intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dựa trên những vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số trong nông nghiệp, bài viết "Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam" tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam trong những năm tiếp theo. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam

  1. THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM Trần Phương Anh1 Tóm tắt: Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, nhất là đối với những nước đang phát triển như Việt nam, giúp cho đất nước đảm bảo được an ninh lượng thực, tạo nguồn thu thông qua xuất khẩu nông sản, tạo việc làm, cung ứng và chủ động các yếu tố đầu vào cho sản xuất... Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là cách thức để phát huy mạnh mẽ những vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế. Dựa trên những vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số trong nông nghiệp, bài viết tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt nam, đồng thời để xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt nam trong những năm tiếp theo. Từ khóa: Nông nghiệp, chuyển đổi số, big-data, AI trong nông nghiệp… 1. CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP Chuyển đổi số trong các lĩnh vực nói chung, trong nông nghiệp nói riêng, thực sự vẫn là một vấn đề mới mẻ ở thời điểm hiện nay. Điểm nổi bật về chuyển đổi số trong nông nghiệp được thể hiện ở một số khía cạnh như: Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng và tích hợp các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (IClouds), kết nối vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchange)... vào các hoạt động của chuỗi liên kết, giá trị các ngành hàng nông nghiệp nhằm tạo ra giá trị mới, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn số đồng bộ, thống nhất theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là sự thay đổi phương thức quản lý, điều hành trong nông nghiệp, thay đổi quy trình sản xuất trong nông nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số, thông qua đó, giúp cho nông nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp truyền thống” sang “nền nông nghiệp số”; trong đó, hướng tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. 2. CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM Các kết quả đạt được Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực tập trung thực hiện chuyển đổi số. 1 Học viện Tài chính
  2. 514 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM Mặc dù đang trong những bước đầu tiên thực hiện chuyển đổi, các cơ chế chính sách vẫn đang dần được ban hành và điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng chuyển đổi số cũng như nhu cầu thực tiễn của khu vực sản xuất nông nghiệp, Nông nghiệp Việt nam đã bước đầu đạt được những thành công nhất định trong chuyển đổi số, góp phần thay đổi dần diện mạo của nền nông nghiệp vốn mang nặng tính truyền thống của Việt nam. Một số kết quả nổi bật như: Thứ nhất, việc áp dụng công nghệ số như công nghệ kết nối vạn vật IoT, sản xuất canh tác trong nhà kính, sử dụng máy bay không người lái để quan sát, thu thập số liệu hoặc phun thuốc… đã trở nên phổ biến đối với nhiều vùng địa phương sản xuất nông nghiệp cũng như với người nông dân. Trải dài khắp cả nước, hầu hết 63 tỉnh thành của Việt nam, kể cả ở vùng cao như Bắc Hà, Sapa, Sơn La… đã tiếp cận và ứng dụng hiệu quả công nghệ số, công nghệ IoT trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện và đặc thù nông nghiệp của địa phương, góp phần nâng cao năng suất nuôi trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế rủi ro do dịch bệnh, thiên tai. Người nông dân nhiều địa phương cũng đã thay đổi dần thói quen canh tác, dần xây dựng hình ảnh người nông dân với tác phong làm việc công nghiệp, chuyên nghiệp và, chính xác. Thứ hai, ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản được áp dụng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, đang dần làm thay đổi phương thức tiêu thụ nông sản truyền thống, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tới mọi miền đất nước và quốc tế mà không bị giới hạn về địa lý, tình trạng bị thương lái ép giá cũng giảm dần. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đã tích cực hỗ trợ người sản xuất cả về cơ chế, chính sách, thông tin trong tiếp cận các kênh tiêu thụ điện tử. Tình trạng “được mùa mất giá” đã giảm dần, ngay trong thời gian dịch bệnh, tình trạng ứ đọng nông sản cũng ít xảy ra. Thứ ba, đã xây dựng được thương hiệu cho nhiều nông sản đi kèm với công nghệ truy xuất nguồn gốc, như CheViet, Gạo Việt Nam (cấp quốc gia); vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), chôm chôm Chợ Lách, bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh) (cấp địa phương và doanh nghiệp)…  Việc áp dụng công nghệ số đã góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản và liên kết sản xuất với tiêu thụ chặt chẽ, thuận lợi, đáp ứng không chỉ nhu cầu trong nước mà còn dần đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu khắt khe trong xuất khẩu nông sản tới các quốc gia trên thế giới. Thứ tư, bước đầu thu thập và tiến hành xây dựng và cập nhật bộ dữ liệu về sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Với 113 loại cơ sở dữ liệu được xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang từng bước tạo dựng được cơ sở dữ liệu số phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Không chỉ triển khai ở cấp Bộ, việc thu thập dữ liệu thông qua công nghệ BigData cũng được các địa phương triển khai nhằm hỗ trợ cho việc tổ chức và quản lý hoạt động nông nghiệp của địa phương. Cùng với đó là một loạt các phần mềm quản lý trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản được thiết kế, xây dựng và đưa vào ứng dụng. Thứ năm, các doanh nghiệp lớn, các trang trại nông nghiệp tích cực đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, đồng thời dẫn dắt, định hướng người nông dân trong vùng từng bước tham gia vào các khâu trong sản xuất, tiêu thụ nông sản trên nền tảng công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nông nghiệp đã chủ động tiếp cận, ứng dụng,
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 515 chuyển đổi công nghệ số ngay cả khi Chiến lược chuyển số quốc gia cũng như của ngành chưa ban hành. Điều này cho thấy tính chủ động của các doanh nghiệp trong nông nghiệp, đồng thời một lần nữa khẳng định xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thứ sáu, Chính phủ Việt nam, các cơ quan Ban, ngành đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn, các chính sách đối với ngành nông nghiệp, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, đồng thời tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt nam. Có được những thành công này là nhờ sự vào cuộc và tham gia kịp thời của các cấp quản lý, các cơ quan chức năng. Khẳng định chuyển đổi số trong nông nghiệp là một tất yếu và là bước đi quan trọng, là chìa khóa để hình thành “kinh tế nông nghiệp”, Chính phủ, các Bộ, Ban ngành đã kịp thời ban hành các Chương trình hành động để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng. Ngay sau khi Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, trong đó, xác định nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số, một loạt các chương trình hành động đã được Bộ, ban, ngành cũng như các đơn vị liên quan tích cực triển khai: -Thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và của các địa phương; lấy ngày 19/8 hàng năm là ngày công nghệ số trong nông nghiệp. - Ra quyết định Thành lập Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. - Thực hiện xây dựng đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 - Ra mắt hiệp hội Nông nghiệp số - tạo sân chơi chung nhằm tập hợp nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn như: hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường, củng cố sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, tập hợp nguồn lực để cùng lan tỏa và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa với mục tiêu tối thượng “Giàu từ Nông nghiệp – Prosperity by Agriculture”. Những hạn chế trong chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt nam Bên cạnh những thành công, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang gặp nhiều hạn chế. Nổi bật nhất đó là: Thứ nhất, mặc dù có chương trình hành động về chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt nam hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu ở một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn hoặc một số trang trại lớn trong nông nghiệp. Nếu xét trong toàn ngành nông nghiệp thì tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn rất phổ biến. Trong sản xuất nông nghiệp Việt nam hiện nay, hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ với phương thức sản xuất cũ, nhiều hộ nông dân thiếu hụt nguồn lực (tài chính, đất đai, kiến thức, công nghệ…) để chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại hơn, chưa nói đến là chuyển đổi theo hướng gắn với công nghệ số.
  4. 516 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM Thứ hai, xét về tiến trình thực hiện, nông nghiệp Việt nam hiện mới ở những bước đầu chuyển đổi sang nông nghiệp số, do đó, thực tế là chưa có sự đồng bộ trong thực hiện giữa các địa phương, cũng như chưa có sự đồng bộ về công nghệ số trong các khâu của sản xuất nông nghiệp. Những thành công nổi trội của nông nghiệp Việt nam hầu hết đang ở mức ứng dụng hệ thống cảm biến, định vị trong nuôi trồng, và hiện còn thiếu hụt ở nhiều mảng khác của công nghệ số, như: thiếu phần mềm trí tuệ nhân tạo AI, thiếu cơ sở dữ liệu lớn (BigData) cho sản xuất, cũng như công nghệ điện toán đám mây hỗ trợ, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logicstic, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; chưa tạo ra nền tảng kết nối để Chính phủ nắm bắt tình hình, điều hành ngành nông nghiệp của đất nước… Mỗi địa phương, tùy thuộc vào điều kiện nuôi trồng thực tế lại có những ứng dụng công nghệ trong một số khâu nhất định, chứ chưa dựa vào đồng bộ 4 nền tảng chính của chuyển đổi số, đó là nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực. Thứ ba, hạn chế về hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp. Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp để tích hợp, chia sẻ cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu về kết nối, truyền thông. Hệ thống dữ liệu của Bộ chưa tuân thủ khung kiến​​ trúc chính phủ điện tử, chủ yếu vẫn là phiên bản 1.0. Điều này dẫn tới các hộ nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp thiếu hụt về dữ liệu, thông tin để làm căn cứ cho hoạt động sản xuất cũng như trong tiêu thụ sản phẩm, tạo sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, hạn chế này cũng ảnh hưởng đến công tác tổ chức quản lý và điều hành trong nông nghiệp. Nguyên nhân của những hạn chế Những hạn chế phân tích trên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây: Thứ nhất, Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản ở Việt Nam khá mới mẻ nên nhận thức của phần lớn các địa phương, doanh nghiệp và nhất là nông dân còn hạn chế. Hầu hết các chủ thể chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng cũng như áp lực phải ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Nông nghiệp số đòi hỏi người nông dân sẽ phải chuyển đổi, thay đổi hành vi, từ duy, cách sống và cách làm việc. Nhưng đây là điều không phải thực hiện được trong một thời gian ngắn. Điều này gây khó khăn trong việc tiếp cận cũng như ứng dụng công nghệ số trong ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua. Thứ hai, Cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng số trong khu vực nông nghiệp nông thôn chưa được phát triển và đồng bộ. Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển Internet vạn vật, hỗ trợ hình thành sản xuất nông nghiệp thông minh…; việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế cũng như chưa tạo cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử, chi phí 3G, 4G còn cao. Hạ tầng vật lý chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh; hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia, dữ liệu trong ngành nông nghiệp còn chậm được triển khai; cơ sở dữ liệu nông nghiệp quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ; hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn;
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 517 hạ tầng điện phục vụ cho hạ tầng viễn thông còn có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này dẫn tới việc tiếp cận công nghệ số và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, quy mô sản xuất nông nghiệp Việt nam còn mang tính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, hoạt động kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Thiếu quy hoạch vùng nông nghiệp gắn với chuyển đổi số. Hiện nay, quy hoạch sản xuất nông nghiệp còn chủ quan, duy ý chí, chưa dự báo đúng nhu cầu của thị trường; sự liên kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến, giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn lỏng lẻo và mới chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, trang trại nông nghiệp lớn… Thứ tư, trình độ nông dân - đội ngũ lao động trực tiếp trong nông nghiệp còn thấp. Một số lượng lớn nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp Việt nam chưa được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau; cũng vì thế, hạn chế trong việc tiếp nhận, sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khó khăn trong thao tác công nghệ cũng như đánh giá hiệu quả sử dụng công nghệ. Thứ năm, các nguồn lực trong nông nghiệp như đất đai, nguồn vốn để đầu tư công nghệ còn nhiều hạn chế. Hiện tại, đất đai trong nông nghiệp vẫn còn bị phân tán, nhỏ lẻ, khó có thể áp dụng công nghệ cao, công nghệ số. Quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn khó khăn do quy định hạn điền và thời gian sử dụng đất còn nhiều bất cập. Kinh phí để tiếp cận và đổi mới công nghệ số lớn, trong khi khả năng tiếp cận vốn vay không cao cũng là nguyên nhân làm cho các chủ thể trong nông nghiệp, nhất là các hộ gia đình nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở khu vực nông thôn không mặn mà và quyết tâm tham gia thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thứ sáu, thiếu hụt một hệ thống các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện nay, các chính sách và hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện còn mang tính cục bộ địa phương và thiếu tính tổng thể trên phạm vi quốc gia. Nhiều chính sách ban hành chưa kịp thời, chưa gắn với yêu cầu thực tiễn chuyển đổi số, các chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi số chưa nhiều. Nếu có thì chủ thể trong chuyển đổi số, nhất là các hộ nông dân lại rất khó khăn trong tiếp cận do thủ tục rườm rà, phức tạp… Sự tham gia của các cơ quan quản lý trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp mới chỉ dừng ở ban hành văn bản, định hướng, phương hướng thực hiện, chương trình hành động chung. Các giải pháp liên quan đến đất đai, chính sách tín dụng, đến đào tạo, hoặc quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi số chưa được đầy đủ. 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM THỜI GIAN TỚI Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Dưới dây là một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt nam trong thời gian tới: Một là, Quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi số Cần xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi số với tầm nhìn trung hạn và dài hạn. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, địa phương, kết
  6. 518 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM hợp với phân tích, dự báo thị trường, mỗi địa phương cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng: (1) xác định sản phẩm nông nghiệp chiến lược của địa phương; và (2) hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tạo thuận lợi cho áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhất là công nghệ tự động hóa, cảm biến, công nghệ quản lý và điều khiển từ xa cũng như thuận lợi đề hình thành hệ thống trang trại, nhà kính quy mô lớn. Quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ số cần phải được thực hiện đồng bộ với các quy hoạch khác, như quy hoạch đất đai trong nông nghiệp, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, quy hoạch các cụm công nghiệp, cụm làng nghề tại địa phương… Khi thực hiện hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp mang tính dài hạn, đồng bộ, sẽ là căn cứ để các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã, các nhà đầu tư, người nông dân cũng như các ngành, các lĩnh vực khác có liên quan đến nông nghiệp xây dựng được kế hoạch đầu tư, phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và an tâm thực hiện. Hai là, Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ ở khu vực nông thôn (gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng số) Có một thực tế là cơ sở hạ tầng của Việt nam nói chung, khu vực nông thôn nói riêng còn khá lạc hậu, không đồng bộ (bao gồm cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng số). Để thúc đẩy chuyển đổi số, rất cần phải đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn, cần tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông kết nối các vùng sản xuất với các tỉnh lộ, quốc lộ nhằm mở rộng không gian cũng như tạo sự thông thoáng trong kết nối giữa các vùng, địa phương. Theo đó sẽ góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận các yếu tố đầu vào cũng như tiêu thụ nông sản ở mỗi vùng. Đối với cơ sở hạ tầng số - bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu – cần được đầu tư tương xứng và đồng bộ. Có thể nói, hạ tầng số chính là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong khu vực nông nghiệp nói riêng. Trong thời gian tới, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng số trong khu vực nông nghiệp, nông thôn cần tập trung vào những nội dung như: (1) Phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng (hạ tầng cáp quang, hạ tầng mạng di động thế hệ mới) và hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT). Trong đó, phát triển hạ tầng cáp quang để kết nối tới tất cả các hộ nông dân; phủ sóng điện thoại di động thế hệ mới (4G, 5G) tới tất cả khu vực nông thôn; còn phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông thôn thông minh; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ chuyên nghiệp, bảo đảm triển khai hiệu quả, tránh chồng chéo, tận dụng tối đa hạ tầng của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư. (2) Phát triển các nền tảng số để phục vụ người dân khu vực nông thôn, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân (thuộc các lĩnh vực liên lạc, mua sắm, giải trí, sức khỏe, học tập, du lịch, đi lại, ăn uống) và phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn (như các lĩnh vực thương mại điện tử, vận tải, thanh toán điện tử, hợp đồng điện tử...). Ba là, Xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp Điểm khác biệt lớn nhất giữa nông nghiệp số và nông nghiệp công nghệ cao chính là việc tổ chức, vận hành các hoạt động trong nông nghiệp trên nền tảng công nghệ số. Do vậy, cần
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 519 phải đẩy nhanh việc xây dựng, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp và vận hành trên nền tảng số. Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp bao gồm dữ liệu đất đai; dữ liệu về cây trồng vật nuôi theo vùng, địa phương; dữ liệu về sản lượng, tiềm năng của mỗi vùng, địa phương; dữ liệu về hoạt động dịch vụ trong nông nghiệp; dữ liệu về nhân lực nông nghiệp ở mỗi vùng; dữ liệu về mội trường, khí hậu cũng như các văn bản điều hành, hướng dẫn của cơ quan quản lý trong nông nghiệp…Các dữ liệu này cần phải được xây dựng đồng bộ, số hóa và thường xuyên cập nhật, có tính “mở” và có thể kết nối, chia sẻ. Qua đó, người nông dân, doanh nghiệp trong nông nghiệp, các nhà đầu tư… có thể truy cập để tiếp cận và tìm hiểu những thông tin họ cần, tiếp cận các dữ liệu liên quan đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ hoặc đầu tư vào nông nghiệp; nhằm đưa ra các quyết định liên quan. Hệ thống cơ sở dữ liệu số cũng là một kênh để các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với khu vực nông nghiệp nhanh chóng hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng sẽ dễ dàng đưa ra những quyết định trong điều hành, tổ chức, hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả. Bốn là, Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số Nhân lực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, là nhân tố then chốt có thể tạo nên những đột phá mới nhưng cũng có thể kìm hãm sự phát triển. Trong đào tạo nhân lực nông nghiệp, vì mỗi vùng, địa phương sẽ có những lợi thế khác nhau trong phát triển nông nghiệp, do vậy, việc đào tạo nhân lực trong nông nghiệp không thể đào tạo chung chung mà cần đào tạo theo hướng chuyên môn hóa theo nội dung công việc cụ thể, gắn với nhu cầu ở mỗi vùng, địa phương. Gắn với chuyển đổi số, trong thời gian tới, cần tập trung đào tạo chuyên sâu và tăng số lượng các kỹ thuật viên công nghệ sinh học trên các lĩnh vực cụ thể, như kỹ thuật viên phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, kỹ thuật viên phân tích kiểm định, kỹ thuật viên phân tích môi trường, hoặc gắn với các nghề đào tạo trong nông nghiệp Đối với người nông dân, cần đổi mới hoạt động đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn, nâng cao kỹ năng sản xuất và kỹ năng ứng dụng công nghệ cho người nông dân theo hướng vừa học vừa làm tại các trang trại công nghệ cao. Mỗi địa phương sẽ chủ động đề xuất, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế; Hoạt động này có thể giao cho Hợp tác xã, hội nông dân hoặc doanh nghiệp nông nghiệp tại địa phương thực hiện. Với đội ngũ cán bộ quản lý trong nông nghiệp, cần đào tạo nâng cao kỹ năng đàm phán, kỹ năng xử lý, phân tích thị trường, kỹ năng quản lý…, đặc biệt, cần đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý doanh nghiệp, chủ trang trại, giám đốc Hợp tác xã với nội dung về quản trị sản xuất, nhân lực, phân tích và dự báo thị trường. Theo đó, dần hình thành đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp trong nông nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh nông nghiệp, các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng nhân lực; có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo; cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ cụ thể, thiết thực, phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác,
  8. 520 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại các vùng sản xuất nông nghiệp. Năm là, Xây dựng và hoàn thiện các chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp Các chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện để giải quyết nhiều tồn đọng trong sản xuất nông nghiệp – tháo gỡ các nút thắt trong nông nghiệp Việt nam hiện nay, đồng thời thúc đẩy, khuyến khích các chủ thể trong nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Một số chính sách cần quan tâm nhất trong điều kiện hiện nay, như chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng trong nông nghiệp, chính sách đầu tư trong nông nghiệp, chính sách thuế... Sáu là, Đầu tư phát triển công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp Khoa học công nghệ đóng vai trò ngày một quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, và trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nói riêng. Khoa học công nghệ được coi là nhân tố quyết định làm tăng năng suất, chất lượng nông sản, mở ra những cơ hội phát triển mới cho nông nghiệp Việt nam. Đầu tư vào hoạt động nghiên cứu công nghệ trong nông nghiệp, bao gồm cả công nghệ sinh học, máy móc thiết bị nông nghiệp, công nghệ cảm biến, công nghệ kết nối vạn vật… Đồng thời, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, lựa chọn mô hình để chuyển giao đến các nhóm đối tượng phù hợp với khả năng tiếp nhận và duy trì của mỗi đối tượng; qua đó, giải quyết các khâu then chốt để thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Tập trung đầu tư phát triển các công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số, như công nghệ cảm biến, công nghệ kết nối vạn vật; công nghệ điều khiển từ xa; công nghệ học máy và phân tích; máy bay không người lái để giám sát cây trồng và hỗ trợ phun thuốc bảo vệ thực vật… Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức cấp tín dụng và cơ quan quản lý nhà nước. Đây là điều kiện để gắn kết yêu cầu của thực tiễn sản xuất và nghiên cứu khoa học. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và nhà khoa học, trường, viện trong nghiên cứu khoa học thông qua cung cấp một phần tài chính cho các nghiên cứu. Bảy là, Tăng cường liên kết trong nông nghiệp. Tăng cường liên kết trong nông nghiệp, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm sẽ có tác động đồng thời tới cả các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như người nông dân. Thông qua liên kết, người nông dân, các hộ sản xuất nông nghiệp có thể tiếp cận và đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thị trường, chủ động tiếp cận, chuyển đổi công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng kiểm soát được quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản, giúp giảm chỉ phí giao dịch, ổn định nguồn cung và ổn định sản xuất. Tăng cường liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nhất là gắn với công nghệ số; tạo sự lan tỏa rộng rãi vào các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp.
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 521 Tám là, Tăng cường sự tham gia, đồng hành, đồng lòng của các cấp quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp cần phải bắt đầu từ lực lượng lao động trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp, đó là những người nông dân, các hộ gia đình. Sự tham gia, đồng hành của đội ngũ nông dân, các hộ gia đình sẽ quyết định rất lớn đến tiến trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Do vậy, cần thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, nhận thức cho người nông dân, tiến tới hình thành đội ngũ nông dân số, với kỹ năng, nhận thức và sự sẵn sàng trong tiếp cận, ứng dụng và chuyển đổi mạnh mẽ cách thức sản xuất, cách thức vận hành và phối hợp trong sản xuất. Thúc đẩy hình thành và tham gia của doanh nghiệp nông nghiệp số, với vai trò là đầu tàu trong ứng dụng và triển khai công nghệ số trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, như hình thành phương thức sản xuất gắn với nền tảng số, áp dụng mô hình nhà kính, nhà màng; áp dụng công nghệ cảm biến trong tưới tiêu, điều chỉnh nhiệt độ, dinh dưỡng phù hợp; tiêu thụ nông sản qua các kênh trực tuyến và trực tiếp… Nâng cao nhận thức, vai trò của cán bộ trong hệ thống chính quyền, để thay đổi tư duy trong làm việc, trong hỗ trợ cũng như trong việc chuyền tải đầy đủ, chính xác chủ trương, chính sách của Nhà nước tới người nông dân, tới các doanh nghiệp nông nghiệp; hỗ trợ họ triển khai hiệu quả các chính sách nhằm đảm bảo lộ trình chuyển đổi số khu vực nông thôn. Chính quyền các địa phương cần đi đầu trong việc hình thành chính quyền số, thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng các dịch vụ công cho cho người dân, dẫn dắt chuyển đổi số ở nông thông cũng như định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân khu vực nông thôn về công cuộc và lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số, thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng số tại địa phương. 4. KẾT LUẬN Chuyển đổi số đang len lỏi vào tất cả các lĩnh vực, các hoạt động của nền kinh tế xã hội, là một xu thế tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Những thành công trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp Việt nam thời gian qua là đáng ghi nhận. Mặc dù còn những hạn chế, song chắc chắn trong những năm tới, Việt nam sẽ có những đột phá mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số, hình thành nền kinh tế nông nghiệp mạnh và bền vững. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trần Phương Anh, Nguyễn Thị Thúy Nga, 2022, “Giải pháp Kinh tế tài chính thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt nam”, Đề tài NCKH cấp Học viện 2. Lê Anh, “Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu”, 2021, https://www.mic.gov.vn/ Nongthon/Pages/TinTuc/149520/Chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-la-xu-huong-toan-cau.html 3. Nguyễn Thị Miền, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt nam”, 2022, https:// lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-nham-phat-trien-ben-vung- nganh-nong-nghiep-viet-nam-p25931.html
  10. 522 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 4. Author group, UEH Department of Marketing – Communication, “Digital Transformation in Agriculture in Vietnam”, This writing is in Series spreading research and applied knowledge from UEH with “Research Contribution For All – Research for the Community” message, https://www. ueh.edu.vn/en/news/digital-transformation-in-agriculture-in-vietnam-58357 5. Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn,T6/2021, https://www.mard.gov.vn/Pages/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-nong-nghiep- va-phat-trien-nong-thon.aspx 6. “Vietnam: the big challenge of digital transformation in agriculture is to change perceptions”, 2022, https://www.agroberichtenbuitenland.nl/actueel/nieuws/2022/03/25/vietnam-the-big-challenge-of- digital-transformation-in-agriculture-is-to-change-perceptions 7. Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” 8. https://research.aimultiple.com/digital-transformation-in-agriculture/
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2