intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trong tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định hệ thống tài chính và thực thi chính sách tiền tệ trong bối cảnh chuyển đổi số

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:16

11
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết trình bày vai trò của tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trong tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định hệ thống tài chính và thực thi chính sách tiền tệ trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trong tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định hệ thống tài chính và thực thi chính sách tiền tệ trong bối cảnh chuyển đổi số

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 28. VAI TRÒ CỦA TIỀN KỸ THUẬT SỐ CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG TRONG TĂNG TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ, ỔN ĐỊNH HỆ THỐNG TÀI CHÍNH VÀ THỰC THI CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ TRONG BỐI CẢNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TS. Nguyễn Hữu Mạnh* TS. Vương Thị Hương Giang** Tóm tắt Việt Nam đã và đang là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực thi chiến lược chuyển đổi số nói chung, kinh tế số nói riêng ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Trung ương (NHTW) luôn khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia. Xuất phát từ bối cảnh thực hiện chủ trương chuyển đổi kinh tế số đã được Chính phủ đề ra, bài viết này phân tích những tác động của tiền kỹ thuật số (CBDC) đến việc thực thi chính sách tiền tệ, sự ổn định của hệ thống tài chính, cũng như tác động của CBDC đến nền kinh tế nếu như CBDC được sử dụng tại Việt Nam. Từ đó, các tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tạo điều kiện để phát triển CBDC tại thị trường Việt Nam với mục đích sử dụng CBDC để hỗ trợ tăng trưởng phát triển kinh tế. Từ khóa: Chính sách tiền tệ, tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương, tăng trưởng kinh tế, kinh tế số, chuyển đổi số 1. GIỚI THIỆU Nền kinh tế số Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo về “Kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam” được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (tháng 11/2020), giá trị nền kinh tế số đã đạt 12 tỷ USD * Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Nha Trang ** Khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh 348
  2. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 năm 2019 với mức tăng trưởng trung bình đạt 38%/năm kể từ năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hướng tới mở rộng nền kinh tế số, đạt khoảng 20% giá trị GDP vào năm 2025. Theo Statista, chỉ tính riêng thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong hai năm (2020 - 2021) với việc phong tỏa, giãn cách xã hội đã tạo điều kiện thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ thanh toán hiện tại phi tiếp xúc trong giao dịch, thanh toán mạnh mẽ hơn. Chuyển đổi số là một yếu tố không thể thiếu giúp doanh nghiệp dần dần quay trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19. Theo Lê Duy Bình và Trần Thị Phương (2020), trước thời kỳ khủng hoảng do dịch COVID-19, thay đổi công nghệ chủ yếu tập trung vào việc giảm chi phí và tăng năng suất. Mục đích là giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn nữa. Cùng với việc thích nghi với các tác động mới do dịch COVID-19 gây ra, vai trò của công nghệ sẽ bao gồm cả việc hướng tới phục hồi sản xuất, tạo ra lợi nhuận và phát triển bền vững. Chính phủ cũng đang cho thấy quyết tâm và cam kết mạnh mẽ trong chiến lược phát triển kinh tế số và coi số hóa nền kinh tế là con đường tương lai rộng mở phía trước để phát triển (World Bank, 2021). Với việc thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cho thấy nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Theo dự báo của World Bank (2021), để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở thấp nhất khoảng 5% mỗi năm. Bài học từ thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore trong việc thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp chế tạo, thâm dụng lao động, tăng cường xuất khẩu trong quá khứ có thể là con đường giúp Việt Nam chuyển mình từ quốc gia nghèo, thu nhập thấp thành quốc gia thu nhập trung bình - thấp. Việc tận dụng lợi thế sẵn có về lực lượng lao động trẻ, đông đảo với chi phí lao động thấp cùng với những ưu ái về tài nguyên thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp đã giúp Việt Nam đạt được những chuyển biến quan trọng và có những kết quả đáng khích lệ về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập của người dân trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, theo World Bank, Việt Nam cần thay đổi chiến lược để đạt hiệu suất trong việc sử dụng tài sản và tài nguyên, bao gồm cả nguồn nhân lực để trở thành quốc gia có thu nhập cao như mục tiêu đặt ra vào năm 2045. Một trong những chiến lược để nâng cao hiệu suất của nền kinh tế được Việt Nam chú trọng nhằm thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 là chiến lược chuyển đổi số nền kinh tế. Là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể đứng ngoài cuộc chiến lược chuyển đổi số mà Chính phủ đang quyết tâm thực hiện. Nghiên cứu này sẽ tập trung làm rõ một số vấn đề cốt lõi căn bản sau: tiền kỹ thuật số (Central Bank Digital Currency – CBDC) của NHTW là gì? Những tác động của CBDC đến nền kinh tế cũng như ảnh hưởng của CBDC đến các chủ thể tham gia nền kinh tế. Cuối cùng, nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay. 349
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2. CBDC LÀ GÌ? Thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của nền kinh tế số, và việc số hóa nền kinh tế sẽ trở thành xu hướng phát triển không thể đảo ngược. Trên thực tế, với sự tích hợp của các công nghệ kỹ thuật số hiện đại từ Internet, trí tuệ nhân tạo, công nghệ Blockchain và nhiều công nghệ hiện đại khác đã làm xuất hiện khái niệm về tiền kỹ thuật số. Tong và Jiayou (2020) cho rằng, có ba loại tiền kỹ thuật số có tác động tiềm năng đến hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế: thứ nhất là tiền kỹ thuật số được mã hóa (nổi tiếng nhất là Bitcoin và Ethereum), thứ hai là stablecoin toàn cầu như được đại diện bởi Libra và USDT, cuối cùng loại thứ ba là CBDC. Các loại tiền kỹ thuật số của NHTW đại diện cho một dạng tiền điện tử (electronic money) mới, không giống như các loại tiền mã hóa nổi tiếng (như Bitcoin hay Ethereum). CBDC được phát hành bởi các NHTW của một số quốc gia nhất định. Là một phiên bản kỹ thuật số của giấy bạc ngân hàng, CBDC cung cấp một giải pháp thay thế không rủi ro cho tiền gửi tại ngân hàng thương mại. Thế hệ CBDC đầu tiên có khả năng tương tác và khả năng lập trình hạn chế. Thế hệ tiếp theo, được gọi là CBDC 2.0, có thể sẽ hoạt động ở cấp độ quốc gia hoặc siêu quốc gia (trong trường hợp của NHTW châu Âu).1 CBDC được NHTW Anh định nghĩa như sau: • Có khả năng kết nối rộng rãi hơn tiền trong tài khoản ngân hàng; • Tiềm năng sẽ có nhiều chức năng cho dịch vụ bán lẻ hơn so với tiền mặt; • Có cơ cấu hoạt động và mục đích riêng biệt với các phương thức tiền tệ khác; • Hiện tại có nhiều giả định cho là mức lãi suất sẽ là khác với tỷ lệ dự trữ (Morales Resendiz, 2021). Trong báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), CBDC là “một dạng tiền kỹ thuật số của NHTW khác với số dư trong tài khoản dự trữ hoặc tài khoản thanh toán truyền thống” (BIS, 2018). CBDC là một công cụ thanh toán kỹ thuật số, được sử dụng chung trong nền kinh tế và chịu sự quản lý chính bởi NHTW (BIS, 2020). 3. TÁC ĐỘNG CỦA CBDC 3.1. Tác động của CBDC đến việc thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương 3.1.1. Điều tiết cung - cầu tiền tốt hơn Chức năng chính của NHTW là điều tiết chính sách tiền tệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của quốc gia và hạn chế rủi ro gặp phải của nền kinh tế trước các biến động bất lợi. Nhiệm vụ cụ thể hơn đó là NHTW thực hiện việc điều tiết cung tiền cho nền kinh tế, làm trung gian thanh toán cho hệ thống các ngân hàng thành viên với nhau thông qua giám sát số 1 Kaj Burchardi, Igor Mikhalev, Bihao Song, and Steven Alexander Kok, Get ready for the future of money. https:// www.bcg.com/en-nl/publications/2020/get-ready-for-the-future-of-money 350
  4. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 dư tiền gửi tại NHTW. Lượng tiền mặt được phát hành dựa trên nhu cầu giao dịch của người dân và các chủ thể trong nền kinh tế. Hiện nay, khi chưa xuất hiện CBDC, NHTW quản lý tiền gửi dự trữ của ngân hàng thương mại gồm dự trữ bắt buộc (theo quy định cụ thể của từng NHTW hoặc theo luật định) và dự trữ vượt mức (số lượng vượt quá dự trữ bắt buộc). Các ngân hàng thương mại có thể sử dụng tiền gửi dự trữ tại NHTW để cho nhau vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Cả tiền mặt và tiền gửi dự trữ đều là những công cụ tài chính có tính thanh khoản cao.  Thông thường, NHTW có thể tăng hoặc giảm lãi suất ngắn hạn trên thị trường bằng các can thiệp vào cung - cầu tín dụng của nền kinh tế thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn trên thị trường mở. Khi nền kinh tế trong tình trạng lạm phát, NHTW có thể gia tăng nghiệp vụ mua công cụ tài chính trên thị trường mở để làm giảm cung tiền để kiềm chế lạm phát. Ngược lại, NHTW thực hiện bán công cụ tài chính nhằm cung thêm tiền cho nền kinh tế để kích cầu đầu tư. Với việc điều chỉnh lãi suất dài hạn, NHTW có thể tăng cường mua (bán) các chứng khoán nợ dài hạn, vì vậy sẽ làm tăng (giảm) cung tiền cho nền kinh tế. Khi có sự xuất hiện của CBDC, NHTW có thể kiểm soát chính xác hơn lượng cung - cầu tiền trong nền kinh tế. Vì vậy, việc điều tiết cung - cầu tiền tệ sẽ chính xác hơn. CBDC có thể hỗ trợ việc hướng đến mục tiêu tăng - giảm nguồn cung tiền một cách nhanh chóng vì các chủ thể trong nền kinh tế có sự tiếp cận trực tiếp với CBDC. 3.1.2. Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô Việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô hoặc cung cấp các biện pháp kích cầu của NHTW cũng được thực hiện dễ dàng hơn bằng việc nâng lãi suất của CBDC (Pfister, 2017). Việc sử dụng CBDC với vai trò như một phương tiện trao đổi mà không phải chi trả phí dịch vụ sẽ kích thích người dân gia tăng nhu cầu sử dụng CBDC thay vì tiền mặt vì tính thanh khoản cao hơn và an toàn hơn. Nếu NHTW cũng chi trả tiền lãi cho CBDC trên các tài khoản tiền gửi của người dân như các khoản tiền gửi dự trữ của ngân hàng thương mại gửi tại NHTW, việc chuyển đổi sang sử dụng CBDC sẽ nhanh chóng hơn. Đồng thời, đây sẽ là một cách hữu hiệu tác động đến chính sách tiền tệ. Cụ thể, khi nền kinh tế rơi vào lạm phát cao, NHTW có thể nhanh chóng giảm cung tiền trong nền kinh tế bằng việc tăng lãi suất với CBDC, ngược lại để bơm tiền tiền cho nền kinh tế, NHTW có thể áp dụng mức lãi suất âm cho CBDC. 3.2. Tác động của CBDC đến nền kinh tế 3.2.1. Khía cạnh luật pháp Mặc dù thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cũng như hoạch định chính sách, tuy nhiên, rất ít luật NHTW cung cấp cơ sở pháp lý đủ mạnh về CBDC (Bossu và cộng sự, 2020). Hầu hết các luật NHTW hiện chỉ cho phép phát hành tiền tệ ở dạng tiền giấy và tiền kim loại chứ không phải dưới dạng mã thông báo kỹ thuật số. Việt Nam cũng chưa có khung pháp lý cụ thể về tiền kỹ thuật số được ban hành thành luật hoặc các văn bản quy phạm 351
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA pháp luật. Luật NHNN năm 2010 quy định, NHNN là cơ quan chịu trách nhiệm “tổ chức in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền giấy, tiền kim loại; thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu hủy tiền giấy, tiền kim loại”1. Đồng thời “tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam”2. Một số quy định khác trong các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 101/2012/NĐ-CP và Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP) quy định phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: “Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của pháp luật”. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị phạt tiền và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự3. Việc thiếu cơ sở pháp lý mạnh mẽ và được quy định rõ ràng sẽ khiến các NHTW phải đối mặt với những thách thức về pháp lý trong việc tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng CBDC của NHNN Việt Nam. 3.2.2. Gia tăng GDP của nền kinh tế chính thức Sự xuất hiện của CBDC giúp NHTW thực thi tốt hơn chính sách tiền tệ qua đó tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, việc Chính phủ tiết kiệm được chi phí liên quan đến việc phát hành, lưu thông tiền giấy có thể tác động làm giảm thuế, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tăng cường tiêu dùng và đầu tư. Chính phủ cũng có thể lựa chọn việc gia tăng đầu tư công bằng việc sử dụng phần chi phí tiết kiệm nêu trên. Mặt khác, việc sử dụng CBDC sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản của nền kinh tế kéo theo giảm chi phí giao dịch có thể giúp tăng trưởng GDP và việc làm. Việc thanh toán qua CBDC nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian so với các hình thức thanh toán truyền thống sẽ giúp thúc đẩy nhanh chóng quá trình lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển tốt hơn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, CDBC có tác động làm tăng GDP. Chẳng hạn, Barrdear và Kumhof (2021) dựa trên bối cảnh Hoa Kỳ với giả định NHTW duy trì lượng dự trữ CBDC bằng 30% GDP thể có mang lại một số tác động tích cực với nền kinh tế chính thức của nước này ở trạng thái ổn định lên khoảng 3%. Tương tự, Chiu và cộng sự (2019) cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy CBDC sẽ tăng khoảng 0,5% sản lượng của nền kinh tế Hoa Kỳ. 3.2.3. Chuyển hóa nền kinh tế phi chính thức sang nền kinh tế chính thức, gia tăng phúc lợi xã hội Theo Schneider và cộng sự (2010), kinh tế phi chính thức được xem xét trên bối cảnh về thuế và các quy định có liên quan. Một trong những tiêu chí để phân biệt kinh tế phi chính thức là những công việc không được kê khai. Theo Pfau-Effinger (2009), nó có thể bao gồm tất cả 1 Khoản 8, Điều 4 Luật NHNN năm 2010. 2 Khoản 1, Điều 17 Luật NHNN năm 2010. 3 Điều 206 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung theo khoản 48, Điều 1 Luật số 12/2017/QH14. 352
  6. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 các công việc được trả lương và không được trả lương mà không được khai báo với cơ quan thuế. Tất cả các lĩnh vực đều có yếu tố công việc chưa được khai báo; tuy nhiên, tỷ lệ công việc không được khai báo tương đối cao dường như xuất hiện nhiều hơn trong một số lĩnh vực nhất định như nông nghiệp và dịch vụ gia đình. Trong nền kinh tế phi chính thức, tiền mặt là phương tiện quan trọng để trao đổi tiền tệ không được khai báo vì nó không bị cơ quan công quyền truy tìm. Việc sử dụng tiền mặt để giao dịch trong nền kinh tế phi chính thức giúp các công ty có thể trốn thuế và các khoản đóng góp an sinh xã hội, và nhân viên có thể tránh nộp thuế thu nhập, đóng bảo hiểm xã hội (Oh và Zhang, 2020). Tuy nhiên, thanh toán bằng tiền mặt làm trầm trọng thêm vấn đề cưỡng chế thuế (Gordon và Li, 2009). Quy mô của các hoạt động phi chính thức ở các nền kinh tế đang phát triển lớn hơn các hoạt động ở các nền kinh tế phát triển (Capasso và Jappelli, 2013). Điều này cũng liên quan đến thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế ở các nền kinh tế đang phát triển bất chấp sự phát triển nhanh chóng của đổi mới tài chính trên khắp các quốc gia (Bech et al., 2018). Lý do là tiền mặt cung cấp tính ẩn danh của người dùng, cho phép mọi người ẩn lịch sử giao dịch của họ. Ngược lại, hầu hết các hình thức thanh toán tiền điện tử hoặc kỹ thuật số đều có thể dễ dàng được cơ quan nhà nước xác minh khi cần. Nguyễn Thái Hòa (2017) ước tính quy mô của nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam chiếm gần 1/3 tổng GDP và có xu hướng gia tăng mạnh mẽ từ năm 2008, trung bình mỗi năm tăng 1,4% GDP. Với quy mô nền kinh tế phi chính thức ở mức cao như hiện nay, mỗi năm Việt Nam thất thoát trung bình khoảng 4% GDP số thu từ thuế, tương đương 1/5 tổng doanh thu từ thuế của nền kinh tế chính thức. Trong khi đó, nghiên cứu của Oh và Zhang (2020) cũng cho thấy, CBDC có thể hỗ trợ quá trình chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức này và tác động này sẽ mang lại hiệu quả mạnh mẽ hơn ở các nước có nền kinh tế phi chính thức lớn đáng kể như Việt Nam. Khi nền kinh tế dần áp dụng CBDC thay thế cho tiền mặt sẽ tạo hiệu ứng phân bổ lại giữa các khu vực chính thức và phi chính thức, thông qua đó cải thiện hiệu quả của cả chính sách tiền tệ thông thường và chính sách tài khóa. Với chính sách tiền tệ, NHTW dễ dàng kiểm soát hơn lượng cung tiền trong nền kinh tế, vì vậy, định lượng với chính sách tiền tệ sẽ chính xác hơn. Với chính sách tài khóa, việc chuyển biến nền kinh tế phi chính thức sang chính thức sẽ hạn chế tình trạng thất thu thuế, đồng thời tăng cường quỹ bảo hiểm xã hội. Như vậy, việc phát hành CBDC có thể giúp các quốc gia hạn chế và kiểm soát tốt nền kinh tế phi chính thức, chuyển hóa nền kinh tế phi chính thức sang chính thức, gia tăng các quỹ bảo hiểm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội (Keister và Sanches, 2019). Thanh toán qua CBDC giúp người dân giảm chi phí giao dịch cũng như các bước trung gian khi nộp thuế và các khoản thu khác cho Nhà nước. Đồng thời, người dân cũng dễ dàng nhận trợ cấp từ Chính phủ qua CBDC hơn là trực tiếp bằng tiền mặt. Ngoài ra, việc sử dụng CBDC thay cho tiền mặt giảm nguy cơ 353
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA các hoạt động bất hợp pháp, rửa tiền, buôn lậu…; đồng thời, cho phép cơ quan thuế xác định và phân nhóm người nộp thuế, giúp tăng cường phát hiện hành vi trốn thuế. 3.2.4. Tiết kiệm chi phí liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền giấy, ngăn ngừa tội phạm trốn thuế, rửa tiền CBDC xuất hiện với vai trò là tiền pháp định được phát hành và bảo lãnh bởi NHTW sẽ giúp giảm đáng kể các chi phí có liên quan đến việc in tiền, vận chuyển, đưa tiền vào lưu thông cũng như việc chống tiền giả… Việc tiết kiệm chi phí này giúp gia tăng phúc lợi xã hội (chẳng hạn người dân có thể nhận trợ cấp xã hội từ Chính phủ một cách nhanh chóng) và giảm áp lực lên bội chi ngân sách nhà nước cũng như chính sách tài khóa. 3.2.5. Thúc đẩy thương mại điện tử và phát triển công nghệ Việt Nam là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại điện tử. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021, doanh thu thương mại điện tử năm 2020 đạt 11.8 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2019. Để theo kịp sự phát triển của thương mại điện tử, việc thí điểm sử dụng CBDC sẽ góp phần thúc đẩy nền thương mại điện và nền kinh tế số. Thanh toán qua CBDC rất nhanh chóng, vì vậy, tiết kiệm chi phí giao dịch; đồng thời tạo nên một cuộc cách mạng toàn cầu về thanh toán, giúp phát triển mạnh hơn nữa thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế. Với sự xuất hiện của CBDC, các chủ thể trong nền kinh tế có thêm sự lựa chọn trong việc thực hiện thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ. Thay vì chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại, hệ thống sẽ hỗ trợ cho việc chuyển tiền và thanh toán phức tạp trở nên hiệu quả hơn, đồng thời sẽ giúp giảm bớt số lượng giao dịch. Công cụ thanh toán điện tử có thể tương tác an toàn và tiêu chuẩn do NHTW phát hành và quản lý, được sử dụng làm công cụ thanh toán điện tử quốc gia giúp tăng niềm tin vào hệ thống tiền được kiểm soát tư nhân và tăng niềm tin vào toàn bộ hệ thống thanh toán quốc gia, thúc đẩy cạnh tranh trong các hệ thống thanh toán. 3.3. Tác động của CBDC đến các ngân hàng thương mại CBDC có thể thúc đẩy phát triển công nghệ tài chính, nâng cao hiệu quả và ổn định của hệ thống tài chính, qua đó ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trung gian có thể hưởng lợi từ những tác động tích cực này. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng thương mại có thể phải đối diện với nhiều rủi ro và thách thức khi xuất hiện CBDC. Người gửi tiền có thể chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang CBDC như một phương tiện trao đổi an toàn bất kỳ lúc nào tạo ra rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng. Andolfatto (2020) cho rằng, sự ra đời của CBDC làm tăng sự cạnh tranh đối với tiền gửi ngân hàng và do đó làm tăng lãi suất huy động vốn. Cho dù việc tăng lãi suất huy động vốn có thể không làm tăng lãi suất cho vay nhưng sẽ làm lợi nhuận của các ngân hàng giảm xuống. Mặt khác, với quyền lực cũng như tiềm lực lớn hơn nhiều so với một ngân hàng thương mại đơn lẻ, NHTW phát sinh như một nhà độc quyền tiền gửi, thu hút tất cả các khoản tiền gửi ra khỏi khu vực ngân hàng thương mại. (Fernández-Villaverde và cộng sự, 2021). 354
  8. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Những người theo quan điểm phản đối CBDC lập luận rằng, CBDC có thể gia tăng rủi ro mất trung gian cấu trúc của các ngân hàng và tập trung hóa quy trình phân bổ tín dụng trong NHTW kể cả có áp dụng việc kiểm soát số lượng CBDC hay không (Bindseil, 2019). Mặt khác, nhiều người lo ngại về sự thuận tiện trong việc thanh toán qua CBDC và độ rủi ro thấp, các chủ thể trong nền kinh tế có thể chuyển tiền gửi ngân hàng thành CBDC với số lượng lớn. Việc “tháo chạy” này dẫn đến giảm tính thanh khoản của nền kinh tế cũng như suy giảm nguồn vốn đầu vào của ngân hàng thương mại vì CBDC là một tiền tệ cơ sở không có tác dụng của một số nhân tiền. Để hạn chế tình trạng này, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất huy động vốn, qua đó làm tăng chi phí vốn vay, dẫn đến giảm số lượng cho vay, làm trầm trọng thêm sự thu hẹp của cả cung và cầu tín dụng cho nền kinh tế. Tác động bất lợi này sẽ càng tăng lên nhanh chóng nếu các NHTW trả tiền lãi cho CBDC (Tong và Jiayou, 2021). CBDC cũng có thể ảnh hưởng đến thu nhập từ các dịch vụ thanh toán khác của ngân hàng thương mại, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chẳng hạn, việc các ngân hàng thương mại đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống máy ATM sẽ gặp khó khăn và gánh nặng chi phí tăng thêm, cùng với đó là các cửa hàng hạn chế chấp nhận tiền mặt sẽ gây rủi ro cho việc đa dạng các phương tiện thanh toán đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Ngay cả một siêu cường kinh tế tài chính thế giới là Hoa Kỳ cũng rất thận trọng khi xem xét tác động của CBDC đến việc duy trì tiền mặt. Ngoài ra, việc NHTW tạo ra một CBDC giống với tiền gửi sẽ tạo ra đe dọa tiềm tàng cho việc huy động tiền gửi của các ngân hàng, qua đó tác động tiêu cực đến cung cấp và đầu ra tín dụng (Agur và cộng sự, 2021). 3.4. Tác động của CBDC đến hội nhập và sự ổn định của hệ thống tài chính 3.4.1. Tăng cường đáng kể hiệu quả của hệ thống tài chính Theo Boar và Wehrli (2021), có 86% trong tổng số 65 NHTW trên thế giới đang nghiên cứu một cách nghiêm túc về CBDC trong khi 14% chuyển sang thí điểm áp dụng CBDC ở các mức độ khác nhau. NHTW Trung Quốc và Riskbank của Thụy Điển được coi là những ngân hàng đi tiên phong trong việc xem xét áp dụng và phát hành CBDC (Auer và cộng sự, 2020; Kiff và cộng sự, 2020). Việc người dân chuyển đổi từ tiền mặt/tiền giấy sang CBDC của NHTW sẽ tăng cường đáng kể hiệu quả của hệ thống thanh toán. CBDC sẽ tạo điều kiện cho việc thanh toán giữa các chủ thể trong quốc gia hoặc liên quốc gia sẽ nhanh chóng và an toàn hơn những giao dịch truyền thống trước đây (He và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, với các nền kinh tế đang phát triển và thu nhập thấp, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông còn rất lớn sẽ gặp những sẽ gặp trở lực mạnh mẽ để NHTW tham gia vào việc thực thi chiến lược sử dụng CBDC. Ngay cả với các nước có nền kinh tế phát triển vẫn có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông. Chẳng hạn, Nhật Bản trong năm 2015 và năm 2017 có tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên GDP lần lượt là 19,4% và 20,4%, tỷ lệ tương tự của Hoa Kỳ là 7,8% và 8,2%, trong khi Thụy Điển chỉ là 1,7% và 1,3% (Sayuri Shirai, 2019). 355
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Việc áp dụng CBDC có thể tận dụng các kênh tiếp thị kỹ thuật số hiện có để đạt được tính toàn cầu và phổ biến nhằm cung cấp một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho các hoạt động kinh tế và tài chính dựa trên công nghệ kỹ thuật số (Tong và Jiayou, 2020). CBDC có thể làm cho tiền tệ quốc gia trở thành một phương tiện thanh toán hấp dẫn hơn, phù hợp hơn với sự cạnh tranh của tiền tệ quốc tế trong mô hình của nền kinh tế kỹ thuật số. Vì vậy, CBDC không còn giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà còn có ý nghĩa với hội nhập tài chính toàn cầu. Mặc dù mặt trái của CBDC là có thể làm gia tăng đáng kể tác động lan tỏa của các cú sốc kinh tế vĩ mô hay khủng hoảng toàn cầu nhanh chóng hơn, nhưng việc áp dụng CBDC sớm hơn thay có thể tạo ra lợi thế đáng kể cho các quốc gia đi trước (Ferrari và cộng sự, 2020). 3.4.2. Ảnh hưởng của CBDC đến sự ổn định của hệ thống tài chính Sự xuất hiện của CBDC giúp cho hệ thống tài chính an toàn hơn vì CBDC cho phép các cá nhân, khu vực tư nhân sợ rủi ro cũng như các tổ chức tài chính phi ngân hàng thanh toán trực tiếp bằng tiền NHTW thay vì thanh toán thông qua hệ thống của ngân hàng thương mại (Dyson và Hodgson, 2016). Điều này làm giảm đáng kể mức độ tập trung thanh khoản và rủi ro tín dụng trong thanh toán và giảm tầm quan trọng mang tính hệ thống của các ngân hàng lớn, do đó làm giảm những tác động tiêu cực từ bên ngoài mà sự bất ổn tài chính của các ngân hàng gây ra đối với xã hội. Mặt khác, CBDC sẽ cung cấp một giải pháp thay thế thực sự không có rủi ro cho tiền gửi ngân hàng. CBDC đại diện cho tín dụng có chủ quyền được phát hành bởi NHTW nên an toàn hơn tín dụng của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, một sự thay đổi từ tiền gửi ngân hàng chuyển sang tiền mặt kỹ thuật số làm giảm nhu cầu bảo lãnh của Chính phủ đối với tiền gửi, loại bỏ nguồn rủi ro đạo đức từ hệ thống tài chính. CBDC về cơ bản là đồng tiền pháp định của quốc gia, có lãi suất và dựa trên tài khoản của NHTW. Người dân có thể tiếp cận CBDC thông qua hình thức gửi tiền trực tiếp tại NHTW. Vì thế, nếu CBDC gửi tại NHTW cạnh tranh với và các ngân hàng thương mại cung cấp thanh khoản dưới dạng tiền giấy sẽ làm giảm nguồn cung tín dụng tư nhân của các ngân hàng thương mại, dẫn đến tăng lãi suất danh nghĩa và do đó làm giảm tỷ lệ tiền gửi dự trữ của ngân hàng thương mại (Kim và Kwon, 2019). Điều này có tác động tiêu cực đến sự ổn định tài chính do làm tăng khả năng xảy ra hoảng loạn ngân hàng, trong đó, các ngân hàng thương mại thiếu hụt tiền mặt dự trữ để trả cho người gửi tiền. Tuy nhiên, một khi NHTW có thể cho các ngân hàng thương mại vay tất cả các khoản tiền gửi trong tài khoản CBDC, thì việc tăng số lượng CBDC không yêu cầu dự trữ có thể tăng cường ổn định tài chính bằng cách tăng nguồn cung tín dụng và do đó giảm lãi suất cho vay. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, tác động tổng thể của CBDC đối với sự ổn định tài chính còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố thể chế khác, đặc biệt là các quy định cụ thể rõ ràng của Nhà nước về quản lý an toàn hệ thống tài chính. Mặt khác, nếu coi CBDC như một loại tiền pháp định (tiền mặt) và người dân có thể sử dụng nó gửi vào tài khoản của ngân hàng thương mại thì CBDC có thể đóng vai trò là công cụ chính trong việc điều hành chính sách tiền tệ. 356
  10. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Trên thực tế, nghiên cứu của Juks (2018) dựa trên bối cảnh các ngân hàng Thụy Điển dòng tiền gửi bán lẻ trong nền kinh tế vào CBDC (e-krona) chỉ đạt dưới 3% GDP danh nghĩa bởi vì các ngân hàng thương mại của Thụy Điển thu hút dòng tiền tiềm năng này gửi vào CBDC bằng cách điều chỉnh lãi suất huy động. Mặt khác, các ngân hàng có thể phát hành thêm nguồn tài trợ thị trường dài hạn để bù đắp cho sự mất ổn định nguồn vốn do dòng tiền gửi bán lẻ chảy ra. Mặc dù phải tăng lãi suất huy động và tìm nguồn tài chính thay thế trên thị trường dài hạn nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn tiền gửi do phải cạnh tranh với CBDC nhưng ảnh hưởng của việc tăng chi phí này không tác động nhiều đến các ngân hàng thương mại Thụy Điển. Lý do là bởi các ngân hàng thương mại biết khai thác các nguồn tài trợ phi ngân hàng khác, do đó, hạn chế việc họ phải chuyển việc tăng chi phí sang lãi suất cho vay. Đồng thời, khả năng tăng lãi suất cho vay có thể được bù đắp bằng mở rộng chính sách tiền tệ. Juks (2018) cũng không tìm thấy bất kỳ lập luận đáng tin cậy nào chống lại việc phát hành CBDC (e-krona). Mặt khác, CBDC còn có thể giúp cho nền kinh tế thực sự chống chịu tốt hơn trước các cú sốc kinh tế và công nghệ vì e-krona sẽ tạo điều kiện tiếp tục tiếp cận với một phương tiện thanh toán an toàn, được chấp nhận chung ngay cả khi các phương tiện thanh toán khác trở nên không đáng tin cậy về mặt kinh tế hoặc công nghệ. 4. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CBDC TẠI VIỆT NAM Trong giai đoạn tới, để nắm bắt xu thế phát triển của tiền kỹ thuật số trên thế giới, cũng như có chiến lược phát triển tiền kỹ thuật số tại Việt Nam, NHTW, Chính phủ, Nhà nước và các bên liên quan cần sớm có những giải pháp thận trọng và phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây. 4.1. Giải pháp từ phía Chính phủ và Nhà Nước 4.1.1. Hoàn thiện khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số Hiện nay, Việt Nam chưa có bất kỳ quy định nào được ghi trong luật về CBDC. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số là hết sức cần thiết mà Nhà nước cần quan tâm. - Trong thời gian gần đây, Chính phủ và Nhà nước ta đã có những động thái tích cực, cụ thể: Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo” và Báo cáo số 70/BC-BTP ngày 1/4/2020 của Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ một số định hướng để xây dựng, hoàn thiện chính sách và khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain, trong đó có tài sản ảo, hay còn gọi là tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa. Chúng ta có cơ sở chắc chắn để kỳ vọng rằng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ sớm có văn bản pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này. Để có thể quản lý được việc khai thác và sử dụng tiền mã hóa trong tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước cần phải xây dựng được một khung pháp lý toàn diện, phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học và công nghệ và đặc biệt bảo vệ được lợi ích tối đa cho các bên liên quan một cách toàn diện. 357
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA - Ban Chỉ đạo Fintech và NHTW cần chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý (gồm cả hoạt động thí điểm) để người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam để vừa có thể khai thác sử dụng và vừa có thể kiểm soát rủi ro khi ứng dụng công nghệ trên nền tảng Blockchain phát triển. - Xây dựng các quy định, tiêu chuẩn cụ thể liên quan đến việc cấp phép kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân trung gian tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như: quy định độc lập tài sản khách hàng và tài sản của công ty; yêu cầu mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tín dụng; yêu cầu báo cáo các giao dịch bất thường; lưu trữ dữ liệu tại máy chủ trong nước; kiểm tra, giám sát số dư tiền pháp định và tiền ảo thường xuyên... - Chính phủ và NHNN cần phối hợp với các nước đã thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số; các tổ chức quốc tế đã chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến khung pháp lý; tham gia phối hợp nghiên cứu về CBDC, DCEP1; phối hợp với tổ chức phát hành tiền kỹ thuật số để đảm bảo AML/CFT2, chống trốn thuế, lưu giữ, chia sẻ và bảo mật thông tin liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số phù hợp với luật pháp của Việt Nam và quy định quốc tế. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, đảm bảo cam kết hội nhập nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia và toàn cầu. 4.1.2. Xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Về lâu dài, để nâng cao hiệu quả quản lý các đồng tiền kỹ thuật số, Nhà nước cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia. Đồng thời, chú trọng xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia công nghệ thông tin về mã hóa và bảo mật. Cụ thể: - Nhằm hướng tới phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, trước hết, NHNN cần có giải pháp nâng cấp hệ thống thanh toán quốc gia tức thời và nâng cấp hệ thống thanh toán liên ngân hàng, thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng. - Tổ chức tài chính, các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần xây dựng hạ tầng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán điện tử ( đơn vị vận tải, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng tạp hóa…) rộng khắp; xây dựng hệ thống thanh toán hoá đơn điện tử tập trung (y tế, giáo dục, dịch vụ công, điện, nước, truyền hình, điện thoại…) và kết nối liên thông tới cơ quan thuế tại cấp địa phương và trung ương để thuận tiện cho việc kê khai, đối chiếu và kiểm soát. - Mở rộng và phát triển hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số. 1 Digital Currency Electronic Payment, tên gọi của một đồng tiền điện tử được phát hành bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). DCEP có hình thái tiền tệ kỹ thuật số tương tự như CBDC. 2 Phòng, chống rửa tiền (AML: Anti-Money Laundering) và chống tài trợ cho khủng bố (CFT: Counter-Financing Terrorist). 358
  12. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 - Để ứng phó với sự tấn công của tin tặc liên quan đến việc đánh cắp thông tin cá nhân hay chiếm đoạt tiền kỹ thuật số thông qua các phân mềm hacker, Nhà nước và Chính phủ cần có biện pháp nâng cấp hệ thông bảo mật thông tin quốc gia; có chính sách thu hút các chuyên gia công nghệ thông tin về mã hóa và bảo mật tham gia vào hệ thống an ninh mạng, hệ thống thanh toán quốc giá, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử. Tại Việt Nam, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia (IBPS) đi vào hoạt động từ năm 2002. NHNN Việt Nam đã liên tục nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống này và được đánh giá là kênh thanh toán nhanh nhất tại Việt Nam hiện nay. Trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP, tương ứng mức tăng 25% và 24% so với năm 2017. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH) với nhiều tính năng, tiện ích mới cũng đang được xây dựng, hoàn thiện để có thể đi vào vận hành trong năm 2019. Ngoài hệ thống thanh toán IBPS còn có hệ thống xử lý thanh toán đa tệ tại Vietcombank (VCBMoney) và các hệ thống thanh toán song phương như: Vietcombank (hệ thống VCB- Money), Vietinbank (hệ thống INCAS), BIDV (hệ thống BIDV Homebanking), Agribank (hệ thống VBA). Với một hệ thống thanh toán tương đối hiện đại ở Việt Nam hiện nay, câu hỏi đặt ra rằng, liệu có cần thiết phải có một tiền kỹ thuật số hay không? Một số quốc gia như Đan Mạch và Australia đã quyết định không cần CBDC, vì hệ thống thanh toán ở các quốc gia này đã đáp ứng được nhu cầu và cho phép người thụ hưởng sử dụng các phương thức thanh toán một cách nhanh chóng. 4.1.3. Chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực công nghệ cao Lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt là công nghệ tài chính (Fintech) ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017) về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của NHNN. Xu hướng phát triển của tiền kỹ thuật số đi cùng với xu hướng phát triển của công ty Fintech. Tiền kỹ thuật số có thể mở ra nhiều tiện ích thông minh hỗ trợ cho các dịch vụ của công ty Fintech, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trong dài hạn. 4.1.4. Cải thiện môi trường kinh doanh Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn 2019 - 2021, xây dựng kế hoạch cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, và đề xuất giải pháp giúp nắm vững các công nghệ quan trọng của Công nghiệp 4.0, triển khai kế hoạch “phát triển hệ tri thức số hóa” và đẩy mạnh thanh toán điện tử. Với mục tiêu nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), Liên hợp quốc (UN) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số 359
  13. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4. Việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua triển khai Kế hoạch “phát triển hệ tri thức số hóa” và đẩy mạnh thanh toán điện tử làm tiền đề cơ sở cho phát triển tiền kỹ thuật số tại Việt Nam. 4.2. Giải pháp từ Ngân hàng Trung ương Tại Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định rõ rằng, NHNN là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại, vì thế NHNN phải thực hiện chức năng này hiệu quả nhất vì lợi ích chung của toàn xã hội. Trước hết, NHNN cần xác định quan điểm về vai trò và sự cần thiết của CBDC trong thời đại số hóa nền kinh tế hiện này. Đồng thời, NHNN cần chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp quản lý phù hợp với vai trò là cơ quan quản lý trực tiếp cao nhất. Cụ thể: - NHNN cần chuẩn hóa các khái niệm, định nghĩa về CBDC, từ đó để các bên liên quan có cơ sở để xây dựng, hoàn thiện pháp lý theo tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. NHNN và các cơ quan quản lý cần có quan điểm “sẵn sàng chấp nhận, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong quản lý tiền kỹ thuật số”. - NHNN cần chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng có quan hệ thân thiết đã thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số như: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… để xây dựng lộ trình phát hành CBDC phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Ví dụ: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gần như đang ở những bước cuối cùng trong giai đoạn thử nghiệm trước khi đi vào sử dụng chính thức đồng DCEP. Các thử nghiệm thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cũng đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 5/2020 tại bốn thành phố lớn của Trung Quốc bao gồm: Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và tân khu Hùng An – nơi Trung Quốc hướng đến phát triển thành “thành phố thông minh”. Sau đó, thử nghiệm này sẽ được mở rộng thành các chương trình thí điểm tại các địa điểm cho Thế vận hội mùa Đông năm 2022 ở Bắc Kinh và Hà Bắc. Tháng 7/2021, Singapore và Pháp đã hoàn thành việc thử nghiệm hình thức xử lý giao dịch và thanh toán hàng hóa số lượng lớn xuyên biên giới bằng đồng CBDC. Các hoạt động thanh toán qua biên giới này hiện đang dựa vào những thỏa thuận của các ngân hàng đại lý với mức độ minh bạch về tỷ giá hối đoái còn hạn chế, phạm vi giờ hoạt động bị giới hạn của cơ sở hạ tầng thanh toán và sự chậm trễ thanh toán tiền tệ do chênh lệch múi giờ. Để nhằm giải quyết những thách thức này, thử nghiệm nói trên giữa tiền kỹ thuật số NHTW Singapore (MAS) và tiền kỹ thuật số NHTW Pháp (BdF) đã sử dụng một mạng lưới chung nhiều đồng tiền CBDC, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới trên cơ sở thời gian thực mọi ngày trong tuần. 360
  14. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 - NHNN cần sớm lên phương án ứng phó kịp thời với ảnh hưởng của việc triển khai tiền kỹ thuật số đối với hệ thống tài chính, thương mại, đầu tư của Việt Nam. Trong tương lai, máy rút tiền ATM có khả năng sẽ không còn nữa và toàn bộ các hoạt động tài chính và kinh doanh sẽ trải qua những thay đổi lớn khi không có sự xuất hiện tiền mặt. Sự phá vỡ hệ thống kinh doanh ngân hàng truyền thống hiện nay do sự xuất hiện tiền kỹ thuật số làm giảm khả năng huy động vốn và cho vay của các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động vốn của ngân hàng đứng trước nguy cơ buộc phải tăng cao. Do đó, chính các ngân hàng thương mại cần chủ động lên kế hoạch kinh doanh mới để cạnh tranh với tiện ích mà tiền kỹ thuật số đem lại. Tuy nhiên, rủi ro khủng hoảng hệ thống tài chính cũng sẽ gia tăng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn trước khi tiền kỹ thuật số sử dụng trong hoạt động thanh toán xuyên biên giới. - NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng thực thi hoạt động “Giáo dục tài chính toàn dân” cùng với phát triển kinh tế số nhằm thực hiện tốt cấu phần giáo dục tài chính trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. NHTW phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan phối hợp hướng dẫn, phổ biến kiến thức về tiền kỹ thuật số, những lợi ích, rủi ro mà tiền kỹ thuật số đem lại để đề xuất các giải pháp xử lý, ứng phó kịp thời. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Abadi, J., & Brunnermeier, M. (2018), Blockchain economics (No. w25407), National Bureau of Economic Research. 2. Agur, I., Ari, A., & Dell’Ariccia, G. (2021), “Designing central bank digital currencies”, Journal of Monetary Economics. 3. Andolfatto, D. (2021), “Assessing the impact of central bank digital currency on private banks”, The Economic Journal, 131(634), 525 - 540. 4. Barrdear, J., & Kumhof, M. (2021), “The macroeconomics of central bank digital currencies”, Journal of Economic Dynamics and Control, 104148. 5. Bech, M. L., Faruqui, U., Ougaard, F., & Picillo, C. (2018), “Payments are a-changin’but cash still rules”, BIS Quarterly Review, March. 6. Bindseil, U. (2019), “Central bank digital currency: Financial system implications and control”, International Journal of Political Economy, 48(4), 303 - 335. 7. Boar, C., & Wehrli, A. (2021), Ready, steady, go? Results of the third BIS survey on central bank digital currency. 361
  15. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 8. Bossu, W., Itatani, M., Margulis, C., Rossi, A. D., Weenink, H., & Yoshinaga, A. (2020), Legal aspects of central bank digital currency: Central bank and monetary law considerations. 9. Bộ Công Thương (2021), Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam. (https://moit.gov.vn/ upload/2005517/fck/files/Bao_cao_TMDT_2021_V6_5a297.pdf). 10. Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S (2019), Vietnam’s future digital economy - Towards 2030 and 2045. CSIRO, Brisbane 11. Capasso, S., & Jappelli, T. (2013), “Financial development and the underground economy”, Journal of Development Economics, 101, 167 - 178. 12. Chiu, J., Davoodalhosseini, M., Jiang, J. H., & Zhu, Y. (2019),  Central bank digital currency and banking (No. 2019-20). Bank of Canada Staff Working Paper. 13. Digital Vietnam: the path to tomorrow. Taking stock report (August 2021), The World Bank in Vietnam. 14. Dyson, B., & Hodgson, G. (2016), “Digital cash: why central banks should start issuing electronic money”, Positive money. 15. Ferrari, M. M., Mehl, A., & Stracca, L. (2020), Central bank digital currency in an open economy. 16. Fernández-Villaverde, J., Sanches, D., Schilling, L., & Uhlig, H. (2021), Central bank digital currency: Central banking for all? Review of Economic Dynamics, 41, 225 - 242. 17. Gordon, R., & Li, W. (2009), Tax structures in developing countries: Many puzzles and a possible explanation. Journal of public Economics, 93(7 - 8), 855 - 866. 18. He, Dong, Karl Habermeier, Ross Leckow, Vikram Haksar, Yasmin Almeida, Mikari Kashima, Nadim Kyriakos-Saad, Hiroko Oura, Tahsin Saadi Sedik, Natalia Stetsenko, and Concepcion Verdugo-Yepes (2016), Virtual Currencies and Beyond: Initial Considerations, IMF Staff Discussion Note 16/03. 19. Hòa, N. T. (2017), Nền kinh tế phi chính thức: Ước tính quy mô và hàm ý về tiềm năng thuế của Việt Nam. 20. Juks, R. (2018), “When a central bank digital currency meets private money: The effects of an e-krona on banks”, Sveriges Riksbank Economic Review, 3, 79 - 99. 21. Keister, T., & Sanches, D. R. (2019), Should central banks issue digital currency? 22. Kiff, J., J. Alwazir, S. Davidovic, A. Farias, A. Khan, T. Khiaonarong, M. Malaika, H. Monroe, N. Sugimoto, H. Tourpe and P. Zhou (2020), “A Survey of Research on Retail Central Bank Digital Currency”, IMF Working Paper 20/104. 362
  16. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 23. Kim, Y. S., & Kwon, O. (2019), Central bank digital currency and financial stability. Bank of Korea WP, 6. 24. Lê Duy Bình, Trần Thị Phương (2020), Kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam. 25. Morales-Resendiz, R., Ponce, J., Picardo, P., Velasco, A., Chen, B., Sanz, L., ... & Hodge, A. (2021), “Implementing a retail CBDC: Lessons learned and key insights”,  Latin American Journal of Central Banking, 2(1), 100022. 26. Nabilou, H., & Prüm, A. (2019), Central banks and regulation of cryptocurrencies. Review of Banking and Financial Law (Forthcoming). 27. Ngân hàng Thế giới (2021), Báo cáo “Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam” tháng 8/2021, Ngân hàng Thế giới (World Bank). 28. Oh, E. Y., & Zhang, S. (2020), Central bank digital currency and in-formal economy. 29. Pfau-Effinger, B. (2009), “Varieties of undeclared work in European societies”, British Journal of Industrial Relations, 47(1), 79 - 99. 30. Pfister, C. (2017), Monetary policy and digital currencies: much ado about nothing? 31. Qian, Y. (2019), “Central Bank Digital Currency: optimization of the currency system and its issuance design”, China economic journal, 12(1), 1 - 15. 32. Shirai, S. (2019), Money and central bank digital currency. ADBI Working Paper 922 (2019). 33. Schneider, F., Buehn, A., & Montenegro, C. E. (2010), “Shadow economies all over the world: New estimates for 162 countries from 1999 to 2007”, World Bank policy research working paper, (5356). 34. Tong, W., & Jiayou, C. (2021), “A study of the economic impact of central bank digital currency under global competition”, China Economic Journal, 14(1), 78 - 101. 35. Troshani, I., Janssen, M., Lymer, A., & Parker, L. D. (2018), “Digital transformation of business-to-government reporting: An institutional work perspective”,  International Journal of Accounting Information Systems, 31, 17 - 36. 363
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2