THỰC TRẠNG VÀ KINH NGHIỆM ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP<br />
CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THEO HÌNH THỨC TÍN CHỈ<br />
ThS. Tạ Trần Trọng<br />
Khoa Giáo dục đại cương - Trường Đại học Văn Hiến<br />
<br />
<br />
Từ khi quy chế số 43/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời cho đến<br />
nay, hầu hết các trường Đại học và Cao đẳng trên cả nước đã và đang chuyển từ hình thức<br />
đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo theo tín chỉ. Ở phía Nam, trường đi tiên phong<br />
trong vấn đề này là trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Nếu tính cho đến nay trường Đại<br />
học Bách khoa TP.HCM đã có khoảng 20 năm kinh nghiệm đào tạo theo hệ thống tín chỉ,<br />
tuy nhiên xét trên phạm vi cả nước chưa có trường đại học, cao đẳng nào thực sự đi đúng<br />
theo những yêu cầu của hình thức đào tạo này. Có rất nhiều lý do khác nhau như: thiếu cơ<br />
sở vật chất, đội ngũ giảng viên còn yếu và quá mỏng; cơ sở hạ tầng về thông tin còn thiếu<br />
và yếu. Và một trong những lý do cơ bản nữa là bộ phận khá đông giảng viên, cán bộ quản<br />
lý và sinh viên chưa hình dung đầy đủ, rõ ràng về sự khác biệt giữa hệ thống đào tạo theo<br />
niên chế và hệ thống đào tạo theo tín chỉ.<br />
Qua tìm hiểu về hai hệ thống đào tạo cho thấy sự khác nhau giữa hai hệ thống này<br />
được thể hiện ở hầu hết những vấn đề cơ bản trong quá trình đào tạo như: mục tiêu, chương<br />
trình, phương pháp,… Ở bài tham luận này chỉ giới thiệu về sự khác nhau ở cách đánh giá<br />
kết quả học tập, từ đó nêu ra thực trạng và kinh nghiệm trong việc đánh giá kết quả học tập<br />
của sinh viên đối với các môn lý luận chính trị. Bài tham luận gồm ba vấn đề sau:<br />
- Một số điểm khác biệt về đánh giá kết quả học tập giữa hệ thống đào tạo theo niên<br />
chế và hệ thống đào tạo theo tín chỉ.<br />
- Thực trạng và kinh nghiệm trong việc đánh giá kết quả học tập của hệ thống đào<br />
tạo theo tín chỉ, khi học các môn lý luận chính trị.<br />
- Một một số kiến nghị nhằm đánh giá chính xác hơn kết quả học tập của sinh viên<br />
khi học các môn lý luận chính trị ở trường Đại học Văn Hiến.<br />
1. Một số điểm khác biệt về đánh giá kết quả học tập giữa hệ thống đào tạo<br />
theo niên chế và hệ thống đào tạo theo tín chỉ<br />
Nếu triết lý (hay mục tiêu, mục đích) của hệ thống đào tạo theo niên chế là đào tạo<br />
ra những con người tinh thông về lý thuyết, chuyên sâu về nghiệp vụ, để hoàn thành tốt<br />
nhất những công việc của mình trong lĩnh vực được giao thì triết lý (hay mục tiêu, mục<br />
đích) của hệ thống đào tạo theo tín chỉ là tạo ra những con người không chỉ hiểu sâu, biết<br />
rộng nhiều lĩnh vực, không chỉ biết làm việc có hiệu quả, chất lượng để làm giàu cho xã<br />
hội, mà còn phải biết chung sống hài hòa với đồng nghiệp, đồng loại, với thiên nhiên, phải<br />
biết làm người với tất cả những ý nghĩa đầy đủ nhất của nó. Chính từ sự khác biệt về triết<br />
lý như vậy đã quy định sự khác biệt giữa hệ thống đào tạo theo niên chế và hệ thống đào<br />
tạo theo tín chỉ trên nhiều mặt như: khác biệt về chương trình học, về phương pháp đánh<br />
giá kết quả học tập; về phương pháp giảng dạy của giáo viên, về phương pháp học tập của<br />
sinh viên…<br />
Ở bài tham luận này chỉ nêu ra sự khác biệt về cách đánh giá kết quả học tập giữa<br />
hệ thống đào tạo theo niên chế và hệ thống đào tạo theo tín chỉ, từ đó đặt ra yêu cầu đối<br />
với các bộ môn, các giảng viên lý luận chính trị là phải làm thế nào để đánh giá đúng hơn,<br />
công bằng hơn kết quả học tập khi sinh viên học các môn lý luận chính trị trong bối cảnh<br />
hiện nay.<br />
Trước hết, sự khác biệt về cách đánh giá kết quả học tập giữa hệ thống đào tạo theo<br />
niên chế và hệ thống đào tạo theo tín chỉ thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:<br />
- Đối với hệ thống đào tạo theo niên chế, cách đánh giá kết quả học tập của sinh<br />
viên được tính theo từng năm học. Nếu trong một năm học sinh viên đạt yêu cầu (tức đạt<br />
từ điểm 5 trở lên) của tất cả các môn học do trường quy định, sinh viên đó được chuyển<br />
lên năm học năm tiếp theo. Nếu không đạt yêu cầu (tức là có một số môn học đạt dưới điểm<br />
5) sinh viên đó không được chuyển lên học năm tiếp theo (hay lưu ban).<br />
- Còn đối với hệ thống đào tạo theo tín chỉ, cách đánh giá kết quả học tập của sinh<br />
viên được tính theo tổng số tín chỉ đã tích lũy và điểm trung bình chung sau một thời gian<br />
nhất định. Nếu tích lũy đủ tổng số tín chỉ và có điểm trung bình chung trong một thời gian<br />
nhất định (thời gian này do từng trường quy định) đạt yêu cầu (tức là điểm các môn học<br />
trong thời gian nhất định, đạt điểm số từ điểm 4.0 đến điểm 10, hay thang điểm chữ là D,<br />
C, B, A) sinh viên sẽ đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp. Nếu tích lũy chưa đủ tổng số tín<br />
chỉ hoặc đủ số tín chỉ nhưng điểm trung bình chung trong thời gian nhất định không đạt<br />
yêu cầu (tức điểm các môn học trong thời gian nhất định đạt điểm dưới 4.0 hay thang điểm<br />
chữ là F) sinh viên sẽ không đủ điều kiện để nhận bằng tốt nghiệp.<br />
- Đối với hệ thống đào tạo theo niên chế, sinh viên phải thi và phải đạt yêu cầu tất<br />
cả các môn học theo quy định của trường mới được học năm tiếp theo, mới được cấp bằng<br />
tốt nghiệp.<br />
- Còn đối với hệ thống đào tạo theo tín chỉ, cách đánh giá kết quả học tập là yêu cầu<br />
sinh viên phải có đủ tổng số tín chỉ, phải đạt điểm trung bình chung theo quy định từng<br />
năm và cả khóa học mới được cấp bằng tốt nghiệp.<br />
- Đối với hệ thống đào tạo theo niên chế, cách đánh giá kết quả học tập của sinh<br />
viên bằng thang điểm 10 hay 100, đề cao cách đánh giá tính điểm tuyệt đối, tức điểm số<br />
của từng môn học và điểm số trung bình chung của sinh viên phải đạt từ điểm 5 trở lên.<br />
- Đối với hệ thống đào tạo theo tín chỉ, cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên<br />
bằng thang điểm 4 kết hợp với thang điểm chữ cái D, C, B, A, cách đánh giá này cho phép<br />
cách tính điểm tương đối.<br />
- Đối với hệ thống đào tạo theo niên chế, cách đánh giá kết quả học tập của sinh<br />
viên trong từng năm cũng như cả khóa học chủ yếu lấy kết quả phần điểm thi của từng môn<br />
học, từng học kỳ, còn phần điểm các hoạt động khác khi học từng môn học (học phần)<br />
cũng như trong suốt quá trình học ở đại học không được tính điểm hoặc tính với tỷ lệ rất<br />
thấp.<br />
- Còn đối với hệ thống đào tạo theo tín chỉ, cách đánh giá kết quả học tập của sinh<br />
viên lại coi trọng phần kết quả điểm các hoạt động khác trong quá trình học (tức điểm quá<br />
trình) điểm này chiếm từ 30% đến 50% điểm của môn học, còn điểm thi hết môn học (học<br />
phần) chỉ còn 50% đến 70% điểm của môn học.<br />
2. Thực trạng và kinh nghiệm đánh giá kết quả học tập theo hình thức tín chỉ<br />
đối với các môn lý luận chính trị<br />
a. Thực trạng và kinh nghiệm về đánh giá điểm quá trình<br />
- Do cách đánh giá kết quả học tập của hệ thống đào tạo theo tín chỉ rất coi trọng<br />
phần điểm các hoạt động khác trong quá trình học, tức điểm quá trình. Vì vậy, từ nhiều<br />
năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định mới về việc đánh giá kết quả học tập của<br />
sinh viên đối với các môn lý luận chính trị. Theo tinh thần đó, điểm kết quả một môn học<br />
của sinh viên được chia làm hai phần: điểm quá trình và điểm thi hết môn học (học phần).<br />
- Điểm quá trình là điểm đánh giá kết quả các hoạt động trong quá trình học. Điểm<br />
này do giảng viên trực tiếp giảng dạy quyết định. Trong điểm quá trình có 2 phần chính:<br />
Điểm chuyên cần và điểm kiểm tra giữa kỳ. Trọng số của điểm quá trình do từng trường<br />
quyết định. Có trường là 30%, có trường là 40% và cũng có trường là 50% tổng điểm môn<br />
học.<br />
- Đối với sinh viên, việc cho điểm quá trình học là điều kiện thuận lợi để họ dễ đạt<br />
được điểm cao của môn học. Bởi vì, ở phần này họ được nhiều quyền chủ động, có nhiều<br />
thời gian thực hiện các yêu cầu của thầy cô. Khi sinh viên đạt điểm cao ở phần này họ sẽ<br />
có khả năng đạt điểm cao của môn học, sẽ giảm áp lực trong kỳ thi hết môn, sẽ tạo được<br />
sự phấn khích nhất định trong sinh viên. Đồng thời, khi cho phần điểm quá trình ở mức<br />
cao (40% hay 50%), giảng viên sẽ có cơ sở để yêu cầu sinh viên làm nhiều việc liên quan<br />
đến nội dung bài giảng trong quá trình học. Đây cũng chính là yếu tố góp phần làm tăng<br />
chất lượng trong quá trình học tập.<br />
Trong nhiều năm qua việc đánh giá kết quả điểm quá trình các môn lý luận chính<br />
trị giữa các thầy cô trong một môn học thường không có sự thống nhất.<br />
- Có thầy cô chỉ lấy một điểm kiểm tra giữa kỳ làm điểm quá trình. Trong trường<br />
hợp này, nếu sinh viên buổi đó không đi học, không có có bài kiểm tra giữa kỳ, điểm quá<br />
trình của sinh viên đó sẽ là 0, hoặc có bài kiểm tra giữa kỳ nhưng điểm thấp, thì điểm quá<br />
trình cũng thấp. Sinh viên đó sẽ thiệt thòi vì không còn cơ hội để “sửa sai”. Như vậy sẽ<br />
ảnh hưởng điểm môn học.<br />
- Có thầy cô khi đánh giá điểm chuyên cần chỉ yêu cầu sinh viên làm một bài kiểm<br />
tra 15 phút. Nếu sinh viên buổi đó không đi học, không có bài kiểm tra 15 phút, điểm<br />
chuyên cần sẽ là 0. Như vậy cũng ảnh hưởng đến điểm quá trình, điểm môn học.<br />
- Có thầy cô khi đánh giá điểm chuyên cần, điểm kiểm tra giữa kỳ lại quá nhấn mạnh<br />
đến yếu tố chất lượng, bài kiểm tra 15 phút, bài kiểm tra giữa kỳ, cũng như các hoạt động<br />
khác trong quá trình học của sinh viên được điểm thấp. Điều đó cũng ảnh hưởng đến điểm<br />
quá trình, điểm môn học.<br />
Để khắc phục những bất cập trên, theo tôi về phía bộ môn cũng như các giảng viên<br />
trong cùng môn học cần có sự thống nhất các vấn đề sau:<br />
- Thống nhất về quan điểm đánh giá điểm quá trình. Khi đánh giá các yếu tố của<br />
điểm quá trình như điểm chuyên cần, điểm kiểm tra giữa kỳ, các thầy cô không nên đặt<br />
nặng về chất lượng mà nên đặt nặng về ý thức tham gia thực hiện các yếu tố của sự chuyên<br />
cần như: có làm và đạt mức trung bình các bài bài kiểm tra 15 phút không, có tham gia với<br />
nhóm làm bài thuyết trình không, có làm bài kiểm tra giữa kỳ không,…<br />
- Khi đánh giá điểm quá trình các giảng viên cần thống nhất phải có đầy đủ 2 yếu<br />
tố là điểm chuyên cần và điểm kiểm tra giữa kỳ. Bởi vì đây là 2 yếu tố cơ bản phản ánh sự<br />
chăm chỉ cũng như ý thức học tập của sinh viên.<br />
- Thống nhất về số lượng các yếu tố của phần điểm chuyên cần. Các yếu tố này cần<br />
được nêu ra cụ thể như: Có mấy bài kiểm tra 15 phút (theo quy định của Bộ Giáo dục và<br />
Đào tạo, số lượng bài kiểm tra 15 phút của môn học tương ứng với số lượng tín chỉ của<br />
môn học đó); có mấy hoạt động khác trong quá trình học như: bài thuyết trình nhóm, bài<br />
thu hoạch sau buổi học thực tế,…).<br />
Khi có sự thống nhất những nội dung cơ bản của việc đánh giá điểm quá trình như<br />
vậy thì kết quả đánh giá sẽ công bằng hơn giữa các sinh viên trong cùng một khóa học, sẽ<br />
tạo cơ hội để sinh viên dạt điểm cao của môn học và điểm cao khi kết thúc khóa học.<br />
b. Thực trạng và kinh nghiệm về đánh giá về điểm thi hết môn học (học phần)<br />
Điểm thi hết môn học (học phần), là điểm kết quả bài thi kết thúc một môn học (học<br />
phần). Điềm này do giảng viên trực tiếp giảng dạy chấm hoặc do các giảng viên trong cùng<br />
môn học chấm. Có trường trọng số điểm thi hết môn (học phần) là 70%, có trường là 60%<br />
và cũng có trường là 50% tổng điểm của môn học.<br />
Trong trường hợp trường quyết định phần điểm thi hết môn học (học phần) là 60%<br />
hoặc 70% thì việc giành điểm cao ở phần này mới thực sự là yếu tố quyết định điểm cao<br />
của môn học (học phần) và đây còn là yếu tố thuận lợi cho một số sinh viên. Bởi vì, nếu vì<br />
lý nào đó sinh viên không đi học được, không có điểm quá trình, hoặc điểm quá trình thấp,<br />
nhưng họ cố gắng làm tốt bài thi hết môn (học phần), thì họ cũng có cơ hội vượt qua được<br />
môn học.<br />
Với trọng số điểm cao ở phần điểm thi hết môn (học phần) thì kết quả điểm thi quyết<br />
định điểm cao hay thấp của một môn học. Trong những năm gần đây, hình thức thi hết môn<br />
học được Bộ quy định cũng rất thoáng, có thể thi trắc nghiệm, có thể thi tự luận, có thể là<br />
sự kết hợp giữa 2 hình thức này, có thể là đề thi dạng không tham khảo tài liệu, cũng có<br />
thể là dạng đề thi được tham khảo tài liệu,…<br />
Qua thực tế giảng dạy cho thấy việc ra đề thi, chấm thi ở phần này cũng có nhiều<br />
vấn đề cần bàn luận. Bởi vì:<br />
- Có thầy cô ra đề thi ở dạng cho phép được tham khảo tài liệu nhưng lại chỉ yêu<br />
cầu sinh viên trình bày một hay một số nội dung nào đó trong môn học. Như vậy, sinh viên<br />
chỉ cần chép thật nhiều nội dung trong giáo trình vào bài làm của mình là chắc chắn đạt từ<br />
điểm khá trở lên (trừ trường hợp chép nhầm do không đọc kỹ câu hỏi). Như vậy dẫn đến<br />
hiện tượng nhiều sinh viên không quan tâm đến việc học tập nói chung, ôn tập nói riêng.<br />
Những nội dung của môn học do thầy cô phân tích, giảng giải sẽ không đọng lại nhiều<br />
trong đầu sinh viên, chất lượng giảng dạy vì thế cũng hạn chế. Mặt khác với cách ra đề thi<br />
này sẽ không đánh giá, phân loại được chất lượng thực sự của sinh viên.<br />
- Có thầy cô ra đề thi ở dạng không tham khảo tài liệu nhưng lại cho nhiều câu hỏi<br />
hay nhiều nội dung. Trong trường hợp này sẽ có ít sinh viên đạt điểm cao, nhiều sinh viên<br />
đạt điểm trung bình và điểm kém. Điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả môn học và khóa<br />
học. Không những thế sẽ lại xuất hiện tình trạng “học tủ, phao thi” một hình ảnh rất không<br />
đẹp trong sinh viên.<br />
Để khắc phục những bất cập trên, theo tôi trong từng Bộ môn, giữa các giảng viên<br />
cần có sự thống nhất các vấn đề sau:<br />
- Thống nhất các dạng đề thi: được tham khảo tài liệu hay không tham khảo tài liệu.<br />
thống nhất đề thi trắc nghiệm hay tự luận, hay đề kết hợp giữa 2 hình thức này, thống nhất<br />
số lượng câu hỏi trong mỗi đề thi,…<br />
- Đối với dạng đề thi sinh viên không tham khảo tài liệu thì cần thống nhất số lượng<br />
những nội dung yêu cầu sinh viên trả lời trong câu hỏi thi. Những yêu cầu đó nên vừa phải,<br />
nội dung phải rõ ràng để tránh sinh viên hiểu lầm câu hỏi, làm lạc đề.<br />
- Đặc biệt đối với dạng đề thi được tham khảo tài liệu, trong mỗi câu hỏi cần chia<br />
làm 2 phần với 2 mức điểm khác nhau. Phần yêu cầu sinh viên trình bày một hay một số<br />
nội dung trong môn học, chỉ nên cho thang điểm bằng 1/3 tổng điểm của câu hỏi đó, bởi vì<br />
ở phần này sinh viên chỉ cần chép lại những nội dung trong tài liệu để trả lời cho câu hỏi<br />
thi. Còn phần yêu cầu sinh viên phải tự luận (viết ra những lập luận, phân tích, lý giải,…<br />
thể hiện sự hiểu biết thực sự) nên cho điểm ở mức cao bằng 2/3 tổng điểm của câu hỏi đó.<br />
Như vậy sẽ có cơ sở để đánh giá, phân loại được chất lượng sinh viên.<br />
- Khi ra một câu hỏi thi có nhiều phần (nội dung) sau mỗi nội dung nên viết cả trọng<br />
số điểm của phần đó. Bởi vì, làm như vậy để sinh viên có cơ sở tính toán thời gian cho<br />
từng phần, từng nội dung, tránh tình trạng mất nhiều thời gian cho phần có trọng số điểm<br />
thấp (vì sinh viên không được biết trọng số điểm), đến phần có trọng số điểm cao thì còn<br />
ít thời gian, thậm chí không còn thời gian làm bài thi.<br />
3. Một một số kiến nghị nhằm đánh giá chính xác hơn kết quả học tập của<br />
sinh viên khi học các môn lý luận chính trị ở Trường Đại học Văn Hiến<br />
Hiện nay ở Trường Đại học Văn Hiếnviệc giảng dạy các môn lý luận chính trị được<br />
tổ chức theo lớp đông (trên 200 sinh viên) trong hội trường lớn. Do đó, việc quản lý trong<br />
quá trình giảng dạy cũng như việc đánh giá kết quả điểm quá trình của sinh viên gặp rất<br />
nhiều khó khăn. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, để đánh giá chính xác, công bằng kết<br />
quả học tập của sinh viên khi học các môn lý luận chính trị, tôi xin có một số kiến nghị sau:<br />
- Nên tăng trọng số điểm quá trình lên 40% hoặc 50%<br />
Đối với kiến nghị thứ nhất, theo tôi không chỉ áp dụng đối với môn lý luận chính trị<br />
nên áp dụng cho các môn học trong trường. Bởi vì, khi nâng trọng số điểm quá trình cao,<br />
một mặt khi giảng viên đưa ra được nhiều hình thức hoạt động cho sinh viên thực hiện<br />
trong quá trình học như kiểm tra 15 phút, làm bài tập ở nhà, làm bài thuyết trình nhóm, cá<br />
nhân,… Đây chính là “áp lực” buộc sinh viên luôn luôn quan tâm đến môn học, từ đó mà<br />
nâng cao chất lượng học tập của sinh viên. Mặt khác, với việc đánh giá cao điểm quá trình,<br />
sinh viên được chủ động thực hiện các nội dung trong quá trình học, do đó được điểm quá<br />
trình cao. Đây là điều kiện thuận lợi để sinh viên đạt điểm cao của từng môn học và điểm<br />
trung chung cao của cả khóa học.<br />
- Bố trí một lớp học khoảng dưới 100 sinh viên<br />
Khi đánh giá kết quả học tập theo hình thức tín chỉ, giảng viên các môn lý luận chính<br />
trị cũng phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của việc đánh giá kết quả học tập, như thảo luận,<br />
thuyết trình nhóm, kiểm tra 15 phút, kiểm tra giữa kỳ,… Với số lượng sinh viên quá đông<br />
chắc chắn sẽ rất khó cho giáo viên trong việc giảng dạy cũng như trong việc đánh giá kết<br />
quả học tập. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên và chất lượng<br />
học tập của sinh viên, đồng thời cũng ảnh hưởng đến cả hình ảnh của trường. Vì vậy, khi<br />
các môn lý luận chính trị đã là môn khoa học cần được đối xử một cách khoa học.<br />