Nguyễn Thị Hải<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
84(08): 17 - 22<br />
<br />
VÀI NÉT VỀ NGUỒN GỐC NGƯỜI TÀY Ở CAO BẰNG<br />
Nguyễn Thị Hải*<br />
Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
Dân tộc Tày còn có tên gọi là “Tày Đeng” hoặc Thổ. Họ là cư dân sinh sống lâu đời ở khu vực<br />
miền núi phía Bắc nước ta, trong đó có Cao Bằng. Trải qua quá trình lịch sử, với nhiều biến động<br />
chính trị, bên cạnh những dòng họ Tày bản địa, lớp cư dân Tày mới đã xuất hiện. Trong Cao Bằng<br />
tạp chí nhật tập, Bế Huỳnh đã chia người Thổ (người Tày) thành bốn loại là Thổ ty (con cháu<br />
công thần triều Lê được phân phong thế tập cai quản ở đây), Phụ Đạo (người Tày bản địa được<br />
triều đình phong làm phụ đạo), Thổ trước (dân Tày bản địa) và Biến Thổ (người ở dưới đồng bằng<br />
hoặc đi việc vua, đi dạy học mà tới, dân tứ xứ đến buôn bán cùng con cháu bề tôi nhà Mạc, những<br />
người phò giúp Tây Sơn an trí ở đây …) [5, 2].<br />
Từ khoá: Dân tộc Tày, Cao Bằng, An Dương Vương, Văn hoá, Thổ ty<br />
<br />
NGƯỜI TÀY GỐC*<br />
Ngày nay, người Tày Cao Bằng còn lưu truyền<br />
câu chuyện truyền thuyết “Pú Luông Quân” - kể<br />
về cuộc sống nguyên thuỷ của người Tày cổ ở<br />
địa phương. Cao Bằng là nơi sinh sống của cặp<br />
trai gái đầu tiên Báo Luông (trai to) và Sao Cải<br />
(gái lớn), nói cách khác, đó là nơi phát tích của<br />
người Tày cổ. Họ gặp nhau, lấy nhau và chung<br />
sống trong Ngườm Ngả (tức Ngườm Bốc) –<br />
một hang cạn gần mỏ nước ở Bản Nưa, xã<br />
Hồng Việt, huyện Hòa An ngày nay. Trải qua<br />
quá trình lao động, họ đã tìm ra lửa, phát minh<br />
ra nghề nông trồng lúa nước, thuần dưỡng và<br />
chăn nuôi gia súc. Khi nông nghiệp phát triển,<br />
họ bắt đầu chuyển xuống ở gần những cánh<br />
đồng. Quá trình ấy gắn liền với những địa danh<br />
Tày cổ của Hòa An như Nà Đuốc, Nà Loòng,<br />
Nà Niền, Nà Mỏ, Vỏ Má, Lậu Pất, Khau Ma,<br />
Nà Vài, Nà Mò, Chông Mu …[7]. Đặc biệt, qua<br />
nghiên cứu địa danh cho thấy, trừ tên huyện, xã<br />
là âm Hán - Việt được hình thành trong giai<br />
đoạn lịch sử sau, thì toàn bộ tên xóm, bản, sông,<br />
suối, núi, đồi … đều là tiếng Tày. Điều đó<br />
chứng tỏ Cao Bằng là nơi cư trú lâu đời và liên<br />
tục của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ<br />
Tày – Thái.<br />
Cốt lõi lịch sử của truyền thuyết “Pú Luông<br />
Quân” phần nào được chứng minh qua những<br />
thành tựu khảo cổ học ở Cao Bằng. Các nhà<br />
*<br />
<br />
khảo cổ đã tìm thấy ở Cao Bằng nhiều di tích<br />
thuộc thời đại đồ đá. Mặc dù chưa phát hiện<br />
được hiện vật của giai đoạn sơ kỳ đá cũ nhưng<br />
các nhà khảo cổ đã khẳng định ở Cao Bằng có<br />
trầm tích và hóa thạch thuộc giai đoạn trung kỳ<br />
Cánh tân ở Ngườm Phja Khóa (huyện Thạch<br />
An) và hang Phja Phủ (huyện Trùng Khánh).<br />
Tiếp đó là các di tích thuộc thời kỳ văn hóa Sơn<br />
Vi như Ngườm Xe, mái đá Bản Giã, mái đá<br />
Ngườm Càng, hang Ngườm Nhù (huyện Trùng<br />
Khánh), Ngườm Phà Kình, Pó Piúc (huyện Hòa<br />
An) …; rồi văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn như<br />
hang Ngườm Càng (Thông Nông), hang<br />
Ngườm Bốc (Hòa An). Tại Ngườm Bốc –<br />
tương truyền là nơi ở của hai vợ chồng Báo<br />
Luông và Sao Cải - các nhà khảo cổ học đào<br />
thám sát, thu được khối trầm tích Cácbonnat<br />
Canxi có chứa hóa thạch động vật, vỏ ốc suối<br />
khá lớn và 11 hiện vật bằng đá (4 công cụ chặt<br />
thô, 2 nạo cắt, 2 chày nghiền, 3 cuội nguyên<br />
liệu). Đây là một di tích cư trú của người<br />
nguyên thủy sống vào giai đoạn chuyển tiếp<br />
giữa thời đại đá cũ và đá mới, cách ngày nay<br />
khoảng 10.000 năm, tương đương với giai đoạn<br />
văn hóa Hòa Bình sớm [2, 79-80]. Ở hang Thần<br />
(Thông Nông), các nhà khảo cổ còn tìm thấy<br />
dấu vết của một di cốt không còn nguyên vẹn<br />
của người thời cổ. Sau khi phân tích lớp trầm<br />
tích, nội dung tầng văn hóa và nghi thức táng,<br />
nhà khảo cổ học Trình Năng Chung đã xếp<br />
hang Thần vào nền văn hóa Bắc Sơn có niên đại<br />
sơ kỳ đá mới [1, 83]. Những vết tích thời đại đá<br />
<br />
Tel: 0986938872; Email: nguyenthihai83@gmail.com<br />
<br />
17<br />
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên<br />
<br />
http://www.lrc-tnu.edu.vn<br />
<br />
Nguyễn Thị Hải<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
ở khu vực này tuy còn rải rác nhưng cũng cho<br />
ta thấy sự phát triển liên tục của các nền văn<br />
hoá khảo cổ tại Cao Bằng… Mặc dù chưa tìm<br />
được tầng văn hóa nhưng rõ ràng, người nguyên<br />
thủy đã có mặt ở Cao Bằng và có thể xem giai<br />
đoạn “Pú Luông Quân” là giai đoạn xã hội thị<br />
tộc nguyên thủy của người Tày - Thái mà sử cũ<br />
gọi là bộ lạc Tây Âu.<br />
Vào giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí,<br />
công xã thị tộc dần tan rã, công xã nông thôn<br />
dần được hình thành. Truyền thuyết Cẩu chủa<br />
cheng vùa của đồng bào Tày Cao Bằng phản<br />
ánh một xã hội phụ hệ đang mạnh bước tới<br />
ngưỡng cửa văn minh, của sự hình thành nhà<br />
nước. “Nước Nam Cương” nằm ở phía Nam<br />
Trung Quốc và vùng đất Cao Bằng ngày nay,<br />
giáp với nước Văn Lang, do Thục Chế - cha của<br />
Thục Phán - làm vua, kinh đô đặt ở Nam Bình<br />
(tức Cao Bình thuộc xã Hưng Đạo, Hòa An<br />
hiện nay). Đó là một liên minh bộ lạc gồm<br />
mười mường, mỗi chúa cai quản một xứ nhưng<br />
lệ thuộc vào mường trung tâm của Thục Chế,<br />
cứ ba năm tiến cống một lần. Khi Thục Chế<br />
chết, Thục Phán còn nhỏ tuổi, các chúa mường<br />
kéo quân đến vây kinh thành đòi nhường ngôi.<br />
Thục Phán tổ chức cuộc thi tài giữa các chúa, ai<br />
thắng cuộc sẽ nhường ngôi cho. Bằng tài trí<br />
thông minh của mình, Thục Phán đã khéo tìm<br />
cách làm cho các chúa phải thua cuộc, giữ vững<br />
ngôi vị. “Nước Nam Cương” ngày càng cường<br />
thịnh, nhân lúc Văn Lang suy yếu đã đánh<br />
chiếm, lập lên nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa<br />
[7]. Nhiều học giả còn hoài nghi về nguồn gốc<br />
của An Dương Vương Thục Phán nhưng đa số<br />
nghiêng về giả thuyết Thục Phán quê ở Cao<br />
Bằng và cho rằng ông là thủ lĩnh một liên minh<br />
bộ lạc người Tây Âu (người Tày cổ) ở vùng núi<br />
phía Bắc Việt Nam và Nam Quảng Tây (Trung<br />
Quốc), trong đó Cao Bằng là trung tâm. Nhân<br />
dân vùng Cổ Loa đến nay vẫn tương truyền<br />
rằng An Dương Vương là “một tù trưởng miền<br />
núi” và trong lễ hội đền Cổ Loa, lễ vật không<br />
thể thiếu ở Đền Thượng là bánh chưng tròn và<br />
dài, thường gọi là bánh chưng Tày [8, 508].<br />
Tuy vậy, chứng tích vật chất, tư liệu khảo cổ<br />
học ở Cao Bằng chưa ủng hộ cho quan điểm<br />
này. Hiện nay, các nhà khảo cổ mới phát hiện<br />
<br />
84(08): 17 - 22<br />
<br />
một số hiện vật bằng đồng như mũi lao đồng tại<br />
Pò Tường (Hoàng Tung, Hòa An), trống đồng<br />
Bản Hóa (xã Dân Chủ, Hòa An) và những chiếc<br />
trống đồng Đông Sơn loại muộn phát hiện ngẫu<br />
nhiên ở khu vực Bảo Lạc, Trùng Khánh. Dù di<br />
vật đồng thau còn ít ỏi, song nó đã bước đầu<br />
khẳng định sự tồn tại của nền văn hóa này ở<br />
Cao Bằng.<br />
Sau khi nước Âu Lạc của An Dương Vương<br />
thất bại (năm 179 Trcn), nước ta rơi vào tay<br />
Triệu Đà, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc trong lịch<br />
sử Việt Nam. Nhưng đối với miền đất trung tâm<br />
của “nước” Nam Cương cũ, phong kiến Trung<br />
Quốc không kiểm soát được trực tiếp, mà duy<br />
trì những châu “ki mi” (ràng buộc) do tù trưởng<br />
tự lập ở khu vực Cao Bằng. Từ thời Hán đến<br />
Lục triều, thư tịch Trung Quốc đều chép vùng<br />
này là của người Lý, Lão. Đến thời Đường (thế<br />
kỷ VI -IX), nhân dân vùng Tả Giang, Hữu<br />
Giang (tức là vùng Quảng Tây, Quảng Đông),<br />
vùng biên giới phía Bắc và Đông Bắc của Cao<br />
Bằng được gọi là Tây Nguyên Man, và cũng<br />
được gọi là người Lão. Các dòng họ có thế lực<br />
lớn cai quản vùng Cao Bằng lúc bấy giờ là họ<br />
Hoàng, Nùng, Chu, Vi ..., đều là họ của người<br />
Tày - Nùng. Theo Tân Đường thư, Tây Nguyên<br />
Man truyện, miền Hữu Giang thuộc phạm vi cai<br />
quản của họ Nùng. Theo đó, từ đầu thế kỷ IX,<br />
thế lực của họ Nùng ở Cao Bằng và miền Tả<br />
Giang rất mạnh, có các thủ lĩnh như Nùng Kim<br />
Ý, Nùng Kim Lặc, Nùng Kim Trừng, Nùng<br />
Trọng Vũ [11, 80]. Cao Bằng thực lục cho biết<br />
dòng họ Nùng là “người châu Quảng Uyên (nay<br />
là phủ Cao Bằng), nhà nối đời làm thủ lĩnh, có<br />
nhiều binh quyền, ở nước Việt từ đời Đường trở<br />
về đây, hùng cứ đất Quảng Nguyên, cùng với<br />
họ Hoàng, họ Chu thống lĩnh đến tám phần<br />
mười, mà họ Nùng lại hùng mạnh, cứ như tằm<br />
ăn rỗi, thôn tính dần dần hết”[3, 2]. Đến thế kỷ<br />
X, nhà Nam Hán phong Nùng Dân Phú làm thủ<br />
lĩnh mười châu ở Quảng Nguyên, sau đó nhà<br />
Tống phong chức Kiểm hiệu Tư không[10,<br />
179]. Năm 1038, một nhà nước của tộc Nùng<br />
mang tên Trường Sinh đã ra đời do Nùng Tồn<br />
Phúc đứng đầu, đóng đô ở thành Nà Lữ (nay<br />
thuộc xã Hoàng Tung, Hòa An, Cao Bằng).<br />
Nhưng ngay sau đó, nhà nước này đã bị nhà Lý<br />
<br />
18<br />
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên<br />
<br />
http://www.lrc-tnu.edu.vn<br />
<br />
Nguyễn Thị Hải<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
tiêu diệt. Năm 1041, con của Tồn Phúc là Nùng<br />
Trí Cao lập lại nước Đại Lịch ở châu Thảng Do<br />
và sau đó lại liên kết với những người đồng tộc<br />
vùng Tả Giang (Quảng Tây) lập ra nhà nước<br />
Thiên Nam, lấy hiệu là Cảnh Thụy, cai quản<br />
vùng Cao Bằng và một bộ phận miền Tây của<br />
Quảng Tây. Nùng Trí Cao đã tiến hành một<br />
cuộc chiến tranh chống lại nhà Tống, làm chủ<br />
một khu vực rộng lớn từ Ung Châu (nay là<br />
vùng Nam Ninh, Quảng Tây) đến Quảng Châu<br />
(Quảng Đông). Nhưng cuối cùng, vì lực lượng<br />
chênh lệch, lại bị kẹp giữa hai vương triều<br />
phong kiến lớn Tống và Lý nên cuộc trỗi dậy<br />
của tộc Nùng bị thất bại. Song cho đến nay, các<br />
tộc Tày Nùng ở Việt Bắc và Choang (Quảng<br />
Tây – Trung Quốc) đều coi Nùng Trí Cao là<br />
anh hùng dân tộc. Người Tày vùng Cao Bằng<br />
vẫn còn lưu truyền rộng rãi những truyền thuyết<br />
về ông. Họ lập đền thờ ông ở Quảng Uyên, Hà<br />
Quảng và lớn nhất là đền Kỳ Sầm (Hòa An).<br />
Những sự kiện lịch sử nêu trên, xét về mặt cộng<br />
đồng tộc người, đã đánh dấu bước phát triển<br />
mới của các bộ tộc ngôn ngữ Tày Thái xưa, ý<br />
thức tộc người được củng cố ngày càng vững<br />
chắc. Sau cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao, triều<br />
đình Lý (Việt Nam) và Tống (Trung Quốc) đều<br />
tăng cường kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới.<br />
Từ đây, biên giới chính trị đã từng bước chia<br />
cắt và phân hóa tộc người, hình thành bộ phận<br />
Choang ở Trung Quốc và bộ phận Tày ở Việt<br />
Nam.<br />
“BIẾN THỔ” - MỘT HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ<br />
Hiện tượng “biến thổ” là một ví dụ điển hình<br />
cho quá trình hòa hợp tộc người. Hiện tượng<br />
này gắn liền với quá trình phát triển của tộc<br />
người Tày cũng như quá trình lịch sử dân tộc.<br />
Một số nhóm người của các tộc người khác như<br />
người Kinh, người Nùng, người Hoa… vì một<br />
lý do nào đó đã tự nhận mình là tộc người Tày<br />
(tức Thổ). Họ ăn mặc và sinh hoạt văn hóa như<br />
người Tày nhưng vẫn giữ lại một số nét văn hóa<br />
của tộc người gốc.<br />
Người Tày Cao Bằng hiện nay có một lực<br />
lượng không nhỏ có nguồn gốc từ người Kinh.<br />
Quá trình “biến Thổ” diễn ra theo quá trình<br />
“Kinh già hoá Thổ”. Cao Bằng đã tiếp nhận<br />
<br />
84(08): 17 - 22<br />
<br />
dòng người Kinh từ dưới xuôi lên từ rất sớm, có<br />
thể bắt đầu từ thế kỷ XI, với sự kiện vua quan<br />
nhà Lý đem quân lên dẹp “loạn” Nùng Tồn<br />
Phúc và Nùng Trí Cao. Sau khi vua Lý Thái<br />
Tông lên đánh dẹp Nùng Tồn Phúc có lẽ đã để<br />
lại một vài người thân tín ở đây để “chiêu an vỗ<br />
về dân chúng”. Hiện nay, chưa có tài liệu thư<br />
tịch nào nói đến sự xuất hiện của người Kinh ở<br />
Cao Bằng thời Lý, nhưng theo tư liệu dân gian<br />
thì Nàng Cầm - vợ của Nùng Trí Cao là người<br />
Kinh, con một vị quan họ Trần trong triều Lý<br />
[10, 18-19]. Sau này, anh ruột của bà tham gia<br />
trong cuộc tiến công của Nùng Trí Cao sang đất<br />
Tống, ông đã hi sinh trong trận đánh ở Tổng<br />
Quỷ, nay vẫn còn đền thờ ở xã Cách Linh,<br />
huyện Phục Hoà. Sau đó là sự xuất hiện của<br />
ngôi chùa Viên Minh (chùa Đà Quận) gắn liền<br />
với sự kiện vua Lý gả công chúa cho Hộ quốc<br />
tướng quân Dương Tự Minh đã chứng tỏ dấu<br />
vết của người Việt ở vùng đất này. Tuy nhiên,<br />
dấu ấn của người Việt ghi lại ở Cao Bằng thời<br />
Lý không nhiều, nhưng sự giao thoa văn hoá<br />
Tày - Việt đã bắt đầu diễn ra. Phải từ thế kỷ<br />
XV- XVI, dòng người Kinh từ dưới xuôi lên, ở<br />
lại sinh sống ngày càng đông. Một môtip chung<br />
là chàng trai người Việt, lấy cô gái Tày, con<br />
cháu lớn dần chịu ảnh hưởng của văn hóa,<br />
phong tục tập quán người Tày do mẹ truyền<br />
dạy. Lâu dần, họ tự nhận mình là người Tày.<br />
Hiện nay, gia phả của các dòng họ đều phản<br />
ánh hiện tượng này, nhất là 10 họ phiên thần<br />
(vốn là con cháu các công thần triều Lê, được<br />
điều lên trấn ải biên cương sau đó được phân<br />
phong thế tập cai quản địa phương và nối đời<br />
giữ đất Cao Bằng, vốn từ miền xuôi lên về sau<br />
đó Tày hóa). Đó là họ: Bế Nguyễn (tức dòng<br />
dõi công tộc của bản triều), Bế Kim, Hoàng Ích,<br />
Nông Công, Nông Trí, Nông Hữu, Nguyễn,<br />
Tống Đình, Lương Đình, Đàm Vũ. Sau này,<br />
nhà Nguyễn đã đổi làm thổ ty, bãi bỏ lệ thế tập<br />
cai quản, nhưng cho hưởng chế độ miễn trừ lao<br />
dịch. Con cháu đến tuổi có đơn xin làm việc thì<br />
chuẩn cho, cấp học bổng cho họ học tập nghề<br />
văn võ rồi tuỳ tài mà bổ dụng. Lệ này được áp<br />
dụng từ thời Lê Sơ đến nhà Nguyễn. Trong số<br />
các dòng họ Tày kể trên, có "ba họ phiên thần":<br />
Bế Nguyễn, Bế Kim, Hoàng Ích gốc tích là<br />
người tỉnh Thanh Hoá, từ đời Lê di cư đến đó<br />
<br />
19<br />
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên<br />
<br />
http://www.lrc-tnu.edu.vn<br />
<br />
Nguyễn Thị Hải<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
[5, 2-4]. Ngoài những dòng họ phiên thần trên,<br />
còn nhiều người có nguồn gốc ở miền xuôi<br />
được vua cử lên Cao Bằng làm việc, hoặc đi<br />
dạy học, hoặc tìm đất sinh nhai, sau ở lại địa<br />
phương làm ăn với người Tày. Đặc biệt là con<br />
cháu của bề tôi nhà Mạc và những người phò<br />
giúp Tây Sơn hoặc dân tứ xứ tới buôn bán...<br />
Qua nhiều năm sinh sống tại địa phương trải<br />
mấy đời đều gọi là người biến thổ.<br />
Một ví dụ điển hình cho hiện tượng “Kinh già<br />
hóa thổ” là khu vực thành Nà Lữ (nay thuộc xã<br />
Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng), vốn là<br />
trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của Cao<br />
Bằng trong thời gian dài (trước thế kỷ XVII).<br />
Sau 85 năm đóng đô ở Cao Bình - Nà Lữ, năm<br />
1677, nhà Mạc bị quân Lê - Trịnh đánh bại.<br />
Con cháu nhà Mạc phải đổi họ và phần lớn<br />
chạy đi nơi khác sinh sống như dòng họ Ma,<br />
Mạc ở Minh Tâm (Nguyên Bình), họ Mông ở<br />
Đức Hồng, Phong Châu (huyện Trùng Khánh),<br />
họ Ma ở Chí Thảo (Quảng Uyên) ... Một bộ<br />
phận nhỏ con cháu nhà Mạc lấy họ mẹ là họ<br />
Phạm ở lại sinh sống tại Nà Lữ. Lớp cư dân<br />
mới được hình thành chủ yếu quan quân nhà Lê<br />
- Trịnh. Gia phả dòng họ Hoàng ở Lam Sơn<br />
(Hồng Việt) và Nà Lữ (Hoàng Tung) ghi rõ:<br />
“Nguồn gốc ông tổ nguyên là trí thức ở Gia<br />
Miêu trang, thuộc huyện Tống Sơn, phủ Hà<br />
Trung, trấn Thanh Hoa. Vào thời Lê triều, ông<br />
tổ đầu tiên của ta nhậm chức Quan trấn Vũ<br />
Định, được truyền đời thế tập mà cai quản. Về<br />
sau, nhân vì nhà Mạc, nhà Trịnh tranh giành<br />
nhau gây loạn, tổ tiên ta cụ Hoàng Triều Hoa,<br />
Hoàng Triều Ninh, phụng mệnh vua Lê lên Cao<br />
Bằng đánh dẹp nhà Mạc; đánh thắng được vua<br />
Lê phong đất ở Phúc Tăng làm Thái ấp, cho lấy<br />
dân 7 xã xung quanh vùng thái ấp làm binh<br />
đinh canh điền và phục dịch, vinh thăng tước<br />
Phúc Quận Công, chức Tổng trấn Cao Bằng. Cụ<br />
Hoa sáng nghiệp ở Phúc Tăng, cụ Ninh sáng<br />
nghiệp ở Nà Lữ”[4]. Cụ Hoàng Triều Ninh đã<br />
quản lĩnh đội quân ở lại Nà Lữ. Là những người<br />
lính, từng chiến đấu vào sinh ra tử nên tính cách<br />
của người dân Nà Lữ mạnh mẽ. Trong vùng<br />
Hòa An vẫn lưu truyền câu:<br />
<br />
84(08): 17 - 22<br />
<br />
“Anh hùng Na Lữ, hay chữ Phúc Tăng”. Những<br />
người lính ấy đã dựng nhà, lấy vợ người Tày và<br />
sinh con đẻ cái. Từ đó hình thành những dòng<br />
họ Tày gốc Kinh như họ Nguyễn Trọng gốc ở<br />
Thanh Hóa; họ Bùi, Đàm, Nguyễn Khánh ở<br />
Nam Định … Vì “Kinh già hoá Thổ” nên họ<br />
thường dùng song ngữ Tày – Việt và dân quanh<br />
vùng vẫn gọi là “Keo pha Nà Lữ”.<br />
Ngày nay, khi nghiên cứu về hiện tượng, chúng<br />
tôi nhận thấy ba con đường chính hay gọi là ba<br />
nhóm người Việt đến Cao Bằng và trở thành<br />
người Tày (Thổ) là:<br />
Một là những quan chức người Việt được cử<br />
lên cai trị miền núi hoặc quân lính lên chinh<br />
chiến, đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở miền núi<br />
sau phải lưu lại lâu dài. Họ mang theo vợ con,<br />
thân thuộc đi theo, chiêu dân lập ấp… sau đã<br />
Tày hóa. Một bộ phận có chức có quyền, được<br />
phong là Phiên thần (Thổ ty), cha truyền con<br />
nối cai trị địa phương.<br />
Hai là do nguyên nhân tranh chấp giữa các thế<br />
lực phong kiến, một số thế lực người Việt đã<br />
dựa vào miền núi để xây dựng lực lượng cát cứ,<br />
về sau suy vi, dư đảng phải đổi tên họ, sống hòa<br />
hợp với cư dân địa phương, tiêu biểu là thế lực<br />
nhà Mạc thế kỷ XVII. Đây là giai đoạn mà hiện<br />
tượng “Kinh già hóa Thổ” diễn ra mạnh mẽ<br />
nhất.<br />
Ba là lực lượng nhân dân miền xuôi do loạn lạc,<br />
tránh sự áp bức bóc lột nặng nề của phong kiến,<br />
hoặc đi sơ tán… lên miền núi kiếm ăn, buôn<br />
bán, dạy học… lâu dần đã trở thành một bộ<br />
phận cũng địa phương hóa. Đây là lực lượng<br />
không lớn nhưng diễn ra thường xuyên.<br />
Hiện nay, nhiều vùng ở Cao Bằng hiện tượng<br />
“Kinh Tày hóa Thổ” diễn ra khá đậm nét, tiêu<br />
biểu nhất là vùng thung lũng Hòa An. Theo Tài<br />
liệu điều tra thành lập Khu tự trị Việt Bắc của<br />
Ủy ban Dân tộc Trung ương năm 1955 thì thôn<br />
Phương Tiên, xã Dân Chủ (huyện Hòa An) có<br />
40 gia đình trong số 149 gia đình đã Tày hóa 89 đời.<br />
Ngoài lực lượng người Kinh, người Tày ở Cao<br />
Bằng hiện nay còn có một bộ phận có nguồn<br />
gốc từ người Nùng, Ngạn, Hoa… Quá trình<br />
biến Thổ của các tộc người này diễn ra rải rác,<br />
<br />
20<br />
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên<br />
<br />
http://www.lrc-tnu.edu.vn<br />
<br />
Nguyễn Thị Hải<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
không mạnh mẽ như tộc người Kinh. Trên thực<br />
tế, sau cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao (vào thế<br />
kỷ XI), nhiều người thuộc dòng họ Nùng đã<br />
chạy theo Nùng Trí Cao vào vùng Đặc Ma (Vân<br />
Nam, Trung Quốc) hoặc chạy trốn vào rừng<br />
hoặc đổi thành họ Nông để tránh sự truy sát của<br />
vương triều Tống. Có thể, từ tên gọi tộc họ đã<br />
chuyển hoá thành tộc danh để chỉ tộc người<br />
sinh sống trên địa bàn lãnh thổ họ Nùng trước<br />
kia (tức là Cao Bằng và một vài tỉnh Đông Bắc<br />
của nước ta). Sau sự biến Nùng Trí Cao, người<br />
Nùng đã hoà nhập vào cộng đồng Tày địa<br />
phương, trở thành những người Tày bản địa.<br />
Bởi hai tộc người Tày và Nùng có chung nguồn<br />
gốc lịch sử, chung hệ ngôn ngữ và có văn hoá<br />
về cơ bản giống nhau, nên rất dễ diễn ra quá<br />
trình cố kết tộc người. Tộc danh Nùng hiện nay<br />
là chỉ bộ phận người Choang ở các khu vực Tây<br />
và Tây Nam Quảng Tây, Trung Quốc như Bình<br />
Quả, Đô An, Mục Biên, Đức Bảo... và các vùng<br />
Đông Nam Vân Nam như Văn Sơn cùng một số<br />
vùng thuộc vùng biên giới Trung- Việt thuộc<br />
tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Tộc người này<br />
mới di cư vào nước ta khoảng 300 năm nay.<br />
Theo Cao Bằng tạp chí “ngoài người Nùng<br />
Mấn và Nùng Vảng là người bản địa vốn có,<br />
còn lại đều là loại hai ba trăm năm hoặc năm<br />
sáu mươi năm trước mới từ phương Bắc di cư<br />
xuống đây, ở lẫn lộn với người Thổ, người<br />
Nùng bản địa. Họ khai khẩn đất đai mà canh tác<br />
nộp thuế nên đều trở thành người Nùng bản<br />
địa”[5, 3]. Quá trình hòa hợp tộc người đó có<br />
thể diễn ra một cách tự nhiên, nhưng cũng có<br />
khi xuất phát từ những chính sách của nhà<br />
nước. Ví dụ, năm 1832, vua Minh Mệnh ra lệnh<br />
“đổi người Nùng Cao Bằng làm người Thổ.<br />
Trong dân 4 châu thuộc hạt Cao Bằng trước kia<br />
có chức được gọi là phụ đạo. Vua đã chuẩn cho<br />
các quan trong bộ bàn đổi gọi là người Nùng.<br />
Nhưng dân ấy cho rằng Nùng là người Trung<br />
Quốc xiêu giạt sang. Vậy xin cho tên khác để<br />
phân biệt. Quan tỉnh đem việc tâu lên. Vua bảo<br />
rằng: “Đấy cũng là một cơ hội biến người Di<br />
làm người Kinh, liền cho đổi gọi là người Thổ,<br />
vẫn phải nộp thuế bạc như cũ”[9, 448].<br />
Tộc người Tày là cư dân bản địa, đã sinh sống<br />
lâu đời ở vùng đất Cao Bằng cũng như một số<br />
tỉnh miền núi phía Bắc. Song do điều kiện<br />
khách quan và chủ quan, ở Cao Bằng đã xuất<br />
hiện lớp cư dân Tày hóa từ các tộc người khác<br />
<br />
84(08): 17 - 22<br />
<br />
như Kinh, Nùng, Hoa … bên cạnh bộ phận Tày<br />
gốc. Trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng sức<br />
mạnh của nền văn hóa bản địa, của tộc người có<br />
dân số đông nhất ở Cao Bằng đã tạo ra sức<br />
đồng hóa mạnh mẽ các tộc người khác trong<br />
vùng. “Kinh già hóa Thổ” đã trở thành một hiện<br />
tượng độc đáo và diễn ra trong nhiều thế kỷ,<br />
mạnh mẽ nhất là thế kỷ XVII –XVIII. Quá trình<br />
này đã tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế,<br />
văn hóa của tộc người cũng như của địa<br />
phương. Bên cạnh những nét văn hóa đặc trưng<br />
của tộc người đã xuất hiện những nét văn hóa<br />
mới. Đó là sản phẩm của quá trình giao thoa<br />
văn hóa Tày – Việt như sự xuất hiện của các<br />
ngôi chùa ở Cao Bằng, sự ra đời của chữ Nôm<br />
Tày, điệu hát Then.... Cộng đồng Tày Cao Bằng<br />
ngày nay, không có sự phân chia thành người<br />
bản địa hay đồng hóa, cùng nhau xây dựng văn<br />
hóa bản địa của tộc người và quê hương.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
[1]. Trình Năng Chung, Hà Thị Quyết, Lý Thị Tiêu<br />
(2001), Phát hiện di tích thời đại đá ở Cao Bằng, trong<br />
Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000, Viện<br />
Khảo cổ học, HN.<br />
[2]. Trình Năng Chung, Đào Quý Cảnh, Đàm Thị<br />
Ninh,(2004) Hang Ngườm Bốc (Cao Bằng), trong Những<br />
phát hiện mới về khảo cổ học năm 2003, Viện Khảo cổ<br />
học, HN.<br />
[3]. Nguyễn Hữu Cung (1810), Cao Bằng thực lục, bản dịch tại<br />
Thư viện tỉnh Cao Bằng, tr.2<br />
[4]. Hoàng đường tộc phả, do ông Hoàng Triều Ân ở Lam<br />
Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hòa An cung cấp<br />
[5]. Bế Huỳnh, Cao Bằng tạp chí nhất tập, Tư liệu Viện dân<br />
tộc học, KH: TLD.271.<br />
[6]. Lã Văn Lô (1963), “Xung quanh vấn đề Thục Phán An<br />
Dương Vương hay là truyền thuyết "Cẩu chúa cheng vùa" của<br />
đồng bào Tày”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 50.<br />
[7]. Lã Văn Lô, Lê Bình Sự, Lịch sử xã hội nguyên thủy<br />
của người Tày qua truyền thuyết “Pú Luông quân”, Tạp<br />
chí NCLS, số 65, năm 1964.<br />
[8]. Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân (Cb-2007), Địa<br />
chí Cổ Loa, Nxb Hà Nội.<br />
[9]. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục,<br />
tập III, Nxb GD, HN.<br />
[10]. Tỉnh uỷ Cao Bằng,Viện Sử học (1995), Nùng Trí Cao,<br />
Hội thảo khoa học, Nxb Hà Nội, HN.<br />
[11]. Trần Quốc Vượng, Đặng Nghiêm (1966), Vấn đề An<br />
Dương Vương và lịch sử dân tộc Tày ở Việt Nam, Thông báo<br />
khoa học Sử học, trường Đại học Tổng hợp, tập II.<br />
<br />
21<br />
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên<br />
<br />
http://www.lrc-tnu.edu.vn<br />
<br />