intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất xanh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến tăng trưởng xanh bền vững và các giải pháp thân thiện với môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu, không chỉ riêng nông nghiệp mà tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, thương mại,... đều chuyển hướng ưu tiên sang những mô hình, cách thức sản xuất xanh. Bài viết này phân tích ứng dụng chính của sản xuất xanh và hướng phát triển của sản xuất xanh, đồng thời đưa ra các đề xuất cho sự phát triển của sản xuất xanh trong tương lai.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất xanh

  1. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 107 THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT XANH TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo(1) TÓM TẮT: Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng đến tăng trưởng xanh bền vững và các giải pháp thân thiện với  môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu, không chỉ riêng nông nghiệp mà tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, thương mại,... đều chuyển hướng ưu tiên sang những mô hình, cách thức sản xuất xanh. Các vấn đề toàn cầu về suy thoái môi trường đã buộc xã hội phải suy nghĩ lại về cách thức phát triển và hình thành khái niệm phát triển bền vững. Sản xuất xanh là một phương tiện quan trọng để giảm bớt áp lực về tài nguyên môi trường thế giới và thúc đẩy quá trình chuyển đổi của ngành sản xuất, xanh hóa sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới tăng trưởng bền vững mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình cho doanh nghiệp. Bài viết này phân tích ứng dụng chính của sản xuất xanh và hướng phát triển của sản xuất xanh, đồng thời đưa ra các đề xuất cho sự phát triển của sản xuất xanh trong tương lai. Từ khóa: Sản xuất xanh, khoa học công nghệ, môi trường. ABSTRACT: In the context that the world is moving towards sustainable green growth and environmentally friendly solutions to limit climate change, not only agriculture but all fields such as industry, services, trade... are shifting their priority to green production models and ways. The global problem of environmental degradation has forced society to rethink the way it develops and to formulate the concept of sustainable development. Green production is an important means to reduce pressure on world environmental resources and promote the transformation of the manufacturing industry, greening production contributes to reducing pollution, towards sustainable growth, bringing many practical benefits both in terms of economy 1. Trường Đại học Công Đoàn.
  2. 108 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA and intangible values for businesses. This article analyzes the main application of green production and the development direction of green production, and makes recommendations for the development of green production in the future. Keywords: Green production, science and technology, environment. 1. Giới thiệu Sản xuất xanh là quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho con người. Công nghệ xanh bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau giúp chúng ta giảm thiểu tác động xấu của con người đối với môi trường và tạo ra các phương thức phát triển bền vững. Công bằng xã hội, tính khả thi về kinh tế và tính bền vững là những thông số chính của công nghệ xanh. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, làn sóng tiêu dùng xanh đang lan rộng trên toàn cầu thì sản xuất xanh là xu thế tất yếu và là một mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh. Dựa trên những cách tiếp cận nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, mỗi quốc gia xây dựng những mô hình, cách thức sản xuất xanh khác nhau cho từng lĩnh vực, ngành kinh tế. Cũng như nhiều nước trên thế giới, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất còn đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý thuyết Sản xuất xanh hay còn gọi là sản xuất nâng cao nhận thức về môi trường, là phương thức sản xuất hiện đại, có tính đến việc tiêu hao tài nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất và tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất. Sản xuất xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội loài người và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành sản xuất hiện đại (Liang, 2019). Toàn bộ vòng đời của sản phẩm bao gồm thiết kế sản phẩm, chế biến và sản xuất, đóng gói, sử dụng sản phẩm và xử lý phế liệu. Trong toàn bộ vòng đời của một sản phẩm, mục tiêu của sản xuất xanh là giảm tác động tiêu cực của môi trường, cải thiện việc sử dụng tài nguyên và gia tăng lợi ích toàn diện. Theo CleanTechnica, thuật ngữ sản xuất “xanh” có thể được xem xét theo hai khía cạnh: sản xuất các sản phẩm “xanh”, đặc biệt là những sản phẩm được sử dụng trong các hệ thống năng lượng tái tạo và thiết bị công nghệ sạch các loại, và “xanh hóa” sản xuất giúp giảm ô nhiễm và chất thải bằng cách giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tái chế và tái sử dụng những gì được coi là chất thải và giảm
  3. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 109 lượng khí thải (US ‘Green Economy’ Generates $1.3 Trillion and Employs Millions, New Study Finds, 2019). Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển năng lượng. Hầu hết các nguồn cung cấp năng lượng thương mại trên thế giới được cung cấp bởi nhiên liệu hóa thạch, với lượng khí thải liên quan gây ra các vấn đề môi trường toàn cầu (White & Walsh, 2008). Người ta e rằng không những mức độ sản xuất và sử dụng năng lượng từ các nguồn năng lượng hiện nay khó đạt được mà còn không bền vững. Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để điều hòa tăng trưởng năng lượng, đồng thời tăng tỷ trọng đóng góp từ các nguồn năng lượng sạch để giảm tác động xấu đến môi trường của việc sử dụng năng lượng (Bartlett, 2005). Năng lượng xanh cung cấp một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho các nguồn năng lượng truyền thống. Thực tế là năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới, có nghĩa là thiếu một mối liên kết giữa tiềm năng và việc thực hiện chúng - những rào cản trong việc thực hiện chúng (Chen, Y., Pan, 2002). Năng lượng tái tạo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng cơ bản thông qua việc sử dụng các công nghệ hiện đại công nghệ xanh (Allenby, B. R., Rejeski, 2009). Chính sách công nghệ xanh nhằm đưa ra định hướng và động lực để tiếp tục tận hưởng chất lượng tốt và môi trường trong lành cần dựa trên bốn trụ cột (Kolbasov, 1992): • Năng lượng: Tìm cách đạt được sự độc lập về năng lượng và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả. • Môi trường: Bảo tồn và giảm thiểu tác động đến môi trường. • Kinh tế: Tăng cường phát triển kinh tế quốc gia thông qua việc sử dụng công nghệ. • Xã hội: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người. Công nghệ xanh là một thuật ngữ rộng và là lĩnh vực chỉ những cách thức sáng tạo mới để tạo ra những thay đổi thân thiện với môi trường trong cuộc sống hằng ngày. Nó được tạo ra và sử dụng theo cách bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Nó có ý nghĩa như một nguồn công nghệ thay thế giúp giảm nhiên liệu hóa thạch và ít gây thiệt hại cho sức khỏe con người, động vật và thực vật, cũng như thiệt hại cho thế giới (Podesta et al., 2007). Việc sử dụng công nghệ xanh được cho là để giảm lượng chất thải và ô nhiễm được tạo ra trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Nó còn được gọi là công nghệ môi trường và công nghệ sạch. Mặc dù khó xác định chính xác các lĩnh vực được bao phủ bởi công nghệ xanh, nhưng có thể nói rằng “Sản xuất xanh là sự phát triển và ứng dụng các sản phẩm, thiết bị và hệ thống được sử dụng để bảo tồn môi trường tự nhiên và tài nguyên, giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực, tác động của các hoạt động của con người”.
  4. 110 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Công nghệ này sẽ đáp ứng nhu cầu của xã hội theo những cách có thể tiếp tục vô tận trong tương lai mà không làm tổn hại hoặc cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên (Summary Green Technological Foresight on Environmental Friendly Agriculture : Executive Summ a Ry, n.d.). Tóm lại, sản xuất xanh được định nghĩa là công nghệ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai để đáp ứng nhu cầu của chính họ. 1.2. Phương pháp nghiên cứu 2.2.1. Phương pháp tổng hợp Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng trong nghiên cứu này với kỳ vọng cho phép thu thập các văn bản phong phú về thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất xanh. Tác giả đã sưu tầm, tổng hợp các tài liệu liên quan đến chủ đề khoa học, công nghệ phục vụ cho sản xuất xanh; khả năng ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất xanh tại các doanh nghiệp; những thuận lợi, khó khăn với các doanh nghiệp. 2.2.2. Phương pháp so sánh Kết hợp với quá trình quan sát, tìm hiểu thực tiễn tại doanh nghiệp để tác giả so sánh, bình luận, phân tích, tổng hợp nhằm đưa ra những nhận định về thực trạng ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất xanh phục vụ việc đạt được mục đích nghiên cứu đề ra. Có thể nói, nghiên cứu này là cuộc điều tra về khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất xanh, những thuận lợi và khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ hướng đến nền sản xuất xanh tại doanh nghiệp. 2.2.3. Phương pháp chuyên gia Phương pháp chuyên gia được sử dụng như một phương pháp bổ sung để làm rõ hơn những nhận định của tác giả trong quá trình nghiên cứu. Chuyên gia ở đây là những nhà quản trị doanh nghiệp, những giảng viên có thâm niên, kinh nghiệm với học vị từ tiến sĩ trở lên và một số chuyên gia về sản xuất xanh, sản xuất sạch, phát triển bền vững. Ý kiến của các chuyên gia xoay quanh chủ đề những lợi ích của sản xuất xanh, yêu cầu về khoa học công nghệ cho sản xuất xanh, thực trạng khả năng ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất xanh tại các doanh nghiệp, những thuận lợi, khó khăn với các doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, những giải pháp tăng cường khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường sản xuất xanh tại các doanh nghiệp. 3. Kết quả và đánh giá 3.1. Kết quả Tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng
  5. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 111 tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp “giải cứu Trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao hơn cho những hàng hóa được gắn nhãn mác đạt tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Sản xuất xanh không chỉ được thúc đẩy phát triển trong ngành công nghiệp lớn mà còn lan rộng sang nhiều ngành kinh tế khác. Ví dụ trong ngành thời trang, nhiều thương hiệu toàn cầu như Nike, Adidas, Zara, H&M, Levi’s,... đã đồng loạt có những hành động hướng đến sản xuất xanh. Điển hình là Nike cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy vào năm 2025; Zara cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ hoặc tái chế để làm quần áo; H&M đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ chỉ dùng loại nguyên liệu tái chế để sản xuất sản phẩm. Sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Xanh hóa sản xuất còn đặt ra cho các doanh nghiệp những đòi hỏi, yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển chung, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh. Heineken Việt Nam là một ví dụ được nhắc đến như một điển hình. Doanh nghiệp này hiện có 6 nhà máy sản xuất bia và 10 văn phòng tại Việt Nam, đang hỗ trợ 212.000 việc làm, đóng góp 0,95% GDP và xếp thứ 5 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho ngân sách của Việt Nam. Để góp phần chống biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững, ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm, doanh nghiệp đều chủ động thực hiện xanh hóa. Hiện nay, có 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo. Trong khâu đóng gói, 100% chai bia và két được sử dụng lại, 100% lon bia được tái chế. Hiện Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp, vì 99% chất thải đã được tái sử dụng, tái chế trong quá trình quay vòng sản xuất. Nhiều kết quả khảo sát khác cũng khẳng định, khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh”. Điều này có nghĩa, khi thu nhập của người dân tăng thì nhu cầu sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên. Con số thống kê thực tế từ Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh năm 2021 cũng cho thấy, sức tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia Chiến dịch tại các hệ thống siêu thị CoopMart trong tháng triển khai chương trình thường tăng 50 - 60% so với tháng khác trong năm. Đây là động lực để các doanh nghiệp cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh”, xây dựng
  6. 112 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA thương hiệu “xanh”, tạo sức cạnh tranh riêng trên thị trường. Một số nhãn hàng của Việt Nam như bóng đèn điện quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”; cụ thể, Unilever đã tăng trưởng 30% khi thực hiện cam kết về sản phẩm “sạch”. Các doanh nghiệp Việt đã dần khẳng định vị thế của mình, cũng chính là nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm về chất lượng, tính minh bạch, an toàn, thân thiện môi trường, tuy vẫn còn nhiều khó khăn. 3.2. Đánh giá 3.2.1. Những cơ hội đối với doanh nghiệp trong sản xuất xanh Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất xanh giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên Môi trường sống của chúng ta đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề của khói bụi và các chất thải độc hại. Các nhà máy và các khu công nghiệp ngày càng nhiều khiến khói bụi khắp nơi trong không gian sống. Các công nghệ xanh sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tái chế và quản lý chất thải hiệu quả. Những sản phẩm xanh được cam kết sẽ được sản xuất từ những thành phần thiên nhiên, bao bì có thể tái chế được hoặc phân hủy trong môi trường tự nhiên. Điều này giúp giảm lượng khí thải, ô nhiễm nước và không khí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và không gây hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Khi áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất xanh, các doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn năng lượng và nguyên liệu hiệu quả hơn, tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có mà không gây lãng phí. Sản xuất xanh sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo... cũng giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Theo đó, các doanh nghiệp phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo... Vitas đồng thời phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may. Như vậy có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất xanh giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của môi trường và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất xanh còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất. Các công nghệ tiên
  7. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 113 tiến như tự động hóa, quản lý thông minh và tối ưu hóa quy trình sản xuất giúp giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, từ đó giảm chi phí vận hành. Theo đuổi chiến lược sản xuất xanh, các doanh nghiệp áp dụng nhiều giải pháp cụ thể như: tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng, sản xuất giúp giảm chi phí điện năng, (cửa sổ tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt, hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED thay cho đèn huỳnh quang, cảm biến quang điện,...); đồng thời sử dụng hệ thống điện mặt trời giúp tận dụng nguồn năng lượng sạch, tạo điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng, tiết kiệm nước. Để tiết kiệm nước, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình xử lý nước thải để tái sử dụng. Hệ thống điện mặt trời giúp doanh nghiệp tận dụng nguồn năng lượng sạch vô tận từ ánh nắng, tạo điện năng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Hơn nữa, nếu ngay từ đầu áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho sản xuất xanh, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí xử lý rác thải rất lớn sau khi sản xuất.  Khi áp dụng đồng bộ các giải pháp trên, mỗi năm doanh nghiệp có thể tiết kiệm lên đến hàng tỷ đồng. Điều này cho phép các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cấp công nghệ hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá. Nâng cao danh tiếng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển và phát triển bền vững Khách hàng ngày càng quan tâm đến việc mua sắm các sản phẩm và dịch vụ có ít tác động đến môi trường. Tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã không còn là những khái niệm xa lạ, mà đang dần phổ biến hơn trong đời sống hằng ngày và càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau đại dịch toàn cầu Covid-19. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn có động thái quay lưng, “hạn chế” sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc sản phẩm có các tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng. Kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam công bố tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Cụ thể, có tới 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn. Việc giới thiệu các sáng kiến hay thực hành các chiến dịch xanh, vì môi trường, bền vững sẽ giúp thu hút lượng khách hoàn toàn mới và củng cố thêm danh tiếng cho doanh nghiệp, dẫn đến việc tăng trưởng doanh số bán hàng. 
  8. 114 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất xanh còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường ngoài nước, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Nhận định từ nhiều chuyên gia kinh tế, “cạnh tranh xanh” sẽ là xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu trong thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới. Chính vì vậy, chủ động gắn kết phát triển bền vững với hoạt động kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng với những quy định đang liên tục thay đổi và ngày càng chặt chẽ, hội nhập được với dòng chảy toàn cầu, tìm được tiếng nói chung với người tiêu dùng và các nhà cung cấp. Để thuận lợi bước chân vào các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,... và có thể hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này, ngoài việc đảm bảo yếu tố chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải,... Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng làm được những điều này hơn. 3.2.2. Những khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp trong sản xuất xanh Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý, bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá mức độ xanh hóa sản xuất như tiêu chí xác định doanh nghiệp xanh, tiêu chí về quy trình sản xuất xanh, tiêu chí về vật liệu xanh Việc xây dựng hành lang pháp lý này là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững. Khi chưa có những quy định cụ thể, mỗi doanh nghiệp cũng như là mỗi chuyên gia sẽ có cách hiểu và vận dụng khác nhau nên đôi khi gây ra sự lúng túng cho các doanh nghiệp. Sự thiếu hụt về mặt hệ thống, chính sách nhằm phát triển doanh nghiệp xanh khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh. Mặc dù doanh nghiệp sẽ phải rót thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao nếu thực hiện các dự án về sản xuất xanh. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển xanh, trong khi không có nguồn lực dành cho việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Chính phủ trong kế hoạch trung hạn. Các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu nguồn lực cần thiết để đầu tư cho sản xuất xanh Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi đó, chuyển đổi sang sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ cao mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực để theo đuổi và đáp ứng, đặc biệt là với các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Hiện chưa có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất xanh. Để vay được vốn từ ngân hàng thì thủ tục rất lâu và cần có tài sản thế chấp. Trước tình thế này, nhiều doanh nghiệp đã tính đến giải pháp vay vốn từ các công ty tài chính với
  9. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 115 việc thế chấp máy móc mà mình có nhưng lãi suất lại rất cao và lợi nhuận vì thế được chia nhỏ ra, càng ảnh hưởng về lâu dài. Cũng chính vì thiếu nhiều yếu tố để phát triển nên nhiều doanh nghiệp phải “bóc ngắn cắn dài”, chưa lo được những chiến lược xa hơn, kéo theo việc bỏ lỡ các cơ hội hợp tác. Bên cạnh đó, để đầu tư mới theo mô hình kinh tế xanh rất cần những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn giúp doanh nghiệp định hướng phát triển. Việc thiếu những chuyên gia trong lĩnh vực này gây ra sự lúng túng cho các doanh nghiệp. Khi triển khai các công nghệ tiên tiến trong sản xuất xanh, các doanh nghiệp cần có đội ngũ nhân viên có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về khoa học và công nghệ. Việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng làm ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và đưa ra các giá trị cạnh tranh, đặc biệt trong thị trường quốc tế. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu của ngành công nghiệp và doanh nghiệp. Chương trình học chưa tập trung đến việc phát triển các kỹ năng và kiến thức liên quan đến công nghệ và sản xuất xanh. Điều này càng làm cho tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực và khó khăn vận hành trong các doanh nghiệp sản xuất xanh trở nên nghiêm trọng hơn. Doanh nghiệp chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa hai mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh Trên thế giới, mặc dù công nghệ xanh đã rất phát triển, song thực tế áp dụng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nhất định. Việc thực hiện xanh hóa đòi hỏi phải có sự phối hợp chia sẻ, gắn kết các bên liên quan; có đội ngũ chuyên gia giỏi; đổi mới công nghệ tái chế, tái sử dụng hiện đại; đòi hỏi doanh nghiệp phải đặt nhiều thời gian và công sức; phải huy động nguồn lực tài chính lớn và có lộ trình triển khai cụ thể. Điều này có thể dẫn đến tâm lý ngại chuyển đổi của lãnh đạo và một số bộ phận quản lý của doanh nghiệp. Để sản xuất xanh, sạch, doanh nghiệp cần phải tiêu tốn khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam đều chưa thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì mục tiêu lợi nhuận, nên các doanh nghiệp thường không muốn đầu tư cho các quy trình sản xuất sạch hoặc xử lý chất thải gây tốn kém. Sự thiếu vắng hệ thống chính sách hợp lý hiệu quả đã làm cho các nhà kinh doanh cảm thấy họ bị bất lợi nếu như họ tuân thủ chính sách bảo vệ môi trường. Họ lập luận rằng, không thể cạnh tranh về mặt tài chính với các công ty không tuân theo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Khi tham gia đấu thầu, họ thường bị thua bởi vì phải gánh chịu chi phí về bảo vệ môi trường.
  10. 116 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Các khoản đầu tư cho chuyển đổi mô hình phát triển bền vững thường lớn và không phải lúc nào cũng hiển thị kết quả ngay lập tức. Các khoản đầu tư như sử dụng năng lượng sạch hoặc điều chỉnh quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động đến môi trường lại là những khoản đầu tư dài hạn và không thể hiện đầy đủ nếu chỉ đánh giá dựa trên giá trị kinh tế hay các mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Vì vậy, doanh nghiệp chưa mạnh dạn làm sản phẩm xanh, bền vững mà mới chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận. Quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất xanh chưa mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao và thiếu tính bền vững Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất chưa đem lại kết quả như kỳ vọng; chưa giải quyết đồng thời được các yêu cầu về tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa có những công trình nghiên cứu liên ngành mang tính tổng thể cả về kinh tế - xã hội và môi trường nhằm tìm ra một hệ giải pháp mang tính đồng bộ và toàn diện để giúp cho các địa phương trong trả nước thoát khỏi tình trạng manh mún, lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Mức độ đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa trở thành yếu tố chủ lực nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, mới chỉ đạt khoảng 30%. Hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa thực sự trở thành nhân tố cơ bản trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Hoạt động khai thác các nguồn lực của tự nhiên cho sản xuất nông nghiệp còn mang nặng tính tự phát; sử dụng công nghệ lạc hậu và lạm dụng phân hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật gây tác động xấu đến môi trường, làm tăng mức độ ô nhiễm và suy yếu nguồn tài nguyên trong nông nghiệp, nhất là hệ sinh thái. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn chưa đạt được an toàn về dinh dưỡng và an ninh lương thực... Hầu hết các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực môi trường ở các địa phương mới chỉ tập trung giải quyết bề ngoài mà chưa tìm ra các giải pháp công nghệ tổng thể để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn,... 4. Một số giải pháp Trong tương lai, sản xuất xanh sẽ tiếp thu các công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực khác, thúc đẩy sản xuất xanh và phát triển bền vững, đồng thời đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng một xã hội tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường. Dưới đây là một số gợi ý để thúc đẩy sự phát triển của sản xuất xanh: 4.1. Đẩy mạnh quá trình nghiên cứu cơ bản về sản xuất xanh Tăng cường hợp tác, trao đổi quốc tế, hỗ trợ các dự án nghiên cứu liên quan đến sản xuất xanh, phấn đấu nâng cao trình độ sản xuất xanh; tiếp thu thế mạnh của các
  11. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 117 ngành như công nghệ nano, mạng nơ-ron, công nghệ năng lượng mới, công nghệ thông tin, tăng cường nghiên cứu khoa học cơ bản liên quan đến sản xuất xanh và giải quyết các vấn đề khó khăn; tăng cường đầu tư cho các dự án nghiên cứu liên quan đến sản xuất xanh. Thực hiện tốt giải pháp này vừa tạo ra nguồn cung phong phú, tăng cơ hội cho các chủ thể trong nước lựa chọn được những các sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp. Mặt khác, việc đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ với các nước có nền sản xuất phát triển còn là giải pháp quan trọng để Việt Nam rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực nghiên cứu và làm chủ khoa học công nghệ, phục vụ sản xuất xanh một cách nhanh nhất. 4.2. Tích cực thúc đẩy các kết quả nghiên cứu sản xuất xanh vào sản phẩm Tăng cường nghiên cứu công nghệ sản xuất xanh, công nghệ thiết kế xanh, công nghệ sản xuất xanh, công nghệ tái chế xanh, công nghệ tái sản xuất. Kết hợp với các ngành khác, đột phá một loạt công nghệ then chốt, phát triển một loạt quy trình xanh điển hình và thiết bị chủ chốt có quyền sở hữu trí tuệ độc lập, hình thành hệ thống công nghiệp sản xuất xanh đặc trưng, nhằm giảm ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững ngành sản xuất. Cần chuyển đổi nhanh mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra động lực bên trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất xanh. Ưu tiên phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm đầu tàu thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất xanh. 4.3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tiêu chuẩn ngành để hỗ trợ sản xuất xanh Theo đặc điểm phát triển và điều kiện quốc gia về sản xuất xanh, cần từng bước thiết lập hệ thống tái chế phế phẩm, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực liên quan, tiêu chuẩn ngành trong lĩnh vực sản xuất xanh nên được hình thành và tăng cường đào tạo nhân viên chuyên nghiệp và kỹ thuật. Khái niệm và kiến thức về sản xuất bền vững cũng cần được phổ biến, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên của toàn dân để thúc đẩy việc thiết lập một hệ thống sản xuất bền vững. Phát triển xanh sẽ là con đường chiến lược để các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để một doanh nghiệp phát triển xanh thì phải có sự đồng thuận từ lãnh đạo đến người lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp phải là người tiên phong trong định hướng phát triển xanh của công ty, từ đó thay đổi cách suy nghĩ và hành động của từng cá nhân người lao động trong công ty. Cụ thể, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường.
  12. 118 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Đối với các doanh nghiệp ít vốn, để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết phải đầu tư trang thiết bị hiện đại mà có thể thông qua những hành động đơn giản như: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện và ưu tiên tiêu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. 4.4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đồng bộ, nhất quán theo định hướng phát triển xanh Đây là giải pháp rất quan trọng, vừa tạo hành lang pháp lý, vừa tháo gỡ những nút thắt để khơi thông và huy động có hiệu quả các các nguồn lực, các lực lượng tham gia vào hoạt động này. Theo đó, cần đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất xanh trên phạm vi cả nước và từng địa phương theo các nguyên tắc của thị trường; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, hỗ trợ cho hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất xanh của địa phương. Nhà nước cần đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh; phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch. Bên cạnh đó, cần phát triển và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh, hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh, tăng cường tiếp thị, quảng cáo sản phẩm. Tổ chức chương trình đào tạo về sản xuất xanh cho lực lượng lao động trực tiếp tham gia vào các mô hình doanh nghiệp xanh. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh, nâng cao thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người tiêu dùng xanh. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường, sức khỏe của cá nhân, cộng đồng. Tích cực vận động người thân, gia đình thực hiện hành vi tiêu dùng xanh, coi đây là trách nhiệm và vinh dự của mỗi người trong xã hội. Để tiến tới xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi chúng ta phải thay đổi nhận thức và hành động, cùng toàn xã hội đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động về bảo vệ môi trường. 5. Kết luận Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần, khi mà thế hệ trẻ vốn có mức độ quan tâm cao về các vấn đề phát triển bền vững sẽ tham gia vào lực lượng tiêu dùng chính. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh đúng lúc để bắt kịp nhu cầu thị trường chính là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Sản xuất xanh là một phần quan trọng của máy móc xây dựng xanh, đóng vai trò to lớn trong việc cải thiện việc sử dụng các nguồn tài nguyên hạn chế, giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường. Sản xuất xanh thúc đẩy hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn và sự phát triển bền vững của xã hội loài người. Để thúc
  13. Vai trò của cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 119 đẩy sản xuất xanh, chúng ta cần gắn khái niệm “xanh” vào vòng đời của sản phẩm, sử dụng các phương pháp xanh trong quá trình thiết kế, sản xuất sản phẩm và sử dụng các phương pháp xử lý xanh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Triển khai sản xuất xanh là một trong những yếu tố quan trọng tạo lợi thế cho Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, việc xây dựng và chuyển hóa thành doanh nghiệp xanh không phải là việc làm một sớm một chiều, mà cần có sự hỗ trợ, cơ chế, chính sách từ các cơ quan nhà nước. Đồng thời doanh nghiệp cũng cần vạch ra cho mình chiến lược phát triển cũng như xây dựng và phổ biến văn hóa, nhận thức trách nhiệm để có được lộ trình rõ ràng trên con đường xây dựng doanh nghiệp xanh. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Allenby, B. R., Rejeski, D. (2009). The industrial ecology of emerging technologies. Journal of Industrial Ecology, 12(3), 267–270. 2. Bartlett, A. (2005). Farmer Field Schools to promote Integrated Pest Management in Asia: the FAO Experience. Workshop on Scaling Up Case Studies in Agriculture, International Rice Research Institute, 16-18 August 2005, Bangkok, January 2005, 1-15. 3. Chen, Y., Pan, J. (2002). Rural Energy Patterns in China. Chinese Academy of Social Sciences. China. 4. Kolbasov, O. S. (1992). UN Conference on Environment and Development. Izvestiya - Akademiya Nauk, Seriya Geograficheskaya, 6(June), 47–54. https://doi. org/10.4135/9781412971867.n128 5. Liang, S. (2019). IOP Conference Series: Materials Science and Engineering. Development and Application of Green Manufacturing, 631. https://doi. org/10.1088/1757-899X/631/3/032010 6. Podesta, B. J., Stern, T., & Batten, K. (2007). Capturing the Energy Opportunity Creating a Low-Carbon Economy. Center for American Progress, November, 88. 7. Summary Green Technological Foresight on Environmental Friendly Agriculture : Executive Summ a ry. (n.d.). 8. US ‘green economy’ generates $1.3 trillion and employs millions, new study finds. (2019). https://www.cnbc.com/amp/2019/10/16/us-green-economy-generates- 1point3-trillion-and-employs-millions-new-study-finds.html 9. White, S., & Walsh, J. (2008). Jobs and Workforce Development in the Clean energy economy. Development, 64. http://www.skillsusa.org/downloads/PDF/ newsroom/greenerpathwaysreport2008.pdf
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2