JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Science, 2018, Vol. 63, Iss. 1, pp. 18-26<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0003<br />
<br />
TIẾP NHẬN VĂN LUẬN PHƯƠNG TÂY Ở TRUNG QUỐC CUỐI THẾ KỈ XIX<br />
ĐẦU THẾ KỈ XX: TRƯỜNG HỢP VƯƠNG QUỐC DUY<br />
VỚI BÌNH LUẬN HỒNG LÂU MỘNG<br />
Bùi Thị Thiên Thai<br />
<br />
Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam<br />
Tóm tắt. Vương Quốc Duy (1877-1927) là một học giả có vị trí đặc biệt trong hành trình<br />
tiếp nhận văn luận phương Tây của Trung Quốc. Nhờ hội thông Đông Tây kim cổ, Vương<br />
Quốc Duy đã dùng ánh sáng phương Tây để lý giải kinh điển phương Đông từ đó đưa ra<br />
những quan điểm mới mẻ mà Bình luận Hồng lâu mộng (1904) có thể coi là một thành tựu<br />
nổi bật. Tác phẩm do đó cũng được coi là khởi điểm của tiến trình hiện đại hoá của văn<br />
luận Trung Quốc.<br />
Từ khóa: Vương Quốc Duy, văn luận, Trung Quốc, phương Tây, Bình luận Hồng lâu mộng.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Vương Quốc Duy thuộc về một thời kì lịch sử quan trọng không thể thiếu trong tiến trình<br />
phát triển của văn học Trung Quốc. Trong bối cảnh thời đại cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, tư<br />
tưởng văn học của Vương Quốc Duy đã phản ánh một cách đầy đủ sự va đập của tư tưởng văn<br />
học, tư tưởng văn hóa cổ kim đông tây. Việc tiếp nhận văn luận phương Tây của Vương Quốc Duy,<br />
xét trên một ý nghĩa nào đó cũng chính là biểu hiện của quá trình từng bước hiện đại hóa trong<br />
tư tưởng văn học cận đại Trung Quốc. Trong bài viết này, từ việc nhìn suốt cuộc đời Vương Quốc<br />
Duy, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ vai trò của ông trong việc mở ra phong trào dùng quan niệm<br />
triết học, mĩ học, văn học phương Tây để phân tích tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, mở ra con<br />
đường nghiên cứu so sánh văn học Trung Quốc và phương Tây; mượn lời của Tiền Chung Thư là<br />
xem xét xem, Vương Quốc Duy đã “mượn ánh sáng của hàng xóm để chiếu rọi vào mình” như<br />
thế nào.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Hội thông Đông Tây kim cổ<br />
<br />
Vương Quốc Duy thuộc thế hệ học giả Trung Quốc đầu tiên du học tại Nhật (tháng 12 năm<br />
1900), trước cả anh em Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Úc Đạt Phu... Qua cầu nối Nhật Bản và bằng<br />
sự tự học, khổ học không ngừng nghỉ, Vương Quốc Duy đã trở thành một trong những nhân vật<br />
Ngày nhận bài: 15/12/2016. Ngày sửa bài: 20/12/2017. Ngày nhận đăng: 20/1/2017<br />
Liên hệ: Bùi Thị Thiên Thai, e-mail: thienthaitb@gmail.com<br />
<br />
18<br />
<br />
Tiếp nhận văn luận phương Tây ở Trung Quốc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX: Trường hợp...<br />
<br />
hiếm hoi quán thông văn học và văn hóa cổ kim đông tây trên văn đàn Trung Quốc đương thời,<br />
được tôn xưng là người kết thúc học thuật Trung Quốc ngót ba trăm năm, người khai sáng cho học<br />
thuật Trung Quốc tám mươi năm trở lại đây. Lương Khải Siêu hết lời tán tụng ông: “Vương Quốc<br />
Duy không chỉ là học giả của Trung Quốc, mà còn là bậc học giả của toàn thế giới”. Quách Mạt<br />
Nhược ca ngợi: “Những của cải tri thức của ông để lại cho chúng ta khác nào một lầu gác nguy<br />
nga, từ trên thành lũy mấy nghìn năm của cựu học lấp lánh chiếu rọi một thứ ánh sáng kì lạ”. Hồ<br />
Thích thì hồi tưởng về ông đầy thú vị: “Người xấu, để bím tóc (ý nói thủ cựu, sau Cách mạng Tân<br />
Hợi vẫn còn để bím tóc], trông bộ dạng thật khó coi, nhưng cứ đọc thơ, từ không thôi thì ngỡ chủ<br />
nhân phải là trang phong lưu tài tử” [1]. . .<br />
Xuất thân trong một gia đình thương nhân có dòng dõi thư hương, ngay từ khi còn nhỏ<br />
Vương Quốc Duy đã sớm được tiếp xúc với sách vở. Đến năm 11 tuổi, ông được cha cho theo học<br />
Trần Thọ Điền – một học giả tốt nghiệp Đồng Văn quán (Trường Ngoại ngữ quốc lập đầu tiên cuối<br />
đời Thanh) nhưng không theo quan nghiệp mà về quê dạy học. Chính từ người thầy này, Vương<br />
Quốc Duy đã được tiếp xúc với sách vở cũng như những tri thức phương Tây về xã hội học, tâm lí<br />
học, triết học. . . Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho ngay từ thuở thiếu thời, diện tri thức<br />
của ông đã được rộng mở và phát triển tương đối tự do chứ không chỉ bó hẹp trong Kinh truyện<br />
như các trí thức cùng thời (như chính ông thừa nhận, trong những thư tịch cổ, ông ghét nhất là<br />
Thập tam kinh). Đồng Văn Quán vốn là nơi đào tạo phiên dịch của Trung Quốc thời bấy giờ đặt tại<br />
Bắc Kinh. Sự có mặt của nó giống như một luồng gió mới thổi vào học giới Trung Quốc bảo thủ<br />
và cũ kĩ. Những bậc trí giả thức thời ở kinh thành đều tranh nhau đưa con em vào Đồng văn quán<br />
theo học. Vương Quốc Duy khi ấy vừa mới qua bậc vỡ lòng về quốc học, thật may mắn, người cha<br />
sáng suốt và nhiều kì vọng đã tìm thầy cho con, khiến cho hạt mầm Tây học sớm gieo vào tâm trí<br />
non nớt khát khao cái mới của Vương Quốc Duy, khiến cho ông sau này có thể dũng cảm và thuận<br />
lợi tiếp nhận khoa học nhân văn cận đại của phương Tây, đặt một nền móng cho việc hình thành<br />
nền học vấn quán thông đông tây của bậc thầy quốc học này. 16 tuổi Vương Quốc Duy đã đỗ tú<br />
tài, trở thành một trong Tứ tài tử của đất Hải Ninh quê hương ông. Sau hai lần hương thí thất bại,<br />
Vương Quốc Duy thực sự đoạn tuyệt với khoa cử. 21 tuổi, Vương Quốc Duy đến Thượng Hải và<br />
khởi nghiệp từ chân thư kí tòa soạn Thời vụ báo. Ông tích cực học tiếng Nhật và sang Nhật trong<br />
một thời gian ngắn (cuối năm 1900 – đầu năm 1901). Năm 1902, Vương Quốc Duy phiên dịch<br />
Triết học khái luận của tác giả Nhật Kuwaki Genyoku. Cũng trong năm 1902, Vương Quốc Duy<br />
còn dịch Luân lí học của nhà tâm lí học Nhật Bản nổi tiếng Yujiro Motora (1858 - 1912). Năm<br />
1903, Vương Quốc Duy tiếp tục dịch Tây phương luân lí học sử yếu của Henry Sidgwick (Anh,<br />
1838-1900). Những tác phẩm có tính chất “sử yếu”, “khái luận” này đã giúp Vương Quốc Duy có<br />
được một cái nhìn tổng quan về tư tưởng phương Tây. Không chỉ dừng lại ở đó, hứng thú đặc biệt<br />
đối với Kant, Schopenhauer và Nietzsche đã thôi thúc ông lần lượt giới thiệu những nhân vật chủ<br />
yếu của triết học Âu Tây cận đại này vào Trung Quốc. Bộ phận dịch phẩm của Vương Quốc Duy<br />
một mặt cho chúng ta thấy định hướng tư tưởng của ông, mặt khác cũng đã đặt nền móng cho cả<br />
cuộc đời học thuật của ông sau này. Từ những trải nghiệm phiên dịch của mình, có thể nói, Vương<br />
Quốc Duy đã vượt thoát ra khỏi những giới hạn tân – cựu hay đông – tây đang gây tranh cãi ở<br />
Trung Quốc khi ấy, bởi ở ông có cả đông cả tây, cả tân cả cựu. Và những nghiên cứu của ông đều<br />
xuất phát từ một tầm nhìn rộng mở thấu suốt cả cổ kim đông tây như vậy. Chính ông đã từng nói:<br />
Học thuật vốn không phân tân – cựu; Trung – Tây. . . Vì sao lại nói học thuật không phân<br />
tân – cựu? Bởi đối với khoa học, sự vật tất phải đạt đến độ chân thực, lí lẽ tất phải hướng đến độ<br />
chính xác. Mà chân - ngụy, thị - phi thì người xưa hay nay đều mong biện biệt cho được. Các bậc<br />
thánh hiền xưa có thể có những giới hạn của mình, vì thế không thể nhất nhất sùng thượng cái cổ<br />
19<br />
<br />
Bùi Thị Thiên Thai<br />
<br />
xưa, nhưng tất cả vốn phát triển từ cổ xưa đến hôm nay và hướng đến ngày mai, vì thế cũng không<br />
thể hoàn toàn miệt thị cái cổ mà cần phải kết hợp cả cổ - kim. Còn vì sao nói học thuật không phân<br />
Trung – Tây? Bởi con người ta ai ai cũng có trí tuệ, cũng khắc khoải về những vấn đề vũ trụ, nhân<br />
sinh mà mình không thể giải đáp. Học thuật thế giới không ngoài khoa học, sử học, văn học; cái gì<br />
Trung Quốc có thì phương Tây cũng có, cái gì phương Tây có thì Trung Quốc cũng có, khác chăng<br />
chỉ là ở chỗ rộng hay hẹp, quan tâm chú ý nhiều hay ít mà thôi. . . (Quốc học tùng san tự).<br />
Trong khi các học giả đương thời chủ yếu xoay quanh tranh luận về Đông – Tây: Đông<br />
thể Tây dụng hay là Tây thể Đông dụng – thì Vương Quốc Duy cho rằng, cái đáng lo là không có<br />
người làm khoa học thực sự chứ không phải là thiên lệch Đông học hay Tây học. Ông cũng đề xuất:<br />
“Ngày nay, những kẻ muốn phát huy cái triết học vốn có của nước ta tất phải là những kẻ thực sự<br />
hiểu biết sâu rộng triết học của Tây dương vậy” (Triết học biện hoặc). Nhưng ông cũng nhấn mạnh<br />
rằng, tư tưởng phương Tây không phải ngay lập tức có thể tiếp thu được, và văn hóa Đông – Tây<br />
quả thực có những khác biệt. Văn hóa Trung Quốc coi trọng thực tế, văn hóa phương Tây coi trọng<br />
tư duy lí luận. Vì vậy, tư tưởng phương Tây truyền vào Trung Quốc cần phải được hóa giải, biến<br />
thành cái của mình. Và như thế, cần phải thực sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa phương Tây để có thể<br />
cải tạo, hấp thụ nó. Đây cũng chính là một điểm đáng quý của Vương Quốc Duy, ông luôn luôn<br />
dùng tư tưởng Trung Quốc để kiểm nghiệm tư tưởng phương Tây, tham chiếu lí luận phương Tây<br />
để giải quyết những vấn đề mà Trung Quốc đã thảo luận trong suốt chiều dài lịch sử. Ví dụ, ngay<br />
từ khi còn rất trẻ, năm 1901, Vương Quốc Duy đã viết bài Bàn về tính trong đó dùng tri thức của<br />
Kant để kiểm nghiệm những thảo luận của Trung Quốc về tính thiện (Mạnh Tử) và tính ác (Tuân<br />
Tử). Hay năm 1905, ông viết bài Nguyên mệnh, dùng luật nhân quả để bình luận “Thuyết tự do ý<br />
chí”, chỉ rõ rằng, nhân loại chịu quá nhiều ràng buộc, tự do ý chí rất khó thực hiện, đồng thời đề<br />
xuất quan niệm về trách nhiệm, cho rằng người Trung Quốc coi trọng trách nhiệm, không có trách<br />
nhiệm thì tự do khó lòng có thể thực hiện được, v.v...<br />
Có thể thấy, Vương Quốc Duy đã có sự bình luận, so sánh giữa lí luận Trung Quốc và<br />
phương Tây, đồng thời từ đó đưa ra một sự lựa chọn mới có tính chất lí tưởng.<br />
Vương Quốc Duy đặc biệt đề cao giá trị độc lập của triết học, mĩ học; cũng tức là cái ích<br />
dụng trong cái vô dụng của trí tuệ và thẩm mĩ. Triết học truy cầu tri thức thuần túy, hoàn toàn<br />
không có tính công lợi. Mĩ học truy cầu tình cảm vi diệu làm xúc động lòng người. Triết học và mĩ<br />
học giải quyết những thắc mắc và đau khổ của nhân sinh, và đó là nguyên lí căn bản của nó, do đó,<br />
triết học và mĩ học là tôn quý nhất, thần thánh nhất. Nhưng ông cũng cho rằng, thứ tôn quý nhất,<br />
thần thánh nhất đó cũng là thứ mà Trung Quốc ít ỏi nhất. Ông phê phán thi ca Trung Quốc, toàn là<br />
vịnh sử, hoài cổ, cảm sự, tặng đáp. . . mà rất ít truy vấn tâm hồn, càng ít hơn là những miêu tả về<br />
đau khổ của nội tâm – những thứ vượt thoát khỏi lợi hại thực tế. Hý khúc tiểu thuyết cũng thường<br />
là khuyến thiện trừng ác mà ít hướng tới mục đích thuần túy mĩ thuật. . .<br />
Những quan điểm này của Vương Quốc Duy đã cho thấy sự giao thoa cổ kim Đông – Tây<br />
trong tư tưởng của ông, bởi nếu không tiếp thu lí luận phương Tây, ông khó lòng đưa ra những phê<br />
phán sâu sắc như vậy. Các tác phẩm phê bình văn học của ông cũng thể hiện rất rõ tinh thần ấy,<br />
trong đó phải kể đến: Bình luận Hồng lâu mộng (1904); Nhân gian từ thoại (1906); Tống Nguyên<br />
hý khúc khảo (1913) mà Bình luận Hồng lâu mộng có thể coi như một đỉnh cao khiến cho Vương<br />
Quốc Duy khi ấy mới 28 tuổi đã trở thành một trong những người đi đầu của phong trào học thuật<br />
Trung Quốc lúc bấy giờ. Đánh giá tác phẩm này, giáo trình Văn học so sánh của Hồ Á Mẫn viết:<br />
“Trong trước tác đó, Vương Quốc Duy vứt bỏ kiểu bình điểm truyền thống, kiểu phê bình cảm<br />
xúc, bắt đầu thử dùng kiểu luận giải của phương Tây. Toàn sách chia ra làm 5 chương: chương đầu<br />
20<br />
<br />
Tiếp nhận văn luận phương Tây ở Trung Quốc cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX: Trường hợp...<br />
<br />
trình bày quan điểm triết học và mĩ học của tác giả, tạo dựng cái sườn để giải thích của cả cuốn<br />
sách, mấy chương sau lần lượt trình bày tinh thần của Hồng lâu mộng và giá trị mĩ học, luân lí học<br />
của tác phẩm. Cuốn sách có kết cấu chặt chẽ, luận bàn sâu sắc. Kiểu luận bàn này cuối cùng thay<br />
thế cho lối bình điểm thơ văn truyền thống và trở thành lối phê bình chủ lưu, đó là ý nghĩa lịch sử<br />
quan trọng nhất của Bình luận Hồng lâu mộng” [2].<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Kinh điển phương Đông từ ánh sáng phương Tây<br />
<br />
Trong chương Hai của Bình luận Hồng lâu mộng, Vương Quốc Duy đã dẫn thơ của Gottfried<br />
August Brger (1747-1794) để nói hộ nhân sinh quan của chính mình, đại ý: Hỡi các triết nhân học<br />
thức cao sâu và uyên bác, hãy nói cho ta biết, Vạn vật trong thế giới này, Từ đâu mà đến, có tự khi<br />
nào? Từ đây, Vương Quốc Duy cũng yêu cầu văn học phải có một diện mạo mới, phải tìm hiểu<br />
những vấn đề nhân sinh vĩnh hằng đó. Đây cũng chính là khởi điểm để Vương Quốc Duy đưa ra<br />
những kiến giải vô cùng sâu sắc. Ông viết: “Trong văn học cận thế của châu Âu, sở dĩ Faust của<br />
Goethe đứng vị trí số một là bởi vì tác phẩm đã miêu tả một cách vô cùng chân thực nỗi đau khổ<br />
của tiến sĩ Faust cũng như con đường giải thoát của ông”. Chúng ta biết rằng Faust là một nhân<br />
vật nổi tiếng trong truyền thuyết Đức, tương truyền rất có thể là một nhà chiêm tinh hoặc một thầy<br />
bói, và truyền thuyết cũng kể rằng, ông ta đã bán linh hồn mình cho quỷ để đổi lấy tri thức mà ông<br />
khát khao muốn chiếm lĩnh. Nỗi đau khổ của Faust là gì? Đó chính là nỗi khắc khoải: Con người<br />
từ đâu đến, và sẽ đi về đâu, ý nghĩa của cuộc sống là gì? Và nỗi đau khổ ấy, theo Vương Quốc Duy,<br />
không khác gì nỗi đau của Bảo Ngọc trong Hồng lâu mộng của Trung Quốc: “Như Bảo Ngọc của<br />
Hồng lâu mộng nào có khác gì (Faust)? Một đằng chìm đắm trong đáy sâu đau khổ, một đằng đã<br />
ươm sẵn hạt mầm của giải thoát: cho nên, nghe khúc Ký sinh thảo [3] mà ngộ ra cảnh giới của<br />
“chỗ đứng”; đọc thiên Khư kháp mà đã nghĩ đến chuyện đốt phù đập ấn [4]. Sở dĩ còn chưa làm<br />
được điều ấy (buông bỏ) là vì Đại Ngọc còn đó, Đại Ngọc chết rồi thì chí kia cũng quyết. . . Nỗi<br />
đau khổ của Faust là nỗi đau khổ của thiên tài; còn nỗi đau khổ của Bảo Ngọc là nỗi đau khổ của<br />
bất cứ ai vậy. Nỗi đau ấy tồn tại ở thẳm sâu mỗi con người, và hy vọng cứu vớt nó cũng vô cùng<br />
tha thiết” [5].<br />
Do đó, Vương Quốc Duy cho rằng Hồng lâu mộng đã đặt ra những vấn đề cơ bản nhất của<br />
con người. Ngay mở đầu Chương I, ông đã mượn lời Lão Tử để nói rằng: “Nhân chi đại hoạn, tại<br />
ngã hữu thân” (Nỗi đau khổ lớn nhất của con người chính là ở chỗ con người có thân). Và Vương<br />
Quốc Duy đã bằng một phương thức riêng để bàn về cái gọi là “thân chi đại dục” (khát vọng lớn<br />
của con người). Đây cũng chính là vấn đề trung tâm của Bình luận Hồng lâu mộng. Ông cho rằng,<br />
khát vọng lớn nhất của con người là vượt thoát khỏi bản thân mình để đến được bến bờ (giác ngộ?).<br />
Và chỉ có tôn giáo mới thỏa mãn được khát vọng đó. Ông cho rằng, con người có hai con đường<br />
giải thoát: Một là: do đau khổ mà tự tìm đến kết thúc. Giống như a hoàn của Vương phu nhân và<br />
Kim Xuyến, nhảy xuống giếng mà chết; hay a hoàn của Tư Kỳ, đâm đầu vào tường mà chết, người<br />
yêu của cô, đâm dao vào cổ mà chết. Nhưng đó chỉ là cách giải thoát cấp thấp nhất và không phải<br />
là một sự giải thoát thực sự mà chỉ là cắt đứt sự đau khổ. Còn giải thoát thực sự? Theo Vương Quốc<br />
Duy đó là hiểu được rằng, cuộc sống và đau khổ là không thể tách lìa, là luôn luôn đồng hành,<br />
cho nên chỉ có một cách để giải thoát: từ chối tất cả mọi dục vọng của đời sống. Làm được điều ấy<br />
trong Hồng lâu mộng có ba nhân vật: Giả Bảo Ngọc, Tích Xuân và Tử Quyên. Họ đều hiểu rằng,<br />
dục vọng là nguồn cội của đau khổ. Nhưng Tích Xuân và Tử Quyên khác Giả Bảo Ngọc. Dường<br />
như họ không có một dục vọng gì. Họ là những người chứng kiến nhiều đau khổ bởi những khát<br />
vọng đều không thành trong đời sống thực hết lần này đến lần khác như một vòng tuần hoàn, đi<br />
21<br />
<br />
Bùi Thị Thiên Thai<br />
<br />
đến tuyệt vọng, và họ hiểu ra rằng, đó chính là chân tướng của vũ trụ, của nhân sinh. Và họ đã tìm<br />
đến con đường tu hành để giác ngộ. Giả Bảo Ngọc khác họ, bởi Giả Bảo Ngọc là một người thông<br />
minh, trí lực hơn người, có khả năng nhìn ra bản chất của vũ trụ nhân sinh, và điều quan trọng hơn,<br />
Giả Bảo Ngọc không chỉ là người chứng kiến đau khổ, mà còn thực sự trải nghiệm đau khổ. Vậy<br />
nên vẻ đẹp của Hồng lâu mộng và vẻ đẹp bi tráng, vẻ đẹp của bi kịch – nơi mà nhân vật thì đau<br />
khổ nhưng người đọc thì được thưởng thức cảm giác thăng hoa của nghệ thuật.<br />
So sánh với Đào hoa phiến của Khổng Thượng Nhiệm (1648-1718), ông cũng chỉ ra, sự<br />
giải thoát trong tác phẩm bi kịch này không phải là một sự giải thoát thực sự. Bởi tác phẩm kịch<br />
Đào hoa phiến với chuyện tình đẫm lệ giữa Hầu Phương Vực và danh kỹ Lý Hương Quân là sự<br />
giải thoát dựa vào những lực lượng bên ngoài. Còn Hồng lâu mộng lại là sự giải thoát nhờ quy luật<br />
bên trong. Đào hoa phiến mượn chuyện họ Hầu họ Lý để viết chuyện quốc gia đại sự - sự hưng<br />
vong của Trung Quốc cuối triều Minh - chứ không phải chuyện nhân sinh. Tác phẩm cũng là một<br />
sự đột phá khỏi mô hình truyền thống tài tử giai nhân đại đoàn viên, đồng thời gắn ái tình nam nữ<br />
với sự hưng vong của dân tộc. Vương Quốc Duy cho rằng: “Cho nên, Đào hoa phiến là chính trị,<br />
là quốc dân, là lịch sử; còn Hồng lâu mộng là triết học, là vũ trụ, là văn học”. Và theo ông, giá trị<br />
của Hồng lâu mộng chính là ở giá trị nhân sinh của nó, không liên quan gì đến quốc gia đại sự, vì<br />
dân vì nước.<br />
Đây là điểm khiến cho Vương Quốc Duy khác hẳn những nhà bình luận Hồng lâu mộng<br />
khác. Và điểm khác đó, không thể phủ nhận, lại đến từ ảnh hưởng của nhà triết học Đức<br />
Schopenhauer. Không chỉ là học giả Trung Quốc đầu tiên giới thiệu triết học và mĩ học phương<br />
Tây vào Trung Quốc, đặc biệt là Schopenhauer, điều quan trọng là đến đây, Vương Quốc Duy đã<br />
tiến thêm một bước, dung hợp giữa học thuyết của Schopenhauer với quan niệm học thuật truyền<br />
thống của Trung Quốc trong một tác phẩm kinh điển Hồng lâu mộng [6]. Đây là một thử nghiệm<br />
rất mạnh dạn của Vương Quốc Duy, đồng thời cũng phản ánh được một cách khá tiêu biểu cho<br />
quan niệm văn học và tư tưởng triết học của Vương Quốc Duy thời kì đầu.<br />
Bản thân Vương Quốc Duy cũng thừa nhận mình viết Bình luận Hồng lâu mộng hoàn toàn<br />
là từ góc độ tư tưởng của Schopenhauer. Theo Vương Quốc Duy, bản chất của đời sống nhân loại<br />
là Dục (ham muốn, khát vọng), mà ham muốn, khát vọng ấy không bao giờ có thể được thỏa mãn,<br />
đó cũng chính là lí do khiến cho con người luôn tự quàng vào cổ mình xiềng xích của dục vọng,<br />
bi kịch khởi nguồn từ dục vọng ấy và đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho nhân loại mãi mãi<br />
chìm trong đau khổ. Vậy làm thế nào để có thể thoát khỏi đau khổ của nhân sinh? Vương Quốc<br />
Duy cho rằng, biện pháp căn bản nhất chỉ có một: cự tuyệt mọi ham muốn khát vọng của đời sống.<br />
Ông chỉ ra rằng, giá trị của Hồng lâu mộng chính là ở chỗ, nhân vật chính của nó Giả Bảo Ngọc,<br />
sau khi trải qua một phen đau khổ của cõi nhân sinh đã dứt tâm bước vào con đường giải thoát tự<br />
ngã – xuất gia làm hòa thượng.<br />
Có thể thấy ý chí luận của Schopenhauer được thể hiện một cách trọn vẹn trong công trình<br />
này của Vương Quốc Duy bởi dục vọng của con người cũng chính là bản chất của ý chí theo quan<br />
niệm của Schopenhauer. Lí thuyết “nguyên tội – giải thoát” của Schopenhauer gần như được “bê<br />
nguyên xi” vào Bình luận Hồng lâu mộng. Bởi Schopenhauer cho rằng: "Mọi ý nguyện đều xuất<br />
phát từ ý muốn, ý muốn nẩy sinh từ sự thiếu thốn và đó cũng là nguồn gốc đau khổ. Sự thoả mãn<br />
một ý nguyện chấm dứt ý nguyện ấy nhưng vẫn còn những ý nguyện khác cần được giải quyết.<br />
Hơn nữa, dục vọng vốn khôn cùng, nhu cầu lại vô hạn, trong khi sự thoả nguyện thì ngắn ngủi và<br />
hiếm hoi. Thậm chí, chính ước vọng thoả nguyện cuối cùng cũng chỉ là ảo tưởng. Mỗi ý nguyện<br />
được thoả mãn lập tức mở đường cho một ý nguyện mới - cả hai đều là ảo vọng... Không có sự<br />
22<br />
<br />