Xác định mục tiêu giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và biểu hiện của các giá trị này trong hội họa
lượt xem 2
download
Bài viết xác định mục tiêu giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc thông qua nghệ thuật hội họa và các biểu hiện của các giá trị này trong đời sống cũng như sự hiện diện của nó trong hội họa; đồng thời, bước đầu đánh giá mức độ thuận lợi và khó khăn của quá trình phân tích tác phẩm hội họa nhằm giáo dục giá trị truyền thống song hành với giáo dục thẩm mỹ tạo hình.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Xác định mục tiêu giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và biểu hiện của các giá trị này trong hội họa
- VJE Tạp chí Giáo dục, Số 477 (Kì 1 - 5/2020), tr 1-4 ISSN: 2354-0753 XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG NĂM 2018 VÀ BIỂU HIỆN CỦA CÁC GIÁ TRỊ NÀY TRONG HỘI HỌA Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; 1 Phạm Văn Tuyến1,+, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương 2 Nguyễn Thị Mỵ2 + Tác giả liên hệ ● Email: tuyenpv@hnue.edu.vn Article History ABSTRACT Received: 27/02/2020 Traditional Vietnamese values and the education of traditional values in Accepted: 23/3/2020 Vietnam have appeared in history through many educational modes, including school education. The general education curriculum announced in Published: 05/5/2020 2018 has established 5 important qualities of the traditional values of Keywords Vietnam. The article identifies the goal of educating the national traditional quality, traditional values, art values through the visual arts and expression of the 5 values “Patriotic, education, art/ painting. Loving, Hardworking, Honest, Responsible” in life and its expressions in painting. At the same time, it initially assesses the ease and difficulty of the analysis process of painting works for the purpose of educating traditional values along with visual aesthetic education. 1. Mở đầu Giá trị truyền thống Việt Nam và việc giáo dục giá trị truyền thống ở Việt Nam đã xuất hiện trong lịch sử thông qua nhiều phương thức giáo dục, trong đó có giáo dục trong nhà trường. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã xác lập 5 phẩm chất quan trọng trong những phẩm chất thuộc hệ giá trị truyền thống Việt Nam, đó là “Yêu nước, Nhân ái, Chăm chỉ, Trung thực, Trách nhiệm”. Các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, các phẩm chất của người Việt Nam đã quen thuộc trong đời sống xã hội, được khẳng định trong lịch sử và trong các nghiên cứu của nhiều học giả, như hệ giá trị của tác giả Ngô Đức Thịnh (2010), Nguyễn Ngọc Thiện (2019), Phạm Minh Hạc (2010) với các thuật ngữ như: truyền thống yêu nước, lòng nhân ái, đức chăm chỉ, tính trung thực, ý thức trách nhiệm… Ở bài viết này, qua việc coi một số giá trị truyền thống Việt Nam đã chứa đựng 5 phẩm chất được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ GD-ĐT, chúng tôi xác định mục tiêu giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc thông qua nghệ thuật hội họa và các biểu hiện của các giá trị này trong đời sống cũng như sự hiện diện của nó trong hội họa; đồng thời, bước đầu đánh giá mức độ thuận lợi và khó khăn của quá trình phân tích tác phẩm hội họa nhằm giáo dục giá trị truyền thống song hành với giáo dục thẩm mĩ tạo hình. 2. Kết quả nghiên cứu 2.1. Xác định mục tiêu giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thể hiện sự đổi mới đáng kể trong mục tiêu giáo dục. Không chỉ là việc giáo dục kiến thức thông qua các môn học, Chương trình đã xác định 5 phẩm chất cần thiết phải hướng tới, những phẩm chất này chứa đựng trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc, có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Những phẩm chất này có thể dễ dàng định nghĩa và nhận biết trong đời sống, trong văn học,... nhưng dưới góc độ nghệ thuật tạo hình, điều này lại không dễ cảm nhận ở những tác phẩm hội họa. Do vậy, giáo dục thẩm mĩ thị giác, thẩm mĩ tạo hình sẽ mở ra một công cụ học tập hữu ích cho học sinh. Mục tiêu ứng dụng tác phẩm mĩ thuật trong giáo dục giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ là tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu tác giả, tác phẩm mĩ thuật để giáo viên mầm non và tiểu học sử dụng trong dạy học và giáo dục trong nhà trường, tích hợp theo chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT, 2018a; Bộ GD-ĐT, 2018b). Trong những nỗ lực hướng tới đồng thời hai mục tiêu: giáo dục giá trị truyền thống và giáo dục thẩm mĩ cho trẻ, chúng tôi trình bày một số vấn đề có tính “bắc cầu” từ một số phẩm chất trong hệ giá trị truyền thống Việt Nam để đi tìm biểu hiện của các giá trị ấy trong tác phẩm hội họa. Đây là cách thức hiệu quả làm cơ sở cho việc phân tích tác phẩm mĩ thuật phù hợp với nhận thức của trẻ và năng lực của giáo viên hiện nay. 1
- VJE Tạp chí Giáo dục, Số 477 (Kì 1 - 5/2020), tr 1-4 ISSN: 2354-0753 2.2. Biểu hiện của các phẩm chất và nhận diện trong hội họa 2.2.1. Phẩm chất yêu nước Yêu nước là một khái niệm bao trùm nhiều biểu hiện, hành động theo nghĩa rộng: có thể là một biểu hiện tình cảm giản dị mà thiêng liêng về quê hương; là sự nâng niu những kí ức đẹp đẽ về sự vật, hiện tượng xung quanh mình, là sự trào dâng cảm xúc của người con xa xứ khi nhớ về quê hương, nhớ những ngọn cỏ, nhành cây hay mùi khói bếp, hương vị của món ăn... Ở khía cạnh khác, lớn lao và trực diện hơn là tinh thần dân tộc, ý chí tự cường, quyết dành độc lập và giữ vững bầu trời, mặt đất của cha ông để lại. Phẩm chất này đã hình thành ở người Việt từ xa xưa, là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của cả dân tộc. Dân tộc Việt Nam trải qua quá trình đấu tranh giữ nước lâu dài; dưới ách đô hộ hàng ngàn năm bởi giặc phương Bắc, người Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Đó là truyền thống kiên cường, bất khuất được lưu truyền trong sử sách. Trong các cuộc xâm lược của giặc ngoại xâm, người Việt Nam luôn chiến thắng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Vì thế, những biểu hiện của lòng yêu nước thể hiện qua các cuộc chinh chiến trường kì là một trong những đề tài sáng tác nghệ thuật với số lượng lớn tác giả, tác phẩm. Với đề tài này, giáo viên dễ dàng khai thác nội dung tác phẩm qua các hình ảnh trực quan; tuy nhiên, về hình thức nghệ thuật vẫn cần những gợi ý của các nhà chuyên môn mĩ thuật để tránh những suy diễn chưa đúng. Chỉ khi làm được điều này, mục tiêu giáo dục nghệ thuật mới thực sự đạt hiệu quả. Biểu hiện lòng yêu nước của tầng lớp trí thức và người dân trong thời bình cũng khá đa dạng. Họa sĩ sáng tác về những chí sĩ yêu nước cũng là một mảng đề tài khá thú vị. Những hình tượng chí sĩ yêu nước đấu tranh bằng ngòi bút cũng là một đặc trưng, song sẽ khó hơn cho người xem tranh thiếu kiến thức vì “tứ tranh” ẩn trong ngôn ngữ hội họa và cần phải được chỉ ra bởi các nhà lí luận. Có những trường hợp cả bức tranh với rất nhiều hình tượng, hình ảnh không giúp sáng tỏ chủ đề nhưng chỉ một hình ảnh nhỏ, yếu tố phụ lại thể hiện ý nghĩa tư tưởng nếu nó được khai thác đúng. Những mảng chủ đề khác đôi khi chưa phải là dụng công khai thác của tác giả, như việc thể hiện lòng yêu nước của nhân vật qua các hành động, cử chỉ nhỏ dễ bị bỏ quên, đôi khi là khó xác định trên tranh, song nhiều khi lại mang một ý nghĩa sâu sắc ngoài chủ ý của người vẽ. Trong các sáng tác về đề tài lao động, họa sĩ cũng có thể xây dựng hình tượng người dân đang thể hiện lòng yêu nước thông qua biểu hiện và ý chí của họ. Chẳng hạn hiện nay, trong tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp thì việc duy trì khai thác tài nguyên biển, bám trụ vùng biển quê hương cũng có thể là một tứ tranh hay về lòng yêu nước. 2.2.2. Phẩm chất nhân ái Nhân ái là cách con người trao cho nhau tình yêu thương, tình cảm tốt đẹp, biểu hiện ở nhiều mặt như: tình yêu thương con người, lòng bao dung, vị tha, biết đau nỗi đau của người khác,… là phẩm chất có tính quyết định cho tính “người” trong nhân cách công dân tiến bộ. Giáo dục lòng nhân ái cho học sinh là một điều kiện tiên quyết để hình thành một công dân có ích cho xã hội. Trong bối cảnh xã hội đương đại, các giá trị sống đôi khi lẫn lộn, dễ gây hiểu lầm cho trẻ em, dẫn đến nguy cơ hình thành một thế hệ “lệch chuẩn”. Hệ lụy của nền giáo dục không toàn diện, nặng về “dạy chữ” và dạy kiến thức mà coi nhẹ “dạy người”, những biểu hiện không đẹp của người lớn ảnh hưởng trực tiếp đến việc giáo dục trẻ. Vì thế, giáo dục lòng nhân ái là mục tiêu hết sức đặc biệt và cấp thiết hiện nay. Đề tài lòng nhân ái là một “miền đất rộng” cho các tác giả và tác phẩm hội họa. Đây cũng là một trong những đề tài có nhiều sáng tác thành công: tình yêu giữa con người, tình yêu thương đồng loại, biểu hiện tình cảm của con người với muôn loài, sự lên tiếng của nhân vật phản đối chiến tranh..., đồng thời dễ cảm nhận đối với công chúng. Những tác phẩm hội họa thể hiện lòng nhân ái của người Việt Nam hiện diện trong hầu hết các triển lãm mĩ thuật lớn như triển lãm mĩ thuật toàn quốc, triển lãm mĩ thuật các khu vực, tỉnh thành. Có những chủ đề rất hẹp, biểu hiện nhỏ qua cử chỉ và biểu hiện tạo hình trong nhân vật nhưng cũng mang dấu ấn rõ nét của lòng nhân ái. Vì vậy, cần phân tích thấu đáo để đưa người xem, học sinh cảm nhận đúng về chủ đề tư tưởng tác phẩm. 2.2.3. Phẩm chất chăm chỉ Để chuẩn bị cho thế hệ tương lai một hành trang đầy đủ, không thể không giáo dục đức tính chăm chỉ. Trong giáo dục truyền thống, cần hướng cho học sinh hiểu về đất nước Việt Nam không chỉ “giàu và đẹp” như cách tiếp cận trước đây mà cần có cách nhìn nhận mới để tác động đến suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ. Xã hội hiện nay có nhu cầu thụ hưởng cao, cạnh tranh khốc liệt về việc làm, xu hướng thế giới đa cực và giao thương ở quy mô toàn cầu, tài nguyên rồi sẽ cạn kiệt… Vì thế, người công dân tương lai rất cần phẩm chất chăm chỉ trong mọi mặt để phát triển bản thân và đưa đất nước sánh ngang các cường quốc, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. 2
- VJE Tạp chí Giáo dục, Số 477 (Kì 1 - 5/2020), tr 1-4 ISSN: 2354-0753 Tiếp cận theo hướng này, chúng tôi cho rằng các biểu hiện nghệ thuật về đức tính chăm chỉ (cần cù) là khá đa dạng và cũng dễ nhận biết, dễ chuyển tải đến người xem tranh. Đức tính chăm chỉ của người Việt đã được tổng kết trong nhiều nghiên cứu. Ví dụ Trần Văn Giàu (1993) nêu lên 7 giá trị mà ông cho là đặc thù của văn hoá Việt: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa; Đào Duy Anh (2002, tr 23) trong “Việt Nam văn hóa sử cương” từng nói đến 7 giá trị, trong đó viết “Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc thì ít dân tộc bì kịp”. Quan điểm của các học giả vừa nêu có xu hướng trái với các chỉ số về hiệu suất lao động của người Việt (số liệu khảo sát gần đây cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực (Nguyễn Bích Lâm, 2018). Vì vậy, giáo dục phẩm chất chăm chỉ cho các thế hệ công dân tương lai là một chiến lược mang tính cấp thiết. Trong hội họa, có thể thấy nhiều chủ đề tư tưởng khá phong phú về đức tính chăm chỉ, ví dụ các bức tranh vẽ về phong trào thi đua lao động sản xuất, những tấm gương anh hùng lao động, hình ảnh những người nông dân, công nhân hăng say miệt mài và ngay cả những em thiếu nhi làm kế hoạch nhỏ đều có thể trở thành thông điệp giáo dục về phẩm chất chăm chỉ cho học sinh. Mặt phản diện của đức tính chăm chỉ có thể suy đoán từ những bức tranh vẽ các cuộc vui nhậu vốn là đề tài sinh hoạt vui vẻ. Song, nếu trên bức tranh có hình ảnh cái đồng hồ chỉ lúc 9 giờ sáng vào ngày làm việc thì rõ ràng người xem sẽ cảm nhận được sự lãng phí thời gian, có thể làm chủ đề phê phán, đấu tranh với biểu hiện lười lao động, thích hưởng thụ. Dù các biểu hiện thì thấy rõ, song mức độ hình tượng hóa đến đâu và tác động tâm lí đến học sinh ở mức nào lại là do việc lựa chọn, phân tích tác phẩm và sự khéo léo của giáo viên. Với những tác phẩm hội họa dù có ý tưởng, chủ đề rõ ràng vẫn cần một cách tiếp cận, phân tích hình tượng từ các nhà chuyên môn, nhà lí luận. Bằng không, hội họa vẫn mãi là lĩnh vực nghệ thuật bị lãng quên, khó tiếp cận và ít có tác động đến xã hội cho dù đó là một loại hình nghệ thuật được tiếp nhận rất nhanh qua kênh thị giác. Trên thực tế, biểu hiện đức tính, phẩm chất chăm chỉ cũng khó diễn tả trên bức tranh nếu chỉ hướng đến hình ảnh trực quan mà quên đi biểu hiện cảm xúc nhân vật. 2.2.4. Phẩm chất trung thực Đức tính trung thực luôn được tôn vinh và hiện hữu trong giáo lí và đạo lí sống của người Việt Nam. Phẩm chất trung thực trong mục tiêu giáo dục phổ thông sẽ nhằm định hướng những đức tính tốt đẹp cho học sinh như thẳng thắn, thật thà, dám nhận lỗi… Trung thực giúp con người tôn trọng sự thật, yêu lẽ phải, hướng đến chân lí và đem lại giá trị lòng tin trong xã hội. Có thể thấy, trung thực là một trong những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Trong hội họa, việc sáng tác về đề tài thể hiện phẩm chất trung thực thật sự là khó nhận biết. Ví dụ, đối với một sự việc nhặt được của rơi trả lại người đánh mất mà thể hiện trong tranh thì khó diễn tả để người xem có thể nhìn và thấy trực diện nội dung. Sự khác biệt giữa ngôn ngữ hội họa với các nghệ thuật khác là ở chỗ, hình tượng nhân vật chỉ được khắc họa ở một thời khắc; trong khi văn học dễ dàng đưa người đọc đến nội dung và diễn biến câu chuyện thì hội họa chỉ có thể khéo léo phối hợp trạng thái nhân vật cùng với bối cảnh của bức tranh. Đôi khi mức độ trung thực lại nằm ở yếu tố phụ trợ; ví dụ, trong bối cảnh ở lễ vinh danh người tốt, tính trung thực có khi được quyết định ở chi tiết nhỏ, kín đáo như ánh mắt biết ơn của người được hưởng may mắn, hạnh phúc nhờ sự trung thực của nhân vật trong tranh. Những hình tượng nhân vật như vậy cần phải được xướng lên từ những nhà lí luận mĩ thuật sành sỏi, uyên thâm để giá trị của bức tranh vượt ra khỏi sự câm lặng vật lí của nó. Như vậy, muốn tìm thấy phẩm chất trung thực trên mặt tranh, người thưởng thức mĩ thuật cần có hiểu biết nhất định về hội họa và có sự cảm nhận tinh tế. Đây có thể là một rào cản cho việc phổ cập trong giáo dục mĩ thuật ở phổ thông. 2.2.5. Phẩm chất trách nhiệm Trách nhiệm trước hết là ý thức được nghĩa vụ của bản thân, hiểu được công việc của mình và luôn hướng đến hoàn thành nhiệm vụ. Ở một khía cạnh khác, trách nhiệm đồng nghĩa với việc lên tiếng trước hành vi không đúng mực của người khác nếu nó gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng. Con người luôn cần có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, xã hội, với đất nước, môi trường… Nhờ tinh thần trách nhiệm mà mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng trở nên vững mạnh và phát triển. Với xã hội đương đại, trách nhiệm là một phẩm chất gắn liền với sự tồn tại và phát triển. Mọi khía cạnh của đời sống đều đòi hỏi trách nhiệm cá nhân. Ví dụ, trách nhiệm của những người công nhân cùng làm việc trên một dây chuyền sản xuất, ý thức tham gia giao thông của mỗi người, hành vi xả rác thải, an toàn vệ sinh thực phẩm, ý thức phát ngôn trên mạng xã hội… đều chịu tác động lớn từ trách nhiệm cá nhân. Trách nhiệm đầu tiên, đơn giản nhất là việc hoàn thành công việc của mình; giữ gìn sự an toàn của bản thân cũng là trách nhiệm với cộng đồng. 3
- VJE Tạp chí Giáo dục, Số 477 (Kì 1 - 5/2020), tr 1-4 ISSN: 2354-0753 Trong sáng tác hội họa, đề tài thể hiện hình tượng nhân vật với chủ đề tư tưởng biểu đạt tinh thần trách nhiệm cũng thường ẩn phía sau mặt tranh chứ không thể hiện trực diện như đề tài chiến đấu chống ngoại xâm, lòng nhân ái... Theo đó, các biểu hiện tạo hình trong hội họa thường thấy ở sự biểu đạt phong cách sáng tác hay đặc trưng tạo hình nhân vật, có khi cũng nằm ở những chi tiết phụ trợ. Thường một biểu hiện trách nhiệm trong tranh sẽ thể hiện qua việc sắp xếp bố cục tuyến nhân vật tạo ra kịch tính trong những đề tài phản diện. Cũng có khi những bút pháp tạo ra không khí hồ hởi, tạo nên cảm giác về tinh thần trách nhiệm của nhân vật trong tranh với công việc của họ trong bối cảnh chung. Những biểu hiện ấy cần được chỉ ra rất cụ thể để người xem có thể cảm thụ được, nhất là từ học sinh nhỏ tuổi. Chúng tôi cho rằng, biểu hiện về đề tài trách nhiệm là một trong những biểu hiện ẩn, cần lưu ý khi phân tích tác phẩm; đồng thời cũng rất cần xem xét thấu đáo để tránh cảm nhận dễ dãi, làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm. 3. Kết luận Qua những nội dung trên, chúng tôi bước đầu khái lược 5 phẩm chất được xác định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời đề cập đến các biểu hiện nhiều mặt của mỗi phẩm chất được xác định trong lịch sử tư tưởng văn hóa Việt Nam, trong đời sống đương đại và trong biểu hiện nghệ thuật. Phân tích biểu hiện của những phẩm chất đó trong nghệ thuật tạo hình cho thấy mức độ khó khăn và không tránh khỏi những quan điểm khác chiều khi phân tích tác phẩm hội họa để làm tài liệu giáo dục cho học sinh. Tuy vậy, ở góc độ chuyên môn, việc chỉ ra giá trị tư tưởng của tác phẩm hội họa và lợi ích giáo dục của những giá trị đó là rất khả thi. Khi nêu bật được ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật và truyền đạt được cho học sinh hiểu, chúng ta đã đạt được cả hai mục tiêu: vừa giáo dục giá trị truyền thống, vừa giáo dục thẩm mĩ tạo hình. Để làm tốt điều này, cần huy động sự tham gia của đội ngũ nòng cốt về chuyên môn, đó là các nhà lí luận phê bình mĩ thuật, các họa sĩ, các giáo viên mĩ thuật... Mặt khác, cần hoạch định chiến lược vĩ mô của ngành Giáo dục nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng. Lời cảm ơn: Đề tài được tài trợ bởi Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam - Đề tài Nghiên cứu ứng dụng các tác phẩm mĩ thuật trong giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học”, mã số KHGD/16-20.ĐT.030. Tài liệu tham khảo Bộ GD-ĐT (2018a). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018). Bộ GD-ĐT (2018b). Chương trình giáo dục phổ thông môn Mĩ thuật (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT- BGDĐT ngày 26/12/2018). Đào Duy Anh (2002). Việt Nam văn hóa sử cương. NXB Văn hóa - Thông tin. Ngô Đức Thịnh (chủ biên, 2010). Những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. Nguyễn Bích Lâm (2018). Năng suất lao động của Việt Nam và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động. Tham luận tại Diễn đàn CEO 2018, Hà Nội, ngày 13/4/2018. Nguyễn Ngọc Thiện (2019). Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, mã số KX.04.19/16-20. Phạm Minh Hạc (2010). Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỉ XXI. NXB Giáo dục Việt Nam. Trần Văn Giàu (1993). Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 4
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM "HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ LÊN LỚP Ở TRƯỜNG THCS"
26 p | 2346 | 350
-
Bài giảng Các bước thiết kế và triển khai hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo
10 p | 979 | 103
-
Bài giảng Xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm
50 p | 1420 | 55
-
Bài giảng Phát triển chương trình và chuẩn đầu ra giáo dục đại học - TS. Lê Viết Khuyến
45 p | 209 | 47
-
Module Giáo dục thường xuyên 13: Xác định mục tiêu dạy học - Nguyễn Thị Hương Lan, Nguyễn Bích Liên
30 p | 300 | 30
-
Báo cáo Tổng quan chung về đánh giá trong giáo dục đại học
76 p | 154 | 21
-
Kinh nghiệm lịch sử của giáo dục Thăng Long - Hà Nội về xác định mục tiêu, động lực phát triển giáo dục và đào tạo
9 p | 90 | 14
-
Giáo trình chuyên đề Giáo dục kĩ năng sống: Phần 2
99 p | 33 | 6
-
Điều chỉnh thái độ, cảm xúc của học sinh trong dạy học môn toán
10 p | 49 | 4
-
Phối hợp giữa giáo viên hòa nhập với giáo viên can thiệp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ khiếm thính trong trường mầm non hòa nhập
7 p | 64 | 4
-
Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục hiện nay
3 p | 27 | 4
-
Bài giảng Xác định mục tiêu bài học
41 p | 99 | 3
-
Xác định hệ mục tiêu trong chương trình giáo dục đại học
5 p | 105 | 3
-
Vấn đề xác định mục tiêu dạy học theo đổi mới phương pháp dạy học Toán
10 p | 60 | 2
-
Những nội dung cần đổi mới trong đánh giá kết quả giáo dục ở trường phổ thông hiện nay
6 p | 39 | 2
-
Giáo dục công dân toàn cầu trong môn Đạo đức cấp Tiểu học (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018)
5 p | 36 | 2
-
Các giá trị truyền thống của giáo dục đại học
7 p | 55 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn