intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Truyện ngắn THÀNH PHỐ TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ

Chia sẻ: Nguyen Van Khoai | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

71
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tôi ghé tiệm net gửi cho em tấm thiệp điện tử đính kèm đường link của bài hát Thành phố tình yêu và nỗi nhớ để chúc mừng sinh nhật em (30-4, một ngày đặc biệt) và chúc mừng thành phố của em đón thêm một tháng tư yên bình. Bài hát thay cho lời chuộc lỗi vì tôi không thể thực hiện lời đã hứa.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Truyện ngắn THÀNH PHỐ TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ

  1. THÀNH PHỐ TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ Tôi ghé tiệm net gửi cho em tấm thiệp điện tử đính kèm đường link của bài hát Thành phố tình yêu và nỗi nhớ để chúc mừng sinh nhật em (30-4, một ngày đặc biệt) và chúc mừng thành phố của em đón thêm một tháng tư yên bình. Bài hát thay cho lời chuộc lỗi vì tôi không thể thực hiện lời đã hứa. Một cách nào đó, nhóc ạ, anh cảm thấy mình có lỗi, cả với em và thành phố của em - Sài Gòn. Đã muốn cùng em dạo qua công viên Tao Đàn, chợ Bến Thành, lang thang quanh hồ Con Rùa, ghé nhà thờ Đức Bà cầu nguyện một vài điều ý nghĩa cho anh, cho em và cho cả thế giới này… Đã muốn cùng em thăm bến Nhà Rồng, dinh Độc Lập và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Vậy mà không thể! Lịch tập huấn cho chuyến đi thực tế trên biển không cho phép anh thực hiện lời hứa vào thăm lại Sài Gòn. Tin rằng nhóc sẽ vui và học tập tốt. Cố gắng lên nhé! Chúc nhóc thêm tuổi mới, xinh hơn và… nhớ anh nhiều hơn một chút! CHÀNG TRAI HÀ NỘI Khi gõ những dòng này vào khung Yahoo Messenger, cố để em hiểu rằng tôi thật sự muốn vào thăm em nhưng không thể, thì trong đầu tôi, những mảnh vụn của hình ảnh bắt đầu ráp nối lại thành kỷ niệm của một năm trước đây… … Khi ấy đang là những ngày cuối cùng của tháng tư. Bố lên tận trường xin phép cho tôi nghỉ học một tuần để "tháp tùng" ông nội vào Nam sau khi thuyết phục ông đi bằng máy bay mãi mà không được. Ông bảo ông muốn đi bằng tàu hỏa để ngắm nhìn phong cảnh các vùng miền của đất nước đã thay đổi như thế nào sau hơn 30 năm. Còn bố thì không yên tâm với căn bệnh huyết áp cao của ông, lại cũng không thể bỏ dở việc công ty để đi cùng ông, nên tôi trở thành "người đồng hành bất đắc dĩ" với ông trong chuyến đi này - chuyến đi mà ông bảo là để thăm lại một người bạn đồng ngũ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Người ấy, tôi không biết là ai. Chỉ biết ông ấy sống ở TP.HCM - thành phố của khói, bụi, lô cốt và những cơn mưa ngớ ngẩn. Chừng ấy thông tin, không nhiều nhưng cũng đủ để dập tắt đi những thiện cảm vốn dĩ cũng không được nhiều gì của tôi về cái thành phố hoàn toàn xa lạ ấy. Không thích nhưng rồi tôi cũng phải đi. Suốt chuyến tàu, trong khi ông nội đăm
  2. chiêu nhìn quang cảnh trôi qua phía bên ngoài cửa kính, tôi cố tỏ ra khó chịu và nhăn nhó để ông biết. Cũng có thể ông biết nhưng đã cố tình lờ đi. Một vài lần ông nhìn tôi, cười, rồi lại quay ra cửa kính. Lúc đó tôi tự khái quát cho mình một định lý "Nụ cười của người già bao giờ cũng khó hiểu". Ít ra là điều đó luôn đúng với ông tôi, nhất là lúc này. TP.HCM đón ông cháu tôi bằng tràn ngập cờ và hoa. Chiếc xe xích lô ọc ạch chở chúng tôi đến địa chỉ X trên một con đường giăng chi chít những khẩu hiệu "Chào mừng 30-4-1975 – 30-4-2008". Tôi có thể hiểu vì sao ông lại từ chối đi taxi khi tôi đề nghị, để đi xích lô, chậm và nắng. Phần vì ông muốn ngắm những con đường của thành phố mà với ông hơn 30 năm chưa một lần được bước lại, vẫn thân quen tựa như quá khứ xa xôi ấy chỉ là ngày hôm qua. Phần vì ông thấy ông lão đạp xích lô bị cụt một cánh tay mặc chiếc áo bộ đội cũ sờn nhìn ông với ánh mắt thật hiền nhưng khắc khổ. Người thương binh già (tôi đoán thế) dừng lại trước cổng ngôi nhà nhỏ nằm nép mình trong một con hẻm ngoằn ngoèo và chật hẹp. Ông ta còn định bấm chuông cửa giúp ông cháu tôi nhưng ông tôi ngăn lại, trao cho ông ta cái nhìn biết ơn. Vậy rồi ông ta quay xích lô đạp ngược trở ra thì mất hút vào khúc cua đầu con hẻm. Vừa lúc, một cô bé từ trong nhà đi ra, nét mặt và giọng nói đều có vẻ dò xét: - Thưa, ông và anh có phải là... - Cháu cho hỏi ông Tư Gòn có nhà không? Nghe thế, con bé nhảy cẫng lên, nói như reo, giọng miền Nam dễ thương hết sức: - Dạ! Vậy ông chính là ông Hai Hạnh ngoài Hà Nội vô rồi. Nội con trông ông hoài. Nói rồi con bé chạy tồng tộc vào nhà quên cả mở cổng cho khách, vừa chạy vừa gọi oang oang: - Nội ơi! Nội ra coi ai tới thăm nội nè! "Một con chim sẻ gầy gò và bất lịch sự", nhận xét ấy xẹt qua ý nghĩ của tôi trong cái ấn tượng ban đầu về cô bé. Trong khi ông cháu tôi còn đang lơ ngơ trước cổng thì một ông lão dáng người gầy gầy, vồn vã ra mở cổng… Hai người già đứng lặng hồi lâu, nhìn nhau bằng đôi mắt mờ đục nhưng rõ ràng là rất trìu mến. Rồi hai người ôm chầm lấy nhau, siết chặt
  3. như thể sợ vuột mất một điều gì quý giá và thiêng liêng. Cái khoảnh khắc ấy, một vài giọt nước đã rơi ra khỏi đôi mắt, nhưng chúng không lăn theo khóe lệ mà chảy lem luốc theo những nếp nhăn xô lệch trên hai gương mặt già nua. Hơn 30 năm trước, khi còn là những chàng trai trẻ, ngay cả mọi ngón đòn tra tấn dã man nhất của giặc Mỹ cũng không thể lấy được của họ những giọt nước mắt. Vậy mà bây giờ hòa bình, họ khóc trong niềm vui được gặp lại nhau… Khi cô bé kéo tôi vào nhà và đòi xách giúp tôi cái balô to đùng, nặng trịch, hai người đồng đội vẫn còn chưa hết xúc động. oOo Cả đêm hôm ấy, ông tôi và ông nhóc hàn huyên tâm sự không dứt. Giữa những câu hỏi han, thỉnh thoảng lại thấy chen vào đó những kỷ niệm của một thời oanh liệt, khi mà họ cùng ẩn nấp trên gác xép của ngôi nhà bé nhỏ này để hoạt động bí mật. Tôi thấy nhóc ngồi nghe chăm chú. Nếu nhóc là tôi, tức là đã được nghe ông nội kể một mớ những câu chuyện như thế - hàng ngàn lần - suốt những năm thơ ấu, thì nhóc có bỏ được cái bộ mặt vừa ngơ ngác vừa thích thú đó đi không? Hẳn rồi! Như tôi bây giờ, ngáp ngắn ngáp dài, hai mí mắt thì cứ díp chặt vào nhau. Mãi đến tận 12 giờ đêm (không hiểu sao vào cái giờ khuya lắc khuya lơ đó vẫn cứ nghe thành phố ầm ào), tôi mới được ngả lưng xuống tấm nệm do chính tay nhóc trải. Nhóc chúc tôi ngủ ngon, tắt điện rồi ra khỏi phòng. Cũng bấy nhiêu hành động theo một thứ tự dường như không khác gì, hệt như mẹ tôi thường làm khi tôi còn là một cậu nhóc. Đêm đó tôi mơ một giấc mơ kỳ lạ… Cho đến giờ tôi không còn nhớ rõ là mình đã mơ những gì. Chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của tôi cái câu nói trong veo của một ai đó không rõ mặt: "Sẽ đến một lúc nào đó, anh thấy yêu thành phố này!". oOo Buổi sáng hôm sau và cả ngày dài nóng nực sau đó, ông cháu tôi được ông cháu nhóc đưa đi thăm thành phố. Chúng tôi đến nhà bảo tàng chứng tích chiến tranh đầu tiên. Sau đó vòng qua dinh Độc Lập. Ngày hôm sau, chúng tôi đi chợ Bến Thành. "Ở đó, thứ gì cũng có nhưng giá bán hơi mắc", nhóc rào đón như thế trước khi đi. Cuối buổi chiều cùng ngày, chúng tôi ghé thăm bến Nhà Rồng nhưng người ta đã đóng cửa nên không vào được. Thế là tôi đành ra về và lại phải tiếp tục sống
  4. với những hình dung không rõ nét về nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước được học từ thời tiểu học. Buổi tối, nhân lúc hai ông ngồi thưởng trà, xem thời sự, nhóc kéo tôi lẻn ra ngoài. Nhóc đã chuẩn bị sẵn chiếc xe đạp ở ngoài cổng, bảo tôi: - Con trai Hà Nội chắc cũng biết chạy xe đạp chứ hả? - Sao con gái miền Nam lại xem thường con trai Hà Nội như thế nhỉ? - Tôi đáp trả em bằng chất giọng có vẻ hơi "đanh đá" đính kèm cái nháy mắt mang nhiều thông điệp. Và nhóc hiểu là tôi có thể chở nhóc đến nơi mà nhóc cần đến. Ngồi sau lưng tôi, nhóc liên tục "chỉ đạo", rằng phải rẽ trái, rẽ phải rồi đến ngã tư đằng kia thì đi thẳng, khoảng 100m nữa thì rẽ trái. - Mình đang đi đâu vậy? - Tôi hỏi. - "Góc ba phần tư" - Nhóc trả lời. - Nghĩa là gì, góc ba phần tư ấy? - Thì lát nữa anh sẽ biết. - Con gái miền Nam đều giống như em à? - Giống như em? Anh muốn ám chỉ điều gì? - À, không. Ý anh là em hơi… hơi khó hiểu. Nhóc đáp lém lỉnh: - Cứ cho là vậy đi. - Nghĩa là không phải vậy? - Tùy anh thôi, sao cũng được - Nhóc nói rồi vỗ vỗ vào lưng tôi - Mà này, đừng có hở một cái là… con gái miền Nam, nghe kỳ lắm.
  5. - Sao lại kỳ? Mà kỳ là gì? Nhóc ngúng nguẩy phía sau xe: - Trời đất! Kỳ là kỳ chứ là gì nữa. Con trai Hà Nội đều ngốc như anh à? Tôi tỏ ra đồng ý một cách dịu dàng: - Ừ, thì kỳ là kỳ. Nhưng con trai Hà Nội không ngốc. Con trai Hà Nội thông minh và đẹp trai... như anh. Nghe vậy, nhóc cười sằng sặc sau lưng tôi. Tôi cũng cười. - Không muốn gọi là con gái miền Nam, thế nhóc muốn anh gọi là gì nào? - Con gái Sài Gòn! - Cũng có khác gì nhau đâu? - Khác chứ! Miền Nam là tên gọi chung cho nhiều tỉnh. Còn Sài Gòn thì cụ thể hơn. - Ừ. Anh hiểu. Nhưng sao phải gọi là con gái Sài Gòn? - Vì em thích. - Đó là lý do duy nhất à? - Với những người dân thành phố này, cái tên Sài Gòn vừa là một hoài niệm lại vừa là một cái gì đó thân thương. Nhóc đáp bằng giọng mềm và nhẹ, tưởng như những cơn gió có thể làm loãng tiếng nói ấy ra để thấm vào phố. Phố đêm mà vẫn sôi động và tấp nập xe cộ, cứ như thành phố của những con người không bao giờ ngủ vậy. oOo Tôi và nhóc dừng lại ở góc một con phố, nhỏ và tối. Nơi đó không có gì thật sự đặc
  6. biệt. Chỉ có hai hàng cây cổ thụ nối đuôi nhau chạy dọc phố. - Đây là góc ba phần tư à? Nhóc quay đi, hình như là để giấu một cái gì long lanh vừa trào ra khỏi mắt: - Và, đây còn là nơi em được tìm thấy. "Lâu thật lâu rồi, có một cô bé bị bỏ rơi bên một gốc cây cổ thụ. Người đàn ông cô đơn kết thúc sớm ca trực sau một đêm tuần tra dài và mệt mỏi. Số phận cho họ gặp nhau... 18 năm sau, cô bé trở thành nữ sinh cuối cấp. Còn người đàn ông đã già và thỉnh thoảng vẫn phải nén những cơn đau trở mùa do một viên đạn găm vào đùi trái trong trận đánh cuối cùng để giải phóng miền Nam. Thật kỳ lạ, hai con người cô đơn đã tựa vào nhau để sống cho đến ngày hôm nay". Đó là câu chuyện về nhóc mà không nhiều người biết. Nhưng tôi biết. Vì lần nào đó, rất lâu rồi ông nội đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một người đồng đội của ông và đứa cháu gái bé bỏng. Bỗng dưng, rất bỗng dưng tôi muốn nói với em cái điều mà tôi cố giấu, ngay cả với chính bản thân mình: - Nếu em biết rằng anh cũng đã từng phải sống một thời gian dài ở trại trẻ mồ côi sau khi được ông và bố mẹ nhận về nuôi dưỡng, thì em có bao giờ nghĩ rằng chúng ta thật sự hạnh phúc không? Nhóc trả lời tôi, ngắn ngủi: - Vâng! - Em bảo đây là góc ba phần tư. Cái tên đó có ý nghĩa gì vậy? - Xưa gốc cây này, ai đó đã sơn lên con số "30-4" nhưng lâu ngày số 0 bị phai đi, chỉ còn lại "3/4". Nhóc giải thích. Và tôi hiểu là: Em có thể sinh ra ở đâu đó - bất kỳ nơi nào, nhưng thành phố này là nơi em thuộc về... oOo
  7. Tôi chở em về trên một con đường đặc biệt đông đúc của Sài Gòn. Không ai để ý đến tôi và em - hai kẻ lãng mạn dạo phố đêm. Nhưng chẳng biết điều gì làm cho tôi có cảm giác Sài Gòn rất gần gũi và thân thiện. Em ngồi yên lặng sau lưng tôi. - Năm nay em thi đại học nhỉ? - Tôi gợi chuyện. - Dạ. - Trường gì? - Sư phạm. - Khoa văn à? - Không. Em thích dạy lịch sử hơn. - Điều gì khiến em muốn trở thành một cô giáo dạy lịch sử? - Vì em muốn kể lại câu chuyện về những trận chiến ác liệt của ông em một cách chân thực nhất. - Nghe hay đấy! Còn anh đang học trường Hải Quân, cũng là vì muốn được trở thành một người như ông nội, một người lính... Lính biển! oOo Ngày về, Sài Gòn tiễn tôi bằng một cơn mưa bất chợt. Nhóc cũng sụt sùi. Ông nội tôi chào người bạn già của mình theo cách chào của những quân nhân, cách chào dứt khoát nhưng ánh mắt ông nhiều lưu luyến. Lúc tàu chuẩn bị chuyển bánh, nhóc gọi rất to: - Anh sẽ vào thăm lại Sài Gòn chứ? - Sẽ, nếu như có một người con gái Sài Gòn nào đó mong anh - Tôi trả lời em, giọng đầy ẩn ý.
  8. oOo ...Bây giờ là tháng tư của một năm sau chuyến viễn du thành phố phương Nam... Và ông nội tôi đã mất vào cuối mùa thu năm ngoái. Rất nhiều đồng đội đến tiễn ông. Trong một đám tang có quá nhiều hoa và nước mắt, tôi không khóc. Tôi đứng lặng thinh, nhớ lại những câu chuyện ông kể, câu chuyện về những chiến dịch mà ai đó đã được học trong chương trình lịch sử thời phổ thông nhưng giờ có thể đã không còn nhớ. Ông của em cũng có mặt trong đám tang sau một chuyến bay gấp. Lúc ông trở lại Sài Gòn, tôi nhờ ông mang cho em một chùm hoa sữa. Sau lần đó, em viết cho tôi một lá thư dài. Tôi không nhớ rõ em đã viết cụ thể những gì trong đó. Nhưng chung quy lại chỉ là để cảm ơn tôi về chùm hoa, và em khoe em đã đỗ vào ngành sư phạm lịch sử Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Chỉ có dòng cuối cùng em viết, tôi còn nhớ rõ, rất rõ: "Hình như em yêu người Hà Nội mất rồi...". Khi tôi bước ra khỏi tiệm net, thành phố của tôi - Hà Nội, đã vào đêm. Tôi cảm thấy chút bình yên bất chợt khi bắt gặp người đàn bà quẩy gánh hoa loa kèn trắng muốt ra khu chợ đêm, bác bảo vệ đứng gác ở cổng một khách sạn lớn, đôi tình nhân yên lặng nép vào nhau trong một góc phố sẫm màu... Dường như thành phố nào cũng có những con người không ngủ. Và tôi! Tôi đêm nay cũng sẽ không ngủ. Vì tôi thấy nhớ những con đường của thành phố cách xa nơi tôi đang đi hàng ngàn cây số. Và khi câu nói của một ai đó trong giấc mơ lạ vọng về "Sẽ đến một lúc nào đó, anh thấy yêu thành phố này", thì tôi biết rằng mình đã yêu thành phố ấy thật rồi, thành phố mà tôi chỉ mới đặt chân đến một lần và chưa từng ghé lại dù trong lòng mang nhiều vương vấn. Thành phố ấy còn có cả cô gái mà tôi yêu. Sài Gòn!
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0