intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tự chủ đại học, tự chủ tài chính đại học trong mối quan hệ hợp tác liên kết

Chia sẻ: Phó Cửu Vân | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

9
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Tự chủ đại học, tự chủ tài chính đại học trong mối quan hệ hợp tác liên kết" đề xuất một số điểm khắc phục tính đồng bộ về quy định và phát huy quyền tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học thông qua phát triển liên kết ở khía cạnh “dân sự”. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tự chủ đại học, tự chủ tài chính đại học trong mối quan hệ hợp tác liên kết

  1. TỰ CHỦ ĐẠI HỌC, TỰ CHỦ TÀI CHÍNH ĐẠI HỌC TRONG MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC LIÊN KẾT Trần Ngọc Giao1 Học viện Quản lý giáo dục Abstract Financial autonomy is an important component of university autonomy. The government has paid attention and has made many amendments, but higher education institutions still face some difficulties. The article proposes a number of points to overcome the synchronization of regulations and promote financial autonomy of higher education institutions through the development of linkages in the "civil" aspect Keywords: University autonomy, Financial autonomy, Linkages, overcome, in the "civil 1. QUẢN TRỊ CƠ SỞ GD ĐH, TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH ĐẠI HỌC Có thể xem một cơ sở giáo dục đại học gồm hai phần, “phần cứng” và “phần mềm”. Phần cứng bao gồm: định chế đại học; cơ cấu hệ thống (bộ máy tổ chức và nhân sự); tài chính ĐH (và cơ sở vật chất). Phần mềm" bao gồm: văn hóa đại học; giá trị học thuật (đào tạo, nghiên cứu chuyển giao); khát vọng phát triển (tinh thần ĐH). “Phần cứng” tạo sự hiện diện, “Phần mềm” quyết định vận mệnh và định hình phát triển một cơ sở giáo dục đại học (GD ĐH). (i) Cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình Việt Nam hiện nay đang bước đầu giao và thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở GD ĐH., Để thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cần phải xác lập cơ chế Hội đồng quản trị - Hội đồng trường [8; 9]: + HĐ trường xác định sứ mạng, phương hướng, quy hoạch tổng thể, các quyết định quan trọng, có quyền lực về nhân sự và phân bổ nguồn lực tài chính (HĐ trường là đại diện chủ sở hữu, đại diện tinh thần phát triển và đại diện giải trình). + Hiệu trưởng với vai trò tổng giám đốc điều hành và có bộ máy để điều hành. + Hội đồng trường thực hiện quản trị trường đại học bằng quyết nghị, đại diện nhà trường giải trình với các bên có lợi ích liên quan. Hàng ngày không can thiệp vào công việc điều hành cụ thể của Hiệu trưởng và bộ máy tổ chức. + Hiệu trưởng có bộ máy tổ chức, điều hành nhà trường thực hiện các quy định pháp quy, các quyết nghị của HĐ trường và có trách nhiệm giải trình trước HĐ trường. 1 tngiaodhv@yahoo.com 68
  2. (ii) Về Tự chủ đại học (University autonomy) Quá trình phát triển GD ĐH thế giới đã xuất hiện các cơ chế quản trị khác nhau nhưng vai trò của cộng đồng học giả thì vẫn luôn ở vị trí thiết yếu. Đã từ khá lâu, ít nhất là từ thời Humbolt [1], người ta nhận ra là không có một cá nhân, một tổ chức quản lý nào bên ngoài cơ sở GD ĐH đủ khả năng, đủ tự tin để có thể thực hiện cơ chế kiểm soát tỉ mỉ và đưa ra các quyết định độc đoán cho sự phát triển học thuật ở bậc đại học. Từ đó, vấn đề tự chủ đại học: tự chủ chuyên môn học thuật; tự chủ nội bộ (về tổ chức nhân sự), tự chủ sử dụng tài chính từ các nguồn thu hợp pháp); và gắn kết đào tạo với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ (và các dịch vụ liên quan). Tự chủ đại học nói đến các mối quan hệ luôn thay đổi giữa nhà nước và các trường đại học hướng đến bảo đảm và phát huy truyền thống tự chủ học thuật, giảm dần sự kiểm soát trực tiếp, chuyển sang giám sát (bằng quy định pháp luật và các tiêu chí chất lượng) đối với cơ sở GD ĐH. Tự chủ đại học là quyền tự quyết định và thực thi các quyết định đối với các hoạt động nội bộ của đại học mà không cần sự kiểm soát hay can thiệp từ bên ngoài. Tự chủ đại học được thừa nhận và được thể chế hóa bởi hệ thống các quy định và các chính sách của nhà nước. Tự chủ đại học tập trung vào các nội dung chính gồm: (i) Tự chủ học thuật; (ii) Tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và (iii) Tự chủ tài chính; (iii) Tự chủ tài chính đại học (Financial autonomy) Tự chủ tài chính thành tố, là điều kiện đảm bảo để một cơ sở GD ĐH thực hiện sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ của mình trong đó phát triển học thuật, vận hành tổ chức bộ máy, nhân sự hoạt động chuyên môn học thuật là nội dung trọng tâm. Tự chủ tài chính ĐH cần nhà nước thừa nhận (đủ rõ về mức độ) và tạo ra một cơ chế mà theo đó các cơ sở GD ĐH được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi của đơn vị vì mục tiêu phát triển trong khuôn khổ pháp luật quy định. “Cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.[4] 2. TỰ CHỦ ĐẠI HỌC VÀ TỰ CHỦ TÀI CHINH ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM Tự chủ đại học Việt Nam gắn với tiến trình ĐÔI MỚI bắt đầu từ 1986. Năm 1987, Hội nghị Giáo dục đại học Nha trang đã vạch ra phương hướng đổi mới GD ĐH với các nguyên tắc: i) Giáo dục đại học và chuyên nghiệp (GD ĐH và CN) đáp ứng nhu cầu các thành phần kinh tế và nhu cầu học tập của nhân dân. ii) GD ĐH và CN không chỉ dựa vào ngân sách NN mà còn thu hút các nguồn lực khác của XH. iii) GD ĐH&CN không chỉ theo kế hoạch mà còn ĐT theo địa chỉ qua các hợp đồng của các cơ sở và các địa phương. iv) GD ĐH&CN không nhất thiết phải phân phối đầu ra, mà sinh viên tốt nghiệp có thể tự tìm việc làm, tạo việc làm. 69
  3. Trong những năm cuối thập niên tám mươi và thập niên chín mươi của thế kỉ 20, sau những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, mà Khoán 10 là khâu đột phá, nhiều người hy vọng sẽ có môt kiểu “khoán 10” để tạo ra bước ngoặc cho phát triển GD ĐT, trong đó có GD ĐH. Đến đầu những năm đầu thế kỉ 21, tư tưởng trao quyền tự chủ được khẳng định từ Nghị định số 10/2002/NĐ-CP (về Tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập), tiếp tục hoàn thiện dần theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, …và từng bước được luật hóa ở một số điều khoản của Luật Giáo dục ( 2005, 2009, 2019), Luật Giáo dục Đại học ( 2012,2018), Luật GD NN (2014). Những quy định pháp luật về quyền tự chủ, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình, bảo đảm sự tương thích với cơ chế thị trường và đã tạo ra sự phát triển quan trọng đối với GD và GD ĐH. Giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở GD ĐH là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hy vọng tạo sự đột phá như “khoán 10” trong nông nghiệp khó trở thành hiện thực đối với cả hệ thống GD ĐT, bởi rằng, khác với các quyết định về quản lý kinh tế thuần túy, các chính sách, quyết định về GD ĐT còn phải chứa đựng các giá trị nhân văn sâu sắc. Cũng phải thừa nhận rằng, chất lượng, năng lực và nói chung là văn hóa về nông nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra cơ sở để khoán 10 trở thành khâu đột phá, nhưng đối với hệ thống GD ĐT trong bối cảnh xã hội đến nay còn có khá nhiều bất cập. Trong gần 40 năm, các ý tưởng quan trọng nhất trong quản lý GD ĐH là thích ứng với nền kinh tế chuyển đổi (thị trường), phát triển chất lượng và hội nhập quốc tế. Tự chủ ĐH là tự chủ có điều kiện, gắn với trách nhiệm và được thể chế hóa từng bước, từng phần nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển nhân lực và KHCN, phát triển đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng vẫn còn khá nhiều vướng mắc, những rào cản trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình [6] Ngoài việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và các luật trong lĩnh vực GD ĐT, còn chịu sự điều chỉnh của Luật Dân sự, Luật Kế toán và những quy định khác. Chính phủ đã ký Quyết định số 2114/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận 19-KH/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm nghiên cứu rà soát Luật Giáo dục Đại học. Tiếp theo, ngày 28/01/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 378/BGDĐT-GDĐH tới các cơ sở giáo dục đại học yêu cầu rà soát những vướng mắc khi triển khai các quy định liên quan đến Luật Giáo dục Đại học. Qua nhiều hội thảo của các trường ĐH, cao đẳng khắp cả nước, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tập hợp, đã chỉ ra khá đầy đủ những khó khăn vướng mắc trong vấn đề thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD đại học [3;6;7]. Những thông tin và kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐHCĐ đã tạo được nhiều ảnh hưởng đối với hệ thống cũng như đối với các cơ sở GD ĐH. Chúng tôi xin nhắc lại một số vấn đề có liên quan[3;6;7;9] cùng với một số bình luận: (i) Về hệ thống chưa bảo đảm tỉnh chỉnh thể theo thông lệ quốc tế (đại học và cao đẳng), mô hình đại học địa phương chưa được quy định rõ trong luật GD ĐH. Luật GD ĐH sửa đổi chưa phản ánh đủ rõ để tạo điều kiện “cho sự hình thành một hệ thống GDĐH trong bối cảnh hiện nay”. 70
  4. Đặc điểm quan trọng nhất của Quản lý nhà nước về GDĐT trong thời đại ngày nay là tạo sự cam kết và của nhà nước đối với sự phát triển GDĐT theo 4 nhóm nội dung: cam kết bảo đảm chất lượng GD ĐT, cam kết bảo đảm sự bình đẳng đối với các đối tượng hưởng thụ GD ĐT, cam kết huy động nguồn lực cho sự phát triển GD ĐT, cam kết huy động sự tham gia của cộng đồng XH vào lĩnh lực GD ĐT. Luật GD ĐH chưa thể hiện đủ rõ vấn đề huy động nguồn lực và huy động sự tham gia của các cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp phát triển GD ĐH, cần phải khẳng định rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các bên liên quan, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục đào tạo của Đảng. (i) Sự thiếu đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học với các luật khác đang là rào cản trong quá trình thực hiện chủ trương tự chủ đại học. “Luật Giáo dục Đại học hiện hành dành nhiều cho việc quy định hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học” trong đó khẳng định quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD ĐH. Nhưng càng muốn chi tiết càng khó điều chỉnh hành vi thực hiện của từng trường, và càng khó khăn hơn khi còn thiếu sự đồng bộ của hệ thống văn bản pháp quy. (ii) “Đang có sự nhận thức chưa đầy đủ về tự chủ đại học”, và nêu nhận thức chưa đầy đủ từ những vấn đề cơ bản đang bàn trong đó quan trọng nhất là quyền tự chủ và trách nhiệm thì vướng mắc trong thực hiện là khó tránh khỏi. Nhiều cơ sở GD ĐH còn lúng túng trong thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình. (iii) Tự chủ tài chính, gần đây có Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, có những bổ sung để xử lý khai thông các vướng mắc, tuy nhiên còn có nhiều vấn đề được đặt ra: + Hoạt đông cung cấp dịch vụ GD ĐH có tính đặc thù không?, nếu không tất cả thì ngành nào lĩnh vực nào, mức độ nào, khi nào được hưởng cơ chế đặc thù. + Việc định gíá trong hoạt đông cung cấp dịch vụ giáo dục nói chung và dịch vụ GD ĐH nói riêng là rất khó, bởi chi phí đơn vị còn khó tính được và định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ chưa được ban hành ở nhiều loại hình. + Trong việc giao quyền tự chủ tài chính, định mức theo Khoản 1 Điều 10, “Giá trị A và B được tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính để trình cấp có thẩm quyền” có vẻ cụ thể nhưng vẫn chỉ dựa trên dự toán và phương án được các đơn vị dân dụng, liệu có bảo đảm sự thống nhất có tất cả các cơ sở GD ĐH. + Cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình được quy định trong Luật GD ĐH (2018) gắn chặt với chức năng của Hội đồng trường. Hoạt động của Hội đồng trường của các trường thuộc Nhóm 3, Nhóm 4 theo phân loại mức độ tự chủ quy định của NĐ số 60/2021/NĐCP sẽ còn gặp nhiều khó khăn., ... (iv) Tự chủ tài chính nói về cơ chế, nhưng giá trị tài chính được tự chủ là yếu tố thiết yếu quyết định phạm vi và trình độ tự chủ. Trong hoàn cảnh nhất định, cơ chế đã bước đầu tạo tiền đề quản trị phát triển. Hiện nay phần lớn các cơ sở GD ĐH Việt Nam, nguồn thu quan trong nhất vẫn là từ ngân sách trường. Theo 71
  5. tổng hợp số liệu của Bộ Tài chính, năm 2020 [7], ngân sách dành cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP quốc dân (Thái Lan 0,64; Trung Quốc 0,87; Hàn Quốc 1,0; Singapore 1,0; Malaysia 1,13; Poland 1,22; Pháp 1,25; Anh 1,29; Australia 1,54; Newzealand 1,63; Finland 1,89). Đại đa số cách cơ sở GD ĐH, ngoài ngân sách thì nguồn thu từ học phí là lớn nhất, nhưng thời kì mở rộng quy mô đã qua, thậm chí nhiều cơ sở GD ĐH rất khó tuyển sinh. Trừ một số rất ít các cơ sở GD ĐH có tiềm lực thì nguồn thu từ chuyển giao dịch vụ, chuyển giao KHCN của số các cơ sở GD ĐH còn lại là quá khiêm tốn. ....... Phải khẳng định rằng, nhiều cơ sở GD ĐH dầu còn khó khăn, thậm chí lúng túng trong việc thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, nhưng vai trò, vị trí và sự đóng góp của họ là không thể thiếu trong đào tạo nhân lực, tiếp nhận và chuyển giao KHCN, hội nhập quốc tế và đáp ứng nhiều yêu cầu khác của chiến lược phát triển đất nước 3. MỘT SỐ BÌNH LUẬN NHÂN XÉT (i) Vấn đề tự chủ đại học (trong đó có tự chủ tài chính) được đặt trong nỗ lực cải cách thể chế và đã có những bước tiến trong sự chuyển đổi. Cũng giống như Dân quyền- Pháp quyền, cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình (Tự chủ -Ttrách nhiệm) là mối quan hệ đối ngẫu không thể tách rời. Để vận hành suôn sẻ (ở mức độ tương đối) cơ chế đó cần phải nghiên cứu và giải quyết mối quan hệ cơ bản nhưng sâu sắc giữa các quy định pháp lý và các giá trị, thói quen năng lực hoạt động nghề nghiệp ở các cơ sở GD ĐH và giới đại học (mà đại diện là bộ phận quản trị của các cơ sở GD ĐH trong sự liên kết với nhau trong Hiệp hội nghề nghiệp (đại diện “dân sự” trong cặp đối ngẫu pháp quyền – dân quyền). (ii) Luật GD ĐH sửa đổi ban hành chưa lâu, nhấn mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD ĐH, nhưng đã phải rà soát để điều chỉnh bổ sung. Quy định pháp luật phụ thuộc phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện chính trị ở mỗi nước, tuy nhiên để tránh xung đột pháp lý cần tham khảo cách thức quy trình xây dựng luật của một số quốc gia, cân tuân thủ một số nguyên tắc cần thiết, chẳng hạn: cần một tập thể chuyên gia am hiểu về nghề nghiệp và các vấn đề pháp lý; lưu ý tỉnh cân đối về thành phần trong cặp đối ngẫu Tự chủ-Trách nhiệm; Nguyên tắc về tỉnh bất toàn của pháp luật (không có luật nào điều chỉnh hết mọi hành vi); Nguyên tắc về cách thức xử lý xung đột với các luật đã có và các vấn đề nảy sinh; Quy trình các bước xây dựng và sự tham gia,…, cách thức lấy ý kiến và xử lý các ý kiến góp ý. … (iii) Năng lực tự chủ và tự chủ tài chính Để một cơ sở GD ĐH hình thành, tồn tại và phát triển, ngoài “phần cứng” là: Định chế đại học; Cơ cấu hệ thống (bộ máy tổ chức và nhân sự); Tài chính ĐH (và CS VC) còn có ‘phần mềm” là: Văn hóa đại học; Giá trị học thuật (đào tạo, nghiên cứu chuyển giao); Tinh thần đại học và khát vọng phát triển. Liên quan đến vấn đề tự chủ, như nói ở trên, “khoán 10” trong nông nghiệp đã trở thành khâu đột phá cho phát triển kinh tế nhờ văn hóa nông nghiệp với các giá trị cơ bản đủ để tạo cơ sở cho khoán 10, khoán 100 thành công ở mức đột phá. “Đang có nhận thức chưa đầy đủ về tự chủ đại học”[ 6]. Năng lực tự chủ gắn với tiềm lực học thuật, nhận thức, tinh thần phát triển ở mỗi cơ sở GD ĐH. Ở các nước phát triển có quỹ giáo sư, họ chỉ đưa ra mục tiêu và một số rất ít quy định thì rất ít giáo sư sử dụng quỹ sai mục đích và mang lại rất hiệu quả lớn, điều đó chứng tỏ các 72
  6. giá trị cơ bản của XH, của đại học đã thâm sâu, bám chặt, định hình tự nhiên cho hoạt động đầu tư phát triển. Không có cơ chế nào có thể quyết định hoàn toàn vận mệnh, chất lượng và tạo được thương hiệu cho một cơ sở GD ĐH nếu cơ sở GD ĐH đó không tự chủ xác lập giá trị và nỗ lực thúc đẩy tinh thần đại học theo thông lệ. (iv) Tài chính: ngân sách, khả năng huy động của các cơ sở GD ĐH và trách nhiệm xã hội của các bên liên quan. Ngân sách chi cho GD ĐH là còn quá thấp và đó cũng là nguyên nhân đầu tư quá dàn trải. Được tự chủ không có nghĩa tự lo để trang trải tât cả. Nhiều cơ sở GD ĐH phải chạy theo nguồn thu mà ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hệ quả trực tiếp là ảnh hưởng tới năng lực hấp thụ khoa học công nghệ của một đất nước. Trong điều kiện hiện tại, sau hơn 10 năm, quyền tự chủ ĐH được luật hóa, còn quá ít các cơ sở GD ĐH công lập tạo ra được tiềm lực tài chính để được xem là ví dụ cho sự thành công về tự chủ tài chính của cơ chế mới. Trách nhiệm và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, của các bên liên quan, của các mạnh thường quân cho các cơ sở GD ĐH còn quá khiêm tốn. Có một vài doanh nghiệp mạnh tạo ra cơ sở GD ĐH, tự đầu tư phát triển đào tạo, nghiên cứu KH, chuyển giao công nghệ, đó là một hướng đi hứa hẹn. Nếu các doanh nghiệp mạnh và tương đối mạnh có một khoản đầu tư để kích thích hệ thống cùng phát triển chắc sẽ tạo sự cộng hưởng lớn hơn nhiều. (v) Hiệp hội các trường ĐH CĐ tập hợp khá đông đảo các cơ sở GD ĐH, đã tạo dấu ấn trong các vấn đề quan trọng hoạt động GD, ĐT trong thời gian gần đây. Vai trò của Hiệp hội ĐH CĐ,, Hội Luât sư, các hội KH CN và hội nghề nghiệp tương ứng với các nhóm ngành đào tạo có thể coi là những đại diện “dân sự” trong cặp đối ngẫu pháp quyền – dân quyền, cần phải được khẳng định ngang tầm với cơ chế thúc đẩy phát triển tương ứng. Các hội nghề nghiệp (ngành, nhóm ngành) theo lĩnh vực, hộ luật sư,.., được tổ chức và hoạt động trong sự liên kết (ở mức độ nhất định) thì định hướng, chính sách, quy định sẽ sáng tỏ, thống nhất đồng bộ hơn, các cơ sở GD ĐH sẽ tự tin hơn trong thực thi quyền tự chủ. (vi) Có thể xem nỗ lực giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định bởi các văn bản pháp quy bắt đầu từ Nghị định số 10/2002/NĐ CP, gần đây nhất là Nghị định 60/2021/NĐCP. Vấn đề tự chủ tài chính đại học đã có những bước tiến nhưng thực tế vẫn còn xa sự mong đợi. Vấn đề gì cũng vậy, muôn giải quyết phải có quá trình, nhanh chậm và hiệu quả hay không tùy thuộc vào đặc điểm và khả năng cụ thể của mỗi cơ sở GD ĐH. Quy định phân loại và cả sự tự nhìn nhận đúng năng lực của mình trong từng giai đoạn đều rất cần thiết cho sự thành công. 4. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT (i) Đối với các cơ sở GD ĐH (a) Trong hoàn cảnh nào cũng vậy, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường: tự chủ gắn liền liên kết phối hợp, cạnh tranh gắn liền với hợp tác, hiệu quả lợi ích gắn liền với chất lượng. Sự tồn tại phát triển tiềm lực và thương hiệu của một cơ sở GD ĐH nằm trong một hệ thống GD ĐH mở. Các cơ sở GD ĐH cần tìm mọi cơ hội liên kết với các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Trình độ tự chủ tạo năng lực tài chính nằm ở các chi tiết và các tình huống liên kết hợp tác cụ thể. Mỗi đối tác cần có chuyên viên phụ trách, 73
  7. các chuyên viên liên kết với nhau trong bộ phận hợp tác đối ngoại của đơn vị. Trong cơ chế thị trường, sự hợp tác với nhau của người Việt Nam chưa mạnh do kĩ năng làm việc theo nhóm chưa được chú ý đúng mức. (b) Trong hoạt động để tăng tiềm lực tài chính, đặc biệt trong lúc các quy định còn thiếu thống nhất (thậm chí xung đột), vấn đề nội bộ nhà trường có khi lại là khó khăn là điểm nghẽn không nhỏ. Trong mọi hoàn cảnh, cần minh bạch, công khai (theo cấp độ), lôi kéo sự tham gia và sự can dự vào các vấn đề của đơn vị, phát triển văn hóa đại học (khoan dung, cầu tiến, hợp tác, tự trọng và liêm chính). Kết quả tài chính phụ thuộc vào hoạt động chuyên môn học thuật, cần lưu ý chi li đến đội ngũ chuyên gia, vì các chuyên gia khá giỏi thường là những người có cá tính, không hy vọng thay đổi được cá tính mà cần tác động vào hành vi, tôn trọng và lôi kéo họ vào công việc. (c) Vấn đề tự chủ, tự chủ tài chính của một cơ sở GD ĐH chỉ có thể được giải quyết (theo một quá trình) tuy thuộc vào khát vọng phát triển của Hội đồng trường, Hiệu trưởng và tập thể CB VC của chính trường đó. Tự chủ gắn với chất lượng, công khai, minh bạch để tránh rủi ro. (ii) Đối với Hiệp hội các trường ĐHCĐ. (a) Hiệp hội các trường ĐHCĐ, tập hợp các trường ĐHCĐ cả nước, thu thập được nhiều thông tin quý giá, đã phát hiện và đề xuất nhiều vấn đề quan trọng để phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước. Những quan điểm và các đề xuất kiến nghị của Hiệp hội đối với các cấp có thẩm quyền đã có tác động không nhỏ. Ngoài làm việc trao đổi với Chính phủ, Bộ GD ĐT, một số Ủy ban của Quốc hội, đề nghị Hiệp hội cần liên kết ngang với các hội các Ngành TW tạo sự đồng bộ thống nhất nhận thức, chính sách và quy định pháp lý. Đồng bộ thúc đẩy hỗ trợ các cơ sở GD ĐH kiếm đối tác, chia sẻ thông tin, tạo lập niềm tin. (b) Để vấn đề tự chủ đại học và tự chủ tài chính đi vào đời sống đại học một cách thuận lợi, kính đề nghị Hiệp hội mở rộng hợp tác, làm việc trực tiếp với các hội nghề nghiệp quan trọng như Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật. Hội các Doang nghiệp, Hội Luật sư, Hội liên hiệp KHKT Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các Hội nghề nghiệp khác, một mặt tạo thêm ý nghĩa đối với các kiến nghị đề xuất, mặt khác thúc đẩy hỗ trợ các cơ sở GD ĐH kiếm đối tác, chia sẻ thông tin, tạo lập niềm tin, tăng khả năng kết nối hợp tác của các cơ sở GD ĐH. Đề xuất này có vẻ rộng, nhưng Hiệp hội có mạng lưới thành viên đủ vị thế, phủ rộng các lĩnh vực. (iii) Đối với cấp trên và vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH (a) Như nhiều ý kiến đã được đưa ra ở nhiều Hội thảo của Hiệp hội các trường ĐH CĐ, giao quyền tự chủ không đồng nghĩa với việc cắt giảm ngân sách. Ngân sách chi cho GD ĐH của Việt Nam quá thấp, cần tăng ở mức độ có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc tăng ngân sách không nên cao bằng, tránh manh mún kém hiệu quả và tránh sự ỷ lại. Tăng đầu tư cho đào tạo chất lượng cao, các ngành đào tạo tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ mới liên quan đến các lĩnh vực trọng điểm, các lĩnh vực đang là thế mạnh trong phát triển kinh tế đất nước. Tự chủ tài chính, ngoài cơ chế, để tăng cường năng lực tài chính, Nhà nước cần có chủ trương cho phép các trường triển khai các dịch vụ liên quan cho sinh viên, cho xã hội liên quan đến nghề nghiệp, liên quan đến các đối tượng các cơ sở GD ĐH đang trực tiếp phục vụ. 74
  8. (b) Luật không thể điều chỉnh hết mọi hành vi của XH, để ứng xử với tính bất toàn đó, chỉnh sửa bổ sung là cần thiết. Những gì chưa được đặt ra, hoặc xung đột pháp lý giữa các luật chưa nghĩ tới thì cần xem xét xử lý ở khía cạnh “dân sự” dân chủ để thừa nhận tính hợp lý, hợp tình tạo thông lệ về sau (có thể từ đó bổ sung vào quy định) tránh để những cản trở tồn tại quá lâu. Để thực hiện tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính, hiện đang có sự thiếu thống nhất giữa Luật GDDH sửa đổi với các quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kế toán, cần có sự xem xét nhiều hơn về khía cạnh “dân sự”, cần có tiếng nói chung của các cơ sở GD ĐH và các hội nghề nghiệp, các hội liên quan đến kinh tế, tài chính và hội luật sư. ________________ Tài liệu tham khảo [1] ASHE Reader Series, The History of Higher Education, Simon & Schuster Custom Publishing, 1997. [2] Bộ Giáo dục Đào tạo, Tờ trình phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 (2021). [3] Dân trí (Giáo dục hướng nghiệp); Tự chủ đại học: Không nên để các trường phải tự “bê đá dò đường (Ý kiến của GS Trần Đức Viên, GS TSKH Lâm Quang Thiệp, TS Lê Viết Khuyến, GS Lê Vinh Danh), Báo Dân trí 29/10/2019). [4] Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định 60 /2021/NĐ-CP về Cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập. [5] Đảng CS Việt Nam, Nghị quyết số 29/NQ-TƯ (Khoa 11) Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, 2014. [6] Hiệp hội các trường ĐH CĐ Việt Nam, 6 quan điểm và 6 kiến nghị về tự chủ đại học, Hội nghị “Tự chủ đại học 2022” ngày 4/8/2022). [7] Lê Viết Khuyến, Thử tìm lời giải cho bài toán tài chính đại học, Trả lời phỏng vấn báo Điện tử Giáo dục Việt Nam 1(3/12/2022). [8] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Giáo dục (2005, 2009, 2019); Luật Giáo dục đại học (2012, 2018); Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014). [9] Lâm Quan Thiệp, Tự chủ đại học – Hội đồng trường và cơ quan chủ quản, Tham luận Hội thảo “Đổi mới tư duy về quản lý nhà nước với nề giáo dục đại học Việt Nam trong thời kì hội nhập”, Hiệp hội các trường ĐH CĐ VN và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, Phú yên 13/6/2020. [10] Yaacov Iram, Thay đổi quan niệm về mối quan hệ tương tác giữa nhà nước và trường đại học, Hội thảo Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo đại học: cơ hội và thách thức, TP Hồ Chí Minh, 16-10-2009. 75
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2