intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

6
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, phân tích và đánh giá dựa trên số liệu và tư liệu thứ cấp của một số cơ quan chức năng, làm rõ nội dung nói trên, đưa ra một số khuyến nghị có liên quan.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

  1. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TS. Đặng Hà Giang TÓM TẮT Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về quy mô và số lượng doanh nghiệp phát hành, đa dạng kỳ hạn trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu phát hành không ngừng tăng cao qua các năm. Các doanh nghiệp tham gia phát hành ngày càng đa dạng trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau: bất động sản, ngân hàng, sản xuất kinh doanh và dịch vụ khác. Sự phát triển thị trường trái phiếu góp phần làm giảm áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng, nhất là vốn trung dài hạn cho đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu, cũng như việc thiếu kiểm tra chặt chẽ mục đích sử dụng tiền phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đang gây những tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế, điển hình như vụ việc Tân Hoàng Minh. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, phân tích và đánh giá dựa trên số liệu và tư liệu thứ cấp của một số cơ quan chức năng, làm rõ nội dung nói trên, đưa ra một số khuyến nghị có liên quan. Từ khóa: đổi mới, chính sách tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, phát triển bền vững ABSTRACT SITUATION AND SOLUTIONS FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT VIETNAM CORPORATE BOND MARKET In recent years, Vietnam's corporate bond market has grown strongly in terms of both the size and number of issuers, and the diversity of bond maturities. The total value of issued bonds has continuously increased over the years. Issuers are increasingly diversified in different business fields: real estate, banking, production and business and other services. The development of the bond market contributes to reducing pressure on bank credit capital, especially medium and long-term capital for business investment of enterprises. However, the hot development of the bond market, as well as the lack of strict inspection of the purpose of corporate bond issuance money, are causing potential risks to the economy, such as the case Tan Hoang Minh. The article uses qualitative research methods, analyzes and evaluates based on data and secondary documents of a number of authorities, clarifies the above content, and gives some relevant recommendations. Keywords: innovation, financial policy, corporate bonds, sustainable development 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một bộ phận của thị trường tài chính, là nội dung quan trọng trong quản lý, điều hành chính sách tài chính quốc gia. Trong những năm gần đây, với việc không ngừng đổi mới chính sách tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng. Các doanh nghiệp trực tiếp huy động vốn trên thị trường tài chính, phù hợp với thông lệ khu vực và quốc tế, giảm áp lực lên vốn tín dụng trung dài hạn của hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM). Bộ Tài chính không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý để giảm thiểu rủi ro sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên trước yêu cầu tiếp tục mở cửa thị trường tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như xu hướng phát triển thị trường tài phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam hiện 782
  2. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” nay cũng như những năm tới, đòi hỏi chính sách tài chính quốc gia cần tiếp tục được đổi mới hơn nữa và phối hợp đồng bộ hơn nữa với chính sách tiền tệ quốc gia. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Cơ sở lý luận về trái phiếu doanh nghiệp Trái phiếu là một sản phẩm tài chính, hay một công cụ trên thị trường tài chính, mà một tổ chức phát hành, đó là Chính phủ, hay doanh nghiệp, thực hiện huy động vốn trung dài hạn trên thị trường tài chính. Tổ chức phát hành có nghĩa vụ thực hiện các cam kết nợ, bao gồm thanh toán lãi suất định kỳ và hoàn lại số tiền đầu tư ban đầu khi đến kỳ đáo hạn. VBPL (2014-2022) Còn trái phiếu doanh nghiệp, đó là trái phiếu do doanh nghiệp phát hành, dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi nợ. Doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cả lãi lẫn gốc cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến kỳ hạn. Trái phiếu doanh nghiệp được chia làm 2 loại như sau: Trái phiếu niêm yết: Là loại trái phiếu được đăng ký và lưu ký đầy đủ tại Trung tâm lưu ký chứng khoán, đồng thời được giao dịch rộng rãi trên thị trường tài chính. Toàn bộ quá trình giao dịch đều phải dựa trên các quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán, của pháp luật. VBPL (2014-2022) Các Ngân hàng thương mại (NHTM) cho khách vay vốn đầu tư chứng khoán với một tỷ lệ khá nằm trong mục đích cho vay vay tiêu dùng. Tức là trên danh nghĩa mục đích vay vốn thể hiện trên Hợp đồng tín dụng là khách hàng vay tiêu dùng, nhưng thực chất là vay đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, NHTM cung cấp vốn cho các CTCK để CTCK cho vay hay đầu tư, cung cấp Margin cho khách hàng dưới dạng chứng khoán nợ. VBPL (2014-2022) Theo lý thuyết tài chính tiền tệ hiện đại, chứng khoán vốn (Equity Security) là loại chứng khoán được công ty cổ phần phát hành ra thị trường. Sản phẩm này để xác nhận quyền sở hữu một phần tài sản, thu nhập của công ty. Điều này cũng có nghĩa là nhà đầu tư sở hữu chứng khoán vốn là người sở hữu một phần công ty và được hưởng lợi ích từ công ty đem lại. Các CTCK của Việt Nam hiện nay hầu hết là CTCK, trong đó nhiều CTCK là công ty con của NHTM, do NHTM chiếm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn chi phối. Còn chứng khoán nợ (Debt Security) là loại chứng khoán để chứng nhận mối quan người cho vay và người đi vay giữa người sở hữu và công ty phát hành. Chứng khoán nợ có nhiều dạng như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương…Loại chứng khoán này được mua hoặc bán giữa hai đối tượng và có các quy định điều khoản nhất định như số tiền đã vay, lãi suất, thời gian đáo hạn và gia hạn. Ở một số nước có nền kinh tế phát triển, chứng khoán nợ được giao dịch khá phổ biến trên thị trường chứng khoán. Tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp, là một loại chứng khoán nợ, đang ngày một trở nên phổ biến, gắn với một thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh những năm gần đây. Nhiều CTCK phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn cho đầu tư. SSC (2019-2022) 2.2. Phương pháp nghiên cứu Tác giả bài viết không có điều kiện xây dựng mô hình nghiên cứu. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính truyền thống, tổng hợp tư liệu và số liệu thứ cấp của các cơ quan chức năng, như: Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội,…tập trung phân tích, đánh giá làm rõ những nội dung nói trên, đưa ra khuyến nghị có liên quan, đáp ứng tính cấp thiết đó. 783
  3. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Khái quát quá trình hoàn thiện môi trường pháp lý Để tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự ra đời và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện các cam kết của WTO về mở cửa thị trường tài chính, Bộ Tài chính đã trình, ngày 14/10/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp. Đối tượng điều chỉnh đó là các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo quy định, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định này, phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan. Trường hợp quy định của pháp luật chuyên ngành khác với quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Sau 7 năm thực hiện chính sách nói trên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có những bước phát triển quan trọng, để phù hợp với yêu cầu của thị tiễn, năm 2018, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP, quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/2/2019, thay thế cho Nghị định 90/2011/NĐ-CP. Bộ Tài chính (2019-2022) Đến tháng 7/2020, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, ngày 9/7/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngày 14/8/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 77/2020/TT-BTC, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/9/2020. Bộ Tài chính (2019-2022) 3.2. Thực trạng phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong 3 năm gần đây 3.2.1. Sự phát triển trong năm 2018 Tính đến hết năm 2018, quy mô huy động vốn qua thị trường TPDN đạt 8,57% GDP. Con số này vượt qua mục tiêu năm 2020 là 7% GDP và con số mục tiêu cho năm 2030 là 20% GDP, tại Quyết định 1191/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nam phát triển. Dư nợ thị trường TPDN tại thời điểm cuối năm 2018 là 474.500 tỷ đồng, bằng 8,6% GDP năm 2018 và tăng 53% so với dư nợ thị trường TPDN tại thời điểm cuối năm 2017. Lãi suất, TPDN trong năm 2018 ở mức 10%/năm, thấp hơn so với mức trung bình 10,3%/năm trong năm 2017. SSC (2019-2020) 3.2.2. Sự phát triển năm 2019 Trong năm 2019 có 211 doanh nghiệp chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỷ đồng, tương đương 93,2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018. Lượng phát hành lớn trong năm 2019 cũng khiến quy mô thị trường TPDN tăng từ 9% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019), tổng lượng trái phiếu lưu hành đạt gần 670.000 tỷ đồng. Lãi suất phát hành TPDN bất động sản và cơ sở hạ tầng cao nhất, lên tới 10,5% - 11%/năm, lĩnh vực ngân hàng và định chế tài chính từ 6,8% đến 7,2%/năm. HNX (2019-2022) 784
  4. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 3.2.3. Thị trường TPDN năm 2020 Trong năm 2020, khối lượng phát hành TPDN tại thị trường trong nước tăng 29% so với năm 2019 đạt khoảng trên 430.000 tỷ đồng, trong đó: phát hành riêng lẻ chiếm 93,4% tổng khối lượng phát hành, tăng 30,4% so với năm 2019; phát hành ra công chúng tăng 33% so với năm 2019. Lãi suất trái phiếu DN trong năm 2020 bình quân khoảng 9,2%/năm, cao hơn lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các NHTM; trong đó lãi suất riêng của khối doanh nghiệp BĐS trong năm 2020 ở mức cao nhất bình quân khoảng 10,15% nhưng không quá dao động so với 2019. Bộ Tài chính (2019-2022) 3.2.4. Thị trường TPDN năm 2021 Trong năm 2021, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 495.029 tỷ đồng, tăng 23,6% cùng kỳ năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ đạt 467.583 tỷ đồng, phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng. Tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong năm 2021 có xu hướng giảm, trong khi khối lượng phát hành ra công chúng có xu hướng tăng cho thấy đã bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ ra công chúng, góp phần tăng tính công khai, minh bạch, hạn chế rủi ro trên thị trường. SSC (2020 - 2021) Trong năm 2021, các TCTD có khối lượng phát hành lớn nhất thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ, chiếm 37,9%, tăng 67% so với năm 2020. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành chiếm 30,6%, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng không còn là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường. SSC (2020 - 2021) Tính đến cuối năm 2021 quy mô thị trường trái phiếu DN của Việt Nam tương đương 15% GDP, tính ra vào khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, 70% tổng khối lượng phát hành thuộc về các tổ chức tín dụng, DN bất động sản và công ty chứng khoán. Các DN bất động sản chiếm tỷ lệ cao trên 30% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. SSC (2019- 2022) 3.2.5. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp đầu năm 2022 Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2022, có tổng cộng 160 đợt doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 104.828 tỷ đồng, chiếm 92,09% tổng giá trị phát hành và 17 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 8.996 tỷ đồng, chiếm 7,91% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 11% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. SSC (2019- 2022) Nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 42.382 tỷ đồng, tương đương 37,4% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 31.049 tỷ đồng, chiếm 73,26% và với kỳ hạn từ 7 năm trở lên chiếm 23,44% với giá trị phát hành là 9.935 tỷ đồng. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 37.395 tỷ đồng, chiếm 32,9%. SSC (2019- 2022) 3.3. Khái quát thực trạng rủi ro đối với ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp Trước đây, TPDN, do các TCTD phát hành có hệ số rủi ro thấp hơn, mà TCTD khác đầu tư (sở hữu) không phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng hiện nay, NHNN đã có quy định TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro, cũng như tách bạch trong việc xác định các loại vốn để kê tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Còn với TPDN do các tổ chức kinh tế phi tín dụng phát hành, trong đó có trái phiếu của các CTCK NHNN và Bộ Tài chính đã liên tục có cảnh báo rủi ro tiềm ẩn. Trong số 10 NHTM có số dư đầu tư chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế lớn nhất tính đến hết quý I/2022 gồm: Techcombank, MB, SCB, VPBank, TPBank, PVcomBank, Sacombank, 785
  5. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” SHB, BaoVietBank, VietinBank và BIDV, trong đó, SHB có mức độ tăng trưởng so với đầu năm cao nhất. Số liệu đó cũng cho thấy, không hẳn NHTM có quy mô hàng đầu thị trường đều đầu tư mạnh vào chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế. SSC (2019- 2022) 3.4. Một đánh giá về môi trường pháp lý và thực trạng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp 3.4.1. Ưu điểm Trước tiên, đó là việc các doanh nghiệp chủ động huy động vốn trên thị trường tài chính cho mình khi DN thực sự có uy tín, làm ăn có hiệu quả, có khả năng thanh toán được trái phiếu khi đến hạn, minh bạch thông tin báo cáo tài chính và phương án phát hành, sử dụng trái phiếu DN. Tốc độ tăng trưởng của thị trường TPDN đạt bình quân 48%/năm trong giai đoạn 2017- 2010 là đáng mừng, thêm một kênh cạnh tranh với hoạt động tín dụng trung dài hạn của các NHTM, buộc các NHTM phải đổi mới hơn nữa hoạt động cho vay của mình. Đây là cũng là xu hướng tất yếu, phù hợp với thông lệ quốc tế trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có độ mở ngày càng lớn với cộng đồng kình tế toàn cầu, đang thực hiện 17 Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Thứ hai, đó là thị trường TPDN phát triển làm giảm gánh nặng rủi ro tín dụng lên hệ thống ngân hàng. Bởi vì bản chất ngân hàng chỉ huy động cho vay vốn ngắn hạn là chính; cơ cấu vốn huy động kỳ hạn từ 12 tháng chiếm tới 80%, còn lại không quá 36 tháng. NHNN đã phải ban hành quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn của các NHTM. Cụ thể, gần đây nhất, đó là Thông tư 08/2020/TTNHNN sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, NHNN quyết định lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn thêm 1 năm so với lộ trình đã đưa ra trước đó. Cụ thể, từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này là 40%; từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%; từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%; từ ngày 1/10/2023: 30%. SBV (2015- 2020) Thứ ba, đó là tạo lập đầy đủ tư duy và cách tiếp cận cởi mở hơn với thị trường TPDN. Trên cơ sở đó góp phần đổi mới tư duy quản trị điều hành doanh nghiệp, với tư duy truyền thống là cứ thiếu vốn lại đến vay ngân hàng trước tiên, một tư duy ngược nguyên lý thị trường đã dẫn đến việc phân bỏ nguồn lực tài chính trong nền kinh tế không hiệu quả. Thứ tư, Bộ Tài chính chủ động, linh hoạt tham mưu trình Chính phủ ban hành, trình sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển thị trường trái phiếu DN, quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, thông lệ quốc tế và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Bộ Tài chính không bảo thủ hay chuyển động chậm so với yêu cầu của thực tiễn, cần quan sát, theo dõi, lắng nghe dư luận và cộng đồng doanh nghiệp, trên cơ sở đó trình Chính phủ ban hành mới, hay sửa đổi bổ sung những điểm mới cho phù hợp. Thứ năm, cùng với quy định về TPDN riêng lẻ nêu trên, các quy định mới về phát hành TPDN ra công chúng tại Luật Chứng khoán, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ hình thành bộ khung khổ pháp lý thống nhất để phát triển thị trường TPDN, góp phần phát triển thị trường vốn theo hướng công khai, minh bạch và an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện mục tiêu cân bằng hơn với thị trường tín dụng ngân hàng nhằm phát triển đồng bộ các kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế. SSC (2019-2020) 786
  6. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 3.4.2. Hạn chế Một là, hệ số vay nợ chung của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế là 2,5 lần so vốn chủ sở hữu, trong khi thông lệ quốc tế chỉ khoảng 1,5-1,6 lần. Đây là hệ số rất đáng quan ngại khi lạm dụng quá mức đòn bẩy tài chính doanh nghiệp, làm cho khối nợ của doanh nghiệp ngày một phình to hơn. Thị trường phát hành TPDN đang tăng nóng cũng làm gia tăng nguy cơ rủi ro chồng lên rủi ro, rất khó lường đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Khi đánh giá rủi ro nói chung cần cái nhìn tổng thể đối với nền kinh tế và toàn thị trường, không cắt khúc từng thị trường để thấy rằng vấn đề đang hết sức lo ngại. Nên nhớ, nếu rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp gia tăng thì hệ thống tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng cũng không ngoài vòng xoáy đó. Hai là, một số văn bản pháp lý chưa được triển khai đầy đủ, kịp thời, nhất về thành lập tổ chức đánh giá và xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Ba là, Bộ Tài chính và NHNN chưa phối hợp chặt chẽ, kiểm tra hiệu quả và mục đích sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, đảm bảo tiền huy động sử dụng đúng mục đích. Bốn là, rủi ro trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS là rất lớn. Trong hai năm 2022-2023, trái phiếu DN đáo hạn có giá trị khoảng 540.000 tỷ đồng, chiếm 36% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành. Riêng năm 2022 là 231.243 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào quí 4 và ở nhóm DN bất động sản, xây dựng. Đây là trái phiếu đến kỳ tất toán, bắt buộc DN phát hành phải trả cả tiền gốc và lãi cho nhà đầu tư. Nhiều DN bất động sản phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần. Kỳ hạn phát hành ngắn, từ 3-5 năm, nhưng lại huy động vốn để thực hiện các dự án kéo dài trên 5 năm. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo cho trái phiếu DN là các dự án bất động sản được định giá không sát với thực tế, cao hơn giá trị thực, gây rủi ro cao. SSC (2019- 2022) 3.5. Khuyến nghị Từ những nội dung phân tích và đánh giá ở trên, để góp phần phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bài viết xin đưa ra một số khuyến nghị sau đây: Một là, hai thay đổi quan trọng nhất trong dự thảo Luật chứng khoán hiện hành, đó là yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu ra công chúng và phân rõ ngưỡng yêu cầu để các nhà đầu tư có thể tham gia mua trong đợt phát hành riêng lẻ. Theo kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 450/QĐ-TTg, ngày 18/4/2012 thì đến 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 5 công ty xếp hạng tín nhiệm ra đời, nhưng đến nay mới có 1 công ty được cấp phép nhưng doanh nghiệp này đến nay chưa cung cấp dịch vụ nào ra thị trường. Đối với hoạt động xếp hạng tín nhiệm, khung pháp lý tại Việt Nam thực tế đã được ban hành từ năm 2014 tại Nghị định 88. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng cần xuất hiện ở Việt Nam, bởi vì tới đây thị trường TPDN của Việt Nam sẽ có nhu cầu với các dịch vụ do các tổ chức này cung cấp. Việc so sánh mức độ rủi ro cần dựa trên hệ số tín nhiệm (credit rating) của các tổ chức. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Khi quyết định mua trái phiếu các nhà đầu tư sẽ phải tìm hiểu mức độ rủi ro của doanh nghiệp, so sánh với mức độ rủi ro của ngân hàng đang gửi tiền. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần xúc tiến, đẩy nhanh nhanh hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm quốc tế tại Việt Nam, để các nhà đầu tư có thể phân biệt được mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp. Bộ Tài chính (2019-2022) 787
  7. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” Hai là, sau Nghị định 163, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP tới đây là Luật Chứng khoán sửa đổi, cũng tập trung vào mục tiêu tăng tính minh bạch và phân tách rõ ràng giữa hai hình thức phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng, sẽ có tác động tiếp tục thúc đẩy thị trường TPDN phát triển. Có một số yếu tố sẽ tác động khá rõ nét lên thị trường trái phiếu. Quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 40%; giảm xuống 30% từ ngày 1/10/2023. Quy định này khiến room tài trợ vốn dài hạn của các NHTM phải thu nhỏ lại. Thay vì đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu sẽ là một kênh thay thế mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn. Đồng thời việc các NHTM hạn chế cho vay bất động sản và đầu tư cổ phiếu, chứng khoán vì yêu cầu phòng ngừa rủi ro. Bởi vậy các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư cổ phiếu, mua doanh nghiệp hay thâu tóm doanh nghiệp khác sẽ đẩy mạnh phát hành TPDN. Việc thị trường TPDN phát triển sẽ mang đến một cú hích mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam vốn trước đây chỉ là sân chơi cho các nhà đầu tư cổ phiếu. Ngoài ra các NHTM tiếp tục tìm đến nguồn vốn dài hạn từ trái phiếu để nâng cao năng lực tài chính của đáp ứng chuẩn Basel II khi khả năng tăng vốn điều lệ còn gặp nhiều hạn chế. SBV (2019- 2021) Ba là, việc huy động TPDN loại lãi suất lên đến 10%-12%/năm sẽ là kênh cạnh tranh đối với các kênh khác như: gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư cổ phiếu hay mua bất động sản, mua vàng, dù là các kênh đầu tư khác nhau nhưng chúng lại là các bình thông nhau. Thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng giảm mức lãi suất huy động. Nếu không kiểm soát tốt rất dễ cuộc đua về lãi suất trong nền kinh tế và rủi ro bong bóng tài chính sẽ gia tăng. Vấn đề quan trọng hơn là trong nền kinh tế thực rất khó có ngành nào có được mức lợi nhuận để chịu đựng mức lãi suất lên tới 10-12%/năm. Bài học về các vụ án huy động vượt trần lãi suất của các ngân hàng những năm 2011-2012 vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy cần tăng cường phối hợp giữa điều hành chính sách tài chính và chính sách tiền tệ trong vấn đề lãi suất trái phiếu trong nền kinh tế. Trong điều hành chính sách tài chính, Bộ Tài chính, các bộ ngành có liên quan cần dự báo sát và đánh giá đúng tình hình để chủ động có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro đối với nền kinh tế. Bộ Tài chính (2019-2022) Bốn là, theo quy định hiện hành, việc chào bán trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cần làm hồ sơ phát hành, đăng ký và cần được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo Luật Chứng khoán. Còn hoạt động phát hành riêng lẻ chỉ cần gửi hồ sơ thông báo Bộ Tài chính. Năm là, Bộ Tài chính cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường TPDN, giám sát chặt chẽ các DN trong thực hiện các quy định mới về phát hành TPDN, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những vi phạm; đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định mới khi cần thiết. Bộ Tài chính và NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong giải trình, xử lý các khâu kỹ thuật có liên quan để đảm bảo hoàn thành việc tăng vốn cho các NHTM NN đã cổ phần hóa, giảm bớt quy mô phát hành trái phiếu NHTM để tăng vốn cấp II, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn của Basel II. 4. KẾT LUẬN Xu hướng thị trường trái phiếu nói chung, thị trường TPDN nói riêng trong thời gian tới, đầu tư vào trái phiếu sẽ tiếp tục tăng trưởng là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập thị trường tài chính khu vực và quốc tế, Các NHTM cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kênh này để hút vốn dài hạn trong bối cảnh NHNN ngày càng siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 788
  8. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” của Ngân hàng. Với hành lang pháp lý hình thành trên cơ sở Nghị định 163, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, Luật chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng và nhu cầu vốn ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp tham gia các hoạt động M&A chắc chắn thị trường phát hành trái phiếu sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm sắp tới. Tuy nhiên cần có những biện pháp đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường TPDN, giảm thiểu những rủi ro có thể xẩy ra đã được khuyến nghị ở trên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Tài chính (2019-2022): truy cập tại http://www.mof.gov.vn” các mục: tin tức, văn bản pháp luật, thông cáo báo chí; thời gian truy cập từ ngày 4-9/6/2022. 2. HNX (2019-2022): Số liệu về giao dịch thị trường hàng ngày tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; truy cập tại: www.hnx.vn; thời gian truy cập từ ngày 4-9/6/2022. 3. SBV (2019- 2022): NHNN Việt Nam truy cập tại www.sbv.gov.vn: Mục tin tức, văn bản quy phạm pháp luật; Các thông tin có liên quan đã được công bố; truy cập từ ngày 4-9/6/2022 4. SSI (2019-2022): “Báo cáo phân tích thị trường tài chính hàng tháng”; các tháng trong các năm 2019 – 2021 và đến tháng 5/2022”; Công ty CP chứng khoán Sài Gòn - file mềm gửi qua thư điện tử cho các Nhà đầu tư mở tài khoản tại SSI, Hà Nội, 2019-2022. 5. SSC (2019-2022): truy cập tại www.ssc.gov.vn, thông tin thị trường tài chính, trao đổi diễn đàn thị trường tài chính, các tháng trong năm 2019-2022, Ủy ban chứng khoán nhà nước; truy cập từ ngày 4-9/6/2022. 6. VBPL (2014-2022): Một số văn bản quy phạm pháp luật: Quốc hội (2014): Luật Chứng Khoán năm 2019 số 54/2019/QH14; Chính phủ (2018): Nghị định 163/2018/NĐ-CP. --- Thông tin tác giả: TS. Đặng Hà Giang – Phó Chánh VP Tỉnh ủy Bình Phước Nguyên Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình phước Số 678 - Quốc lộ 14 – TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước ĐT 0913880089 Email: Gianglongbp@gmail.com Lĩnh vực nghiên cứu: Tài chính - Ngân hàng – QTKD 789
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2