intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc trong việc phát triển du lịch cộng đồng của người Khmer ở tỉnh An Giang

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

3
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vai trò của giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc trong việc phát triển du lịch cộng đồng của người Khmer ở tỉnh An Giang" trình bày về hoạt động giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc là những thành phần không thể thiếu trong du lịch cộng đồng người Khmer, góp phần bảo tồn văn hóa, nâng cao năng lực kinh tế, bảo tồn môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Bằng cách khai thác sự phong phú của di sản văn hóa Khmer, cộng đồng có thể tạo ra những trải nghiệm du lịch đích thực và có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho cả du khách và người dân địa phương. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc trong việc phát triển du lịch cộng đồng của người Khmer ở tỉnh An Giang

  1. VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC VĂN HOÁ VÀ NGHỆ THUẬT DÂN TỘC TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI KHMER Ở TỈNH AN GIANG ThS. Nguyễn Viết Phan51 Người Khmer là tộc người sinh sống lâu năm ở tỉnh An Giang bên cạnh các tộc người Việt, Hoa, Chăm. Tại tỉnh An Giang, người Khmer chủ yếu phân bố ở Bảy Núi thuộc Thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn. Người Khmer ở Bảy Núi có nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật biểu diễn đặc sắc như: các điệu múa, ca hát, âm nhạc dân gian, nghệ thuật sân khấu. Trong những năm gần đây, với việc phát triển mạnh mẽ du lịch ở địa phương trong đó có hoạt động du lịch cộng đồng thì các loại hình văn hoá nghệ thuật này trở thành những phẩm du lịch đặc thù thu hút nhiều nhiều du khách. Để phát triển bền vững du lịch tại địa phương, Nhà nước cần có những chính sách, giải pháp phù hợp trong việc sử dụng, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đồng thời phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Khmer nơi đây. Từ khóa: văn hoá, nghệ thuật, người Khmer, du lịch. Abstract THE ROLE OF ETHNIC ARTS AND CULTURAL EDUCATION IN THE DEVELOPMENT OF KHMER COMMUNITY TOURISM IN AN GIANG PROVINCE Khmer people as well as the Vietnamese, Chinese, and Cham ethnic groups is a long- lived resident in An Giang province. Khmer people are mainly distributed in Seven Mountain in Tinh Bien Town and Tri Ton district in An Giang province. Khmer people living here have many unique forms of performing arts and culture such as dancing, singing, folk music, theater art. In recent years, with the strong development of local tourism, including community tourism, these forms of culture and art have become unique tourism products attracting many tourists. In order to sustainably develop tourism in the locality, the State needs to adopt appropriate policies and solutions in the rational use and exploitation of cultural tourism resources while promoting the traditional cultural values of the Khmer ethnic group here. Keywords: culture, art, Khmer, tourism. Mở đầu Người Khmer sống rải rác ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… Ở tỉnh An Giang, người Khmer tập trung chủ yếu sống ở vùng Bảy Núi thuộc Thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn. Trong cuộc tổng điều tra 51 . Đại học Nguyễn Tất Thành. 229
  2. dân số năm 2019, thì người Khmer có 18.512 hộ, 86.592 người, chiếm tỷ lệ 75,54% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 3,9% so tổng dân số toàn tỉnh An Giang. Riêng khu vực Bảy Núi trong đó có 16.838 hộ với dân số khoảng 80.000 người (chiếm gần 94% tổng số dân tộc Khmer toàn tỉnh) 52. Bảy Núi là một địa danh nổi tiếng nổi tiếng còn có một vị trí quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch tỉnh An Giang. Người Khmer ở đây đã từng bước hòa nhập vào các hoạt động du lịch. Trước sự phát triển mạnh mẽ của du lịch địa phương cư dân Khmer vùng Bảy Núi đã dần tham gia tích cực vào lĩnh vực kinh tế trọng điểm này. Đến với khu vực Bảy Núi, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng, ngắm những nét kiến trúc độc đáo của các ngôi chùa Khmer mà còn được tìm hiểu về cuộc sống, không gian sống của người dân Khmer và thưởng thức những đặc sản đặc trưng của nơi đây. Ngoài ra, du khách còn được phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Các công ty du lịch sẽ thuê câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho du khách, họ trình diễn nhạc ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Dù kê và múa hát dân gian. Trong những năm gần đây, tỉnh An Giang đã có những chính sách nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục văn hoá và nghệ thuật dân tộc trong phát triển du lịch coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo nền tảng để “ngành công nghiệp không khói” phát triển mạnh mẽ và bền vững, mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 1. Loại hình nghệ thuật tiêu biểu của người Khmer ở Bảy Núi, An Giang Người Khmer ở Bảy Núi có nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật biểu diễn đặc sắc như: các điệu múa, ca hát, âm nhạc dân gian, nghệ thuật sân khấu. Âm nhạc Khmer thường không tách rời sinh hoạt ca múa và sân khấu. Dân ca, lễ nhạc người Khmer rất đa dạng và phong phú: từ lối độc diễn truyện thơ dân gian gọi là chim riêng cho này - đến các loại hát ru con, hát trong lao động, hát huê tình, hát trong lễ nghi - phong tục. Những bài hát trong các loại hình sân khấu rôbăm, lkhôn, dù kê cũng rất phong phú Người Khmer có nhiều dàn nhạc được sử dụng cho những mục đích khác nhau như: dàn nhạc dây trong sinh hoạt ca múa, hội hè, dàn nhạc Arak trong các dịp cúng thần, dàn nhạc đám cưới, dàn nhạc đám ma, dàn nhạc Môhari… nhưng đặc biệt là dàn nhạc Pinh piết gồm hai cái đàn chiêng (kôông thum), một hay hai dàn thuyền (rônéat), trống vỗ (xomphô), trống cái (xkôr thum) và sáo gỗ (xralay). Dàn nhạc này được dùng trong lễ nhạc, và đi theo một số điệu dân vũ cổ truyền (Viện dân tộc học, 2015,145). Do sinh sống xen lẫn với người Việt, người Hoa, và chịu ảnh hưởng của tân nhạc, nên ngày nay, các nhạc cụ như đàn tam thập lục, đàn nhị, đàn ghita, măngđôlin, đàn gáo… rất phổ biến và được hoan nghênh ở khắp vùng Bảy Núi. Hầu như không một người Khmer nào là không biết ít nhiều nghệ thuật múa. Bởi lẽ đó, thay vì nói "đi xem hát" như người Việt, người Khmer nói “đi xem múa”. Trong dân gian có nhiều điệu múa để diễn tả tình cảm. Các lễ nghi, phong tục cũng kèm theo các điệu múa: múa trong đám cưới, múa khi nhập đồng. Bên cạnh đó, còn có những điệu múa bắt nguồn từ các sân khấu cổ truyền. Sân khấu Khmer có nhiều 52 Niên giám thống kê tỉnh An Giang, 2020. 230
  3. loại hình phát triển từ đơn giản đến phức tạp. Các yếu tố kịch đã thấy xuất hiện trong diễn xướng đám cưới aday rương (múa aday theo truyện). Song thật sự là loại hình sân khấu hoàn chỉnh thì có dì kê, rô băm, dù kê. Hình thức sân khấu dì kê chỉ còn phổ biến ở vùng Bảy Núi, An Giang (Viện dân tộc học, 2015,145). 2. Giáo dục văn hoá và nghệ thuật dân tộc cho học sinh Khmer ở Bảy Núi, An Giang Nhằm phục vụ cho hoạt động du lịch của địa phương, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 695/KH-UBND triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2013-2020” và Kế hoạch 527/KH-UBND, triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là tiếp tục giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân. Đồng thời, tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương. Đối với học sinh Khmer vùng Bảy Núi thì được học biểu diễn nhạc Ngũ âm và múa dì kê. Trong đó, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ và đời sống sinh hoạt Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer. Trước đây dàn nhạc ngũ âm chỉ có ở một số chùa trong vùng Bảy Núi nhưng hiện nay các chùa đều có dàn nhạc này, thậm chí một số trường học đông học sinh người Khmer cũng có dàn nhạc này để phục vụ cho học tập. Theo thông tin khảo sát tại địa bàn thì nhờ vào việc điều kiện kinh tế ngày một tốt hơn, người Khmer cúng dường ngày một nhiều hơn giúp cho có kinh phí mua nhạc cụ và tổ chức các lớp dạy nhạc cho con em người Khmer. Việc tổ chức dạy nhạc cho trẻ em không chỉ diễn ra ở các trường học mà vào mỗi cuối tuần hay nghỉ hè việc dạy nhạc ở các ngôi chùa trong vùng trở nên phổ biến. Hiện nay khi mà kinh tế phát triển, các em nhỏ không phải phụ giúp gia đình các công việc sản xuất nhiều như trước đây nên có thể tham gia thường xuyên các lớp học này. Còn nghệ thuật trình diễn sân khấu Dì kê là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của cộng đồng Khmer chỉ có ở vùng Bảy Núi. Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp, kết hợp âm nhạc ca kịch dân gian tích hợp múa, đọc thơ, còn được người Khmer gọi là Hát Lăm. Theo đề án này tác phẩm (có nguy cơ mai một) được bảo tồn, tư liệu hóa; các tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung, văn học dân gian của các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; các trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại vùng đồng bào DTTS đưa văn học dân gian vào sinh hoạt ngoại khóa, ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh… Thực hiện đề án này, nhiều trường học và các nhà chùa, các tổ chức quan phương như Đoàn thanh niên, hội phụ nữ đã tổ 231
  4. chức các lớp dạy biểu diễn nghệ thuật dân gian cho trẻ em và thanh niên Khmer ở khu vực Bảy Núi. 3. Vai trò của việc giáo dục văn hoá và nghệ thuật dân tộc Vấn đề giáo dục việc bảo tồn văn hóa và nghệ thuật dân tộc hiện nay được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm. Đó là một trong những việc cấp bách, cần làm ngay trong thực trạng văn hóa dân tộc đang chịu tác động tích cực cũng như tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá văn hoá. Giáo dục văn hoá nghệ thuật dân tộc có vai trò quan trọng trong việc xây dựng ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống, đồng thời phát huy những giá trị văn hoá đó hướng đến phát triển bền vững. Văn hoá nghệ thuật dân tộc chính là những di sản văn hoá hình thành nên bản sắc văn hoá dân tộc. Giáo dục văn hoá nghệ thuật dân tộc ở các cộng đồng tộc người thiểu số góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá, tái hiện và trình diễn được những đặc trưng văn hoá, truyến đến tương lai cũng chính là khẳng định được bản sắc văn hoá dân tộc mình. Cộng đồng dân tộc là những người làm ra lịch sử, kết quả các hoạt động sáng tạo của nhân dân là những sản phẩm văn hoá được lưu truyền. Việc đưa vấn để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc vào giảng dạy cho giới trẻ cần phải đặt ra và rèn luyện trong từng họ sự hiểu biết cơ bản về văn hóa và bản sắc văn hóa. Giáo dục được con người biết yêu quý giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, sự nghiệp gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc sẽ luôn được đẩy mạnh. Giáo dục việc bảo tồn và phát huy văn hoá trong giới trẻ đặc biệt đối với học sinh, sinh viên có ý nghĩa quan trọng ở một số mặt như sau: 1. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá: Giáo dục văn hoá và nghệ thuật dân tộc giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, truyền thống, và lịch sử của các cộng đồng dân tộc. Qua việc học về lịch sử, truyền thống, ngôn ngữ, âm nhạc, văn hóa ẩm thực và các phong tục tập quán, học sinh có cơ hội hiểu và trân trọng di sản văn hóa của dân tộc mình. 2. Xây dựng lòng tự hào và nhận thức về bản thân: Giáo văn hoá và nghệ thuật dân tộc giúp học sinh xây dựng lòng tự hào về bản thân và nguồn gốc dân tộc của mình. Qua việc hiểu và kính trọng văn hoá tộc người, họ cảm thấy tự tin và kiêu hãnh với bản thân, đồng thời phát triển sự nhận thức về vai trò của mình trong cộng đồng. 3. Tăng cường sự đa dạng và sự hiểu biết văn hoá: Giáo dục văn hoá và nghệ thuật dân tộc giúp mở rộng tầm nhìn và tăng cường sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng học đường. Học sinh có cơ hội tiếp xúc và hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, từ đó phát triển sự hiểu biết và sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa trong xã hội. 4. Tạo cơ hội hòa nhập và giao lưu: Giáo dục văn hoá và nghệ thuật dân tộc tạo ra cơ hội cho học sinh hòa nhập và giao lưu với các thành viên khác trong cộng đồng, bất kể dân tộc, tôn giáo hay văn hóa. Qua việc tham gia các hoạt động văn hoá, học sinh có thể xây dựng mối quan hệ, tạo ra sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. 5. Phát triển kỹ năng giao tiếp và hợp tác: Giáo dục văn hoá và nghệ thuật dân tộc thúc đẩy phát triển kỹ năng giao tiếp, hợp tác và tôn trọng quan điểm của người khác. Học sinh học cách chia sẻ ý kiến, lắng nghe và hiểu biết quan điểm của nhau thông qua việc thảo luận và làm việc nhóm trong các hoạt động văn hoá. 232
  5. 4. Phát triển bền vững du lịch cộng đồng người Khmer ở Bảy Núi, An Giang 4.1. Thổi hồn văn hoá vào du lịch Văn hoá nghệ thuật dân tộc đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch cộng đồng người Khmer. Hoạt động diễn xướng dân gian của cộng đồng trước đây chỉ được biểu diễn trong các dịp lễ hội thì giờ đây chúng trở thành các hoạt động văn hóa văn nghệ mang tính chất thương mại phục vụ du khách và được trình diễn bất kể khi nào du khách có nhu cầu. Các hoạt động văn hóa và nghệ thuật của người Khmer là những điểm thu hút chính đối với khách du lịch đến thăm Bảy Núi, An Giang. Bằng cách cung cấp những trải nghiệm văn hóa như biểu diễn múa truyền thống, lớp học nấu ăn và xưởng thủ công, các dự án du lịch cộng đồng có thể thu hút nhiều du khách hơn đến với cộng đồng người Khmer. Thông qua các hoạt động này giúp cộng đồng người Khmer nơi đây thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của mình, đồng thời giúp du khách được trải nghiệm truyền thống và lối sống được dàn dựng một các chân thật của người Khmer. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự hiểu biết và đánh giá cao giữa các nền văn hóa. Việc trình diễn các hoạt động văn hoá và nghệ thuật người Khmer trong hoạt động du lịch tạo điều kiện trao đổi văn hóa có ý nghĩa giữa du khách và người dân địa phương. Khách du lịch có cơ hội tìm hiểu về truyền thống, phong tục và lối sống của người Khmer trực tiếp từ các thành viên trong cộng đồng, thúc đẩy sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa khác nhau. 4.2. Gìn giữ kho báu văn hoá dân tộc Bảy Núi đã và đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bằng việc khám phá văn hóa bản địa, hòa mình với thiên nhiên xanh, môi trường trong lành. Xu hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa đang “kéo” nhiều người dân tộc thiểu số rời xa mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” để đến với phố thị làm ăn, sinh sống. Việc làm du lịch cộng đồng là một cách để người Khmer tiếp tục nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc độc đáo của họ; đồng thời giúp du khách trải nghiệm thực tế bản sắc văn hoá tộc người tại chính mảnh đất họ sinh sống. Nghệ thuật dân tộc, chẳng hạn như múa, âm nhạc và thủ công truyền thống của người Khmer, là một phần không thể thiếu của văn hóa Khmer. Giáo dục văn hoá và nghệ thuật dân tộc cho giới trẻ giúp bảo tồn các loại hình nghệ thuật này bằng cách truyền lại kiến thức và kỹ năng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bằng cách dạy những truyền thống này cho thế hệ trẻ, cộng đồng có thể bảo vệ di sản văn hóa của họ khỏi bị mất theo thời gian. Thông qua hoạt động giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật tới khách du lịch, cộng đồng có thể duy trì bản sắc và truyền thống văn hóa của họ. Từ đó góp phần tôn vinh nghệ thuật, ngôn ngữ, ẩm thực và lễ hội truyền thống, đồng thời làm phục hồi và quảng bá văn hóa Khmer ở cả địa phương và toàn cầu. 4.3. Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng Cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của vùng núi Thất Sơn cùng với những giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng người Khmer ở Bảy Núi rất độc đáo mà khó nơi nào có được đã tạo nên tiềm năng rất to lớn để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng người Khmer. Việc phát triển du lịch là cơ hội để người Khmer “trình diễn văn hóa của mình”, điều này không chỉ hỗ trợ 233
  6. bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần đa dạng hóa sinh kế, tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân Khmer vùng Bảy Núi. Sinh kế du lịch và sinh kế liên quan trực tiếp đến du lịch của vùng Bảy Núi bước đầu có những thành quả đáng ghi nhận. Người dân phấn khởi khi cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, từng bước được nâng cấp. Nhiều công trình công cộng và nhà ở của cư dân được trùng tu phục vụ du lịch. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước (Nhật Bản; Úc, Hà Lan) đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, hướng dẫn học các kĩ năng cần thiết thích ứng với các hoạt động dịch vụ du lịch. Kinh tế nhiều hộ gia đình tăng lên, thậm chí là hoàn toàn thay đổi từ khi tham gia vào hoạt động du lịch. Hiệu quả đối với kinh tế và chất lượng đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương là điều không thể phủ nhận. Trên phương diện phát triển sinh kế, du lịch được coi là ngành đem lại nguồn lực (vốn) tài chính lớn; là hướng sinh kế mới. Doanh thu từ hoạt động du lịch của hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn năm 2015 là 23,2 tỷ đồng, đến năm 2020 tăng lên 3.672,446 tỷ đồng 53. 4.4. Trao quyền cho cộng đồng thúc đẩy phát triển bền vững Thông qua các hoạt động giáo dục văn hoá và nghệ thuật cho giới trẻ đã trao quyền cho cộng đồng người Khmer bằng cách cung cấp cho họ những kỹ năng và kiến thức để tích cực tham gia vào ngành du lịch, giới thiệu di sản văn hóa của họ với thế giới. Bằng cách đào tạo người dân địa phương làm hướng dẫn viên, nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn và nhân viên khách sạn, các chương trình này tạo cơ hội việc làm và cho phép cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp từ doanh thu du lịch, giúp họ tạo thu nhập trong khi vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa của mình. Các dự án du lịch dựa vào cộng đồng tập trung vào giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc thúc đẩy sự phát triển bền vững bằng cách thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào ngành du lịch. Thay vì dựa vào các nhà khai thác du lịch quy mô lớn, các dự án này trao quyền cho cộng đồng quản lý và hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch, từ đó đảm bảo lợi ích kinh tế được phân phối công bằng hơn. Mặt khác, bằng cách thúc đẩy du lịch văn hóa tập trung vào nghệ thuật và truyền thống của người Khmer, người ta thường nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường sinh thái tự nhiên gắn liền với di sản văn hóa. Điều này có thể dẫn đến các sáng kiến bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên bền vững trong cộng đồng người Khmer. Kết luận Trong các chương trình chính sách hỗ trợ người DTTS phát triển kinh tế, nhà nước ta luôn đặt ra với phương châm xây dựng kinh tế đồng thời tiến hành "xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc". Trong bối cảnh kinh tế thị trường và ảnh hưởng của toàn cầu hóa cùng sự quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người diễn ra mạnh mẽ việc xây dựng bản sắc người Khmer ở ĐBSCL nói chung, vùng Bảy Núi nói riêng đặt ra bài toán cho các nhà quản lý. Một mặt, cần được bảo lưu các giá trị cốt lõi truyền thống, đồng thời xây dựng bản sắc cộng đồng một cách đa dạng và bao gồm nhiều yếu tố để phù hợp với bối cảnh hội nhập. Mặt khác, những yếu tố văn hóa được chọn để trở thành biểu trưng của tộc người 53 Tổng hợp từ báo cáo của Kinh tế - Xã hội TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn giai đoạn 2015 - 2020. 234
  7. nhằm tạo ra sự cố kết xã hội và khẳng định ý thức tự giác tộc người đồng thời phải đảm bảo thúc đẩy trong việc phát triển kinh tế xã – hội của tộc người cũng như địa phương. Hoạt động giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc là những thành phần không thể thiếu trong du lịch cộng đồng người Khmer, góp phần bảo tồn văn hóa, nâng cao năng lực kinh tế, bảo tồn môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Bằng cách khai thác sự phong phú của di sản văn hóa Khmer, cộng đồng có thể tạo ra những trải nghiệm du lịch đích thực và có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho cả du khách và người dân địa phương. Đồng thời, hoạt động giáo dục văn hóa và nghệ thuật dân tộc góp phần phát huy vai trò của cộng đồng, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tôn trọng, phát huy sự đa dạng văn hóa của đồng dân tộc thiểu số Khmer tại địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường phát huy giá trị di sản nghệ thuật sân khấu, gắn kết với phát triển du lịch để góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống và phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, tình trạng hoạt động du lịch hiện nay mà người dân thực hiện còn nhỏ lẻ và tự phát nên còn nhiều tiềm năng du lịch chưa được đầu tư khai thác bài bản để tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù. Các điểm tham quan du lịch nông thôn như làng nghề dệt thổ cẩm hay nghề nấu đường thốt nốt cổ truyền ở Tịnh Biên phần nhiều do khách tự tìm đến, hầu hết là khách nước ngoài. Các buổi biểu diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian hầu hết được biểu diễn ở các khách sạn, sân khấu hiện đại, chưa xây dựng được không gian biểu diễn phù hợp để đem đến cho khách cảm nhận được “sự dàn dựng chân thật”. Nếu được phát huy đúng cách thì dịch vụ du lịch sẽ là một trong những sinh kế bền vững của người Khmer Bảy Núi trong thời gian tới. Tài liệu tham khảo Cohen, Erik (1988), Authenticity and Commoditization in Tourism (Sự chân thật và hàng hóa hóa trong du lịch), Annals of Tourism Research, volume 15, pp 371-386. Daniel, Yvonne Payne (1996), Tourism Dance Performance: Authenticity and Creativity (Trình diễn nhảy múa trong du lịch: sự chân thật và tính sáng tạo), Annals of Tourism Research, volume 23, pp 780-797. Ehrentraut, Adorf (1993), Heritage Authenticity and Domestic Tourism in Japan (Sự chân thật của di sản và du lịch quốc nội ở Nhật Bản), Annals of Tourism Research, volume P20, pp 262-278. Nguyễn Thị Chiến (2003), Văn hóa tài nguyên chủ yếu của du lịch Việt Nam, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 5 (227), tr. 23-27. Trương Quốc Bình (2005), Vai trò các di sản văn hóa với sự phát triển du lịch Việt Nam Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 3, tr. 22-23. Trương Thị Thu Hằng (2018), Sự chân thật" của văn hoá trong du lịch: biểu diễn cồng chiêng và sự kiến tạo của người Lạch tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, Tạp chí Văn hoá dân gian số 2 (176)/2018, tr. 20-30. Viện dân tộc học (2015), Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía nam), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 235
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2