intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng dạy và học tiếng anh chuyên ngành ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Thách thức và giải pháp

Chia sẻ: Minh Minh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

58
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này trình bày thực tế khó khăn và thách thức chung trong việc dạy và học TACN ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và cụ thể hơn, thông qua kết quả điều tra thực trạng dạy và học TACN ở khoa Lịch sử, Công tác xã hội và Việt Nam học, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và học tập TACN tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng dạy và học tiếng anh chuyên ngành ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Thách thức và giải pháp

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0060 Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6, pp. 124-130 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn THỰC TRẠNG DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI: THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP Trần Thị Thanh Thủy, Hà Hồng Nga Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Tiếng Anh chuyên ngành (TACN) đã được đưa vào giảng dạy ở hầu hết các trường đại học từ thập kỉ nay, tuy nhiên, không nhiều sinh viên ra trường có thể sử dụng ngay TACN trong công việc, mà các nhà tuyển dụng phải đào tạo lại hoặc đào tạo thêm để họ có thể đáp ứng nhu cầu công việc. Thực tế này chứng tỏ việc dạy và học TACN còn tồn tại nhiều bất cập, nhiều thách thức mà các nhà giáo dục chưa tháo gỡ được. Bài viết này trình bày thực tế khó khăn và thách thức chung trong việc dạy và học TACN ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và cụ thể hơn, thông qua kết quả điều tra thực trạng dạy và học TACN ở khoa Lịch sử, Công tác xã hội và Việt Nam học, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy và học tập TACN tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ khóa: Tiếng Anh chuyên ngành, thực trạng, khoa Lịch sử, Công tác xã hội, Việt Nam học, dạy và học. 1. Mở đầu Ngày nay, khi tiếng Anh càng chứng minh được vai trò của nó trong sự phát triển kinh tế xã hội, giáo dục, y tế, hàng không, thương mại. . . , việc dạy và học tiếng Anh càng được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Dạy tiếng Anh ở các trường đại học được chia thành hai lĩnh vực: Tiếng Anh được dạy như một công cụ để giao tiếp (tiếng Anh tổng quát) và tiếng Anh được dạy để phục vụ cho công việc sau khi tốt nghiệp (TACN). Các nhà giáo dục và các nhà tuyển dụng cần có sự đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng dạy và học để có được cái nhìn toàn diện về những điểm mạnh và điểm còn hạn chế trong chương trình học, giáo trình hiện tại, các hoạt động dạy và học, thái độ nhu cầu của người học, phương pháp dạy và học TACN, v.v. Đó là thông tin cốt lõi giúp nhà quản lí, nhà giáo dục và các đơn vị tuyển dụng đánh giá được hiệu quả của chương trình dạy và học TACN để từ đó có những bước tiếp theo nhằm khắc phục, cải tiến và nâng cao hơn nữa công tác dạy và học TACN. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Tổng quan tình hình dạy và học tiếng Anh chuyên ngành Theo Tom Hutchinson và Alan Water (1987), thuật ngữ TACN (ESP - English for Specific Purposes) xuất hiện từ đầu những năm 1960. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhu cầu phát Ngày nhận bài: 08/10/2014. Ngày nhận đăng: 20/05/2015. Liên hệ: Trần Thị Thanh Thủy, e-mail: thanhthuydhsp@gmail.com. 124
  2. Thực trạng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... triển và hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và thương mại ngày càng gia tăng, dẫn đến sự phát triển trong lĩnh vực dạy tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu mới của phát triển xã hội. Kể từ khi ra đời đến nay, môn TACN trải qua năm giai đoạn phát triển. Giai đoạn thứ nhất có ảnh hưởng từ các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực Phân tích ngữ vực (Register analysis). Ở giai đọan thứ hai, việc dạy và học TACN có ảnh hưởng từ các lí thuyết trong lĩnh vực Phân tích diễn ngôn (Discourse analysis). Ở giai đoạn thứ ba, việc dạy và học TACN được dựa trên việc phân tích các nhu cầu học tập (needs analysis), và hướng đến việc giải quyết các vấn đề cụ thể (Target situation analysis). Giai đoạn thứ tư lại chú trọng đến việc phát triển các kĩ năng và chiến lược giao tiếp (Skills and strategies). Ở giai đoạn thứ năm, việc dạy TACN được tiến hành dựa trên nguyên tắc lấy việc học làm trung tâm (learning-centred approach). Nếu như ở bốn giai đoạn trước đó, việc dạy TACN được dựa trên các nghiên cứu phân tích về mặt sử dụng ngôn ngữ (language use), thì cách tiếp cận lấy việc học làm trung tâm ở giai đoạn thứ năm quan tâm đến bản chất của quá trình học tập (learning process), và hướng đến thúc đẩy tính tích cực chủ động của người học trong quá trình học tập của mình. Theo ý kiến của nhóm tác giả, một người học TACN thành công phải là người biết đem kiến thức và kĩ năng được học ứng dụng vào công việc; có thể đọc sách, báo về chuyên ngành của mình, có thể dịch thuật tài liệu để bổ sung cho công việc, có thể viết báo cáo, thư tín, hoặc trả lời điện thoại, nói chuyện với người khác... ở những môi trường có sử dụng tiếng Anh để làm việc, hoặc có yếu tố nước ngoài trong một vài lĩnh vực làm việc. Các nghiên cứu [1,8] đã chỉ ra rằng việc học tiếng Anh chuyên ngành phải được xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người học, từ những nhu cầu sử dụng ngôn ngữ để thực hiện các chức năng công việc tại công sở. Ở trong nước, TACN trong xu hướng hội nhập toàn cầu, càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, không những chỉ với sinh viên trường ĐHSPHN mà còn với sinh viên các trường sư phạm trên toàn quốc bởi lẽ đó là nơi đào tạo và cung cấp nguồn lao động chính cho ngành giáo dục [4]. TACN trước đây đã được đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của sinh viên nhưng phần lớn các chương trình này xuất hiện mang tính lẻ tẻ, chưa được biên soạn thống nhất và đồng bộ giữa các khoa, đặc biệt chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các khoa, giữa giáo viên tiếng Anh biên soạn chương trình và giáo viên của các khoa chuyên ngành. TACN đã được trường ĐHSPHN tiến hành giảng dạy từ năm 2004. Đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến TACN, cụ thể đề tài “Xây dựng chương trình chi tiết, giáo trình tiếng Anh chuyên ngành cho sinh viên không chuyên Anh trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, Mã số: B2007-17-110TĐ, Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hắc Hải. Đề tài này đã xây dựng được khung chương trình đào tạo TACN cho các trường Đại học Sư phạm và khung chương trình giảng dạy chi tiết cùng với giáo trình cho sáu chuyên ngành đạo tạo Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tâm lí học và Giáo dục Đặc biệt. Tuy nhiên đề tài chưa có sự chuẩn bị kiến thức chuyên ngành cho các giáo viên giảng dạy. Giáo trình TACN đã được khoa tiếng Anh biên soạn nhiều nhưng chưa có tính đồng bộ và hệ thống và vẫn chưa được đưa vào sử dụng và xuất bản. Ở Việt Nam, có nhiều giáo trình TACN đã được xuất bản, cụ thể là giáo trình TACN Xã hội học (English for Sociology), Giáo trình TACN Lịch sử (English for History). 2.2. Phương pháp nghiên cứu Với mục đích thông qua thực trạng giảng dạy và học tập TACN ở khoa Lịch sử, Công tác xã hội và Việt Nam học ở trường ĐHSPHN, nhóm nghiên cứu muốn tìm giải pháp nâng cao hiệu quả học tập và giảng dạy TACN cho ba khoa nói trên. Vì thế, câu hỏi nghiên cứu được đặt ra như sau: 1. Thực trạng dạy và học TACN ở khoa Lịch sử, Công tác xã hội và Việt Nam học như thế nào? 2. Giải pháp nào có thể giải quyết khó khăn và nâng cao hiệu quả dạy và học TACN ở khoa Lịch sử, Công tác xã hội và Việt Nam học? Nhóm tác giả đã dùng kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính trên hai đối 125
  3. Trần Thị Thanh Thủy, Hà Hồng Nga tượng nghiên cứu là sinh viên và giáo viên. Đối với sinh viên ở 3 khoa, phiếu khảo sát gồm 10 câu được phát ra cho 90 sinh viên, mỗi khoa 30 sinh viên, là sinh viên năm thứ ba khi các em vừa học xong TACN, yêu cầu các em miêu tả chi tiết nhất về việc học và các hoạt động dạy học của giáo viên trên lớp. Đối với giáo viên, nhóm tác giả đã tiến hành các cuộc phỏng vấn sâu, gợi mở các vấn đề liên quan đến giảng dạy và học tập TACN của sinh viên. Vì số lượng giáo viên TACN mỗi khoa rất ít (mỗi khoa chỉ có 01 - 2 giáo viên) nên việc phỏng vấn diễn ra thuận lợi, không tốn kém nhiều công sức và thời gian cho nhóm nghiên cứu. 2.3. Kết quả nghiên cứu thực trạng giảng dạy và học tập tiếng Anh chuyên ngành tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.3.1. Kết quả từ phỏng vấn giáo viên * Khoa Lịch sử Môn TACN Lịch sử được giảng dạy ở học phần 4, với thời lượng rất ít là 2 tín chỉ. Môn học này từ trước tới nay do duy nhất một giáo viên đảm nhiệm. Lãnh đạo khoa Lịch sử hi vọng sau 5-7 năm nữa sẽ có một vài giảng viên đi học từ Anh, Úc, Mĩ về, lúc đó sẽ có nhiều thầy cô có thể đảm nhiệm môn học này. Hiện tại giáo viên dạy tự quyết định về chương trình và giáo trình tự biên soạn riêng với hàm lượng 60% dành cho Lịch sử Việt Nam và 40% cho Lịch sử thế giới. Tuy nhiên, chưa có hình thức chính thức nào đánh giá tính hiệu quả của chương trình cũng như giáo trình đang sử dụng. Kĩ năng Đọc hiểu và Nói dưới dạng thuyết trình về một chủ điểm quen thuộc được giáo viên chú trọng. Ngoài ra ngữ pháp, từ vựng chuyên ngành và dịch tài liệu chuyên ngành cũng được củng cố và nâng cao. Điều này cũng trùng hợp với mong muốn và ý kiến chỉ đạo của Ban chủ nhiệm khoa Sử trong việc giảng dạy TACN cho sinh viên. Phương pháp giảng dạy là lồng ghép giữa dạy và kiểm tra đánh giá liên tục nhằm tạo động lực cho sinh viên phải học khi có áp lực về điểm số. Tuy nhiên do lớp học quá đông (60 sinh viên) nên giáo viên không thể có thời gian kiểm tra và bao quát hết sinh viên trong lớp. Các bước dạy trên lớp là dạy cấu trúc, cho sinh viên đọc từ mới, làm bài tập đọc hiểu, dịch. Đây là phương pháp dạy học truyền thống, sự hạn chế này có thể một phần là do lớp học quá lớn và do thời gian quá ít cho môn học nên người dạy không thể tiến hành các hoạt động đa dạng hơn trên lớp. Tuy nhiên, giáo viên đã thực hiện rất đúng tinh thần dạy học theo tín chỉ, thể hiện ở chỗ yêu cầu sinh viên tự đọc bài trước ở nhà, tra từ điển từ mới trước khi đến lớp. Việc này giúp tăng thời lượng tự học ở nhà cho sinh viên. Hạn chế của việc dạy TACN Lịch sử là nằm ở thực tế chỉ có một giáo viên đảm nhiệm nên việc biên soạn, giảng dạy kiểm tra đánh giá có thể chưa là sản phẩm của trí tuệ tập thể và việc đánh giá tính hiệu quả của khóa học TACN có thể còn chưa mang tính khách quan. Thêm vào đó, các hoạt động trên lớp còn chưa thú vị, phong phú và linh hoạt nên có thể chưa có được những giờ học lôi cuốn nhưng vẫn hiệu quả cho sinh viên. * Khoa Công tác xã hội TACN được dạy ở học phần 6 với 3 tín chỉ. Các giáo viên tự soạn tập bài giảng dưới dạng bản thảo nhưng chưa được thẩm định. Tiêu chí lựa chọn giáo viên là các thầy cô đã đi học tại những nước nói tiếng Anh. Tuy nhiên đến thời điểm này khoa Công tác xã hội vẫn hoàn toàn mời giáo viên khoa tiếng Anh hợp tác chứ chưa có khả năng đảm nhiệm môn học này. TACN thực sự là thách thức đối với cả giáo viên và sinh viên vì trong khoảng thời gian ngắn mà lại phải tập trung vào dạy và học nhiều thuật ngữ chuyên ngành, song song với việc phát triển các kĩ năng ngôn ngữ. Ngoài việc giúp sinh viên đọc hiểu tài liệu, giáo viên chú trọng giúp sinh viên có thể nói và giao tiếp trong các hội thảo hợp tác trao đổi quốc tế, tăng cường hoạt động nhóm. 126
  4. Thực trạng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... Hình thức kiểm tra đánh giá thông qua viết luận, và bài điều kiện thông qua bài sinh viên báo cáo nhóm. Giáo viên giao chủ đề cho sinh viên chuẩn bị ở nhà, các em xây dựng tình huống, sử dụng tiếng Anh để thể hiện việc xử lí tình huống trong Công tác xã hội. Nội dung viết luận cho bài thi cuối kì tương đối phong phú, ngoài ngữ pháp ra thì giáo viên hay đưa ra tình huống, các em sẽ viết ra bằng tiếng Anh cách xử lí tình huống đó như thế nào. Cách học này vừa phát huy được kiến thức chuyên môn của các em lại vừa làm rõ được các nội dung học, và còn giúp sinh viên có thể sử dụng TACN một cách sâu hơn thay vì chỉ kiểm tra theo kiểu thuần túy ngữ pháp từ vựng. * Khoa Việt Nam học TACN được dạy ở học phần 6 với 3 tín chỉ. Lãnh đạo khoa Việt Nam học rất coi trọng môn TACN, đặc biệt cho đối tượng sinh viên ngành Du lịch. Giáo viên giảng dạy TACN là sự kết hợp giữa giáo viên khoa tiếng Anh và giáo viên khoa Việt Nam học. Chương trình gồm hai phần: Phần tiếng Anh về Kiến thức văn hóa, do giáo viên khoa tiếng Anh đảm nhiệm, phần Nghiệp vụ du lịch do một nhóm giáo viên trong tổ Du lịch giảng dạy. Tuy nhiên, chương trình của giáo viên khoa tiếng Anh biên soạn chưa được khoa Việt nam học thông qua và không có khung chương trình chi tiết. Giáo viên giảng dạy không được huấn luyện về các nội dung văn hóa và nghiệp vụ du lịch. Chương trình chủ yếu nhấn mạnh kĩ năng viết và nói. Về hình thức kiểm tra đánh giá, sinh viên được yêu cầu viết bài giới thiệu ngắn về các điểm du lịch, sau đó sinh viên và giáo viên sẽ làm việc với nhau (8-10 sinh viên/ 1 giáo viên). Trong buổi kiểm tra, sinh viên và giáo viên sẽ đến trực tiếp tại điểm du lịch, sinh viên sẽ thuyết trình và giáo viên sẽ góp ý, sửa chữa và chấm điểm. Đây là cách thức dạy theo đường hướng giao tiếp gắn liền trực tiếp với công việc tương lai của sinh viên sau này. Đây là một đường hướng dạy học có tính thực tiễn cao, theo đúng mục tiêu đào tạo là phải sử dụng được tiếng Anh trong công việc, nên đã đem lại hứng thú và tạo động cơ cho sinh viên trong học tập khi họ nhìn thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc học và việc sử dụng TACN trong công việc sau này của họ. 2.3.2. Kết quả từ phiếu khảo sát dành cho sinh viên Phần lớn sinh viên đều đã được học tiếng Anh từ bậc phổ thông liên tục đến bậc đại học (khoa Sử 93%, khoa Công tác xã hội 100% và khoa Việt Nam học 92%). Như vậy, về lí thuyết, sinh viên đã có kiến thức nền về ngữ pháp và từ vựng đủ để đáp ứng theo học chương trình TACN. Khi được hỏi động cơ học TACN, sinh viên ở cả 3 khoa Sử, Công tác xã hội và Việt Nam học đều trả lời các em học tiếng Anh vì hai lí do chính: Tiếng Anh là môn học bắt buộc và họ tin rằng tiếng Anh sẽ cho họ cơ hội tốt khi xin việc. Ngoài ra, sinh viên học tiếng Anh vì họ nhận thức được rằng tiếng Anh là phương tiện để mở rộng sự hiểu biết cũng như là công cụ để đào sâu chuyên ngành của họ. Có thể nói, sinh viên có động lực xuất phát từ chính nguyện vọng và nhận thức của họ chứ không phải là do một yếu tố bên ngoài nào. Hi vọng những động lực bên trong này sẽ giúp họ có thái độ học tập tốt hơn khi học TACN. Đề cập đến những khó khăn trong quá trình học tiếng Anh, thiếu môi trường thực hành là khó khăn hàng đầu được nêu ra (90% đối với sinh viên khoa Sử, 60% đối với sinh viên khoa Công tác xã hội và 92% đối với sinh viên khoa Việt Nam học). Một tỉ lệ tương đối cao sinh viên tự nhận là “thiếu năng lực học ngoại ngữ, do khả năng còn hạn chế”. Khó khăn cuối cùng rất đáng để chúng ta lưu ý là có đến 33% sinh viên khoa Việt nam học đổ lỗi cho giáo viên yếu về năng lực chuyên môn và có tới 47% sinh viên khoa Sử lại đổ lỗi cho phương tiện học tập nghèo nàn. Nhắc về mức độ cần thiết phải học tiếng Anh chuyên ngành, đại đa số sinh viên đều nhận thấy ở mức độ “cần thiết” hoặc “rất cần thiết” của việc học tiếng Anh chuyên ngành. Từ nhận thức này hi vọng sẽ tạo nhiều động lực cho các em khi học TACN. Sinh viên cũng tin rằng họ sẽ có nhiều cơ hội sử dụng TACN trong công việc của họ sau này đặc biệt là với sinh viên khoa Công tác 127
  5. Trần Thị Thanh Thủy, Hà Hồng Nga xã hội (80%) và khoa Việt Nam học (67%) khi họ cho rằng họ sẽ thường xuyên dùng đến TACN khi đi làm, trong khi đó sinh viên khoa Sử chỉ cho rằng họ chỉ “thỉnh thoảng” dùng TACN trong công việc. Tuy nhiên rất ít sinh viên ở cả 3 khoa hài lòng với khóa học TACN của họ, chỉ có 27% sinh viên khoa Sử cho là “hiệu quả”, con số đó còn thấp hơn nhiều đối với sinh viên khoa Công tác xã hội (4%) và đặc biệt không có sinh viên nào ở khoa Việt Nam học đánh giá khóa học TACN “hiệu quả”, tất cả sinh viên khoa Việt Nam học được điều tra đều đánh giá “không hiệu quả” hoặc ở mức độ “bình thường” tức là họ chưa hài lòng với khóa học TACN của họ. Bàn cụ thể về các hoạt động và kĩ năng mà thực tại các thầy cô giáo dạy tiếng Anh chuyên ngành, kết quả thu được không cho thấy sự nhất quán ở 3 khoa. Khoa Lịch sử, giáo viên tập trung các hoạt động chủ yếu để phát triển kĩ năng Đọc (70%), Nói và Dịch (53%), điều này cũng gần như tương tự đối với khoa Việt Nam học nhưng với tỉ lệ thấp hơn (Đọc 50%, Nói 58%, Dịch 50%) nhưng lại khác hẳn đối với khoa Công tác xã hội. Giáo viên dạy TACN ở khoa này chủ yếu tập trung vào kĩ năng Nói, Ngữ pháp, từ vựng (Nói 65%, Ngữ pháp 80%, Từ vựng 80%) Tự học là một trong yếu tố quyết định sự thành công của sinh viên trong việc học tập TACN. Bảng khảo sát cũng cố gắng tìm hiểu các cách tiếp cận của giáo viên ở 3 khoa trong việc nâng cao thời gian tự học của sinh viên. Hình thức tự học truyền thống “cho thêm bài tập về nhà” được giáo viên dạy TACN khoa Lịch Sử sử dụng nhiều nhất (50%), họ cũng “thả nổi” và tôn trọng khi cho sinh viên tự do lựa chọn cách tự học (53%). Giáo viên dạy TACN khoa Công tác xã hội lại áp dụng hình thức cho học sinh làm việc theo nhóm và giao nhiệm vụ cụ thể như thuyết trình về một chủ điểm nào đó hoặc viết luận về môn vấn đề liên quan đến chuyên ngành hẹp của các em. Hoạt động này khi được hỏi cụ thể, giáo viên cho biết sinh viên rất thích hoạt động này và đã tham gia tích cực vào các hoạt động nhóm mà giáo viên cho về nhà. Giáo viên TACN khoa Việt Nam học ngoài việc thỉnh thoảng cho thêm bài tập về nhà (25%) thì cũng cho sinh viên tự lựa chọn cách tự học cho riêng họ. Tóm lại, qua điều tra và phỏng vấn về thực trạng giảng dạy và học tập TACN tại các khoa Lịch sử, Việt Nam học và Công tác xã hội, có một số vấn đề nổi cộm cần được giải quyết. Thứ nhất, thời gian và thời lượng các khoa tiến hành dạy TACN không đồng đều, vì thế chưa có và cũng sẽ rất khó thống nhất chuẩn đầu ra chung cho TACN cho các khoa trong trường. Thứ hai, chương trình do giáo viên đứng lớp tự biên soạn mà không có sự quản lí, và đánh giá về mặt chất lượng của tài liệu biên soạn, tài liệu và chương trình dạy còn mang tính chủ quan. Thứ ba, không có sự đồng đều về cách tiếp cận trong việc lựa chọn nội dung giảng dạy. Thứ tư, các nguồn tài liệu được lựa chọn để biên soạn chương trình cũng không thống nhất. Thí dụ, khoa Việt nam học lấy các tài liệu tổng hợp trên mạng, khoa Lịch sử lấy tài liệu từ các sách chuyên ngành do các giáo viên được đào tạo ở nước ngoài mang về. Thứ năm, các kĩ năng được phát triển trong chương trình tiếng Anh chuyên ngành không đồng đều: Khoa Lịch sử thì chỉ chú trọng vào việc đọc và dịch các tài liệu, khoa Việt Nam học phát triển thêm được kĩ năng Nói và Dịch. Khoa Công tác xã hội tích hợp được cả bốn kĩ năng. Thứ sáu, không có sự quản lí chất lượng dạy và học. Hầu hết các giáo viên tự soạn bài giảng, tự nhận xét, tự thiết kế bài kiểm tra, bài thi để đánh giá sinh viên. Từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu mong muốn có thể xây dựng nên một chương trình giảng dạy chi tiết và giáo trình TACN, cụ thể cho 3 khoa Lịch sử, Việt Nam học và Công tác xã hội, có sự đồng bộ về cách tiếp cận, lựa chọn nguồn tài liệu và các kĩ năng tiếng được phát triển trong chương trình. 2.4. Đề xuất một số giải pháp Trên cơ sở thực trạng và thách thức nêu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chủ yếu để cải thiện tình hình giảng dạy và học tập TACN tại ĐHSPHN và từng bước nâng cao hơn 128
  6. Thực trạng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... nữa tính chuyên nghiệp trong việc đào tạo một học phần quan trọng cho gần 2000 sinh viên mỗi khoá của một đại học đầu ngành. Thứ nhất, nhà trường cần từng bước xác định nhu cầu của xã hội đối với TACN để đề ra mục tiêu đào tạo phù hợp. Nhu cầu xác thực của người học là sau khi tốt nghiệp, họ sẽ sử dụng TACN được đào tạo để làm việc, để được phát triển và thăng tiến nghề nghiệp (Nguyễn, T.K.T, 2007). Khi quá trình đào tạo đúng hướng, đúng nhu cầu sẽ là kích thích rất lớn đối với động cơ học tập và giúp cho việc đào tạo đúng trọng tâm, đúng mục tiêu hơn rất nhiều. Thứ hai, các cấp quản lí cần thống nhất một lộ trình chung về chương trình, số tiết, giáo trình quy định cho từng chuyên ngành cụ thể trên toàn trường. Thứ ba, cần làm rõ cho người học thấy mục tiêu cụ thể và yêu cầu đặt ra của bộ môn quan trọng và thiết thực này để từng bước nâng cao hứng thú, động cơ tích cực đối với việc học. Ngoài ra, hướng dẫn, tư vấn phương pháp học tập cho sinh viên cũng không kém phần quan trọng. Nhiều sinh viên rất chăm nhưng không biết cách học dẫn đến kết quả không cao. Thứ tư, đào tạo và thường xuyên bồi dưỡng giáo viên TACN thông qua các khóa tập huấn phương pháp, nâng cao năng lực. Tuy nhiên, với đặc thù của TACN, phần khó nằm ở khái niệm và thuật ngữ chuyên ngành, kiến thức tự học, tự trau dồi của người giáo viên thậm chí còn quan trọng hơn. Giáo viên nên tranh thủ thời gian tìm hiểu kĩ các khái niệm và thuật ngữ chuyên ngành mà mình đang giảng dạy. Có thể tra cứu trên internet hoặc trao đổi với đồng nghiệp về những phương pháp dạy TACN tích cực, thú vị cho dù phải đối diện với nhiều khái niệm khó hiểu, khô cứng. Nhiều giáo viên có bài giảng hay nên được nhân mẫu cho đồng nghiệp khác học hỏi và cứ như vậy, kinh nghiệm sẽ được tích lũy ngày một nhiều (Nguyễn, A.T, 2005). Thứ năm, phát triển tài liệu dạy học là một trong những kĩ năng quan trọng của người giáo viên. Với sự trợ giúp của những tổ chức nước ngoài, tài liệu mẫu về TACN hay sự hỗ trợ của hội đồng chuyên môn chung của Bộ, các đơn vị đào tạo cần phối hợp để thống nhất biên soạn bộ giáo trình chuẩn, cập nhật và phù hợp với nhu cầu đào tạo mới. TACN cho chuyên ngành nào sẽ được thẩm định và dùng thống nhất trên toàn quốc cho chuyên ngành đó. Có như vậy, sự liên thông và chuyển đổi tín chỉ giữa các đơn vị đào tạo sẽ dễ dàng thuận lợi hơn. Trên cơ sở đó, hội nghị hàng năm để cải tiến phương pháp giảng dạy và giáo trình giảng dạy sẽ có cơ sở để thảo luận hơn. Thứ sáu, xây dựng ngân hàng đề thi có tham khảo các chuẩn quốc tế. Sinh viên khi học phải được rèn luyện theo chuẩn này để họ chuẩn bị cho việc thi kết thúc khóa học. Dựa trên điều kiện có sẵn của cơ sở đào tạo, cần khuyến khích áp dụng các hình thức thi tương tự như kì thi quốc tế để kích thích động cơ học tập và định hướng hoạt động dạy theo năng lực giao tiếp cho sinh viên. Hội đồng ra đề phải được trả thù lao xứng đáng với công sức mà họ đầu tư, nhằm động viên cán bộ giảng viên tham gia ra đề theo chuẩn. Giáo viên ra đề phải qua đào tạo, tập huấn và phải là những người có kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy TACN. Thứ bảy, ngoài các kĩ năng như nghe, nói, đọc và viết, sinh viên cần được rèn luyện thêm các kĩ năng mềm khác bổ trợ như kĩ năng diễn giải, tóm tắt, suy luận, nêu vấn đề, diễn đạt, so sánh, đối chiếu, thuyết trình, làm việc nhóm, viết báo cáo (Tar I., K. Varga và T. Wiwezaroski. 2009). Thứ tám, cơ sở đào tạo tại mỗi trường đại học nên tạo điều kiện có phòng học đa phương tiện cho sinh viên trong giờ học ngoại ngữ. Hiện nay 100% các phòng học của trường Đại học Sư phạm đã được trang bị máy chiếu, các thầy cô giáo nên tận dụng điều kiện này để tạo ra môi trường dạy học tích cực hơn vầ lôi cuốn hơn. Trang bị internet trong phòng học lại càng lí tưởng hơn khi thầy và trò có thể tra cứu trực tuyến những vấn đề thuật ngữ hoặc khái niệm liên quan... Lớp học TACN lí tưởng nên có sĩ số nhỏ, không quá 30 sinh viên vì lớp đông khó có thể đảm bảo chất lượng dạy và học TACN. 129
  7. Trần Thị Thanh Thủy, Hà Hồng Nga 3. Kết luận Qua phân tích tình hình thực tế, chúng ta thấy thực trạng dạy và học TACN ở trường ĐHSPHN có thể cùng chung thực trạng với các trường đại học trên cả nước. Để khắc phục tình hình này cần có thời gian, chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Những người cần tham gia vào giải quyết tình hình trên là người học, người dạy, các cấp quản lí, các nhà tuyển dụng lao động. Nếu tất cả những thành phần này đồng tâm nhất trí thì việc giải quyết khó khăn và nâng cao hiệu quả dạy và học TACN ở các trường đại học không phải là việc không thực hiện được. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bouzidi H., 2009. Between the ESP Classroom and the Workplace: Bridging the Gap. English Teaching Forum, No. 3. [2] Hutchinson, T. and A. Water, 1987. English for Specific Purposes: A Learning-centred Approach. Cambridge: CUP. [3] Lê, T.H., 2005. Việc dạy và học ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngữ ở trường đại học Hải phòng. Kỉ yếu hội thảo khoa học. Dạy ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngữ và hợp tác quốc tế trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. [4] Nguyễn, H.T., 2007. Một vài suy nghĩ về việc dạy tiếng Anh chuyên ngành ở bậc đại học. Giảng dạy tiếng Anh bậc đại học ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp. Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. [5] Nguyễn, A.T., 2005. Giảng dạy tiếng Anh tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Kỉ yếu hội thảo khoa học. Dạy Ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngữ và hợp tác quốc tế trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. [6] Nguyễn, T.K.T., 2007. Tình hình giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành tại Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh và một vài kiến nghị. Giảng dạy tiếng Anh bậc đại học ở Việt Nam: vấn đề và giải pháp. Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. [7] Tar I., K. Varga và T. Wiwezaroski, 2009. Imrpoving ESP Teaching through Collaboration: The Situation in Hungary. ESP World, Vol. 8, Iss. 1, pp. 22. [8] Zhang, Zuocheng, 2007. Towards an Integrated Approach to Teaching Business English: A Chinese Experience. English for Specific Purposes, pp. 399-410. ABSTRACT The teaching and learning of English for specific purposes at Hanoi National University of Education: Challenges and solutions English for Specific Purposes (ESP) has been taught in almost every public university in Vietnam for nearly a decade. However, only a few students graduate with an ability to use ESP in their occupation. Job recruiters have found that they need to provide ESP training to their newly recruited staff members to enable them to perform satisfactorily in their job. This fact proves that the teaching and learning of ESP has been inadequate at best. The author has looked at the teaching and learning of ESP at the Hanoi National University of Education’s Faculty of History, Faculty of Social Works and Faculty of Vietnamese Studies. The author follows with suggestions on how to improve the effectiveness of teaching and learning of ESP at Hanoi National University of Education. Keywords: ESP, Faculty of History, Faculty of Social Works, Faculty of Vietnamese Studies, teaching and learning. 130
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1