Các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông<br />
đường bộ theo luật hình sự Việt Nam<br />
Bùi Quang Trung<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn ThS. ngành: Luật hình sự; Mã số: 60 38 40<br />
Người hướng dẫn: TS. Hoàng Văn Hùng<br />
Năm bảo vệ: 2011<br />
Abstract. Làm sáng tỏ khái niệm và dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm trật tự<br />
an toàn giao thông đường bộ, trách nhiệm hình sự của người phạm tội, quá trình phát<br />
triển của pháp luật hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay quy định về các tội xâm<br />
phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Phân tích các quy định của Bộ luật hình<br />
sự và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm làm sáng<br />
tỏ các dấu hiệu pháp lý của các tội cụ thể xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường<br />
bộ. Khái quát về tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tình hình tội<br />
phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ những năm gần đây và nguyên nhân của<br />
thực trạng đó. Đánh giá về thực tiễn xét xử, những bất cập, vướng mắc trong thực<br />
tiễn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự hiện hành về các tội xâm phạm trật tự an<br />
toàn giao thông đường bộ và nguyên nhân của chúng. Trên cơ sở đó đề xuất một số<br />
kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành về các tội xâm<br />
phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.<br />
Keywords. Luật hình sự; Tội xâm phạm; An toàn giao thông; Đường bộ; Pháp luật<br />
Việt Nam<br />
<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài<br />
Giao thông đường bộ luôn giữ một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình<br />
phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ một quốc gia nào. Trong những năm qua, mặc dù Đảng,<br />
Nhà nước cũng như chính quyền các cấp đã nỗ lực cố gắng và đề ra nhiều giải pháp để kiềm<br />
chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhưng tai nạn giao<br />
thông vẫn xảy ra nghiêm trọng ở mức cao, gây thiệt hại không nhỏ về tính mạng, sức khỏe và<br />
tài sản của người khác, trong đó đứng đầu là tai nạn giao thông đường bộ. Thực trạng tai nạn<br />
giao thông đường bộ đã trở thành vấn đề xã hội hết sức bức xúc và làm đau đầu các cơ quan<br />
chức năng, các nhà quản lý ở nước ta.<br />
Trước tình hình đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số<br />
22-CT/TW ngày 22 tháng 4 năm 2003 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công<br />
tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" và Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6<br />
năm 2007 "Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao<br />
thông". Nội dung các văn bản trên đã xác định rõ các chủ trương, giải pháp cơ bản, lâu dài và<br />
<br />
các biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế việc gia tăng và từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông,<br />
đồng thời yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các<br />
cấp, các ngành phải đặt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là một trong<br />
những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của mình; phải<br />
tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, triệt để chỉ thị và nghị quyết này.<br />
Việc xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm trật tự an toàn giao thông nói chung và xâm<br />
phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng nói riêng theo quy định của<br />
Bộ luật hình sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các cơ quan tiến hành tố<br />
tụng nhằm góp phần ngăn chặn và kiềm chế tai nạn giao thông. Thực tiễn áp dụng các quy<br />
định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong những<br />
năm qua cho thấy mặc dù đã được sửa đổi bổ sung và có văn bản hướng dẫn của các cơ quan nhà<br />
nước có thẩm quyền nhưng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án này, các Cơ quan<br />
tiến hành tố tụng vẫn thường gặp những vướng mắc, lúng túng trong việc xác định tội danh; áp<br />
dụng các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm<br />
hình sự, đường lối xử lý cụ thể...; đối với các hành vi xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường<br />
bộ. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do các quy định của pháp luật hiện hành về các tội<br />
phạm này (Bộ luật hình sự, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định của Chính phủ) đã bộc lộ nhiều<br />
điểm không còn phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có<br />
thẩm quyền về áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự cũng chưa đầy đủ, cụ thể và rõ ràng<br />
dẫn đến sự nhận thức và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn giữa các cơ quan tiến hành<br />
tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án.<br />
Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ về mặt lý luận các tội xâm phạm trật tự an<br />
toàn giao thông đường bộ, đồng thời tìm ra những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp<br />
dụng các quy định của pháp luật hiện hành về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông<br />
đường bộ và nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện các<br />
quy định pháp luật hiện hành có ý nghĩa rất quan trọng cả về lý luận cũng như thực tiễn. Đây<br />
chính là lý do mà tôi lựa chọn "Các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo<br />
luật hình sự Việt Nam" làm đề tài nghiên cứu.<br />
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn<br />
Mục đích của luận văn là nghiên cứu làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về các tội vi<br />
phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong luật hình sự Việt Nam, thực tiễn điều tra, truy<br />
tố, xét xử các tội phạm này và những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định<br />
của Bộ luật hình sự hiện hành trong quá trình xử lý các hành vi xâm phạm trật tự an toàn giao<br />
thông đường bộ. Trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy<br />
định pháp luật hiện hành về các tội phạm này.<br />
Với mục đích trên, luận văn có các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:<br />
- Làm sáng tỏ khái niệm và dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao<br />
thông đường bộ, trách nhiệm hình sự của người phạm tội, quá trình phát triển của pháp luật<br />
hình sự Việt Nam từ năm 1945 đến nay quy định về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao<br />
thông đường bộ;<br />
- Phân tích các quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà<br />
nước có thẩm quyền nhằm làm sáng tỏ các dấu hiệu pháp lý của các tội cụ thể xâm phạm trật<br />
tự an toàn giao thông đường bộ;<br />
- Khái quát về tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tình hình tội phạm<br />
trong lĩnh vực giao thông đường bộ những năm gần đây và nguyên nhân của thực trạng đó.<br />
- Đánh giá về thực tiễn xét xử, những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy<br />
định của Bộ luật hình sự hiện hành về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ<br />
và nguyên nhân của chúng. Trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn<br />
thiện quy định pháp luật hiện hành về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.<br />
3. Phương pháp nghiên cứu<br />
<br />
Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước và pháp luật, về đấu<br />
tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.<br />
Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở kết hợp một số phương pháp nghiên cứu cụ thể như<br />
phương pháp hệ thống, so sánh, phân tích, tổng hợp, khảo sát thực tiễn,...<br />
4. Kết cấu của luận văn<br />
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm<br />
2 chương:<br />
Chương 1: Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm trật tự an toàn<br />
giao thông đường bộ<br />
Chương 2: Thực tiễn xét xử các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và vấn đề hoàn<br />
thiện các quy định pháp luật hình sự về các tội phạm này.<br />
<br />
Chương 1<br />
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM<br />
TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ<br />
1.1. Khái quát chung về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ<br />
1.1.1. Khái niệm các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ<br />
Các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ là những hành vi nguy hiểm cho<br />
xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực<br />
hiện một cách vô ý, xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính<br />
mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.<br />
Khái niệm trên bao gồm dấu hiệu của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường<br />
bộ, là cơ sở pháp lý để xem xét và xác định hành vi nào là tội xâm phạm trật tự an toàn giao<br />
thông đường bộ. Dấu hiệu cụ thể của tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bao<br />
gồm:<br />
Tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trước hết phải là hành vi nguy hiểm<br />
cho xã hội. Hành vi xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ nguy hiểm cho xã hội là<br />
hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho xã hội hoặc hành<br />
vi tạo khả năng gây ra các thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Các thiệt<br />
hại do hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra cho các quan hệ xã<br />
hội bao gồm: tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Do vậy, trường hợp vi phạm các<br />
quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho chính bản thân người vi phạm mà<br />
không gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, thì không bị coi là tội<br />
phạm.<br />
Dấu hiệu thứ hai của tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ là "được quy<br />
định trong Bộ luật hình sự". Tại Điều 2 Bộ luật hình sự quy định: "Chỉ người nào phạm một<br />
tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự". Do vậy, chỉ người<br />
nào phạm một trong các tội sau đây được quy định trong Bộ luật hình sự mới phải chịu trách<br />
nhiệm hình sự về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ: Tội vi phạm quy<br />
định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202); tội cản trở giao thông đường<br />
bộ (Điều 203); tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an<br />
toàn (Điều 204); tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các<br />
phương tiện giao thông đường bộ (điều 2005). Tức là không thể có tội xâm phạm trật tự an<br />
toàn giao thông đường bộ nếu như hành vi phạm tội đó chưa được mô tả tại một điều luật cụ<br />
thể ở Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.<br />
Dấu hiệu thứ ba của tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ là "tội phạm… do<br />
người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện". Người có năng lực trách nhiệm hình sự là<br />
<br />
con người cụ thể đạt độ tuổi do pháp luật hình sự quy định, có khả năng nhận thức và điều<br />
khiển hành vi của mình. Điều 12 Bộ luật hình sự quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự<br />
như sau: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người<br />
từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất<br />
nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng". Năng lực trách nhiệm hình sự<br />
được Nhà nước ta quy định theo phương pháp loại trừ, tức là khẳng định tình trạng không có<br />
năng lực trách nhiệm hình sự là gì và nếu không phải là tình trạng đó, thì là tình trạng có<br />
năng lực trách nhiệm hình sự.<br />
Dấu hiệu thứ tư của tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ là tính có lỗi của<br />
tội phạm. Lỗi là thái độ tâm lý của người thực hiện tội phạm đối với hành vi nguy hiểm cho<br />
xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả cho xã hội do hành vi đó gây ra. Lỗi của các tội<br />
xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ được thể hiện dưới hình thức vô ý.<br />
Dấu hiệu thứ năm của tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ là tính phải<br />
chịu hình phạt của tội phạm.<br />
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc<br />
hạn chế một số quyền, lợi ích của người phạm tội. Mục đích của hình phạt là trừng trị người<br />
phạm tội; giáo dục họ trở thành người công dân có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp<br />
luật và quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; ngăn ngừa họ phạm tội mới và giáo dục<br />
người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.<br />
Qua phân tích các dấu hiệu của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, có<br />
thể đưa ra khái niệm tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ như sau: tội xâm<br />
phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy<br />
định tại các điều 202, 203, 204 và 205 Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm<br />
hình sự thực hiện một cách vô ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, gây thiệt hại<br />
cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.<br />
1.1.2. Các yếu tố cấu thành tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ<br />
1.1.2.1. Khách thể của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ<br />
Khách thể của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ là sự an toàn của<br />
hoạt động giao thông đường bộ và an toàn về tính mạng, sức khỏe của công dân, tài sản của<br />
Nhà nước, tập thể và công dân.<br />
1.1.2.2. Mặt khách quan của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ:<br />
Về mặt khách quan, thì các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ là những<br />
tội phạm có cấu thành vật chất. Do vậy, mặt khách quan của các tội xâm phạm trật tự an toàn<br />
giao thông đường bộ bao gồm các yếu tố: hành vi khách quan, hậu quả do hành vi phạm tội<br />
gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.<br />
1.1.2.3. Mặt chủ quan của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ<br />
Mặt chủ quan của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ bao gồm một<br />
yếu tố lỗi mà không bao gồm yếu tố động cơ, mục đích. Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm<br />
tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do mình thực hiện và đối với hậu quả do hành vi<br />
phạm tội gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.<br />
1.1.2.4. Chủ thể của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ<br />
Chủ thể của các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ sau đây là người đạt<br />
độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự đối với các tội: tội vi<br />
phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và tội cản trở giao thông<br />
đường bộ.<br />
Chủ thể của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an<br />
toàn và tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện<br />
giao thông đường bộ ngoài đạt độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự thì chủ thể của hai tội<br />
này phải là người có trách nhiệm quyền hạn trực tiếp trong việc sử dụng phương tiện và điều<br />
động lái xe.<br />
<br />
1.2. Quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông<br />
đường Bộ<br />
1.2.1. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ<br />
1.2.1.1. Khái niệm<br />
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là hành vi của<br />
người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao<br />
thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe,<br />
tài sản của người khác.<br />
1.2.1.2. Dấu hiệu pháp lý<br />
Khách thể của tội phạm là sự an toàn của hoạt động giao thông đường bộ và sự an toàn về<br />
tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.<br />
Mặt khách quan của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường<br />
bộ bao gồm các yếu tố: hành vi khách quan; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; mối quan hệ<br />
nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.<br />
Về mặt chủ quan, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ<br />
được thực hiện do lỗi vô ý do tự tin hoặc do cẩu thả.<br />
Chủ thể của tội phạm:<br />
Chủ thể của tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ<br />
quy định tại tất cả các khoản 1, 2, 3, và 4 Điều 202 Bộ luật hình sự là người từ đủ 16 tuổi<br />
trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.<br />
1.2.1.3. Hình phạt<br />
Điều 202 Bộ luật hình sự quy định bốn khung hình phạt đối với người phạm tội vi phạm<br />
quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.<br />
1.2.2. Tội cản trở giao thông đường bộ<br />
1.2.2.1. Khái niệm<br />
Tội cản trở giao thông đường bộ là một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại cho<br />
tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác: đào, khoan,<br />
xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở<br />
giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển<br />
báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ; mở đường giao cắt trái phép qua đường<br />
bộ, đường có giải phân cách; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang<br />
bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường<br />
bộ; và hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.<br />
1.2.2.2. Dấu hiệu pháp lý<br />
Khách thể của tội phạm là sự an toàn của hoạt động giao thông đường bộ và sự an toàn<br />
về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác (xem phần trình bày về khách thể của tội vi<br />
phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ).<br />
Mặt khách quan của tội cản trở giao thông đường bộ bao gồm các yếu tố: hành vi khách<br />
quan; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và<br />
hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.<br />
Về mặt chủ quan, tội cản trở giao thông đường bộ được thực hiện do lỗi vô ý do tự tin<br />
hoặc do cẩu thả.<br />
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội cản trở giao thông đường bộ quy định tại tất cả các<br />
khoản 1, 2, 3, và 4 Điều 203 Bộ luật hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên có đủ năng lực<br />
trách nhiệm hình sự.<br />
1.2.2.3. Hình phạt<br />
Điều 203 Bộ luật hình sự quy định bốn khung hình phạt đối với người phạm tội cản trở<br />
giao thông đường bộ.<br />
1.2.3. Tội "đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an<br />
toàn"<br />
<br />