intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thêm một luận giải về các giải pháp quản lý mại dâm ở nước ta hiện nay

Chia sẻ: Nguyenanhtuan_qb Nguyenanhtuan_qb | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

58
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày thực trạng và các cách tiếp cận; các giải pháp quản lý mại dâm hiện nay; dư luận xã hội về mại dâm và quản lý mại dâm và đề xuất một số khuyến nghị.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thêm một luận giải về các giải pháp quản lý mại dâm ở nước ta hiện nay

  1. Xã hội học 2 (130), 2015 104 THÊM MỘT LUẬN GIẢI VỀ CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ MẠI DÂM Ở NƯỚC TA HIỆN NAY TRỊNH DUY LUÂN 1. Thực trạng và các cách tiếp cận Thực trạng mại dâm và quản lý mại dâm ở nước ta qua các số liệu thống kê và các cuộc điều tra chọn mẫu gần đây cho thấy bất chấp các nỗ lực và biện pháp “phòng, chống” của các cơ quan chức năng, số lượng người bán dâm và mua dâm những năm vừa qua vẫn không ngừng gia tăng (Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, 2012b). Động cơ kinh tế, thu nhập cao đóng vai trò chủ yếu trong thu hút người bán dâm hành nghề (trên 85,8% người bán dâm khẳng định động cơ này). Tỷ lệ cao những người bán dâm là tự nguyện, không phải do bị cưỡng ép (66% làm việc độc lập). Các biểu hiện và hình thức bán dâm mới, hiện đại gia tăng (với việc sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại, tinh vi), gây nhiều khó khăn hơn cho việc theo dõi và quản lý. Ảnh hưởng của hiện đại hóa, thay đổi hệ giá trị, cách mạng tình dục, phân tầng xã hội, làm cho các quan niệm về tình dục và mại dâm mang tính hiện đại hơn, nhất là trong giới trẻ (Nguyễn Hữu Dũng, 2014; UNFPA, 2010). Tất cả những đặc điểm trên, cùng với những luận chứng khác đang đòi hỏi cần phải tìm ra các giải pháp hợp lý và hiệu quả hơn trong quản lý mại dâm ở nước ta hiện nay. Về mặt lý luận, tìm hiểu các cách tiếp cận khác nhau về mại dâm cũng giúp soi sáng bản chất nhiều chiều cạnh, phức tạp của mại dâm cũng như các xu hướng ứng xử và quản lý đối với mại dâm trên thế giới hiện nay. Cách tiếp cận xã hội học, mại dâm là một hiện tượng xã hội - tự nhiên, bắt nguồn từ những quy luật của giới tự nhiên và xã hội, như F. Engels đã nhắc đến và luận giải trong công trình kinh điển nổi tiếng từ hơn một thế kỷ qua: “Lịch sử của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” (1884). Tính tự nhiên, phổ biến này của mại dâm cũng được phản ánh thông qua ý thức của các nhóm xã hội khác nhau qua các nghiên cứu xã hội học. Tiếp cận kinh tế học chỉ ra mại dâm là một ngành của “kinh tế ngầm” rất “béo bở” và thu nhập cao (một nghịch lý) đối với người hành nghề, là động lực mạnh nhất, bất chấp các rủi ro thể chất và tinh thần, đối với phụ nữ hành nghề mại dâm. Tiếp cận đạo đức thống trị từ hàng trăm năm nay dựa trên các quan niệm về giá trị cũ mà thực chất là sự thống trị của nam giới đối với phụ nữ và bất bình đẳng giới trong lĩnh vực tình dục, ngày nay đang bị thách thức thức bởi những giá trị mới trong thời đại hiện đại hóa, toàn cầu hóa và cách mạng tình dục, đặc biệt là trong giới trẻ.  GS.TS, Viện Xã hội học. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  2. Trịnh Duy Luân 105 Những quan điểm của y tế công cộng thiên về ủng hộ các giải pháp góp phần giảm thiểu tác hại của mại dâm đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội trước đại dịch HIV/AIDS và nguy cơ các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STDs). Tiếp cận giới, đặc biệt những nhà nữ quyền đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ nhất đối với mại dâm và việc khách mua dâm (thường là đàn ông), luôn được “nhẹ tay” hơn người bán dâm trong xử phạt và sự kỳ thị. Tiếp cận pháp luật đã chia tách rõ ràng trong mại dâm các yếu tố “tệ nạn” (người mua và người bán dâm) và yếu tố “tội phạm” (môi giới, bảo kê, tổ chức, kinh doanh) để xử lý, quản lý theo pháp luật (Trịnh Duy Luân, 2014). 2. Các giải pháp quản lý mại dâm hiện nay Phần lớn các quốc gia trên thế giới (160/180 nước) không chấp nhận mại dâm. Song cũng tồn tại các quan điểm và cách giải quyết khác nhau đối với mại dâm. Cho đến nay, trên thế giới có thể phân ra ba nhóm quan điểm chính đối với mại dâm: 1. Coi mại dâm là một nghề, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ thông qua cấp phép/môn bài, nộp thuế; bắt buộc khám chữa bệnh, quy định các địa điểm được phép hành nghề. 2. Coi mại dâm là bất hợp pháp, là tệ nạn xã hội, sai lệch về chuẩn mực đạo đức trong xã hội và là nguyên nhân huỷ hoại kỷ cương, trật tự xã hội. 3. Không coi mại dâm là một nghề, nhưng đó là một hiện tượng xã hội tồn tại ngoài ý muốn của Nhà nước và xã hội, do đó không thể triệt tiêu được. Tương ứng với ba quan điểm như vậy là ba loại giải pháp quản lý đối với mại dâm: 1. Hợp pháp hóa mại dâm, công nhận đó là một nghề; tổ chức ra các “Khu đèn đỏ”, tập trung mại dâm ở đó để quản lý. 2. Coi mại dâm là bất hợp pháp, thậm chí “hình sự hóa” mại dâm, sử dụng các chiến lược, chương trình, biện pháp để “truy quét”, “triệt phá”, thủ tiêu các hoạt động, tụ điểm liên quan đến mại dâm (những người mua/bán dâm, môi giới, kinh doanh, bảo kê cho mại dâm). 3. Không công nhận mại dâm là một nghề, nhưng thừa nhận đó là hiện tượng xã hội không thể xóa bỏ triệt để, hoàn toàn. Áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng ngừa, giảm hại (truyền thông thay đổi hành vi), hỗ trợ cộng đồng. Phân biệt tệ nạn và tội phạm trong hoạt động mại dâm. Giải pháp thứ nhất: Hợp pháp hóa mại dâm thông qua đăng ký và quản lý bao gồm cả kiểm tra y tế định kỳ bắt buộc. Đây là giải pháp đã được áp dụng ở một số (không nhiều) quốc gia trên thế giới (như Đức, Hà Lan, Thụy Điển trước đây, Úc, Mexico…). Trong giải pháp này, cả cơ sở mại dâm và người hành nghề mại dâm đều là đối tượng của hệ thống đăng ký bắt buộc và kiểm tra y tế định kỳ và thường được giới hạn ở một khu vực nhất định gọi là “Khu đèn đỏ”. Giải pháp này có những lợi ích nhất định, nhất là đối với việc quản lý. Nó đưa ra một khung pháp lý cho việc quản lý đối với một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao nhưng lại kèm theo nhiều hệ lụy xã hội và cho việc đảm bảo quyền của người lao động. Việc quản lý mại dâm cũng có thể bao hàm việc đưa nó vào hệ thống nộp thuế của nền kinh tế. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  3. 106 Thêm một luận giải về các giải pháp… Những phản bác đối với giải pháp này ngay ở các quốc gia chấp nhận hợp pháp hóa mại dâm là: Về các giá trị đạo đức (nhất là từ phía các nhà nữ quyền): Nhiều chính trị gia ở các nước công nhận mại dâm như Hà Lan, Đức cũng nêu ý kiến phản đối: họ không cần những đồng tiền thu được từ hoạt động mại dâm, và sẽ là “ô nhục nếu chúng được dùng để chi tiêu cho giáo dục hay lĩnh vực xã hội”. Về kinh tế: Giải pháp này cũng không hề đem lại lợi ích kinh tế nào, thậm chí còn bị thâm hụt. Ví dụ, Năm 2011, Đức chỉ thu được 326.000 USD (đã là "thành công" so với các năm trước), quá ít so với hàng triệu USD phải bỏ ra để quản lý mại dâm mỗi năm. Hoặc tại Bonn, năm 2011 thành phố thu được 18.200 USD thuế từ mại dâm, nhưng đã phải chi tới 116.000 USD để đảm bảo an ninh cho các khu đèn đỏ, chưa kể chi phí quản lý giấy tờ, khám chữa bệnh và chống các dạng tội phạm khác phát sinh từ mại dâm1. Và kết quả cuối cùng là vẫn không hạn chế và kiểm soát được mại dâm cũng như các hệ lụy xã hội đi kèm. Ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều tiếng nói (từ giới nghiên cứu, thậm chí một số đại biểu từ giới hoạch định chính sách) đề xuất áp dụng giải pháp này, và đã được thảo luận khá sôi nổi, thậm chí gay gắt trên các phương tiện truyền thông. Nhiều ý kiến ủng hộ, song cũng không ít ý kiến phản đối việc áp dụng giải pháp thứ 2 này. Ủng hộ: Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (31/7/ 2013): “Với thành phố du lịch mình, tôi cho rằng không thể không có mại dâm”. Ông T.T.K. một Đại biểu Quốc hội (Hà Nội): Nên cho phép để quản lý Tôi cho rằng mại dâm là thực tế của xã hội hiện đại, đã đến lúc cần cách nhìn mới, cách làm mới. Nhiều đời nay mại dâm vẫn tồn tại và ngăn cấm không hết được, thậm chí càng ngăn cấm nó càng len lỏi, phát triển. Tôi cho rằng nên chấp nhận mại dâm để quản lý tốt, không nên định kiến. Bởi càng định kiến, người ta càng che giấu, trong khi nhu cầu vẫn có nên cung vẫn đáp ứng. Thực tế cấm nhưng không quản nổi càng gây ra những hệ quả không lường trước cho xã hội. Ông L M H, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội). Tôi cho rằng, từ thời cổ chí kim mua bán mại dâm là nhu cầu sinh lý có thật và hiển nhiên tồn tại dù muốn hay không muốn thừa nhận nó. Nhà nước đã có nhiều giải pháp để dẹp bỏ hoạt động này nhưng đó cũng chỉ là ý muốn chứ khó có thể dẹp bỏ hoàn toàn được. Chúng ta nên chấp nhận rằng hoạt động mại dâm sẽ còn tồn tại cùng với sự phát triển của loài người. Quan điểm cá nhân tôi, tôi ủng hộ mô hình quy hoạch mại dâm thành phố đèn đỏ. 1 https://vi.wikipedia.org/wiki/Mại _dâm Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  4. Trịnh Duy Luân 107 Phản đối: Ông V M L, chuyên gia Xã hội học Mại dâm là không thể chấp nhận được, là trái với thuần phong mĩ tục của đất nước. Cả hành vi bán dâm và mua dâm đều bị coi là hành vi lệch chuẩn, đe dọa sự toàn vẹn của gia đình, một thiết chế xã hội rất được người Việt Nam đề cao. Bà M. H.,Ban tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Quan điểm nhất quán của Hội Phụ nữ là không coi mại dâm là một nghề. Vì vậy, chúng tôi không có ý kiến gì với những quan điểm mới đây về việc nên có cách nhìn mới về người bán dâm. Các công việc của chúng tôi gần đây và trong giai đoạn đến năm 2015 đều tập trung vào phòng chống, vận động chị em phụ nữ không tham gia bán dâm, hoặc hỗ trợ chị em học nghề, giải quyết việc làm, cho chị em vay vốn. Lý giải và gợi ý đề xuất: Ông V M L, chuyên gia Xã hội học Hợp pháp hóa mại dâm có thể là giải pháp tốt cho một xã hội hiện đại, song hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp đối với thực tế ở Việt Nam. Tôi cho rằng vẫn cần coi mại dâm là bất hợp pháp, song là cần biện pháp xử lý đặc biệt. Tôi thiên về giải pháp giảm bớt kỳ thị xã hội đối người hành nghề mại dâm và tìm ra những con đường phù hợp để bảo vệ quyền hợp pháp của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực và phòng chống lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Về kinh tế, nếu hợp pháp hóa mại dâm, chỉ riêng việc quy định cho tất cả người bán dâm đi xét nghiệm mỗi tháng 1 lần (với chi phí khoảng 400 USD/lần), ngân sách sẽ phải chi ít nhất 150 triệu USD mỗi năm (với số liệu chính thức, Việt Nam hiện có 33.000 gái mại dâm). Số tiền này lớn gấp 6 lần ngân sách hàng năm cho thể thao, gấp 3 lần ngân sách cho phát thanh - truyền hình và gấp 40 lần ngân sách cho xúc tiến đầu tư, du lịch. Hệ thống y tế cũng sẽ quá tải thêm bởi gần 400.000 lượt xét nghiệm tăng thêm mỗi năm cho số lượng người bán dâm như hiện nay (V.M.L, chuyên gia Xã hội học) Về pháp luật, trong bối cảnh sự phân tầng xã hội gia tăng, hợp pháp hóa là cái cớ để mại dâm tiếp tục bùng phát. Ngoài các khu đèn đỏ phục vụ khách hàng “cao cấp”, tất yếu sẽ mọc thêm vô số các tụ điểm dịch vụ mại dâm đủ loại để phục vụ cho khách hàng các “cấp” khác nhau: từ các dịch vụ trá hình tại các nhà nghỉ, khách sạn, các sex-tour, hoặc cái gọi là dịch vụ gái gọi “cao cấp”, chân dài, người mẫu, cho đến các dịch vụ “đứng đường” nơi công cộng - mà không thể xử phạt. Giải pháp thứ hai: Coi mại dâm là bất hợp pháp, thậm chí “hình sự hóa” mại dâm, sử dụng các biện pháp “truy quét”, “triệt phá”, xóa bỏ các hoạt động và tụ điểm liên quan đến mại dâm. Đây là giải pháp không thực tế và không khả thi. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  5. 108 Thêm một luận giải về các giải pháp… khi bị “truy quét”, mại dâm sẽ chuyển sang hoạt động bí mật và không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, khi mại dâm là bất hợp pháp thì người hành nghề mại dâm sẽ bị bóc lột thậm tệ bởi bọn chủ chứa và ma cô. Họ có thể bị bạo lực tình dục bởi khách hàng, mà không dám tố cáo, không được bảo vệ, thậm chí còn gặp rắc rối với cảnh sát hoặc bị bắt. Trong bối cảnh lan truyền đại dịch HIV/AIDS, việc không quản lý được mại dâm đồng nghĩa với việc không thể cung cấp các dịch vụ y tế một cách có hiệu quả, không thể tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng phòng tránh HIV cho người hành nghề mại dâm. Nguy cơ HIV lây lan ra cộng đồng là rất lớn. Việt Nam đã có thời kỳ coi mại dâm như là một dạng tội phạm, bị hình sự hóa, sử dụng các biện pháp mạnh, với các chiến dịch truy quét, “ra quân” làm sạch địa bàn, với rất nhiều trung tâm “phục hồi nhân phẩm”, cải tạo lao động hay Trung tâm Lao động - Xã hội - Chữa trị. Tuy nhiên, như số liệu thống kê đã đưa, số lượng gái mại dâm được đăng ký vẫn tăng hàng năm, mà thực ra, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Một nghiên cứu của ngành y tế công cộng cũng phát hiện ra rằng, sau mỗi đợt “truy quét”, mại dâm lại “dạt” về các khu vực giáp ranh giữa các đơn vị hành chính, để rồi sau đó, lại trở lại hoạt động “như cũ”. Hiệu quả của các hoạt động truy quét như vậy chỉ có thể mô tả bằng qua cách nói dân gian “bắt nhái bỏ đĩa” hay “ném đá ao bèo”. Hơn nữa, đây còn là dịp để mại dâm lan rộng ra các vùng đất mới. Cách tiếp cận “loại trừ” mại dâm đã được đề ra trong các văn bản pháp lý như Pháp lệnh Phòng chống mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH11 và Nghị quyết 05/CP, ban hành ngày 29/1/1993: Mại dâm có xu hướng di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác mỗi khi có các chiến dịch “phòng chống tệ nạn xã hội”. Khi những chiến dịch này được thực hiện, mại dâm có xu hướng sẽ di chuyển tới một địa phương lân cận nơi họ tạm thời được an toàn hơn (thông tin thu được qua các cuộc nói chuyện không chính thức). Hóa ra những chiến dịch này lại làm mại dâm lan rộng hơn (Vũ Ngọc Bảo, 2005). Giải pháp thứ ba: Không công nhận mại dâm là một nghề, nhưng thừa nhận đó là hiện tượng xã hội không thể xóa bỏ triệt để, hoàn toàn. Tập trung áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng ngừa, giảm hại (truyền thông thay đổi hành vi, hỗ trợ cộng đồng). Đây là những biện pháp nên làm khi không thể phủ nhận hay xóa bỏ thực tại. Đồng thời, phân biệt rõ giữa các yếu tố “tệ nạn” (chỉ bị xử phạt hành chính) và yếu tố “tội phạm” (phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự) trong hoạt động mại dâm. Hiện nay, giải pháp này đang được một số nước áp dụng dưới các biến thể khác nhau, hoặc công khai, hoặc ngầm định, như là “con đường thứ ba”, trung hòa giữa 2 giải pháp vừa “cực đoan”, vừa không khả thi / hiệu quả như đã nêu trên. 3. Dư luận xã hội về mại dâm và quản lý mại dâm Tìm hiểu dư luận xã hội về mại dâm và quản lý mại dâm ở mỗi quốc gia là một kênh thông tin tư vấn hữu ích trong việc quản lý hiện tượng xã hội này, cả ở trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, các nghiên cứu này còn khá ít. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  6. Trịnh Duy Luân 109 Thái độ đối với mại dâm, việc hợp pháp hóa mại dâm ở Mỹ những năm 1970 - 19902. Để tham khảo, dưới đây là những số liệu phản ánh dư luận xã hội ở Mỹ về mại dâm qua các cuộc Tổng điều tra xã hội (General Social Survey - GSS) trong 3 thập niên 1970, 1980 và 1990. Nhìn chung, đa số công chúng ở Mỹ phản đối mại dâm và việc hợp pháp hóa mại dâm. Tuy nhiên, chênh lệch giữa tỷ lệ phản đối và tỷ lệ ủng hộ là không lớn. Số liệu từ Bảng 1 và Bảng 2 dưới đây cho thấy thái độ của người dân Mỹ đối với việc hợp pháp hóa mại dâm và cách ứng xử với mại dâm ở Mỹ trong thời kỳ này. Bảng 1. Thái độ của người dân Mỹ đối với việc Hợp pháp hóa mại dâm Đơn vị: % Thời gian 7/77 5-6/78 2/82 10/83 9/85 8-9/91 2-5/96 5/96* GSS Ủng hộ 49 47 29 53 23 40 45 26 Phản đối 45 30 63 43 72 55 52 70 Không biết 6 23 8 4 6 5 2 3 N 1.044 1.993 - 1.200 1.014 1.216 1.399 1.019 Chú thích: Cuộc điều tra này được thực hiện bởi Viện Gallup. Bảng 2. Cần phải làm gì với mại dâm Đơn vị: % Thời gian Để cho các cá Cho phép theo Không Hoàn toàn cấm N GSS nhân lo quy định chắc 11-12/1978 35 24 37 4 1.513 1-2/1990 22 31 46 1 2.254 Nhìn chung, kết quả điều tra qua các năm cho thấy tỷ lệ ủng hộ hay phản đối việc hợp pháp hóa mại dâm ở Mỹ dao động trong khoảng 40 - 55%, thiên một chút về phía phản đối. Còn thái độ đối với khách mua dâm, với việc có nên công khai danh tính của họ hay không, số ý kiến ủng hộ và ý kiến không ủng hộ là khá cân bằng theo tỷ lệ gần như 50/50. Tháng 11/1978, khi hỏi 1.509 người: “Công khai danh tính khách mua dâm có phải là sự xâm phạm sự riêng tư của cá nhân?”, 48,7% NĐH đồng ý với ý kiến này, song cũng có 47,3% không cho là như vậy. 18 năm sau, vào tháng 01/1995, với câu 753 hỏi: “Công khai tên và ảnh khách mua dâm có phải là là ý hay?”, 50% NĐH cho là nên làm như vậy, trong khi 45% lại không đồng ý với việc này. Rõ ràng, công chúng Mỹ đã có sự “phân đôi” ý kiến trong thái độ đối với mại dâm. Đáng lưu ý là xu hướng “phân đôi” ý các kiến này cũng được gặp lại ở kết quả của nhiều cuộc điều tra/trưng cầu ý kiến khác ở Mỹ và cả ở Việt Nam gần đây. Dư luận xã hội về quản lý mại dâm ở Việt Nam Về quan niệm của công chúng Việt Nam đối với hành vi mua/bán dâm, số liệu từ 2 Các số liệu và phân tích ở phần này được lấy từ Tom W. Smith (1998). Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  7. 110 Thêm một luận giải về các giải pháp… cuộc điều tra trong năm 2014 của đề tài KX02.08/11-153 cho thấy xu hướng phân đôi “tương đối cân bằng” như vừa nhắc đến ở trên. Trong hai nhóm ý kiến đánh giá trái ngược nhau thì 52,84% người được hỏi (NĐH) coi bán dâm là tội phạm, phần còn lại coi họ là nạn nhân hoặc các loại khác. Đối với khách mua dâm, 50,5% NĐH coi họ là họ là tội phạm, phần còn lại coi họ là khách hàng (Nguyễn Hữu Dũng, 2014). Đối với nhóm thanh thiếu niên, số liệu từ Điều tra Quốc gia về Thanh niên và Vị thành niên Việt Nam (SAVY 1 và 2) cho thấy chỉ hơn một nửa số thanh thiếu niên được hỏi đồng ý với nhận định“Bán dâm là vô đạo đức” (56% trong SAVY 1 và 58% trong SAVY 2) (UNFPA, 2010). Về tính chất của tệ nạn mại dâm hiện nay, cũng có hơn một nửa (56,63%) số NĐH hỏi đánh giá mại dâm là nghiêm trọng/rất/đặc biệt nghiêm trọng. Phần còn lại, 43,37% đánh giá mại dâm là không hoặc ít nghiêm trọng. Tỷ lệ chênh lệch dạng này được thấy phổ biến trong hầu hết các nhóm nhân khẩu - xã hội khác nhau thuộc mẫu nghiên cứu (xem các dòng ở Bảng 3). Bảng 3: Nhận định về tính chất của tệ nạn mại dâm Đơn vị: % Tính chất của tệ nạn mại dâm Người trả lời Không Rất Đặc biệt Ít nghiêm Nghiêm nghiêm nghiêm nghiêm trọng trọng trọng trọng trọng Theo giới tính Nam 9,31 34,38 32,63 14,93 8,76 Nữ 10,29 32,74 26,33 19,14 11,50 Theo khu vực Thành thị 11,15 36,19 26,86 16,76 9,05 Nông thôn 6,29 26,26 37,41 17,27 12,77 Theo đối tượng phỏng vấn Người dân 9,56 31,19 29,56 18,18 11,51 Cán bộ 10,50 43,25 30,50 11,50 4,25 Theo độ tuổi Từ 18 đến dưới 30 tuổi 13,87 35,04 29,93 13,87 7,30 Từ 30 đến dưới 45 tuổi 9,71 33,70 29,13 16,78 10,68 Trên 45 tuổi 8,60 33,20 30,16 17,61 10,43 Chung 9,75 33,62 29,75 16,83 10,05 Nguồn: Báo cáo tổng kết đề tài KX.02.08/11-1, Nguyễn Hữu Dũng, 2014. 3 Nguồn: Báo cáo Tổng kết Đề tài KX.02.08/11-15: “Tư duy mới về quản lý tệ nạn xã hội ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế” (Chủ nhiệm: PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, 2014). Mẫu điều tra: 2.000 người ở 4 tỉnh/thành (Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh) với 1.600 người dân và 400 cán bộ làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý tệ nạn xã hội. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  8. Trịnh Duy Luân 111 Đáng chú ý là ở Bảng 3 trên, dù là ý kiến chung hay ý kiến của các nhóm nhân khẩu - xã hội (thể hiện ở mỗi dòng trong bảng), đều được phân bổ theo xu hướng “dãn đều ra cả 2 phía” và điều này gợi ra dạng “phân bố chuẩn N” trong lý thuyết thống kê toán. Về các giải pháp quản lý mại dâm, cũng cuộc điều tra trên cho biết 31% NĐH cho rằng “nên cấm hoàn toàn” hoạt động mại dâm, tức là thiên về “giải pháp thứ hai” theo phân loại ở trên. Trái lại, khoảng 1/3 người được hỏi (33,63%) lại cho rằng “nên coi đó là một nghề” hoặc “thừa nhận để quản lý”. Ngoài ra, hơn 1/4 số người được hỏi thiên về chọn “giải pháp thứ nhất” - công nhận mại dâm và tập trung vào một khu vực để quản lý. Đáng chú ý là, 8,28% cho rằng nên coi mại dâm là một "nghề" và có yêu cầu bắt buộc về khám bệnh định kỳ, tiêu chuẩn an toàn và thu thuế. Những quan niệm này được sự ủng hộ nhiều hơn bởi các nhóm NĐH trẻ, dân đô thị và nam giới. Đặc biệt, nhóm cán bộ (trong các lĩnh vực có liên quan đến quản lý tệ nạn xã hội) có tới hơn một nửa số ý kiến ủng hộ việc coi mại dâm là một nghề, thừa nhận và tập trung để quản lý. Như vậy, ý kiến người dân (và cán bộ) về vấn đề quản lý mại dâm là khá phân hóa (hay phân cực theo 2 giải pháp 1 & 2). Theo đó, sẽ khó có được sự đồng thuận xã hội trong việc thừa nhận mại dâm về mặt pháp lý và coi mại dâm như một nghề. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy là mại dâm rất khó xóa bỏ triệt để. Đó là một hiện tượng xã hội mà chúng ta phải tìm ra phương thức, hình thức và biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả và lâu dài. 3. Thêm một luận chứng cho “Giải pháp thứ ba” trong quản lý mại dâm ở nước ta hiện nay Từ các phân tích “thiệt - hơn”, theo nhiều tiếp cận, đối với từng giải pháp quản lý mại dâm, “giải pháp thứ ba” dường như đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Ngay ở Việt Nam, những năm gần đây, nhiều chính sách, biện pháp quản lý mại dâm dường như cũng đã có những yếu tố thiên về giải pháp này. Các kết quả nghiên cứu dư luận xã hội về mại dâm và quản lý mại dâm Các phân tích về thái độ hay dư luận xã hội nêu trên đã cho thấy hai xu hướng ý kiến của công chúng đối với mại dâm và quản lý mại dâm như sau: 1. Có sự phân đôi “tương đối cân bằng” giữa 2 loại ý kiến đối lập nhau - chấp nhận hay không chấp nhận mại dâm - với tương quan “4x% - 5x%”, nghiêng nhẹ về phía không chấp nhận. Điều này dường như phản ánh một sự “giằng co” giữa 2 luồng ý kiến trái chiều trong đánh giá thực trạng và chính sách quản lý mại dâm. 2. Khi sử dụng thang đánh giá đối xứng, phân bố các ý kiến gợi ra hình ảnh gần với phân phối chuẩn N - một quy luật phân phối phổ biến trong thế giới tự nhiên và xã hội, với sự phân tán các ý kiến về cả 2 phía của giá trị trung bình mà không lệch hẳn về một phía/cực nào. Ở đây, thái độ chủ quan của số đông công chúng đã phản ánh một cách khách quan tính chất phổ biến và đa chiều của hiện tượng cũng như cách xử l ý đối với mại Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  9. 112 Thêm một luận giải về các giải pháp… dâm. Từ đây, các chính sách quản lý mại dâm cũng không thể và không nên cực đoan hóa, thiên về một cực nào của hiện tượng, như hợp pháp hóa (giải pháp 1) hay hình sự hóa (giải pháp 2) vấn đề. Điều này cũng được hỗ trợ bởi những phân tích từ các tiếp cận khác nhau đối với mại dâm như xã hội học, kinh tế, đạo đức, pháp luật trong bối cảnh xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm về “Giải pháp thứ ba” này và các chính sách, biện pháp tương ứng vẫn cần được luận chứng một cách đầy đủ và chặt chẽ hơn, để có thể khẳng định và vận dụng vào thực tiễn một cách công khai hoặc ngầm định. 4. Một số khuyến nghị Với tất cả luận chứng về 3 giải pháp quản lý mại dâm đã nêu ở trên, phát hiện mới từ kết quả khảo sát về dư luận xã hội đối với mại dâm và quản lý mại dâm sẽ góp thêm một luận chứng rằng “Giải pháp thứ ba” (với các biến thể cần thiết của nó) sẽ là giải pháp thích hợp nhất để quản lý mại dâm ở nước ta hiện nay. Giải pháp này khẳng định những quan điểm nguyên tắc khác với hai giải pháp “cực đoan” 1 và 2 như sau: 1. Không công nhận, không hợp pháp hóa mại dâm, không coi mại dâm là một nghề, không thành lập các “Khu đèn đỏ” và cũng không “hình sự hóa” mại dâm nói chung. 2. Chấp nhận/thừa nhận một thực tế: mại dâm là một hiện tượng tự nhiên - xã hội nhiều chiều cạnh, phức tạp, tồn tại khách quan, và vì thế rất khó (thậm chí không thể) xóa bỏ hoàn toàn bằng các quyết định quản lý duy ý chí cứng nhắc. Giải pháp này có thể gọi tên là Giải pháp “Phòng ngừa và giảm hại”, với phương châm: phòng ngừa, hạn chế và giảm tác hại đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội. Nó đòi hỏi phải tăng cường: • Các chương tình, dự án, hoạt động, các mô hình can thiệp giảm tác hại của mại dâm đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục- như các tổ chức phi chính phủ và ngành y tế, y tế công cộng đã và đang làm hiện nay. • Các hoạt động truyền thông và tư vấn thích hợp để những người “trong cuộc” nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từ bỏ mại dâm; còn những người “ngoài cuộc” thì không bị dẫn dắt vào con đường này. • Các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để những người đã từ bỏ/ muốn từ bỏ mại dâm hòa nhập cộng đồng. • Đi kèm theo đó, tiếp tục phân định rõ ràng hơn những yếu tố “tệ nạn xã hội” và những yếu tố cấu thành “tội phạm” hay các “tội danh” liên quan tới mại dâm như: tổ chức, chứa chấp, môi giới, dụ giỗ, cưỡng ép làm mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em vào hoạt động mại dâm và kiên quyết xử lý những hành vi này theo quy định của pháp luật. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
  10. Trịnh Duy Luân 113 Tài liệu tham khảo Chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 (Ban hành kèm theo Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ). Công văn số 34/TB-VPCP ngày 23/1/2014 đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBQG phòng, chống HIV/AIDS, và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2014. Cục Phòng chống tệ nạn xã hội. 2012a. Mại dâm và di biến động nhìn từ góc độ giới. Hà Nội. Cục Phòng chống tệ nạn xã hội. 2012b. Tổng quan tài liệu về mại dâm và di biến động tại Việt Nam. Engels, F.. 1884. Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước” (1884). Dự Trần. 2012. Kinh tế học về mại dâm.Tuổi trẻ cuối tuần. Truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi- tuan/20120630/kinh-te-hoc-ve-mai-dam/499259.html (Truy cập ngày 30/6/2012).Tuổi trẻ cuối tuần 30/06/2012. Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2012. Báo cáo tiến độ phòng chống AIDS. Thực hiện tuyên bố chính trị về phòng chống HIV/AIDS (GAPR). Hà Nội. Nguyễn Hữu Dũng. 2014. Báo cáo Tổng hợp Đề tài NCKH trong điểm cấp nhà nước KX.02.08/11-15 “Tư duy mới về quản lý tệ nạn xã hội ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”. Quốc hội Việt Nam. 2003. Pháp lệnh Phòng, Chống mại dâm. Tom W. Smith. 1998. Public Opinion on Prostitution: Trends, Comparisons, and Models. National Opinion Research Center University of Chicago. GSS Topical Report No. 31. August, 1998. Trịnh Duy Luân. 2014. Báo cáo xã hội năm 2014 của Viện Xã hội học. Mại dâm: Thực trạng, Cách tiếp cận và Định hướng giải quyết. UNFPA. 2010. Điều tra quốc gia vị thành niên và thanh niên Việt Nam 2010 (SAVY 2). Vũ Ngọc Bảo. 2005. Mại dâm ở Việt Nam: Các tác động tới phòng chống HIV/AIDS? Tạp chí Dân số và Phát triển, số 1 (46), 2005. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2