công ty Fintech, hoạt động ngân hàng hứa hẹn sẽ có những thay đổi lớn cả về công nghệ lẫn dịch vụ khách hàng thông qua hai hình thức: thứ nhất, bản thân các ngân hàng sẽ tiến hành đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở công nghệ mới thay thế cho các hệ thống công nghệ đã cũ của ngân hàng cũng như hiện đại hóa các quy trình hoạt động hiện hành; thứ hai, các ngân hàng sẽ tiến hành liên kết, hợp tác với những công ty Fintech nhằm tận dụng những ưu thế sẵn có về công nghệ của những công ty này, nhằm hướng đến mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Hiện tại, mặc dù các ngân hàng có thể không thiếu tiềm lực để đầu tư vào cơ sơ hạ tầng ban đầu nhưng họ luôn có độ trễ nhất định trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động so với các ngành khác. Thực tế đó nếu không được nhanh chóng khắc phục thì chính nó sẽ trở thành lực cản vô hình cho khu vực ngân hàng trong việc tham gia sân chơi của hệ sinh thái hoạt động ngân hàng số - digital banking ecosystem. Để giải quyết vấn đề này, sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech dưới hình thức đối tác được xem là một chiến lược phù hợp. Trên thực tế, con số tăng trưởng về quy mô và số lượng của các Fintech trên thị trường tài chính toàn cầu từ năm 2015 đến nay (hiện tại có khoảng trên 2000 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech so với con số 800 doanh nghiệp của năm 2015) đã buộc các ngân hàng phải thay đổi sự nhìn nhận của mình đối với các đối thủ cạnh tranh để có nhưng thay đổi hợp lý trong phương thức kinh doanh, chiến lược phát triển. Hiện tại các ngân hàng đang có khuynh hướng chuyển từ phương thức cạnh tranh sang hợp tác với vai trò là đối tác.Về cơ bản mối quan hệ đối tác ở đây được tiến hành theo phương thức win – win, trong đó, các ngân hàng sẽ có thể ứng dụng, cập nhật ngay các công nghệ hiện đại, không cần bỏ ra quá nhiều chi phí cho cơ sở hạ tầng công nghệ ban đầu và có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của khách hàng cả về chất lượng, giá cả và độ tin cậy, trong khi đó các Fintech có thể khai thác được mạng lưới khách hàng, dữ liệu và nguồn vốn của ngân hàng. Theo báo cáo Fintech toàn cầu của PwC, hiện nay trung bình 45% số ngân hàng được hỏi trên toàn cầu đã có sự hợp tác với các công ty Fintech trong việc phát triển và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tăng cao hơn so với mức 32% của năm 2016. Mặc dù vậy, mức độ hợp tác có sự chênh lệch rõ rệt giữa các quốc gia, Đức đang dẫn đầu với tỷ lệ 70% trong khi đó Hàn Quốc ở mức thấp nhất là 14%. Cũng theo dự báo của PwC, trong tương lai, xu hướng hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng được dự báo tiếp tục gia tăng với ước khoảng trung bình 82% số ngân hàng trên toàn cầu sẽ có sự hợp tác với các công ty Fintech trong vòng 3 đến 5 năm tới. Việc hợp tác giữa ngân hàng và các công ty Fintech cũng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, 84% số người được phỏng vấn cho rằng hợp tác sẽ tập trung vào mảng thanh toán, tiếp đến là các lĩnh vực Theo thống kê của Accenture, hiện nay khách hàng chỉ tiếp xúc với ngân hàng 17 lần/tháng, trong đó tiếp xúc trực tiếp 1 với con người là 2 lần/tháng và 15 lần còn lại qua Internet Banking, Mobile Banking và các tài khoản mạng xã hội.
- 932 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM chuyển tiền, tài chính cá nhân, cho vay,… Bên cạnh đó, hơn một nửa các nhà lãnh đạo các công ty dịch vụ tài chính (FS) tin rằng nhân tạo Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra thay đổi lớn nhất trong cách cung cấp các dịch vụ tài chính. Công nghệ nào sẽ thay đổi cách thức cung cấp các dịch vụ tài chính Công nghệ truyền thông và các công ty viễn thông các công ty dịch vụ tài chính Nguồn: PwC Global Fintech Report 2019 Sự gia tăng của Fintech dẫn đến những cuộc chiến giành mối quan hệ với khách hàng cùng cơ sở dữ liệu của các công ty này. Kết quả của cuộc chiến này sẽ xác định tương lai của ngân hàng. Điểm then chốt nữa cần xem xét xung quanh những thay đổi về mô hình kinh doanh ngân hàng là giữa các ngân hàng truyền thống và các công ty Fintech, kể cả những công ty công nghệ Bigtech, đó là ai sẽ giữ vai trò là người sở hữu quan hệ khách hàng và ai chỉ là nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ cho các khâu xử lý hoạt động ngân hàng. Theo đó ai là người sẽ chịu trách nhiệm trước hết cho các dịch vụ ngân hàng lõi truyền thống trước đây, như cho vay, nhận tiền gửi, cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ đầu tư, quản lý rủi ro? Căn cứ vào các câu hỏi này, theo nghiên cứu của PwC (2016)1 có 05 mô hình ngân hàng được dự đoán sẽ phát triển với những kịch bản cụ thể dưới đây: Kịch bản 1: Hiện đại hóa và số hóa các dịch vụ hiện hành trong mô hình ngân hàng truyền thống (Better Bank) Các ngân hàng hiện hành sẽ số hoá và hiện đại hoá bản thân, đổi mới công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh nhằm giữ mối quan hệ với khách hàng và các dịch vụ ngân hàng lõi. Các công nghệ mới (bao gồm điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sổ cái phân tán) được đưa vào ứng dụng rộng rãi để cải thiện các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động ngân hàng hiện hành; điều mà nền tảng cơ sở hạ tầng hiện tại không thể làm được. Theo đó, các ngân hàng truyền thống có thể ứng dụng các xu hướng công nghệ sau: (i) Ứng dụng các công nghệ mới như sinh trắc học, video, chatbots, hoặc trí tuệ nhân tạo có thể giúp các ngân hàng đủ năng lực duy trì mối quan hệ khách hàng từ xa, trong khi vẫn bảo mật các giao dịch và giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố. (ii) Đổi mới dịch vụ thanh toán, mở rộng các dịch vụ thanh toán di động với sự hợp tác của bên thứ ba, tích hợp với nền tảng công nghệ hiện có của ngân hàng. Khách hàng có thể tin tưởng các ngân hàng hơn các công ty công nghệ trong việc cung cấp các dịch vụ thanh toán di động an toàn. 1 PWC 2016, Blurred lines: How Fintech is shaping financial services, Global Fintech Report
- Phần 3: Khai thác tiềm năng và khơi thông động lực phát triển của Fintech tại Việt Nam 933 (iii) Cung ứng các dịch vụ tư vấn tự động hoàn toàn hoặc một phần do robot đảm nhận, các công cụ quản lý tài sản số hoá và các dịch vụ bổ sung cho khách hàng nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trên các thị trường ngân hàng bán lẻ, giữ chân khách hàng cũ và hấp dẫn những người mới. (iv) Số hoá quy trình cho vay để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về thời gian, sự thuận tiện và chi phí khi ra quyết định cấp tín dụng. Việc số hoá đòi hỏi phải có giao diện, công cụ xử lý hiệu quả hơn, tích hợp với hệ thống cũ cùng hệ thống quản lý văn bản, cũng như các công cụ xác thực khách hàng và ngăn ngừa giả mạo. Điều này có thể thực hiện được thông qua sự phát triển nền tảng cho vay của bản thân ngân hàng, mua một hệ thống hiện có, hoặc thuê bên thứ ba cung ứng dịch vụ. Kịch bản 2: Phát triển ngân hàng theo mô hình mới thay thế ngân hàng truyền thống (New Bank) Các ngân hàng theo mô hình truyền thống không thể trụ được trước làn sóng công nghệ mới sẽ bị thay thế bằng một loại hình ngân hàng mới chịu sự chi phối của công nghệ, chẳng hạn như các neo-bank, hoặc ngân hàng do các công ty công nghệ lớn bigtech thành lập, với nền tảng ngân hàng số hoá cho toàn bộ dịch vụ. Các ngân hàng loại mới này ứng dụng những công nghệ tiên tiến để cung ứng các dịch vụ ngân hàng theo cách thức hiện đại với chi phí thấp. Những người chơi mới có thể xin cấp phép hoạt động ngân hàng theo các quy định cũ hiện hành và tự sở hữu mối quan hệ với khách hàng, hoặc có thể trở thành đối tác của các ngân hàng truyền thống. Neo-bank có thể sử dụng công nghệ nhằm cung ứng dịch vụ ngân hàng bán lẻ cho khách hàng thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) hoặc trên nền tảng internet giúp giảm chi phí cung ứng dịch vụ một cách đáng kể so với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, các neo-bank sẽ tìm kiếm chỗ đứng vững chắc trong khu vực ngân hàng với mô hình quan hệ khách hàng được hiện đại hoá và số hoá, thoát khỏi mô hình lấy chi nhánh làm trung tâm theo truyền thống. Các neo-bank không bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng cũ và có khả năng đưa công nghệ vào ứng dụng với chi phí thấp hơn, nhanh chóng hơn và trên nền tảng hiện đại hơn. Các neo-bank thường hướng tới khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ cung ứng các dịch vụ ngân hàng từ dịch vụ tài khoản vãng lai, thấu chi cho tới các dịch vụ rộng hơn như tài khoản tiền gửi thanh toán và tài khoản doanh nghiệp, thẻ tín dụng, tư vấn tài chính và cho vay. Họ mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng của mình thông qua các nhà cung ứng dịch vụ điện toán đám mây hay các hệ thống dựa trên giao diện chương trình ứng dụng API để tương tác tốt hơn thông qua nền tảng mạng trực tuyến, mạng di động hay mạng xã hội. Mô hình thu nhập sẽ dựa trên doanh thu từ phí và, ở một mức độ thấp hơn, là lãi suất, cùng với việc giảm thiểu chi phí và các phương thức khác nhau trong việc tiếp thị sản phẩm thông qua công nghệ dữ liệu lớn hoặc các phương thức phân tích dữ liệu tiên tiến. Ở nhiều quốc gia, các quy định pháp lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng cởi mở hơn đã hỗ trợ cho sự phát triển của loại hình ngân hàng này. Ở Châu Âu, các ngân hàng điện tử sẽ sớm có thể được phép truy cập dữ liệu khách hàng từ các ngân hàng truyền thống. Nhiều ngân hàng bán lẻ trên thế giới đã từ bỏ mô hình ngân hàng chi nhánh truyền thống để phát triển thành mô hình ngân hàng cung cấp dịch vụ trực tuyến thông qua các ứng dụng qua điện thoại thông minh. Ngân hàng điện tử thuần túy Ally lần đầu tiên được ra mắt ở Mỹ vào năm 2008, trong vài năm gần đây đã có hàng loạt những ngân hàng gia nhập vào xu thế này như ngân hàng Tandem, N26 và Fidor ở Châu Âu, ngân hàng Digibank ở Ấn Độ và ngân hàng B1NK ở Kazakhstan. Các ví dụ khác về loại hình ngân hàng này còn có Atom Bank và Monzo Bank ở Anh, Binq ở Hà Lan, WeBank ở Trung Quốc...
- 934 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM Kịch bản 3: Phân tán một số dịch vụ ngân hàng truyền thống sang cho các công ty fintech chuyên biệt thực hiện (Distributed Bank) Các dịch vụ ngân hàng sẽ được phân thành từng phần trong đó các ngân hàng truyền thống nắm giữ các dịch vụ cốt lõi để tồn tại. Các fintech hay bigtech (công ty công nghệ lớn) sẽ là người “lắp đặt và vận hành” giao diện khách hàng kỹ thuật số mà bản thân các giao diện này lại có thể thuộc sở hữu của người chơi khác trên thị trường. Một số doanh nghiệp mới xuất hiện cung cấp những dịch vụ đặc biệt mà không có ý định trở thành các ngân hàng đa năng hay ngân hàng bán lẻ. Họ chú trọng hơn vào các dịch vụ chuyên biệt mà không cố gắng cạnh tranh để giành toàn bộ mối quan hệ khách hàng. Việc sở hữu mối quan hệ khách hàng để cung ứng các dịch vụ ngân hàng lõi sẽ thuộc lĩnh vực cạnh tranh của ngân hàng cùng những người chơi khác trên thị trường. Trong kịch bản này, các ngân hàng và công ty fintech sẽ trở thành các đối tác. Để giữ chân khách hàng, các ngân hàng cũng sẽ đưa vào áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại do các nhà cung ứng dịch vụ bên thứ ba cung ứng. Khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ tài chính của nhiều nhà cung ứng thay vì gắn kết với một nhà cung ứng dịch vụ tài chính duy nhất. Với kịch bản này, việc sử dụng các giao diện chương trình ứng dụng mở sẽ ngày càng tăng, theo đó, những xu hướng chính sẽ là: (i) Đối tác cho vay chia sẻ các cổng platform của mình với các ngân hàng để tiếp thị các sản phẩm tín dụng, cũng như quy trình chấp thuận, cấp vốn và quản lý tuân thủ. Các cổng platform cho vay có thể cũng xin cấp phép, cho phép họ tiến hành kinh doanh mà không cần phải hợp tác với ngân hàng. (ii) Các dịch vụ thanh toán mới ra đời trong mối liên doanh, hợp tác giữa ngân hàng và các công ty fintech. Các ngân hàng chủ yếu hướng đến các giải pháp thanh toán di động cũng như các giải pháp kinh doanh khác dựa trên công nghệ sổ cái phân tán để thúc đẩy quy trình xử lý chuyển tiền giữa các ngân hàng trong hệ thống. (iii) Các dịch vụ tư vấn tự động hoặc tư vấn đầu tư tự động được các công ty fintech cung ứng thông qua một ngân hàng như một phần của hoạt động liên doanh, hợp tác với ngân hàng. Kịch bản 4: Ngân hàng thu hẹp hoạt động (Relegated bank) Trong kịch bản ngân hàng thu hẹp hoạt động, các ngân hàng truyền thống hiện hành trở thành các nhà cung ứng dịch vụ được thương mại hoá và chuyển giao các mối quan hệ khách hàng trực tiếp cho các nhà cung ứng dịch vụ tài chính khác như các công ty fintech hoặc bigtech. Theo đó, các công ty Fintech hoặc Bigtech sử dụng nền tảng công nghệ để tiếp cận khách hàng nhằm cung ứng các loại dịch vụ tài chính khác nhau từ những nhóm nhà cung ứng dịch vụ khác nhau. Ngoài ra, các fintech và bigtech có thể sử dụng các ngân hàng truyền thống để cung ứng các dịch vụ ngân hàng lõi như cho vay, nhận tiền gửi và những hoạt động ngân hàng khác (do các ngân hàng có các giấy phép hoạt động ngân hàng). Ngân hàng thu hẹp có thể có hoặc không có rủi ro của các hoạt động này trên bảng cân đối tài sản, tuỳ theo mối quan hệ hợp đồng với công ty fintech. Cho dù kịch bản này trước mắt chưa thể diễn ra, nhưng có một số ví dụ về các dịch vụ tài chính được chia thành nhiều phần, theo đó ngân hàng phải thu hẹp hoạt động của mình và chỉ cung ứng các dịch vụ chuyên biệt cho những người chơi khác đang sở hữu mối quan hệ khách hàng, cụ thể:
- Phần 3: Khai thác tiềm năng và khơi thông động lực phát triển của Fintech tại Việt Nam 935 (i) Sự gia tăng các cổng thanh toán dẫn đến sự ra đời của các loại hình ngân hàng cung ứng các hoạt động ngân hàng nội bộ hỗ trợ. Theo đó, các công ty fintech sẽ trực tiếp tham gia vào các mối quan hệ khách hàng và quản lý sản phẩm; các ngân hàng sẽ thực hiện xác thực khách hàng để cho phép hoặc không cho phép họ tiếp cận với tiền trong các thẻ thanh toán và tài khoản. (ii) Các nhà vận hành cổng platform cho vay trực tuyến đã trở thành các nhà cung ứng dịch vụ tài chính thông dụng và có thể mở rộng phạm vi dịch vụ vượt ra ngoài việc cho vay thông thường để trở thành một trung gian tài chính mới giữa khách hàng và ngân hàng. Theo đó, cạnh tranh giữa các định chế tài chính gia tăng và khách hàng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm có chất lượng được cung ứng với giá rẻ hơn. Các ngân hàng truyền thống sẽ rời bỏ thị trường để chỉ cung ứng cơ chế hoạt động và tài chính. (iii) Các ngân hàng trở nên thuần tuý là một trong các phương tiện tài chính mà ở đó các robot tư vấn (robo-advisor) hướng dẫn khách hàng đầu tư và giải quyết nhu cầu tài chính. (iv) Tận dụng dữ liệu khách hàng của bên thứ ba để cung ứng các sản phẩm tài chính thiết kế phù hợp với các khách hàng; ngân hàng khi đó thu hẹp phạm vi và chú trọng vào việc quản lý sản phẩm và rủi ro. Ví dụ như WeBank của tập đoàn Talent là một nền tảng hoạt động ngân hàng được cấp phép kết nối với ứng dụng tin điện WeChat để chuyển tải thông điệp tức thời; đồng thời, tận dụng dữ liệu khách hàng của WeChat trong cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Kịch bản 5: Ngân hàng phi trung gian (Disintermediated bank) Các ngân hàng trở nên không còn cần thiết khi mà khách hàng tương tác trực tiếp với từng nhà cung ứng dịch vụ tài chính Các ngân hàng truyền thống không còn là người chơi quan trọng trong kịch bản này, bởi nhu cầu về một trung gian tài chính độc lập đáng tin cậy như ngân hàng không còn nữa. Các ngân hàng bị thay thế bởi các cổng platform và các công nghệ đảm bảo việc kết nối trực tiếp với khách hàng cuối cùng căn cứ trên nhu cầu tài chính của họ (như cho vay, thanh toán hoặc huy động vốn…). Trong kịch bản này, các khách hàng có thể trực tiếp lựa chọn về dịch vụ và nhà cung ứng mà không phải tìm kiếm các dịch vụ như vậy thông qua ngân hàng nhưng đồng nghĩa với việc họ phải tự chịu trách nhiệm cao hơn về các rủi ro có thể xảy ra trong các giao dịch. Chẳng hạn như trong giao dịch cho vay ngang hàng, mỗi khách hàng có thể được coi như một người cho vay (những người sẽ phải chịu rủi ro tín dụng) và là người đi vay (những người sẽ phải đối mặt với rủi ro gia tăng xuất phát từ những người cho vay nằm ngoài sự quản lý của cơ quan nhà nước và có thể không nhận được tư vấn tài chính hoặc hỗ trợ trong trường hợp gặp phải vấn đề). Hiện tại, kịch bản này chưa thực tế nhưng đã có một số yếu tố có thể dự đoán về xu hướng này: (i) Cổng platform cho vay ngang hàng P2P có thể thu hút một số khá lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiềm tàng để đáp ứng nhu cầu về vốn đối với một số yêu cầu tín dụng nhất định. Hiện nay, thị phần của cho vay ngang hàng P2P vẫn còn khá nhỏ và chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh. Theo đó, ở nhiều nơi, cổng platform cho vay ngang hàng P2P có xu hướng chuyển sang, hoặc nhập vào các mô hình kinh doanh qua cổng platform lớn, với nhiều dịch vụ đa dạng từ các nhà đầu tư định chế và các quỹ thay vì chỉ dựa vào việc cấp vốn từ các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. (ii) Sự phát triển của tiền ảo sử dụng công nghệ sổ cái phân tán để thực hiện thanh toán hoặc chuyển nhượng mà không cần có sự tham gia của ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên việc chấp
- 936 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM nhận rộng rãi tiền ảo cho các mục đích giao dịch chung vẫn bị hạn chế bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự biến động lớn về giá cả, giao dịch ẩn danh, kéo theo sự gia tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. 4. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam đã xuất hiện vào năm 2008 và có sự phát triển qua các năm, ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng công ty startup trong lĩnh vực này. Theo khảo sát của HyperLead – Nền tảng Affiliate Marketing hàng đầu Việt Nam, số lượng startup trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã tăng gần 69% từ 154 công ty năm 2021 lên 260 công ty vào năm 2022. Trong đó, dịch vụ thanh toán (payment) là phân khúc lớn nhất, chiếm 22,6% số lượng các công ty Fintech, kế đó là cho vay cá nhân (personal lending) và mảng blockchain/cypto. Số lượng công ty Fintech tại Việt Nam giai đoạn 2017-2022 Tiếp đến, số lượng Startups ở các mảng đầu tư tích lũy (wealth management), bảo hiểm công nghệ (insurtech) và mua trước trả sau (buy now pay later) cũng đã có sự phát triển đáng kể. Cụ thể, IZIon24 - ứng dụng bảo hiểm bỏ túi đầu tiên tại Việt Nam; Kaypay - ứng dụng kết hợp nền tảng thương mại điện tử và tính năng thanh toán mua trước trả sau; ứng dụng đầu tư thông minh Tititada; ứng dụng Tích lũy & Đầu tư 3Gang; Nền tảng tài chính kỹ thuật số dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Đông Nam Á Funding Societies đã chính thức ra mắt tại Việt Nam; và sự ra đời của ứng dụng Umee by KienlongBank - ngân hàng số toàn năng. Bản đồ hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam năm 2022 Nguồn: Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2022
- Phần 3: Khai thác tiềm năng và khơi thông động lực phát triển của Fintech tại Việt Nam 937 Đồng thời, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam cũng đón đầu một làn sóng đầu tư vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Bắt đầu với thương vụ đầu tư 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư tư nhân Standard Chartered và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Golman Sachs vào Công ty cổ phần M Service, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử MoMo vào năm 2014, đến nay nhiều khoản đầu tư và các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã được hiện thực hóa. Trong 03 năm gần đây, vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã có sự tăng tốc mạnh mẽ, hiện tăng khoảng hơn 400 lần so với năm 2020, đạt mức cao nhất là 562,2 triệu USD vào năm 2021. Theo báo cáo Vietnam Startup Industry Report 2022 của Nextrans, các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam đã nhận được 14 khoản đầu tư, chiếm 6% số giao dịch Fintech ở Đông Nam Á. Nhìn một cách toàn diện, sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech sẽ giúp một bộ phận người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại nhưng gần gũi. Đây chính là một “bước đệm” quan trọng, trang bị những kỹ năng cơ bản khi sử dụng dịch vụ tài chính cho bộ phận khách hàng chưa từng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Những khách hàng này sẽ không còn bỡ ngỡ và được kỳ vọng sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chuyên nghiệp của ngân hàng trong tương lai. Với những ngân hàng có hệ thống Internet Banking chưa phát triển mạnh, việc hợp tác với các doanh nghiệp Fintech cũng là lời giải trong ngắn hạn cho bài toán gia tăng tiện ích cho khách hàng, một trong những yếu tố then chốt với các ngân hàng định hướng bán lẻ. Đó cũng là lý do mà hầu như các ngân hàng hiện nay đều ký hợp tác với một hoặc vài doanh nghiệp Fintech để gia tăng lựa chọn trong vấn đề thanh toán, chuyển tiền cho khách hàng của mình. Mô hình kinh doanh Fintech tại Việt Nam Nguồn: ADB MBI survey Hiện nay tất cả các công ty trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động đều phối hợp với ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng. Ví dụ như: VP Bank hiện nay đang hợp tác với công ty Fintech Timo trong cung cấp dịch vụ ngân hàng số, hợp tác với công ty Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số; NHTM CP Quân đội hợp tác với một công ty Fintech tạo ra công nghệ cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngay trong ứng dụng Messenger của Facebook; mô hình dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; mô hình dịch vụ chuyển tiền của Ngân hàng TMCP Quân đội trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng
- 938 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC TẾ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo… Không chỉ dừng ở việc hợp tác với các công ty Fintech, việc đầu tư vào công nghệ thông tin, tăng cường an toàn hệ thống cũng là một đòi hỏi tất yếu của các ngân hàng trong bối cảnh công nghệ đang phát triển từng ngày, từng giờ. 5. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ Một là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng thúc đẩy sự phát triển của Fintech. Hoạt động Fintech thiếu vắng khung khổ pháp lý điều chỉnh hoặc hướng dẫn pháp lý rõ ràng hoặc hoạt động trong “vùng xám” có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn đối với nhiều người tham gia trên thị trường như các tổ chức tài chính truyền thống, khách hàng sử dụng dịch vụ và chính bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Fintech. Hiện khuôn khổ pháp lý và quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực Fintech trong thanh toán và xác thực khách hàng điện tử, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực khác. Các lĩnh vực Fintech đang phát triển phổ biến như P2P Lending, Crowd-funding, chia sẻ dữ liệu cá nhân, công nghệ Blockchain, Quản lý tài sản, ICOs… hiện đều chưa có quy định quản lý tại các văn bản pháp lý chính thức. Do các khuôn khổ pháp lý còn thiếu và chưa minh bạch, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng mô hình cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng để thực hiện các hoạt động phi pháp như “tín dụng đen”, lừa đảo... Hai hình thức cho vay này chưa có quy định cụ thể trong luật pháp Việt Nam nên vẫn tồn tại nhiều rủi ro đối với những chủ thể tham gia. Những quy định về tín dụng đã được thiết lập đều không phù hợp với mô hình hoạt động cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng và cả với các công ty, tổ chức cung cấp nền tảng cho các dịch vụ này. Trong bối cảnh chưa thể triển khai xây dựng ngay Cơ chế quản lý thử nghiệm chung cho cả ngành tài chính và ngân hàng do hạn chế về thời gian và nguồn lực, cần sớm ban hành Cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech riêng trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam (regulatory sandbox). Về dài hạn, vẫn cần một khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động Fintech. Hai là, nâng cao năng lực thanh tra giám sát, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Hiện nay, lĩnh vực công nghệ thông tin có tốc độ đổi mới rất nhanh, thêm vào đó là việc ứng dụng và cải tiến công nghệ của công ty Fintech diễn ra một cách thường xuyên, liên tục để đưa ra những sản phẩm dịch vụ tài chính cho khách hàng một cách tốt nhất, chi phí thấp nhất. Vì vậy, công ty Fintech tiềm ẩn khả năng rất lớn về việc thay đổi các mô hình, cấu trúc, hoạt động kinh doanh ngân hàng truyền thống. Theo đó, NHNN cần tăng cường năng lực quản lý, giám sát để đảm bảo hiệu lực trong việc giám sát công ty Fintech; đầu tư hạ tầng công nghệ và hoàn thiện các công cụ giám sát đảm bảo hiệu quả trong việc giám sát rủi ro bối cảnh hệ thống các TCTD đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong mọi mặt hoạt động, các vi phạm ngày càng tinh vi và phức tạp. Ba là, các ngân hàng cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng an toàn, an ninh mạng, phòng tránh các rủi ro bảo mật, rò rỉ dữ liệu khách hàng khi hợp tác cũng các Fintech. Rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu đến từ những công ty Fintech chưa đáp ứng đủ tiêu chí về an toàn bảo mật chung của ngành ngân hàng do thiếu hụt các quy định tham gia vào thị trường dẫn tới dữ liệu của khách hàng bị mất hoặc lộ thông tin. Các thông tin liên quan đến khách hàng mà các công ty Fintech đang nắm giữ trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng là vô cùng đa dạng, có vai trò và ảnh hưởng lớn tới khách hàng, tổ chức. Các thông tin khách hàng là thông tin mang tính
- Phần 3: Khai thác tiềm năng và khơi thông động lực phát triển của Fintech tại Việt Nam 939 riêng tư, cần được bảo vệ và là trách nhiệm pháp lý của các Fintech. Việc các ngân hàng sử dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số của công ty Fintech (đặc biệt là bên thứ 3) trong quá trình truyền tải dữ liệu khách hàng, nếu không có giải pháp công nghệ hiện đại cũng như quy trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ để phòng ngừa các rủi ro công nghệ như tấn công mạng, xâm nhập trái phép cơ sở dữ liệu… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của chính bản thân ngân hàng, từ đó gián tiếp tác động đến rủi ro hoạt động của toàn hệ thống. Với những diễn biến trong giai đoạn vừa qua, Fintech được nhận định vẫn là xu hướng phát triển tất yếu trong hoạt động tài chính ngân hàng trên toàn cầu trong những năm tiếp theo; đồng thời, cũng được dự báo mang đến không ít thách thức cho cả ngành tài chính và là những đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của các tổ chức tài chính truyền thống nhờ khả năng tối ưu hóa tiện ích cho người sử dụng. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực ngân hàng, các công ty Fintech vẫn cần thời gian để tạo dựng niềm tin với các khách hàng đã quen sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống. 6. KẾT LUẬN Tóm lại, Fintech sẽ tiếp tục là một lĩnh vực có sự tăng tốc mạnh mẽ trong tương lai, từ đó tạo ra những tác động mạnh đến hoạt động của hệ thống ngân hàng trên toàn cầu, trong đó có hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực ngân hàng, các công ty Fintech vẫn cần thời gian để tạo dựng niềm tin với các khách hàng đã quen sử dụng dịch vụ ngân hàng truyền thống. Trong bối cảnh đó, gia tăng hợp tác với các công ty Fintech là một hướng đi phù hợp để các ngân hàng Việt Nam nói chung và các công ty Fintech nói riêng có thể nhanh chóng khai thác được các lợi thế so sánh và hạn chế được những tác động bất lợi có thể xảy ra cho cả 2 phía. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Douglas W. Arner et al, 2016, The Evolution of Fintech, The New York Times, The United States of America. Truy xuất từ: https://mobile.nytimes.com/2016/04/07/business/dealbook/the-evolution- offintech.html. 2. Vietnam Startup Industry Report 2022 của Nextrans 3. Hyperlead: Fintech Vietnam 2022 the fluctuation 4. Fintech and the future of finance: Market and policy implications, world bank group 2023 5. Global Fintech 2023: Reimagining the future of finance 6. Vietnam Fintech Brief in 2023 7. Tài liệu hội thảo khoa học cấp Ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam”, tháng 12/2017. 8. Tài liệu hội thảo khoa học cấp Ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, tháng 6/2018. 9. Tài liệu hội thảo trong khuôn khổ sự kiện Banking Vietnam 2016 “Đổi mới và sáng tạo – những nhân tố then chốt nâng cao hiệu quả hoạt động và lợi thế cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập mới”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2016. 10. Tài liệu hội thảo trong khuôn khổ sự kiện Banking Vietnam 2017 “Công nghệ số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2017. 11. Các website: worldbank.org; www.pwc.com; www.fintechnews.sg; www.fintechgroup.com; dealroom.co.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
TIỂU LUẬN: Thực trạng hoạt động huy động vốn của nước ta giai đoạn 2008-2010
18 p | 768 | 332
-
Cách nhận biết tiềm năng của các công ty mới niêm yết cổ phiếu
5 p | 516 | 139
-
Cách nhận biết tiềm năng của các công ty mới được niêm yết cổ phiếu
9 p | 133 | 34
-
Bài giảng tài chính tiền tệ - Chương 3: Tài chính công
33 p | 333 | 29
-
Chuyên đề: Lịch sử thuế Việt Nam
85 p | 111 | 14
-
Nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện thời 4.0 thông qua đẩy mạnh hợp tác giữa ngân hàng thương mại với Fintech
10 p | 57 | 8
-
Ngăn ngừa và hạn chế vi phạm trong công bố thông tin của các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM
7 p | 79 | 7
-
Sự bùng nổ của các doanh nghiệp fintech, cơ hội và thách thức cho các ngân hàng tại Việt Nam
6 p | 98 | 7
-
Cách nhận biết các tiềm năng của các công ty mới niêm yết cổ phiếu
11 p | 93 | 6
-
Ảnh hưởng của chỉ số mức độ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đến lợi nhuận của ngân hàng thương mại Việt Nam
10 p | 14 | 5
-
Thực trạng chuyển đổi số của các công ty chứng khoán Việt Nam hiện nay
16 p | 15 | 5
-
Ảnh hưởng của công nghệ tài chính đến an toàn hệ thống tài chính - Từ khung lý luận đến thực tiễn tại Việt Nam
13 p | 89 | 4
-
Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên ngành ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh
11 p | 54 | 4
-
Các yếu tố bên trong doanh nghiệp tác động đến kết quả xuất khẩu rau quả của các doanh nghiệp Việt Nam
13 p | 49 | 4
-
Sự phát triển của phương pháp tính giá trên cơ sở hoạt động
3 p | 32 | 3
-
Thực trạng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam
9 p | 51 | 3
-
Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
6 p | 65 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn