intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tuyển chọn những bài viết trên báo nhân dân: Bình luận - Phê phán - Phần 2

Chia sẻ: Dương Hoàng Lạc Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:462

36
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Phần 2 của cuốn sách "Bình luận - Phê phán: Tuyển chọn những bài viết trên báo nhân dân" tiếp tục trình bày những nội dung về: một số vấn đề về xuất bản và truyền thông; đấu tranh với các luận điệu thù địch, sai trái; về cái gọi là “phong trào dân chủ”;... Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tuyển chọn những bài viết trên báo nhân dân: Bình luận - Phê phán - Phần 2

  1. PHẦN III Một số vấn đề về xuất bản và truyền thông
  2. 376 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN
  3. Quyền lực ngầm sau mạng xã hội* ANH KHÔI Có thể nói mạng xã hội trên internet là một bước tiến mới của công nghệ thông tin, đã và đang thu hút sự quan tâm của hàng tỷ người trên thế giới, đồng thời góp phần quan trọng trong khi đưa con người đến gần với nhau hơn, đưa "thế giới ảo" đến gần với "thế giới thật". Tuy nhiên, đằng sau mạng xã hội luôn có những quyền lực ngầm, và công nghệ do con người tạo ra có thể trở thành một công cụ bị lạm dụng nhằm khống chế con người, nếu như mất cảnh giác. Liệu đã có bao nhiêu người đủ tỉnh táo, đủ khả năng sàng lọc thông tin khi tham gia các mạng xã hội, bao nhiêu người biết đến tác động của các mạng xã hội, nhất là tác động tiêu cực? Hiện nay trên thực tế, mạng xã hội thường được hiểu là các trang web, blog kết nối mọi người với nhau, tạo ra môi trường trên mạng để mọi người trao đổi và chia sẻ thông tin, tình cảm. Tuy nhiên, đây là quan niệm hết sức "hiền lành", chưa phản ánh các "quyền lực ngầm" sau mỗi trang kết bạn và giải trí. Thông thường, những ai có địa chỉ email thường hay nhận được lời mời hấp dẫn tham gia facebook, twitter, hay các trang kết bạn online như twoo.com, badoo.com, nhipcauduyen.com, myzamana.com, vietnamsingle.net... Và thường thì cảm giác về một thế giới cởi mở, ______________ * Báo Nhân Dân, số ra ngày 14-9-2012.
  4. 378 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN hòa đồng với những cơ hội kinh doanh và kết bạn dễ làm mờ đi sự nghi ngại. Còn gì thú vị hơn khi được trò chuyện, trao đổi, hẹn hò, thoải mái bày tỏ quan điểm, ngợi khen hay tặng quà với mọi người có cùng sở thích từ khắp nơi trên thế giới. Có lẽ vì thế, mỗi ngày có hàng tỷ lượt người truy cập vào youtube, wikipedia, google... để tra cứu thông tin, xem video hoặc tương tác với bạn bè. Thành viên mạng xã hội thường là người tích cực tải thông tin lên các trang web. Thông tin trên mạng xã hội được gián tiếp thừa nhận khi người khai thác nó nghiên cứu và sử dụng cho mục đích riêng. Mạng xã hội đang phát triển như một xu thế thời đại, một phần là do nhu cầu giao lưu, chia sẻ, khai thác thông tin của con người, phần khác do công nghệ kỹ thuật số không ngừng được nâng cấp. Có thể nói, sự liên kết giữa các mạng xã hội và trang web trên toàn cầu có thể biến một sự việc xảy ra tại một làng quê hẻo lánh thành mối quan tâm của cả thế giới. Ở nước ta, số người tham gia mạng xã hội tăng lên nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ. Theo ictnews.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31-3-2012, nước ta có hơn 30,8 triệu người sử dụng internet, chiếm 34,1% dân số. Số người dùng internet ở nước ta xếp thứ tám trong khu vực châu Á và thứ ba ở khu vực Đông Nam Á. Nếu 50% số người sử dụng internet tham gia các mạng xã hội, thì nước ta có trên dưới 15 triệu người tham gia các mạng xã hội, hoặc là thành viên của mạng xã hội. Mạng xã hội nổi tiếng nhất Việt Nam là Zing Me tự quảng bá số thành viên lên tới bảy triệu người; mạng này cung cấp nhiều tiện ích giải trí, thông tin "nóng", ảnh của "hot girl, hot boy" và trở thành tâm điểm của giới trẻ. Do phần lớn những người tham gia vào các mạng xã hội sở hữu máy tính cá nhân, hoặc thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại di động cao cấp (có chức năng duyệt web), họ trở thành đối tượng tác động, chào mời của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân với những mục đích khác nhau.
  5. PHẦN III: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN THÔNG 379 Quá trình phát triển của mạng xã hội cũng chứa đựng nhiều thay đổi so với mục đích ban đầu. Những mạng xã hội ra đời đầu tiên vào những năm 1990 chỉ nhằm mục đích kết bạn, tạo diễn đàn trao đổi nội bộ cho các thành viên trong nhóm, không hề hoặc rất ít liên quan chính trị. Tuy nhiên, ảnh hưởng và lực hấp dẫn của các mạng xã hội ngày càng lớn và dần dần được các đại gia tài chính, các thế lực chính trị và nhiều đối tượng khác khai thác để kiếm lợi. Twitter là một thí dụ. Khởi điểm là một dịch vụ nhắn tin di động, đến nay, mỗi ngày mạng xã hội twitter có khoảng 600 triệu lượt người truy cập. Để duy trì hoạt động, mạng xã hội này đã chấp nhận các khoản đầu tư của các công ty như Digital Sky Technologies có trụ sở tại Liên bang Nga và thực hiện các điều khoản cam kết với công ty này. Từ một trang web kết nối bạn bè do Mark Zuckerberg lập nên, facebook đã trở thành mạng xã hội đa năng với số thành viên còn đông hơn cả dân số Mỹ, Liên bang Nga. Song ai đang thật sự sở hữu và điều hành mạng xã hội khổng lồ này? Một số nguồn tin cho biết, mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới này được sở hữu và quản lý bởi các ngân hàng và nhà đầu tư tài chính khổng lồ Rothschilds and Goldman Sachs. Mối quan hệ giữa CIA và facebook được nói rõ trên trang americasnewsnow.com với những thông tin khiến người đọc giật mình. Trang này cho biết, chính các cựu điệp viên CIA là người gây quỹ cho facebook, và những người này đã được sử dụng thông tin từ facebook. Các điều khoản dịch vụ facebook cũng nói rõ rằng, công ty sở hữu trang web này được sở hữu và có quyền sử dụng bất kỳ thông tin nào đăng tải trên trang này theo bất kỳ cách thức nào từ giờ (thời điểm đăng ký) đến vô tận. Khi trả lời câu hỏi "Có đúng là facebook thật sự được điều hành bởi CIA?", trang hỏi đáp có tiếng của yahoo có tên miền là answers.yahoo.com đưa ra câu trả lời rằng, các cơ quan tình báo Mỹ như CIA, FBI hay NSA chỉ việc thu thập
  6. 380 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN thông tin cá nhân có sẵn trên facebook dùng để chống lại chính những người cung cấp thông tin đó, nếu họ muốn. Có lẽ, những người đăng tải thông tin thật của mình trên facebook sẽ phải giật mình sợ hãi khi biết điều này. Bởi vì bên cạnh những người cố tình khai báo thông tin không chính xác, thì không ít người vô tư cung cấp thông tin cá nhân khá trung thực. Âu đó cũng là bài học sơ đẳng nhất trong bảo mật thông tin cá nhân. Bất cứ ai muốn tham gia vào một mạng xã hội như facebook hay twoo.com, đều phải đăng ký theo yêu cầu của người điều hành trang web. Thông thường, người tham gia phải đăng nhập một tài khoản email, khai họ tên, giới tính, địa chỉ, nghề nghiệp, thậm chí cả điều kiện kinh tế, quan hệ hôn nhân, sở thích cùng nhiều thứ khác. Các thành viên được yêu cầu tải lên hình ảnh của chính mình, càng nhiều ảnh thì càng có cơ hội biết nhiều thông tin của người khác. Từ nguồn thông tin thu thập được và từ email của thành viên, người điều hành trang web sẽ nhanh chóng lần ra mối quan hệ của các thành viên đó trên internet, kêu gọi các thành viên hãy mời bạn bè, người thân tham gia mạng xã hội với những điều kiện ưu đãi tài chính và thông tin hấp dẫn. Càng thuyết phục được nhiều người tham gia, bạn càng có cơ hội được nhiều người biết đến, được xếp vào khách VIP, người nổi tiếng. Cứ thế, như một trò cờ bạc, càng dấn sâu vào các mối quan hệ thân tình trên mạng thì thành viên của mạng xã hội càng khó dứt ra, càng khai báo nhiều hơn. Dần dần, các thành viên mạng xã hội vô tình cung cấp cho người điều hành mạng một bản lý lịch chi tiết mà chính họ cũng không ngờ tới, bao gồm những mối quan hệ cá nhân đáng lẽ phải giấu kín. Khi họ trò chuyện hoặc gửi thư, ảnh và tài liệu cho bạn bè trên mạng xã hội, tất cả những thông tin đó được lưu giữ, và đương nhiên người điều hành mạng xã hội biết hết những thông tin này. Sẽ nguy hiểm thế nào nếu như người điều hành mạng xã
  7. PHẦN III: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN THÔNG 381 hội sử dụng thông tin cá nhân của các thành viên vào mục đích xấu, hoặc để khống chế, hoặc để theo dõi mọi người. Phần lớn những người tham gia mạng xã hội không quan tâm xem ai đứng đằng sau các mạng này, không đọc kỹ các điều khoản tham gia. Khi một người bỏ qua các điều khoản, mặc nhiên người đó đã ký vào một hợp đồng cho phép người điều hành mạng xã hội tự do sử dụng thông tin cá nhân của mình. Cũng rất ít người hoài nghi về mục đích giao lưu vui vẻ của các mạng xã hội, hoặc cho rằng mạng xã hội được lập ra nhằm mục đích kinh doanh thuần túy, mà không xem xét đến các mục đích khác. Sự vô tư này có thể phải trả giá khi tham gia một số mạng xã hội có dụng ý xấu. "Không gian ảo", nhưng thiệt hại có thể là thật. Có những tổ chức, doanh nghiệp tạo ra mạng xã hội riêng nhằm kết nối các thành viên trong tổ chức với nhau và kết nối có điều kiện với các thành viên bên ngoài nhằm mục đích trục lợi. Vụ lừa đảo bằng thủ đoạn mua bán gian hàng điện tử gây xôn xao dư luận thời gian qua cho thấy, muaban24h đã sử dụng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các công dân nhẹ dạ, cả tin. Nhiều mạng xã hội, blog và báo điện tử cũng vô tình đưa thông tin có lợi cho muaban24h. Tình báo kinh tế, các hacker thường lợi dụng tối đa các tiện ích của mạng xã hội, vừa khai thác thông tin của đối thủ, vừa tiến công trên cả phương diện tài chính lẫn kỹ thuật. Rồi do khả năng tương tác rộng lớn, nên nhiều hacker phát tán virút và mã độc trên mạng xã hội, tiến công các trang web, blog, thậm chí tiến công cả hệ thống bảo mật thông tin của các quốc gia. Ví như việc các mạng xã hội đã nhân bản với tốc độ chóng mặt những thông tin mật được Wikileaks tiết lộ, làm cho giới chức các quốc gia một phen điêu đứng vì lo lắng. Các nhà quân sự đều phải tính tới các phiên bản của chiến tranh mạng, trong đó, mạng xã hội sẽ đóng vai
  8. 382 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN trò hết sức quan trọng do các trang điện tử này nắm được số đông, khả năng phát tán thông tin nhanh nhạy. Hơn nữa, các thành viên của mạng xã hội đều có niềm tin nhất định vào thông tin chính thức được phát hành bởi người điều hành mạng hay bạn bè trên mạng. Việc đóng cửa tất cả các mạng xã hội là giải pháp không khả thi chút nào trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, nhà điều hành mạng xã hội có thể phải bắt tay với các thế lực ngầm vì lý do tài chính. Gần đây, vai trò "ngòi nổ" của mạng xã hội trong "mùa xuân Arập" ở các quốc gia Bắc Phi được đánh giá là không nhỏ. Phương Tây không chỉ hỗ trợ các phe nổi dậy chống chính phủ bằng tiền và vũ khí, mà họ sử dụng mạng xã hội như một phương thức chiến tranh tâm lý để tập hợp, kích động các lực lượng nổi dậy, đồng thời thu thập thông tin tình báo qua hệ thống điện tử một cách tinh vi. Còn trên facebook, cách đưa tin có chủ ý rõ rệt. Họ cung cấp các đường link với một số trang web chống chế độ. Có những người xem đây là thông tin "hot", đọc cho vui, nhưng cũng có người vô tình hay hữu ý nhân bản, sao chép thông tin này. Việc quản lý các thông tin kiểu như trên là rất khó thực hiện, nhất là khi các mạng xã hội thực hiện truyền tin qua email, message, hoặc liên kết website một cách tự do. Đây chính là điểm mà các thế lực thù địch, phản động đang khai thác sâu, lợi dụng triệt để. Thậm chí, khi có sẵn trong tay danh sách địa chỉ thư tín của các nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, họ chỉ việc phát tán và tải lên các trang mạng xã hội nổi tiếng để thu hút nhiều người đọc. Mạng xã hội hiện chứa đựng không ít cạm bẫy mà người đăng nhập dễ trở thành con mồi. Trên mạng xã hội có vô số liên kết độc hại, tin rác hay phần mềm lừa đảo, mà nếu kích chuột vào có thể khách hàng phải chịu thiệt hại. Các vụ lừa đảo qua mạng xã hội
  9. PHẦN III: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN THÔNG 383 ngày càng nhiều, hết cô gái này đến cô gái khác bị lừa bán qua mạng, rồi bán thông tin giả, hàng giả,... Đáng báo động tới mức, tờ The Guardian (Anh, ngày 15-3-2011) đưa tin chính Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, đã khuyên sinh viên Đại học Cambridge không sử dụng facebook và twitter. Lý do mà ông này đưa ra là, những mạng xã hội đã góp phần gây ra những bất ổn ở Trung Đông cũng như cuộc nổi dậy ở Ai Cập, theo ông, internet là "cỗ máy gián điệp khổng lồ nhất mà thế giới từng biết đến". Trong khi các quốc gia phương Tây khuyến khích người dân các nước khác hãy sử dụng internet và mạng xã hội để thúc đẩy cải cách, dân chủ, thì chính họ lại chật vật tìm cách quản lý vấn đề này trong quốc gia mình. Chính phủ Anh đã phải đem mạng xã hội lên bàn nghị sự sau khi xảy ra các cuộc bạo động ở quốc gia này năm 2011. Nhiều công ty ở Mỹ cấm nhân viên sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc. Hiện nay, chính phủ các nước đều nỗ lực tìm giải pháp quản lý mạng xã hội. Xu hướng báo chí và mạng xã hội bắt tay nhau để thuyết phục người đọc đang diễn ra. Ngày càng nhiều công ty và tổ chức của chính phủ, cũng như tổ chức phi chính phủ, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các mạng xã hội đang lên do thấy lợi ích từ việc này. Tùy theo mức đầu tư và điều khoản hợp đồng, họ có thể trở thành thế lực ngầm khống chế các mạng xã hội có ảnh hưởng. Đến nay, ở Việt Nam có khoảng 30 mạng xã hội đang hoạt động. Ngoài một số mạng xã hội có mục đích giải trí đơn thuần, không ít mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm thu thập thông tin, phổ biến thông tin bịa đặt, vu cáo, kích động, kêu gọi lật đổ chế độ, chống lại Đảng và Nhà nước như là một công cụ hiệu quả để thực hiện "diễn biến hòa bình". Một số blog (có địa chỉ, tên tuổi hẳn hoi) thường xuyên cập nhật thông tin như một tờ báo điện tử, đưa nhiều thông tin
  10. 384 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN xuyên tạc, độc hại nhưng chẳng thấy bị xử lý. Hơn lúc nào hết, bất cứ ai tham gia các mạng xã hội cần tìm hiểu kỹ về điều khoản tham gia cũng như mục đích thật sự của mạng xã hội, để bảo đảm an ninh cho cá nhân, đề phòng thông tin của mình bị các đối tượng xấu lợi dụng; cũng như cảnh giác với các quyền lực ngầm đứng sau thao túng các mạng xã hội... Và bất cứ ai khi đọc thông tin trên các mạng xã hội cũng cần cảnh giác với những thông tin giả, xuyên tạc, độc hại...
  11. Hệ lụy thực từ "thế giới ảo"* LÊ ANH Trong khoảng mười năm trở lại đây, ở Việt Nam, internet đã có sự phát triển mang tính bùng nổ, tạo nên một "thế giới ảo", mà đối với không ít người, thế giới đó đã trở thành một nhu cầu thực. Nhưng, xét từ những hệ lụy mà internet đưa tới, liệu có nên coi đó chỉ là "thế giới ảo" hay không, nhất là với văn chương - nghệ thuật? 1. Cách đây khoảng 10 năm, nhiều người mới chỉ hình dung về internet như một môi trường để trao đổi thông tin bằng thư điện tử, trò chuyện trực tuyến, truy cập để đọc các website, tra cứu thông tin bằng các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với việc áp dụng các tiến bộ công nghệ, đã giúp internet phát triển không chỉ ở phạm vi ngày càng lan rộng, tạo điều kiện để mỗi người có thể chiếm lĩnh và tạo lập không gian cá nhân một cách dễ dàng, mà với những sản phẩm như blog, mạng xã hội, trang mạng cá nhân, internet còn tạo dựng nên một "không gian ảo" với sự hỗ trợ của các công cụ internet đã làm tăng tính giao tiếp giữa người chủ các website và "công chúng ảo". Đặc biệt từ các blog, mạng xã hội đến website đều cung cấp khả năng nhận được phản hồi và bình luận (feedback, comment) từ người đọc. Tất nhiên, ở phương diện này, người làm chủ các blog, mạng xã hội, website có thể kiểm soát các phản hồi bằng cách kiểm duyệt hoặc xóa các phản hồi ngoài tầm kiểm soát, hoặc ngoài ý muốn... ______________ * Báo Nhân Dân, số ra ngày 20-11-2012.
  12. 386 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN Có thể nói sự phát triển, phổ biến của internet tại Việt Nam đã đem lại một phương thức mới, tạo nên một không gian mới của văn chương - nghệ thuật. Nói cách khác, các thành tựu của công nghệ đã tạo điều kiện và tác động mạnh mẽ đến đời sống văn chương - nghệ thuật. Nếu chỉ giới hạn trong không gian phổ biến bằng tiếng Việt, trong khoảng mười năm vừa qua, đã có không ít website văn chương của một nhóm người hoặc một số cá nhân đã được thực hiện tại Việt Nam và ở nước ngoài. Không chỉ là thú chơi nhất thời, một số website văn chương đã có quy mô, sự phong phú gần như là một sản phẩm báo chí, có thời gian tồn tại kéo dài trong nhiều năm (trước Cách mạng Tháng Tám 1945, một số tờ báo có giá trị văn học - văn hóa cũng chỉ tồn tại khoảng dưới 5 năm). Điều đó cho thấy, đến một thời điểm nào đó, những website này cũng sẽ có thể trở thành một loại hiện tượng cần đề cập trong văn học sử. Và trong khi một website chuyên về văn học đầu tiên đã phải đóng cửa do sự thay đổi chính sách của cơ quan chủ quản thì nhiều website của các nhà văn hoặc nhóm nhà văn khác vẫn tiếp tục tồn tại với bài vở được cập nhật hằng ngày. Đấy là chưa kể đến các blog và trang mạng xã hội của một số người cầm bút, mà căn cứ vào tác phẩm đã công bố, có thể thấy có người đã hoặc sẽ trở thành nhà văn chuyên nghiệp. 2. Với những biểu hiện mang tính hiện tượng đó, nhiều người đã nói về một "nền văn học ảo", một "nền văn học mạng". Nhưng liệu việc phổ biến của văn học trên mạng internet là một sự thay đổi mang tính bản chất hay chỉ là sự mở rộng phương thức phổ biến văn chương? Một điều dễ thấy là rất nhiều văn bản các loại lúc đầu chỉ xuất hiện và tồn tại dưới dạng "ảo", nhưng rốt cuộc lại chinh phục thế giới thực dưới dạng sách giấy. Đó là con đường của không ít tác giả mới viết hoặc các blogger, lúc đầu tạo lập nên tên tuổi và công chúng trên internet, sau đó xuất bản tác phẩm dưới
  13. PHẦN III: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN THÔNG 387 dạng sách giấy, để rồi cuối cùng chinh phục công chúng thực bằng doanh số thực. Đó cũng là trường hợp của một số nhà văn mở rộng hoạt động sang "thế giới ảo", rồi sau đó thu thập các văn bản "ảo" xuất bản thành sách giấy, tạo nên những hiện tượng "best-seller" (sách có nhiều độc giả). Bản thân điều đó đã cho thấy cái đích cuối cùng của các "công dân mạng viết văn" vẫn là thế giới thực với công chúng và doanh số thực. Có thể nói "thế giới ảo" đã cung cấp một phương thức tồn tại mới cho văn chương. Nhìn từ bản chất, một trong các quy luật tồn tại mang tính phổ biến cho mọi cộng đồng người và mọi thời đại chính là sự xung đột giữa những nhu cầu cá nhân và những chế định mang tính xã hội (là xã hội nói chung chứ không riêng lĩnh vực văn chương). Những chế định xã hội là các chuẩn mực tồn tại dưới dạng quy ước, cao nhất là đã được luật hóa để áp dụng trong toàn xã hội nhằm bảo đảm khả năng chung sống và tính văn minh của xã hội. Đơn cử như việc ở bất cứ xã hội nào, kể cả ở các quốc gia được cho là tự do nhất, đều có các điều luật liên quan đến việc hạn chế những sản phẩm mang tính khiêu dâm, trừng phạt những hành vi xâm hại tới an ninh quốc gia, cũng như an ninh và sự an toàn của mỗi cá nhân. Tất nhiên, xem xét một cách biện chứng, các chế định này thường "đi sau" nhu cầu cá nhân và nhu cầu cá nhân luôn có khuynh hướng phát triển theo hướng đa dạng hóa, vượt ra ngoài khuôn khổ của các chế định xã hội. Trong giới hạn nhất định, có thể nói sự phổ biến trên mạng là một lối thoát cho xung đột, hay đó là một cách thức giải tỏa một số "nút thắt" trong thế giới thực. Với thế giới thực, khả năng công bố tác phẩm và giới thiệu tác giả là có hạn, trong khi nhu cầu viết của người cầm bút lại vô cùng phong phú, internet cung cấp một không gian cho người viết, tự do và đơn giản hơn nếu xuất hiện trong môi trường thực. Họ có thêm không gian cho thể nghiệm mới và những cách tân cả về nội dung
  14. 388 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN và nghệ thuật. Bên cạnh đó, internet còn giúp gia tăng khả năng giao tiếp giữa người viết và công chúng, giúp người viết có thể nhận được phản hồi tức thời từ phía độc giả để kịp thời điều chỉnh hoạt động sáng tác. 3. Vậy là với ý nghĩa nhất định, "thế giới ảo" đã bù đắp được một số phương diện của thế giới thực; đặc biệt, nó đem tới cho người tham gia vào thế giới đó một cảm giác về sự tự do khi nó giúp người viết vượt ra khỏi một số chế định về xã hội. Trong thế giới thực, khi đề cập những vấn đề như quan hệ tình dục, đánh giá những hiện tượng xã hội hoặc một số vấn đề lịch sử,... cả người viết văn lẫn người biên tập và xuất bản đều phải có sự cân nhắc, trong khi đó, trong thế giới của internet, những rào cản đó dường như là không còn tồn tại. Chính vì vậy, sự tồn tại của "thế giới ảo" luôn đi kèm với những mặt trái, chạm đến những cái ngưỡng. Trước hết, đó là cái ngưỡng mang tính bản chất của sáng tạo. Nói gì thì nói, một sáng tạo nghệ thuật vẫn cần (phải) là một sáng tạo mang tính cá nhân trong một hình thức hoàn chỉnh. Cộng đồng văn chương mạng từng chứng kiến không ít "cái chết" của những dự án cách tân theo kiểu biến tất cả mọi thứ trao đổi trên internet thành một tiểu thuyết vô tận, không có hồi kết. Bên cạnh đó là cái ngưỡng của các chuẩn mực văn hóa. Công chúng đã chứng kiến không ít hành động "cách tân" của văn chương mạng (chính xác hơn của những thứ văn chương không thể công bố ở đâu khác ngoài mạng!) bằng cách đưa những lớp ngôn ngữ tục tĩu, thậm chí đưa cả tên tuổi của các nữ đồng nghiệp vào những sáng tạo thơ ca đầy tục tĩu đó. Như vậy, "văn chương ảo" đang chơi một trò chơi hai mặt. Một mặt, "thế giới ảo" tạo nên tâm thế ở người tham gia các mức độ khác nhau của sự vô trách nhiệm. Người ta có thể núp dưới một tên giả, một biệt hiệu. Người ta cũng có thể thực hiện một website về bản chất là một tờ báo nhưng lại không hề bị kiểm soát của Luật báo chí
  15. PHẦN III: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN THÔNG 389 như những sản phẩm báo chí khác. Nhiều người đã có ảo tưởng về tính dân chủ của không gian ảo nhưng quên rằng, thực chất mỗi nhận xét, mỗi phản hồi đều có thể được người chủ trang web hoặc blogger kiểm duyệt, định hướng giữ lại những gì có lợi cho mình và loại bỏ những gì khác biệt, từ đó tạo nên hiệu ứng đám đông và thực hiện các toan tính cá nhân. Cũng không khó để nhận ra rằng, những tranh luận trong môi trường văn học ảo đang bị biến thành một cái chợ, khi mà người ta có thể thoải mái moi móc đời tư với những câu chuyện vô bằng cớ và tận dụng hiệu ứng tâm lý đám đông để triệt hạ đối thủ. (Có thể coi trường hợp một hiện tượng sáng tác thơ mới được tổ chức hội thảo gần đây là một thí dụ. Đành rằng, thơ của tác giả này có vấn đề về nội dung, nghệ thuật cũng như cách mà ông ta thần bí hóa công việc viết lách của mình. Dẫu vậy, cách mà các công dân mạng phê phán cũng hết sức có vấn đề, đậm mầu sắc "bỏ bóng đá người"). Quan trọng hơn nữa, một số công dân mạng lợi dụng hình thức "ảo" để vô trách nhiệm về mặt phát ngôn nhưng nạn nhân của họ lại là những con người thật và hệ lụy của những cuộc "tấn công" cũng lại là rất thật. Nguy hại hơn, không chỉ giới hạn trong phạm vi văn chương, những blog và website cá nhân này còn vươn cả sang những lĩnh vực khác như đời sống kinh tế, chính trị. Lợi dụng danh nghĩa những nhận xét, bình luận, cảm nhận cá nhân; đánh vào tâm lý "thích chuyện lạ" của con người, họ thậm chí còn đề cập thiếu trách nhiệm vào những quyết sách lớn của Nhà nước hoặc uy tín của những con người cụ thể trong bộ máy quyền lực. Khi đó, những hệ lụy của "thế giới ảo" sẽ là khôn lường. Điều đó cho thấy, đã đến lúc cần có một phương thức quản lý theo hướng "thực hóa thế giới ảo", buộc các chủ thể của "thế giới ảo" phải "giải ảo" và chịu trách nhiệm về các phát ngôn - thông tin của mình. Đồng thời, mỗi người khi tham gia vào "thế giới ảo" cũng cần phải trở thành những "người tiêu dùng thông tin thông thái".
  16. "Sản phẩm ngoài luồng" - virút độc của "diễn biến hòa bình"* LAM SƠN Gần đây, xuất hiện một số tác phẩm văn học - nghệ thuật được gọi là "ngoài luồng", có nội dung trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trái với thuần phong mỹ tục của văn hóa dân tộc; tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của xã hội - con người và không được phép lưu hành tại Việt Nam. Loại tác phẩm này xuất xứ từ các nguồn gốc khác nhau, nhưng đều có thể trở thành công cụ của các thế lực thù địch nhằm phá hoại đời sống tinh thần của xã hội, con người... Thông qua nhiều hình thức, chủ yếu qua internet, các thế lực thù địch triển khai rất nhiều thủ đoạn thâm độc với các xảo thuật, đơm đặt, ngụy tạo bằng chứng để trắng trợn vu cáo; rồi sử dụng bài viết cũ bằng luận điệu mới, tung tin đồn nhảm, tạo dư luận xấu; lợi dụng các vấn đề "nhạy cảm", để vu cáo, quy chụp,... Để thực hiện âm mưu này, họ đã sử dụng văn học - nghệ thuật làm một phương tiện nhằm tác động tới thế giới tinh thần của xã hội - con người. Hiện tượng một số sản phẩm văn học - nghệ thuật và báo chí "ngoài luồng" đã xuất hiện. Nhìn chung, các sản phẩm ______________ * Báo Nhân Dân, số ra ngày 28-12-2012.
  17. PHẦN III: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN THÔNG 391 "ngoài luồng" có nội dung trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam; trái với thuần phong mỹ tục của văn hóa dân tộc; có khả năng tác động tiêu cực tới tư tưởng, tình cảm, lối sống của xã hội - con người và không được phép lưu hành tại Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, bởi thế, tác phẩm văn học - nghệ thuật lành mạnh do người Việt ở nước ngoài sáng tác cũng là một yếu tố góp phần làm nên dòng chảy chung của văn học - nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, điều này không bao hàm tác phẩm vốn được gọi là "ngoài luồng" của một số văn nghệ sĩ là người Việt ở nước ngoài đang bị lợi dụng hoặc tự biến mình thành "con rối" trong tay những thế lực thù địch... Trong lĩnh vực âm nhạc, từ lâu rồi, hầu như hễ khi nào trong nước tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn là một số trung tâm ca nhạc ở hải ngoại như Asia, Thúy Nga Paris, Dạ Lan, Radio Bolsa, Trung tâm Làng văn, Khmer Campuchia Crom, Quỹ người Thượng của Ksor Kok,... lại cho ra đời các chương trình "ca nhạc đen" mà mục đích, nội dung là chống phá đất nước. Với tâm địa chống cộng đến thâm căn cố đế, các trung tâm này tập hợp một số ca sĩ là người Việt ở nước ngoài trình bày các ca khúc mang nội dung kích động hận thù, xuyên tạc lịch sử, thóa mạ sự hy sinh cao cả của quân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đánh đồng sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta với sự thương vong của những người đã đi theo kẻ thù của dân tộc và đứng ở bên kia chiến tuyến... Mưu đồ thâm độc của họ còn thể hiện ngay trong phóng sự, lời dẫn chương trình của MC (người dẫn chương trình - B.T.). Những clip phóng sự ngắn được chiếu xen kẽ đầy rẫy luận điệu xuyên tạc qua lời bình tức tối, hằn học, ca ngợi "thời hoàng kim của Việt Nam
  18. 392 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN cộng hòa" kèm theo là hình ảnh người dân xuống tàu di cư vào Nam, rồi cảnh ly tán ngày Sài Gòn thất thủ... Với văn học cũng vậy, bên cạnh tác phẩm chống cộng của các cây bút rời bỏ quê hương ra đi, các thế lực thù địch còn tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để một vài cây bút ở trong nước xuất bản tác phẩm ở nước ngoài, đưa lên internet, rồi huy động một vài người được gọi là "nhà phê bình", vốn là người Việt đang ở hải ngoại, quảng bá rùm beng như là "tuyệt tác"! Nhưng loại tác phẩm ra đời từ tâm thế hằn học, cay cú, rắp tâm đổi trắng thay đen và xuyên tạc hiện thực,... như vậy lại hoàn toàn không có ý nghĩa tư tưởng - nghệ thuật đáng để cho công chúng chú ý. Vì thế, sau "chiến dịch" tung hô rùm beng, mấy tác phẩm loại này cũng nhanh chóng kết thúc không kèn không trống, không để lại dư âm. Bóp méo lịch sử, bôi nhọ, hạ bệ lãnh tụ cũng là nội dung được các đối tượng phản động ở nước ngoài sử dụng triệt để. Đặc biệt, chúng trắng trợn phát tán các loại sách vở, phim ảnh nhằm xuyên tạc thân thế, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa của tư tưởng và đạo đức của Người không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà đã mở rộng ra cả thế giới, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những năm qua, tượng đài Hồ Chí Minh đã được xây dựng ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Mêhicô, Áchentina, Hungari... Các tác phẩm tiêu biểu của Người như Nhật ký trong tù, Tuyển tập Hồ Chí Minh được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nước ngoài. Gần đây, tiến sĩ Nguyễn Đài Trang - một Việt kiều ở Canađa, đã dành 15 năm để biên soạn và xuất bản tại Canađa cuốn sách Hồ Chí Minh - tâm và tài của một nhà yêu nước bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày
  19. PHẦN III: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XUẤT BẢN VÀ TRUYỀN THÔNG 393 sinh của Người, cuốn sách đã có tác động tích cực đến chính giới, nhân dân Canađa và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ấy vậy mà một số người vẫn "cố đấm ăn xôi", phủ nhận sự thật ấy. Mà điển hình là bộ phim do Nguyễn Hữu Lễ và Trần Quốc Bảo sản xuất. Chỉ cần đánh giá từ tư cách của Nguyễn Hữu Lễ và danh sách các tài liệu của Cao Thế Dung, Minh Võ, Trần Gia Phụng, Lê Hữu Mục, Hoàng Văn Chí,... cùng các nhân vật được phỏng vấn như Minh Võ, Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Diễm, Nguyễn Minh Cần, Dương Thu Hương, Phan Văn Lợi, Bùi Tín, Trần Ngọc Thành,... là có thể nhận biết được mục đích, nội dung, giá trị của sản phẩm này là như thế nào. Vì họ có cổ võ đến thế nào thì cũng không che đậy được thực chất đó chỉ là màn kịch cũ kỹ, diễn xuất bởi mấy diễn viên hạng ba, tại một sân khấu dựng trên những chiếc cột chống đã mục nát. Mặc dù vậy, các thế lực thù địch vẫn kiên trì với xu hướng này và triệt để lợi dụng các website, blog, diễn đàn trên internet... để hằng ngày, hằng giờ ra sức bôi nhọ, xuyên tạc sự thật theo kiểu Goebbels thời phát xít Đức. Mạng thông tin toàn cầu với tốc độ truy cập, mức độ phổ biến, phương thức truy cập đơn giản, khó kiểm soát, đã và đang bị lợi dụng trở thành môi trường "lý tưởng" cho việc truyền bá loại "ấn phẩm ngoài luồng". Hiện nay trên internet, hàng trăm website thường xuyên đăng tải nội dung phản động, nói xấu chế độ, xuyên tạc công cuộc đổi mới tại Việt Nam. Các trang web này thường theo dõi các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong nước để thu thập và thêu dệt những thông tin sai sự thật liên quan các vấn đề bất cập trong nước phục vụ mục đích chống phá. Đáng lo ngại là các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng quá trình mở cửa hội nhập để đưa các "tác phẩm ngoài luồng" vào trong nước. Một trong các cách thức "chuyển lửa" về nước là ngụy
  20. 394 BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN trang dưới vỏ bọc sản phẩm bình thường, hợp pháp rồi đưa vào Việt Nam theo đường du lịch, thăm thân nhân. Khi đã được đưa trót lọt vào trong nước, những tên "biệt kích văn nghệ" này được một số người nhân bản để tung ra thị trường, như đĩa VCD của Trung tâm Thúy Nga Paris chẳng hạn, với một máy tính lắp có 10 ổ ghi, chỉ sau vài chục phút là người ta đã có thể cho ra hàng nghìn bản sao. Một hình thức khác là gửi theo các gói hàng, quà biếu bằng đường bưu điện, như gần đây qua công tác kiểm hóa bưu điện, cán bộ hải quan phát hiện một bộ VCD gồm 20 đĩa, dán nhãn giáo trình y khoa nhưng trong đó có một đĩa là "nhạc phẩm ngoài luồng". Bên cạnh đó, với dịch vụ internet ngày càng phổ biến, cách thức truy cập đơn giản, chi phí thấp, cũng khiến việc phổ biến các "tác phẩm ngoài luồng" ngày càng dễ dàng. Đã có một số người khai thác loại tác phẩm này rồi in, photocopy để truyền tay nhau... Trong khi đó, cần khẳng định quá trình và các khâu của quá trình quản lý văn hóa của một số cơ quan chức năng của chúng ta còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, điều này cũng tạo ra kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng. Cho nên, thật e ngại khi thấy tại một số cửa hàng cho thuê, bán băng đĩa ở một số nơi (nhất là ở thành phố) người ta công khai quảng bá cho loại sản phẩm "ngoài luồng", và do đó, câu hỏi về vai trò của thanh tra văn hóa không thể không được đặt ra? Trong khi "tiếp tục phát triển nền văn học - nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại, phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác..." như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định, chúng ta cần triển khai các biện pháp mềm dẻo nhưng kiên quyết khi xử lý loại sản phẩm "ngoài luồng", không để cho loại sản phẩm này tìm được chỗ đứng và từng bước đầu độc đời sống tinh thần của xã hội - con người.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2