intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Trầu cau trong đời sống văn hóa dân tộc (phần 2)

Chia sẻ: Hoangdung Hoangdung | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:11

773
lượt xem
236
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Rồi đây hình ảnh thơ mộng của những giàn trầu, những hàng cau tất sẽ không còn phất phới trên khắp các nẻo đường quê hương đất nước nữa. Nhưng văn chương bình dân truyền khẩu còn đó, lại được đem giảng dạy tại học đường, thì tôi tin chắc rằng nó vẫn đóng trọn được vai trò giáo dục và bồi dưỡng tâm hồn người Việt Nam, để muôn đời con cháu chúng ta vẫn biết sống theo quan niệm triết lý tình nghĩa trầu cau, một truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc.......

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Trầu cau trong đời sống văn hóa dân tộc (phần 2)

  1. Trầu Cau Trong Ðời Sống Văn Hóa Dân Tộc (phần II) [07/07/2007 - Tác giả: admin1 - Vietnam Review] G.S. Phạm Thị Nhung Hình (Lê Quang Xuân): Vườn Cau. 5. Tục cheo cưới Ở xứ ta những tục lệ liên quan tới việc cưới xin thì ngoài những lễ nghi đã trình bày ở trên, còn một tục lệ rất đặc biệt và cũng rất quan trọng là tục nộp cheo (tục này không có ở Trung Hoa). - Nuôi lợn thì phải vớt bèo Cưới vợ thì phải nộp cheo cho làng. Nộp cheo là gì? Khi người con trai muốn cưới vợ thì phải nộp một khoản tiền hay vật liệu cho làng xã bên người con gái (gọi là cheo ngoại) để chứng thị lễ hôn nhân, rồi xin tờ cheo ở lý trưởng trong làng, tương tự như tờ hôn thú ngày nay. Muốn cám ơn những hương chức đã xét và đã chấp nhận cuộc hôn phối của họ là phải phép, người con trai ngoài tiền nộp cheo còn phải dẫn thêm xôi thịt, trầu cau, trà rượu để khao đãi các vị. - Ông xã đánh trống thình thình Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo. Bằng chưa nộp cheo, chưa khao đãi thì dù đám cưới đã được cử hành trọng thể giữa hai họ đến thế nào, làng cũng không cần biết, và coi đôi trẻ như chưa thành vợ, thành chồng. - Ai chồng ai vợ mặc ai Bao giờ ra bảng, ra bài sẽ hay. Bao giờ tiền cưới trao tay Tiền cheo rấp nước mới hay vợ chồng. Cuộc nhân duyên này sẽ không có gì là vững chắc vì không được làng bảo vệ: - Có cưới mà chẳng có cheo Nhân duyên trắc trở như kèo không đinh. Trai gái cùng làng lấy nhau thì tiền cheo có được giảm bớt (gọi là cheo nội). Lệ nộp cheo này có xuất xứ từ tục "lan nhai", tức tục bọn trẻ trong làng nhà gái giăng dây tơ hồng (lụa đỏ) ở cổng hay trên đường làng để đón mừng hôn lễ, có nơi còn đốt pháo. Ịể
  2. cảm ơn, nhà trai mời trầu và thưởng tiền. Dây được cởi ra, đoàn đón dâu tiếp tục lên đường. Về sau nhiều người có ý đồ bất chính, họ giăng dây làm trở ngại đường đi với mục đích vòi tiền. Tiền không nộp đủ, họ không cởi dây cho đi, hoặc họ cắt dây và nói những lời không hay. Nhà trai sợ xui, đồng thời sợ trễ giờ tốt, cứ phải nộp tiền hết chặng này đến chặng khác. Tục "lan nhai" trở thành một tục lệ xấu. Triều đình thấy vậy ra lệnh bãi bỏ và thay vào đấy, cho phép làng được thu tiền cheo. Tiền này sẽ được làng chi dùng vào những việc công ích. 6. Nghệ Thuật Têm Trầu Bổ Cau Chúng ta cũng nên biết, trầu cau không chỉ được têm để ăn hay đãi khách hằng ngày mà còn được dùng làm tặng phẩm hay làm lễ vật trong các dịp cúng Phật, tế lễ thần linh, cúng gia tiên hay trong tang lễ, hôn lễ v.v... Lễ Phật và tế thần linh thì trầu phải để nguyên lá, cau phải để nguyên trái. Riêng lễ bàn thờ gia tiên thì bao giờ trầu cau cũng được têm sẵn để trong cơi hay trên đĩa. Ðặc biệt trong lễ cưới, từ miếng trầu đi xin dâu, trầu đặt trên bàn thờ gia tiên hay bàn thờ lễ tơ hồng, hay ngay cả trong các cơi trầu để thết đãi bà con họ hàng đều nhất nhất được o bế cẩn thận. Cau phải bổ làm sao, trầu phải têm thế nào cho có nghệ thuật. - Cau non tiễn chũm hạt đào Trầu têm cánh phượng rọc dao Lưu Cầu. Tại sao thế ? Vì quả cau có cùi cứng, dao phải sắc bổ cau mới ngọt, trông mới ngon, cau già cũng tưởng là non: - Cau già, dao sắc lại non (Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa). Dao sắc đã có, người ta bắt đầu róc vỏ cau, nhưng phải khéo vì chỉ cắt vứt đi chừng 1/3 vỏ phía dưới thôi, rồi tiễn chũm. Xong đâu đấy, lấy loại dao tỉa thủy tiên khắc hoa trên phần vỏ xanh còn lại. Quả cau trổ hoa hay không đều được bổ dọc chia làm 5 hay 6 phần đều nhau, khi ăn thì tước bỏ chỗ vỏ xanh đi. Muốn têm trầu cánh phượng thì người ta gấp lá trầu làm hai theo chiều dọc, đoạn đưa một nhát dao hơi xéo vào hai bên phiến lá, khoảng từ giữa lá lên phía cuống, nhưng không được để đứt. Phần giữa lá, xén bỏ hai bên mép lại cho thẳng như têm trầu ăn thường ngày, đoạn phết một chút vôi ở giữa, rồi cuộn tròn lại; sau đó dùi một lỗ ở giữa cuộn trầu, xong gài cuống lá vào cho chặt. Hai rẻo lá hình cong được cắt gần sát cuống lúc đầu, vì không cuộn nên vểnh lên trông như hai cánh con chim phượng. Hai rẻo lá hình cong vểnh lên ở hai đầu cuộn trầu trông cũng giống hình vành trăng non lưỡi liềm, mà theo thần thoại Trung Hoa thì trên cung trăng, nơi Hằng Nga ở có cây quế nên cung trăng còn được gọi là cung quế, và trầu cánh phượng cũng được gọi là trầu cánh quế. Têm trầu cánh kiến cũng vậy thôi, chỉ khác là thay vì rọc một đường khá rộng (1cm) hai bên phiến lá thì người ta rọc làm hai, ba đường hẹp, rẻo lá vểnh ra có nhiều cánh nhỏ trông như những cánh của con kiến xòe ra vậy. Ngày xưa người đàn bà nào mà chả biết têm trầu, bổ cau? Nhưng têm khéo hay không lại là một chuyện khác. Dù sao miếng trầu têm có nghệ thuật cũng làm tôn được giá trị về nữ công, về tài khéo của người phụ nữ. Bởi thế, trong nhiều hội làng, theo tài liệu của Phan
  3. Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục, người ta vẫn thường tổ chức các cuộc thi têm trầu bên cạnh các cuộc thi nấu cỗ, thổi cơm, làm bánh... để khuyến khích con em. Miếng trầu têm vô hình trung còn phản ảnh cá tính của người têm nó. Thật thế, nhìn hình ảnh cuộn trầu trông lùng bùng hay tròn trịa, mực thước hay bay bướm; lại qua hương vị của miếng trầu khi thưởng thức, nhạt hay vừa hay mặn vôi, cay thơm dìu dịu hay cay nồng vì quế vì hồi mà đoán biết được phần nào tính nết chủ nhân của nó: cẩu thả hay cẩn thận, vụng về hay khéo léo, giản dị hay cầu kỳ, điềm đạm hay nồng nhiệt ... Chính nhờ miếng trầu têm cánh phượng xinh đẹp, nhà vua trong truyện cổ tích Tấm Cám đã thấy lại những nét thân quen xưa mà nhìn ra vợ. Chẳng những tính nết người phụ nữ lộ ra qua hình dáng, qua hương vị miếng trầu têm mà còn lộ ra cả trong cách chọn mua từng lá trầu, quả cau nữa kia. Ca dao có câu: - Mua cau chọn những buồng sai Mua trầu chọn những trăm hai lá vàng Cau tiễn ngang, trầu vàng ngắt ngọn Thời buổi này kén chọn nữa chi Sao em chả lấy chồng đi! Ngày xưa những bà những cô nhiều kinh nghiệm, khi đi mua cau thì cứ buồng sai nhắm trước, sau đó mới kén đến quả, vì hễ buồng nào có được một quả cau ngon là cau cả buồng đó đều ngon. Bởi vậy kén được buồng cau ngon cũng không mấy mất công. Cau ngon là cau có dáng trái đào, vỏ màu xanh thúy ngọc nhạt, được mệnh danh là vỏ mã lụa, cùi mềm, thịt trắng nõn và dầy, hạt thì phơn phớt lòng tôm; nhai sẽ thấy giòn, sau lại dẻo và ngọt. Trái lại cau nào vỏ xanh xẫm xịt, thịt teo, hạt nâu đậm và có gân trắng là cau già, nhai sẽ thấy cứng và trát. Mua trầu thì khác, phải kén từng lá. Lá trầu nào xanh xì là lá già (mọc gần gốc), ăn sẽ cay. Trái lại, lá trầu nào có màu xanh ngả vàng là trầu non (mọc phía ngọn), ăn sẽ thơm và cay dịu. Trầu này được gọi là trầu vàng hay trầu ngọt, trong khi trầu xanh thì gọi là trầu cay. Như thế đủ thấy người thiếu nữ này quá kỹ lưỡng. Chọn mua cau, mua trầu, soát lá còn cẩn thận đến thế thì kén chồng phải kỹ đến đâu! Chả trách giờ này nàng vẫn chưa chồng khiến cho bao chàng trai phải sốt ruột hộ! Nhưng tại sao lại phải ngắt lá trầu vứt đi trước khi têm? Theo tài liệu của Hương Giang Thái Văn Kiểm thì chuyện này có một xuất xứ mà ít người còn nhớ. Chuyện kể rằng vào đời chúa Hiếu Minh Nguyễn Phúc Nguyên (1691 - 1725), O Thảng về làm dâu bà Hương bên chợ Dinh. Nhằm ngày rằm tháng bẩy năm Canh Tý (1720), O Thảng ngoáy trầu cho mẹ chồng ăn như thường lệ, nhưng lần này ăn xong bà cụ ngộ độc, lăn ra chết. O Thảng bị nghi bỏ thuốc giết mẹ chồng nên bị bắt ngay. Trên quận tra khảo thế nào O Thảng cũng một mực kêu oan. Nhân dịp quan Nội Tán kiêm Án Sát Sứ Nguyễn Khoa Ðăng về Hồ Xá (1722), bà lý, mẹ O Thảng đội đơn xin quan tái xét để minh oan cho con gái. Nội Tán tìm hiểu xuất xứ lá trầu bà Hương ăn, biết là trầu nguồn đến từ thượng du Thuận Hóa, do ông em đem về biếu. Ngài liền lên núi, đến tận Cà Lơ thăm nhà người bán trầu nguồn. Sau ba ngày dò xét, ngài phát giác chính rắn hổ mang nơi đây là thủ phạm, loại rắn độc này được tụi Cà Lơ nuôi để
  4. lấy nọc, tẩm tên đi săn. Rắn hổ mang đã leo lên dây trầu, liếm giọt sương đầu ngọn lá rồi nhấm nhấm, do đó lá bị ngấm độc. Chuyện phát giác ra, O Thảng được minh oan và được trả tự do ngay. Từ đó chúa Hiếu Minh ra lệnh cho thần dân, mỗi khi têm trầu phải ngắt ngọn lá vứt đi để tránh hậu họa. Tập quán này lâu đời bị quên xuất xứ, chỉ còn truyền lại câu ca dao nhắc nhở: - Ăn trầu phải mở trầu ra Một là thuốc độc hai là mặn vôi. 7. Miếng Trầu Trong Cách Ứng Xử Ðối Với Tha Nhân Từ việc dùng trầu trong vấn đề xã giao, người bình dân xưa đi xa hơn đến việc mượn trầu cau để nói lên quan niệm ứng xứ và bầy tỏ tình cảm của mình đối với tha nhân. - Ðối với bạn bè, bà con láng giềng: tục lệ chia trầu cau trong lễ vấn danh (lễ ăn hỏi) cho khắp họ hàng cũng như cho bà con láng giềng và bạn bè đã nói lên đầy đủ quan niệm ứng xử của người xưa, coi tất cả đều là anh em một nhà, đều được chia vui (cũng như sẽ buồn) như nhau. Một khi đã coi nhau như anh em thì cách đối xử tất dựa trên tình cảm, yêu hay ghét cũng chỉ theo tinh thần "chín bỏ làm mười": yêu thì cho thêm một chút, ghét thì bỏ bớt một chút, chứ không thẳng thừng "cạn tầu ráo máng". Thế nên: - Yêu nhau cau bẩy bổ ba Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười. Cách ứng xử theo tình nghĩa này còn trải rộng đến khắp cả bà con trong làng, ngoài nước, nói chung về những người cùng một nòi giống, một dân tộc, vì tất cả đều là anh em ruột thịt, cùng một bọc mẹ Việt sinh ra. Từ ngữ Ẫđồng bàoỮ đã giải thích trọn vẹn ý nghĩa này. Và theo thiểu ý, đây chính là một truyền thống tốt đẹp nhất trong đời sống văn hóa dân tộc. Một truyền thống có giá trị tích cực, vĩnh cửa và phổ cập đến mọi tầng lớp trong xã hội. - Ðối với cha mẹ, qua miếng trầu, buồng cau người con gái tỏ được sự săn sóc và lòng hiếu kính. Khi còn ở nhà thì: - Cau non khéo bổ cũng dầy Trầu têm cánh phượng để thầy ăn đêm. Khi đi lấy chồng xa thì: - Ai về tôi gửi buồng cau Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy. - Ðối với người bạn trăm năm, công việc têm trầu cho chồng xơi hằng ngày đã được xem là một bổn phận không thể thiếu của người đàn bà. Những ai biếng nhác têm trầu để đến nỗi chồng thèm trầu phải đi nhờ cô bạn hàng xóm têm hộ: - Có trầu têm cho anh một miếng Anh có vợ nhà làm biếng không têm. thì phải tự hiểu là đã bị chồng chê, và hạnh phúc gia đình có thể từ đó bị đe dọa. Dưới con mắt người xưa, những người đàn bà sung sướng là những người đàn bà chẳng phải làm gì khác ngoài sự nhàn hạ, thảnh thơi ngồi têm trầu để hầu chồng: - Cô ấy mà lấy anh này Chẳng phải đi cấy, đi cầy nữa đâu.
  5. Ngồi trong cửa sổ têm trầu Có hai thằng bé đứng hầu hai bên. Nói chung, người đàn bà yêu chồng, biết để ý săn đón, chiều chuộng từng thói quen, từng ý thích của chồng tất không bao giờ quên sửa soạn sẵn một đĩa trầu thật ngon, chờ chồng sau mỗi bữa cơm chiều: - Tôi đà biết tính chồng tôi Cơm thôi thì nước, nước thôi thì trầu. Và những giờ phút hạnh phúc tuyệt vời nhất trong cuộc đời tính ái lứa đôi của họ chẳng là những giờ phút riêng tư, giữa đêm khuya thanh vắng, đôi vợ chồng cùng chung hưởng những miếng trầu ngon do chính tay người vợ têm sẵn, dành riêng cho họ đó sao? - Ðêm khuya thiếp mới hỏi chàng Cau xanh ăn với trầu vàng xứng không ? - Trầu vàng nhá với cau xanh Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời ! Hạnh phúc của người xưa giản dị thế đó nhưng cũng đằm thắm và mặn nồng biết bao! Những khi người chồng có việc phải đi xa, bất kể vì công tác gì, thì người vợ dù có bận đến đâu cũng cố gắng lo chăm sóc thật chu đáo những gói trầu hay những túi trầu têm sẵn để tiễn chồng lên đường. Này đây là người chồng sắp ra đi vì nghĩa vụ quân dịch, vợ chàng đã sửa soạn túi trầu ra sao cho chàng đem theo ăn đường? - Trời mưa nước dội dọc dừa Sắp tiền anh trẩy bây giờ nàng ơi! Quan trên có lệnh về đòi Tôi vâng lệnh người, tôi phải bước ra. Túi vóc mà cải bốn hoa Hai tay hai túi mở ra, khép vào. Cau non tiễn chũm hạt đào Trầu têm cánh phượng rọc dao Lưu Cầu Trầu em têm những vôi tàu (6) Anh cất miếng trầu, anh bước chân đi. Ngay người vợ quê nghèo nhất, không tiền mua vóc, mua gấm, không có tài thêu phượng, kết hoa may túi đựng trầu cho chồng, nhưng trong khả năng của mình, nàng cũng cố chọn cho được mớ "trầu lộc" là những lá trầu ra lứa đầu vừa ngon, vừa quí, rồi cẩn thận bọc trong chiếc lá dừa, cốt bảo vệ cho trầu được tươi lâu để chồng mang theo: - Lính này có vua có quan Nào ai bắt lĩnh cho chàng phải đi Nay trẩy Kim Thì, mai trẩy Kim Ngân. Lấy nhau chửa được ái ân Chưa được kim chỉ Tấn Tần như xưa. Trầu lộc em phong lá dừa Chàng trẩy mười sáu, em đưa hôm rằm. Còn đây là một chinh nhân vào hàng võ tướng thì người vợ chăm chút gói trầu như thế nào khi tiễn chồng cất bước hành quân?
  6. - Trèo lên trái núi mà coi Coi ông quản tượng cưỡi voi, đánh cồng. Túi gấm cho lẫn túi hồng Têm trầu cánh kiến cho chồng trảy quân. Lại nữa, nếu người chồng là một anh đồ sắp lên đường ứng thí, người vợ muốn lấy lòng chồng sẽ o bế túi trầu tiễn hành ra sao? - Túi gấm cho lẫn túi hồng Têm trầu cánh quế cho chồng đi thi. Mai sau chàng đỗ vinh qui Võng anh đi trước, em thì võng sau. Tàn quạt, hương án theo hầu Rước vinh qui về nhà bái tổ Ngả trâu bò làm lễ tế vua. Họ hàng ăn uống say sưa Hàng tổng, hàng xã mừng cho ông nghè. Nếu chúng ta để ý tất sẽ thấy ngay là ở những trường hợp hai vợ chồng sắp phải chia xa, người vợ nào cũng cố đem hết tài khéo léo nữ công nữ hạnh của mình để sửa soạn cho chồng những miếng trầu đẹp nhất, đặc biệt nhất. Thôi thì trầu têm cánh phượng, thôi thì trầu cánh kiến, trầu cánh quế, đủ cả. Vì sao vậy? Vì nàng nào cũng hiểu rằng: - Miếng trầu lúc này có giá trị của một tặng phẩm, biểu tượng cho sự may mắn. Nàng muốn chúc cho người chồng mọi sự hanh thông, mau mắn thành công, đắc ý trở về. - Miếng trầu lúc này vô hình trung gắn liền với hình ảnh của nàng. Trên bước hành trình vất vả của chồng, khi giở trầu ra ăn, nhìn thấy miếng trầu xinh đẹp, ăn vào thấy lại hương vị thơm ngon nồng ấm quen thuộc, chồng nàng sẽ nhớ ngay tới nàng và cảm thấy được an ủi, tưởng như nàng vẫn luôn ở bên cạnh để săn sóc cho chàng. - Miếng trầu lúc này là những gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm yêu đương, gắn bó giữa hai vợ chồng. Khi xa nhau người ta mới dễ, mới thích hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp xưa, tình yêu vì thế có cơ hội được hâm nóng và bồi dưỡng thêm. Như thế miếng trầu lúc này đã gói ghém, đã chuyên chở bao nhiêu tình ý của nàng đối với chồng. Và túi trầu được nàng trân trọng và ây yếm trao tặng cho chàng trong giây phút chia ly ấy sẽ nói dùm nàng tất cả. Vâng tất cả đó sẽ giúp chồng nàng thêm nghị lực, thêm hăng hái hoàn thành nghĩa vụ một cách tốt đẹp, để sớm được trở về xum họp với nàng, người vợ rất mực yêu thương ở quê nhà đang ngày ngày tha thiết mong ngóng chàng về. 8. Trầu Cau Qua Những Câu Ca Dao Ví Von Còn một điều lý thú cuối cùng chúng tôi muốn nêu ra ở đây, là khi tìm tài liệu cho bài thuyết trình "Trầu cau trong đời sống văn hóa dân tộc", chúng tôi đã nhặt ra được rất nhiều những câu ca dao ví von thật hay, có liên quan tới trầu cau. Ịiều này chứng tỏ người bình dân ta xưa rất ưa ví von. Và trầu cau đã thực sự gắn bó thiết thân vào đời sống tâm tư của họ, đến độ mỗi khi họ nhìn một người nào, nghĩ đến một chuyện gì, họ thường có thói quen liên tưởng, so sánh để cảm nhận về người đó, chuyện đó qua những hình ảnh, hương vị, mầu sắc của trầu cau, hay những vật dụng liên quan tới trầu cau. Sự ví von so sánh này rất tài tình khiến cho những vấn đề dù tế nhị đến đâu cũng
  7. trở thành rõ ràng trong sáng, đôi khi còn dí dỏm và sâu sắc nữa. Như nói về nhan sắc của người thiếu nữ, khi vừa chớm tuổi dậy thì, đôi nhũ hoa mới nhú lên trông có khác nào "cau buồng còn non"? - Trên đầu em đội khăn vuông Nhìn xuống dưới ngục, cau buồng còn non. Lại đến khi các nàng vào độ đào tơ mơn mởn, xinh tươi, hấp dẫn, thì quả là đúng thời "cau non vừa độ hái": - Vào vườn hái quả cau non Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên. Hai má có hai đồng tiền Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa. Cô gái nào có vẻ mặt bầu bĩnh dễ thương thì lá trầu nõn vàng, hình trái tim tròn trịa, duyên dáng kia hẳn sẽ là một hình ảnh diễn tả thi vị nhất: - Trầu vàng nhỏ lá, rau giấp cá nhai giòn Khéo khen phụ mẫu sinh em mặt tròn dễ thương. Vẻ đẹp của phái nữ thường chia làm hai loại, có vẻ đẹp ngoan hiền: - Trầu lên nửa nọc trầu vàng Ðội ơn phụ mẫu sinh nàng dễ thương. Có vẻ đẹp sắc sảo: - Cổ tay em trắng như ngà Con mắt em biếc như là dao cau. Ðến khi người phụ nữ lấy chồng, đã có cả bầy con, tuổi đời đã chín, nhưng nếu nàng biết khéo léo điểm trang thì ai dám bảo là không đẹp? - Cau già, dao sắc lại non Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa. Những câu ca dao ví von về hạnh phúc tình yêu và hôn nhân cũng thật là dí dỏm. Như trường hợp trai gái vừa nhìn thấy mặt nhau đã ưng liền, hợp liền, khác nào "con dao vàng rọc lá trầu vàng". Người ta bảo đó là "diện cảm thường tình" hay "phải lòng mặt" rồi. Trường hợp này thì đố tránh khỏi cảnh mắt đi, mày lại: - Con dao vàng rọc lá trầu vàng Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa. Trong thời gian yêu đương, người con trai thường thực tế, luôn luôn ao ước được gần gụi người thương: - Ước gì anh hóa ra cơi Ðể cho em đựng cau tươi, trầu vàng. Trong khi đó người thiếu nữ lại ưa mơ mộng, hay tơ tưởng tới những chuyện hạnh phúc, tình nghĩa còn xa vời: - Trầu xanh, cau trắng, chay hồng Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên. Lại nói đến chuyện hẩm hiu, nếu chẳng may người thiếu nữ đã đến tuổi trầm cài, lược giắt, má phấn môi son mà vẫn chưa có đối tượng thương yêu thì tránh sao khỏi tủi buồn cho số phận: - Cau non, trầu lộc mỉa mai Da trắng, tóc dài đẹp với ai đây ? Ðêm đêm nàng nhìn chăn, nhìn chiếu mà than thầm cho cảnh ngộ cô đơn bóng chiếc của
  8. mình: - Có trầu, có vỏ, không vôi Có chăn, có chiếu, không người nằm chung. Nói chi đến những nàng đã từng được yêu, nay vì gặp cảnh trắc trở không lấy được người thương mới càng muộn phiền đến đâu, đến nỗi chẳng còn thiết làm ăn gì: - Yêu nhau chẳng lấy được nhau Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già. Lại những kẻ bị phụ tình nghĩ sao mà cay đắng, "Khi xưa ta vẫn ăn trầu một cơi", hạnh phúc chung đôi là thế mà giờ đây phải xa lìa nhau. Vì sao? Vì sao? - Bây giờ anh bắt gặp nàng Hỏi sao lá ngọc, cành vàng xa nhau ? Xa nhau, ta mới xa nhau, Khi xưa ta vẫn ăn trầu một cơi. Những kẻ thất tình đã vậy, những người đàn bà lấy chồng, gặp phải chồng hư hèn không xứng đôi vừa lứa, kém bè kém bạn cũng buồn sao là buồn, đến hao mòn cả thể xác: - Hai tay sách nước tưới trầu Trầu bao nhiêu lá, dạ sầu bấy nhiêu. - Trầu vàng ăn với cau sâu Lấy chồng kém bạn những rầu mà hư. Nhiều người đàn bà khác lại không chịu nổi nỗi cay đắng của cảnh gia đình nay hợp mai tan, tình duyên trỏng trảnh, chẳng có gì bền vững; thôi thì đành một lần dứt đi cho xong, nuối tiếc làm gì, kéo dài chỉ thêm mua khổ vào mình: - Trầu nào cay bằng trầu xà-lẹt Thịt nào khét bằng thịt kên kên. Ðôi ta gá nghĩa không bền Dứt đi cho rảnh, xuống lên làm gì ? Ngoài ra ca dao cũng còn mượn nhiều hình ảnh cây trầu, cây cau để ví von về nhiều vấn đề tế nhị khác nữa. Như khi nói đến thời gian mà người ta nhắc tới thành ngữ "nhai dập bã trầu" thì phải hiểu họ muốn nói đến một thời gian rất ngắn, chừng trên dưới một hai phút đồng hồ thôi. Trái lại, khi nói đến một thời gian dài, ca dao có khá nhiều câu ví von để chúng ta có thể dựa vào đó mà ước tính: T.D.1 - Thương thì chờ đợi năm sau Chờ cau lớn trái, lột tầu sẽ hay. T.D.2 - Thương nhau hẹn lại năm sau Cho trầu ra lộc, cho cau trổ buồng. Tất nhiên chúng ta hiểu ngay, thời gian chờ đợi ở thí dụ 2 ngắn hơn ở thí dụ 1. Lại như câu: - Thương nhau cau hết nửa buồng Trầu hết nửa chợ chưa tường mặt nhau. là muốn nói, chàng trai than phiền về thời gian "ở rể" đã lâu mà chưa được gặp mặt vợ. Lại như khi nói về: Cảnh nhà nghèo thì: - Nhà anh lợp những mo nang
  9. Nói láo với nàng nhà ngói ba gian. Cảnh tình nghèo thì: - Ðôi ta như thể cây cau Anh bẹ, em bẹ, nương nhau ở đời Anh đừng thấy khó đổi dời Tiền tài phấn thổ, nhân ngãi đời thiên kim. Mẹ già cả lo thì: - Mẹ già lo bẩy lo ba Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên. Số phận không may thì: - Chẳng qua ái số muộn màng Buôn trầu gặp nắng, buôn đàng gặp mưa. Những kẻ ngu đần thì: - Mặt nạc, đóm dầy Mo nang trôi xấp biết ngày nào khôn. Trai già chưa vợ thì: - Cau không buồng gọi là cau đực Trai không vợ cực lắm ai ơi. Nhưng trong tất cả các câu ca dao của ta thuộc loại ví von, có liên quan tới trầu cau thì bài "Thằng Bờm có cái quạt mo" phải kể là hóm hỉnh và sâu sắc nhất. Thật thế, cái quạt mo của thằng Bờm chẳng có giá trị là bao, ấy vậy mà lại được phú ông gạ gẫm xin đánh đổi với bao nhiêu tài sản quí giá, có thứ cả đời Bờm cũng không dám mơ ước tới: - Thằng Bờm có quạt mo Phú ông xin đổi ba bò chín trâu Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu; Phú ông xin đổi ao sâu cá mè Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè; Phú ông xin đổi một bè gỗ lim Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim; Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi; Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười ! Phú ông muốn đề nghị gì thì đề nghị, Bờm vẫn lắc đầu quầy quậy, chỉ đến khi phú ông đưa nắm xôi ra đổi, nó mới khoái chí cười chấp thuận. Tại sao thế? Bờm có ngu không? Không đâu, vì nó rất hiểu, chỉ có nắm xôi mới ngang bằng giá trị cái quạt mo của nó, đổi như thế mới là hợp lý; lại nữa , vì nắm xôi là vật cụ thể trước mắt, mới có thể "tiền trao, cháo múc". Còn những lời đề nghị về những thứ của cải cao sang kia, ở mãi đâu đâu, chắc chắn chỉ là những lời hứa hẹn hão huyền, không bao giờ được thực hiện. Bài ca dao Thằng Bờm không chỉ mang tính cách bông đùa dí dỏm quanh cuộc trả giá cái quạt mo giữa phú ông và thằng Bờm , mà còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc. Ở đây sự ví von đã đạt mức trình độ nghệ thuật cao, thằng Bờm và phú ông là những nhân vật biểu tượng:
  10. - Thằng Bờm tượng trưng cho những người bình dân Việt Nam, xưa nay vốn tính hiền lành, chân thật, nhưng có đầu óc tỉnh táo, thực tế, chỉ yêu quí những gì thiết thân với đời sống hằng ngày của mình, như cái quạt mo, như nắm xôi. - Phú ông tượng trưng cho những kẻ ăn trên ngồi trốc trong xã hội, vì lòng tham không đáy, họ sẵn sàng dùng thủ đoạn phỉnh phờ để lường gạt dân đen hầu cướp đoạt của cải, ngay đến những thứ nhỏ nhoi nhất - như cái quạt mo - chẳng đáng giá gì đối với họ, họ cũng không từ. Như thế, bài ca dao Thằng Bờm đã cho chúng ta một bài học khôn ngoan: Hãy bắt chước Bờm, phải luôn luôn tỉnh thức để không bao giờ bị những lời đường mật của kẻ quyền thế (tiền của luôn luôn đi đôi với quyền thế) phỉnh gạt hòng cướp không của cải của ta. Ngày nay chúng ta còn có chiều hướng bàn xa hơn khi nói đến quyền sống tự do, dân chủ căn bản của mỗi con người. Tóm lại, cái lối ưa ví von để diễn đạt tình cảm, tư tưởng này đã tạo nên một phong cách riêng cho ngôn ngữ nói và cho văn chương bình dân truyền khẩu Việt Nam. Ðây cũng là một sắc thái độc đáo trong đời sống văn hóa dân tộc. Kết luận Sau khi đã trình bầy một số vấn đề có liên quan tới trầu cau trong đời sống văn hóa dân tộc, chúng tôi xin đi đến kết luận: Kể tất cả các dân tộc có tục ăn trầu ở miền Á Ðông này, có lẽ chưa một dân tộc nào lại quí và khoác cho miếng trầu, quả cau nhiều ý nghĩa như dân tộc Việt Nam mình. Trong văn chương Việt Nam thì chưa có một loại cây cỏ nào lại được ca ngợi và nhắc nhở đến nhiều như cây trầu, cây cau. Trong các loại thảo mộc được trồng trọt ở xứ ta thì cũng không có một loại thảo mộc nào lại được người dân khai thác kỹ lưỡng như cây trầu, cây cau. Từ giá trị vật chất nhỏ nhoi "ba đồng một mớ trầu cay" đến giá trị cao quí khi nó trở nên một tặng phẩm hay một lễ vật. Từ đời sống tinh thần cá nhân (tình cảm riêng tư) đến đời sống gia đình (tình cảm anh em khắng khít, tình vợ chồng đằm thắm, thủy chung trong sự tích Trầu Cau), đến tinh thần xã hội (trầu cau biểu tượng cho một triết lý nhân sinh đặc thù Việt Nam, lấy tình nghĩa mà khu xử ở đời). Ngày nay xã hội Việt Nam đã quá đổi thay, một phần vì hoàn cảnh chiến tranh kéo dài hàng mấy thập niên, một phần do ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ đưa tới... Những thế hệ Việt Nam sinh từ 1930 trở đi đã bắt đầu bỏ tục ăn trầu, người ta không còn coi miếng trầu là phương tiện giao tế hằng ngày nữa, giới trẻ cũng không còn mượn miếng trầu để tỏ tình, và nhiều gia đình cũng đã bỏ luôn tục lệ chia trầu cau trong những kịp lễ hỏi... Rồi đây hình ảnh thơ mộng của những giàn trầu, những hàng cau tất sẽ không còn phất phới trên khắp các nẻo đường quê hương đất nước nữa. Nhưng văn chương bình dân truyền khẩu còn đó, lại được đem giảng dạy tại học đường, thì tôi tin chắc rằng nó vẫn đóng trọn được vai trò giáo dục và bồi dưỡng tâm hồn người Việt Nam, để muôn đời con cháu chúng ta vẫn biết sống theo quan niệm triết lý tình nghĩa trầu cau, một truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Chúng ta hiện đang sống ở hải ngoại thì việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, những tinh hoa của nòi giống tất nhiên đã là hoài bão chung của phần đông bà con chúng ta.
  11. Sự bảo tồn này chắc chắn sẽ không làm trở ngại bước tiến của giới trẻ trên đường hội nhập vào xã hội mới, mà trái lại còn tạo cho họ một tiềm năng, một cơ sở dễ nhận biết, so sánh, phê bình và lãnh hội những giá trị mới. Cuộc sống của họ vì thế càng thêm ý nghĩa và phong phú.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2