JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Science, 2018, Vol. 63, Iss. 2A, pp. 48-57<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0027<br />
<br />
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ GIỜ HỌC TRÊN LỚP CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
<br />
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Các trường đại học hiện nay phần lớn đều đang thực hiện chuyển hình thức đào<br />
tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ, hoạt động học tập của sinh viên trên<br />
lớp theo đó cũng có nhiều thay đổi và cùng với nó, việc đánh giá giờ học của sinh viên nói<br />
riêng và đánh giá hoạt động học tập trên lớp của sinh viên nói chung cũng đang là vấn đề<br />
cần quan tâm nghiên cứu. Trên cơ sở phân tích quan niệm về giờ học trên lớp của sinh viên<br />
đại học, những yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến giờ học trên lớp của sinh<br />
viên, bài báo đề xuất tiêu chí đánh giá giờ học cho sinh viên đại học làm cơ sở cho việc<br />
nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học.<br />
Từ khóa: Đánh giá, hoạt động học, giờ học, tiêu chí đánh giá, hoạt động học của sinh viên,<br />
giờ học của sinh viên.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Đánh giá quá trình dạy học nói chung và đánh giá hoạt động học tập của sinh viên trong<br />
giờ học trên lớp nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục<br />
đại học. Theo tiếp cận hiện đại, trong các công trình nghiên cứu đã và đang được thực hiện trên<br />
thế giới, các nhà giáo dục học nghiên cứu về hoạt động học tập của sinh viên trên lớp theo tiếp<br />
cận “sự gắn kết của sinh viên vào hoạt động học” (student engagement in classroom). Ở đây, hoạt<br />
động học của sinh viên, hay nói cách khác là sự gắn kết học tập của sinh viên được định nghĩa là<br />
“sự tham gia vào hoạt động giáo dục, ở cả trong và ngoài lớp học, nhằm đạt được những kết quả<br />
có thể đo lường được” (Kuh và cộng sự 2007), và là “mức độ sinh viên tham gia vào các hoạt động<br />
giáo dục được kết nối với những kết quả học tập có chất lượng cao” (Krause và Coates 2008), hay<br />
là “hiệu quả của những nổ lực bản thân sinh viên cống hiến cho các hoạt động giáo dục nhằm góp<br />
phần trực tiếp tạo ra các kết quả họ mong đợi” (Hu và Kuh 2001).<br />
Một thực tế mà các nghiên cứu của Giáo dục học đã cho thấy, thông thường những tri thức<br />
mà sinh viên học được không phải tất cả đều như giáo viên đã dạy. Do đó, giảng viên cũng như<br />
các nhà giáo dục cần tìm kiếm cách thức hiệu quả để thúc đẩy hoạt động học tập của sinh viên. Để<br />
làm được điều đó, nhà giáo dục cần có một công cụ để đánh giá hoạt động học tập của sinh viên<br />
nói chung và giờ học trên lớp của họ nói riêng. Các tác giả Thomas A. Angelo và K. Patricia Cross<br />
đã biên soạn một cuốn sách mang tên là Các kĩ thuật đánh giá hoạt động trong lớp học: Hướng<br />
dẫn dành cho giảng viên đại học, đã trình bày những chiến lược mà giảng viên có thể sử dụng một<br />
cách hiệu quả để giải quyết tốt các câu hỏi hóc búa rằng “Sinh viên của chúng ta đang học những<br />
Ngày nhận bài: 15/12/2017. Ngày sửa bài: 20/2/2018. Ngày nhận đăng: 25/2/2018<br />
Liên hệ: Nguyễn Hoàng Đoan Huy, e-mail: nguyenhoangdoanhuy@gmail.com<br />
<br />
48<br />
<br />
Tiêu chí đánh giá giờ học trên lớp của sinh viên đại học<br />
<br />
gì?” và kéo theo đó là “Chúng ta cần dạy như thế nào cho hiệu quả?” Hiện nay, ở các trường đại<br />
học trên thế giới, việc xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá giờ Dạy đã được nghiên cứu và đưa vào<br />
sử dụng.<br />
Tương tự như vậy, ở Việt Nam, một số trường học ở Việt Nam trong đó phần lớn là các<br />
trường phổ thông được sự khuyến khích của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào sử dụng những<br />
phiếu đánh giá giờ Dạy của giáo viên. Đó là kết quả của rất nhiều công trình nghiên cứu xây dựng<br />
tiêu chí đánh giá giờ Dạy của rất nhiều nhà Giáo dục. Theo đó, mảng đề tài về tính tích cực học<br />
tập được nghiên cứu trên nhiều đối tượng bao gồm sinh viên đại học. Trên bình diện chung, tính<br />
tích cực học tập được nhìn nhận dưới góc độ là phẩm chất nhân cách của người sinh viên, thể hiện<br />
ý thức tự giác của họ về mục đích của hoạt động học tập, thông qua đó sinh viên huy động ở mức<br />
cao các chức năng tâm lí nhằm tổ chức và thực hiện hoạt động học tập có hiệu quả (Đỗ Thị Coong<br />
2003, Lê Thị Xuân Liên 2007, Phạm Văn Tuân 2011).<br />
Song, với mục đích nâng cao chất lượng cho quá trình dạy học, bên cạnh việc quan tâm đến<br />
hoạt động giảng dạy, người học với hoạt động học tập là vấn đề quan trọng hơn hết, đặc biệt là ở<br />
bậc đại học. Theo đó, nắm được thực trạng hoạt động của sinh viên trong giờ lên lớp sẽ giúp cho<br />
nhà nghiên cứu cũng như giảng viên có được cơ sở thực tiễn để sử dụng, điều chỉnh những tác<br />
động giáo dục có hiệu quả hơn.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Quan niệm về giờ học trên lớp của sinh viên<br />
<br />
Theo từ điển wikipedia, “giờ học” (school period) là một khoảng thời gian được phân bổ<br />
cho các đơn vị bài học, lớp học hoặc các hoạt động khác trong nhà trường, thông thường kéo dài<br />
từ 40 – 60 phút, với khoảng từ 3 – 8 tiết trong một ngày; đặc biệt, ở bậc đại học, khoảng thời gian<br />
này có thể dài hơn và nhà giáo dục có thể xác định số lượng cũng như độ dài của các giờ học, thậm<br />
chí có thể điều chỉnh từng giờ học cho phù hợp với hoạt động dạy và học”. Theo đó, giờ học của<br />
sinh viên đại học có thể được hiểu bao gồm giờ lên lớp, giờ ngoại khoá, giờ tự học,. . .<br />
Trong phạm vi giới hạn của đề tài, như chúng tôi đã lưu ý ở trên, đối tượng nghiên cứu là<br />
giờ học trên lớp của sinh viên; do đó, chúng tôi lựa chọn khái niệm công cụ về giờ học của sinh<br />
viên theo quan niệm của Bộ Giáo dục & Đào tạo về giờ lên lớp, cho rằng “giờ lên lớp là một khâu<br />
trong quá trình dạy học được kết thúc trọn vẹn trong khuôn khổ nhất định về thời gian theo quy<br />
định của kế hoạch dạy học” [2].<br />
Như vậy, ở bậc đại học, giờ học trên lớp của sinh viên là khoảng thời gian được phân bố<br />
cho một đơn vị bài học, trong đó diễn ra quá trình dạy và học của giảng viên và sinh viên nhằm<br />
đạt mục tiêu của kế hoạch dạy học đã đặt ra. Giờ học trên lớp trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ<br />
được gọi là tiết học, được tính bằng 50 phút. Trong một giờ học trên lớp, giảng viên và sinh viên<br />
cùng tham gia hoạt động, trong đó sinh viên vừa là đối tượng vừa là chủ thể của quá trình dạy học;<br />
thông qua quá trình này, sinh viên tích cực chủ động phát triển bản thân dưới sự chỉ đạo, hướng<br />
dẫn và điều chỉnh của giảng viên. Vì vậy, đánh giá giờ học trên lớp có thể được nhìn nhận dưới góc<br />
độ đánh giá hoạt động học tập của sinh viên, đánh giá sự tham gia của sinh viên trong quá trình<br />
giờ học diễn ra trên lớp.<br />
Như đã trình bày ở trên, học tập thường được xem là hoạt động chủ đạo của sinh viên để<br />
chuẩn bị hành trang về kiến thức, kĩ năng và thái độ nghề nghiệp, giúp họ sẵn sàng bước vào môi<br />
trường lao động nghề nghiệp trong tương lai. Nguyễn Thạc (2009) đã định nghĩa về hoạt động học<br />
tập ở đại học là “một loại hoạt động tâm lí được tổ chức một cách độc đáo của sinh viên nhằm mục<br />
49<br />
<br />
Nguyễn Hoàng Đan Huy<br />
<br />
đích có ý thức là chuẩn bị trở thành người chuyên gia phát triển toàn diện sáng tạo và có trình độ<br />
nghiệp vụ cao” [8].<br />
Là một loại hoạt động tâm lí, học tập ở đối tượng sinh viên mang những nét đặc trưng bao<br />
gồm sự căng thẳng mạnh mẽ về trí tuệ, các quá trình tâm lí cấp cao, các hoạt động khác nhau cũng<br />
như nhân cách người sinh viên nói chung. Học tập chỉ thực sự mang lại hiệu quả đối với người học<br />
khi và chỉ khi người đó chủ động, tích cực tập trung vào hành vi và thao tác học. Nói cách khác,<br />
hoạt động học tập với cấu trúc phức tạp bao gồm các yếu tố như nhận thức, thái độ và hành vi là<br />
biểu hiện rõ nét nhất của vấn đề sinh viên tham gia học hay không học. Do vậy, sự tham gia học<br />
tập trên lớp của sinh viên đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, hướng dẫn và hỗ<br />
trợ cho sinh viên cách thức tìm kiếm tri thức, hình thành và rèn luyện năng lực nghề cũng như hun<br />
đúc, củng cố tình cảm đối với công việc mình đã lựa chọn.<br />
Theo quan điểm hiện đại, hoạt động học trên lớp của sinh viên, có thể được hiểu là sự tham<br />
gia của sinh viên vào tiến trình dạy học trên lớp, có thể được nhìn nhận dưới 2 góc độ. Thứ nhất<br />
là sự tham gia biểu hiện bên ngoài, bề mặt, thông qua hành vi, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, hoặc đơn<br />
giản chỉ là sự có mặt của sinh viên trong lớp (classroom participation); và thứ hai là sự gắn kết vào<br />
tiến trình dạy học trên lớp (classroom engagement) thông qua hoạt động tâm lí thực sự đang diễn<br />
ra bên trong họ trong suốt giờ học. Một sinh viên gắn kết với hoạt động trong lớp học có thể được<br />
xem là người đóng vai trò chủ động trong việc học của mình [10].<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Những yếu tố ảnh hưởng đến giờ học trên lớp của sinh viên<br />
<br />
Quá trình dạy học là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm nhiều thành tố cấu thành, trong đó<br />
người học và hoạt động học là những nhân tố trọng tâm, tác động và chịu sự tác động qua lại với<br />
nhiều thành tố còn lại như: người dạy, hoạt động dạy, mục tiêu, nội dung, phương pháp, kết quả<br />
dạy học và cả môi trường nơi quá trình dạy học diễn ra. Theo đó, việc sinh viên gắn kết vào hoạt<br />
động học trong phạm vi lớp học cũng chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.<br />
<br />
2.2.1. Các yếu tố chủ quan<br />
Nhóm các yếu tố chủ quan thuộc về phía bản thân sinh viên, có ảnh hưởng quyết định đến<br />
hoạt động học tập trên lớp của họ, tiêu biểu như:<br />
- Trình độ nhận thức của sinh viên. Trình độ nhận thức và khả năng tự giáo dục, tự rèn luyện<br />
của sinh viên là các yếu tố đảm bảo họ thích ứng được với các điều kiện học tập, yêu cầu và nhiệm<br />
vụ học tập. Đối với những sinh viên có trình độ nhận thức tốt, họ dễ dành bộc lộ hứng thú trong<br />
học tập. Ngược lại, khả năng nhận thức không tốt, thua kém người khác cũng có thể dẫn đến tình<br />
trạng bi quan, chán nản, thiếu phấn đấu trong học tập.<br />
- Nhu cầu nhận thức nghề nghiệp. Sinh viên muốn tích cực học tập, trước hết phải có nhu<br />
cầu học. Nhu cầu là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy Sinh viên tích cực học tập. Sinh viên có nhu<br />
cầu nhận thức nghề nghiệp cao sẽ luôn khao khát và say mê nổ lực trí tuệ để tìm kiếm tri thức nghề<br />
nghiệp. Do vậy, cần khơi dậy nhu cầu nhận thức nghề nghiệp của Sinh viên và kích thích sự tìm<br />
tòi, khám phá, vận dụng tri thức nghề nghiệp vào việc luyện tập hành vi nghề nghiệp. Sinh viên<br />
càng tích cực tìm hiểu về nghề nghiệp thì sự thỏa mãn nhu cầu nhận thức nghề nghiệp càng cao,<br />
vì vậy, các em có niềm vui, say sưa và nổ lực trong học tập nghề nghiệp.<br />
- Động cơ nghề nghiệp. Động cơ nghề nghiệp là một trong những thành tố chủ yếu của hoạt<br />
động nghề nghiệp, tạo nên động lực thúc đẩy, lôi cuốn và kích thích sinh viên tích cực hoạt động<br />
trong quá trình học tập và rèn luyện nghề nghiệp. Động cơ nghề nghiệp luôn luôn ảnh hưởng quyết<br />
định đến chất lượng rèn luyện, học tập ở mỗi Sinh viên.<br />
50<br />
<br />
Tiêu chí đánh giá giờ học trên lớp của sinh viên đại học<br />
<br />
- Hứng thú nhận thức, hứng thú nghề nghiệp. Hứng thú nói chung và hứng thú nhận thức,<br />
hứng thú nghề nghiệp nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, trong hoạt động của con<br />
người. Học tập với tư cách là hoạt động tích cực, là một quá trình căng thẳng, đòi hỏi phải nỗ lực<br />
thường xuyên. Nếu như trong quá trình đó, sinh viên có hứng thú sẽ có tác dụng như là một sự thúc<br />
đẩy bên trong làm giảm sự căng thẳng, mệt nhọc, mở đường dẫn đến sự hiểu biết. Ngược lại, khi<br />
không có hứng thú nhận thức, hứng thú nghề nghiệp người học dễ rơi vào một tâm trạng rất bất lợi<br />
cho việc tiếp thu kiến thức, họ sẽ sớm cảm thấy mệt mỏi, làm giảm hiệu quả của hoạt động.<br />
- Thái độ đối với nghề nghiệp. Thái độ đúng đắn đối với hoạt động nghề nghiệp, đối với nội<br />
dung rèn luyện nghề nghiệp là điều kiện cần thiết để hình thành động cơ học tập, động cơ nghề<br />
nghiệp. Thái độ với việc rèn luyện nghiệp vụ nghiêm túc sẽ giúp duy trì và phát triển động cơ học<br />
tập, giúp sinh viên tích cực, tự giác cao hơn trong học tập, rèn luyện nghiệp vụ để chuẩn bị cho<br />
nghề nghiệp tương lai mà mình theo học.<br />
- Ý chí vươn lên trong học tập. Hoạt động học tập là hoạt động lĩnh hội nền văn hóa xã hội,<br />
biến kinh nghiệm của loài người thành kinh nghiệm của cá nhân. Để làm được điều đó, sinh viên<br />
không thể hoạt động một cách thụ động mà đòi hỏi phải tích cực, chủ động, sáng tạo, phải có sự<br />
nỗ lực cả về trí tuệ, thể lực và ý chí. Mặt khác, hoạt động học tập của sinh viên không phải lúc nào<br />
cũng được diễn ra trong điều kiện thuận lợi mà luôn gặp những khó khăn, trở ngại, do đó, đòi hỏi<br />
Sinh viên phải có sự kiên trì, nỗ lực cao về mặt ý chí.<br />
- Tình trạng sức khỏe. Vấn đề sức khỏe có ảnh hưởng rất lớn đến tính tích cực hoạt động nói<br />
chung và tính tích cực học tập nói riêng của người học. Sinh viên có sức khỏe tốt mới có thể tiến<br />
hành các hành động học tập một cách nhanh chóng và có hiệu quả, mới duy trì được sự tập trung<br />
chú ý, tăng sự dẻo dai, niềm say mê, hứng thú. . . Vì vậy, sinh viên cần phải quan tâm tới việc rèn<br />
luyện thể lực để có sức khỏe tốt nhất.<br />
Ngoài ra còn một số đặc điểm khác thuộc về nhân cách của sinh viên cũng có ảnh hưởng<br />
nhất định đến hoạt động học tập nói chung và hoạt động trên lớp của sinh viên nói riêng. Những<br />
đặc trưng về nhân cách của người học trong đó bao gồm các yếu tố tâm lí như lòng tự trọng, sự tự<br />
tin, tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm, khả năng giao tiếp. . .<br />
Việc sinh viên sẵn sàng tham gia vào các hoạt động trên lớp học và gắn kết với việc học một<br />
cách tích cực hay không phụ thuộc rất lớn vào một trong những đặc điểm nhân cách – yếu tố tâm lí<br />
đang được nghiên cứu phổ biến hiện nay đó là tính ngại giao tiếp (communication apprehension,<br />
thường gọi tắt là CA). Booth-Butterfield (1986) đã nghiên cứu được rằng, sinh viên có chỉ số CA<br />
cao (tức là mức độ e ngại giao tiếp cao) có khả năng tham gia nhiều hơn khi nhiệm vụ học tập được<br />
cấu trúc thành nhiều phương án lựa chọn, qua đó, sinh viên có thể cảm thấy thoải mái hơn trong<br />
việc tham gia thực hiện yêu cầu của giảng viên ở phương án và mức độ phù hợp với bản thân; nhờ<br />
vậy, tính ngại giao tiếp sẽ ít cản trở việc sinh viên gắn kết vào hoạt động học tập trên lớp. Đồng<br />
thời, Booth (1988) cũng đề xuất giảng viên nên giao nhiệm vụ và cho phép sinh viên được tự do<br />
lựa chọn nhóm bạn cộng tác phù hợp để nâng cao tính tích cực tham gia, thậm chí ngay cả với sinh<br />
viên có CA cao [3].<br />
Bên cạnh đó, sự tự tin của sinh viên, mặc dù không nhiều nhưng yếu tố này cũng có ảnh<br />
hưởng nhất định đến mức độ tham gia học tập trên lớp. Đặc biệt, đối với những sinh viên có chỉ<br />
số tự tin thấp trong việc học thường ít tham gia hoạt động trên lớp và biểu hiện cụ thể là thường<br />
xuyên lựa chọn chỗ ngồi ở cuối lớp học (Morrison, Thomas 1975) [7]. Tính quyết đoán và tinh<br />
thần trách nhiệm cũng là nhân tố xác định sự gắn kết của sinh viên.<br />
<br />
51<br />
<br />
Nguyễn Hoàng Đan Huy<br />
<br />
2.2.2. Các yếu tố khách quan<br />
Thứ nhất là giảng viên với nội dung, phương pháp và phương tiện giảng dạy được giảng<br />
viên sử dụng trong quá trình lên lớp. Đây là một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng bậc<br />
nhất tác động đến sự gắn kết của sinh viên vào hoạt động học trên lớp. Fritschner (2000) cho rằng,<br />
cán bộ giảng dạy (giảng viên, trợ giảng, cố vấn học tập. . . ) ảnh hưởng đến hoạt động học thông<br />
qua cách thức những người này giao tiếp với sinh viên của mình [5]. Và nguyên nhân đầu tiên<br />
cho việc sinh viên e ngại, thờ ơ với các hoạt động trên lớp có thể là bởi vì chính người giảng viên<br />
(Wade 1994), đặc biệt, sinh viên dường như cho thấy những biểu hiện không gắn kết hoặc thậm<br />
chí gắn kết ở mức tiêu cực khi thầy cô giáo của họ không tỏ ra chú ý đến nhu cầu của họ, không<br />
tạo được sự vui thích trong quá trình lên lớp, làm cho họ lo lắng, sợ sệt và đôi khi tỏ ra phê phán,<br />
chê bai năng lực của họ [9].<br />
Nội dung và phương pháp được người giảng viên sử dụng trên lớp cũng có khả năng quyết<br />
định mức độ gắn kết của sinh viên. Những bài học có nội dung kiến thức nhiều, trừu tượng, lí<br />
thuyết, không sát thực tế, ít vận dụng và khó thực hành được cho là kém thu hút sinh viên trong<br />
khi các phần liên quan đến những lĩnh vực quen thuộc, hỗ trợ nhiều cho cuộc sống và nghề nghiệp<br />
tương lai lại khiến sinh viên tích cực học tập hơn. Cùng với đó là phương pháp và hình thức dạy<br />
học của giảng viên; những phương pháp truyền thống như thuyết trình, nghiên cứu tài liệu trên lớp<br />
nếu được điều chỉnh và phối kết hợp với các phương pháp dạy học mới, tích cực hơn như thảo luận,<br />
đóng vai, trò chơi,. . . sẽ gây hứng thú và thái độ học tập tích cực hơn cho sinh viên. Ngoài ra, sử<br />
dụng phương tiện, công nghệ thông tin truyền thông trong quá trình lên lớp cũng là một lợi thế để<br />
gắn kết sinh viên vào hoạt động học. Bên cạnh những phương tiện phổ biến như video, máy chiếu,<br />
các phần mềm ứng dụng trong học dạy trên lớp,. . . các nhà khoa học và bản thân giảng viên đại<br />
học cũng tự mình sáng tạo ra những công cụ hỗ trợ hiệu quả. Allred và Swenson (2006) đã thiết<br />
kế ra một công cụ hỗ trợ học tập được gọi là “Mô hình lựa chọn ngẫu nhiên” (Random Selector<br />
Model) để nâng cao tính tích cực tham gia của sinh viên vào hoạt động học thông qua một chương<br />
trình phần mềm trong đó có chức năng giảng viên có thể “chọn ngẫu nhiên” những sinh viên và<br />
nhóm sinh viên tham gia vào hoạt động được tổ chức trên lớp. Các tác giả của phát minh này đã<br />
công bố những phản hồi tích cực từ phía sinh viên và nhiều giảng viên đã sử dụng phần mềm này<br />
như một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dạy học của mình [1]. Lourdusamy, Khine, và<br />
Sipusic (2002/2003) đã cho ra đời chương trình “Truyền thông thân thiện” (Conversant Media),<br />
được thiết kế nhằm khuyến khích học tập cộng tác thông qua việc cho phép sinh viên sư phạm có<br />
thể xem videos trực tuyến và thực hành, lưu lại bình luận về bài giảng của mình cho bạn đồng môn<br />
hoặc sinh viên các khoá sau; sau khi được ứng dụng thử nghiệm, các tác tả đã nhận thấy rằng việc<br />
sử dụng công cụ này có thể giúp tăng mức độ và chất lượng tham gia hoạt động thực hành trên lớp<br />
cao hơn cho sinh viên sư phạm [6].<br />
Thứ hai là mục tiêu và nội dung học tập. Môn học hay nội dung bài học cũng là một trong<br />
những yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến sự gắn kết của sinh viên vào lớp học. Rõ ràng là sinh<br />
viên thường tham gia một cách tích cực, nhiệt tình hơn và cảm thấy thoải mái hơn đối với những<br />
môn học liên quan đến giao tiếp, vận dụng, thay vì những môn quá thiêng về học thuật, lí thuyết<br />
hay các nội dung khoa học trừu tượng, khô khan. Cornelius, Gray, và Constantinople 1990) khẳng<br />
định rằng: “sinh viên thường đặt câu hỏi nhiều hơn đối với những môn khoa học tự nhiên so với<br />
các môn khoa học xã hội và nghệ thuật; tuy nhiên, thời gian thảo luận trong các môn khoa học xã<br />
hội và nghệ thuật lại dài hơn so với trong các môn khoa học tự nhiên” [4]. Ngoài ra, các môn học<br />
bắt buộc so với các môn tự chọn cũng ít được sự tham gia của sinh viên hơn; và tương tự như vậy,<br />
các lớp học càng về các năm cuối cấp thu hút nhiều sự tham gia hơn so với các lớp ở những năm<br />
đầu của trường đại học.<br />
52<br />
<br />