JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00027<br />
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 12-20<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG SÁNG TÁC CỦA FRANZ KAFKA<br />
<br />
Nguyễn Thị Thắng<br />
Khoa Tiểu học – Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh<br />
<br />
Tóm tắt. Sáng tác của Franz Kafka đem đến cho con người cảm nhận về thân phận nhỏ<br />
bé, mong manh của kiếp người. Giá trị con người bị triệt tiêu, sinh mạng người rẻ rúng<br />
hơn loài vật. Bị tước đoạt phương tiện sống, không còn niềm tin vào cuộc đời, con người<br />
thu mình lại trong nỗi cô đơn bản thể trong không gian và thời gian. Lạc khỏi thế giới, con<br />
người đơn độc tha hương đi tìm tự do, công lí nhưng nó mãi ở chân trời xa lắc phía trước<br />
mặt mà con người không thể nào đến được đích. Vì thế, khao khát về một thế giới tự do,<br />
hạnh phúc đích thực cho kiếp người hiện đại chưa bao giờ trở thành hiện thực trong thế giới<br />
tinh thần của F. Kafka.<br />
Từ khóa: Thân phận con người, sáng tác của Kafka, cô đơn bản thể.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Vấn đề thân phận con người trong văn học không phải đến Kafka mới được đề cập [2-4],<br />
nhưng có lẽ chỉ từ Kafka khái niệm thân phận con người trong xã hội hiện đại mới thực sự có sức<br />
ám ảnh sâu sắc [1, 6]. Lịch sử tiến hóa của xã hội loài người là lịch sử của những nỗ lực không mệt<br />
mỏi đem đến cho con người cuộc sống văn minh, hiện đại hơn. Nhưng Kafka đã chứng minh ngược<br />
lại: khi xã hội càng văn minh, thân phận con người càng trở nên nhỏ bé, rẻ rúng, đáng thương đến<br />
tội nghiệp. Đọc tác phẩm của Kafka, người đọc tìm thấy sự giải thiêng về quan niệm con người, là<br />
lúc con người bắt đầu hoài nghi và nhìn ra bản chất thật về sự tồn tại của mình. Sáng tác của Kafka<br />
sẽ cho chúng ta thấy sự thật ấy, dù ngẫm ra nó thật tang thương.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Thân phận bé nhỏ, mong manh của kiếp người<br />
Chúng ta vẫn lầm tưởng rằng có ranh giới phân chia giá trị giữa con người và loài vật. Con<br />
người phải được đứng ở vị trí cao quý hơn và cai quản muôn loài, đứng trên muôn loài. Trong tác<br />
phẩm của Kafka ranh giới đó không tồn tại, không có sự cao quý dành riêng cho con người, cũng<br />
không có sự bẩn thỉu, thấp hèn, ngu độn của riêng loài vật. Những thuộc tính đó hài hòa trong bản<br />
chất chung của các loài, kể cả loài người. Chẳng phải ngay trong bản thân mỗi con người cũng có<br />
sự hòa trộn giữa phần “con” và phần “người” đó sao? Bởi vậy, sinh mạng của con người trong sự<br />
cảm nhận của F. Kafka cũng chỉ như cái rơm, cọng rác mà thôi. Ta hiểu vì sao nhà văn đem đến<br />
cái kết hài hước, bi đát, cay đắng cho thân phận người nghệ sĩ nhịn đói: lẫn trong đống rơm rác,<br />
<br />
Ngày nhận bài: 12/12/2014 Ngày nhận đăng: 20/4/2015<br />
Liên hệ: Nguyễn Thị Thắng, e-mail: thangvan.bn@gmail.com<br />
<br />
<br />
12<br />
Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka<br />
<br />
<br />
vùi xuống đất sâu trong sự quên lãng vĩnh viễn của người đời; chiếc cũi sắt được dọn sạch sẽ đón<br />
thân thể cao quý, đầy sức mạnh của một con báo hoang. Còn anh chàng Gregor Samsa trong thân<br />
xác một con côn trùng, sau khi lìa đời, chỉ bằng một nhát chổi, bà giúp việc dọn sạch dấu vết của<br />
anh khỏi thế giới này cùng với đống rác rưởi trong nhà, đồng thời anh bị quét sạch khỏi kí ức của<br />
những người thân trong gia đình. Rõ ràng thân xác anh bị coi rẻ hơn cả loài vật.<br />
Vậy đâu là giá trị của con người? Có lẽ trong cảm quan của Kafka về tồn tại kiếp người thời<br />
hiện đại thì giá trị của anh nằm ở giá trị lợi ích mà anh đem lại cho người khác. Khi sự tồn tại của<br />
anh vô ích đối với việc kiếm cơm, không thể làm ra “đồng tiền bát gạo” cho người khác thì anh<br />
chỉ là rác rưởi bẩn thỉu cần được quét dọn sạch sẽ. Hài hước và bi đát thay cái chết của “người cưỡi<br />
xô” trong truyện ngắn cùng tên của Kafka ngẫm ra lại do chính anh ta mang lại cho mình: “một<br />
xẻng than xấu nhất mà bà có. Dĩ nhiên tôi sẽ trả bà tiền của cả xô đầy, nhưng không phải ngay bây<br />
giờ, không phải ngay bây giờ” (Người cưỡi xô) [6;796]. Cụm từ “không phải ngay bây giờ” ấy đã<br />
giết chết anh ta. Anh không có tiền ngay bây giờ ư? Thế thì anh chẳng có giá trị gì hết và anh phải<br />
vĩnh viễn biến mất. Trong xã hội hiện đại, khi con người ta không muốn 1 + 1 = 2 nữa thì sự thành<br />
thật của người cưỡi xô đôi khi lại là bi kịch trong cuộc sống.<br />
Khi không còn ranh giới giữa người và vật nên con người trong tác phẩm của Kafka bị đối<br />
xử như con vật, thậm chí còn không bằng loài vật. Chàng nghệ sĩ nhịn đói, Gregor Samsa, người<br />
cưỡi xô. . . đều là nạn nhân của căn bệnh thờ ơ, vô cảm đó của người đời. Căn bệnh ấy là sản phẩm<br />
của xã hội hiện đại khi con người chỉ chăm chăm vào kiếm tìm và hưởng thụ của cải vật chất; khi<br />
đồng tiền, lợi lộc và danh vọng có thể làm mờ mắt, xóa sổ lương tâm con người. Kafka đã báo<br />
trước kỉ nguyên của căn bệnh vô cảm và ngày nay nó đã trở thành một “căn bệnh truyền nhiễm”<br />
khó chữa khi xã hội càng hiện đại, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao.<br />
Không dừng lại ở đó, căn bệnh này còn sản sinh ra những con bệnh biến thái, những kẻ phi<br />
nhân tính biến con người thành vật thí nghiệm, như những con chuột bạch, phục vụ cho những ý<br />
tưởng tra tấn điên cuồng, rồ dại, khát máu của bọn cai trị. Cảnh tra tấn dã man, đầy màu sắc Trung<br />
cổ trong Trại lao cải là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Những kẻ cai trị man rợ lấy việc hành<br />
hình con người làm niềm hoan hỉ, “hân hoan đón chào công lí đang được thực hiện” một cách vô<br />
nhân, bẩn thỉu.<br />
Chúng tôi nhận thấy trong quan niệm về tồn tại kiếp người của F. Kafka có mang dấu ấn<br />
văn hóa Carnaval của văn hóa dân gian phương Tây. Tuy nhiên, bản chất của nó dường như hoàn<br />
toàn khác. Khái niệm Carnaval là tên gọi chung chỉ các hình thức và nghi thức lễ hội có yếu tố giả<br />
trang vui nhộn, phát triển mạnh ở phương Tây thời kì Phục hưng. Mục đích của lễ hội Carnaval là<br />
đem đến sự đổi thay, giúp con người thoát khỏi mọi quy định, ràng buộc thường ngày, mang lại<br />
tiếng cười sảng khoái của một cuộc sống tự do, giải phóng hoàn toàn về tinh thần. Vận dụng những<br />
yếu tố của văn hóa Carnaval vào tác phẩm của mình, Kafka nhấn mạnh tính một chiều của sự thay<br />
đổi. Nếu trong lễ hội văn hóa Carnaval luôn luôn song hành hai yếu tố: “tấn phong – hạ bệ” thì con<br />
người trong tác phẩm của Kafka chỉ có “hạ bệ” hoặc “tấn phong” để “hạ bệ” con người tới mức<br />
thấp nhất, gần như triệt tiêu giá trị con người trong sự tồn tại của nhân vật. Chẳng hạn ở Josephine,<br />
nữ ca sĩ hay Dân chuột khi xếp đặt chi tiết thành các đối cực: phi thường > < tầm thường, lí tưởng<br />
> < phi lí tưởng, cao cả > < thấp hèn, nghệ thuật > < phi nghệ thuật. . . Kafka đã khiến cho nhân<br />
vật giống như người anh hùng vừa được “tấn phong” bỗng chốc bị “hạ bệ” một cách đau đớn và<br />
chua chát. Câu chuyện mang tính chất Carnaval này đem đến triết lí thâm thúy mà bi đát vô cùng<br />
về cuộc đời và con người: cuộc đời này giống như một trò chơi, là một sân khấu mà mỗi người<br />
phải sắm một vai; kẻ sắm vai anh hùng luôn cho mình là vĩ đại, chỉ có người ngoài cuộc mới thấy<br />
hết tính khôi hài, kệch cỡm của vai diễn. Bi đát thay khi tiếng hát của nàng ca sĩ chuột tưởng rằng<br />
<br />
13<br />
Nguyễn Thị Thắng<br />
<br />
<br />
là “một sứ điệp”, là tiếng hiệu triệu của dân tộc, cuối cùng cũng chỉ là tiếng chút chít thảm hại của<br />
loài chuột luôn chui rúc trong xó tối, bị chôn vùi trong quên lãng. Chẳng lẽ đó là kết cục tồi tệ nhất<br />
của kiếp người?<br />
Đặt lời kể chuyện, lời báo cáo đường hoàng bình thản vào miệng một con khỉ, Báo cáo gửi<br />
viện Hàn lâm của Kafka là tiếng cười đầy mỉa mai, chua chát, giễu nhại con người: “một con tinh<br />
tinh nhỏ và Achilles vĩ đại là như nhau”, “chúng tôi thường nhổ vào mặt nhau; chỉ khác là tôi liếm<br />
sạch mặt sau đó còn họ thì không”, “bản chất khỉ của tôi rời khỏi tôi, từ đầu đến gót chân rồi thoát<br />
ra, do vậy chính người thầy đầu tiên của tôi hầu như biến thành khỉ theo cách đó”. . . [1; 312]. Con<br />
khỉ càng tiến hóa thành người hoàn hảo bao nhiêu thì ngược lại bản chất của con người càng bị<br />
lột trần ra thô bỉ, xấu xa, đáng cười bấy nhiêu. Thực ra, con người cũng chẳng có gì tốt đẹp cả, nó<br />
cũng chỉ là một thứ người – ngợm với một lô một lốc những thói hư tật xấu: bẩn thỉu, tục tĩu, bất<br />
lịch sự, lừa lọc, giả dối. . . và nhất là lối sống bầy đàn, một lối sống chỉ hợp với loài khỉ hơn là với<br />
con người. Hóa ra những việc con người thường làm như hút tẩu, uống rượu, làm tình. . . những<br />
phát minh xưa nay được coi là tiến bộ của loài người chỉ là “trò khỉ” không hơn trong mắt một con<br />
khỉ sau khi đã học cách tiến hóa thành người. Bởi “cuộc sống của quý ngài như những con khỉ,<br />
thưa quý ngài”. Hóa ra việc tiến hóa thành người lại là một thất bại thảm hại nhất của con người<br />
hay sao? Kafka đã tạo ra sức công phá mãnh liệt của một giọng điệu mỉa mai, giễu cợt vào bản<br />
chất người thời hiện đại. Khi “tôi chỉ vừa báo cáo xong” thì cũng là lúc bức biếm họa về bản chất<br />
con người được trải ra, còn sự mênh mông vô tận của nó đến thế nào tùy thuộc vào sự cảm nhận<br />
của độc giả.<br />
Mất giá người, thân phận con người trong tác phẩm Kafka càng trở nên nhỏ bé, tội nghiệp,<br />
không còn chỗ bấu víu vào cuộc đời khi nó bị tước đoạt phương tiện sống (cả phương tiện vật chất<br />
lẫn tinh thần – niềm tin vào con người và thế giới). Sống trong cuộc đời, bản thân mỗi chúng ta<br />
không thể tồn tại chỉ bằng những điều kiện vật chất hay chỉ có thế giới tinh thần. Cuộc sống của<br />
con người là sự hài hòa của hai yếu tố đó tùy thuộc vào điều kiện cũng như nhu cầu hưởng thụ<br />
khác nhau ở mỗi người. Trong thực tế, ở vào tình huống liên quan đến sự sống còn nào đó, có thể<br />
có lúc chúng ta không có đủ điều kiện vật chất nhưng nếu được sự trợ giúp của bạn bè, tình thân,<br />
gia đình, hay sự đùm bọc từ những tấm lòng trong xã hội, chúng ta vẫn sẽ tìm được con đường<br />
sống. Đó là con đường sống của lòng nhân ái, tình yêu thương, sự chở che, đùm bọc của con người<br />
dành cho con người trong lúc hoạn nạn. Tuy nhiên trong thế giới của Kafka, con người không thể<br />
tìm được “diễm phúc” ấy. Vì đó là thế giới mà những điều kiện vật chất là thước đo giá trị tinh<br />
thần. Nếu anh không có tiền thì bạn bè, tình thân, lòng nhân ái hay thậm chí chỉ là sự thương hại<br />
thôi, tất cả chỉ là con số không. Rơi vào bi kịch đó, anh tìm đâu ra đường sống?<br />
Nhân vật của Kafka vì thế bị tước đoạt mọi phương tiện duy trì sự sống: vật chất và tinh<br />
thần. “Người cưỡi xô” hết nhẵn than trong lò giữa mùa đông lạnh giá. Nhưng anh không có tiền<br />
nên bà bán than “không nghe”, “không thấy” gì hết, dù anh đứng ngay trước mặt và đang gào rát<br />
cổ họng cầu xin chỉ “một xẻng than xấu nhất” thôi. Gregor Samsa cũng vậy, khi không thể đi làm<br />
nuôi sống gia đình, trở thành một con vật kinh tởm, anh lập tức nhận sự ghẻ lạnh và nhanh chóng<br />
bị quét khỏi thế giới của chính những người thân yêu nhất.<br />
Ở một phương diện nào đó, con người trong tác phẩm Kafka có khi có phương tiện, có nghề<br />
nghiệp nhưng không được sử dụng hoặc không thể sử dụng đúng mục đích: bà vợ bán than mắt<br />
tinh, tai thính, thì không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì; người đạc điền bị vứt vào thế giới không<br />
cần đến đo đạc; ca sĩ Josephine hiến thân cho nghệ thuật trong một dân tộc không biết gì về nghệ<br />
thuật, cũng không cần đến nghệ thuật; nghệ sĩ nhịn đói nỗ lực nhịn ăn trong khi mọi người không<br />
còn quan tâm gì đến anh nữa, họ chỉ náo nức với những con thú hoang lồng lộn trong cũi sắt. . .<br />
<br />
14<br />
Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka<br />
<br />
<br />
Con người đã bị vô dụng hóa. Mục đích của điều này là để bài trừ anh ra khỏi xã hội. Vì con người<br />
chỉ có thể sống khi thấy mình tồn tại có ý nghĩa trong cuộc đời. Khi trở nên vô dụng nó cũng không<br />
khác loài vật, nên nó cũng không thể được sống cho ra con người.<br />
Sự dối lừa của con người dành cho con người đã là không thể chịu đựng nổi, vậy mà nhân<br />
vật trong tác phẩm Kafka còn phải chống đỡ với những thế lực siêu hình, khiến cho họ khi rơi vào<br />
tận cùng nỗi tuyệt vọng vẫn không khỏi băn khoăn về sự lầm đường lạc lối giống như trò đùa của<br />
số mệnh. Ông thầy thuốc nông thôn nhận được tiếng chuông trong đêm, ông cần đến nhà bệnh<br />
nhân chữa bệnh ngay nhưng ngựa của ông đã chết, hai con “ngựa ma” xuất hiện trong chuồng lợn<br />
cùng gã mã phu. Chúng đưa ông tới nhà bệnh nhân chỉ trong chớp mắt để rồi lại kéo lê thân già<br />
của ông trong bão tuyết trên con đường trở về mà không bao giờ có thể về tới nhà. Câu chuyện này<br />
đã chỉ ra cơ chế tước đoạt sự sống con người trong tác phẩm Kafka chính là bản chất giả tạo, lọc<br />
lừa đểu giả của xã hội phi nhân: nó cướp đi phương tiện duy trì sự sống hàng ngày của con người,<br />
đồng thời trao cho anh một phương tiện giả dối, nham hiểm để anh tự dẫn mình tới chỗ chết nhanh<br />
chóng hơn. Vì thế, sứ giả mang thông điệp của Hoàng thượng “là một gã khỏe mạnh, không biết<br />
mệt mỏi” cũng không thể nào vượt qua được con đường nối tiếp những hậu cung, cầu thang, sân<br />
nhỏ, nhiều sân nhỏ hơn. . . Gã bị nhấn chìm ở đó, chỉ mình gã ở nơi ngập ngụa những cặn bã của<br />
loài người, ôm nỗi cô đơn đi trọn kiếp người<br />
<br />
2.2. Nỗi cô đơn bản thể của con người<br />
Đọc các tác phẩm của Franz Kafka, chúng tôi cảm nhận được nỗi cô đơn, sự tuyệt vọng<br />
của một con người của dân tộc Do Thái. Dường như nhà văn mang vào trong tác phẩm của mình<br />
niềm tin giống như sự đinh ninh của một người Do Thái: họ tin rằng không hề có Chúa cứu thế,<br />
Jesus không phải Chúa cứu thế, Chúa cứu thế chỉ có trong tưởng tượng và chưa bao giờ xuất hiện.<br />
Lịch sử đau thương mà người dân Do Thái phải hứng chịu đã chứng minh điều đó. Theo Charlie<br />
Nguyễn thì tiên tri Isaiah của người Do Thái (thế kỉ VIII TCN) đã nói: “Đấng Messiah (Chúa cứu<br />
thế) sẽ gom góp toàn dân Do Thái trở về đất Israel”. Thế nhưng “lịch sử Do Thái đã chứng minh<br />
ngược lại: Jesus chết khoảng năm 30. Đến năm 70 thì Israel bị quân La Mã đánh chiếm và tiêu<br />
diệt người Do Thái vô số kể. Đến nỗi người Do Thái sợ bị diệt chủng nên đã bỏ xứ lánh nạn khắp<br />
nơi trên thế giới. Gần 19 thế kỉ sau (1949) thì Liên Hiệp Quốc (không phải Jesus) đã gom dân Do<br />
Thái về Israel” [2;2]. Điều này không chỉ xảy ra trước Kafka mà cả sau khi ông qua đời, người dân<br />
Do Thái vẫn luôn hãi hùng trước nỗi lo sợ bị diệt chủng. Chẳng hạn sự kiện tháng 03 năm 1939,<br />
Đức quốc xã tiếp quản toàn bộ Czech & Slovakia. Họ căm thù người Czech, người Slavs cũng như<br />
dân Do Thái. Do vậy chúng đuổi tất cả những người Do Thái ra khỏi Prague. Ước tính trong vòng<br />
sáu năm, số lượng dân Do Thái giảm sút một cách đáng kể, từ 100,000 người xuống còn chưa đầy<br />
10,000 người còn sống ở đó cho đến nay. Hitler đã lên kế hoạch biến khu nhà ổ chuột của dân Do<br />
Thái thành một tượng đài không lưu lại dấu vết văn hóa nào về một trong những nền văn hóa đã<br />
thực sự bị phá hủy. Ba người chị em gái của Kafka cũng bị chết dần trong nỗi sợ hãi không tên của<br />
sự hủy diệt hàng loạt. Liệu có khi nào sống trong sợ hãi như thế, những người dân vô tội này đã<br />
từng thốt lên: Chúa cứu thế, Người ở đâu?..<br />
Kafka đã không chỉ cảm nhận mà còn tiên cảm nỗi đau đớn dai dẳng của con người khi thấy<br />
mình là một sinh vật bị bỏ rơi dưới gầm trời này, giống như Chúa trời đã bỏ rơi người Do Thái.<br />
Cho nên số kiếp, thân phận của họ trở nên nhỏ nhoi, mong manh và mang trong mình một nỗi cô<br />
đơn bản thể. Mỗi con người tự thấy mình lạc loài, bơ vơ, cô lẻ giữa đồng loại như được sinh ra từ<br />
một thế giới khác không phải thế giới của con người. Từ Gregor Samsa, Josef K., K., nghệ sĩ nhịn<br />
đói, ca sĩ Josephine, ông thầy thuốc nông thôn hay cả con vật trong Hang ổ cũng thấy mình cô<br />
<br />
15<br />
Nguyễn Thị Thắng<br />
<br />
<br />
đơn như thế. Không ai biết, không ai thấu hiểu, ngay cả chính bản thân con người nhiều khi cũng<br />
không thể hiểu nổi mình.<br />
Khi không được thấu hiểu, giữa con người với con người mãi mãi chỉ là “hai vũ trụ chứa<br />
đầy bí mật” (Xuân Diệu). Sự ghẻ lạnh của gia đình đã khiến tâm hồn nhạy cảm với trách nhiệm,<br />
tình thương của Gregor Samsa bị chấn thương, vết thương lòng rỉ máu không thể cứu vãn, anh đi<br />
dần tới cái chết. Cũng bởi không được thấu hiểu cho nên hành động quên mình vì nghệ thuật của<br />
nữ ca sĩ dân tộc chuột, Josephine, trở thành kệch cỡm, đáng cười. Thế giới này hoàn toàn không<br />
còn mối giao hòa, trước mặt, sau lưng, trên trời, dưới đất chỉ một không khí lạnh lẽo, vô tình. Đó<br />
là bản chất của xã hội hậu công nghiệp. Con người phải chạy đua với thời gian, công việc, tiền tài,<br />
danh vọng; lao vào tìm kiếm và hưởng thụ cuộc sống vật chất mà quên mất rằng cội nguồn giá trị<br />
hạnh phúc chính là sự ấm áp của tinh thần. Căn bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại càng khiến nỗi<br />
cô đơn của con người được nhân lên.<br />
Mang trong mình dòng máu Do Thái, sinh ra tại Prague, thủ đô Tiệp Khắc, dưới sự thống<br />
trị của Đế chế Áo – Hung, lại được tiếp thu nền văn hóa và sự giáo dục của người Đức, con người<br />
Kafka có sự hòa trộn phong phú các nền văn hóa ấy. Đây cũng là nguyên ủy sâu xa của mặc cảm<br />
thiếu quê hương, cảm giác cô độc, tha hương trong tâm hồn Kafka. Trong thế giới nội tâm nhạy<br />
cảm và dễ tổn thương ấy, Kafka luôn có cảm giác về một sự tồn tại lơ lửng, chênh chao, vô định.<br />
Đây cũng là cảm giác thường trực trong tâm hồn nhân vật của Kafka: “Tôi sẽ ở lại đây lâu, vậy mà<br />
bây giờ đã cảm thấy mình bị bỏ rơi, tôi không thuộc về những người nông dân, cũng không thuộc<br />
về Lâu đài” (Lâu đài) [6;312]. Câu nói này của K. với người thầy giáo bộc lộ một nỗi buồn mênh<br />
mang, thấm thía của một con người ngay từ đầu đã lạc khỏi thế giới loài người, đứng trước hiện tại<br />
trơ trọi, bơ vơ còn tương lai phía trước mặt thì đầy bất trắc. . .<br />
Khi nghiên cứu thế giới nghệ thuật của Franz Kafka, nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung<br />
khẳng định: “Franz Kafka là nhà văn đã cảm nhận một cách sâu sắc nhất nỗi cô đơn trong thời gian<br />
của người hiện đại. Đó là nỗi cô đơn khi con người (buộc phải) từ giã quá khứ, đứng giữa hiện tại,<br />
đối diện với tương lai bấp bênh đầy bí ẩn” [6;941]. Theo chúng tôi điều này hoàn toàn đúng nhưng<br />
chưa đủ. Nỗi cô đơn của con người trong tác phẩm Kafka không chỉ là nỗi cô đơn trong thời gian<br />
mà còn là nỗi cô đơn trong không gian. Nỗi cô đơn ấy hiện hữu không chỉ trong thời gian thực mà<br />
cả thời gian tâm lí; không chỉ trong không gian địa lí mà còn cả trong không gian tinh thần. Hơn<br />
thế, nỗi cô đơn trong không gian tinh thần mới là sự đau khổ tuyệt vọng đầy ám ảnh. Đó là lúc<br />
sự cô đơn đã lên đến tột cùng, cũng là lúc con người tự đối diện với chính mình, nhìn nhận bản<br />
thân mình. Trong Vụ án, sự cô đơn đến tận cùng trong tinh thần của Josef K. còn ở chỗ: anh không<br />
có người nào khác làm nhân chứng ngoài chính anh. Đây là nấc thang cuối cùng dồn anh vào con<br />
đường bị tận diệt. Có lẽ vì vậy mà kết cục bi thảm nhất của sự cô đơn là cái chết của con người<br />
trong cô đơn, không được thấu hiểu?<br />
Bản thân Kafka, trong cuộc sống riêng tư của mình cũng mang trong lòng nỗi cô đơn tột<br />
cùng ấy. Trong bức thư viết cho bố của Felice, nói về chuyện hôn nhân của Kafka và Felice, mà<br />
Kafka đã chú thích “ngày mai tôi sẽ gửi nếu có đủ can đảm”, nhà văn tâm sự: “chủ yếu tính cách<br />
của cháu là người cô độc, ít nói, không chan hòa, (. . . ), cháu sống trong gia đình mình giữa những<br />
người thân yêu và tử tế nhất mà còn xa lạ hơn cả người xa lạ” (Nhật kí, ngày 21 tháng 08 năm<br />
1913) [6;836]. Từ trong sâu thẳm tư tưởng của mình, Kafka luôn cảm nhận bi kịch của con người<br />
xa lạ với đồng loại. Nỗi đau lớn đối với Kafka là ở chỗ sống trong gia đình, bên cạnh những người<br />
thân yêu nhất “mà còn xa lạ hơn cả những người xa lạ”. Còn có nỗi cô đơn nào lớn hơn sự cô đọc<br />
ngay giữa tình thân? Sự cô đơn tuyệt vọng vì không có người chia sẻ, không ai thấu hiểu là cảm<br />
giác thường thấy trong thế giới tinh thần nhân vật của Kafka. Vì thế, cảm giác xa lạ, chủ đề xa lạ<br />
<br />
16<br />
Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka<br />
<br />
<br />
giữa con người với con người không chỉ ám ảnh trong các tác phẩm của Kafka mà sau này nó đã<br />
trở thành vấn đề xuyên suốt những tác phẩm văn học Hiện sinh chủ nghĩa, hay của những nhà viết<br />
Kịch phi lí. . .<br />
Nỗi cô đơn bản thể của nhà văn đã được Kafka tái hiện thành nỗi cô đơn dai dẳng trong tinh<br />
thần nhân vật của ông. Ngay cả lúc làm tình với Frieda, nhân vật K. vẫn luôn thấy mình đang tìm<br />
kiếm một điều gì đó không có thực và lạc vào vùng đất hoàn toàn xa lạ mà dường như anh chưa<br />
hề đặt chân tới (Lâu đài). Lẽ ra đây là lúc hai tâm hồn thực sự hòa quyện, đồng điệu trong hạnh<br />
phúc thì đó lại là thời gian để mỗi người bơi trong suy tư, trăn trở của riêng mình. Họ xa lạ ngay<br />
trong lúc gần gũi nhất. Rõ ràng cảnh “đồng sàng dị mộng” không phải bi kịch của riêng ai! Thực<br />
ra đây cũng là vấn đề đáng báo động đối với cuộc sống con người thời hiện đại khi có quá nhiều<br />
điều buộc họ phải lo lắng, toan tính, gánh vác qua cuộc mưu sinh. Nhà văn đã vẽ ra nhưng ngõ<br />
hẻm không cùng của nỗi bất an, sự cô độc, không được thấu hiểu trong tâm tư nhân vật. Ở đó con<br />
người dần dần ngộ ra mình cũng chỉ là một người thừa trong xã hội, không quê hương, không gia<br />
đình, không một tình yêu đích thực. . .<br />
Khám phá, tiếp cận con người từ phương diện đời sống tinh thần, F. Kafka đã bày tỏ sự<br />
đồng cảm chân thành của một trái tim nhiều thương tổn đối với những khổ đau của kiếp người.<br />
Tuy nhiên, cũng giống như chính nhà văn, nhân vật trong tác phẩm Kafka dù luôn cảm thấy xa lạ<br />
với đồng loại, bị gạt ra khỏi cả tình thân, gia đình và xã hội, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ là<br />
khát vọng mãnh liệt được bám rễ vào cuộc đời, được hòa hợp với con người trong cuộc sống yên<br />
bình, hạnh phúc. Điều này đã đem đến giá trị nhân văn sâu sắc cho những tác phẩm của Kafka.<br />
Bị đày ải trong nỗi cô đơn như là định mệnh, con người trong tác phẩm Kafka trở nên không<br />
đủ tự tin mở lòng với thế giới, dù khao khát ấy vẫn không nguôi dày vò tâm hồn họ. Cho nên, con<br />
người nhỏ bé, cô đơn trong thế giới của Kafka đồng thời là con người khép mình, với khát vọng<br />
tha thiết, mãnh liệt muốn được thu mình vào ốc đảo bình yên của riêng mình. Nhưng liệu rằng họ<br />
có thể tìm thấy sự bình yên đích thực?<br />
Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận rõ một thực tế rằng cách hành xử này của nhân vật Kafka<br />
vừa mang tính chủ động lại vừa bị động. Chủ động vì bản thân con người có khát vọng khép mình<br />
vào thế giới riêng của mình để giữ khư khư những gì mình có, vì không muốn chia sẻ với đồng<br />
loại bởi lối sống vô nhân vô tình. Xét từ khía cạnh nào đó, những nhân vật như: Hoàng thượng<br />
trong Thông điệp của Hoàng đế, mụ vợ bán than trong Người cưỡi xô, người cha trong Hóa thân<br />
và Lời tuyên án, luật sư Huld, họa sĩ Titoreli trong Vụ án. . . đều thuộc kiểu con người này. Vì bo<br />
bo muốn giữ cho mình được hưởng trọn những lạc thú trên đời nên Hoàng thượng đã xây nên ốc<br />
đảo của riêng mình: Hoàng cung với bao căn phòng, hậu cung, cầu thang, sân nhỏ khác nhau. Và<br />
cho đến khi sắp trút hơi thở cuối cùng, Hoàng thượng mới cần đến sứ giả mang thông điệp ra thế<br />
giới bên ngoài cho ai đó. Cách truyền thông điệp cho sứ giả cũng đầy bí mật: “Ngài bắt sứ giả quỳ<br />
xuống bên giường để thì thầm vào tai gã; cảm thấy nó khá quan trọng nên ngài bắt gã nhắc lại vào<br />
tai ngài” [6;797]. Nhưng Hoàng thượng đã lầm, ngài không biết rằng cả đời ngài giữ những thú vui<br />
xa hoa hưởng lạc cho riêng mình để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ngài đã đánh mất một thứ quan<br />
trọng nhất trong đời sống của con người: mối giao hòa với thế giới con người. Bởi ngài đâu ngờ<br />
rằng Hoàng cung – thế giới riêng của ngài hóa ra lại là nơi đầy nham hiểm và cám dỗ. Cho nên gã<br />
sứ giả đã không thể vượt qua lòng ham muốn rất con người của mình, gã bị nhấn chìm giữa Hoàng<br />
cung, nơi ngập ngụa những cặn bã của loài người và thông điệp đã không được truyền đi.<br />
Rõ ràng cách sống này của con người khôn chỉ ảnh hưởng tới người khác mà còn báo hại<br />
chính bản thân họ. Họ tưởng rằng bằng cách sống “mũ ni che tai” họ sẽ không phải va vấp với<br />
cuộc đời, nhưng họ không biết rằng mầm độc nằm trong chính lối sống ấy. Mầm độc ấy không chỉ<br />
<br />
17<br />
Nguyễn Thị Thắng<br />
<br />
<br />
gieo rắc cái ác ra xung quanh mà còn gặm nhấm nhân cách của chính họ. Vì vậy khi khép kín vào<br />
thế giới riêng của mình, cũng là lúc con người đối diện với sự tha hóa. Nhân cách họ dần bị bào<br />
mòn bởi sự tham lam, đố kị, thói tự tư tự lợi, sự tham quyền cố vị. . . Vì lợi ích của bản thân, con<br />
người không chỉ sẵn sàng chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm, nhân tính mà còn sẵn sàng bỏ qua cả<br />
tình cảm ruột thịt; làm cho cuộc sống của những người xung quanh khốn khổ tội nghiệp, thậm chí<br />
phải đón nhận cái chết.<br />
Sự ám ảnh của lối sống, của kiểu người bạc nhược này, thực ra không phải đến Kafka mới<br />
nhìn thấy. Trước Kafka, A. Chekhov (1860 – 1904), nhà viết truyện ngắn kiệt xuất của đất nước<br />
Nga và thế giới đã thể hiện và diễn tả nó thật tài tình qua hình tượng “người trong bao” Belikov<br />
trong truyện ngắn cùng tên của ông. Một kẻ nhu nhược, yếu hèn, sợ sệt, luôn thu mình “trong bao”,<br />
không sức sống, không giao tiếp với bên ngoài đến nỗi khi hắn chết đi rồi mà không khí u ám của<br />
lối sống mà hắn mang lại vẫn bao phủ mãi lên cuộc đời của những người đang sống. Tuy nhiên,<br />
nếu “người trong bao” của Chekhov muốn nói đến một con người cụ thể, một câu chuyện cụ thể,<br />
một sản phẩm kì quái của chế đọ Nga hoàng tăm tối cuối thế kỉ thứ XIX, mặc dù ý nghĩa của câu<br />
chuyện không chỉ tác động đến một con người cụ thể. Còn những nhân vật của Kafka, dù có tên<br />
hay không có tên, nhưng nó đã bị xóa mờ tính cụ thể về dân tộc, thời đại. Đó là biểu hiện, là cách<br />
sống tiêu cực của con người nói chung, đặc biệt nó ngày càng phổ biến ở thời hiện đại, ở con người<br />
trong xã hội hiện đại. Căn bệnh vô cảm của con người trong xã hội hiện đại, mà chúng tôi đã nói<br />
ở trên, cũng chính là một biểu hiện của lối sống này.<br />
Xét cho cùng, hiện tượng này có nguyên nhân xã hội của nó. Vì bị đặt vào hoàn cảnh thù<br />
địch với con người nên họ buộc phải thu mình lại để chống đỡ tạm thời với hoàn cảnh. Thực tế, đây<br />
cũng là cách ứng xử bị động của con người trước cuộc sống. Điều này khiến cho con người vừa<br />
thỏa mãn cuộc sống trong không gian hẹp của mình lại vừa cảm thấy bức bối, mất tự do và không<br />
ngừng sợ hãi. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện về con vật trong Hang ổ của Kafka để cảm nhận<br />
rõ hơn điều này. Một con vật để trốn tránh khỏi nanh vuốt của kẻ thù, nó đã đào cho mình một cái<br />
hang, một công trình kiến trúc tuyệt hảo mà nó nghĩ rằng sẽ tránh xa được mọi kẻ thù hung bạo<br />
nhất. Nhưng ngay khi đang thỏa mãn với “hang ổ” mà nó tạo ra, nó vẫn luôn luôn lo sợ một kẻ thù<br />
tiềm tàng nào đó đánh hơi được nơi ẩn nấp của nó. Vì vậy, dù đã ẩn sâu dưới lòng đât, trốn tránh<br />
khỏi ánh mặt trời, nó vẫn luôn “vã mồ hôi”, thậm chí đập đầu chảy máu vì những cơn mơ về một<br />
kẻ thù sẽ đến. Rồi nó tiếp tục đào rồi lại phá, xây dựng rồi lại đạp bỏ vì vẫn không thể hoàn toàn<br />
an tâm đối với chỗ trú ẩn của cuộc đời mình. Tâm lí bao trùm lên nó là một nỗi bất an thường trực.<br />
Bất an do lo sợ, hoảng hốt bởi sự thống trị của tinh thần lên con người, bởi đời sống thực tại mà<br />
con người đang trải qua có quá nhiều cạm bẫy. Cho nên nó “khép mình lại trong “cái mình có”,<br />
cho dù “cái mình có” đó chỉ là hoàn toàn về mặt tinh thần, tư duy không mấy chắc chắn này là một<br />
cách chống đỡ tạm thời trước cuộc sống” [4;313]. Tại sao vây? Bởi vì nó đã mất hẳn lòng tin vào<br />
thế giới bên ngoài. Vì mất lòng tin vào thế giới bên ngoài nên nó thu mình vào cô độc với riêng<br />
mình nhưng vẫn luôn hoài nghi và sợ hãi trước cuộc đời. Vì vậy, kiểu con người sợ hãi, kiểu con<br />
người hoài nghi cũng là kiểu con người đặc trưng trong tác phẩm Kafka. Nó đem đến cảm quan<br />
vừa bi đát vừa hài hước cho cuộc sống.<br />
Khi viết những điều này chúng tôi lại nghĩ đến Kafka. Cuộc đời Kafka cũng là cuộc sống<br />
của một con người cô độc như thế. Trước khi qua đời, Kafka đã dặn bạn mình là Max Brod hãy đốt<br />
hết các bản thảo tác phẩm của ông. Phải chăng bản thân Kafka cũng không tin thế giới bên ngoài<br />
có người hiểu mình, hiểu tác phẩm của mình? Có lẽ đó cũng là biểu hiện của việc nhà văn đã mất<br />
lòng tin vào cuộc sống và con người.<br />
<br />
<br />
<br />
18<br />
Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka<br />
<br />
<br />
2.3. Con người cô đơn đi tìm tự do<br />
Con người trong tác phẩm Kafka không chỉ là những kiếp người bé nhỏ, cô độc, vô phương<br />
cứu chữa mà còn là những con người hoàn toàn mất tự do dưới sự thống trị của quyền lực siêu<br />
hình, pháp luật suy đồi. Bằng sự thống trị đó, chúng đã biến những con người bình thường trở nên<br />
nhỏ bé, quỵ lụy, sợ sệt, thu mình một cách bạc nhược, yếu hèn. Như vậy, con người mất tự do vừa<br />
là nguyên nhân, vừa là hệ quả của kiểu người khép kín, mà nguyên nhân trực tiếp của nó chính là<br />
xã hội. Xã hội đồi bại mà quyền năng siêu hình trao tay vào những hình thức thống trị quan liêu,<br />
công thức, làm thui chột sự phát triển của cá nhân. Đó là sự ám ảnh của thế giới công sở trong tác<br />
phẩm Kafka – thế giới của sự phục tùng. Ở đó chỉ có các điều lệ, quy tắc, thông tư, chỉ thị, chỉ có<br />
mệnh lệnh và thực hiện mệnh lệnh. Vì vậy, không thể có tự do phát triển trong thế giới đó, không<br />
có sáng tạo, không có chỗ cho khả năng phát triển con người. Con người trong thế giới ấy sẽ buộc<br />
phải “xu thời nịnh thế” để có chỗ đứng trong xã hội. Nếu không mãi mãi anh chỉ là kẻ vô danh tiểu<br />
tôt, đến kiếm miếng ăn còn khó, nói chi đến việc được sống sao cho ra một con người. Và hệ quả<br />
tất yếu của điều này chính là sự tha hóa. Đáng buồn thay quyền năng công sở chính là thứ quyền<br />
lực đang ngự trị trong thế giới hiện đại và hậu hiện đại của chúng ta ngày nay.<br />
Khi phản ánh những vấn đề này trong tác phẩm của mình, có lẽ Kafka đã thấm nhuần tư<br />
tưởng nhà nước pháp quyền (thuận theo tự nhiên) của Lão Tử, nhà triết học cách chúng ta hơn<br />
2000 năm về trước. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử đưa ra quan niệm: con người do Đạo sinh ra và<br />
vận hành theo Đạo, theo quy luật tự nhiên, có nghĩa là “con người sinh ra được tự do. Tự do chính<br />
là luật tự nhiên của xã hội loài người”. Với những quan niệm bênh vực cho tự do và sự phát triển<br />
của cá nhân con người thuận theo tự nhiên, “triết học pháp quyền của Lão Tử đã vạch một biên<br />
thùy giữa công quyền và người dân. Theo đó, tự do của con người chính là một biên thùy và công<br />
quyền không thể bước qua” [5;77,114]. Và thực tế lịch sử loài người đã chứng minh rằng: quá trình<br />
đấu tranh của các dân tộc, các tộc người trên thế giới thực chất chính là quá trình tranh đấu bền<br />
bỉ và không mệt mỏi cho tự do và sự phát triển toàn diện của con người. Thế nhưng, càng ao ước<br />
một xã hội thuận theo tự nhiên dành cho con người như Lão Tử đã quan niệm, Kafka càng đau<br />
đớn nhận ra rằng xã hội ấy hình như không dành cho con người thời hiện đại. Con người trong tác<br />
phẩm Kafka không bao giờ có được thứ “luật tự nhiên”, càng không bao giờ được đứng trước biên<br />
thùy của vương quốc cá nhân mà “công quyền không thể bước qua” đó. Bởi công quyền trong tác<br />
phẩm Kafka có một thứ quyền năng siêu phàm. Nó không chỉ chế ngự đời sống xã hội mà còn tước<br />
đoạt cả tự do cá nhân, chà đạp lên đời sống tinh thần của con người. Nó xâm nhập vào đời sống<br />
riêng tư một cách thô bỉ và trắng trợn. Nó không chỉ thể hiện quyền năng một cách vô hình mà còn<br />
hiện hình bằng các cơ quan, các tổ chức xã hội như tòa án, lâu đài, công sở, các văn phòng hành<br />
chính. . . Không những thế, nó còn đối mặt với con người bằng những tên tay sai hèn hạ, kì quái.<br />
Vì thế, bất chợt một sáng anh thức dậy bởi mấy gã áo đen đến gõ cửa và nói rằng anh bị bắt<br />
và có tội (dù chúng không biết anh đã phạm tội gì), anh lập tức không còn tự do nữa. Cuộc sống<br />
của anh bị buộc vào với tòa án, luật pháp – thế giới công quyền cho đến chết (Vụ án). Bi đát và hài<br />
hước hơn thế, nhân vật K. trong Lâu đài ngay cả lúc làm tình với Frieda cũng có bốn con mắt coi<br />
chứng của hai kẻ phụ tá, thực chất chính là những tên mật thám trơ tráo, từ đó chẳng bao giờ chịu<br />
rời khỏi giường ngủ của hai người nữa.<br />
Khi phân tích cảnh này, nhà nghiên cứu Milan Kundera đã gọi bi kịch của K. là “sự cô đơn<br />
bị cưỡng hiếp, đấy là ám ảnh của Kafka” [3;114]. Theo chúng tôi thì điều này phải gọi một cách<br />
chính xác là “sự tự do bị cưỡng bức”. Đó mới thực sự là ám ảnh của Kafka. Bởi nỗi cô đơn của<br />
con người trong tác phẩm của Kafka, như chúng tôi đã phân tích ở trên, là nỗi cô đơn bản thể, là<br />
định mệnh lưu đày con người trong cuộc sống hiện đại. Và dù bị lưu đày trong cô đơn, dù tự khép<br />
<br />
19<br />
Nguyễn Thị Thắng<br />
<br />
<br />
mình vào cuộc sống cô độc, con người vẫn cần được tự do, kể cả tự do trong sự cô đơn. Nhưng<br />
ngay cả điều này, nhân vật của Kafka cũng bị tước đoạt mất. Đó là nỗi khốn cùng của kiếp người.<br />
Con người trong tác phẩm Kafka vì thế là con người cô độc hành hương đi tìm tự do. Nhưng tự do<br />
giống như chân trời xa lắc phía trước mặt mà không thể có đích đến. Nên con người mãi mãi không<br />
thể tìm được ý nghĩa của cuộc sống đích thực. Hiện thực đớn đau vẫn là duy chỉ có con người đơn<br />
độc trên con đường kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa sự sống của mình. Thượng đế chẳng bao giờ<br />
xuất hiện nên bất hạnh vẫn còn đó, sự phi lí, vô nghĩa lí trong cuộc đời vẫn còn đây.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Khám phá văn chương Kafka, chúng tôi đọc được trong những tác phẩm của ông mong mỏi<br />
tha thiết của nhà văn về một thế giới vì con người, vì tự do và cá tính sáng tạo của cá nhân con<br />
người. Nhưng khao khát ấy có lẽ chưa bao giờ thành hiện thực trong cảm nhận và những tìm tòi<br />
của Kafka về lẽ sống con người. Mặc dù quan niệm về tồn tại kiếp người của Kafka có phần bi<br />
quan nhưng không vì thế nó làm giảm ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa nhân sinh trong tác phẩm của<br />
ông. Bởi càng thấu hiểu cuộc sống, càng phiêu du trong cuộc đời, càng trải nghiệm sự đổi thay<br />
của thế giới, chúng ta càng thấm thía và chua chát nhận ra: cuộc sống con người còn quá nhiều nỗi<br />
khốn cùng, nhưng không phải ai cũng dám thú nhận sự thật cay đắng ấy. Phải chăng sự vĩ đại của<br />
nhà văn còn ở chỗ dám nói và đã nói lên được những điều thuộc hiện thực phổ biến trong cuộc<br />
sống cũng như của tâm tư con người, mà ai cũng cảm nhận được nhưng lại không thể hoặc không<br />
dám nói ra?<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] Lê Huy Bắc, 2006. Nghệ thuật Franz Kafka. Nxb Giáo dục, Hà Nội.<br />
[2] Charlie Nguyễn, 2010. Jesus dưới cái nhìn của Do Thái giáo và Hồi giáo. http://sachhiem.net.<br />
[3] Milan Kundera, 2001. Tiểu luận: Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội. Nguyên<br />
Ngọc dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.<br />
[4] Roger Garaudy, 1963. Về một chủ nghĩa hiện thực không bờ bến, in trong Lí luận – phê bình<br />
văn học thế kỉ XX (tập 1), Lộc Phương Thủy chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.<br />
[5] Bùi Ngọc Sơn, 2007. Triết học pháp quyền của Lão Tử. Nxb Tư pháp, Hà Nội.<br />
[6] Nhiều tác giả, 2003. Franz Kafka tuyển tập tác phẩm. Nxb Hội nhà văn, Trung tâm văn hóa<br />
và ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
The human condition in the creation of Franz Kafka<br />
Composed by Franz Kafka gives people a sense of destiny tiny, fragile human condition.<br />
Human values eliminated, human life than animal cheap. Being deprived of the boat means life,<br />
no faith in life, people crouched in lonely self in space and time. Communication from the world,<br />
lonely man in exile seeking freedom and justice, but it always shakes in the distant horizon in front<br />
of which man can not reach the destination. Thus, the desire for a world of freedom, true happiness<br />
for the modern life has never become a reality in the spiritual world of F. Kafka.<br />
Keywords: Works of Kafka, fragile human, lonely self.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
20<br />