intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Trần Trọng Vũ

Chia sẻ: Nguyen Hoang Phuong Uyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:18

88
lượt xem
14
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nền nghệ thuật tạo hình (nếu còn có thể gọi là như vậy) Việt Nam thời hiện đại, kể từ cột mốc thành lập trường mỹ nghệ thực hành Gia Định tại Sài Gòn, và sau đó là trường cao đẳng Mỹ thuật Đông dương tại Hà Nội, cho tới nay, đã trải qua rất nhiều khúc ngoặt. Trong đó, phải kể tới khúc ngoặt vào thập kỷ 90, khi diện mạo của nền nghệ thuật ấy bắt đầu thay đổi theo hướng tích cực hơn thông qua khuôn mặt của một số nghệ sỹ thế hệ mới với...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Trần Trọng Vũ

  1. Trần Trọng Vũ: «...Tôi thuộc về những người hoạt động riêng lẻ, vô danh...» Nền nghệ thuật tạo hình (nếu còn có thể gọi là như vậy) Việt Nam thời hiện đại, kể từ cột mốc thành lập trường mỹ nghệ thực hành Gia Định tại Sài Gòn, và sau đó là trường cao đẳng Mỹ thuật Đông dương tại Hà Nội, cho tới nay, đã trải qua rất nhiều khúc ngoặt. Trong đó, phải kể tới khúc ngoặt vào thập kỷ 90, khi diện mạo của nền nghệ thuật ấy bắt đầu thay đổi theo hướng tích cực hơn thông qua khuôn mặt của một số nghệ sỹ thế hệ mới với những hoạt động triển lãm mang tính độc lập (không đứng dưới sự bảo trợ của hội nghệ sỹ tạo hình Việt Nam như trước đây nữa) lần đầu tiên. Và thế là, trong từ vựng của bề mặt nền nghệ thuật, người ta đã bắt đầu nói tới những cái tên mới mẻ như Nguyễn Quân, Đặng Xuân Hoà, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Trần Lương, v.v... (ở phía Bắc) và những cái tên như Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Vũ Hà Nam, Nguyễn Tấn Cương, v.v... (ở Phía Nam). Đó quả thật là những tháng ngày vàng ngọc của một nền nghệ thuật vừa nếm hương vị của đổi mới, các gallery đua nhau mở ra, thương mại nghệ thuật lần đầu tiên được trao đổi trong phạm vi tư nhân, các nghệ sỹ sung mãn cũng dường như hân hoan trong một niềm tin: cùng nắm tay nhau tạo nên một loại nghệ thuật
  2. «tốt đạo, đẹp đời», khi mà, tỷ lệ thuận cùng với hầu bao càng ngày càng căng lên, là những bài những bài viết review hoặc những khảo cứu chuyên sâu tán dương cả bằng tiếng Việt lẫn Anh ngữ trên những tạp chí trong khu vực và thậm chí xa hơn... Giữa tâm điểm của những thực hành nghệ thuật và các trao đổi thương mại đó, đã xuất hiện một gương mặt «mới toe»: Trần Trọng Vũ. Là một trong những nghệ sỹ trẻ nhất của thế hệ mới (sinh năm 1965), Trần Trọng Vũ, ngay từ ngày đó đã chọn cho mình một lối đi, tuy vẫn nằm trong khí quyển của những thực hành kết hợp nguồn mạch dân gian và các yếu tố tạo hình hiện đại của hầu hết các nghệ sỹ thế hệ mới phía Bắc thời đó, nhưng cũng đã báo hiệu một quan tâm sâu sắc trong việc đi xa hơn hành động tái trình hiện lại không khí dân gian bằng cách sử dụng thẳng thừng một số motif của hoa văn cổ hay các cờ phướn sử dụng trong lễ hội, v.v... hoặc hình ảnh trâu bò hay làng quê Việt của hầu hết các nghệ sỹ thế hệ mới thời đó. Không tránh khỏi cái không khí chung của cuộc hội ngộ mừng mừng tủi tủi giữa văn hóa Việt Nam thời đổi mới và thế giới phương Tây, tuy nhiên, bằng bản năng nghệ sỹ kế thừa từ người cha mình là nhà thơ Trần Dần, Trần Trọng Vũ đã không chọn mội lối đi dễ dãi cho mình Cái không khí đậm chất dân gian trong tranh của Trần Trọng Vũ hồi đó đã là một không khí được khúc xạ – chứ không chỉ là một không khí trực tiếp theo kiểu soi gương. Không khí ấy được hình thành qua cách sử dụng các lớp chênh sâu ý nhị của sắc độ cũng như qua cách kết liên mầu theo kênh ngũ sắc (mà trong đó vai trò của cánh sen và trắng dường như là một vai trò quyết định) để tạo nên một ảo ảnh lạ lùng và mềm mại, cái ảo ảnh thường luôn được cố định lại bằng các nét đen to khỏe (theo lối tranh khắc gỗ dân gian Hàng Trống và Đông Hồ). Người ta cũng có thể thấy bóng dáng của Chagall, Matisse phảng phất đâu đây qua lối vẽ hình lệch lạc cố ý cũng như các nhân vật/đồ vật ngơ ngác trong những tư thế lạ lùng...
  3. Untitled Bẵng đi một thời gian, không thấy Trần Trọng Vũ xuất hiện trên bề mặt của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Thế nhưng, gần đây, công chúng quan tâm tới nghệ thuật thị giác Việt Nam lại thấy anh xuất hiện liên tiếp qua một số triển lãm, trong đó có hai cuộc triển lãm cá nhân: Good Morning Vietnam (New York, 2001-2002), và Blue Memory (tại Nelson Fine Arts Center, Arizona State University Art Museum, từ ngày 7 tháng Hai đến ngày 1 tháng Năm, 2004) - với một diện mạo khác hẳn diện mạo ngày xưa. Nhân dịp này, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với anh *** Như Huy (NH): Trong thời điểm hiện tại, nếu có ai đó muốn tìm hiểu về nghệ sỹ Trần Trọng Vũ qua Internet. Sau một cái nhấp chuột, họ sẽ nhận được một khối lượng hình ảnh (của những tác phẩm nghệ thuật) đủ để bắt họ hoang mang vì
  4. cái cảm giác cùng lúc phải đối diện với hai Trần Trọng Vũ khác nhau (qua hai phương hướng làm nghệ thuật rất khác nhau). Anh nghĩ thế nào về điều này Trần Trọng Vũ (TTV): Người đời thường nói trong một con người thường xuyên tồn tại cả cái tốt cả cái xấu, cả cái thiện cả cái ác, cả sự thông minh lẫn khờ dại. Nhưng người đời cũng hay định giá người này tốt bung, còn người kia xấu tính, như thể có hai loại người đối lập không thể bao giờ trộn lẫn, và như thể người nào đã đạo đức phải luôn luôn đạo đức, đã bất lương là phải tiếp tục bất lương. Cách đây không lâu tôi có ghi lại một cuộc nói chuyện của hai nhân vật: Vũ và Trần Trọng Vũ. Cần phải giải thích ở đây rằng tất cả các tranh vẽ của tôi trước 1998 đều được ký tên Vũ, và kể từ mốc thời gian này toàn bộ công việc của tôi mới bắt đầu được mang cái tên trọn vẹn Trần Trọng Vũ. Cuộc nói chuyện này chủ yếu xoay quanh hai cách khai thác khác nhau những địa điểm mà họ đã sống, đã đi qua, và những gì mà những địa điểm này đã mang lại cho việc sáng tác của họ. Kết quả là những sự đối lập trọn vẹn. Tôi cho rằng những người làm nghệ thuật có khả năng mang trong họ những chân dung khác nhau. Họ có thể chỉ có nhu cầu bộc lộ một vài phẩm chất, chứ không phải tất cả. Họ không cần phải chứng tỏ toàn bộ các tài năng cũng như khiếm khuyết của họ trong đời sống văn hoá, chính trị, đạo đức, tình dục, ẩm thực, để xây dựng một chứng minh thư duy nhất và hoàn chỉnh. Những năm trước 1998, khi Vũ khát khao theo đuổi cái đẹp, và tìm cách đóng khung hội hoạ của anh ta trong một thứ hội hoạ thuần tuý, thì Trần Trọng Vũ lại luôn cảm thấy bất an, không đề nghị được một lối đi nào nhưng luôn đòi hỏi một cái gì khác. Trong những năm dài này, những tranh vẽ được ký tên Vũ đi từ thí nghiệm này sang thí nghiệm khác. Nhiều cuộc tìm kiếm đã được làm, từ thể loại, đến chất liệu, đến tạo chất, và những bút pháp khác nhau…, và nhất là phải làm sao để tất cả đều không rơi được ra ngoài các quy định thẩm mỹ của Vũ. Chỉ tới 1998 tôi mới đi được đến một quyết định táo bạo hơn: tôi tìm cách làm ngược
  5. lại tất cả những quan niệm hội hoạ mà Vũ đã cất công xây dựng. Trần Trọng Vũ ñaõ thay thế cho Vũ, từ chối cái thẩm mỹ dễ thương, lấy lại những gì mà Vũ đã từng coi là phản nghệ thuật, hoặc không thuộc phạm vi của hội hoạ. Tất cả những thứ rác rưởi bị bỏ lại của Vũ được Trần Trong Vũ đem về xưởng của mình, để làm một thứ hội hoạ khác. Ví dụ tập hợp mầu đỏ và vàng, ví dụ tranh cổ động và kỹ thuật quảng cáo, ví dụ nội dung trong hội hoạ, ví dụ thái độ chính trị, xã hội và văn hoá của người làm nghệ thuật. Sự chung sống của Vũ và Trần Trọng Vũ chính là cách thúc đẩy hội hoạ của họ đến những lối đi mới. Ngay cả trong công việc hiện tại của Trần Trọng Vũ, bao giờ cũng dễ dàng tìm thấy nhiều yếu tố không đồng nhất hoặc mâu thuẫn được cố tình xếp cạnh nhau, trên cùng một mặt tranh, trong cùng một tác phẩm. Ví dụ nhiều kỹ thuật. Ví dụ nhiều thể loại nghệ thuật. Ví dụ cái vô lý và hợp lý. Ví dụ cái ảo và thật. Ví dụ cái động và tĩnh. Ví dụ cái thẩm mỹ và phản thẩm mỹ. Ví dụ tác động thị giác và tâm lý. Tôi cho rằng công việc của tôi ngày hôm nay lấy từ các mâu thuẫn để phản ánh các mâu thuẫn. Còn cái chữ ký Trần Trọng Vũ, bao trùm cả cái tên Vũ, cũng là một cách bảo vệ và nuôi lớn các mâu thuẫn mà tôi nghĩ trong một con người ai cũng có cũng cần. Nhưng không phải ai cũng ý thức được và biết cách sử dụng chúng, như một hoạ sĩ. Tôi cũng cho rằng trong vòng mười lăm năm, việc tôi chỉ thay đổi chữ ký có một lần không thể được coi là một thành tựu xuất sắc. Trong vòng mười lăm năm tôi có hai công chúng chẳng bao giờ chia xẻ tình yêu của họ cho nhau được. Công chúng thứ nhất của hoạ sĩ Vũ buồn bã cho rằng hoạ sĩ đã chết. Công chúng thứ hai của Trần Trong Vũ lại không thể thông cảm được cho những tranh vẽ trước 1998. Tôi đã quên nhân vật Vũ từ lâu lắm rồi, nhưng những bạn cũ thì vẫn cứ thương nhớ anh ta hoài, do vậy mới có sự xáo trộn ghê gớm của hai nhân vật dưới chỉ một cái tên. NH: Như tôi hiểu, cái chuyển mình đầu tiên và quan trọng nhất của nghệ thuật sau hiện đại chính là cái chuyển mình hướng về đại chúng, chấp nhận sức
  6. mạnh của đai chúng (thay vì phòng thủ và lảng xa họ với thái độ biệt lập) thông qua việc giải cấu trúc hội họa bằng những yếu tố phi hội họa như trình hiện thay vì tạo hình. Thời gian và sân khấu thay vì không gian và phi tuyến tính, sao chép thay vì sáng tạo, v.v... Sự chuyển mình này cũng phần nào có thể thấy qua xung đột giữa hai nhân Vật Vũ và Trần Trọng Vũ trong nghệ thuật của anh. Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn trên chuyên trang Giant Robot , anh cũng đã gần như xác quyết là không bao giờ từ khước việc vẽ tranh và tranh là ý nghĩa duy nhất của tác phẩm (và điều này cũng thể hiện rõ qua việc các yếu tố tạo hình dường như vẫn mang tính chủ đạo trong các tác phẩm gần đây của anh). Anh có thể giải thích rõ thêm về điều này? TTV: Điều rõ rệt nhất mà tôi học được ở lịch sử nghệ thuật là nó được làm từ những phủ nhận. Quan hệ của Vũ và Trần Trong Vũ ít nhiều mang tính quy luật. Nhưng có lẽ có một nhầm lẫn nhỏ. Trên Giant Robot tôi có nói rằng không giống như nhiều hoạ sĩ (với họ hội hoạ vừa là công cụ biểu đạt vừa là kết quả cuối cùng), tôi chỉ coi hội hoạ như một phương tiện, chứ không là mục đích. Việc gọi tên những công việc sau cùng của tôi là tranh vẽ có thể không thoả đáng, là xếp đặt cũng không ổn. Ở trường hợp Good Morning Vietnam hoặc Blue Memory công chúng chỉ thu nhận được toàn bộ tác phẩm bằng sự tham gia tích cực của chính bản thân họ, khi họ phải tự tìm đường đi bên trong tác phẩm, và cùng với sự di chuyển họ sẽ nhận được rất nhiều hình ảnh thị giác đến từ mọi phía. Không thể thưởng thức những công việc này bằng cách thức thông thường theo kiểu tranh vẽ được định vị ngay ngắn trên tường, ở độ cao nhất định, còn khán giả thì đứng ngắm từ những vị trí đối diện, với những khoảng cách cần thiết, vv. Tất cả những phiên bản bằng ảnh chụp của những triển lãm này đều không truyền đạt nổi tinh thần và ý đồ của chúng. Chỉ có một cách quay lại thành phim mới có thể cho được một khái niệm rõ ràng hơn về tác phẩm. Có thể nói tôi sử dụng khả năng của tôi về hội hoạ, sử dụng chính hội hoạ, để gây nên những hình ảnh, thật và ảo. Chủ trương
  7. lạm dụng hội hoạ để đi ra ngoài hội hoạ của tôi là như vậy. Ở đây tranh không thể là «ý nghĩa duy nhất của tác phẩm» được. Ngày hôm nay rất nhiều nghệ sĩ từ chối hội hoạ, từ chối những tiếp xúc trực tiếp của bàn tay họ với tác phẩm, mà nhất loạt phải thông qua những phương tiện công nghiệp khác, như máy ảnh, video, internet, máy vi tính… Họ được coi như những nghệ sĩ tiên tiến nhất và chiếm lĩnh hầu hết các diễn đàn nghệ thuật thị giác đương đại. Tôi có thói quen không đi cùng đường với những người đương thời, vì đi cùng đồng nghĩa với đi lại, nên tôi chủ trương đi ngược. Việc hội hoạ bị xếp vào vị trí yếu ớt trong nghệ thuật tạo hình đương đại lại kích thích tôi sử dụng hội hoạ nhiều hơn để bênh vực cho nó và bảo vệ cách làm thủ công của hoạ sĩ. Tôi muốn chứng minh rằng hội hoạ của tôi là một giá trị đương đại. Vả lại, bao giờ tôi cũng phải đi hết đường của mình, cho đến tận cùng, cho đến bế tắc, để có thể nhìn thấy một đường đi mới. «Đi hết đường mới có đường» là như vậy. Nếu một ngày, hội hoạ được lên ngôi được đi theo bởi đa số, tôi sẽ có đủ lý do để từ bỏ nó, để đến với những phương tiện khác. NH: Dường như trong thời điểm văn hóa hiện tiền này, con người đang bị dằng xé bởi hai dạng quyền lực. Trong khi các quy luật thị trường toàn cầu hóa đang đè bẹp các xã hội, các văn hóa và các phong trào xã hội, thì cùng lúc sự ám ảnh về căn tính sinh ra bởi mặc cảm bị loại trừ và dẫn tới niềm say mê dân tộc lại giam người ta vào một sự độc đoán và cuồng tín. Các nhân vật được diễn tả trong các tác phẩm gần đây của anh (nhất là trong Good Morning Vietnam) - với khuôn mặt và nụ cười vô cảm (theo kiểu chú tễu) - thực sự được anh dùng để nói tới điều gì? Họ đang bị đèp bẹp xuống tới mức vô hồn hàng loạt bởi cái nhìn toàn cầu hóa không thèm đếm xỉa tới căn tính, hay là đang cố trưng ra cái căn tính tự giả định (thông qua nụ cười) bởi mặc cảm bị loại trừ?
  8. TTV: Có thể nói đây là biểu hiện rõ nhất của tính mập mờ mà tôi luôn nhìn thấy ở mỗi sự vật, mỗi hiện tượng, mà tôi thường xuyên đề nghị cho sản phẩm của tôi. Những cái miệng mở to đi từ nụ cười đến chỗ không còn là cười nữa, hoặc biến dạng thành những cái ngáp. Những gương mặt như vậy được tôi gọi tên là «nụ cười may sẵn», giống như những quần áo may sẵn vẫn bán ở các cửa hàng vậy. Hình thức được ưu tiên của chúng là những chiếc môi rất đỏ mở rất rộng lấy về từ kỹ nghệ quảng cáo. Nụ cười này có thể chẳng mang ý nghĩa gì, có thể được cho rất nhiều nghĩa, nhưng chắc chắn tất cả đều không chỉ nhằm giải thích những trạng thái vui sướng. Cười là giây phút trống rỗng và ngu độn nhất của các não bộ: tất cả ưu tư, kiến thức, tư tưởng, trách nhiệm, sự thông minh, lý tưởng, vv, vào lúc ngắn ngủi này đều bị ném bằng hết ra ngoài. Bản thân hình thức cười cũng là một hành động lấp lửng. Người Việt Nam thường dùng nụ cười làm công cụ che giấu rất nhiều tình huống bất lợi: không hiểu thì cười, không trả lời được thì cười, bị mắng thì cười cho đỡ ngượng, làm sai cũng cười. Good Morning Vietnam
  9. Và khi nụ cười này được dùng cho cả một đại tập thể cùng chỉ mặc một loại quần xịp mầu mỡ gà, cùng có nước da hồng, cùng tóc đen, cùng chiều cao, cùng một tư thế đứng nghiêm – như trường hợp của Good Morning Vietnam - tôi đã phải thừa nhận rằng người đời luôn say mê cùng một thứ, là được giống như tập thể. Nụ cười đã vét sạch tất cả nội dung bên trong những cái đầu đáng yêu này. Cũng cần phải hiểu rằng nụ cười luôn được tôi đặt vào những tình huống vô lý, và những vị trí khó có thể cười được. NH: Trong một bài giới thiệu về triển lãm của anh tại Mỹ, anh đã được định dạng như là một nghệ sỹ Pop. Theo tôi, dường như có gì đó không ổn trong cách định dạng này, bởi, trái với sự bác bỏ khoảng cách giữa ký hiệu và nghĩa nhằm mục đích triệt phá chiều sâu của pop art, tôi lại thấy tác phẩm của anh dường như rất đa nghĩa? Anh nghĩ sao về điều này? Và nếu như phải đặt tên cho phong cách nghệ thuật của mình, anh sẽ chọn cái tên nào? TTV: Thói quen của người xem là đóng khung tác giả vào trong một trào lưu nghệ thuật mà họ đã biết, điều đó giúp đỡ họ rất nhiều về mặt tâm lý. Không ít yếu tố có thể đem chia cho nhiều tác giả vốn không hề liên quan tới nhau, nhưng không phải tất cả. Tôi hoặc nghệ thuật Pop Art, tuy cường độ có khác nhau, đều đặt niềm tin của mình vào quyền lực của hình ảnh, đều lợi dụng và vay mượn những tư liệu của văn hoá đại chúng. Nhưng lý do và kết quả công việc lại nằm ở những lộ trình khác nhau. Pop Art ra đời cùng xã hội tiêu thụ, quan sát và ghi nhận những cái mới của cuộc sống hiện đại, và lấy ra từ đấy cả đề tài, cả tư liệu, cũng như chất liệu. Tôi lại có rất nhiều lý do riêng tư khi sử dụng những sống sượng của hiện thực, thông thường đấy là những chi tiết (không thị giác) đã động chạm và can thiệp thô bạo vào cá nhân tôi, thông thường đấy là những câu chuyện đã để lại nơi tôi rất nhiều dấu vết khó lành. Thay vì kể lại chúng bằng câu bằng chữ, tôi đã chọn cách kể bằng thị giác. Tôi không có cách nào hiệu quả hơn là sử dụng lại những tư liệu này, dù phản thẩm mĩ, dù vô lễ, hoặc thô tục.
  10. Tôi đồng ý với anh về mục đích triệt bỏ chiều sâu của Pop Art. Chính vì vậy Pop Art hoàn toàn có thể ngay lập tức gây được lòng tin của công chúng vào cái hiện thực được khẳng định. Tôi lại muốn sản phẩm của tôi chứa đựng phía sau nó nhiều tầng ý nghĩa. Tôi chỉ yêu cầu người xem đọc chúng như đọc những mâu thuẫn, nhưng tôi không giải thích cho họ cách đọc, và cũng không đòi hỏi phải đọc cho đúng, phải đọc bằng hết. Công việc của tôi đề nghị một hiện thực nghi vấn, thông qua những trạng thái vô lý, hoặc bất khả kháng. Tôi cố tình cung cấp cho công chúng những câu hỏi, gợi ý cho họ nhiều nghĩ ngợi và hoài nghi về cái hiện thực đa chiều này. Tôi không nghĩ có thể nhìn thấy những vấn đề cá nhân hoặc quá khứ của các tác giả Pop thông qua tác phẩm của họ. Còn công việc của tôi lại mang nội dung nhật ký, không giấu được nhiều cay đắng, ám ảnh và bất an phía sau những nụ cười, những mầu sắc rực rỡ. Tôi chưa bao giờ tự nhận là thành viên của Pop Art hoặc Conceptual Art, vv. Đặt tên cho một phong cách nghệ thuật là ít nhiều đi tới một vài định nghĩa cho nó. Tôi muốn có một cái tên mà không cần phải kết thúc bằng các «…ism». Tôi thuộc về những người hoạt động riêng lẻ, vô danh, tự tra hỏi những kinh nghiệm sống và sẵn lòng ngồi xổm lên trên tất cả các hiện thực để nói không là như thế. Tên gọi cho công việc của tôi do đó có thể là một danh từ, một động từ thông thường, lấy từ khẩu ngữ, không đáng đem chia cho tập thể, hoặc có thể dùng ngay hợp từ «msi» (là lối viết ngược của ism) đều được. NH: Dù gì đi nữa, có thể thấy rõ một sự chuyển hóa trong anh, từ vai trò Nghệ sỹ - kẻ sáng tạo ra những tiên đề thẩm mỹ –, tới vai trò Nghệ sỹ - kẻ giải mã và bình chú về những tình huống xã hội. Anh có thuận lợi và khó khăn gì trong vai trò mới, khi bình luận và giải mã những tình huống xã hội không hẳn đang là sát sườn và «thuộc về» anh (nhất là do cái trạng thái sống hiện nay của anh - một nghệ sỹ ở «khoảng giữa» (in between) - theo cách nhận định của Nora Taylor )? Anh
  11. cảm thấy thế nào khi có người sẽ nhận định rằng, thật ra, không phải là in between, mà cái vị thế của anh hiện nay, để quán chiếu vào hiện trạng xã hội, lại là một vị thế của một outsider (kẻ ngoài cuộc). TTV: Người sống ở «khoảng giữa» thuộc về cả hai bên. Vị thế này giúp anh ta nhìn về cả hai phía, vừa như «kẻ ngoài cuộc», vừa như «người trong cuộc». Đồng thời, anh ta phải bị từ chối bởi cả hai phía, vì chẳng bên nào nhận đủ toàn bộ tình thân của anh. Một vị trí như thế thật hấp dẫn, hấp dẫn vì không lên được chương trình cho ngày mai, không được chăm sóc bởi bất cứ một tập thể nào, không được báo trước và hướng dẫn cách đi như thế nào cho giống đồng loại. Tôi không lấy làm lạ cũng chẳng mếch lòng khi bị coi là «kẻ ngoài cuộc». Cái khác nằm ở chỗ «kẻ ngoài cuộc» ấy đã được sinh ra và nuôi lớn từ bên trong, hiểu và thuộc cái bên trong ấy như những đồ đạc trong nhà. Chỉ có những kẻ ngoài cuộc chưa bao giờ sống đủ cuộc sống «trong cuộc» mới cho phép họ thưởng thức Việt Nam bằng vịnh Hạ Long, xích lô, Điện Biên Phủ, chả giò, chiến tranh và thời đổi mới. Cũng chỉ có những người trong cuộc chưa một lần dám lùi hẳn ra ngoài để nhìn được hết cái tổng thể gọi là bên trong ấy, để xem hình thù của nó ra sao, mới tự cho họ quyền độc tôn được nói yêu nói ghét. Trong một vài giai đoạn tạm thời tôi chọn hiện thực Việt Nam làm đối tượng, một phần vì tôi còn mang trên mình quá nhiều quá khứ không biết đổ vào đâu cho đỡ nặng, một phần vì tôi chưa bao giờ đi qua một hiện thực nào bên ngoài Việt Nam lại phi thực đến như vậy, độc đáo và khó tin đến như vậy. Chưa có nơi nào người làm nghệ thuật lại an tâm như thế. Chưa ở đâu như ở đây chỉ cần không biết hút thuốc đã là trường hợp hiếm có, không thích xem đá bóng đã thành người độc đáo. Chỉ cần trung thành kể lại hiện thực này, không cần bịa thêm, đã sánh ngang được với sáng tạo.
  12. Vả lại, người làm nghệ thuật với đúng nghĩa của nó bao giờ cũng nhìn xã hội bằng con mắt phê bình và cá nhân, bao giờ cũng bị quyến rũ bởi nghịch lý, bao giờ cũng bị đám đông nhân danh tập thể và công lý đẩy ra ngoài rìa. Vị trí ngoài cuộc của tôi có khác gì đâu so với chỗ đứng của họ. Cái khó khăn của người làm nghệ thuật là sử dụng như thế nào khả năng bình giải của họ, như một trong nhiều phương tiện biểu đạt. NH: Anh vừa nói tới quá khứ - một quá khứ như gánh nặng mà anh phải mang vác. Anh có thể nói kỹ hơn về gánh nặng ấy không? Anh có thể nói thêm đôi chút về nhà thơ Trần Dần (cha của anh)?. Bản thân ông (và cuộc đời nghệ thuật của ông) liệu có tác động gì không tới con đường nghệ thuật của anh hiện tại? TTV: Tôi tin rằng những thế hệ trước tôi đã sống nhiều cuộc đời không dễ dàng. Tôi thuộc về thế hệ đến sau, ít nhiều còn may mắn được hưởng những năm tháng thương khó nhất. Nhưng theo lẽ thường, quá khứ phải được đẩy lùi bằng nhiều quá khứ. Ở trường hợp tôi, cái có thể nhớ được là những ngày tôi còn là «người trong cuộc». Sau đó không còn quá khứ nào có đủ khả năng đứng chắn phía trước nữa. Ở trường hợp Việt Nam, quá khứ là cái sống dai nhất, hoàn toàn có thể phục sinh bất cứ lúc nào, hoàn toàn có khả năng kéo dài hơn cả một đời người. Những gì tôi đã học được từ Việt Nam những năm trước 90 có thể áp dụng vào xã hội Việt Nam biến dạng của ngày hôm nay. Kể cả những kết luận của tôi về tâm tính người Việt thời bao cấp cũng đủ dùng để giải nghĩa cho tình yêu tiền bạc của thời đổi mới, cho cả những giai cấp Việt Kiều bao giờ cũng chuyển động chậm chạp xung quanh chuyện yêu ai ghét ai. Những cuộc trở về Hà Nội dù muốn hay không, để tôi làm lại nhiều thói quen nhiều phản xạ đã có, lặp lại nhiều cách cư xử không xứng đáng được làm. Tôi không tìm được những phản ứng nào kém tầm thường hơn là sử dụng quá khứ như đơn vị đo lường cho cuộc sống vật chất, văn hoá, chính trị ngày hôm nay. Quá khứ xuất hiện trong tôi không như những câu chuyện cụ thể có nạn nhân
  13. có nhân vật, có những cái tên chính diện rồi phản diện… mà như những đề tựa cô đọng, ví dụ vấn đề cá nhân và tình yêu tập thể, ví dụ tại sao không có người xấu hổ, ví dụ đi vệ sinh như thế nào, nói dối ra sao… Có thể kể ra rất nhiều tiêu đề như vậy, rất quyến rũ và sáng tạo, mà lại vô cùng nhàm chán trong hiện thực Việt Nam, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy hoặc muốn nhìn thấy. Những tiêu đề này hoàn toàn đủ phẩm chất làm đề tài cho nhiều công việc của tôi. Đây là một trong những lý do đã cắt nghĩa vì sao tôi - một hoạ sĩ, lại không thể bằng lòng đi tìm thẩm mĩ, không bằng lòng làm thứ hội hoạ đẹp mắt, không bằng lòng cư xử như một hoạ sĩ đáng yêu. Thực ra, tôi luôn có một nguyên tắc làm việc, ngay từ thời học mỹ thuật, là sử dụng trí nhớ, chứ không đến ngồi trước hiện thực. Nếu trước kia toàn bộ công việc của tôi lấy từ ký ức thị giác, thì sau này ký ức không còn là hình ảnh nữa. Và, cái lấp đầy quá khứ chính là những gì đòi được kể lại thành lời. Việc chuyển chúng thành thị giác thú vị hơn nhiều, vất vả hơn nhiều. Một phần công việc của tôi được làm theo cách thức này. Các tựa đề gợi ý cho tôi những tín hiệu thị giác, không hẳn tương ứng, không hẳn là bản phiên dịch hoặc suy diễn, hoặc bài minh hoạ. Tôi không đòi hỏi những phần chữ viết và hình hoạ đứng cạnh nhau trong cùng một công việc phải như một bài giảng cái nọ giải nghĩa cho cái kia, mà tôi chỉ đề nghị khảo sát xem chúng liệu có thể được đi cùng nhau, phải đi cùng nhau. Tôi không biết có phải bố tôi và cuộc đời thơ của ông đã để lại cho tôi một quá khứ dang dở. Tôi không biết nếu không có bi kịch của ông liệu tôi sẽ có những ứng xử khác với hội hoạ, với cuộc sống? Nhưng chắc chắn trường học cuộc đời đã và sẽ cho tôi mọi phương tiện để tồn tại, để phân biệt không và có. Chắc chắn tôi đã lấy được từ ông rất nhiều chuyện cần thiết cho sự nghiệp của tôi. Và cũng chắc chắn tôi không muốn luôn luôn ở lại dưới bóng của ông, đi lại con đường mà ông đã cho, mặc dù như thế thì đỡ vất vả cho tôi nhiều lắm. Ông cũng
  14. chẳng muốn như vậy. Bởi vì «chỉ có động vật dễ dàng mới đi đường dễ», như lời của ông. NH: Qua những thông tin (trên mạng), tôi được biết rằng cuộc triển lãm mới rồi của anh tại Mỹ là một triển lãm khá thành công, nhìn trên góc độ nghề nghiệp. Đây cũng là triển lãm riêng đầu tiên của anh tại Mỹ. Vậy anh đã có dự án nghệ thuật nào tiếp theo tại Mỹ chưa? Hiện nay anh đang làm gì? Cũng theo thông tin trên mạng, tôi còn được biết là bà Nora Taylor (một nhà nghiên cứu không xa lạ gì với nghệ thuật Việt Nam đương đại) cũng đã có vai trò khá lớn đối với việc giới thiệu nghệ thuật của anh vào không gian Mỹ. Vậy có phải hiện giờ Nora Taylor đang là dealer chính thức của anh? TTV: Đây là triển lãm riêng đầu tiên của tôi trong một bảo tàng Mỹ, trước đó tôi đã có những triển lãm cá nhân, và nhóm ở những địa chỉ khác tại New York. Đây cũng là triển lãm mà tôi được cung cấp đầy đủ điều kiện làm việc nhất về không gian, ánh sáng. Việc sử dụng chất liệu nylon trong đã làm tôi lo lắng về kỹ thuật từ nhiều năm trước, đã lấy rất nhiều thời gian và công sức của tôi khi tìm hiểu các khả năng và đặc thù của nó, đến triển lãm này được hoàn thiện hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng kết quả lớn nhất mà tôi làm được kể từ Good Morning Vietnam, là tấn công được vào thái độ thờ ơ quen thuộc của người xem, cho họ cái nhu cầu phải bộc lộ một vài phản ứng, nói một cái gì đấy, hoặc cao hơn nữa, phải trao đổi với tác giả. Tôi có thể nói đã cho họ một vài ngạc nhiên nào đó. Trong dự án, tôi sẽ chỉ đem Blue Memory đến New York cho một cuộc trưng bầy lại, kích cỡ nhỏ hơn, chứ chưa có chương trình mới thật rõ ràng.
  15. Blue Memory Hiện thời tôi đang ở trong những ngày chuẩn bị cuối cho một triển lãm ở Paris, với các hoạ sĩ đến từ nhiều quốc gia. Tôi sẽ mang đến cho họ một công việc mới nhất mang đề tựa Chỉ là một lời nói dối, cũng được làm trên nylon trong, nhưng là một cách đề nghị người xem tham dự vào trò chơi của hoạ sĩ, và chấp nhận lời nói dối của hoạ sĩ, để tiếp cận gần hơn những chuyện dối trá khác.
  16. Chỉ là một lời nói dối (1) Sự hợp tác của tôi và Nora Taylor bắt đầu từ nhiều năm nay, từ nhiều tương đồng trong quan điểm nghệ thuật, nhưng chưa bao giờ với danh nghĩa và trong quan hệ hoạ sĩ và dealer. Thông thường, để có một triển lãm trong bảo tàng cần phải chuẩn bị từ ba năm trước: các cuộc tiếp cận để đi được đến những thoả thuận cần thiết phải kéo dài một hoặc hai năm, các chương trình triển lãm cũng cần được công bố ít nhất từ một năm trước. Nora Taylor là người làm công tác nghiên cứu rất nghiêm túc, hội hoạ Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong công việc của chị. Tất nhiên chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc và trao đổi cùng nhau. Tôi luôn đánh giá cao sự nhậy cảm đặc biệt của chị trước nghệ thuật, trước nhiều vấn đề của việc sáng tạo, của người sáng tạo, mà không phải ai cũng có được và có thể học được. NH: Anh có mong muốn và dự định cụ thể nào cho việc mang những tác phẩm trong những cuộc triển lãm gần đây nhất của anh về trưng bầy tại Việt Nam không? Và với vai trò của một nghệ sỹ /người lao động, cũng như với những thành quả mà cho tới giờ anh đạt được, liệu anh có thể tâm sự một vài điều gì đó về nghề
  17. nghiệp với các nghệ sỹ trẻ hơn, cũng như các sinh viên tại các trường mỹ thuật ở Việt Nam (môi trường mà anh hẳn không xa lạ gì) không? TTV: Từ nhiều năm nay tôi không đứng chung với nền hội hoạ Việt Nam nữa. Nhưng công việc của tôi lại đề cập trực tiếp và đầy đủ hơn hiện thực của đất nước này. Tôi không có chương trình mang triển lãm về nhưng tôi rất muốn chiêm nghiệm phản ứng của công chúng Việt Nam khi được đối diện với những hình ảnh và những câu chuyện của chính họ. Tôi mong rằng nghệ thuật sẽ là chiếc cầu nối tôi với thế hệ trẻ mà tôi không mấy quen thuộc. Tôi tin rằng họ có nhiều điều kiện hơn chúng tôi để không phải mất quá nhiều thời gian luẩn quẩn trong các xó xỉnh của nền hội hoạ nước nhà, như chúng tôi đã làm. Tôi chỉ có một vài đề nghị với họ, đừng đi cùng đường với thế hệ trước, và phải tránh xa càng xa càng tốt những tên tuổi đang gặt hát quá nhiều những thành tích tài chính. Tôi cũng muốn lưu ý họ rằng cái truyền thống đang được chăm sóc ở tất cả các cấp độ ở Việt Nam sẽ chẳng thể giúp đỡ họ nhiều trong việc bắt nhịp vào nghệ thuật đương đại thế giới. Chỉ cần lấy một dẫn chứng nhỏ. Xưa nay người Việt chỉ biết nói tôi vẽ, tôi nặn tượng, hoặc tranh của tôi, tượng của tôi. Tiếng Việt không cho hoạ sĩ quyền được nói «tôi lao động, đây là công việc của tôi». Trong khi đó ở tất cả các truyền thống văn hoá lớn trên thế giới động tác vẽ hoàn toàn được thay thế bằng chữ «lao động», I work, je travail, my work, mon travail… Kết quả là ở Việt Nam, để trung thành với truyền thống, nghệ sĩ chỉ vẽ, hoặc viết, chứ không lao động. Kết quả là ở Việt Nam nghệ thuật là trò tiêu khiển dễ dàng và nhẹ nhàng hơn cả. Kết quả là nghệ thuật Việt Nam chỉ dừng lại ở mức độ không chuyên và nhiều khả năng sẽ còn không chuyên vài thế hệ nữa. Cần hiểu rằng hội hoạ làm nảy sinh nhiều vấn đề bên trong và bên ngoài hoạ sĩ, nghệ thuật làm cho người làm ra nó mất cân bằng, chứ không phải giúp anh ta trở nên cân bằng như người đời vẫn tưởng là như thế.
  18. NH: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, và chúc anh đạt được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai. Tác giả bài viết: Như Huy
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2