VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY, HỌC VÀ NGHIÊN<br />
CỨU KHOA HỌC TRONG ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ<br />
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hà<br />
Phòng Quản lý khoa học và Sau đại học - Trường Đại học Văn Hiến<br />
<br />
<br />
1. Hệ thống đào tạo tín chỉ<br />
1.1 Một số đặc điểm cơ bản<br />
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên chủ động lựa chọn và tích lũy các<br />
học phần (hay môn học) của một chương trình học. Tổng số lượng tín chỉ mà sinh viên tích<br />
lũy sẽ giúp họ có được một tấm bằng tương ứng với chương trình học như bằng cử nhân,<br />
thạc sĩ, tiến sĩ hay một bằng cấp chuyên môn nào đó.<br />
Hệ thống đào tạo theo tín chỉ có thể được tóm gọn qua những đặc điểm sau:<br />
- Giúp sinh viên hình dung và định lượng tất cả các yêu cầu của bản thân trong từng<br />
giai đoạn cũng như trong suốt quá trình học tập của mình đối với mỗi chương trình đào<br />
tạo;<br />
- Tạo điều kiện cho sinh viên chủ động lên kế hoạch và thực hiện lộ trình học tập<br />
dựa vào năng lực và điều kiện của mỗi cá nhân, làm chủ thời gian học tập và công việc<br />
cũng như có quyền tự tích luỹ kiến thức trong chừng mực cho phép;<br />
- Tăng cường tính mềm dẻo và linh hoạt của chương trình học, giúp sinh viên linh<br />
động trong việc tích lũy kiến thức và kỹ năng;<br />
- Cho phép sinh viên chuyển đổi từ khoá học này sang khoá học khác trong cùng<br />
một hệ thống hay khác hệ thống;<br />
- Lấy sinh viên (người học) làm trung tâm trong giáo dục đại học, trao quyền tự chủ<br />
học tập cho người học…<br />
1.2 Các yêu cầu cơ bản khi đào tạo theo hệ thống tín chỉ<br />
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ phải đáp ứng càng nhiều càng tốt nhu cầu và điều kiện<br />
giảng dạy của giảng viên, nhu cầu học tập của sinh viên và cả đội ngũ quản lý hoạt động<br />
giáo dục để có một môi trường làm việc chủ động. Để thực hiện có hiệu quả hình thức đào<br />
tạo này cần phải có những thay đổi trong công tác đào tạo đối với tất cả các đối tượng liên<br />
quan.<br />
a. Đối với sinh viên<br />
Vì mục tiêu đào tạo hiện nay là tạo sự chủ động cho người học quyết định và theo<br />
đuổi việc học tập cá nhân một cách tốt nhất. Do đó sinh viên được rèn luyện các phương<br />
pháp học tập hiện đại, các kỹ năng tiên tiến để đạt được mục tiêu học tập mong muốn như<br />
quan sát, phân tích, so sánh, phê phán, giải quyết vấn đề…<br />
Đào tạo theo tín chỉ tạo sự chủ động cho sinh viên, đồng nghĩa với việc sinh viên<br />
phải phát huy tốt nhất khả năng tự học và tự nghiên cứu. Vì thế, sinh viên phải làm quen<br />
với tinh thần làm việc độc lập tự chủ để có thể phát huy tốt các quyền sau đây:<br />
- Quyết định lộ trình học tập: Sinh viên tự lập kế hoạch đào tạo của cá nhân tuỳ theo<br />
quỹ thời gian của mỗi người dựa trên khung thời gian đào tạo do nhà trường qui định đối<br />
với từng cấp độ đào tạo. Ví dụ một chương trình đào tạo 4 năm sinh viên có thể thực hiện<br />
trong 3 năm hoặc 6 năm, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Biện pháp này giúp đa dạng<br />
hóa sinh viên đại học, theo tinh thần học tập suốt đời hướng đến sự bình đẳng về cơ hội<br />
học tập, tiếp cận với giáo dục đại học.<br />
- Quyết định nội dung được đào tạo: Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ tạo<br />
điều kiện cho người học tự thiết kế chương trình đào tạo cho chính mình. Sinh viên chọn<br />
lựa những học phần cảm thấy hứng thú hoặc phù hợp với năng khiếu, sở thích và định<br />
hướng nghề nghiệp, những học phần thuộc lĩnh vực quan tâm để rèn luyện những kỹ năng,<br />
kiến thức mà thị trường tuyển dụng cần, để xây dựng tương lai nghề nghiệp dựa trên thế<br />
mạnh và khả năng của cá nhân.<br />
- Quyết định cách thức học tập của từng môn học: Mỗi học phần đều được cung cấp<br />
Đề cương chi tiết trong đó đã được cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, kế hoạch học tập, tài liệu<br />
tham khảo nhằm giúp sinh viên thuận lợi trong việc đạt mục tiêu.<br />
b. Đối với giảng viên<br />
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ trao quyền tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên bằng<br />
cách phân chia thời gian cho sinh viên tự học nhưng không có nghĩa là giảng viên giảm giờ<br />
dạy trên lớp một cách máy móc. Để góp phần làm thay đổi căn bản của việc đào tạo theo<br />
hệ thống tín chỉ thì giảng viên phải thay đổi phương pháp dạy học phù hợp.<br />
Việc thay đổi từ quan niệm lấy giảng viên (người dạy) làm trung tâm sang quan<br />
niệm lấy người học làm trung tâm đã dẫn đến việc thay đổi cơ bản vai trò của giảng viên:<br />
phương pháp truyền đạt kiến thức hoặc cách tiếp cận nội dung được thay thế bằng cách<br />
tiếp cận mục tiêu sao cho sinh viên đạt được mục tiêu xây dựng những kỹ năng cao cấp<br />
như phân tích, tổng hợp, phán đoán, phản biện, ra quyết định, giải quyết vấn đề… Vì thế,<br />
giảng viên cần phải thực hiện những việc sau:<br />
- Giảng viên phải đầu tư chuyên môn nhiều hơn để thực hiện tốt vai trò của người<br />
dạy, phải chủ động liên tục tự đào tạo chuyên môn và thực hành để thực hiện giảng dạy<br />
ngày càng tốt hơn, nhất là hướng sinh viên đến việc học cách giải quyết vấn đề;<br />
- Giảng viên phải trang bị nghiệp vụ sư phạm phù hợp với phương pháp giảng dạy<br />
tích cực; biết thiết kế chương trình trình đào tạo và biên soạn bài giảng theo các phương<br />
pháp dạy học tích cực; thường xuyên nghiên cứu và thảo luận về phương pháp dạy học tích<br />
cực để ngày càng hoàn thiện nghiệp vụ cá nhân;<br />
- Giảng viên không chỉ thực hiện việc truyền thụ kiến thức mà còn phải làm công<br />
tác nghiên cứu khoa học, liên tục cải tiến chương trình và phương pháp dạy học, xây dựng<br />
học phần mới với kiến thức hiện đại cho sinh viên có nhiều lựa chọn, thường xuyên cập<br />
nhật các nội dung trong giáo trình, biên soạn nhiều tài liệu tham khảo để sinh viên tự học,<br />
tự nghiên cứu, phải đầu tư nhiều thời gian để kiểm soát việc tự học, tự nghiên cứu của sinh<br />
viên.<br />
c. Về cơ sở vật chất<br />
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ yêu cầu Nhà trường cần phải có khả năng cung cấp<br />
các trang thiết bị đủ để đáp ứng yêu cầu đào tạo như phòng học, giáo trình, tài liệu, thư<br />
viện, phòng thí nghiệm,… để đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh viên được lựa<br />
chọn môn học phù hợp.<br />
Việc trang bị đầy đủ phòng thí nghiệm, thực hành, phòng học với đầy đủ phương<br />
tiện cũng tạo điều kiện cho giảng viên được thực hành việc giảng dạy các phương pháp<br />
dạy học tích cực giúp đào tạo sinh viên học chủ động, học cách giải quyết vấn đề.<br />
Với những đặc điểm cơ bản đã nêu, ngoài cơ sở vật chất và công tác quản lý phục<br />
vụ đào tạo, có thể thấy trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ vấn đề cải tiến phương pháp<br />
giảng dạy, học và vấn đề tự học, tự nghiên cứu đặc biệt được quan tâm vì nó ảnh hưởng<br />
quan trọng đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Để nâng cao chất lượng giảng dạy của<br />
giảng viên và chất lượng đầu ra của sinh viên đáp ứng nhu cầu của xã hội thì đổi mới<br />
phương pháp dạy học, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu không chỉ quan trọng đối với giảng<br />
viên mà còn đối với sinh viên.<br />
2. Thực trạng của Nhà trường khi bước đầu áp dụng hệ thống đào tạo theo tín<br />
chỉ<br />
2.1 Giảng viên<br />
Chương trình đào tạo mới đang được áp dụng theo hệ thống tín chỉ vẫn chưa hoàn<br />
thiện, gần như chỉ ở mức giảm bớt thời lượng của mỗi chương trình. Để đảm bảo chất<br />
lượng đào tạo khi áp dụng chương trình này thì giảng viên phải biết cách dạy cho sinh viên<br />
tự học.<br />
Giảng viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, trong đó có phương pháp giảng<br />
dạy tích cực, thiết kế chương trình và biên soạn bài giảng theo các phương pháp dạy học<br />
tích cực,... Một số giảng viên đã biết áp dụng các phương tiện dạy học hiện đại, các hình<br />
thức kiểm tra đánh giá đa dạng như tự luận, vấn đáp, chấm điểm sinh viên qua các điểm<br />
chuyên cần, điểm giữa kỳ, điểm hết môn…<br />
2.2 Sinh viên<br />
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ đòi hỏi sinh viên phải có kỹ năng tự học và tự nghiên<br />
cứu. Thay đổi từ thói quen chỉ học theo giáo trình, tài liệu do thầy cô cung cấp đã hình<br />
thành từ khi còn học phổ thông đã khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc học tập và<br />
nghiên cứu. Sinh viên còn xa lạ trong việc tự hoạch định nội dung học tập và quản lý quá<br />
trình tự học của mình, chưa biết sử dụng đúng thời gian tự học hợp lý. Sinh viên chưa được<br />
tạo điều kiện tốt cho việc học và nghiên cứu như tài liệu học tập, nghiên cứu còn thiếu,<br />
chưa được tập huấn phương pháp học tập thích hợp để thay đổi từ việc học thụ động sang<br />
học chủ động,…<br />
2.3 Nhà trường<br />
Trong quá trình chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang tín chỉ các chương trình đào<br />
tạo của Nhà trường cơ bản chỉ mới bắt đầu bằng việc chuyển đổi cơ học từ số lượng đơn<br />
vị học trình sang số lượng tín chỉ, tuy có thay đổi một số học phần cập nhật kiến thức mới,<br />
bổ sung các học phần tự chọn nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt, hiện<br />
nay chương trình đào tạo mới vẫn chưa được ban hành, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động<br />
học tập, giảng dạy và nghiên cứu vẫn chưa được đầu tư đầy đủ. Đối với các ngành đào tạo<br />
có ít sinh viên thì học phần tự chọn chỉ tồn tại trên danh nghĩa vì sĩ số hiện tại chỉ đạt mức<br />
tối thiểu để mở lớp. Nhà trường chưa có định hướng phát triển rõ ràng tạo ra tâm lý bất an<br />
cho đội ngũ giảng viên. Hệ thống cố vấn học tập chưa được đào tạo chuyên nghiệp vì thế<br />
chưa hoạt động hiệu quả. Giáo trình, tài liệu phục vụ học tập và nghiên cứu cho giảng viên<br />
và sinh viên còn thiếu.<br />
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học và nghiên cứu khoa học<br />
3.1 Đối với giảng viên<br />
- Chuẩn bị bài giảng: Phải có sự chuẩn bị đầy đủ chu đáo, nhất là khâu thiết kế bài<br />
học để tạo sự sinh động, khơi dậy sự ham hiểu biết, tìm tòi sáng tạo trong sinh viên. Trong<br />
quá trình giảng dạy, giảng viên phải tích cực khơi gợi kiến thức sinh viên đã có để tiếp thu<br />
cái mới; tận dụng tối đa những tình huống có vấn đề để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu<br />
khám phá kiến thức và khả năng tư duy của sinh viên; khai thác và áp dụng linh hoạt sơ<br />
đồ, bảng biểu trong bài giảng giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ; khuyến khích sinh viên sử<br />
dụng ngôn ngữ của cá nhân để biểu đạt nhằm nâng cao khả năng tư duy logic và diễn đạt;<br />
hệ thống hóa kiến thức và các kiến thức cốt lõi của bài.<br />
- Hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu: Hướng dẫn sinh viên biết cách tự hoàn<br />
thiện kiến thức bài học sau khi lên lớp để thực tập khả năng tự học, tự nghiên cứu; Hướng<br />
dẫn sinh viên cách đọc giáo trình, tài liệu, làm bài tập, viết báo cáo khoa học. Công việc<br />
này sinh viên không thể tự làm được mà phải có sự hướng dẫn của giảng viên.<br />
- Hướng dẫn sinh viên tìm kiếm tài liệu, chia sẻ thông tin và làm việc nhóm: Trước<br />
sự phát triển của khoa học công nghệ, sinh viên cần biết hoạt động nhóm để tập trung sức<br />
mạnh, khả năng, trí tuệ của tất cả các thành viên của nhóm để tạo ra sản phẩm khoa học.<br />
Vì vậy trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải biết cách hướng dẫn sinh viên tìm kiếm,<br />
chia sẻ thông tin, làm việc nhóm, thảo luận nhóm...<br />
- Kiểm tra, đánh giá: Trong đào tạo theo tín chỉ, kiến thức của bài học phải được<br />
xem là tổng thể kiến thức trên lớp và tự học, tự nghiên cứu. Giảng viên cần thiết phải đổi<br />
mới trong việc soạn đề thi, hình thức kiểm tra, đánh giá bao gồm đánh giá kết quả hoạt<br />
động trên lớp, tự học, giữa kỳ và cuối kỳ với nhiều hình thức đa dạng như kiểm tra viết,<br />
vấn đáp, trắc nghiệm và kết quả thực hành.<br />
- Định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học: Đây là việc làm đòi hỏi sự tập<br />
trung cao nhất của sinh viên, giúp sinh viên có điều kiện sáng tạo… Tuy nhiên, đa số sinh<br />
viên chưa biết tự đề xuất nội dung nghiên cứu mà cần giảng viên hướng dẫn thực hiện. Vì<br />
vậy giảng viên phải lựa chọn nội dung, vấn đề và chỉ rõ mục đích, yêu cầu nghiên cứu, gợi<br />
ý cách thức thực hiện cho sinh viên. Giảng viên phải thông tin các tiêu chí đánh giá, thời<br />
hạn hoàn thành, cung cấp tài liệu hoặc địa chỉ tài liệu tối thiểu cho sinh viên, hướng dẫn<br />
cách thức tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin; kiểm soát và sẵn sàng giúp đỡ khi sinh viên<br />
gặp khó khăn. Giảng viên cũng phải có phương án điều chỉnh khi cần và đánh giá phải bảo<br />
đảm khách quan, chính xác kết quả nghiên cứu của sinh viên.<br />
- Nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan<br />
trọng nhất của giảng viên nhằm góp phần hỗ trợ, nâng cao chất lượng giảng dạy. Chính vì<br />
vậy mà thông tư 47 của Bộ GD-ĐT cũng đã quy định từ 25.3.2015 giảng viên đại học phải<br />
dành 1/3 thời gian để nghiên cứu khoa học. Kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên<br />
được đánh giá thông qua các sản phẩm nghiên cứu cụ thể.<br />
3.2 Đối với sinh viên<br />
Sinh viên phải biết lập kế hoạch chi tiết và thực hiện thật tốt kế hoạch đã lập từ<br />
đầu khóa học cho toàn bộ chương trình đào tạo đối với từng học phần. Mạnh dạn liên hệ<br />
và trao đổi với giảng viên để được tư vấn, hỗ trợ;<br />
Thực hiện tất cả các nhiệm vụ đối với từng giờ học mà giảng viên giao: tìm, đọc,<br />
ghi chép những tài liệu liên quan, hoàn thành bài tập, bài thực hành, thực tập, chuẩn bị bài<br />
thảo luận, chuẩn bị các nội dung làm việc theo nhóm, các vấn đề cần hỏi để trao đổi với<br />
giảng viên nhằm giải đáp những khúc mắc, chưa rõ, ôn bài, đọc bài mới,...;<br />
Đối với các nội dung nghiên cứu lớn hơn như làm các bài tập lớn, thực hiện đề tài<br />
nghiên cứu khoa học hoặc báo cáo thực tập, đồ án/khóa luận tốt nghiệp, sinh viên cần biết<br />
phân tích bản chất vấn đề, vận dụng lý thuyết vào thực tiễn để giải quyết vấn đề và thường<br />
xuyên trau dồi các kỹ năng mềm khác để hoàn thiện bản thân nhằm đạt hiệu quả cao trong<br />
học tập như viết báo cáo thu hoạch theo các tiêu chí đánh giá của giảng viên, trình bày báo<br />
cáo, diễn thuyết trước lớp, đặt câu hỏi, đối thoại, tranh luận những vấn đề đã trình bày ở<br />
các buổi thảo luận, hệ thống hóa, lưu giữ tài liệu, kết quả tự học, tự nghiên cứu thuận tiện<br />
cho việc tra cứu, sử dụng sau này.<br />
3.3 Đối với Nhà trường<br />
Để hoạt động đào tạo của Nhà trường đạt hiệu quả cần có một số giải pháp cụ thể<br />
như:<br />
- Ban hành chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ của các chương trình hoàn<br />
thiện và công bố cho người học;<br />
- Trang bị thêm cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, tài liệu đầy đủ cho giảng viên<br />
và sinh viên trong hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu;<br />
- Có hình thức, tiêu chí đánh giá mới về công tác giảng dạy của giảng viên, đánh giá<br />
hoạt động hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, sản phẩm nghiên cứu khoa học của<br />
giảng viên;<br />
- Quan tâm đến công tác cố vấn học tập, theo dõi việc tự học, tự nghiên cứu của sinh<br />
viên.<br />
4. Kết luận<br />
Trước sự phát triển của khoa học công nghệ và nền kinh tế tri thức hiện nay việc<br />
thay đổi trong tất cả các lĩnh vực là tất yếu trong đó có giáo dục đại học. Nội dung và<br />
phương pháp giáo dục truyền thống không còn phù hợp cho nên các trường đại học phải<br />
chuyển đổi sang phương thức đào tạo mới theo hệ thống tín chỉ là một tất yếu. Trong đào<br />
tạo theo hệ thống tín chỉ, việc đổi mới phương pháp dạy, học và nghiên cứu của giảng viên<br />
và sinh viên có tầm quan trọng đặc biệt. Nó không chỉ góp phần hoàn thiện kiến thức bài<br />
học, chương trình đào tạo mà còn quyết định chất lượng đầu ra cho sinh viên, xây dựng<br />
thương hiệu của Nhà trường; từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất<br />
nước, khẳng định chất lượng giáo dục của nước ta đối với các nước trong khu vực và trên<br />
thế giới.<br />
Giảng viên cần dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu khoa học và cải tiến<br />
phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà trường<br />
cần quan tâm đến việc bồi dưỡng cho giảng viên về chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp,<br />
tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên làm công tác cố vấn học tập, cải tiến công tác kiểm<br />
tra và đánh giá, tăng cường rèn luyện kỹ năng tự học và tự nghiên cứu cho sinh viên ngay<br />
từ năm đầu đại học. Các khoa chuyên môn cũng cần tăng cường giảng dạy phương pháp<br />
nghiên cứu khoa học cho tất cả sinh viên đại học và cao đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho<br />
sinh viên chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập của cá nhân trong quá trình<br />
đào tạo.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012), Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27<br />
tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều<br />
của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành<br />
kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng<br />
Bộ Giáo dục và Đào tạo.<br />
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với<br />
giảng viên, số 47/2014/TT- BGDĐT, ngày 31/12/2014.<br />
3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2010), “Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học<br />
theo hệ thống tín chỉ”, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức.<br />
4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2013), “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu<br />
cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”, trường Đại học sư phạm<br />
TPHCM tổ chức.<br />
5. Lâm Quang Thiệp (2006), “Việc áp dụng học chế tín chỉ trên thế giới và ở Việt<br />
Nam”, Kỷ yếu hội thảo xây dựng chương trình đào tạo theo tín chỉ có sử dụng internet,<br />
Viện nghiên cứu Giáo dục.<br />