intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Triết lý giáo dục Phật giáo và ý nghĩa đối với công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

5
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết thể hiện một góc nhìn về triết lí giáo dục (TLGD) nhân văn, dân chủ, bình đẳng và sáng tạo của Phật giáo với những đóng góp tích cực của tôn giáo này cho sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội Việt Nam hiện nay. Một trong những đóng góp cơ bản đó là hoạt động tích cực của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội (ASXH).

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Triết lý giáo dục Phật giáo và ý nghĩa đối với công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay

  1. TRIẾT LÝ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VÀ Ý NGHĨA ĐỐI VỚI CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY PGS.TS. NGUYỄN THỊ TOAN1* Tóm tắt: Bài viết thể hiện một góc nhìn về triết lí giáo dục (TLGD) nhân văn, dân chủ, bình đẳng và sáng tạo của Phật giáo với những đóng góp tích cực của tôn giáo này cho sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội Việt Nam hiện nay. Một trong những đóng góp cơ bản đó là hoạt động tích cực của Phật giáo trong công tác an sinh xã hội (ASXH). Từ khóa: triết lí, triết lí giáo dục, an sinh xã hội. Đặt vấn đề Trong bối cảnh cách mạng giáo dục đang diễn ra trong phạm vi toàn cầu, nhiều nhà nghiên cứu bàn nhiều tới việc cải cách giáo dục, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra lớp người năng động, sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển siêu tốc của thế giới. Riêng có một dòng chảy ngầm dưới những sôi động, ồn ào của cuộc sống, dòng chảy Phật giáo với TLGD đóng vai trò làm “phần bù” cho thế giới thực tại. Bằng “Duy tuệ thị nghiệp”, TLGD Phật giáo hướng tới sự tự giáo dục, sống chậm lại, lắng nghe tiếng nói từ trong tâm, tự khai phóng những năng lực tinh thần từ trong chiều sâu tâm thức, khơi dậy Phật tính trong bản thân mỗi con người để tỉnh thức và nhân ái hơn. Thiết nghĩ, tìm hiểu TLGD Phật giáo với những đóng góp tích cực của nó, đặc biệt đối với công tác ASXH ở Việt Nam hiện nay là một việc làm có ý nghĩa. Cho tới nay, mới chỉ có một số mạn đàm về TLGD Phật giáo và công tác ASXH chứ chưa có một nghiên cứu nào mang tính hệ thống về vấn đề này. Vì vậy, bài viết không trùng lặp với các công trình nghiên cứu khác. Trên cơ sở khảo cứu các công trình nghiên cứu có liên quan, bằng phương pháp phân tích - tổng hợp, khái quát hóa - trừu tượng hóa, bài viết phác thảo khung lí * Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
  2. 284 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... thuyết về TLGD và TLGD Phật giáo. Trên cơ sở các số liệu điều tra xã hội học từ các báo cáo về công tác ASXH của Phật giáo và từ trải nghiệm thực tiễn, bài viết phân tích để kết luận về ý nghĩa của TLGD Phật giáo đối với công tác ASXH ở Việt Nam hiện nay. 1. Triết lí giáo dục Phật giáo 1.1. Khái niệm triết lí và triết lí giáo dục Triết lí là gì? Phạm Xuân Nam cho rằng: “Triết lí có thể là những kết luận được rút ra, suy ra từ một triết thuyết, một hệ thống các nguyên lí triết học nhất định. Nhưng triết lí còn là những tư tưởng, những quan niệm (thường được thể hiện dưới dạng những câu, những mệnh đề cô đọng, súc tích) phản ánh được bản chất của các mối quan hệ diễn ra trong đời sống sinh động mọi mặt của mỗi cá nhân và của cộng đồng theo hướng khẳng định niềm tin, giá trị, đạo lí, có tác dụng chỉ đạo cho cách ứng xử, phương châm sống, suy nghĩ và hành động của con người trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó”1. Vũ Cao Đàm cũng giải thích thuật ngữ này theo hai nghĩa: 1. Nghĩa thứ nhất, tương đương khái niệm “Triết học” của Việt Nam, được định nghĩa là một lĩnh vực nghiên cứu về bản chất và ý nghĩa của con người và vũ trụ, một số sách định nghĩa là một lĩnh vực nghiên cứu về các quy luật phổ quát của các sự vật và hiện tượng; 2. Nghĩa thứ hai, tương đương khái niệm “Triết lí” của Việt Nam, được định nghĩa là tư tưởng cốt lõi, là đạo lí căn bản, là một hệ tín niệm (believe), từ đó chi phối hành vi và mọi hoạt động của con người”2. Tóm lại, khái niệm “triết lí” có 2 tư cách: Một là những tư tưởng, quan điểm khái quát hóa kinh nghiệm, đóng vai trò cốt lõi của thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan kinh nghiệm; hai là những nguyên lí của các triết thuyết (tức là lí thuyết triết học), đóng vai trò cốt lõi của thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan lí thuyết, hoặc là những hệ quả hay định lí của các triết thuyết đó. 1.2. Triết lí giáo dục là gì? Nhấn mạnh khía cạnh trải nghiệm thực tiễn của TLGD, có định nghĩa: “TLGD là những quan điểm phản ánh những vấn đề của giáo dục thông qua con đường trải nghiệm từ cuộc sống để chỉ đạo sự suy nghĩ và hành động của con người về các vấn đề giáo dục”3. Khẳng định tính hệ thống của TLGD, có định nghĩa: “TLGD là 1 Phạm Xuân Nam. 2010. Triết lí phát triển ở Việt Nam – mấy vấn đề cốt yếu. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.31, 32. 2 Vũ Cao Đàm. 2014. Nghịch lí và lối thoát. Bàn về triết lí phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam. Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.27. 3 Thái Duy Tuyên. 2007. Triết học giáo dục Việt Nam. Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.13.
  3. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 285 một hệ thống quan điểm mang tính chỉ đạo xuyên suốt cho mọi hoạt động giáo dục, được phát biểu cô đọng trong một vài câu, sao cho dễ nhớ và dễ thực hành theo”1. Theo GS Trần Ngọc Thêm: “TLGD là một tư tưởng giáo dục xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tồn tại trên nền tảng của văn hóa, chịu sự chi phối của ý thức hệ, hướng đến lí tưởng, là cơ sở xác lập và chỉ đạo các nguyên lí thực hành”2. Tóm lại, TLGD là những quan điểm, quan niệm về giáo dục được khái quát hóa từ trải nghiệm thực tiễn, thể hiện qua một số mệnh đề ngắn gọn, có vai trò định hướng giá trị chân - thiện - mĩ cho con người trong giáo dục và vì giáo dục. Nguồn gốc của TLGD là những trải nghiệm từ thực tiễn giáo dục. Nội dung của TLGD là một hệ giá trị nhất định, bao gồm trí dục, đức dục, thể dục, mĩ dục. Hình thức của TLGD thể hiện qua một vài mệnh đề ngắn gọn, hàm súc. Vai trò của TLGD là giữ gìn và phát triển những giá trị phổ quát như chân - thiện - mĩ và những giá trị đặc thù riêng của giáo dục như hiếu học, tôn sư, trọng đạo,... TLGD coi giáo dục là giáo dục giá trị sống, giáo dục mang lại cho con người cách thức thực hiện giá trị sống. Hoàn cảnh địa lí tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm văn hóa, tiền đề tư tưởng... của mỗi đất nước, dân tộc khác nhau sẽ quy định TLGD khác nhau. 2. Nội dung của triết lí giáo dục Phật giáo Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Phật giáo trên phương diện giáo dục là TLGD theo khuynh hướng mĩ cảm tâm linh. 2.1. Mục tiêu giáo dục Phật giáo Mục tiêu của giáo dục là tạo ra những con người đáp ứng nhu cầu xây dựng mô hình xã hội tương lai mà nền giáo duc đó muốn hướng tới. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn khác nhau, mỗi thời đại sẽ có một mô hình xã hội tương lai khác nhau, do đó, con người mà mỗi nền giáo dục tạo ra sẽ khác nhau. Trong xã hội loạn lạc, chiến tranh liên miên, luân thường đạo lí đảo lộn, Nho giáo khát khao muốn lập lại trật tự xã hội sao cho chính danh. Muốn có một xã hội chính danh phải nhân trị bằng giáo dục với mục tiêu tạo ra con người ngũ thường mà nhân là cốt lõi. Trái lại, Lão giáo hoài vọng về quá khứ với mong muốn xây dựng một xã hội nước nhỏ, dân ít. Con người trong xã hội đó là con người vô vi, mộc mạc, thuần phác, không can thiệp vào quá trình vận hành của mọi vật, buông bỏ cả trí tuệ, pháp luật lẫn đạo đức, thậm chí buông bỏ cả giáo dục. 1 Giáp Văn Dương. 2011. Triết lí giáo dục, cần hay không? Kỉ yếu Humboldt: Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam. Nxb Tri thức, Hà Nội. 2 https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/tim-cau-tra-loi-cho-triet-ly-giao-duc-viet-nam-3957586-b.html .
  4. 286 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Ra đời trong xã hội phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt, Phật giáo là tiếng nói phản đối chế độ ấy với khát vọng về một thế giới hòa bình, dân chủ, bình đẳng, nhân văn. Tiếp cận cuộc đời từ góc nhìn về cái bi nhân thế, mục tiêu của Phật giáo là đi tìm con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ cuộc đời. Bằng tâm vô sở đắc, từ bỏ hoan lạc, xuyên qua trần thế gian truân bụi bặm, Thích Ca tuyên bố: “Này các đệ tử, ta bảo cho mà biết, nước ngoài biển khơi chỉ có một vị mặn, vậy đạo của ta chỉ có một vị là vị giải thoát mà thôi”. Nguyên nhân khổ đau là do Thập nhị nhân duyên mà cơ bản là do vô minh và ái dục. Vậy muốn thoát khổ, chỉ cần thắp sáng vô minh bằng ngọn đèn trí tuệ, khắc chế những dục vọng thấp hèn. Khi ấy, con người sẽ chấm dứt cuộc đi lang thang, bất định trong đời sống để đạt tới trạng thái Niết bàn thanh tịnh, sáng suốt. Như vậy, mục tiêu của giáo dục Phật giáo là tạo ra những con người hạnh phúc trong một xã hội an lạc, thanh bình. 2.2. Nội dung giáo dục Phật giáo Trong bối cảnh xã hội rối ren, sa sút đạo đức, mục tiêu của giáo dục Phật giáo là hướng con người đến cái thiện, cái chuẩn mực để hoàn thiện nhân cách, để con người sống tử tế với bản thân và xã hội. Giữa bể dâu của cuộc đời trần thế, Phật quay vào tìm điểm tựa tại Tâm. Với niềm tin vô hạn nơi con người, giáo dục Phật giáo là sự khai phóng những năng lực tinh thần từ trong chiều sâu tâm thức mỗi con người bằng trí tuệ và đạo đức. Để thoát khỏi bể khổ trầm luân, con người phải tự mình cởi bỏ ách nô lệ trong chính tâm hồn mình, đưa cái tâm trở về trạng thái nguyên thuỷ hoang sơ, trong trẻo, tròn đầy không tì vết. Muốn vậy, con người phải có trí sáng để thấy được những mong manh, vô thường, giả tạm của đời, để không tham, sân, si, chấp trước, u mê lầm lạc trong cõi người. Nhưng dù đời là vô thường, giả tạm thì con người vẫn phải sống giữa đời. Trong sinh tử mới thoát vòng sinh tử, muốn thoát khổ đau phải sống trong vòng sinh tử khổ đau với tinh thần từ bi hỉ xả, như hoa sen thơm ngát giữa đầm lầy. Uống hết tô sữa từ tay cô gái chăn bò, đức Phật thả chiếc tô quý bằng vàng xuống nước. Chiếc tô trôi ngược dòng. Giữa dòng chảy mênh mông của đời sống, con người không thể bị cuốn theo những đam mê ảo ảnh mà phải thắp sáng đuốc tâm hồn, xua màn đêm vô minh, chặt đứt mắt xích luân hồi sinh tử, đạt tới cái Không vĩnh hằng ngay chính trong tâm mình. Để vô ngã giữa cuộc đời, phải biết lấy yêu thương dập tắt oán thù. Con đường vượt thoát khổ đau là con đường nỗ lực tự thân để vươn tới cái Chân (thấu tỏ thực tướng của vạn vật), cái Thiện (suy nghĩ thiện, hành động thiện), cái Mĩ (cái đẹp vĩnh hằng của cõi Niết bàn). Tin tưởng tuyệt đối nơi con người, thăng hoa con người thành Phật là giá trị nhân văn cao cả nhất trong TLGD của Phật giáo.
  5. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 287 Theo đức Phật, trong vòng luân hồi đằng đẵng, bất tận, các chúng sinh đều có mối liên hệ với nhau. Con người cũng chỉ là một mắt lưới, một yếu tố của hệ thống thiên nhiên vận hành trong màng lưới duyên sinh và lý nhân quả, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Bởi thế, hành động của con người phải đem lại lợi ích cho toàn bộ hệ thống chứ không thể vì lợi ích của bản thân mà giẫm đạp lên sự sống của người khác, loài khác. Hành động tổn hại tới môi sinh là hành động tổn hại tới chính đời sống của con người, xã hội loài người trong hiện tại và tương lai. Vượt không gian, thời gian, đức Phật đã thấu tỏ sự bình đẳng của sự sống muôn loài để đánh thức con tim yêu thương và tinh thần trách nhiệm của con người trong nỗ lực bảo vệ môi sinh. Giới bất sát và tập tục ăn chay là một đóng góp quan trọng của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường, sức khoẻ và giáo dục đạo đức sinh thái cho con người. Ngũ giới, thập thiện, tứ vô lượng tâm, lục độ, bát chính đạo là những nội dung căn bản trong giáo dục Phật giáo. Ngũ giới là: 1/Không sát sinh; 2/Không trộm cắp;3/Không tà dâm;4/Không nói dối;5/Không uống rượu. Ngũ giới giúp con người không gây ra những đau khổ cho bản thân, không sa vào vòng tù tội của pháp luật và không phải trả quả báo vì nghiệp lực của mình đã tạo trong trong tương lai. Sự giữ gìn giới luật là một trong những phương pháp làm cho con người được yên ổn đối với tự thân, yên ổn trước pháp luật và yên ổn trong luật nhân quả. Thập thiện cụ thể hóa hơn những nội dung của ngũ giới. Lục hòa là sáu điều Thích Ca dạy đệ tử xuất gia song có thể vận dụng với người không xuất gia, đó là: 1/Thân hòa đồng trụ; 2/Khẩu hòa vô tranh; 3/Ý hòa đồng sự; 4/Giới hòa đồng tu; 5/Kiến hòa đồng giải; 6/Lợi hòa đồng quân. Tứ vô lượng tâm là “bốn tâm rộng lớn không đo lường được”, đó là tâm từ, bi, hỉ, xả giúp con người tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Nếu cố gắng thực hành tứ vô lượng tâm, mỗi người sẽ trở thành một công dân lí tưởng trong một thế giới hòa bình, an lạc mà Phật giáo gọi là cực lạc thế gian. Bát chính đạo là con đường tám nhánh để giải thoát khỏi khổ, gồm: 1/ Chính kiến; 2/ Chính tư duy; 3/ Chính ngữ; 4/ Chính nghiệp; 5/ Chính mệnh; 6/ Chính tinh tấn; 7/ Chính định; 8/ Chính niệm. Song hành cùng lối sống hài hoà với môi trường sinh thái thiên nhiên, TLGD Phật giáo cũng hướng con người tới việc kiến tạo cho mình một môi trường sinh thái đời sống lành mạnh. Đó là nếp sống trung đạo, hài hoà, hài hoà giữa tâm và vật, giữa lí và tình, giữa trí tuệ và đạo đức. Thích Ca đã từng sống trong nhung lụa, trong đủ đầy về vật chất từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, cũng đã từng trải
  6. 288 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... qua những tháng ngày cơ cực của lối tu khổ hạnh để rút ra một chân lí: Ham đắm dục lạc hay ép xác khổ hạnh đều không giúp con người thoát khỏi nỗi đau khổ của cuộc đời. Nhận tô sữa từ tay cô gái chăn bò, Thích Ca quay về với lối sống trung đạo, quân bình, giản dị, hài hoà. Tìm hạnh phúc trong tri túc thiểu dục, không tham lam nhưng cũng không đói khổ, đó là TLGD Phật giáo. Bát chính đạo - con đường giải thoát khổ đau của TLGD Phật giáo là con đường hài hoà của giới, định, tuệ. Tuệ trong Phật giáo là nhận thức được quy luật và sống hài hoà với quy luật. Đó là quá trình lấy minh để xoá bỏ vô minh. Khi đề cao tuệ, minh triết Phật cũng đồng thời thấy sự hài hoà giữa tuệ và đời sống đạo đức với tứ vô lượng tâm, thập thiện, lục hoà, lục độ. Với cái tâm quân bình như đất, với tuệ giác sáng suốt, con người sẽ vượt thoát khỏi muộn phiền thế tục và cuộc đi lang thang bất định của đời sống để cõi lòng được phẳng lặng, bình an, xã hội được hòa bình, hòa hợp. 2.3. Phương pháp giáo dục Phật giáo a/ Giáo dục Phật giáo khơi dậy sự tự tin, tự giác và tự thể chứng. Phật giáo tìm nguyên nhân của nỗi khổ đau nhân thế từ trong màn sương vô minh, đam mê và sân hận. Chúa hay Phật cũng chỉ ở trong tâm người tìm giải thoát. Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Đặt niềm tin vào khả năng tự giải thoát của chúng sinh, suốt cuộc đời Thích Ca đánh thức khả năng thành Phật trong con người. Không dắt tay người đi tìm giải thoát, Thích Ca chỉ là người gõ cửa, đánh thức tâm hồn, Phật tính trong mỗi con người. Mỗi người tự mở cửa tâm hồn mình để thoát khỏi u mê, tăm tối của kiếp người. Con đường thoát khỏi nỗi khổ của cuộc đời là tự tìm Niết bàn trong chính tâm hồn mình bằng cách từ bỏ tam độc tham sân si, nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng từ bi hỉ xả. Bể khổ mênh mông, quay đầu lại là bờ. Quay đầu lại là quay vào trong tâm mình, tìm Phật tính trong chính bản thân mình. Mỗi người sẽ thành Phật của chính mình. Có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu Phật tính. Nhưng có thể trở thành Phật được hay không là tuỳ thuộc vào sự nỗ lực cố gắng của mỗi người.Thân xác mỗi con người là nhà tù, địa ngục hay ngôi chùa của chính tâm hồn là do bản thân mỗi người tự quyết định. Nếu con người thắp sáng vô minh bằng ngọn đèn trí tuệ Bát Nhã, từ bỏ những dục vọng thấp hèn thì thân xác sẽ là ngôi chùa, tâm hồn sẽ thành Phật ngay trong chính ngôi chùa ấy. Một ngôi chùa biết đi lại, biết ăn uống, biết lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, một ngôi chùa giữa dâu bể cuộc đời. Lời nhắc nhở của Thích Ca hãy nương tựa vào chính mình, tự thắp đuốc lên mà đi đã tiếp thêm luồng sinh lực cho con người trong cuộc đời đầy đau khổ, động viên,
  7. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 289 khuyến khích con người nỗ lực vươn lên tìm hạnh phúc, tự do. Đó cũng là lời nhắc nhở con người phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình, tự điều chỉnh mình để cuộc sống tốt đẹp hơn. Phật giáo dạy con người thái độ sống phù hợp trước những bất trắc của đời. Trên thực tế, nếu không có niềm tin vào bản thân thì con người không bao giờ có thể thực sự giải thoát khỏi khổ đau. Trong mọi sự thay đổi xã hội, sự tham gia của quần chúng đòi hỏi phải bằng tinh thần tự giác cao, xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc mục đích của hành động, từ niềm tin vào sức mạnh của bản thân mỗi con người. Khi đó, lí tưởng giải thoát chỉ là nửa vời, luẩn quẩn mà không bao giờ tới đích. b/ Giáo dục bình đẳng, sáng tạo, tự do tư tưởng, không giáo điều, máy móc. Ra đời trong phong trào phản đối chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt và sự ngự trị của Bàlamôn giáo, Thích Ca đã làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng khi tuyên bố: Không có đẳng cấp trong máu cùng đỏ và trong nước mắt cùng mặn! Ngài gom thế giới hữu tình trong hai chữ chúng sinh, với niềm tin nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính. Ngài ví những người đã xuất gia tu đạo, lấy giải thoát làm lí tưởng thì không còn phân biệt đẳng cấp nữa mà chỉ còn là Sa môn Thích tử, giống như trăm sông đổ về một biển thì không còn tên sông nữa mà chỉ còn một vị mặn. Với tinh thần bình đẳng và niềm tin vào con người, giáo đoàn của Phật Thích Ca thu nạp đủ mọi loại người, từ nam đến nữ, trẻ đến già, từ vua chúa đến bình dân, thậm chí cả tướng cướp, kĩ nữ, hành khất... Tinh thần bình đẳng trong giáo dục Phật giáo là tinh thần tự do tư tưởng, không độc quyền chân lí. Khi đặt niềm tin nơi con người, Thích Ca khuyên con người đừng lệ thuộc vào dư luận, truyền thống, kinh điển, suy luận... mà hãy nghe lời mách bảo của tâm và sự xét đoán của lí trí. Ngay cả đối với giáo lí của mình, ngài cũng khuyên học trò xét đoán lại rồi hãy tin. Tuy nhiên, khi đã tin rồi thì cũng không nên khăng khăng rằng chỉ có điều đó mới đúng, mới là sự thật còn mọi cái khác là sai lầm. Ngài khẳng định đó là xiềng xích trói buộc con người hơn mọi loại xiềng xích. Đó cũng là tinh thần bao dung, độ lượng, tôn trọng những giá trị văn hoá trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Giáo dục Phật giáo kế thừa, cải biến, dung hợp và hoàn thiện những tinh hoa tư tưởng của kinh Veda, Upanishad... để đạt tới đỉnh cao trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ song Thích Ca vẫn khiêm tốn thừa nhận mình chỉ đi trên con đường mà người xưa đã từng đi. Đôi khi ngài nói: “Người Bàlamôn nói thế và ta cũng nói thế!” Tinh thần tự do tư tưởng của giáo dục Phật giáo còn thể hiện trong quan niệm khế lí khế cơ, hay tinh thần vận dụng linh hoạt giáo lí của Phật giáo vào trong từng
  8. 290 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... hoàn cảnh cụ thể. Thích Ca dặn dò Ananda: “Sau khi ta nhập diệt, tăng già có thể bỏ những chỗ học nhỏ nhặt!”. Tiến thêm một bước, ngài khuyên học trò: Khi đã hiểu được tinh thần của Phật giáo thì có thể buông bỏ cả kinh sách. Ngài ví giáo lí của mình chỉ như chiếc bè để chở người qua sông. Qua sông rồi thì đừng vì lòng biết ơn cái bè mà phải đội lên đầu hoặc vác lên vai để đi tiếp. Ngài cũng ví giáo lí của mình như ngón tay chỉ mặt trăng, thấy mặt trăng rồi thì đừng để ngón tay che lấp mất mặt trăng. Hay lấy cái gai để nhổ cái gai, nhổ được gai rồi thì vứt cả hai cái gai đi. Nói khái quát, giáo lí của đạo Phật là phương tiện giúp con người giải thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời. Khi đã đến đích rồi, cần buông bỏ phương tiện. Đỉnh cao của giáo dục Phật giáo là hướng con người cởi bỏ mọi ràng buộc về vật chất, tinh thần, ngôn từ, kinh sách. Con người sẽ đạt được tự do tuyệt đối khi không còn bị ràng buộc vào bất kì điều gì của cuộc đời. Tinh thần tự do tư tưởng ấy vẫn có giá trị tham khảo để chữa trị căn bệnh giáo điều ngay trong thời hiện đại. TLGD Phật giáo, với những giá trị tích cực như trên, có thể coi là một TLGD nhân văn (humanities), dân chủ (democratic), bình đẳng (equality), thực nghiệm (empirical), khoa học (scientific), thực tế (pragmatic). Kế thừa những giá trị tích cực trong TLGD Phật giáo để góp phần xây dựng TLGD nhân bản, khoa học, dân chủ và sáng tạo là việc làm có ý nghĩa cho xã hội Việt Nam trong thời đại ngày nay. Cụ thể hơn, TLGD của Phật giáo có đóng góp quan trọng cho xã hội mà một trong những đóng góp ấy là bảo đảm ASXH. 3. Ý nghĩa của triết lí giáo dục Phật giáo đối với vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay 3.1. Nguồn gốc, bản chất và ý nghĩa của an sinh xã hội Hình thức ASXH lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1850 tại nước Đức. Nhiều bang đã yêu cầu công nhân phải đóng góp lập quỹ ốm đau để dự phòng khi bị giảm thu nhập vì bệnh tật. Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp cũng khiến cho nhiều công nhân bị thất nghiệp. Dần dần, cả chủ doanh nghiệp và nhà nước đều phải đóng góp vào quỹ dự phòng đó. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, mô hình này đã lan rộng sang các nước châu Âu, châu Mĩ Latinh và Bắc Mĩ. Chỉ tới năm 1935, thuật ngữ ASXH mới xuất hiện lần đầu tiên trong đạo luật về ASXH của Mĩ. Sau đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chính thức dùng thuật ngữ này trong các công ước quốc tế. Dần dần, các nước trên thế giới đều thừa nhận ASXH là một trong những quyền cơ bản của con người. An sinh xã hội là một khái niệm được nêu trong Điều 22 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người, như một
  9. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 291 thành viên của xã hội, có quyền an sinh xã hội và được quyền thực hiện, thông qua nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế và phù hợp với tổ chức và các nguồn lực của mỗi quốc gia, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa không thể thiếu cho nhân phẩm của mình và sự phát triển tự do của nhân cách của mình. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là các bên tham gia kí kết thỏa thuận rằng xã hội, trong đó một người sinh sống có thể giúp họ phát triển và tận dụng tối đa tất cả những lợi thế (văn hóa, công việc, phúc lợi xã hội) được cung cấp cho họ trong quốc gia đó”1. Ở Việt Nam, thuật ngữ ASXH đã xuất hiện vào những năm 70 thế kỉ XX, trong sách nghiên cứu về pháp luật của một số học giả Sài Gòn. Bắt đầu từ những năm 1995, thuật ngữ này được sử dụng ngày càng rộng rãi hơn và chính thức đi vào Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền được bảo đảm ASXH” (Điều 34); “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH” (Khoản 2 Điều 29 Hiến pháp năm 2013). An sinh xã hội là gì? Từ góc độ tiếp cận khác nhau, có nhiều định nghĩa khác nhau. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “ASXH là những biện pháp công cộng nhằm giúp cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng đương đầu và kiềm chế được nguy cơ tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và những bấp bênh về thu nhập”. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), “ASXH là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con”. ASXH dùng để chỉ các chương trình hành động của chính phủ hỗ trợ về thực phẩm, chỗ ở, sức khỏe… nhằm đảm bảo phúc lợi của công dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người bệnh và người thất nghiệp. Các dịch vụ cung cấp ASXH thường được gọi là các dịch vụ xã hội. ASXH bao gồm: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội; Trợ cấp gia đình; Các quỹ tiết kiệm xã hội; Các dịch vụ xã hội khác được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng. Đảm bảo ASXH có ý nghĩa quan trọng đối với việc hiện thực hóa quyền con người - điều kiện cần thiết cho sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia. Thực hiện chính sách ASXH là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của Nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc 1 United Nations.. Universal Declaration of Human Rights. Plain language version.
  10. 292 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... cải thiện mức sống thấp. ASXH bảo đảm cho công dân có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập. Đây cũng là cơ sở để xây dựng hệ thống duy trì thu nhập do nhà nước quản lí, bảo đảm cho công dân được hưởng quyền an sinh trong một xã hội ổn định và phát triển bền vững. Việt Nam, bảo đảm ASXH luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước và toàn xã hội nhằm: bảo đảm công dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia bảo hiểm xã hội và hỗ trợ kịp thời những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân. Hệ thống chính sách ASXH ở Việt Nam hiện nay gồm 4 nhóm cơ bản: 1/ Nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo: hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; 2/ Nhóm chính sách bảo hiểm xã hội: hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già… thông qua tham gia bảo hiểm xã hội để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên; 3/ Nhóm chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất. 4/ Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông. Các mục tiêu cụ thể của hệ thống ASXH: 1/ Hướng tới việc làm bền vững; 2/ Tăng cường trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt; 3/ Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; 4/ Hướng tới giảm nghèo toàn diện và bền vững. 3.2. Ý nghĩa của triết lí giáo dục Phật giáo với công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay Có thể khẳng định, Phật giáo là một trong những tổ chức xã hội đóng góp tích cực và hiệu quả nhất việc thực hiện công tác ASXH ở Việt Nam. Điều này xuất phát từ triết lí giáo dục của Phật giáo. Điểm gặp gỡ giữa triết lí giáo dục Phật giáo với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: 1/ Triết lí giáo dục Phật giáo lấy con người làm đối tượng và giải thoát làm cứu cánh. Kinh Chuyển pháp luân vương chỉ rõ, nghèo khó là nguyên nhân của những vấn đề xã hội (ăn cắp, lường gạt, bạo lực…). Luật pháp có thể trừng phạt để kiềm chế tội phạm chứ không bao giờ có thể tiêu trừ tội phạm. Bởi vậy, cần phải lo giải
  11. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 293 quyết những nhu cầu căn bản cho người dân như nhu cầu về ăn ở, sức khỏe, giáo dục, công ăn việc làm…, tạo những điều kiện vật chất cơ bản cho tự do tâm linh. Ngày nay, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng lấy dân làm gốc, tất cả từ con người và vì con người, giải phóng nhân dân khỏi áp bức bất công, nghèo nàn lạc hậu, xây dựng xã hội “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 2/ Triết lí giáo dục Phật giáo và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều hướng tới sự hài hoà: hòa bình, hòa hợp, đoàn kết dân tộc. Với phương châm hộ quốc an dân, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Cho tới nay, tuyên ngôn “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo vẫn thể hiện sâu sắc tinh thần hòa bình, hòa hợp ấy. 3/ Triết lí giáo dục Phật giáo và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều mang tinh thần dân chủ, bình đẳng. Tuyên ngôn không có đẳng cấp trong máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn của Phật giáo thể hiện sâu sắc trong các nội dung giáo dục Phật giáo và được hiện thực hóa trong các sinh hoạt Phật giáo, trong các chùa chiền. Những điểm gặp gỡ trên khiến cho TLGD Phật giáo có thể đi vào cuộc đời, làm tốt công tác an sinh xã hội, giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam ổn định và phát triển bền vững. TLGD Phật giáo hướng con người tới những giá trị nhân văn, đánh thức tình yêu thương đồng loại trong mỗi con người. Bằng tình yêu thương, mỗi người sẽ biết sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh (những người già yếu không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người gặp thiên tai, rủi ro…), để thân hòa đồng trụ, lợi hòa đồng quân. Những chia sẻ từ tình yêu thương giúp cho họ giảm bớt khó khăn, đảm bảo quyền con người, quyền được sống, được bảo vệ và phát triển, được mưu cầu hạnh phúc. Với tình thương đồng loại, người chia sẻ và người được sẻ chia đều nỗ lực chuyển hóa nghiệp lực của cá nhân và cộng đồng. Người mạnh hơn sẽ hỗ trợ cho người yếu hơn; người yếu hơn sẽ nỗ lực hoàn thiện bản thân để cùng nhau xây dựng một xã hội bình đẳng và nhân ái. Trên phương diện tinh thần, đóng góp lớn của giáo dục Phật giáo là khai mở tâm từ bi hỉ xả của con người thông qua việc giảng pháp, từ đó mỗi người tự nguyện tự giác, tích cực tham gia vào công tác ASXH: “Chúng sinh nghe pháp, đời sau phát tâm hoan hỉ bố thí, nhờ nhân duyên ấy, đời sau thân được khỏe mạnh. Chúng sinh nghe pháp, không còn buông lung, nhờ nhân duyên ấy, đời sau thân được an lạc…
  12. 294 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Tương tự, đối với trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ… cũng lại như vậy. Vì thế nên biết, bồ thí giáo pháp thù thắng hơn bố thí tài vật”1. Căn bệnh tinh thần của con người trong xã hội hiện đại chính là những tổn thương tinh thần xuất phát từ sự lệch lạc trong giáo dục, và tìm sự giác ngộ, giải thoát cho giới trẻ chính là điều mà giáo dục Phật giáo đã và đang hướng tới. Trên phương diện vật chất, trong những năm qua, số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thấy, Phật giáo đã đóng góp rất lớn cho công tác ASXH như: thành lập các trường nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ sở nuôi người già, người khuyết tật… Hoạt động từ thiện của các tổ chức Phật giáo linh hoạt, sáng tạo với nhiều hình thức, hướng đến nhiều đối tượng bị tổn thương trong xã hội như: Người nghèo, người già không nơi nương tựa, người lang thang, cơ nhỡ, người khuyết tật, trẻ em vô gia cư, công nhân trong các khu công nghiệp, người nông dân bị mất đất, mất việc làm trong vùng đô thị hóa, người dân trong các khu vực bị thiên tai, bệnh dịch tàn phá, người mắc bệnh hiểm nghèo… Không thể không đề cập tới một vấn đề, đó là tinh thần hãy nương tựa vào chính mình, tự mình thắp đuốc lên mà đi trong TLGD Phật giáo vẫn là lời nhắc nhở có ý nghĩa sâu sắc cho những ai có khó khăn tạm thời nhưng vẫn ỷ lại, chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác mà không nỗ lực vươn lên cải tạo bản thân, cải tạo hoàn cảnh. Từ đó, mặc dù nhận sự cứu trợ của xã hội rồi mà họ vẫn tái nghèo, vẫn nghèo bền vững. Mặt khác, tinh thần Phật giáo nhắc nhở mỗi người nên tự mình cứu lấy mình trước khi chờ đợi người khác cứu. Việc tự nguyện tự giác mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là một trong những phương cách có hiệu quả để tự mình bảo đảm cho tương lai của mình. Vì vậy, trong những năm qua, nhiều người dân mặc dù không phải là công chức, viên chức hay người làm công ăn lương vẫn mua bảo hiểm. Phong trào này ngày càng lan rộng ra ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. 4. Kết luận Qua mấy ngàn năm lịch sử, TLGD Phật giáo vẫn trường tồn cùng dân tộc và nhân loại với những đóng góp to lớn. Một trong những đóng góp có ý nghĩa của TLGD Phật giáo là giáo dục lòng nhân ái, vị tha, đức từ bi hỉ xả. Tinh thần ấy đã đi vào cuộc đời bằng những hành động cụ thể, thiết thực trong công tác ASXH, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam nhân bản, hòa bình, hòa hợp, ổn định và phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. 1 Pháp sư Đạo Thế (biên tập) - Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo chư kinh yếu tập (tập 1), Tp. Hồ Chí Minh, Nxb. Phương Đông, 2009, tr. 673.
  13. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 295 T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Phạm Xuân Nam. 2010. Triết lí phát triển ở Việt Nam - mấy vấn đề cốt yếu. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 31-32. 2. Vũ Cao Đàm. 2014. Nghịch lí và lối thoát. Bàn về triết lí phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam. Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.27. 3. Thái Duy Tuyên. 2007. Triết học giáo dục Việt Nam. Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr.13. 4. Giáp Văn Dương. 2011. Triết lí giáo dục, cần hay không? Kỉ yếu Humboldt: Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam. Nxb Tri thức, Hà Nội.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2