TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN<br />
DU LỊCH SINH THÁI Ở HUYỆN A LƯỚI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ<br />
LÊ VĂN TIN<br />
Đại học Huế<br />
NGUYỄN HOÀNG SƠN<br />
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế<br />
Tóm tắt: Du lịch sinh thái đang được quan tâm và phát triển nhanh trên thế<br />
giới. Huyện A Lưới tỉnh - Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng về tự nhiên,<br />
văn hóa bản địa và các tài nguyên hỗ trợ, cũng như các điều kiện để phát<br />
triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, du lịch sinh thái ở A Lưới còn yếu và<br />
chưa đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của du lịch sinh thái, cần có nhiều giải<br />
pháp hợp lý để khai thác tốt tiềm năng này của huyện.<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
Trong những thập niên gần đây, du lịch sinh thái đang có bước phát triển nhanh chóng.<br />
Với đặc điểm là gắn với thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương, thông qua việc giáo<br />
dục về môi trường, mang lại lợi ích nhiều mặt cho nhân dân và chính quyền địa phương<br />
nên du lịch sinh thái đang rất hấp dẫn khách du lịch, được chính phủ ở nhiều quốc gia<br />
quan tâm đầu tư phát triển. Hiện nay du lịch sinh thái không chỉ là hướng du lịch tăng<br />
trưởng nhanh nhất, mà còn chiếm một vị trí quan trọng trong du lịch quốc tế. Nhiều<br />
hình thức du lịch sinh thái đã được lựa chọn đầu tư trong các dự án và quy hoạch phát<br />
triển ở nhiều cấp độ khác nhau.<br />
A Lưới là huyện vùng cao thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp với hai tỉnh là<br />
Salavan và Sê Kông của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Bắc giáp huyện<br />
Đakrông (Quảng Trị) huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), phía Nam giáp huyện Tây<br />
Giang (Quảng Nam), phía Đông giáp các huyện Hương Trà, Hương Thuỷ và Nam<br />
Đông. A Lưới hiện đang có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: du lịch sinh thái, du<br />
lịch ẩm thực, du lịch văn hoá tộc người, du lịch các điểm di tích cách mạng... Mỗi một<br />
loại hình du lịch đều có những thế mạnh và nét đặc trưng của nó, trong đó nổi bật nhất<br />
là du lịch sinh thái.<br />
Việc nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và hiện trạng hoạt động, đề xuất giải pháp phát<br />
triển du lịch sinh thái của huyện A Lưới là vấn đề có tính cấp thiết.<br />
2. TIỀM NĂNG VÀ ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI CỦA HUYỆN<br />
A LƯỚI<br />
2.1. Đặc điểm tự nhiên<br />
Nằm trên sườn Tây của dãy Trường Sơn Bắc, huyện A Lưới có địa hình phức tạp, hiểm<br />
trở, bị chia cắt mạnh, độ cao tuyệt đối dao động từ 250m đến 1.774m. Cao nhất là đỉnh<br />
Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế<br />
ISSN 1859-1612, Số 04(16)/2010: tr. 96-104<br />
<br />
TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DU LỊCH...<br />
<br />
97<br />
<br />
Động Ngại (1.774m). Được nâng lên do tân kiến tạo, thung lũng A Lưới kéo dài theo<br />
hướng Tây Bắc - Đông Nam, hai bên thung lũng là địa hình núi cao và hiểm trở, các<br />
đỉnh núi ở đây thường có độ dốc trên 350. Sự tương phản lớn của địa hình đã tạo nên<br />
những phong cảnh ngoạn mục: thác nước, khe suối, thung lũng sâu…, đây chính là tiềm<br />
năng để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng gây bất lợi cho du<br />
lịch như độ an toàn thấp, công tác cứu hộ gặp khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ.<br />
Đại bộ phận của lãnh thổ A Lưới có kiểu khí hậu mang tính chất chuyển tiếp Đông và<br />
Tây Trường Sơn với chế độ mưa mùa. A Lưới có tổng lượng mưa năm trên 3.400mm.<br />
Trong đó, tổng lượng mưa từ tháng I đến tháng VIII chỉ khoảng 1.000mm, tháng II và<br />
tháng III là 2 tháng thiếu ẩm. Tốc độ gió trung bình mạnh nhất trong tỉnh, số ngày có<br />
dông nhiều nhất, thường xảy ra lóc, mưa đá hơn các nơi khác. A lưới quanh năm không<br />
có mùa nóng. Mùa lạnh kéo dài 4 tháng, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 5OC.<br />
Tháng lạnh nhất có nhiệt độ dưới 18OC.<br />
Một phần diện tích huyện A Lưới thuộc tiểu vùng khí hậu núi cao Động Ngại với nhiệt<br />
độ trung bình 18-22OC, lượng mưa năm xấp xỉ 3.600mm, khí hậu quanh năm mát mẻ,<br />
không có mùa nóng.<br />
Như vậy, bên cạnh nền nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai du lịch<br />
nghỉ dưỡng trên núi thì A Lưới cũng gặp nhiều khó khăn như dông, lốc, mưa đá.<br />
A Lưới là nơi bắt nguồn 5 con sông lớn trong khu vực. Trong đó có 2 sông chảy sang<br />
Lào là Asáp và Alin, 3 sông chảy trong lãnh thổ Việt Nam là sông Đakrông, sông Bồ và<br />
sông Hương. Sông suối với mật độ tương đối dày hiện diện trong địa bàn núi non phổ<br />
biến đã là điều kiện để hình thành các phong cảnh đẹp gắn liền suối thác như thác A<br />
Nôr.<br />
A Lưới còn sở hữu một nguồn tài nguyên rừng lớn, tỷ lệ che phủ cao, trữ lượng trung<br />
bình 6-7 triệu m3 với nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, sến, mun, vàng tâm, dổi, kiền,<br />
tùng... và nhiều loại lâm sản khác như tre, nứa, luồng, lồ ô, mây. Động vật rừng đa dạng<br />
với một số loài như sao la, chồn hương, mang, nai... thuộc nhóm động vật quý hiếm cần<br />
được bảo vệ. Đó là cơ sở tốt để phát triển du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan còn khá<br />
nguyên sơ và đặc trưng cho khu vực chuyển tiếp Đông và Tây Trường Sơn.<br />
A Lưới còn nổi tiếng với những cảnh quan đẹp, hấp dẫn như thác A Nôr (xã Hồng<br />
Kim), hay thác Pông Chất; hang động Kềnh Crâm (xã A Roàng) với tầng tầng lớp lớp<br />
tác phẩm tạo hình lạ mắt bằng thạch nhũ; suối dưỡng sinh nước nóng Tôm Trung; hồ<br />
mặt nước ngầm A Co (xã Phú Vinh, Hồng Thượng); những dòng sông êm ả quanh<br />
thung lũng A Lưới như A Sáp, A Lin, Tà Rình ẩn khuất dưới hai bờ xanh cây trái; dải<br />
rừng nguyên sinh với tính đa dạng sinh học cao chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh<br />
rất phù hợp cho du lịch mạo hiểm.<br />
2.2. Văn hóa bản địa<br />
A Lưới là nơi cư trú của nhiều dân tộc như Tà Ôi, Ka Tu, Bru-Vân Kiều (người Tà Ôi<br />
chiếm khoảng 60% dân số) với những nét văn hóa đặc sắc như lễ hội đâm trâu, đâm dê,<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
98<br />
<br />
LÊ VĂN TIN - NGUYỄN HOÀNG SƠN<br />
<br />
lễ cầu mùa AzaKoonh… Những lễ hội này chứa đựng nhiều nội dung khác nhau như<br />
cầu xin cho dân làng được sống yên vui, đoàn kết. A Lưới cũng tập trung khá đa dạng<br />
các loại hình văn nghệ dân gian như âm nhạc, múa, hội họa mang đậm bản sắc văn hóa<br />
của đồng bào địa phương. Bên cạnh đó còn có những tập quán sinh hoạt đặc trưng của<br />
dân bản địa, kiến trúc nhà ở, trang phục và những sản phẩm truyền thống, đặc biệt là<br />
nghề dệt vải dzèng (một loại thổ cẩm) với nét độc đáo là trực tiếp chèn hạt cườm vào<br />
vải… đều có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch.<br />
2.3. Tài nguyên hỗ trợ<br />
Là một chiến trường khốc liệt trước đây, A Lưới có rất nhiều di tích lịch sử, là nền tảng<br />
để phát triển loại hình du lịch lịch sử chiến tranh như cụm địa đạo Khu ủy Trị Thiên,<br />
cụm địa đạo Động So - A Túc, khu Bốt Đỏ, đồi A Bia, đồn A Sầu và sân bay A Sầu, sân<br />
bay A Lưới, ngã ba đầu đường 71 - đường 14B, ngã ba đầu đường 72 - đường 14B, ngã<br />
ba đầu đường 73 - đường 14B, dốc Con Mèo trọng điểm đường B45, động Tiên Công,<br />
đường Hồ Chí Minh…<br />
Với nhiều cựu chiến binh và du khách quốc tế, một trong những lý do để họ tìm đến A<br />
Lưới hôm nay vẫn là quá khứ chiến tranh khốc liệt và hào hùng với nhiều địa danh nổi<br />
tiếng. Đây cũng chính là thế mạnh, tiềm năng lớn của A Lưới trong việc khai thác giá trị<br />
của nó để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, phát triển du lịch.<br />
2.4. Vị trí và khả năng tiếp cận<br />
Huyện miền núi A Lưới cách thành phố Huế 73km về phía tây. Việc giao thông, luận<br />
chuyển hàng hóa giữa Huế và A Lưới được thực hiện qua tuyến Quốc lộ 49 và nối liền<br />
các cửa khẩu Hồng Vân và cửa khẩu S10 với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào<br />
được thực hiện một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, tuyến giao thông huyết mạch và có tầm<br />
chiến lược trong qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước là đường Hồ Chí Minh<br />
cũng đã cơ bản hoàn thiện, dài hơn 100 km nối từ Quốc lộ 9, huyện Đăkrông tỉnh<br />
Quảng Trị vào nam nối với tỉnh Quảng Nam. Mạng lưới giao thông như vậy đã tạo nên<br />
khả năng thông thương, hợp tác với các vùng, miền trong tỉnh, trong nước và với Lào,<br />
tạo ra khả năng to lớn để khai thác tiềm năng du lịch của huyện.<br />
2.5. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch<br />
Giao thông nội bộ A Lưới cũng khá phát triển, ngoài trục đường chính là đường Hồ Chí<br />
Minh, quốc lộ 49 dẫn từ miền xuôi lên các huyện miền núi và thông sang Lào còn các<br />
đường liên thôn liên xã đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng đáng kể, các xã đều đã có<br />
đường ô tô đến trung tâm xã. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở nên các phương tiện giao<br />
thông còn hạn chế. Sông A Sáp và A Lin là hai con sông chính cùng các nhánh sông<br />
suối nhỏ chạy dọc theo thung lũng tạo nên hệ thống giao thông đường thuỷ của huyện.<br />
Các xã trong huyện đã được sử dụng nguồn điện từ mạng lưới Quốc gia, tuy nhiên để<br />
phát triển du lịch cần nâng cấp hơn nữa hệ thống cung cấp điện nước.<br />
Nhìn chung cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của huyện còn nhiều hạn chế cả về<br />
số lượng và chất lượng. Cả huyện có 4 nhà nghỉ và khách sạn với hơn 60 phòng còn<br />
<br />
TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DU LỊCH...<br />
<br />
99<br />
<br />
đảm bảo chất lượng và đủ tiêu chuẩn phục vụ, còn lại phần lớn đều đã xuống cấp, không<br />
đáp ứng yêu cầu của khách. Các dịch vụ khác như ăn uống, vui chơi giải trí còn nghèo<br />
nàn, thiếu thốn.<br />
3. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH SINH THÁI HUYỆN A LƯỚI<br />
3.1. Khách du lịch<br />
Do công tác tổ chức quản lý các hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế (chưa bán vé tham<br />
quan) nên công tác thống kê số lượng khách gặp rất nhiều khó khăn và kết quả chưa<br />
thực sự chính xác. Nhưng, qua số liệu báo cáo tổng hợp của Phòng Công thương huyện<br />
A Lưới từ 2007-2009, lượng khách du lịch trong các năm gần đây đã tăng lên khá<br />
nhanh. Tuy nhiên, số lượng này còn quá nhỏ so với tiềm năng tài nguyên du lịch của<br />
huyện.<br />
Bảng 1. Số lượt khách du lịch đến tham quan huyện A Lưới (2007-2009)<br />
Năm<br />
Khách du lịch nội địa<br />
Khách du lịch quốc tế<br />
Tổng<br />
<br />
2007<br />
2.300<br />
4.800<br />
7.100<br />
<br />
2008<br />
2.645<br />
5.520<br />
8.165<br />
<br />
2009<br />
3.042<br />
6.348<br />
9.390<br />
<br />
Nguồn: Báo cáo tổng hợp các năm của phòng Công thương A Lưới<br />
<br />
Khách nội địa du lịch, tham quan A Lưới chủ yếu là đi tự phát, không thông qua các tổ<br />
chức du lịch. Khách quốc tế là các cựu chiến binh, chuyên gia, nhân viên các tổ chức<br />
khoa học đến khảo sát phục vụ công tác nghiên cứu. Khách thuần túy tham quan chỉ có<br />
một số đoàn lẻ người Hoa kỳ, Hà lan, Phần Lan, Đức, Australia... đến với số lượng nhỏ<br />
(1-5 khách).<br />
3.2. Doanh thu du lịch<br />
Du lịch huyện A Lưới chỉ mới được chú ý trong một vài năm nay. Đã có những đầu tư<br />
bước đầu cho hoạt động du lịch tại các điểm. Tuy vậy, vẫn còn nhỏ lẻ về quy mô và<br />
thấp về hiệu quả kinh tế. Cơ cấu kinh tế của huyện tuy đã có phần chuyển biến theo<br />
hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực du lịch - dịch vụ nhưng vai trò của du lịch trong<br />
biến chuyển đó là rất mờ nhạt.<br />
Tuy nhiên, tại một số điểm, hoạt động du lịch đã tỏ ra có hiệu quả ít nhiều về mặt kinh<br />
tế đối với cộng đồng địa phương và một số hộ. Tiêu biểu trong số này là 2 điểm du lịch<br />
văn hóa cộng đồng Làng văn hóa A Hưa (xã Nhâm) và Làng văn hóa A Ka 2 (xã A<br />
Roàng). Tại đây, với mức thu như sau:<br />
- Ở nhà sàn qua đêm: 50.000 đồng/khách<br />
- Chi phí phục vụ sinh hoạt cùng dân bản địa trong nhà sàn: 400.000 đồng/lượt<br />
- Ăn chính: 40.000 đồng/suất<br />
- Ăn sáng: 15.000 đồng/suất<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
100<br />
<br />
LÊ VĂN TIN - NGUYỄN HOÀNG SƠN<br />
<br />
- Bồi dưỡng người dẫn đường vào rừng sinh thái: 100.000 đồng/ngày/người<br />
- Bồi dưỡng người gùi thức ăn, nước uống: 100.000 đồng/ngày/người<br />
Những dịch vụ này do chính bà con dân tộc ít người thực hiện. Tiền thu được một phần<br />
bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ, phần còn lại đưa vào quỹ phục vụ các<br />
sinh hoạt cộng đồng. Như vậy kinh phí để đầu tư và phát triển du lịch sinh thái của<br />
huyện còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước.<br />
3.3. Các hoạt động du lịch<br />
Nhìn chung các tuyến điểm tham quan du lịch ở A Lưới còn rời rác. Cho đến nay, đã có<br />
9 di tích, địa điểm di tích được nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, pháp lý đề nghị Bộ Văn<br />
hóa - Thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận, trong đó có 7 di tích cấp Quốc<br />
gia và 2 di tích cấp tỉnh. Do không được đầu tư bảo vệ, tôn tạo thích đáng, đặc biệt là<br />
xây dựng tượng đài và đường đến di tích, nên các di tích lịch sử văn hóa của huyện<br />
đang xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các điểm đều không bán vé và không có các dịch<br />
vụ đi kèm nên không mang lại những lợi ích trực tiếp về mặt kinh tế cho địa phương.<br />
Hai địa điểm được đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng là Làng văn hóa A<br />
Hưa (xã Nhâm) và Làng văn hóa A Ka 2 (xã A Roàng). Tại mỗi làng, một nhà rông<br />
được xây dựng khá khang trang. Đây vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng vừa là<br />
nơi du khách nghỉ ngơi, sinh hoạt và ngủ qua đêm. Trong các tour, du khách cùng sinh<br />
hoạt lửa trại, hát múa với người dân bản địa tại nhà rông và thưởng thức các món ăn<br />
truyền thống của đồng bào dân tộc như xôi thui ống, cơm lam, bánh sừng, thịt gói<br />
nướng vùi, thịt thui ống… các thức uống độc đáo của địa phương như rượu đoác, rượu<br />
cần, rượu mía.<br />
Các tuyến du lịch đều xuất phát từ Trung tâm hành chính huyện. Tuỳ thuộc thời gian, du<br />
khách có thể chọn một số tuyến sau:<br />
- A Lưới - thác Ano - cửa khẩu Hồng Vân.<br />
- A Lưới - hồ A Ko - làng văn hóa Chi Lanh - AK1 - suối nước nóng A Roàng - cửa<br />
khẩu S3 - cửa khẩu S10.<br />
Đặc điểm chung của các điểm, tuyến du lịch này là sự gắn kết còn rời rạc, kèm theo đó<br />
là các dịch vụ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho du lịch còn yếu kém nên hiệu quả khai thác<br />
chưa cao.<br />
3.4. Đánh giá thực trạng hoạt động du lịch huyện A Lưới theo các nguyên tắc của<br />
du lịch sinh thái<br />
Đặc trưng của du lịch sinh thái là đề cao vai trò giáo dục và thuyết minh môi trường.<br />
Khách du lịch được thuyết minh về môi trường thiên nhiên và các giá trị khác khi đến<br />
tham quan. Song, nguyên tắc này chưa được đảm bảo do nguồn thông tin hạn chế; sơ đồ<br />
chỉ dẫn các tuyến điểm tham quan và các tờ gấp giới thiệu về các điểm du lịch cho du<br />
khách chưa có hoặc chưa đủ; lực lượng hướng dẫn viên còn thiếu và chưa được đào tạo<br />
chuyên nghiệp.<br />
<br />