intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

TIỂU LUẬN: VỀ GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI CỦA KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC CỦA C.MÁC

Chia sẻ: Pham Vu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:129

134
lượt xem
25
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết góp phần phân tích và luận giải nhằm làm sáng tỏ những giá trị thời đại trong lý luận của C.Mác về kinh tế chính trị học. Theo tác giả, kinh tế chính trị học của C.Mác mang nhiều giá trị thời đại sâu sắc, đó là giá trị khoa học, giá trị xây dựng, giá trị thực tiễn và giá trị chính trị. Khi cuộc khủng hoảng tài chính do khủng hoảng tín dụng thứ cấp của Mỹ gây trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: TIỂU LUẬN: VỀ GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI CỦA KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC CỦA C.MÁC

  1. TIỂU LUẬN: VỀ GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI CỦA KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC CỦA C.MÁC
  2. Bài viết góp phần phân tích và luận giải nhằm làm sáng tỏ những giá trị thời đại trong lý luận của C.Mác về kinh tế chính trị học. Theo tác giả, kinh tế chính trị học của C.Mác mang nhiều giá trị thời đại sâu sắc, đó là giá trị khoa học, giá trị xây dựng, giá trị thực tiễn và giá trị chính trị. Khi cuộc khủng hoảng tài chính do khủng hoảng tín dụng thứ cấp của Mỹ gây trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và cùng với khi năng lực chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên của con người đang ngày càng nâng cao, thì một loạt vấn đề, như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo, v.v. đã khiến toàn bộ giới lý luận thế giới phải nhận thức lại và tìm kiếm những ý nghĩa, giá trị của kinh tế chính trị học của C.Mác. Trung Quốc đã giành được thắng lợi cách mạng và thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVII đã đặt ra vấn đề thời đại hóa chủ nghĩa Mác, điều này càng đòi hỏi giới lý luận chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm những giá trị thời đại của kinh tế chính trị học của C.Mác. 1. Giá trị khoa học Kinh tế chính trị học của C.Mác là hệ thống lý luận khoa học, bởi những phân tích của nó về quy luật vận hành kinh tế của chủ nghĩa tư bản và những dự báo được đưa ra dựa trên quy luật vận động đó đã được chứng minh bởi chính thực tế khách quan trong phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản.(*)Có thể có người sẽ nói rằng, chủ nghĩa tư bản tới nay vẫn tràn đầy sinh lực, nhưng thực ra, chủ nghĩa tư bản từ thời của C.Mác đã suy yếu rồi. C.Mác tuy không đảm đương việc đưa ra phương thuốc chữa chạy cho chủ nghĩa tư bản, nhưng trong việc phân tích một cách sâu sắc lôgíc
  3. sự phát triển kinh tế và kết cấu bệnh tật của chủ nghĩa tư bản thì ông lại vừa kịp để thúc đẩy cho sự cải cách của chủ nghĩa tư bản. Ai cũng biết rằng, từ khủng hoảng kinh tế lần đầu xuất hiện năm 1825 tới nay, các nhà kinh tế học tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu tìm hiểu về nguyên nhân hình thành khủng hoảng, tìm kiếm đối sách thoát khỏi khủng hoảng, tạo nên vài ba trăm loại lý luận về khủng hoảng, trong đó có loại chỉ nhìn thấy hiện tượng bên ngoài (nhu cầu không đầy đủ), có loại chỉ mô tả quá trình, thậm chí có loại lại hoàn toàn chỉ là sự đoán mò duy tâm (thuyết vùng đen mặt trời – sunspot theory)(1). C.Mác cho rằng, hình thức biểu hiện của khủng hoảng kinh tế là do sản xuất thừa, vượt quá nhu cầu khiến không thể tiêu thụ hết số hàng hoá đã sản xuất, nhưng nguyên nhân căn bản chính là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và do vậy, đã quyết định sự vận động của mâu thuẫn cơ bản trong chủ nghĩa tư bản. Các nhà kinh tế học của giai cấp tư sản đã tham khảo và vay mượn những phân tích sâu sắc của C.Mác về nguyên nhân khủng hoảng kinh tế, đề xuất lợi dụng sự can thiệp của nhà nước để khắc phục phần nào sự mâu thuẫn giữa chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa với nền đại sản xuất xã hội hoá, đây chính là “Cuộc cách mạng Keynes”. Chủ nghĩa tư bản sau chiến tranh thế giới đã dựa trên lý luận Keynes từ “bàn tay vô hình” điều tiết đưa ra “bàn tay hữu hình” để tiến nhập vào giai đoạn kinh tế thị trường hiện đại. Sự xuất hiện của thể chế này đã sửa chữa một cách rất có ý thức những hậu quả kinh tế - xã hội bất công đầy rẫy nảy sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế thuần tư bản chủ nghĩa, điều chỉnh mang tính cải cách và thích ứng với phương hướng mà C.Mác đã dự báo. Nhà kinh tế học phương Tây Sardoni đã thừa nhận công khai: “Phát hiện Keynes: Sự coi trọng của C.Mác đối với lý luận chu chuyển tư bản, sự nhấn mạnh của C.Mác về sự theo đuổi của các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa là lợi nhuận tiền tệ chứ không phải là cái sự thực sản xuất ra hàng hoá đã đem lại cho những người đi sau cách lý giải sự vận hành xã hội tư bản chủ nghĩa và cách phê phán kinh tế học cổ điển, đặc biệt là gợi mở tốt nhất cho định luật Say (Say’s Law)”. Jeffray Hodgson còn nói rõ hơn nữa: “Chỉ có nghiên cứu một cách thực sự Tư bản, đặc biệt là quyển đầu tiên của nó, mới có thể bổ lấp vào cái khoảng trống to lớn đã tạo ra khủng hoảng của lý luận kinh tế hiện đại”(2). Sức sống mạnh mẽ của kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác ngày nay không chỉ
  4. bó hẹp trong các kết luận cụ thể của nó, mà còn ở phương pháp phân tích và nghiên cứu vấn đề. Nhiệm vụ của khoa học là thông qua hiện tượng nhìn thấy được bản chất, phát hiện bản chất trong hiện tượng, đồng thời xuất phát từ bản chất sự vật đưa ra những giải thích khoa học về hiện tượng. Tính quan trọng của lý luận không phải ở nghiên cứu mối quan hệ giữa vật với vật hay vật với người, mà ở mối quan hệ giữa người với người sau những quan hệ trên. Xét từ góc độ này, kinh tế học Mác có thể phản ánh bản chất lý luận của khoa học. Trong Tư bản, C.Mác chỉ rõ: “Đối tượng nghiên cứu của tôi là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những quan hệ sản xuất và trao đổi thích ứng với phương thức ấy”, nhưng “mục đích cuối cùng của tác phẩm này là tìm ra quy luật vận động kinh tế của xã hội hiện đại”(3). Cần nhận thấy rằng, chính phương pháp phân tích sắc sảo đó khiến C.Mác có thể phát hiện ra bản chất của những quy luật khách quan, như sự phát triển của lực lượng sản xuất chính là sức mạnh quyết định sự phát triển xã hội. Jeffrey Hodgson cũng chỉ ra trong Chủ nghĩa tư bản, giá trị và bóc lột – tác phẩm lý luận nền móng cho “chủ nghĩa Mác mới”: “Nếu như tiến hành mổ xẻ một cách tỉ mỉ tư tưởng của C.Mác sẽ phát hiện nó chứa đựng một hệ thống khái niệm mạnh mẽ và sâu sắc, hệ thống đó cung cấp một phương pháp hữu hiệu nhất cho việc tiến hành phân tích kinh tế tại các nước phương Tây phát triển hiện nay”. “Dẫu cho kinh tế học của C.Mác bị chỉ trích rất nhiều rằng chưa thể kiểm nghiệm những dự báo về chính số phận mình, nhưng những thành công mà nó đạt được trên lĩnh vực này lớn hơn nhiều so với chủ nghĩa tân cổ điển. Chúng ta hãy cùng suy tư một số ví dụ. Trước hết, những dự báo của C.Mác rằng tư bản sẽ ngày càng tích tụ trong tay một số ít doanh nghiệp lũng đoạn chính trị. Trên thực tế, ngày nay chỉ vẻn vẹn mấy trăm doanh nghiệp đại tư bản đã chi phối toàn bộ nền kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới. Thứ hai, C.Mác dự báo sự phân tách dần giữa quyền sở hữu và quyền khống chế trong các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa sẽ dẫn tới sự xuất hiện một giai tầng xã hội mới hợp thành bởi các giám đốc điều hành công ty, khác biệt với các chủ thể sở hữu cổ phiếu. Đó là một hiện thực mà bây giờ mọi người đều thừa nhận. Thứ ba, C.Mác dự báo sự giải thể của kinh tế tiểu nông và các hình thức sản xuất lạc hậu khác sẽ khiến cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chiếm địa vị thống trị trong nông nghiệp, đồng thời khiến nhân khẩu từ nông thôn chảy ra thành thị. Trong các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, quá trình này trên thực
  5. tế đã hoàn thành. Thứ tư, C.Mác dự báo sẽ hình thành một hệ thống tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn cầu thống nhất và một giai cấp công nhân trên phạm vi toàn thế giới. Tới nay, ngoài trận địa Trung Quốc, tư bản đã thẩm thấu ra toàn thế giới, hình thành một hệ thống sản xuất thế giới thống nhất về mặt kinh tế, trong đó tuyệt đại đa số người dựa vào việc bán sức lao động để sinh tồn. Thứ năm, C.Mác đã nhìn thấy sự đối kháng trong chủ nghĩa tư bản vẫn đang tiếp tục và ngày càng kịch liệt, cùng với sự hỗn loạn của nền kinh tế thế giới. ở một mức rất lớn, những nhân tố đó vẫn đang đi cùng chúng ta”. (3) 2. Giá trị xây dựng Đương nhiên, kinh tế học kinh điển của C.Mác chứa đựng ý thức phê phán mạnh mẽ. Tiêu đề phụ của Tư bản là “Phê phán kinh tế chính trị”, mệnh đề trung tâm trong toàn bộ lý luận kinh tế của C.Mác là vạch ra một cách khoa học sự bất hợp lý của chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, tính chất không thể điều hoà giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, đồng thời kết luận chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ diệt vong. Thực ra, kinh tế chính trị học của C.Mác là hệ thống lý luận nghiên cứu phương thức sản xuất, nó không chỉ khảo sát mang tính thực chứng về cơ chế vận hành xã hội của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, mà còn đưa ra rất nhiều dự báo khoa học cho tương lai của chủ nghĩa xã hội. Bản thân điều đó đủ cho thấy giá trị xây dựng mạnh mẽ của lý luận kinh tế chính trị học của C.Mác. Tư bản là bộ bách khoa toàn thư cho nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thế kỷ XIX. Lý luận về hàng hoá - tiền tệ, lý luận về phân công xã hội, lý luận về giá trị lao động, lý luận về giám đốc điều hành chuyên nghiệp của ông đều có tác dụng xây dựng mạnh mẽ. Ông cũng khẳng định rất đầy đủ về lực lượng sản xuất mà chủ nghĩa tư bản phát triển chưa đầy một trăm năm tạo ra là lớn hơn gấp nhiều lần mọi thời đại gộp lại. Vì thế, người sáng tạo ra lý luận tăng trưởng kinh tế hiện đại - E.Thomas – đã chỉ rõ: “Trong tất cả các học phái kinh tế, các nhà chủ nghĩa Mác gần đây đã phát triển lý luận chân thực về tăng trưởng kinh tế”. Nhà kinh tế học đại biểu cho chế độ mới – giáo sư North thừa nhận: “Trong mô hình của C.Mác, sự biến đổi của kỹ thuật dẫn tới sự tiến bộ của công nghệ sản xuất,... Từ một giai cấp mới lên đầy sức sống lật đổ thể chế hiện có, đồng thời tạo lập nên cái mà giai cấp đó có thể đem tiềm lực của kỹ thuật mới chuyển hoá thành quan hệ sở hữu tài sản mới”. Vì vậy, nhìn từ góc độ “trường kỳ biến thiên”, trong tất cả các lý luận
  6. kinh tế học tân cổ điển thì phân tích của C.Mác là “có sức thuyết phục nhất”. Hiện nay, các nước tư bản chủ nghĩa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính đang kêu gọi một cách phổ biến rằng cần phải phản tư và tìm kiếm những chỉ dẫn của C.Mác trong lý luận về khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa, khiến cho lượng phát hành bộ Tư bản gia tăng. “Từ cuộc khủng hoảng tài chính phố Wall của nước Mỹ đã dẫn tới cuộc khủng khoảng kinh tế toàn thế giới, khiến cho châu Âu phát sốt vì Tư bản. Tại Đức, giới thương gia chịu tổn hại nghiêm trọng bởi khủng hoảng đang ra sức tìm kiếm căn nguyên tạo nên cuộc khủng hoảng tiền tệ này, khiến bộ Tư bản bằng tiếng Đức bán rất chạy. Tờ Times của Anh nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến người phương Tây đột nhiên coi trọng bộ Tư bản của C.Mác, điều này trước hết cho thấy sự gia tăng số lượng phát hành của sách với lượng độc giả rộng rãi. Nhà sách Các Mác tại Frankfurt của Đức kết hợp cùng một số nhà xuất bản tại Berlin, Hamburg, trong mấy tháng đầu năm 2008 đã bán được 1000 bộ Tư bản, gấp 100 lần so với lượng bán năm 1990. Trên vùng đất Đông Đức cũ, trong khoảng 10 tháng của năm 2008 đã bán được 1500 bản Tư bản, tăng gấp 3 lần so với năm trước”(4). Vai trò xây dựng kinh tế chính trị học của C.Mác không phải chỉ ở chỗ luận chứng cho các loại nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhấn mạnh tới quy luật vận động của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cơ sở kinh tế và thượng tầng kiến trúc, điều này thực ra chính là mệnh đề “chế độ quyết định hành động” mà kinh tế học trong xã hội mới vốn có ảnh hưởng rất lớn trong kinh tế học phương Tây nhấn mạnh. Đặc biệt, C.Mác đã phát hiện, dự báo xu thế phát triển và những vấn đề có thể xuất hiện trong xã hội tương lai. C.Mác đã từng chỉ rõ: “Mỗi một bước tiến của nền nông nghiệp tư bản chủ nghĩa không những là một bước tiến trong nghệ thuật bóc lột công nhân, mà đồng thời còn là một bước tiến trong nghệ thuật bóc lột đất đai; mỗi một bước tiến trong việc làm tăng độ màu mỡ của đất đai trong một thời gian nhất định đồng thời cũng là một bước tiến trong việc hủy hoại những nguồn lâu dài của sự màu mỡ đó. Một nước, như Hợp chủng quốc Bắc Mỹ chẳng hạn, mà càng lấy đại công nghiệp làm cơ sở phát triển của mình, thì quá trình phá hoại đó lại càng nhanh chóng. Do đó nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ phát triển kỹ thuật và sự kết hợp của quá trình sản xuất xã hội bằng cách đồng thời
  7. phá hoại các nguồn đẻ ra mọi của cải xã hội: đất đai và người lao động”(5). Điều này thực ra chính là những luận giải đầu tiên cho sự ra đời của lý luận về phát triển bền vững trong thời điểm hiện nay khi mà một loạt vấn đề phát triển kinh tế, như ô nhiễm môi trường, phân hoá hai cực, v.v. xuất hiện. Về điểm này, các nhà kinh tế học phương Tây cũng tán thành. Nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Alois Schumpeter cho rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác với tư cách một chỉnh thể thì tính hoàn bị của những kiến giải của C.Mác trong từng chi tiết đều cho thấy sự chính xác, đồng thời trở thành cội nguồn cho sự tiếp thu trí tuệ của những người kế tục ông và cả những người coi ông là thù địch”(6). 3. Giá trị thực tiễn Kinh tế học của chủ nghĩa Mác là một hệ thống khoa học hoàn chỉnh, nó được xây dựng trên một hệ thống lôgíc chặt chẽ: hàng hoá – tiền tệ – quy luật giá trị – giá trị thặng dư – lợi nhuận, v.v. và với phong cách trình bày từ trừu tượng tới cụ thể. Song, cái trừu tượng đó không phải là sự khép kín mà luôn bắt nguồn từ thực tiễn. Bản thân kinh tế chính trị học của chủ nghĩa Mác dựa trên nền tảng chủ yếu là kế thừa kinh tế học cổ điển, đồng thời tổng kết, đúc rút và phát triển từ cơ sở thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản đương thời.(6)Cho tới ngày làm việc cuối cùng của mình, C.Mác lúc nào cũng thu thập đầy đủ các tư liệu trước khi đưa ra ý kiến trong các trước tác. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – tài liệu đánh dấu sự hình thành chủ nghĩa Mác, là bản cương lĩnh chính trị do C.Mác, Ph.Ăngghen khởi thảo cho chính đảng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới – Đồng minh của những người theo chủ nghĩa cộng sản. Những lý luận sau này đều căn cứ vào đòi hỏi của cách mạng và công cuộc xây dựng mà không ngừng được sửa đổi và phát triển, “mọi lúc mọi nơi đều cần lấy điều kiện lịch sử thời điểm đó làm mốc chuyển đổi”. Năm 1872, C.Mác, Ph.Ăngghen đã viết trong lời tựa Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Do đại cách mạng công nghiệp 25 năm gần đây có sự phát triển to lớn mà tổ chức chính đảng của giai cấp công nhân cũng phát triển lên, từ lúc ban đầu có kinh nghiệm thực tế của Cách mạng tháng 2, đặc biệt là có kinh nghiệm thực tế của Công xã Pari mà giai cấp vô sản lần đầu tiên nắm được chính quyền trong suốt hai tháng, vì thế mà trong bản cương lĩnh này có một số chỗ đã lạc hậu”(7). “Kinh tế chính trị học, về bản chất, là một môn khoa học về lịch sử, nó đề cập tới những tài liệu mang tính lịch sử thường
  8. xuyên biến đổi”(8). Kinh tế học của C.Mác không phải là giáo điều lý luận trừu tượng, mà là kim chỉ nam cho hành động, là khoa học của sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Sự hình thành và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác đều kết hợp chặt chẽ với thực tiễn cách mạng và thực tiễn xây dựng của quần chúng trải qua sự mài giũa, khái quát, thăng hoa của lý luận, hình thành và phát triển từ thực tiễn, thành quả của nó được ứng dụng vào thực tiễn. Đó chính là sức sống mãnh liệt không bao giờ cạn kiệt của chủ nghĩa Mác. Nó đòi hỏi người ta dựa vào nguyên tắc và phương pháp cơ bản của nó, không ngừng kết hợp với thực tế đang biến đổi để tìm kiếm những đáp án giải quyết cho vấn đề mới, đồng thời phát triển bản thân lý luận của chủ nghĩa Mác. Sau C.Mác, lý luận về chủ nghĩa đế quốc của V.I.Lênin, lý luận chủ nghĩa cách mạng tân dân chủ của Mao Trạch Đông, chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình và tư tưởng “ba đại diện” cùng quan điểm phát triển khoa học, v.v. đều là sự phát triển kinh điển cho lý luận kinh tế của chủ nghĩa Mác. Chính bởi phẩm chất khoa học của kinh tế học của chủ nghĩa Mác có thể tiến cùng thời đại mới khiến nó, dù phải trải qua trắc trở và bị đả kích, thì vẫn phát triển về phía trước và luôn luôn tươi mới. Đúng như Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào trong bài phát biểu tại Hội nghị báo cáo “Học tập văn tuyển Giang Trạch Dân” đã chỉ ra: “Sức sống to lớn của chủ nghĩa Mác là ở chỗ có thể đưa ra những chỉ đạo khoa học cho thực tiễn, khiến chúng ta trên cơ sở nhận thức quy luật, nắm vững quy luật, vận dụng quy luật sẽ cải tạo một cách tốt hơn thế giới khách quan và thế giới chủ quan”. 4. Giá trị chính trị Kinh tế chính trị học của C.Mác là sự thống nhất giữa tính khoa học và tính cách mạng. Cần phải đánh giá một cách đúng đắn giá trị chính trị của kinh tế chính trị học của C.Mác, bởi C.Mác công khai thừa nhận học thuật của mình không phải là thứ khoa học siêu vượt khỏi giai cấp và không bênh vực bất cứ giai cấp nào, mà là cương lĩnh hành động của giai cấp vô sản. Để bảo vệ quyền làm người của mình, giai cấp vô sản phải phá bỏ “điều kiện sống của bản thân”, cũng tức là phá bỏ cái chế độ tư hữu áp bức khiến người ta bị tha hoá(9), từ đó “tạo dựng nên một thể liên hợp mà ở đó, tự do phát triển của mỗi người là điều kiện để tất cả mọi người tự do phát triển”(10). Bởi vậy, với tư cách một nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta luôn nhấn mạnh
  9. một cách rõ ràng lấy chủ nghĩa Mác làm chỉ đạo, nghiên cứu lý luận kinh tế học cũng tất yếu phải lấy lý luận chủ nghĩa Mác làm chỉ đạo. Đặc trưng bản chất của con người là tính xã hội. Từ khi con người bước vào đời sống “loài” thì cần có một tư tưởng chung khiến họ thống nhất lại, làm cho con người có chung chuẩn tắc hành vi. Đây chính là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự ra đời của đạo đức học dù ở phương Đông hay phương Tây. Từ khi có sự xuất hiện của nhà nước, mỗi một nhà nước đều xác lập, truyền bá một kiểu hình thái ý thức, bởi hình thái ý thức mang nhiều chức năng quan trọng, như bảo vệ trật tự xã hội, hoàn thiện nhân cách, thống nhất ý chí, tiết giảm chi phí giao dịch, hình thành sức mạnh hợp tác, v.v.. North – đại biểu cho trường phái xã hội mới nhấn mạnh: Quyền tài sản, nhà nước, hình thái ý thức là ba hòn đá tảng cho sự phát triển kinh tế. “Quan niệm hình thái ý thức không ngừng biến đổi khiến cá nhân và tập thể sinh ra những quan điểm trái ngược nhau về tính công bằng trong địa vị của chính mình, đồng thời khiến họ dựa trên những quan điểm đó để hành động”(11). C.Mác cũng nhấn mạnh rằng, nếu từ góc độ quan niệm để khảo sát thì sự giải thể của một hình thái ý thức nhất định cũng đủ khiến cả một thời đại bị huỷ diệt(12). Hiện nay, mục đích thực sự của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển như Mỹ là muốn lợi dụng toàn cầu hoá để thúc đẩy sự lan tỏa hình thái ý thức của họ. Bản chất của kết luận cuối cùng về hình thái ý thức mà các học giả phương Tây cổ suý là “trừ bỏ quan niệm giá trị xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trong đầu óc người ta, xác lập địa vị "độc tôn" của hình thái ý thức tư bản chủ nghĩa”(13). Giá trị chính trị trong kinh tế học của chủ nghĩa Mác còn thể hiện tính nhân dân. Trong xã hội có giai cấp, tuyệt đại đa số các khoa học đều có tính giai cấp. Mục đích phát triển sức sản xuất vì lợi ích nhân dân có thể khiến cho nhân dân cùng được hưởng những thành quả của sự phồn vinh kinh tế hay không là nguyên tắc hàng đầu buộc chúng ta phải kiên trì để giữ vững kinh tế học của chủ nghĩa Mác.(11)Lập trường cơ bản của kinh tế học của chủ nghĩa Mác là lập trường nhân dân. “Thực hiện hạnh phúc hiện thực của nhân dân” và “tự do phát triển của con người” là định hướng giá trị chung của nó. Có thể có người sẽ nói, Đặng Tiểu Bình coi lực lượng sản xuất là tiêu chuẩn căn bản để đánh giá sự phát triển của sự vật. Thực ra, tiêu chuẩn lực lượng sản xuất của Đặng Tiểu Bình là chỉ “lực lượng sản xuất xã hội chủ
  10. nghĩa”. Nhiều lần ông nhấn mạnh rằng, cùng giàu có là nguyên tắc cơ bản của xã hội chủ nghĩa, nếu như sự phát triển của chúng ta dẫn tới sự phân hoá hai cực thì như vậy là đi vào con đường sai lầm. Tư tưởng cơ bản trong quan điểm phát triển khoa học, một lần nữa, nhấn mạnh lấy lợi ích căn bản của nhân dân làm điểm xuất phát và mục đích cuối cùng của sự phát triển kinh tế. Bất cứ sự phát triển nào xa rời và đi ngược lại nhu cầu của nhân dân và sự phát triển toàn diện của con người đều không có ý nghĩa. Người dịch: ThS. Trần Thuý Ngọc Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam ******************** (*) Nguồn: In trong Kỷ yếu Hội thảo Kinh tế chính trị thế giới lần thứ 5, bản tiếng Trung. (**) Giáo sư, Viện trưởng, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Cát Lâm, Trung Quốc. ([1]) Thuyết vùng đen mặt trời là thuyết về vòng tuần hoàn thương mại được nhà kinh tế học người Anh William Jevons (1835 - 1882) phát triển, cho rằng thương mại có liên quan đến hiện tượng thường xuất hiện trên vùng cháy không đều của mặt trời, hay vùng đen trên mặt trời vốn ảnh hưởng tới khí hậu và sản xuất nông nghiệp trên Trái đất. Khủng hoảng được xem như vòng tuần hoàn tự nhiên của hoạt động tại các vùng đen của mặt trời và của sản xuất nông nghiệp cho thấy tính chất giản đơn và duy tâm của học thuyết này (ND.). (2) Dẫn theo: Chu Chung Bỉnh. Nghiên cứu lý luận kinh tế chủ nghĩa Mác ngoài nước hiện nay, Nxb Nhân dân, bản tháng 8 / 2004, tr.5. (3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.23. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.19, 21. (4) Báo sớm phương Đông, ngày 17 - 10 - 2007. (5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.23. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.714 – 716. (6) Dẫn theo: Maurice Herbert Dobb. Bộ Tư bản của C.Mác và địa vị của nó trong lịch sử tư tưởng kinh tế, Tuyển tập các bài viết về kinh tế học nước ngoài hiện đại, tập 3, Thương vụ thư quán, bản in năm 1982. (7) Tuyển tập C.Mác và Ph.Ăngghen, quyển 1. Nxb Nhân dân, 1973, tr.228 - 229
  11. (tiếng Trung). (8) Tuyển tập C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd., quyển 3, tr.186 (tiếng Trung). (9) Không còn là chính mình, không còn là người theo đúng nghĩa (ND.). (10) Tuyển tập C.Mác và Ph.Ăngghen, quyển 1. Nxb Nhân dân, tr.246 (tiếng Trung). (11) North. Kết cấu và đổi thay của lịch sử kinh tế, Tam Liên thư điếm Thượng Hải, bản in năm 1991, tr.64 (tiếng Trung). (12) Trần Chấn Minh. Chính trị học. Nxb Khoa học Xã hội Trung Quốc, bản in năm 1999, tr. 544 - 545 (tiếng Trung). (13) Hồ Đức Hải. Nguyên lý giáo dục học. Nxb Giáo dục Cam Túc, 1998, tr.271 (tiếng Trung). TƯ TƯỞNG KHOAN DUNG CỦA KHỔNG TỬ VÀ SỰ THỂ HIỆN CỦA NÓ Ở NGUYỄN TRÃI TRẦN NGUYÊN VIỆT (*) Trong bài viết này, tác giả đã làm rõ thêm khái niệm khoan dung; trên cơ sở đó, phân tích và so sánh tư tưởng khoan dung của Khổng Tử và tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi trên một số nội dung cơ bản. Theo tác giả, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, song tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi có ý nghĩa nhân văn hơn, rộng mở hơn, thể hiện ở đạo lý nhân nghĩa, ở tư tưởng vì dân và theo dân, ở sự chấp nhận các học thuyết ngoài Nho giáo Dẫn nhập Thuật ngữ khoan dung có nguồn gốc từ tiếng latinh tolerantia với nghĩa là sự chấp nhận, sự dung nạp và tha thứ. ở nhiều nước phương Tây thuật ngữ này được sử dụng với nghĩa chung là sự chịu đựng, tha thứ. Còn ở phương Đông, thuật ngữ khoan dung được đề cập từ rất sớm, có thể lần đầu tiên nó được xuất hiện trong Kinh Thư, theo đó “khoan” là khoan thứ, khoan hồng, rộng lượng; “dung” là bao dung. Thuật ngữ khoan dung được sử dụng phổ biến hiện nay ở Việt Nam với nghĩa bao dung, khoan hồng, lượng thứ, vị tha.
  12. Khi nghiên cứu tư tưởng khoan dung của Khổng Tử cũng như của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, chúng tôi dựa vào Công bố tiêu chuẩn khoan dung trong Văn kiện cơ bản của UNESCO với một số nội dung đáng chú ý như sau: “Thứ nhất, khoan dung là sự tôn trọng, chấp nhận và đánh giá cao sự phong phú, đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới của chúng ta, của những phương thức biểu hiện và những cách thể hiện phẩm chất của con người… Khoan dung là hòa hợp trong sự khác biệt… Nó không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức, mà còn là yêu cầu chính trị và pháp luật. Khoan dung là một đức tính khiến cho hòa bình có thể thực hiện được trên trái đất và góp phần thay thế văn hóa chiến tranh bằng văn hóa hòa bình. Thứ hai, khoan dung không phải là nhượng bộ, hạ cố hay chiều lòng. Khoan dung trước hết là một thái độ ứng xử tích cực xuất phát từ việc thừa nhận các quyền phổ quát của con người và thừa nhận sự tự do của người khác”([1]). Từ những tiêu chuẩn cơ bản nói trên cho thấy, khái niệm khoan dung trong triết học phương Đông so với tiêu chuẩn của UNESCO có nhiều điểm trùng hợp, đồng thời trong nền triết học này cũng có những mặt tích cực và hạn chế của nó. Trong tư tưởng của Khổng Tử (551 - 479 TCN.), người sáng lập trường phái Nho gia, khái niệm khoan dung được đề cập trong nhiều tình huống ứng xử, đã trở thành triết lý nhân sinh có ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết của chúng tôi tập trung vào việc tìm hiểu nội dung tư tưởng khoan dung của Khổng Tử và ảnh hưởng của nó tới tư tưởng của Nguyễn Trãi (1380 - 1442), nhà Nho, bậc khai quốc công thần Việt Nam thế kỷ XV. Tư tưởng khoan dung của Khổng Tử Nói đến tư tưởng khoan dung của Khổng Tử, chúng ta lưu ý trước hết đến khẳng định của ông về tính nhất quán của học thuyết do ông sáng lập, đó là trung thứ. Điều này được dẫn ra từ cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và người học trò yêu của ông là Tăng Sâm, rằng đạo của ông nhất quán từ đầu tới cuối. Tăng Tử hiểu được điều đó từ ý của thầy và khẳng định với đám học trò đi cùng, rằng: “Đạo của thầy [Khổng Tử] chỉ tóm tắt ở một điều “trung thứ mà thôi” (Luận Ngữ, Lý Nhân, 15)(2). Vậy, trung thứ bao hàm những ý nghĩa nào? Thứ nhất, trung thứ là suy ta ra người, được xem như một biểu hiện gần gũi nhất của nhân.
  13. Khổng Tử nói: “Ôi, người nhân là người muốn gây dựng điều gì cho mình cũng gây dựng cho mọi người điều đó, muốn mình thông đạt ra sao cũng khiến người được thông đạt như vậy. Khéo lấy bản thân làm mục tiêu so sánh [để hiểu lòng người] khá gọi là phương pháp tốt để thực hiện điều nhân vậy” (Luận Ngữ, Ung Dã, 29). Không dừng lại ở việc lấy bản thân làm mục tiêu so sánh, Khổng Tử kêu gọi người quân tử phải có ý thức khuyến thiện và ngăn ngừa điều ác. Ông nói: “Quân tử giúp cho điều tốt đẹp của người khác được thành tựu, không giúp cho điều xấu của người khác được thành tựu. Kẻ tiểu nhân làm trái lại” (Luận Ngữ, Nhan Uyên, 15). Khổng Tử còn đưa ra một câu cách ngôn về trung thứ cho mọi người thực hành trong suốt cuộc đời: “Đó là chữ lượng thứ chăng? Điều gì mình không muốn [người khác làm cho mình] chớ đem áp dụng với người” – (Luận Ngữ, Vệ Linh công, 23). Từ quan điểm “suy ta ra người”, Khổng Tử khẳng định người ai cũng ham muốn điều thiện luôn đến với mình. Vì vậy, ông cho rằng, “hãy thật lòng để chí vào điều nhân, sẽ không phạm phải điều ác” (Luận Ngữ, Lý Nhân, 4), nghĩa là không gây ra cho người khác những điều chẳng ai mong muốn. Thứ hai, khoan thư sức dân để thực hiện mục đích chính trị huệ dân.([1]) Khổng Tử yêu cầu người cầm quyền phải biết tiết kiệm trong chi tiêu mà thương yêu người, dùng sức dân đúng lúc, sao cho không ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất (“sử dân dĩ thời” - Luận Ngữ, Học Nhi, 5); đề bạt những người tốt, giáo dục những kẻ sai lầm; thực hiện thứ, phú, giáo, làm cho người gần vui lòng, người xa tìm đến. Khi Tử Trương hỏi Khổng Tử về việc áp dụng đạo nhân vào chính trị, Khổng Tử nói rằng, “có thể làm được năm điều [đối với mọi người] trong thiên hạ, là thi hành nhân chính([1]) vậy . Đó là cung kính, khoan dung, thành tín, cần mẫn và có ân huệ. Cung kính thì không khinh nhờn; khoan dung thì được lòng mọi người; thành tín thì được người tín nhiệm; cần mẫn thì nên công; có ân huệ thì dễ sai khiến người” (Luận Ngữ, Dương Hóa, 6). Như vậy, khoan dung vừa là phương pháp, vừa là phương tiện để thực hiện mục đích huệ dân, không ngừng làm lợi cho dân, gia ơn cho dân thì dân sẽ tin theo và dễ sai khiến dân. Thứ ba, không chấp nhặt quá khứ bất hảo của người khác. Khổng Tử đã lấy tấm gương của “Bá Di, Thúc Tề không nhớ tới những điều xấu cũ [của người khác] nên ít ai oán ghét” (Luận Ngữ, Công Dã Tràng, 22). Hơn nữa, khi
  14. “việc đã thành rồi, chớ nói đi nói lại. Việc nhất định xẩy ra, chớ can gián. Việc đã qua, chớ nên trách” (Luận Ngữ, Bát Dật, 21). Cũng tương tự, khi có cậu bé người làng Hỗ là một làng có nhiều người ngang ngược đến xin nhập lớp của Khổng Tử, các học trò của ông tỏ ra không đồng tình tiếp nhận vì theo họ, những người làng Hỗ có tính hùng sẽ, không biết lẽ phải. Khổng Tử nói: “Hoan nghênh người tới, không hoan nghênh người lui. Sao khắt khe thế? Người ta thành tâm tới đây, ta hoan nghênh chỗ thành tâm đó, chẳng dám đảm bảo chuyện quá khứ của người ta” (Luận Ngữ, Thuật Nhi, 28). Điều này cũng giống như ngạn ngữ của Việt Nam cho rằng, “đánh kẻ chạy đi chứ không bao giờ [có chuyện] đánh kẻ chạy lại”. Đó là sự khoan dung, độ lượng của Khổng Tử đối với những người muốn “cải tà quy chính”. Theo Khổng Tử, “người hăng hái mà chán ghét cảnh nghèo khó ắt gây loạn vậy. Biết người đó là bất nhân, mà ghét bỏ quá đáng là xúi người ta gây loạn vậy” (Luận Ngữ, Thái Bá, 11). Điều đó có nghĩa là người bất nhân thì ai cũng ghét, nhưng nếu không biết cảm hóa họ, lại đẩy người ta vào chỗ chân tường thì họ sẽ làm bậy chẳng khác gì ý nghĩa của câu ngạn ngữ: “Chó cùng cắn dậu”. Có lần Phàn Trì cùng thầy Khổng Tử dạo chơi dưới đền Vũ Vu, Phàn Trì hỏi thầy về việc tu dưỡng đức tính, tu sửa lỗi lầm và phân biệt rõ điều lầm lẫn. Khổng Tử nói: “Câu hỏi hay lắm! Phải gắng làm điều thiện mới mong được điều thiện, đó chẳng là tu dưỡng tính tình hay sao? Đả kích điều xấu của mình, không đả kích điều xấu của người, đó chẳng phải là tu sửa lỗi lầm hay sao? Giận dữ trong một lúc, đến nỗi quên cả thân mình, lại làm lụy tới song thân, đó chẳng là điều lầm lẫn hay sao?” (Luận Ngữ, Nhan Uyên, 20). Quan điểm tự phê bình, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” là thái độ đúng đắn của người có ý thức tu thân. Từ những cử chỉ và thái độ khoan dung của Khổng Tử, học trò của ông đã ca ngợi ông là người rộng lượng, thể hiện ở bốn điều: “Không có ý riêng, không chắc trước, không cố chấp, không ích kỷ” (Luận Ngữ, Tử Hãn, 4). Không cố chấp và không ích kỷ là minh triết sống hòa hợp trong quan hệ giữa con người với con người để thực hiện việc xây dựng một xã hội lý tưởng, ở đó “những người già cả đều được an vui, bạn bè tin cậy ta, và trẻ thơ đều được thương yêu, dạy dỗ” (Luận Ngữ, Công Dã Tràng, 25). Tuy nhiên, tư tưởng khoan dung của Khổng Tử không phải là sự nhượng bộ, hoặc
  15. đơn phương thực hiện những nội dung căn bản của nó như trên chúng tôi đã nêu, mà ở đó còn bao hàm cả sự hòa hợp trong sự khác biệt. Sở dĩ như vậy là vì trong xã hội bao giờ cũng tồn tại hai hạng người đối lập nhau về đạo đức, một bên là người quân tử với những phẩm chất tốt đẹp - nhân, trí và dũng; một bên là kẻ thấp hèn chỉ biết vụ lợi hại người, không điều gì là không dám làm. Chính vì vậy, ngoài mục đích giáo huấn để “cải tà quy chính”, dù điều đó là khó, Khổng Tử luôn kêu gọi phải kiên định nguyên tắc trung dung. Trung dung là chí đức, kiên trì nghĩa, giải quyết mọi vấn đề thuộc quan hệ người cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Có trường hợp cần có sự kết hợp khoan dung với nghiêm khắc, được gọi là “khoan mãnh tương tế”. Có người hỏi: “Lấy đức báo oán, chủ trương đó như thế nào?”, Khổng Tử nói: “Vậy lấy gì để báo đức đây? Phải lấy lòng ngay thẳng mà đối xử với kẻ gây oán thù, và lấy lòng tốt đáp lại lòng tốt của người” (Luận Ngữ, Hiến vấn, 36). Lấy đức báo oán thường gặp ở chủ trương của Phật giáo, song trong thực tế cuộc sống, điều đó nhiều khi chỉ mang tính lý tưởng. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để con người sống với nhau không có thù oán, nghĩa là trong hoạt động sống của mình, con người phải biết tránh những điều bất cập khi nó còn manh nha để ngăn chặn kịp thời sự bùng phát của nó thành thảm họa. Khi được hỏi về việc xử kiện, Khổng Tử nói: “Xử kiện thì ta cũng như người khác. Sao cho không kiện cáo kìa” (Đại học, 5). Qua đó cho thấy, Khổng Tử không lý tưởng hóa hoạt động sống của con người tới mức “lấy đức báo oán”, mà ông chỉ ra phương pháp tìm kiếm sự hòa giải dựa trên lòng chân thành, thẳng thắn của các mối quan hệ xã hội. Vốn là người có tư tưởng khoan dung sâu sắc, Khổng Tử cũng không hoàn toàn đề cao vai trò của tư tưởng đó trong quản lý và điều hành xã hội. Ông từng nói: “Chính trị khoan dung thì dân nhờn, nhờn thì phải sửa lại bằng nghiêm khắc. Nghiêm khắc thì dân bị tàn hại, tàn hại thì lại thi hành khoan dung. Khoan dung giúp cho nghiêm khắc, nghiêm khắc giúp cho khoan dung, chính trị đạt đến chỗ hài hòa”([1]). Đó không phải là quan điểm cải lương của Khổng Tử trong quản lý xã hội, mà là chủ trương khoan mãnh tương tế nhằm khắc phục tính bất cập, thái quá của khoan hoặc mãnh. Việc tìm hiểu tư tưởng khoan dung của Khổng Tử qua một số nội dung nêu trên, theo chúng tôi, là chưa hoàn toàn đầy đủ, bởi khoan dung là phương diện đạo đức của các
  16. mối quan hệ người, nó còn phải được xem xét trong mối liên hệ với lễ, nghĩa, v.v.. Qua các nội dung ấy, chúng ta thấy do xuất thân từ tầng lớp quí tộc, nên tư tưởng khoan dung của Khổng Tử vẫn toát lên tinh thần chủ yếu là người cầm quyền làm thế nào để được lòng dân, để dễ bề sai khiến dân. Song, dù sao đi nữa, tư tưởng trung thứ của ông vẫn luôn mang tính triết lý sâu sắc, đó là triết lý của chủ nghĩa nhân văn chưa đạt đến mức đầy đủ vào thời của ông. Tư tưởng khoan dung của Khổng Tử đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các nhà Nho Việt Nam trong lịch sử, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, v.v.. Hồ Chí Minh cũng là người chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục Nho học. Tuy nhiên, tư tưởng khoan dung của Người không chỉ chịu ảnh hưởng từ Khổng Tử, mà còn chịu ảnh hưởng từ chính truyền thống khoan dung của dân tộc. 3. Khoan dung trong tư tưởng Nguyễn Trãi Khi đề cập đến tư tưởng Nguyễn Trãi, nhà nghiên cứu Nho giáo nổi tiếng của Việt Nam cuối thế kỷ XX, GS. Trần Đình Hượu cho rằng, “hệ tư tưởng chi phối Nguyễn Trãi trong suốt cuộc đời là Nho giáo, nhưng ở từng thời kỳ, trong từng phạm vi, bên cạnh Nho giáo luôn có những nét khác, có khi là trái Nho giáo . Nguyễn Trãi nhấn mạnh đức nhưng không phải không chú ý đến tài trí, đề cao đạo lý nhân nghĩa nhưng không cự tuyệt quyền mưu; nói đến nợ quân thân, tấc lòng trung hiếu nhưng lại nhấn mạnh “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, trách nhiệm theo lòng dân, vì thương sinh”(5). Nhận định về tư tưởng Nguyễn Trãi như vậy là hoàn toàn đúng; đồng thời, theo chúng tôi, có thể lấy đó làm định hướng cho việc nghiên cứu tư tưởng khoan dung của ông. Nếu như nội dung căn bản của khoan dung trong tư tưởng Khổng Tử là trung thứ, thì ở Nguyễn Trãi, đạo lý nhân nghĩa đóng vai trò chủ đạo trong việc trừ bạo an dân. Chính vì vậy mà ông không chống lại tư tưởng quyền mưu. Quyền mưu của người đứng đầu quốc gia phong kiến có mục đích chống lại kẻ phản loạn, gây rối và làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của nhân dân. Ông nói: “Quyền mưu bản thị dụng trừ gian, Nhân nghĩa duy trì quốc thế an”(6). Quốc thế an là thước đo trị bình của một nước. ở đây, trong văn cảnh đất nước bị đô hộ, nhà Minh lấy cớ chinh phạt để cướp nước ta, tư tưởng nhân nghĩa đối với Nguyễn Trãi đã trở thành công lý cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Tư tưởng khoan dung, như chúng ta đã
  17. biết, biểu hiện như là sự không nhượng bộ chủ quyền quốc gia, quyền tự do chân chính của con người Việt Nam đang bị bóc lột, đọa đày: “Thui dân đen trên lò bạo ngược, Hãm con đỏ xuống dưới hố tai ương. Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khóe, Cậy binh gây hấn, ác chứa gần hai chục năm”(7). Tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi không dừng lại ở nội dung “trung thứ” của “nhân”, mà ông còn đòi hỏi phải huy động “nhân” hết mực để cứu dân, cứu nước: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Chúng tôi nhấn mạnh – TNV.). Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi cảnh áp bức, hủy diệt trong lịch sử dân tộc ta rõ ràng là những cuộc kháng chiến chính nghĩa; nó vừa là mục đích, vừa là phương pháp để đạt tới giá trị nhân văn phổ biến toàn nhân loại. Từ một lực lượng vừa yếu, vừa thiếu thuở ban đầu khởi binh, chủ trương “tâm công” của Bộ chỉ huy Lam Sơn có mục đích xoáy sâu vào những nội dung chính nghĩa sáng ngời, làm cho kẻ thù nao núng tinh thần, bị phân hóa cao độ. Cho đến khi có binh hùng lực mạnh, chủ trương ấy vẫn được tiếp tục duy trì nhất quán. Nghệ thuật “tâm công” được vận dụng một cách linh hoạt cho từng hoàn cảnh cụ thể, cho từng đối tượng [tướng lĩnh] của kẻ thù. Nó thể hiện mục đích nhân văn cao cả, trong đó tư tưởng khoan dung là cốt lõi nhằm làm cho "bốn phương biển cả thanh bình", hơn thế nữa, còn góp phần làm cho “Hồ Việt nhất gia kim hạnh đổ, Tứ minh tòng thử tức kình ba” (Hồ Việt mừng nay về một cõi, Sóng kình bốn biển bặt im lỳ!)(8). Như vậy, kỳ vọng về một nền hòa bình giữa hai dân tộc là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước. Bản thân ông luôn muốn có một nền hòa bình vĩnh cửu, dân cùng vua được nghỉ ngơi và nền văn trị được áp dụng vào đường lối trị nước: “Lòng trên muốn với dân cùng nghỉ, Văn trị rồi nên nếp thái bình” (Thánh tâm dục dữ dân hưu tức, Văn trị chung tu trí thái bình)(9). Cũng nhờ có tâm thế chí nhân mà Nguyễn Trãi đã khuyên Lê Lợi - không nên giết hàng binh, lại còn cấp lương thảo và phương tiện cho chúng về nước. Đó là tinh thần khoan dung, tha thứ, đồng thời tạo ra sức mạnh thần kỳ để cảm hóa kẻ thù, cảm hóa cả những người lầm đường lạc lối trót làm tay sai cho giặc để cải tà quy chính. Nếu như Khổng Tử chủ trương huệ dân thì Nguyễn Trãi chú trọng đến tư tưởng vì dân và theo dân. Quan điểm của Nguyễn Trãi có thể xem là gần gũi với quan điểm của Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của triều Hậu Lý. Song, nếu xét về mặt hệ tư
  18. tưởng thời đại theo điều kiện lịch sử cụ thể thì quan điểm của Nguyễn Trãi có tinh thần quả cảm hơn. Bởi lẽ từ thế kỷ XV, các triều đại đều lấy Nho giáo làm bệ đỡ hệ tư tưởng, ở đó mọi quyền hành đều tập trung vào tay vua, đất đai và dân chúng tất cả đều là của vua và do vậy, quan điểm vì dân và theo ý dân của Nguyễn Trãi rõ ràng là không thích hợp. ở Nguyễn Trãi, tư tưởng thân dân, thương sinh còn được nâng cao, bổ sung, vì thế mà sự “chật hẹp” của Nho giáo được giải tỏa bởi ông nhắc mình và răn đời, rằng “ăn lộc phải biết đền ơn kẻ cấy cày”.(8) Sự bổ sung cho tâm thế sống của nhà Nho chân chính ở Nguyễn Trãi còn được thể hiện ở quan điểm của ông về mối quan hệ tam giáo. Quả thực, con đường tiến thân của nhà nho theo thang bậc tu, tề, trị, bình cũng có lúc trở nên bất cập trước hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nguyễn Trãi là bậc khai quốc công thần, song cũng vì công lao to lớn mà ông và những người “đồng chí” của ông gặp phải những rắc rối, thậm chí đe dọa đến tính mạng của họ và những người thân. Nguyễn Trãi có những lúc chán nản, muốn trở thành dật sĩ tàng ẩn, thành đạo sĩ sống an nhàn như ông tiên trên cõi trần, thậm chí thành cư sĩ tu hành theo thiền thượng thừa: “Già rồi hay nói cuồng, đừng lạ ta; từ biệt nhau rồi thì ta cũng sẽ tu đạo thiền thượng thừa” (Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã, lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền)(10). Trong bối cảnh Nho giáo được độc tôn dưới thời Lê Sơ (thế kỷ XV), việc tiếp nhận tư tưởng Phật giáo một phần do hoàn cảnh cuộc sống đầy trắc trở của Nguyễn Trãi, phần khác là sự thể hiện tinh thần chấp nhận một triết thuyết tôn giáo vốn có chủ trương xa rời thế sự như Phật giáo. Đó là tinh thần quả cảm của ông dám chấp nhận cái khác biệt với học thuyết Nho giáo đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ tới bản thân ông, mà tới cả thời đại ông lúc bấy giờ. Tóm lại, tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi thấm đậm đạo đức nhân nghĩa của Nho giáo, nhờ đó ở ông chủ nghĩa nhân văn được biểu hiện một cách rõ nét, đó là tình thương yêu con người, lòng trắc ẩn của ông đã vượt ra khỏi phạm vi yêu thương con người thân tộc, ruột thịt của Khổng Tử để cứu dân binh hai nước thoát khỏi cuộc chiến tranh đẫm máu, thực hiện mục đích “Hồ Việt nhất gia”. Mặt khác, tinh thần cởi mở, chấp nhận các học thuyết ngoài Nho giáo cũng là mặt tiến bộ trong tư tưởng khoan dung của Nguyễn Trãi. Tư tưởng khoan dung của Nho giáo cũng như của Nguyễn Trãi đã ảnh hưởng rất lớn
  19. tới tinh thần khoan dung của nhiều nhà Nho Việt Nam trong lịch sử. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh của văn hóa dân tộc với văn hóa nhân loại về tinh thần khoan dung. Người đã tiếp thu tư tưởng khoan dung truyền thống và bổ sung cho nó những yếu tố cách mạng mới để hình thành nên tư tưởng nhân văn sâu sắc. Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi sẽ đề cập tới tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh thành một chuyên đề riêng và cụ thể hơn(10). Trong xu thế hội nhập và phát triển đất nước ta hiện nay, nhiều giá trị phổ biến toàn nhân loại về đạo đức, pháp luật, dân chủ và nhân quyền, v.v., đã được chúng ta tiếp nhận, đồng thời những giá trị của dân tộc cũng đang ngày càng góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa nhân loại. Vấn đề căn bản nhất là cần nhận thức đầy đủ hơn về tư tưởng khoan dung để con người sống hòa hợp với nhau, không tàn sát lẫn nhau và mục đích cuối cùng là chung sống hòa bình và phát triển bền vững trong ngôi nhà chung của thế giới. Khoan dung còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong hoàn cảnh đất nước đang cần đến sự hòa giải để con người Việt Nam cùng dòng máu Lạc Hồng yêu thương nhau hơn và cùng nhau góp sức xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ và văn minh. Chính vì vậy, nghiên cứu tư tưởng nhân văn phương Đông và Việt Nam, trong đó chủ đề khoan dung đang thu hút sự quan tâm của các học giả nước ta và chúng tôi tin tưởng rằng, kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực này sẽ làm sáng tỏ hơn tư tưởng nhân văn Việt Nam trong truyền thống và hiện đại. ********************** (*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng Triết học Việt Nam, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (1) Trích từ nguồn: http://www.unesco.org/tolerance/report.htm. (2) Từ đây, các tư liệu liên quan đến tư tưởng Khổng Tử được trích từ Tứ thư tập chú do Chu Hy biên soạn. Bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Đức Lân. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998. (3) Nhân chính là thuật ngữ được dùng để chỉ đường lối chính trị nhân nghĩa của Mạnh Tử (372 - 289). Trong trường hợp của Khổng Tử, nhân chính có thể hiểu là sự áp dụng đạo nhân vào chính trị.
  20. (4) Lao Tử, Thịnh Lê (Chủ biên). Từ điển Nho Phật Đạo. Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr.622. (5) Trần Đình Hượu. Nguyễn Trãi và Nho giáo // Nguyễn Trãi. Về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr.121. (6) Nguyễn Trãi. Toàn tập. Hạ qui Lam Sơn 1, bài 20, tr. 290. (7) Nguyễn Trãi. Sđd., Bình Ngô đại cáo, tr.77. (8) Nguyễn Trãi. Sđd., Quá Thần Phù hải khẩu, tr.314. (9) Nguyễn Trãi. Sđd., Quan duyệt thủy trận, tr.288. (10) Nguyễn Trãi. Sđd., Tống tăng Đạo Khiêm qui sơn, tr.353. TƯ DUY TRIẾT HỌC TRẦN ĐỨC THẢO VÀ TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN HỒ CHÍ MINH CÙ HUY CHỬ (*) Điểm lại những mốc chính trong cuộc đời và những công trình chủ yếu trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tạo lý luận của Giáo sư Trần Đức Thảo, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra những đánh giá của mình về quan điểm của Giáo sư Trần Đức Thảo trong việc lý giải và phát triển tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh và xa hơn là tư tưởng nhân văn của C.Mác. Tác giả đã khẳng định sự trung thành của Giáo sư Trần Đức Thảo đối với quan điểm của C.Mác, đặc biệt là tư tưởng về con người, tư tưởng nhân văn rộng lớn trong đó được thể hiện đậm nét ở Hồ Chí Minh, khẳng định sự nhất quán của Giáo sư trong việc tiếp thu và phát triển chủ nghĩa Mác trên một số vấn đề. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ảnh hưởng lớn đối với Giáo sư Trần Đức Thảo. Tư tưởng, cuộc đời cao đẹp của Hồ Chí Minh được Trần Đức Thảo chiêm nghiệm, vận dụng trong hoạt động sáng tạo khoa học cho đến cuối đời, đặc biệt là tư tưởng nhân văn.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0