
iii
TÓM TẮT
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng và mức độ ảnh
hưởng của chúng đến tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại các ngân hàng thương mại cổ phần
(TMCP) Việt Nam giai đoạn từ năm 2012 – 2023. Bài nghiên cứu kiểm định 8 yếu
tố bao gồm: Quy mô ngân hàng (SIZE); Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu
(ROE); Tốc độ tăng trưởng tín dụng (CGR); Hiệu quả quản lý chi phí (ME); Tỷ lệ
an toàn vốn (CAR); Sở hữu nhà nước (STA); Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm
quốc nội (GDPGR); chỉ số giá tiêu dùng (CPI); Dịch bệnh Covid (COVID). Dữ liệu
đo lường được tác giả tiến hành thu thập từ các báo cáo tài chính hợp nhất đã được
kiểm toán của 24 ngân hàng thương mại cổ phần được công bố trong 12 năm.”Tiếp
theo, phương pháp nghiên cứu định lượng được áp dụng trong luận văn bao gồm:
phân tích thống kê mô tả, ma trận tương quan, mô hình hồi quy gộp (Pooled OLS),
mô hình hiệu ứng cố định (FEM), mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) và mô hình
bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (FGLS).
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Quy mô ngân hàng, Tốc độ tăng trưởng tín dụng,
Hiệu quả quản lý chi phí, Chỉ số giá tiêu dùng và Dịch bệnh Covid tác động cùng
chiều với tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam giai đoạn
2012 – 2023, trong khi đó Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, Tốc độ tăng trưởng
tổng sản phẩm quốc nội, Sở hữu nhà nước ảnh hưởng ngược chiều. Bên cạnh đó,
Tỷ lệ an toàn vốn không ảnh hưởng tới nợ xấu. Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả
đề xuất một số hàm ý chính sách với các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế tỷ lệ
này trong thời gian sắp tới.
Từ khóa: Nợ xấu, ngân hàng thương mại cổ phần, yếu tố vi mô, yếu tố vĩ mô.