intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xu hướng sử dụng mạng xã hội của sinh viên Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

29
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Sử dụng mạng xã hội ở sinh viên là một trong những vấn đề được quan tâm nghiên cứu trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đều diễn ra ở trên phạm vi ở một trường hoặc địa phương cụ thể. Bằng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, bài viết phân tích dữ liệu từ 26331 sinh viên các trường cao đẳng, đại học và 75 phỏng vấn sâu ở 06 khu vực trên cả nước.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xu hướng sử dụng mạng xã hội của sinh viên Việt Nam hiện nay

  1. XU HƯỚNG SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI CỦA SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY Lê Anh Vũ 1 1. Viện đào tạo sau Đại học, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Sử dụng mạng xã hội ở sinh viên là một trong những vấn đề được quan tâm nghiên cứu trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đều diễn ra ở trên phạm vi ở một trường hoặc địa phương cụ thể. Bằng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, bài viết phân tích dữ liệu từ 26331 sinh viên các trường cao đẳng, đại học và 75 phỏng vấn sâu ở 06 khu vực trên cả nước. Kết quả bài viết cho thấy, Facebook và Zalo là hai mạng xã hội sinh viên thường sử dụng nhất. Sinh viên sử dụng mạng xã hội không chỉ để liên lạc và giải trí mà còn để học tập và mở rộng mạng lưới xã hội. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào mạng xã hội cũng đã gây ra một số hạn chế như việc dễ dàng tiếp nhận tin giả, và nguy cơ "nghiện" mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả học tập và sức khỏe tinh thần của sinh viên. Ngoài ra, sự ẩn danh trên mạng xã hội cũng làm gia tăng các hành vi tiêu cực như bắt nạt, quấy rối, và phát tán thông tin sai lệch. Để giải quyết những vấn đề này, cần có sự hợp tác từ các cấp độ giáo dục, gia đình và chính sách xã hội. Trong đó, vai trò của các trường đại học là vô cùng quan trọng đối với sinh viên trong cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả và lành mạnh Từ khóa: lý thuyết dựa trên dữ kiện thực địa, mạng xã hội, sinh viên, thông tin. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Mạng xã hội (MXH) trở thành một phương tiện đơn giản, ít tốn kém chi phí, nhưng lại có thể ảnh hưởng sâu rộng, có tính thân thuộc, gần gũi, phù hợp với tâm lý đại đa số người dân trong đó có SV(Vũ Nhật Phương và cộng sự., 2023). Theo Nguyễn Thị Bích Nguyệt và Nguyễn Thị Hằng (2023), MXH có rất nhiều hình thức nhưng có thể phân chia thành 2 đặc trưng là: mạng xã hội chia sẻ thông tin cá nhân (Facebook, Zalo, Instagram, MySpace, Locket, Threads...) và mạng chia sẻ tài nguyên (Youtube, Flickr, Scribd…). Tính đến tháng 1 năm 2024, cà nước có 72,70 triệu người dùng MXH đang hoạt động tại Việt Nam tương đương với 73,3% tổng dân số cho thấy mức độ phổ biến của MXH trong đời sống xã hội (Data reportal và We are social, 2024). Về mặt nghiên cứu, Trần Thị Minh Đức và Bùi Thị Hồng Thái (2014) đã khảo sát 4.247 SV ở 6 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, Facebook hiện đang là MXH được ưa dùng nhất trong SV - chiếm 86,6%. Thời gian thường sử dụng là từ 1 giờ đến dưới 3 giờ/ngày là cao nhất (chiếm 43,5%) và SV thường sử dụng MXH như công cụ để trò chuyện, tương tác với người khác. Ở một nghiên cứu khác, Ngô Thị Châm (2016) dựa trên phân tích phỏng vấn sâu 16 SV khoa Công tác xã hội của Trường Đại học Công Đoàn (Hà Nội) cho thấy có sự khác biệt giới về mục đích sử dụng mạng xã hội Facebook của SV. Cụ thể, SV nữ chủ yếu trò chuyện, tương tác với bạn bè và theo dõi các trang thông tin liên quan đến thời trang, làm đẹp và các thông tin về ẩm thực. Trong khi đó, SV nam chủ yếu theo dõi các thông tin thời sự, chính trị, thể thao. Đối tượng tương tác của SV khi sử dụng mạng xã hội Facebook chủ yếu là bạn bè, gia đình và những đối tượng quen biết ngoài đời thực. Trong đó, bạn bè là đối tượng tương tác thường xuyên nhất được SV lựa chọn khi tham gia sử dụng mạng xã hội Facebook. Bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội, nghiên cứu của Lê Thị Thanh Hà và cộng sự (2017) dựa trên khảo sát trên 1533 SV đại học tất cả các chuyên ngành và năm học đang theo học tại trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả phân tích cho thấy các yếu tố tìm kiếm thông tin, giải trí, tính thời thượng và công cụ tìm kiếm có ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của SV. Ở chiều ngược lại, Vũ Nhật Phương và 135
  2. cộng sự (2023) cho rằng MXH cũng đang đem lại rất nhiều tác động tiêu cực như làm giảm sự tương tác trực tiếp giữa mọi người, tăng ham muốn được mọi người chú ý, xao lãng mục tiêu cuộc sống, có thể dẫn đến nguy cơ trầm cảm cao hơn, các mối quan hệ tình cảm có nhiều khả năng bị đổ vỡ, mất hứng thú dẫn đến giết chết sự sáng tạo, bị bắt nạt trên MXH, so sánh bản thân làm giảm lòng tự trọng, mất ngủ, thiếu sự riêng tư cần thiết…Đứng trước những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực của MXH đối với SV, nhóm tác giả Lâm Thành Hiển (2023) và cộng sự đã đề xuất các giải pháp về mặt kỹ thuật và văn hóa. Trong đó, cần trang bị cho SV tri thức và kỹ năng về bảo mật tài khoản, bảo mật thông tin cá nhân, cách nhận diện website, MXH an toàn, chính thống. Về mặt văn hóa, cần lồng ghép các nội dung về ứng xử trên MXH vào chương trình giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của SV, đặc biệt là nội dung của Luật An ninh Mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên MXH… So với hàng rào kỹ thuật, việc xây dựng một hàng rào văn hoá cho người học là một giải pháp mang tính lâu dài, bền vững, nhưng cũng là giải pháp khó, bởi hiệu quả của nó phụ thuộc vào trình độ nhận thức, thế giới quan, môi trường sống, giai đoạn lịch sử, sự trải nghiệm của cá nhân SV. Có thể thấy rằng, các vấn đề liên quan đến sử dụng MXH của SV là một trong những vấn đề được quan tâm nghiên cứu trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu đều diễn ra ở một môi trường cụ thể (Ngô Thị Châm, 2016; Lê Thị Thanh Hà và cộng sự, 2017; Vũ Nhật Phương và cộng sự, 2023) hoặc trên phạm vi cả nước nhưng cũng chỉ tập trung ở 6 thành phố lớn như nghiên cứu Trần Thị Minh Đức và Bùi Thị Hồng Thái (2014). Chính vì thế, cần một nghiên cứu có quy mô lớn hơn đối với khách thể là SV được đào tạo ở các khối ngành khác nhau, nhằm đưa ra những kết quả mang tính đại diện hơn. Bài viết này là một trong những nỗ lực lấp đầy khoảng trống đó khi khảo sát được triển khai đến tất cả các Trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Hội sinh viên Việt Nam trên cả nước. Nội dung chính của bài viết bao gồm: (1) MXH mà SV thường sử dụng; (2) Hoạt động SV thường làm trên MXH và (3) Đánh giá của SV về ảnh hưởng của MXH. 2. LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Lý thuyết nghiên cứu Baran (2019) cho thấy có sự khác biệt trong nhận thức về phương tiện truyền thông đại chúng khi trước đây đó là độc giả, thính giả hay khán giả (của tờ báo, đài phát thanh hay đài truyền hình) thì với mạng xã hội không có độc giả, thính giả hay khán giả, mà nó có những người sử dụng (dẫn lại theo Trần Hữu Quang, 2022). Quan điểm chính trong bài viết nàychúng tôi dựa trên khái niệm người sử dụng internet (prosumer) do Ritzer và Jurgenson (2010) đề xướng. Theo đó, người sử dụng internet là “prosumer”, một từ ghép giữa từ “consumer” (người tiêu thụ) với từ “producer” (người sản xuất) - tạm dịch là “người vừa-sản-xuất-vừa-tiêu-thụ”. Như vậy, SV trong nghiên cứu này vừa là người đưa thông tin và vừa cập nhật thông tin từ người khác. Ngoài ra, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Mark Deuze (2021) rằng, giới nghiên cứu cần có một lập trường quân bình giữa những kỳ vọng về sự hữu ích của MXH như việc gia tăng các phong trào xã hội mới như như #metoo6 và #blacklivesmatter 7 với việc phê phán những khía cạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực liên quan tới những thuật toán và những hệ thống trí tuệ nhân tạo vốn là nền tảng của các trang MXH. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết này sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa định lượng và định tính. Trong phương pháp định lượng, khách thể chính trong nghiên cứu này là SV đang theo học tại các trường cao đẳng và đại học ở các loại hình trường công lập và ngoài công lập ở 6 khu vực (1) vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; (2) vùng Đồng bằng sông Hồng; (3) vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; (4) Vùng Tây Nguyên; (5) Vùng Đông Nam Bộ và (6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về dung lượng mẫu, đối với mẫu nghiên cứu định lượng, chúng tôi chọn mẫu thuận tiện theo phân tầng theo các tiêu chí đã đề cập ở trên. Dung lượng mẫu nghiên cứu định lượng mà chúng tôi khảo sát trực 6 Phong trào Me Too (bắt nguồn từ hashtag "#MeToo") là một phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục. 7 “Black Lives Matter” xuất hiện như một từ khóa nóng trên mạng xã hội Twitter từ năm 2016 là câu khẩu hiệu được in phổ biến trên áo và là một phong trào phản đối sự phân biệt đối xử của cảnh sát với người da màu. 136
  3. tuyến được là 26331 SV trên nền tảng REDCap từ ngày 1/6/2023 đến ngày 30/6/2023. Dữ liệu định lượng được phân tích bằng phần mềm SPSS 20.0 với các thủ tục thống kê mô tả (tần số, phần trăm và điểm trung bình) và kiểm định mối liên hệ giữa hai biến định tính bằng thủ tục Chi-square. Bảng 1: Thông tin mẫu định lượng Tần số Đặc trưng cá nhân Tần suất (%) (người) Nam 8847 33,6 Giới tính Nữ 17484 66,4 năm 1 10255 35,1 năm 2 9251 19,9 Năm học năm 3 5244 38,9 năm 4 trở lên 1581 6,0 Công lập 21707 82,4 Loại hình Dân lập 4183 15,9 trường Khác 441 1,7 Cao đẳng 1353 5,1 Bậc học Đại học 24978 94,9 Trung du và miền núi phía Bắc 4781 18,2 Vùng Đồng bằng sông Hồng 7798 29,6 Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải 2441 9,3 Khu vực miền Trung Vùng Tây Nguyên 2388 9,1 Vùng Đông Nam Bộ 6165 23,4 Vùng Đồng bằng sông 2758 10,5 Khoa học tự nhiên 3712 14,1 Khoa học xã hội và nhân văn 3804 14,4 Kinh tế - Ngoại thương 5010 19,0 Khối ngành Khoa học kỹ thuật và công nghệ 4525 17,2 Khoa học sự sống 3579 13,6 Khối nghệ thuật 1820 6,9 N = 26311 Nguồn: Dữ liệu khảo sát tháng 6/2023 Trong 26311 sinh viên tham gia khảo sát có 17844 sinh viên nữ chiếm 66.4% và 8847 sinh viên nam có tỷ lệ 33.6%. Về năm học, số sinh viên năm 1 trả lời chiếm tỷ lệ cao nhất với 38.9% (10255 sinh viên) và thấp nhất là sinh viên năm tư trở lên với 1581 người tương đương 6% dung lượng mẫu nghiên cứu. Theo khu vực khảo sát, số lượng sinh viên ở các khu vực có sự chênh lệnh không quá lớn nên thuận tiện trong việc phân tích và so sánh theo khu vực. Theo đó, sinh viên khu vực “Đồng bằng sông Hồng” và “Đông Nam Bộ” có tỷ lệ trả lời cao nhất với 29.6% và 23.4%. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên có tỷ lệ tham gia thấp nhất trong 6 vùng với 2388 sinh viên tương đương 9.1%. Về khối ngành, có sự phân bổ khá tương đồng khi khối có sinh viên trả lời cao nhất là khối Kinh tế - ngoại thương với 19% trong khi khối thấp nhất là khối nghệ thuật có 1820 sinh viên tham gia trả lời. Ở phương pháp nghiên cứu định tính, chúng tôi đã phỏng vấn sâu 82 SV trên cả nước theo các tiêu chí về loại hình trường, khu vực, năm học, ngành học và giới tính. Sau khi kiểm tra chất lượng thông tin, có 75 phỏng vấn sâu được sử dụng để phân tích. Ngoài ra, trong nghiên cứu này có trích dẫn ý kiến của 6 SV có thông tin như sau: 137
  4. Bảng 2. Thông tin mẫu nghiên cứu định tính Họ tên a Giới tính Năm học Khu vực Ngành học MS Lê Văn Thanh Nam Năm 3 Đà Lạt Du lịch PVS01 Nguyễn Văn Tú Nam Năm 3 Hà Nội Công tác xã hội PVS16 Nguyễn Thị Hải Yến Nữ Năm 4 TP. Hồ Chí Minh Công tác xã hội PVS30 Lê Thị Mai Nữ Năm 2 Thái Nguyên Ngôn ngữ Anh PVS40 Trần Thanh Hùng Nam Năm 3 Đà Nẵng Công nghệ thông tin PVS72 Trần Hữu Dồng Nam Năm 2 Hà Nội Báo in PVS50 a Tên SV đã được đổi tên để đảm bảo bí mật thông tin Cách tiếp cận chúng tôi sử dụng trong bài viết này là phân tích thông tin dựa trên cơ sở dữ kiện thực địa (grounded theorical analysis). Theo đó, việc thu thập dữ liệu được thực hiện theo cách thức quy nạp để làm sáng tỏ các vấn đề xã hội trong thế giới “thực” vốn đầy rẫy những phức tạp (Bytheway, 2018). Qua việc thu thập thông tin từ quan sát hoặc phỏng vấn, dữ liệu luôn được được sử dụng để so sánh liên tục (constant comparision) cùng với việc mã hóa (coding) và ghi nhớ là tâm điểm của quá trình phân tích. Quy trình phân tích dữ liệu định tính được chúng tôi thực hiện theo quy trình sau: (1) Thu thập dữ liệu; (2) Mã hóa thông tin (coding); (3) Xây dựng bản mã (code book) – dàn ý; (4) Ráp mã; (5) Viết mô tả dữ liệu; (6) Phân tích, giải thích dữ liệu và (7) Lý giải, tranh luận học thuật. Dữ liệu định tính được chúng tôi mã hóa, xử lý và phân tích bằng phần mềm NVIVO 14 theo hướng mã hóa theo trường hợp và phân tích các mối liên hệ theo các đặc điểm của mẫu khảo sát như giới tính, loại hình trường, năm học, khu vực dựa trên Codebook mà chúng tôi đã xây dựng. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Mạng xã hội sinh viên thường sử dụng Kết quả khảo sát từ 26331 SV cho thấy, gần như tất cả đều sử dụng Facebook và Zalo với tỷ lệ rất cao 97,8% và 97%. Kết quả khảo sát của Trần Thị Minh Đức và Bùi Thị Hồng Thái (2014) trên 4247 SV ở 6 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh cũng phản ánh Facebook là MXH mà SV thường sử dụng nhất với 86.6%. Ở một khảo sát khác gần đây, Decision Lab (2022) lấy ý kiến của 2.149 người, trải dài từ thế hệ Gen X đến Gen Z trên cả nước cũng cho thấy Facebook vẫn là cái tên được cả ba thế hệ sử dụng. Ngoài Facebook, Zalo thì Intasgram và Tiktok cũng là hai dịch vụ mạng xã hội được SV sử dụng rất nhiều với tỷ lệ lần lượt là 84,7% và 85,6%. Xu hướng đáng chú ý là SV thường dùng cùng một lúc nhiều dịch vụ MXH khác nhau. Biểu đồ 1: Mạng xã hội sinh viên thường sử dụng (%) 97,8 97 85,6 84,7 75,8 7,1 5,1 Nguồn: Dữ liệu khảo sát tháng 6/2023 Ý kiến của Văn Tú, SV năm 3 ngành Công tác xã hội ở Hà Nội, được chúng tôi xem như ý kiến đại diện xu hướng về MXH mà SV sử dụng: “Với mình thì nền tảng mạng xã hội mình biết đến khá là nhiều, nhưng hình thức mình sử dụng nhiều nhất là Facebook và Zalo với bản thân thì đôi khi mình sẽ sử dụng zalo để trao đổi công việc. 138
  5. Và nó sẽ cân đối qua số điện thoại nên là nó sẽ khá là thuận tiện. Còn Facebook thì với mình nó sẽ là một cái trang để mình có thể chia sẻ với bạn bè người thân và giải trí nhiều hơn, hoặc là mình có thể chia sẻ và lan tỏa đến nhiều người hơn. Còn Zalo thì nó sẽ liên quan đến phạm trù công việc và sẽ là giải quyết những cái vấn đề công việc trong cuộc sống nhiều hơn. (PVS16, nam, năm 3, Công tác xã hội, Đồng bằng sông Hồng) 3.2. Hoạt động sinh viên thường làm trên mạng xã hội Ngoài mục đích giải trí chiếm tỷ lệ cao nhất với 91,4%, chúng tôi nhận thấy 89.8% SV trong mẫu khảo sát này coi MXH như là kênh để “liên lạc với bạn bè, người thân”. Việc cập nhật tin tức thông qua MXH đã trở nên phổ biến và xu hướng này cũng được thể hiện trong nghiên cứu này khi có đến 84,8% SV lựa chọn. Có thể nói MXH đang đóng vai trò quan trọng giúp SV kết nối và giao tiếp với bạn bè, người thân không chỉ trong nước mà còn trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, MXH còn là nơi để họ thể hiện quan điểm cá nhân (68 %) và xây dựng hình ảnh cá nhân (52,5%) khi cung cấp cho SV nền tảng để chia sẻ thông tin, trải nghiệm, ý kiến và sáng tạo nội dung. Họ có thể viết blog, đăng ảnh, video, bài viết và tham gia các nhóm chuyên đề để chia sẻ kiến thức và quan điểm của mình. Một xu hướng khác khá mới trong hoạt động của SV trên MXH là tìm kiếm việc làm (41,7%) và mua bán hàng hóa, sản phẩm (24.2%). So sánh giữa nam và nữ, chúng tôi nhận thấy có những khác biệt khá thú vị, nếu như nữ SV quan tâm đến “mua bán sản phẩm” và “tìm kiếm việc làm” thì ngược lại nam SV lại sử dụng MXH để “cập nhật tin tức” (xem thêm bảng 2). Điều này cho thấy có sự khác biệt giới trong sinh viên khi sử dụng mạng xã hội, kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu của Ngô Thị Châm (2016). Bảng 3: Hoạt động sinh viên thường làm trên mạng xã hội theo giới tính Hoạt động Nam Nữ Chung Sig. Giải trí 91,3 91,4 91,4 0,973 Liên lạc với bạn bè, người thân 89,7 89,9 89,8 0,728 Cập nhật tin tức 88,2 81,4 84,8 0,000 Thể hiện quan điểm cá nhân 67,8 68,2 68 0,531 Xây dựng hình ảnh cá nhân 52,6 52,8 52,5 0,572 Tìm kiếm việc làm 36,1 47,3 41,7 0,000 Mua bán sản phẩm 19,1 29,3 24,2 0,000 N = 263311 Nguồn: Dữ liệu khảo sát tháng 6/2023 Để phân tích rõ hơn mục đích sử dụng MXH, chúng tôi đã lọc từ khóa từ 75 phỏng vấn sâu và phân loại theo MXH mà SV thường dùng, kết quả được thể hiện ở bảng 3 sau đây: Bảng 3: Mục đích sử dụng mạng xã hội Mạng xã hội Mục đích sử dụng Facebook Trò chuyện; Đăng hình ảnh cá nhân, hình ảnh hoạt động xã hội, hoạt động đi làm, chia sẻ cảm xúc; Kết bạn và tạo dựng mối quan hệ; Tìm kiếm việc làm; Cập nhật tin tức; Coi clip; Mua hàng; Theo dõi thần tượng; Trao đổi trên nhóm học tập (nhóm kín); Xây dựng hình ảnh cá nhân. Zalo Học tập (họp nhóm), liên hệ công việc, liên hệ công tác Đoàn – Hội, liên hệ người thân, chia sẻ hình ảnh. Instagram Chia sẻ hình ảnh; Cập nhật địa điểm đến; Đăng “story” cá nhân; Mua hàng; Xây dựng hình ảnh cá nhân. Tiktok Coi clip giải trí; Các mẹo trong học tập, đời sống; Mua hàng; Theo dõi xu hướng; Tập Gym. Youtube Coi video; Theo dõi thần tượng; Nghe nhạc; Học ngoại ngữ; Học kỹ năng; Xem phim. Nguồn: Dữ liệu khảo sát tháng 6/202 Từ những kết quả trên cho thấy, SV có cách sử dụng MXH cho từng mục đích rõ ràng. Ý kiến của bạn Yến SV năm 4 ngành Công tác xã hội ở TP. Hồ Chí Minh có thể coi là đại diện cho xu hướng này: 139
  6. “Mình thường dùng Instagram, Facebook với Zalo là dùng nhiều nhất. Thứ nhất, là để cập nhật thông báo bên sinh viên, những group khoa Đoàn - Hội, group riêng thông báo liên tục. Còn Zalo thì để nhắn những chỗ đi làm bán thời gian, hoặc là những chỗ tình nguyện của CLB đều làm việc qua Zalo hết, còn Instagram là riêng tư, để mình đăng những bài blog cảm xúc, những trải nghiệm. Ví dụ như mình đến địa điểm nào đó mình thích thì mình check-in. Mỗi app mình đều có mục đích riêng.” (PVS30, nữ, năm 4, Công tác xã hội, TP.Hồ Chí Minh) Thanh là nam SV năm 3 ngành du lịch ở Đà Lạt, bạn đã làm thêm từ khi học năm 1 và công việc đó gắn liền với facebook: “Mình nhắn tin bạn bè, xem tin tức mọi người rồi tranh thủ bán hàng online trên Facebook như là bán vòng, bán các đồ mà mình thích chẳng hạn hoặc PR cho một cái homestay, một cái khách sạn để kiếm một khoản hoa hồng nhỏ. Mấy việc này mình có thể kiếm được bằng cách dạo một vòng trên Facebook rồi nhắn tin hỏi thử (cười). Nói chung, Facebook không chỉ là nơi giải trí mà còn là nơi để kiếm tiền.” (PVS01, nam, năm 3, du lịch, Tây Nguyên) Chúng tôi nhận thấy rằng, xu hướng chung SV thường sử dụng Facebook cho những mục đích mang tính giao tiếp, kết bạn, giải trí và việc làm theo hướng công cộng nhiều hơn. Còn Instagram dùng để đăng tải những hình ảnh hay câu chuyện mang tính cá nhân nhiều hơn. Đối với nền tảng Tiktok, hoạt động chủ yếu của SV là đăng hoặc xem các clip ngắn với các nội dung rất phong phú, đa dạng từ giải trí đến các “tip” học tập hay kỹ năng, và xem review sản phẩm cần mua. Đối với nghe nhạc, xem phim và học tập như học ngoại ngữ thì Youtube là lựa chọn hàng đầu. Zalo chủ yếu được SV dùng để liên lạc với người thân và công việc. 3.3. Đánh giá về ảnh hưởng của mạng xã hội Trong phần này, chúng tôi dựa vào dữ liệu định tính về ảnh hưởng của MXH để phân tích. Chúng tôi muốn phản ánh những ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đang tồn tại trong đời sống SV mà chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn sâu. Về mặt tích cực, ý kiến từ 75 phỏng vấn sâu SV xoay quanh các từ khóa ở hình 1: Hình 1: Ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội Nguồn: Dữ liệu phỏng vấn tháng 6/2023 Điểm tích cực lớn nhất của MXH là giúp“kết nối mọi người”, SV thông qua đây có thể kết bạn, liên hệ với người thân nhất là đối với SV học xa nhà. Ngoài ra, thông qua MXH, SV còn tìm được những nhóm bạn cùng sở thích, đam mê để chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. SV trong mẫu phỏng vấn đề cập đến lợi ích này nhiều nhất với 23 lần. Một trong những tính năng ưu việt của MXH là nó đáp ứng nhu cầu tâm lý hết sức căn bản của con người với tư cách là thành viên của xã hội. Trong nghiên cứu 140
  7. của Baran (2019), người ta gắn bó với MXH do nhu cầu thuộc về (the need to belong) khi chúng ta luôn mong muốn sống với người khác và được người khác thừa nhận. Bên cạnh đó, là nhu cầu trình hiện cái tôi (the need for self-presentation) - con người chúng ta luôn luôn cố gắng tạo ra hình ảnh mà người khác nghĩ về mình. Hai nhu cầu này luôn xảy ra cùng lúc, vì tập quán sử dụng mạng xã hội không những chỉ giúp SV thấy rằng mình thuộc về nhóm nào mà còn giúp họ cảm thấy rằng mình được thừa nhận, và vì thế củng cố cho sự tự tin của họ. Lợi ích được SV nhắc đến với tần số nhiều thứ hai là thông qua MXH, họ được cập nhật thông tin một cách nhanh chóng với tư cách người tiếp nhận cũng như người sản xuất thông tin. Việc tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng này giúp SV có thêm nhiều kiến thức mới trong học tập, những xu hướng mới trong đời sống. SV cũng cho rằng MXH chính là nơi để SV giải trí mang lại tiếng cười, niềm vui và giúp họ giảm stress sau những giờ học tập căng thẳng hoặc làm thêm mệt nhọc. Ngoài ra, những lợi ích liên quan đến việc tăng hiệu quả làm việc nhóm, dễ dàng tìm kiếm tài liệu, dễ mua sắm hay những điều tích cực mà họ đọc, nghe, xem trên MXH còn giúp SV có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo cũng như truyền cho họ động lực vượt qua những khó khăn mà họ đang đối diện. Theo Baran (2019), MXH là một con dao hai lưỡi. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực thông qua những tính năng hữu ích, các nghiên cứu đã nhận diện ra không ít vấn đề và hiệu ứng xã hội tiêu cực của nó. Ý kiến của SV trong khảo sát này cũng phản ánh rất rõ điều này. Bằng cách lọc dữ liệu theo từ khóa “ảnh hưởng tiêu cực”, sau đó tiến hành đọc và ráp mã, chúng tôi đã phát hiện ra những cụm từ chính mà SV nhắc đến khi đề cập đến ảnh hưởng tiêu cực: Hình 2: Ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đối với sinh viên Nguồn: Dữ liệu phỏng vấn tháng 6/2023 Ảnh hưởng tiêu cực mà SV nhắc đến nhiều nhất đó chính là “tốn thời gian”. Kết quả khảo sát định lượng cho thấy có đến 85.1% SV sử dụng MXH ở mức độ “hàng ngày” khiến cho một bộ phận SV không có thời gian tập trung cho việc học tập. Ngoài ra sử dụng MXH quá nhiều còn “gây nghiện” làm SV không thoát ra được và gây ra những hiệu ứng có hại cho cuộc sống hàng ngày. Chia sẻ của Vân , nữ SV năm hai ngành Ngôn ngữ Anh ở Thái Nguyên cho thấy mức độ lệ thuộc quá lớn của bạn vào MXH và trong những cuộc phỏng vấn sâu mà chúng tôi thực hiện, tình trạng này là khá phổ biến: “Mình có thói quen sử dụng điện thoại quá nhiều luôn á. Sáng dậy mở mắt lên đầu tiên là phải đụng được cái điện thoại rồi, đụng là phải mở mạng lên, mở wifi lên để xem hôm nay có gì mới không. Ví dụ như tới giờ học thể dục đi, tới giờ kiểm tra mà mọi người đang kiểm tra mà chưa tới mình á thì mình lại lấy điện thoại ra like like share shre. Không biết sao nữa mà kiểu không có điện thoại, không vô mạng xã hội là không sống được luôn á. Nó giống như kiểu nó sẽ đồng hành với mình đến cuối đời luôn ấy không có nó là không thể sống được.” (PVS49, nữ, năm 2, Ngôn ngữ Anh, Tây Nguyên) 141
  8. Không chỉ lệ thuộc như bạn Vân, việc tiếp cận thông tin mà không kiểm chứng là vấn đề được bạn Đồng là sinh viên năm 2 ngành báo in ở Hà Nội chia sẻ về ảnh hưởng tiêu cực đến sinh viên: “bên cạnh tiêu cực là cực ngốn thời gian, việc các bạn sinh viên không có được cái bộ lọc thông tin và cái sự gọi là góc nhìn khách quan đa chiều thì sẽ dễ bị cuốn theo những thông tin xấu, độc thậm chí là không được kiểm chứng nên dễ bị ảnh hưởng rất nhiều…có khi tay nhanh hơn não vào bình luận “linh tinh” mà không hiểu là mình đang vi phạm phạm luật” (PVS56, nam, năm 2, Báo in, Đồng bằng sông Hồng) Việc bị nghiện MXH và tiếp nhận quá nhiều thông tin, nhất là những thông tin tiêu cực có thể dẫn đến nhiều cảm xúc tiêu cực như Vân và Đồng đã đề cập. Nguyên nhân một người dùng MXH liên tục được “giới thiệu” cho rất nhiều thông tin có cùng chủ đề tiêu cực đến từ hiện tượng “bong bóng sàng lọc” (filter bubbles), một thuật toán phổ biến. Nó sàng lọc và cung cấp cho cá nhân những thông tin phù hợp với sở thích, quan điểm, lượt tìm kiếm, lượt xem của họ. Chính vì thế nếu SV đã xem quá một lần những tin tức tiêu cực trên bất kỳ một mạng xã hội nào thì chắc chắn họ sẽ liên tục được “giới thiệu” những thông tin tương tự và rất dễ bị“đắm chìm” trong những tin tức mang màu sắc tiêu cực đó. Ngoài ra, cảm xúc tiêu cực còn có thể đến do hiệu ứng “ganh tỵ” khi thấy người khác có những điều mà bản thân SV không thể đạt được. Như tâm sự của một SV trong nghiên cứu, khi lên Tiktok bạn luôn thấy những clip của những người bằng tuổi với bạn nhưng đã thu nhập “khủng” khiến bạn cảm thấy tự ti, thua kém hoặc, cảm xúc tiêu cực còn đến từ những hiệu ứng “trầm cảm” do những kỳ vọng về cảm xúc hồi đáp không như mong muốn. Ví dụ như không nhận được nhiều người “thích” (like) như mình mong muốn (Sagioglou & Greitmeyer, 2014, được trích dẫn trong Baran, 2019 và được dẫn lại theo Trần Hữu Quang, 2022). Một vấn nạn hiện nay trên MXH cũng được SV đề cập đó là sự nhiễu loạn về mặt thông tin. Tin giả, tin xấu tràn lan mỗi ngày gây hoang mang cho quá trình tiếp nhận thông tin của họ và làm họ phải mất nhiều thời gian để sàng lọc. Điều này cho thấy nếu SV không tỉnh táo trong quá trình tiếp nhận thông tin sẽ rất dễ bị lợi dụng hoặc bị lừa đảo trên MXH. “Tin giả” đang vấn đề xã hội hết sức phức tạp khi những người tin vào tin giả vừa là “nạn nhân” nhưng đôi khi cũng chính là “thủ phạm” khi đồng hành và đồng lõa với những tin giả mà họ tiếp nhận bằng cách tiếp nhận và chia sẻ. Thực trạng này được Hùng ,nam SV ngành Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng phản ánh: “Có một số bạn sinh viên như kiểu tay nhanh hơn não (cười) lên trên mạng đọc thấy những tin giật gân rồi có những tin tào lao mà không chịu kiểm chứng lại bắt đầu lại share lên trang của mình hay gửi cho bạn bè thân. Em thấy rất nguy hiểm, nhiều trường hợp bị phạt rồi đó như vụ đưa tin về khủng bố ở Daklak vừa rồi, em thấy sử dụng mạng mà không tỉnh táo là coi chừng có ngày ôm hận, dù em biết có khi các bạn chỉ vô tình thôi nhưng các bạn đang tiếp tay cho điều xấu” (PVS72, nam, năm 3, Công nghệ thông tin, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung) Chúng tôi cho rằng với “căn bệnh xã hội” về tin giả mà một bộ phận SV đang mắc phải hiện nay, Nhà trường và các tổ chức Đoàn – Hội cần phải có những biện pháp để hỗ trợ SV “chữa bệnh” giúp họ sáng suốt và tỉnh táo trong việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên MXH. Đặc tính cơ bản của người sử dụng trên MXH là tính ẩn danh, khi người sử dụng có thể lấy nickname hoặc một tên giả nào đó để tạo hồ sơ trên MXH. Chính điều đó làm cho họ có thể dễ dàng bộc lộ cảm xúc và sẵn sàng tấn công, bắt nạt người khác hay thậm chí có những hành vi quấy rối tình dục trên MXH. Nghiên cứu của Lê Anh Vũ (2022) trên 3448 SV vùng Đông Nam Bộ cho thấy có đến 27.9% SV từng “Bị người khác gửi các hình ảnh khỏa thân trên mạng xã hội” và 16.4% SV từng “Bị phát tán những tin đồn nhảm, có tính chất xúc phạm và làm nhục trên mạng xã hội”. Hiện tượng SV bị tấn công, quấy rối và lừa đảo trên MXH đang tồn tại và cần được cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn. Kết quả phân tích của chúng tôi còn cho thấy khi SV sử dụng MXH còn dẫn đến hệ lụy là “lười suy nghĩ” khi họ luôn có tâm thế đi tìm câu trả lời đó trên mạng xã hội thay vì tự tư duy. Điều này hoàn toàn không có lợi cho việc học tập và rèn luyện năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề 142
  9. của SV. Tâm thế “lười suy nghĩ” này cũng phần nào lý giải cho sự phụ thuộc của một bộ phận SV vào MXH đến mức “không thể sống được” như chúng tôi đã phân tích ở trên. 4. KẾT LUẬN Nghiên cứu đã chỉ ra rằng MXH đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của SV, mạng xã hội họ thường sử dụng là Facebook và Zalo. Sinh viên sử dụng MXH không chỉ để liên lạc và giải trí mà còn để học tập và mở rộng mạng lưới xã hội. Đặc biệt, MXH đã giúp kết nối SV với bạn bè, gia đình, và thậm chí là cả những người khó khăn trên cộng đồng mạng. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào MXH cũng đã gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như việc dễ dàng tiếp nhận tin giả, và nguy cơ "nghiện" MXH, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả học tập và sức khỏe tinh thần của SV. Ngoài ra, sự ẩn danh trên MXH cũng làm gia tăng các hành vi tiêu cực như bắt nạt, quấy rối, và phát tán thông tin sai lệch. Để giải quyết những vấn đề này, cần có sự hợp tác từ các cấp độ giáo dục, gia đình và chính sách xã hội. Các trường đại học nên tích cực lồng ghép nội dung giáo dục về an toàn, bảo mật thông tin cá nhân và nhận diện thông tin chính xác trên MXH vào chương trình giảng dạy. Ngoài ra, cần tăng cường các chương trình hỗ trợ về kiến thức và kỹ năng để sinh viên có thể nhận diện và phản ứng một cách phù hợp với thông tin và hành vi trên mạng, đặc biệt là trong bối cảnh tin giả ngày càng phổ biến. Lời cám ơn: Nghiên cứu này được tài trợ của Hội Sinh viên Việt Nam qua đề tài “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay”. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bytheway, J. A. (2018).Using grounded theory to explore learners’ perspectives of workplace learning. International Journal of Work-Integrated Learning, 19(3), 249-259 2. Deuze. M (2021). Challenges and opportunities for the future of media and mass communication theory and research: Positionality, integrative research, and public scholarship. Central European Journal of Communication, 28(1), 5-26. 3. Decision Lab (2022). Báo cáo định hình sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay. Truy cập ngày 12/4/2024 tại https://www.emg.com.vn/bao-cao-dinh-hinh-su-phat-trien-cua-cac-nen- tang-mang-xa-hoi-tai-viet-nam-hien-nay/ 4. Data reportal & We are social(2024). Digital 2024: Vietnam. Truy cập ngày 15/4/2024 tại https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam 5. Đức, T.T.M & Thái, B.T.H. (2014). Sử dụng mạng xã hội trong sinh viên Việt Nam. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 8, 50-61. 6. Hà, L.T.T, Anh.T.T. & Trí, H.X. (2017). Nghiên cứu các nhân tố của mạng xã hội tác động đến kết quả học tập của sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (HuFi). Tạp chí khoa học công nghệ và thực phẩm, 11, 104-112. 7. Hiển, L.T. và cộng sự (2023). Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý sinh viên trên mạng xã hội: Nghiên cứu tại Trường Đại học Lạc Hồng. Tạp chí Khoa học Lạc Hồng , 15 (1), 66-70. 8. Nguyệt, N.T.B & Hằng, N.T. (2023). Vai trò của mạng xã hội đối với học tập cộng tác. Tạp chí Công thương,13, 256-261. 9. Phương, V.N vả cộng sự (2023). Ứng dụng mạng xã hội trong việc định hướng dư luận sinh viên tại các trường đại học ở Việt Nam. Tạp chì khoa học và công nghệ, 5(3), 88-96 10. Quang, T.H. (2022). Hội nhập hay phân cực: Những hiệu ứng xã hội của mạng xã hội trực tuyến. Tạp chí khoa học Đại học Mở, 17(2), 7-19. 11. Ritzer. G & Jugenson. N (2010). Production, consumption, prosumption: The nature of capitalism in the age of the digital ‘prosumer. Journal of consumer culture, 10 (1), 13-36. 12. Vũ, L.A. (2020), Phân tích định lượng về nhận thức của sinh viên vùng Đông Nam Bộ với các hình thức quấy rối tình dục ở nơi công cộng, Thiết bị giáo dục, số 10, tr.275-277 143
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2