intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho học sinh khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

5
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho học sinh khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học tập trung vào tìm hiểu vấn đề dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho HS khuyết tật trong lớp học hòa nhập ở tiểu học; từ đó, để xuất một số cách thức tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho HS khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho học sinh khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0124 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 5A, pp. 104-112 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn TỔ CHỨC DẠY HỌC PHÂN HÓA TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG STEAM CHO HỌC SINH KHUYẾT TẬT HỌC HÒA NHẬP Ở TIỂU HỌC Nguyễn Hà My Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Hiện nay, ngày càng nhiều chương trình ở các quốc gia trên thế giới đưa STEAM vào giảng dạy, nhưng học sinh (HS) khuyết tật vẫn chưa được tiếp cận giáo dục STEAM một cách bài bản và thiếu tính phân hóa để có thể đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng người học khác nhau. Bên cạnh đó, dạy học phân hóa được biết đến rộng rãi như một mô hình giảng dạy hay cách tiếp cận nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của HS trong lớp học, đặc biệt là lớp học hòa nhập có HS khuyết tật. Vì vậy, bài viết này tập trung vào tìm hiểu vấn đề dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho HS khuyết tật trong lớp học hòa nhập ở tiểu học; từ đó, để xuất một số cách thức tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho HS khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học. Từ khóa: Dạy học phân hóa, STEAM, học sinh khuyết tật, giáo dục hòa nhập, cấp tiểu học. 1. Mở đầu Giáo dục STEM ban đầu được sử dụng cho các lĩnh vực Khoa học, Toán học, Kĩ thuật và Công nghệ (SMET) [1] và là một sáng kiến do Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) – Hoa Kỳ tạo ra. Sáng kiến giáo dục này đã tạo cơ hội cho tất cả HS được phát triển tư duy phản biện để có thể giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo [2]. Sau này, yếu tố Nghệ thuật (Art) được thêm vào, được gọi là STEAM, là sự phối hợp liên ngành giữa các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Nghệ thuật và Toán học. LaForce và cộng sự (2017) đã chỉ ra rằng giáo dục STEM có tiềm năng thúc đẩy HS học tập và tiếp tục tham gia vào các lĩnh vực STEM trong sự nghiệp tương lai của các em [3]. Hiện nay, giáo dục STEAM là một phần của chương trình giảng dạy trong nhiều hệ thống giáo dục ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Úc và các nước phương Tây khác. Giáo dục STEAM được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới vì được đánh giá cao về tính hiệu quả trong hoạt động giáo dục phát triển năng lực HS. Trong đó, một số nước đã có chương trình giáo dục STEM tương đối bài bản từ cấp tiểu học như Anh, Úc, Singapore, Hàn Quốc... Cùng xu thế chung, giáo dục STEAM cũng được các nước quan tâm và phát triển cho hệ thống giáo dục cho trẻ từ giai đoạn khá sớm. Giáo dục STEAM được coi là một phương pháp hay mô hình giảng dạy mà các hoạt động được tổ chức trong lớp có tầm quan trọng rất lớn trong việc làm cho kiến thức của các môn học trở nên dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn đối với HS [4]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trình học tập và kết quả học tập của HS có thể khác nhau trên nhiều yếu tố, chẳng hạn như chủ đề nghiên cứu, thời lượng học tập, hoặc thậm chí các loại điều kiện môi trường [5]. Do đó, cần có sự tiếp cận dạy học phân hóa trong việc tổ chức dạy học để giáo viên (GV) có thể tiếp cận được tới mỗi cá nhân HS và từ đó hỗ trợ các em hình thành và phát triển các năng Ngày nhận bài: 21/10/2022. Ngày sửa bài: 2/11/2022. Ngày nhận đăng: 29/11/2022. Tác giả liên hệ: Nguyễn Hà My. Địa chỉ e-mail: nhmy@hnue.edu.vn 104
  2. Tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho học sinh khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học lực khác nhau cũng như nhu cầu học tập khác nhau. Điều này là rất cần thiết trong môi trường giáo dục hòa nhập – nơi các HS khuyết tật sinh hoạt và học tập cùng với các HS khác trong một cộng đồng. Giáo dục hòa nhập HS khuyết tật cấp tiểu học hiện nay đã được chỉ đạo và triển khai tại các cơ sở giáo dục trên cả nước và đạt được một số chuyển biến tích cực, đảm bảo cơ hội cho tất cả HS có hoàn cảnh khó khăn hay học sinh có nhu cầu đặc biệt có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục. HS khuyết tật trong được tham gia vào các hoạt động học tập và giáo dục trong môi trường hòa nhập, từ đó hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất trong các môn học và hoạt động giáo dục đặt ra; các cán bộ quản lí, GV và nhân viên giáo dục cũng đã có những nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập và triển khai, thực hiện những điều chỉnh về mục tiêu, chương trình, phương pháp và cách tiếp cận… phù hợp với trình độ của HS khuyết tật trong môi trường giáo dục hòa nhập. Vì vậy, giáo dục STEAM cũng cần chiến lược giảng dạy làm cho các hoạt động STEAM trở nên dễ hiểu hơn đối với HS, đặc biệt là đối tượng HS khuyết tật trong lớp hòa nhập. Việc giảng dạy nên được thực hiện với các hoạt động khác nhau trong lớp giúp đạt được hiệu quả học tập cho HS khuyết tật. Bằng cách áp dụng dạy học phân hóa, HS khuyết tật trong lớp hòa nhập sẽ có nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động STEAM, hình thành và phát triển những năng lực cần thiết cho bản thân và phục vụ cuộc sống thực tiễn. Hiện nay, ngày càng nhiều trường ở Việt Nam đưa giáo dục STEAM vào trong các môn học hay hoạt động giáo dục như một xu hướng giáo dục mới; cho nên, nhà giáo dục cần phải tìm ra các cách để hỗ trợ HS khuyết tật học hòa nhập thành công trong các môn học hay hoạt động giáo dục đó. Do vậy, bài báo này tập trung vào việc tìm hiểu các cách thức tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho HS khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học dựa trên sở thích, phong cách học tập, hành vi và năng lực của HS để giúp các em đạt được kết quả học tập mong muốn. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Dạy học phân hóa trong lớp học hòa nhập có học sinh khuyết tật Dạy học phân hóa được biết đến rộng rãi như một mô hình giảng dạy hay cách tiếp cận nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của HS trong lớp học, đặc biệt là lớp học hòa nhập có HS khuyết tật. Algozzine và Anderson (2007) nhận định rằng GV phải tạo ra một môi trường học tập khác biệt và đa dạng cho các đối tượng HS khác nhau, đặc biệt là những HS còn gặp hạn chế trong quá trình học tập ở bất cứ môn học hay hoạt động giáo dục nào [6]. Evans và Waring (2011) cho rằng dạy học phân hóa cho phép các nhà giáo dục hiểu được điểm mạnh và nhu cầu của tất cả HS trong lớp học của họ. Tuy nhiên, có rất ít thông tin liên quan đến việc GV thực hiện dạy học phân hóa trong lớp học [5]. Các lớp học nên bao gồm các HS có sự đa dạng về nhu cầu, thành tích, sở thích và phong cách học tập, và các hướng dẫn dạy học nên được thiết kế có sự khác biệt để phù hợp với các đối tượng HS khác nhau, đặc biệt là HS khuyết tật trong lớp hòa nhập. King-Shaver (2008) định nghĩa dạy học phân hóa là một phương pháp dạy học mà trong đó GV cần thực hiện lập kế hoạch và tiến hành dạy học theo kế hoạch đã đề ra một cách có chủ ý và có ý thức, dạy học phân hóa cũng cung cấp các cách học tập hướng tới các mục tiêu được xác định rõ ràng [7]. Tomlinson (1999) nhận định rằng dạy học phân hóa liên quan đến nhiều trí thông minh (đa trí tuệ) và phong cách tư duy [8]; Levy (2008) định nghĩa dạy học phân hóa là một trải nghiệm học tập trong đó các chiến lược khác nhau được sử dụng để giới thiệu cho HS nội dung của chương trình và các hoạt động đa dạng [9]. Goodpaster và cộng sự (2012) gọi dạy học phân hóa là một phương pháp giáo dục sẽ bồi dưỡng nhu cầu của HS bằng cách tăng cường động lực học tập của các em [10]. Có thể coi dạy học phân hóa là cách tiếp cận dạy học có thể 105
  3. Nguyễn Hà My đáp ứng nhu cầu của các đối tượng HS khác nhau, từ đó, có khả năng tối đa hóa năng lực của mỗi HS trong lớp học, kể cả học sinh khuyết tật. Như vậy, dạy học phân hóa được xem như là một cách tiếp cận, một phương pháp hay nguyên tắc dạy học mà ở đó thực hiện quá trình điều chỉnh mục tiêu, nội dung, kế hoạch cũng như phương pháp, và môi trường dạy - học…nhằm đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của tất cả các đối tượng HS [11]. Để có thể thực hiện dạy học phân hóa hiệu quả, GV cần cần thiết kế và tổ chức dạy học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của HS, thực hiện phân chia HS thành các nhóm đối tượng khác nhau theo năng lực, sở thích, nhu cầu…nhằm phát triển tối đa năng lực học tập của mỗi em. 2.2. Giáo dục STEAM cho học sinh khuyết tật học hòa nhập Theo Spektor-Levy và Yifrach (2019), một số nghiên cứu cho rằng GV đã xác định các môn học STEM là rất phù hợp đối với HS mắc một số rối loạn học tập. Các môn học STEM thường được HS tiểu học hứng thú cao vì đặc điểm tâm sinh lý của các em là rất tò mò và muốn tìm hiểu thế giới xung quanh [12]. Tuy nhiên, mặc dù ngày càng nhiều chương trình đưa STEM vào giảng dạy, HS khuyết tật vẫn chưa được tiếp cận giáo dục STEM một cách bài bản và chưa được định hướng và thực hành các nghề nghiệp liên quan đến STEM để có thể hòa nhập vào cuộc sống sau này [13] [14]. Theo Basham và Marino (2013), để thành công trong STEM, HS cần có khả năng vượt lên trên các nhiệm vụ nhận thức cấp thấp và kích hoạt các kĩ năng tư duy bậc cao [14]. Mặc dù một số HS khuyết tật học hòa nhập có chỉ số tư duy ở mức độ trung bình hoặc trên trung bình nhưng các em vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc vận dụng kiến thức của mình và gặp khó khăn trong việc thực hành kĩ năng và sử dụng tư duy bậc cao [12]. Do đó, các hoạt động STEAM dù rất đơn giản cũng có thể tạo ra những phức tạp nhất định đối với HS khuyết tật trong lớp học hòa nhập, đặc biệt là khi các phương pháp dạy học chưa được điều chỉnh để có thể phù hợp với các em. Vì vậy, tạo cơ hội cho HS khuyết tật trong lớp học hòa nhập được tiếp cận với giáo dục STEAM và thực hiện phân hóa bằng cách điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp, cách thức kiểm tra, đánh giá…là cần thiết để đảm bảo HS khuyết tật tham gia vào giáo dục STEAM với tư cách là những HS không có khuyết tật [15]. Các hoạt động STEAM có yếu tố xã hội và thực tiễn có thể phù hợp với HS khuyết tật trong lớp hòa nhập. Sự phù hợp này có thể nâng cao động lực học tập cho tất cả HS vì nó tạo cơ hội cho HS được thực hành, tương tác và hợp tác với các bạn cùng lứa tuổi và khám phá các hiện tượng khoa học, làm các sản phẩm [12]. Ngoài ra, học các môn STEM có thể góp phần phát triển sự tự tin vào bản thân của HS khuyết tật. Trong chương trình giáo dục hòa nhập, HS khuyết tật sẽ được học nội dung giống như các HS khác trong lớp. Các môn học như Tự nhiên Xã hội, Khoa học hay môn Toán được HS khuyết tật rất quan tâm những đó cũng là những môn học khó và phức tạp. Việc sử dụng các công cụ và thiết bị công nghệ có thể giúp HS khuyết tật vượt qua các khó khăn trong học tập các môn học đó. Giáo dục STEAM rất hữu ích cho những HS khuyết tật để hiểu các khái niệm trong khoa học và toán học. Thiết kế của các bài học hay hoạt động STEAM cho phép HS, bất kể khuyết tật, có thể tiếp cận với những trải nghiệm học tập thực tế. Các thiết bị công nghệ hỗ trợ HS khuyết tật tìm hiểu thông tin trong các hoạt động STEAM một cách thuận lợi hơn. Moon và cộng sự (2011) đã thực hiện nghiên cứu dựa trên đánh giá các can thiệp theo chương trình để cải thiện giáo dục STEAM cho HS khuyết tật [13]. Nghiên cứu này chỉ ra rằng có sự cải thiện về khả năng tiếp cận, kĩ năng giao tiếp, cách sử dụng giáo cụ trực quan và các thiết bị hỗ trợ học tập điện tử trong các hoạt động STEAM cho HS khuyết tật [13]. Street và cộng sự (2012) đã thực hiện một nghiên cứu về “Mở rộng khả năng tiếp cận với STEM cho những người học có nguy cơ: một ứng dụng mới của thiết kế phổ quát cho việc giảng dạy” và mục tiêu chính của nghiên cứu này là tìm hiểu tác dụng của Học tập theo nhóm do đồng đội dẫn 106
  4. Tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho học sinh khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học dắt (Peer-Led Team Learning) trong các hoạt động STEAM đối với HS khuyết tật học tập và HS rối loạn tăng động giảm chú ý ở môn Khoa học [16]. Kết quả cho thấy Học tập theo nhóm do đồng đội dẫn dắt rất hữu ích cho những HS có HS khuyết tật học tập và HS rối loạn tăng động giảm chú ý để cải thiện lĩnh vực học tập của các em và các em cũng cải thiện kĩ năng hợp tác và giải quyết vấn đề. Jolly (2016) nhận định rằng khoảng 34% trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ bị thu hút bởi các hoạt động đến khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học [17]. Bên cạnh đó, Dheesha (2015) cho biết trong nghiên cứu rằng có sự khác biệt đáng kể giữa kết quả trước và sau khi thực hiện các thí nghiệm với các dụng cụ thí nghiệm đã được điều chỉnh cho HS khuyết tật, tác giả nhận thấy các dụng cụ thí nghiệm đã giúp phát triển các kĩ năng học tập và hiểu biết về các khái niệm của các em [18]. Sử dụng các thiết bị và dụng cụ hỗ trợ thích nghi cho HS khiếm thị trong lớp hòa nhập cho phép các em thực hiện các thí nghiệm khoa học và hiểu các khái niệm khoa học mà không bị nhầm lẫn [18]. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của việc điều chỉnh các dụng cụ thí nghiệm theo nhu cầu cụ thể của HS khuyết tật. Các nghiên cứu về giáo dục STEAM trên học sinh khuyết tật đều cho thấy rằng cần thiết phải tổ chức hoạt động STEAM cho các đối tượng học sinh khuyết tật khác nhau trong môi trường hòa nhập để các em có cơ hội phát triển nhận thức và kĩ năng, từ đó hình thành các phẩm chất và năng lực mà chương trình GDPT đặt ra. 2.3. Cách thức tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho HS khuyết tật học hòa nhập Giáo dục STEM là phương thức giáo dục hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực cho HS theo đúng định hướng chương trình GDPT 2018 đặt ra; các hoạt động giáo dục STEAM tạo điều kiện HS được trải nghiệm trong các hoạt động hay nhiệm vụ học tập phù hợp với sự hứng thú, năng khiếu, sở thích của bản thân, thể hiện sự phân hóa trong dạy học [19]. Các hoạt động STEAM có nội dung mang tính tích hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực và gắn với các vấn đề thực tiễn, mỗi HS có thể có những kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng cũng như những thế mạnh khác nhau; vì vậy, HS sẽ có cơ hội vận dụng kiến thức, kinh nghiệm và phát huy thế mạnh riêng của mình để thực hiện được các nhiệm vụ GV giao cho. Một số nhà nghiên cứu giáo dục đã tập trung vào việc tìm hiểu và thiết kế các hoạt động STEAM liên quan đến nhu cầu của HS khuyết tật. Khi thiết kế các hoạt động giáo dục STEAM cho HS trong lớp học hòa nhập có HS khuyết tật, GV cần chú ý đến việc phân hóa theo mức độ nhận thức của HS, phân hóa yêu cầu cần đạt, nội dung, mức độ thực hiện nhiệm vụ cũng như phân hóa về các sản phẩm học tập của tất cả các đối tượng HS, trong đó có HS khuyết tật. Trong quá trình tổ chức các hoạt động STEAM, tuỳ theo mục tiêu của hoạt động, GV có thể thực hiện đánh giá HS theo các khía cạnh khác nhau, bằng các phương pháp và công cụ khác nhau, nhưng phải hướng đến việc nhìn nhận mức độ tiến bộ của mỗi HS so với chính bản thân các em. Kết quả đánh giá giúp GV xác định được khả năng học tập của mỗi HS và với HS khuyết tật cần giúp đỡ thì GV sẽ có những phản hồi và hỗ trợ kịp thời để giúp các em có thể hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch giáo dục. Dựa trên những vấn đề của dạy học phân hóa trong giáo dục STEAM cho HS khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học, một số biện pháp dạy học phân hóa có thể được tiến hành trong tổ chức các hoạt động STEAM cho HS khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học như sau: * Phân hóa yêu cầu cần đạt trong mỗi bài học STEAM: Phân hóa yêu cầu cần đạt trong dạy học nhằm xác định những chỉ báo về kiến thức, kĩ năng, thái độ và mức độ năng lực, phẩm chất phù hợp đối với từng đối tượng HS, tức là cần xác định được những chỉ báo năng lực cơ bản (dành cho đối tượng HS đại trà), những chỉ báo năng lực nâng cao (đối với những HS khá - giỏi) và những chỉ báo năng lực được điều chỉnh thấp hơn mức độ cơ bản nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu cần đạt tối thiểu (cho HS khuyết tật học hòa nhập). 107
  5. Nguyễn Hà My Để xác định yêu cầu cần đạt theo hướng phân hóa, GV cần có những kiểm tra, đánh giá ban đầu để có thể phân loại trình độ và năng lực của mỗi HS và có thể phân loại các em vào các nhóm cùng trình độ hoặc cùng sở thích, cùng đặc điểm…; GV cần nghiên cứu các yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học do Bộ GD-ĐT quy định và thích ứng, tích hợp các yêu cầu cần đạt đó trong các hoạt động STEAM sẽ triển khai; và xác định các yêu cầu cần đạt theo hướng phân hóa cho các đối tượng HS khác nhau của lớp mình. Ví dụ, ở môn Tự nhiên Xã hội lớp 1 [20], từ một yêu cầu cần đạt trong chủ đề “Thực vật xung quanh” (theo chương trình GDPT 2018) là “Học sinh nêu được tên và đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây thường gặp”, GV có thể phân hóa thành các yêu cầu cần đạt (của bài học/chủ đề/tiết dạy) cụ thể hơn cho các đối tượng HS khác nhau. Ví dụ, với đối tượng HS khuyết tật trí tuệ nhẹ học hòa nhập, GV có thể phân chia yêu cầu cần đạt thành các chỉ báo cụ thể như sau: - HS nêu được tên một số loại cây thường gặp (HS khuyết tật trí tuệ nhìn tranh và nêu được ít nhất tên của 1 loại cây em biết theo tranh). - HS nêu được đặc điểm của một số loại cây em quan sát được (HS khuyết tật trí tuệ nhìn tranh và nêu được ít nhất 1 đặc điểm của loại cây em quan sát được: thân, rễ, lá, hoa, quả…) - HS đặt được câu hỏi hoặc nêu được thắc mắc về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây thường gặp (HS khuyết tật trí tuệ có thể đặt được ít nhất 1 câu đơn giản về đặc điểm của cây, GV có thể gợi ý HS đặt câu hỏi đóng dạng đúng – sai). Dựa trên các chỉ báo năng lực đã được phân hóa cho các đối tượng HS khác nhau trong lớp, GV có thể định hướng các em vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để thực hiện hoạt động STEAM trong chủ đề này như làm mô hình cây thông giáng sinh dựa trên đặc điểm của loại cây hoặc làm sổ lật/sổ thông tin về các loài cây thường gặp. * Thiết kế nội dung, nhiệm vụ của các hoạt động STEAM theo hướng phân hóa: Để phân hóa nội dung trong các hoạt động STEAM phù hợp với các mức độ trình độ nhận thức khác nhau của HS, GV có thể tiến hành các cách thức sau: - Lựa chọn các nội dung, xây dựng nhiệm vụ của hoạt động STEAM phù hợp với các đối tượng HS khác nhau. - Phân bậc các nội dung, nhiệm vụ của hoạt động STEAM theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao để có thể tiếp cận các đối tượng HS khác nhau. Ví dụ, trong chương trình môn Toán lớp 4 theo chương trình GDPT 2018 [21], dựa trên nội dung dạy học về đo, vẽ, lắp ghép và tạo lập một số hình khối đã học, GV trong lớp hòa nhập có HS tự kỉ có thể thực hiện phân hóa nội dung và nhiệm vụ cho HS tự kỉ của mình bằng cách tổ chức một bài học STEAM “Làm hộp quà tặng” với các hoạt động như: - Xây dựng hệ thống câu hỏi vấn đáp (ở nhiều mức độ khác nhau) về nội dung kiến thức nền trong bài học/hoạt động STEAM (cách đo, vẽ, lắp ghép khối, cách tạo các khối đã học) để có thể tiếp cận tới tất cả HS trong lớp, bao gồm cả HS khuyết tật. Hệ thống câu hỏi GV có thể xây dựng hệ thống câu hỏi như sau: + Các em đã học những hình khối gì? (Với HS tự kỉ, GV có thể kết hợp chỉ tranh về các hình khối hoặc có vật mẫu và đặt câu hỏi “Em hãy nhìn tranh/quan sát vật mẫu và chỉ cho cô đâu là khối lập phương/khối hộp chữ nhật?”). + Các hình khối đó có đặc điểm gì? (GV khuyến khích HS tự kỉ quan sát vật mẫu, từ đó, nêu được các đặc điểm của các hình khối đã học như khối lập phương, khối hộp chữ nhật…Các khối như khối trụ hay khối cầu có thể gọi các HS khác trong lớp. Khi HS tự kỉ nêu đặc điểm của các khối, nếu thiếu đặc điểm nào thì có thể gọi HS khác bổ sung và hướng dẫn HS tự kỉ nhắc lại 108
  6. Tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho học sinh khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học đặc điểm bạn vừa bổ sung). + Hộp quà có thể được làm theo dạng khối gì? (GV chuẩn bị 1 số hộp quà với các dạng hình khối khác nhau như khối lập phương, khối hộp chữ nhật, khối trụ, gọi HS tự kỉ trả lời 1 trong 3 khối? + Để làm được hộp quà, cần có những tiêu chí gì? (HS tự kỉ lắng nghe các bạn trong lớp đưa ra những tiêu chí để có thể làm được hộp quà) + Cần có những nguyên, vật liệu, đồ dùng gì để làm hộp quà? (GV khuyến khích HS tự kỉ nói được các vật liệu dựa trên quan sát hộp quà mẫu, các HS khác bổ sung…) + Các em có thể làm hộp quà như thế nào? (HS tự kỉ lắng nghe các bạn trong lớp đề xuất các cách làm hộp quà khác nhau) - Xây dựng các góc/trạm học tập với nhiều loại nhiệm vụ đa dạng trong hoạt động STEAM như trạm tìm hiểu cách làm hộp quà bằng các khối khác nhau, trạm vẽ thiết kế hộp quà bằng các khối đã học, trạm thực hiện làm hộp quà dựa trên ý tưởng và bản thiết kế đã lập… Trong đó, GV chia nhóm HS tùy theo nội dung của bài học/chủ đề STEAM và sắp xếp trong nhóm có các đối tượng HS ở các mức độ năng lực khác nhau. GV đảm bảo tất cả HS trong nhóm đều có nhiệm vụ cụ thể và GV có thể giao cho HS tự kỉ nhiệm vụ đơn giản dựa trên thế mạnh và phù hợp với khả năng của các em như cho HS tham gia vào quá trình chuẩn bị, thu thập các loại đồ dùng, vật liệu để nhóm cho thể tiến hành chế tạo sản phẩm hoặc HS tự kỉ học hòa nhập sẽ được tham gia vào một bước hay một khâu trong quá trình thiết kế sản phẩm ở hoạt động STEAM như tô màu, cắt hoa/lá để trang trí theo mẫu các HS khác đã vẽ trên giấy. * Phân hóa trong đánh giá HS sau mỗi bài học STEAM: GV có thể lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau cho các đối tượng HS, đặc biệt là đối tượng HS khuyết tật trong lớp hòa nhập như quan sát quá trình HS tiến hành các hoạt động STEAM (sự tương tác trong nhóm, ý thức tự giác, tinh thần tích cực, độc lập thực hiện các nhiệm vụ được giao…), sử dụng bảng hỏi hoặc các mức độ đánh giá trong phiếu tự đánh giá và phiếu đánh giá đồng đẳng của HS, đánh giá kết quả hoạt động thông qua các sản phẩm HS làm được trong hoạt động STEAM. Với HS khuyết tật trong lớp hòa nhập, các tiêu chí đánh giá cũng cần được đối chiếu với các mục tiêu/yêu cầu cần đạt trong kế hoạch giáo dục cá nhân của mỗi em và đưa bổ sung vào trong phiếu đánh giá cá nhân. Việc đánh giá không chỉ nhằm mục đích xác định mức độ nhận thức và năng lực của HS khuyết tật thông qua hoạt động STEAM các em đã thực hiện mà GV còn có thể dựa vào đó để tiếp tục điều chỉnh cách thức tổ chức các hoạt động STEAM tiếp theo cho phù hợp với các đối tượng HS trong lớp. 2.4. Bàn luận Bài viết đã đưa ra những luận điểm nhận định rằng tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM mang lại lợi ích cho cho HS khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học. Có thể nói, STEAM là một phương pháp, mô hình hay chương trình giảng dạy liên ngành và khi kết hợp với dạy học phân hóa thì có thể tạo cơ hội cho những HS khuyết tật không chỉ được tham gia vào các hoạt động STEAM mà các em còn có thể nâng cao nhận thức cũng như năng lực của bản thân trong việc giải quyết các vấn để thực tiễn bằng cách riêng của mình. Bên cạnh đó, những nghiên cứu về dạy học phân hóa chỉ ra rằng dạy học phân hóa cung cấp các phương thức tổ chức dạy học khác nhau dựa trên năng lực của giáo viên cũng như các yếu tố về kĩ năng, sở thích, kiến thức trước và phong cách học tập và kinh nghiệp sống của HS. Do vậy, những yếu tố này phải được tính đến khi phát triển chương trình giảng dạy để có thể thực hiện dạy học phân hóa phù hợp không chỉ trong các hoạt động STEAM mà còn trong các 109
  7. Nguyễn Hà My môn học hay hoạt động giáo dục khác. Ngoài việc tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM ở bài viết này thì các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu cũng nên xem xét các mô hình, biện pháp hay cách thức khác nhau để có thể khai thác giáo dục STEAM một cách hiệu quả cho HS khuyết tật ở tiểu học nói riêng và ở các cấp học khác nói chung; có thể tính đến việc lựa chọn nội dung dạy học để đưa các bài học STEAM vào trong chương trình GDPT thay thế cho các bài học truyền thống ở các môn như Toán, Tự nhiên & Xã hội, Khoa học, Công nghệ…mà vẫn đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình cũng như tính đến nhu cầu và đặc điểm của các đối tượng HS khuyết tật để hỗ trợ các em đối đa trong môi trường giáo dục hòa nhập. 3. Kết luận Học sinh trong thời đại công nghệ của thế kỷ 21 rất cần một chương trình giảng dạy được thiết kế tốt, có ý nghĩa, lấy người học làm trung tâm, linh hoạt, phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ. Chương trình như vậy không loại trừ bất kỳ nhóm học sinh nào, đặc biệt là đối tượng học sinh khuyết tật. Các chiến lược tổ chức dạy học phân hóa sẽ giúp HS khuyết tật được tham gia vào tất cả các bài học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, trong đó có hoạt động STEAM. Tổ chức các hoạt động STEAM trong một môi trường học tập phong phú một cách hiệu quả sẽ tạo ra một sự thay đổi tích cực cho tất cả học sinh. Thông qua các hoạt động STEAM được triển khai trong các trường học hòa nhập, HS khuyết tật có thể phát triển sự quan tâm và tò mò để tìm hiểu và hiểu các khái niệm khoa học, toán học và công nghệ, kĩ thuật liên quan đến cuộc sống của các em. Để có thể tổ chức thực hiện các hoạt động STEAM có chất lượng trong trường tiểu học hòa nhập, các nhà trường cần thích ứng và tích hợp STEAM vào chương trình giảng dạy dưới dạng các bài học STEAM (tổ chức các hoạt động STEAM gắn với các môn học ở tiểu học như Toán, Tự nhiên Xã hội, Khoa học, Công nghệ, Nghệ thuật) hoặc tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEAM (theo chương trình Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học), bồi dưỡng giáo viên cách thức phân hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động STEAM cũng như cách thức đánh giá học sinh khuyết tật để GV có thể triển khai dạy học phân hóa tốt trong lớp học hòa nhập của mình. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Sanders, M., 2009. STEM, STEM Education, STEMmania. The Technology Teacher, 68(4), 20-26 [2] White, D. W., 2014. What is STEM education and why is it important? Florida Association of Teacher Educators Journal, 1(14), 1-8. Retrieved from http://www.fate1.org/journals/2014/white.pdf [3] LaForce, M.; Noble, E.; Blackwell, C., 2017. Problem-Based Learning (PBL) and Student Interest in STEM Careers: The Roles of Motivation and Ability Beliefs. Educ. Sci., 7, 92. Retrieved from https://doi.org/10.3390/educsci7040092 [4] Erickson, C., 2010. Differentiated instruction: Applying the work of CA Tomlinson in the primary literacy classroom. University of Victoria. http://hdl.handle.net/1828/2599 [5] Evans, C., & Waring, M., 2011. How can an understanding of cognitive style enable trainee teachers to have a better understanding of differentiation in the classroom? Educational Research for Policy and Practice, 10(3), 149-169. https://doi.org/10.1007/s10671-011-9101-1. 110
  8. Tổ chức dạy học phân hóa trong các hoạt động STEAM cho học sinh khuyết tật học hòa nhập ở tiểu học [6] Algozzine, B. & Anderson, K. M., 2007. Tips for Teaching: Differentiating Instruction to Include All Students, Taylor and Francis Journal, 49-54. Retrieved from https://doi.org/10.3200/PSFL.51.3.49-54 [7] King-Shaver, B., 2008. Differentiated instruction: The new and not so new. California English, 13(4), 6-8. [8] Tomlinson, C. A., 1999. Mapping a route toward differentiated instruction. Educational leadership, 57, 12-17. https://education.illinoisstate.edu/downloads/ linc/linccurriculummodule/Tomlinson.pdf [9] Levy, H. M., 2008. Meeting the needs of all students through differentiated instruction: Helping every child reach and exceed standards. The Clearing House: A Journal of Educational Strategies, Issues and Ideas, 81(4), 161-164. https://doi.org/10.3200/TCHS.81.4.161-164 [10] Goodpaster, K. P. S., Adedokun, O. A., & Weaver, G. C., 2012. Teachers' perceptions of rural STEM teaching: Implications for rural teacher retention. The Rural Educator, 33(3). https://doi.org/10.35608/ruraled.v33i3.408 [11] Lê Thị Thu Hương, 2012. Dạy học phân hóa ở tiểu học nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học môn Toán. Luận án tiến sĩ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. [12] Spektor-Levy, O., & Yifrach, M., 2019. If science teachers are positively inclined toward inclusive education, why is it so difficult?. Research in Science Education, 49(3), 737-766. [13] Moon, N. W., Todd, R. L., Morton, D. L., & Ivey, E., 2012. Accommodating students with disabilities in science, technology, engineering, and mathematics (STEM). Atlanta, GA: Center for Assistive Technology and Environmental Access, Georgia Institute of Technology, 8-21. [14] Basham, J. D., & Marino, M. T., 2013. Understanding STEM education and supporting students through universal design for learning. Teaching exceptional children, 45(4), 8-15. [15] Green, S. L., 2014. STEM Education: Strategies for teaching learners with special needs. Nova Science Publisher’s, Incorporated. [16] Street, C. D., Koff, R., Fields, H., Kuehne, L., Handlin, L., Getty, M., Parker, D. R., 2012. Expanding Access to STEM for At-Risk Learners: A New Application of Universal Design for Instruction, Journal of Postsecondary Education and Disability, v25 n4 p363-375 [17] Jolly, A., 2016. STEM Classes And Kids With Special Needs. Retrieved from https://www.middleweb.com/28082/stem-classes-and-kids-with-special-needs/ [18] Jolly, A., 2016. STEM Classes And Kids With Special Needs. Retrieved from https://www.middleweb.com/28082/stem-classes-and-kids-with-special-needs/ [19] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. [20] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tự nhiên & Xã hội, Ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. [21] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018. Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, Ban hành kèm theo thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 111
  9. Nguyễn Hà My ABSTRACT Organizing differentiated instruction in STEAM activities for students with disabilities in elementary inclusive setting Nguyen Ha My Faculty of Special Education, Hanoi National University of Education Currently, more and more training programs in many countries connect STEAM education to teaching and learning; however, students with disabilities still do not have access to STEAM activities in a methodical way and lack differentiation to be able to meet the needs of students with disabilities. In addition, differentiated instruction is widely known as a teaching model or approach to meet the diverse needs of students in the classroom, especially in an inclusive setting with students with disabilities. Therefore, this article focuses on understanding the issue of differentiated instruction in STEAM activities for students with disabilities in inclusive classrooms in elementary settings; from there, it propose some ways of organizing differentiated instruction in STEAM activities for students with disabilities to learn at inclusive elementary schools. Keywords: Differentiated instruction, STEAM, students with disabilities, inclusive education, elementary education. 112
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2