THÔNG TIN EBOOK<br />
Tên sách: Trí Tuệ Đám Đông Vì Sao Đa Số Thông Minh Hơn Thiểu Số<br />
Tác giả: James Surowiecki<br />
Nguyễn Thị Yến dịch; Trần Ngọc Hiếu hiệu đính<br />
Nhà xuất bản Tri Thức<br />
Nguồn: sinhvienkhiemthi.org<br />
Tạo ebook: Hanhdb<br />
Diễn đàn TVE4U - Read Freely, Think Freedom<br />
Dự án ebook định dạng Epub chuẩn cho mọi thiết bị di động<br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
<br />
LỜI NHÀ XUẤT BẢN<br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
Lý do tại sao đa số thông minh hơn thiểu số và cách thức trí tuệ tập thể hình thành nên<br />
công việc kinh doanh, các nền kinh tế, các xã hội và các quốc gia.<br />
Cuốn sách được dịch và xuất bản trong chương trình Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế<br />
giới với sự hỗ trợ về tài chính của QUỸ VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH<br />
Tiếp theo cuốn Tâm lý học đám đông của Le Bon (Pháp - 1895), Nhà xuất bản Tri thức<br />
xin giới thiệu cuốn Trí tuệ đám đông của James Surowiecki (Mỹ - 2004) nhằm cung cấp<br />
cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về một vấn đề rất lý thú, liên quan trực tiếp đến cách kiến<br />
giải sự vận hành thực sự của thế giới này, đó là Tâm lý - Trí tuệ của tập thể.<br />
Mới xem qua chúng ta có thể tưởng như hai học giả, sống cách nhau hơn một thế kỷ, có<br />
cách nhìn nhận, đánh giá hoàn toàn trái ngược về tác động của đám đông đến quyết định<br />
tập thể cuối cùng. Một đằng thường là dẫn đến sự mù quáng dưới sự dẫn dắt của một ý chí<br />
cực đoan; đằng kia là sự sáng suốt của đa số, như thể “ba anh thợ da hơn một Gia Cát<br />
Lượng”. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Theo chúng tôi hiểu, hai tác giả đã đi sâu vào<br />
hai khía cạnh của cùng một vấn đề. Nếu như Le Bon quan tâm đặc biệt đến tính “vô thức”<br />
của đám đông dễ bị kích động tâm lý thì ngược lại, James Surowiecki chú trọng phân tích<br />
tác động “hữu thức” của đám đông dẫn đến trí tuệ tập thể. Lược bỏ đi một vài dẫn chứng<br />
và lý giải quá cực đoan của cả hai phía, chúng ta có thể thấy “vô thức” và “hữu thức” của<br />
một đám đông là một chỉnh thể sinh động hoàn toàn thực trong cuộc sống đa dạng, phức<br />
tạp và uyển chuyển của thế giới này. Trong âm có dương, trong dương có âm; và trên thế<br />
gian này không có gì là tuyệt đối cả.<br />
Hy vọng rằng bạn đọc sẽ tìm được những điều tâm đắc trong các cuốn sách trên.<br />
NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC<br />
<br />
GIỚI THIỆU<br />
I<br />
Một ngày mùa xuân năm 1907 nhà khoa học người Anh, ông Francis Galton, rời khỏi<br />
ngôi nhà của mình ở London và thực hiện một chuyến đi dài ngày về phía Tây, đến thành<br />
phố Plymouth. Ông Galton đã ở tuổi 85, nhưng vẫn rất nhiệt tình và ham khám phá, chính<br />
điều đó đã giúp ông khẳng định tên tuổi với công trình về khoa học thống kê và di truyền<br />
học. Và vào cái ngày đặc biệt đó, ông đã đi tìm hiểu về các con vật nuôi. Điểm đến của<br />
Galton là Triển lãm Gia súc và Gia cầm được tổ chức hằng năm ở phía Tây nước Anh,<br />
một hội chợ nông thôn trong khu vực, tụ họp về đây có cả nông dân địa phương và dân<br />
thành thị để cùng đánh giá chất lượng những con vật nuôi như: ngựa, cừu, lợn, gà. Việc<br />
một nhà khoa học đến từ London mất cả buổi chiều đi xem những con ngựa kéo và lợn<br />
đoạt giải nghe có vẻ kì cục nhưng Galton lại thấy việc này đem đến cho ông một cảm giác<br />
rất thỏa mãn. Ông là người luôn bị ám ảnh bởi hai vấn đề: một là, đánh giá các đặc tính<br />
thể chất và tinh thần của các sinh vật; hai là, thẩm định xem việc gây giống thành công có<br />
tác dụng như thế nào trong việc đảm bảo di truyền các đặc tính tốt, đồng thời loại bỏ được<br />
<br />
các đặc tính xấu ở các sinh vật. Và sau cùng, cuộc triển lãm các vật nuôi có ý nghĩa gì<br />
ngoài việc là một cuộc trưng bày lớn về những hệ quả của việc gây giống tốt và chưa tốt?<br />
Tất nhiên, mối quan tâm thực sự của Galton là con người, thứ không phải động vật,<br />
nhưng theo suy nghĩ của ông thì ở cả người và động vật, các nguyên lý đều giống nhau.<br />
Ông tin rằng rất ít người có được những phẩm chất cần thiết giúp xã hội phát triển hưng<br />
thịnh. Ông cống hiến phần lớn sự nghiệp của mình để đánh giá những phẩm chất này, để<br />
chứng minh rằng đa số những người bình thường hoàn toàn không có chúng. Tại cuộc<br />
triển lãm quốc tế năm 1884 ở Lon don, Galton đã thành lập “Phòng thí nghiệm nhân trắc<br />
học”. Tại đây, ông đã sử dụng những thiết bị tự tạo để kiểm tra những người đi hội chợ<br />
trên nhiều phương diện, trong đó kiểm tra cả “sự tinh mắt, thính tai, cảm nhận về màu sắc,<br />
sự xét đoán bằng mắt [và] thời gian phản ứng”. Các thí nghiệm khiến ông gần như không<br />
còn lòng tin vào trí thông minh của người bình thường: “Sự ngốc nghếch và tính ương<br />
ngạnh của nhiều người, cả nam lẫn nữ, lớn tới mức không thể tin nổi.” Galton tin rằng chỉ<br />
khi quyền lực và sự kiểm soát ở trong tay một số ít cá nhân đặc tuyển, thuộc dạng con nhà<br />
nòi thì xã hội mới có thể phát triển mạnh mẽ và vững chắc.<br />
Hôm đó, khi tham quan triển lãm, Galton chứng kiến một cuộc thi ước đoán trọng<br />
lượng. Một con bò đực thiến béo tốt được chọn đem trưng bày, một đám đông đang xếp<br />
hàng để cá cược xem con bò nặng bao nhiêu (Không may, với con bò này, họ thực sự chỉ<br />
có thể ước tính trọng lượng của nó sau khi nó đã được “giết mổ và làm sạchh lông). Với<br />
sáu xu, bạn có thể mua một tấm vé có dán tem và đánh số sẵn để điền họ tên, địa chỉ và<br />
con số ước đoán của bạn. Những dự đoán chính xác nhất sẽ được nhận giải thưởng.<br />
Tám trăm người đã thử vận may của mình. Họ là những người thuộc nhiều thành phần<br />
khác nhau. Nhiều người trong số họ là nông dân và làm nghề giết mổ thịt, những người có<br />
lẽ là chuyên gia đánh giá trọng lượng gia súc, nhưng ở đó cũng có khá nhiều người, có thể<br />
nói, không am hiểu gì về gia súc. “Nhiều người không phải chuyên gia đã thi”, sau này<br />
Galton viết, “giống như những người không có kiến thức chuyên sâu về ngựa, nhưng cũng<br />
cá cược trong các cuộc đua ngựa theo định hướng của báo chí, bạn bè và những ý thích<br />
nhất thời của bản thân”. Lập tức, Galton liên tưởng đến một nền dân chủ, trong đó mọi<br />
người có những khả năng và lợi ích khác hẳn nhau, nhưng mỗi người đều có một lá phiếu.<br />
“Người thi bình thường có khả năng đưa ra con số ước đoán chính xác trọng lượng của bò<br />
đã làm sạch lông, cũng như một cử tri bình thường có khả năng đánh giá những mặt xuất<br />
sắc của phần lớn các vấn đề chính trị khi đi bỏ phiếu”, ông viết.<br />
Lúc đó, Galton rất quan tâm tìm hiểu xem “cử tri bình thường có khả năng gì, hay đúng<br />
hơn là ông đã rất quan tâm tìm hiểu cử tri bình thường không có khả năng gì. Bởi vậy, ông<br />
quyết định đưa cuộc thi dự đoán trọng lượng bò vào một thí nghiệm không chuẩn bị trước.<br />
Đến cuối cuộc thi, ông mượn những tấm vé của ban tổ chức và thực hiện một loạt các<br />
phép kiểm tra thống kê đối với số vé đó. Galton sắp xếp các vé theo số dự đoán từ cao<br />
xuống thấp và minh họa bằng đồ thị để xem chúng có thể tạo thành một đường cong hình<br />
chuông hay không. Sau đó, cũng như những lần khác, ông tính được giá trị dự đoán trung<br />
bình của cả nhóm (ông phải bỏ đi 13 vé không hợp lệ, do đó, tất cả còn 787 số dự đoán.).<br />
Nói cách khác, ông đã cộng tất cả các số ước tính của người tham gia thi và lấy tổng chia<br />
cho số người tham gia. Bạn có thể nói con số mà Galton có được biểu thị cho trí tuệ tập<br />
thể của cả đám đông. Nếu như đám đông có thể quy về một người đơn lẻ thì trí tuệ của<br />
đám đông được xác định bởi con số dự đoán về trọng lượng con bò mà cá nhân đó đưa ra.<br />
<br />
Galton hắn đã nghĩ rằng con số dự đoán trung bình của nhóm sẽ khác xa với trọng<br />
lượng thực của con bò. Tóm lại, kết hợp một số rất ít người thông minh đặc biệt với một<br />
số người thông minh bình thường và nhiều người ngốc nghếch thì chắc chắn cuối cùng sẽ<br />
có một câu trả lời ngốc nghếch. Nhưng Galton đã lầm. Đám đông, có thể nói như vậy, đã<br />
dự đoán trọng lượng bò sau khi giết mổ và làm sạch lông là 1.197 pound. Thực tế, trọng<br />
lượng của con bò sau khi giết mổ và làm sạch lông là 1.198 pound. Nói cách khác, đánh<br />
giá của đám đông cơ bản đúng. Sau đó Galton viết: “Kết quả dường như ca ngợi tính đáng<br />
tin cậy của sự phán đoán dân chủ hơn cả mức có thể mong đợi.” Đó mới chỉ là nói một<br />
cách khiêm tốn.<br />
II<br />
Điều mà Francis Galton tình cờ phát hiện ra hôm đi triển lãm ở Plymouth là một sự thật<br />
đơn giản nhưng có tác động mạnh: trong những hoàn cảnh thích hợp, nhóm trở nên rất<br />
thông minh, thường thông minh hơn cả những người thông minh nhất trong nhóm. Các<br />
nhóm người không cần phải nhờ sự chi phối của những người có năng lực đặc biệt mới trở<br />
nên thông minh. Cho dù đa số mọi người trong nhóm không thông thái hay không có trí<br />
tuệ tới mức đặc biệt nhưng cả nhóm vẫn có thể đạt được quyết định sáng suốt mang tính<br />
tập thể. Đây là một điểm tốt vì loài người vốn sinh ra không phải là những người có khả<br />
năng quyết định một cách hoàn hảo. Với tư cách là những cá nhân, chúng ta có khả năng<br />
quyết định nhanh chóng và tức thời. Nhưng chúng ta có lẽ không giỏi như vậy trong việc<br />
đưa ra những quyết định có xét đoán cẩn thận. Nói chung, chúng ta có ít thông tin hơn ta<br />
muốn. Chúng ta có tầm nhìn hạn hẹp về tương lai. Đa số chúng ta đều thiếu khả năng - và<br />
không muốn - thực hiện những phép tính phức tạp về mối liên hệ vốn - lãi. Và còn lâu<br />
chúng ta mới trở thành những người hoàn toàn có lý trí, vì chúng ta thường bị tình cảm chi<br />
phối khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cho dù tồn tại tất cả những hạn chế này (hoặc thậm<br />
chí có lẽ vì có chúng), khi tất cả những ý kiến chưa hoàn chỉnh của chúng ta được tập hợp<br />
đúng cách thì trí tuệ tập thể của chúng ta thường rất hoàn hảo. Bạn có thể thấy trí tuệ tập<br />
thể này, hay theo cách tôi gọi là “trí tuệ đám đông”, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau<br />
trên khắp thế giới. Điều đó giải thích tại sao, khi bạn đến cửa hàng đồ hộp tìm mua sữa<br />
vào lúc 2 giờ sáng, ở đó có cả thùng sữa đang đợi bạn. Đó là lý do công cụ tìm kiếm<br />
Google trên internet có thể quét một tỷ trang web và tìm ra trang chứa đúng mẩu thông tin<br />
bạn đang tìm. Trí tuệ tập thể rất quan trọng đối với khoa học đích thực và công nghệ đích<br />
thực. Nó giải thích tại sao người ta đóng thuế hoặc tài trợ cho giải bóng đá Little League.<br />
Trí tuệ tập thể là lý do tại sao khó có thể kiếm tiền khi cá cược vào các trò NFL đến vậy và<br />
tại sao, trong 15 năm qua, có vài trăm dân buôn bán nghiệp dư ở một vùng xa xôi hẻo lánh<br />
đã dự đoán kết quả của các cuộc bầu cử quốc gia chính xác hơn cả Gallup. Nó thường tạo<br />
ra sự khác biệt giữa một tập đoàn thành công và một tập đoàn hoạt động còn lúng túng, và<br />
không có nó, không nền kinh tế nào có thể phát triển thịnh vượng.<br />
Về mặt nào đó, cuốn sách này cố gắng mô tả thế giới như nó vốn có, thoạt nhìn mọi vật<br />
lúc đầu có thể không thấy nét tương đồng, nhưng cuối cùng chúng lại giống nhau rất<br />
nhiều. Đồng thời cuốn sách cũng viết về thế giới như nó có thể có. Một trong những điểm<br />
đáng chú ý về trí tuệ tập thể đó là: tuy các tác động của nó hiển hiện khắp nơi quanh ta<br />
nhưng nó lại dễ bị bỏ qua và thậm chí ngay cả khi nhìn thấy được thì vẫn khó có thể nắm<br />
bắt được nó. Phần lớn chúng ta, dù là những cử tri hay nhà đầu tư, người tiêu dùng hay<br />
nhà quản lý, thì đều cảm thấy có nhu cầu, như nhà xã hội học Jack Soll đã nói, là “săn<br />
đuổi chuyên gia”. Chúng ta cho rằng mấu chốt giải quyết các vấn đề là việc tìm được đúng<br />
<br />