intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

3 đề thi chọn HSG Ngữ Văn 12 cấp tỉnh kèm đáp án

Chia sẻ: Lê Thị Hồng | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

1.380
lượt xem
128
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tham khảo 3 đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 12 cấp tỉnh giúp các bạn học sinh có tài liệu ôn tập, luyện tập nhằm nắm vững được những kiến thức, kĩ năng cơ bản, đồng thời vận dụng kiến thức để giải các bài tập một cách thuận lợi và tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập của mình.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: 3 đề thi chọn HSG Ngữ Văn 12 cấp tỉnh kèm đáp án

  1. UBND TỈNH THÁI NGUYÊN SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH Năm học 2011 - 2012 MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 12 THPT (Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề) Câu 1 (8 điểm) Suy nghĩ của anh (chị) về câu ngạn ngữ Nga: “Đối xử với bản thân bằng lí trí, đối xử với người khác bằng tấm lòng”. Câu 2 (12 điểm) Bàn về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, sách giáo viên Ngữ văn 12 Nâng cao khẳng định: “Là một thi phẩm xuất sắc, gần như đạt đến sự toàn bích, bài thơ Tây Tiến ở đoạn nào cũng có những câu đặc sắc, những hình ảnh thơ độc đáo”. Anh (chị) hãy dựa vào những hiểu biết về bài thơ để trình bày quan điểm của mình về nhận định trên. ----------------------- Hết-------------------- Họ và tên thí sinh: ………………………………………. SBD: ………….
  2. UBND TỈNH THÁI NGUYÊN SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH Năm học 2011 - 2012 MÔN: NGỮ VĂN LỚP 12 THPT (Gồm có 03 trang) I. Hướng dẫn chung - Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá đúng bài làm của thí sinh. Tránh cách chấm đếm ý cho điểm. - Khi vận dụng đáp án và thang điểm, giám khảo cần vận dụng chủ động, linh hoạt với tinh thần trân trọng bài làm của học sinh. Đặc biệt là những bài viết có cảm xúc, có ý kiến riêng thể hiện sự độc lập, sáng tạo trong tư duy và trong cách thể hiện. Những ý kiến ngoài đáp án nếu có sức thuyết phục vẫn được chấp nhận. - Nếu có việc chi tiết hóa các ý cần phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm và được thống nhất trong toàn Hội đồng chấm thi. - Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu hỏi trong đề thi, chấm điểm lẻ đến 0,25 và không làm tròn. II. Đáp án và thang điểm Câu 1 ĐÁP ÁN Học sinh có thể tự do trình bày những suy nghĩ của mình nhưng cần đảm bảo những yêu cầu sau: 1. Về kiến thức a. Giải thích để rút ra ý nghĩa của câu ngạn ngữ - Đối xử với bản thân bằng lí trí: cách ứng xử với bản thân mình. Mỗi người cần có khả năng tự nhận thức, tự đánh giá về mình một cách tỉnh táo, sáng suốt và có phần khắt khe. Chính điều đó mới giúp ta có thể nhận ra những ưu điểm và hạn chế của bản thân để phát huy và khắc phục. - Đối xử với người khác bằng tấm lòng: cách ứng xử với mọi người. Với người khác chúng ta luôn nhìn nhận, đánh giá bằng lòng yêu thương và sự bao dung. Điều đó sẽ giúp người gần người hơn, tâm hồn sẽ thanh thản, nhẹ nhàng. Khi đối xử với người khác bằng tấm lòng ta sẽ được đón nhận tấm lòng. Cái được nhận lại cũng chính là cái mà ta đã từng cho đi. => Câu ngạn ngữ Nga đã nêu ra bài học về cách ứng xử của con người với bản thân và với người khác: Với bản thân phải nghiêm khắc, với mọi người phải vị tha, độ lượng. b. Suy nghĩ của cá nhân - Câu ngạn ngữ đúng. Bởi trong thực tế cuộc sống việc lí trí với bản thân và độ lượng với mọi người là rất cần thiết. - Tuy nhiên cũng cần phải linh hoạt để tránh những cách ứng xử cực đoan không mang lại kết quả tốt đẹp: + Quá lí trí với bản thân sẽ khiến ta trở thành người sống nguyên tắc, cứng nhắc, thậm chí khô khan, giáo điều. Người như vậy sẽ không biết cách đối xử với người khác bằng tấm lòng. Vì vậy trong những tình huống khác nhau của cuộc sống mỗi người cũng cần phải biết đối xử với chính mình bằng tấm lòng. Một người chỉ có thể khoan dung với người khác khi biết độ lượng với bản thân mình.
  3. + Quá dễ dãi khi dành tấm lòng cho người khác như: yêu thương không đúng cách, bao dung không đúng việc, vị tha không đúng người…cũng sẽ làm hại đến mọi người xung quanh, bản thân dễ bị người xấu lạm dụng. Đối xử với người khác bằng tấm lòng là đúng nhưng cũng có lúc, có người, có việc rất cần sự lí trí. Có như vậy ta mới đủ tỉnh táo và sáng suốt nhìn nhận, đánh giá vấn đề để có cách ứng xử cho đúng. - Bài học nhân sinh cho bản thân: Cần vận dụng linh hoạt ý nghĩa của câu ngạn ngữ trên. Hãy tùy vào thực tế cuộc sống mà ta lựa chọn cách ứng xử phù hợp với bản thân mình và mọi người. * Lưu ý: Khi làm bài thí sinh cần đưa dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề. 2. Về kĩ năng - Biết cách làm một bài văn NLXH về một tư tưởng đạo lý. - Bố cục sáng rõ, lập luận chặt chẽ, sắc sảo. - Hành văn trôi chảy, mạch lạc, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp… BIỂU ĐIỂM - Điểm 7 - 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. - Điểm 5 - 6: Đáp ứng ở mức độ tương đối các yêu cầu đã nêu. Còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp. - Điểm 3 - 4: Về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của bài. Có thể mắc một số lỗi về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp nhưng vẫn rõ ý của mình. - Điểm 1 - 2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Bài viết lan man không thoát ý hoặc quá sơ sài. - Điểm 0: Lạc đề, hoặc không làm bài. Câu 2 ĐÁP ÁN Bài làm của học sinh cần đảm bảo những yêu cầu sau đây: 1. Về kiến thức a. Giải thích và bày tỏ quan điểm về nhận định - Nhận định của SGV Ngữ văn Nâng cao lớp 12 đánh giá về vị trí, thành công của bài thơ Tây Tiến và nguyên nhân đưa tới những thành công ấy. - Đã có nhiều nhà phê bình nghiên cứu văn học cũng có chung quan điểm. Hs có thể dẫn ra để minh chứng. Ở đây xin được giới thiệu một vài ý kiến tiêu biểu: + GS Hà Minh Đức: Tây Tiến là một sáng tác có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật.Bài thơ được viết ra với những màu sắc thẩm mỹ phong phú. Có cái đẹp hùng tráng của núi rừng hiểm trở, và vẻ đẹp bình dị nên thơ của cuộc sống nơi bản làng quê hương, có cảm hứng mạnh mẽ hòa hợp với chất trữ tình nhẹ nhàng mềm mại trong thơ. Đặc biệt Tây Tiến là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hồn. Mỗi đoạn thơ mang một nhạc điệu riêng vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển khi đưa người đọc về với những kỉ niệm xa nên thơ và gợi cảm. + Đỗ Kim Hồi: Tây Tiến là đóa hoa thơ vào loại đẹp nhất của thơ ca trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. … b. Làm sáng tỏ vấn đề qua bài thơ - Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ: hoàn cảnh ra đời cùng những nét nổi bật về nội dung và nghệ thuật.
  4. - Nhận định đưa ra: bài thơ Tây Tiến ở đoạn nào cũng có những câu đặc sắc, những hình ảnh thơ độc đáo nên học sinh phải biết dựa vào bài thơ lựa chọn các câu thơ đặc sắc, hình ảnh thơ độc đáo để làm sáng tỏ vấn đề (Đây là phần trọng tâm của bài làm). * Lưu ý: Đề không yêu cầu phân tích bài thơ mà tập trung vào những câu thơ hay, những hình ảnh thơ độc đáo vì vậy học sinh phải lựa chọn đúng những câu thơ, hình ảnh thơ đặc sắc. Những câu thơ, hình ảnh thơ ấy không phải chỉ ở một đoạn mà ở tất cả các đoạn trong bài. c. Bình luận mở rộng Thành công của bài thơ Tây Tiến thể hiện tài năng và phong cách nghệ thuật đặc sắc của Quang Dũng. Mặc dầu có những thăng trầm ở giai đoạn khi mới ra đời nhưng với thời gian bài thơ đã có được vị trí xứng đáng trên thi đàn văn học Việt Nam và trong lòng bạn đọc. Điều đó khẳng định giá trị đích thực của nghệ thuật không gì có thể phủ nhận, sẽ trường tồn với cuộc đời. 2. Về kỹ năng - Biết vận dụng linh hoạt những kiến thức Ngữ văn đã học để làm bài văn NLVH. - Bố cục sáng rõ, lập luận chặt chẽ, sắc sảo. - Hành văn trôi chảy, mạch lạc, có cảm xúc. Chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp… BIỂU ĐIỂM - Điểm 11 - 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, bài làm có sự sáng tạo. - Điểm 9 - 10: Đáp ứng ở mức độ khá các yêu cầu của bài.Có thể có một vài lỗi nhỏ về diễn đạt, dùng từ, chính tả... - Điểm 7 - 8: Về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đề, nhưng bài làm chưa sâu, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp… - Điểm 5 - 6: Hiểu được yêu cầu của đề, cơ bản hiểu bài thơ nhưng giải thích, chứng minh và bình luận còn lúng túng. Mắc một số lỗi về diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp… - Điểm 3 - 4: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Bài làm sơ sài, thiên về phân tích đơn thuần. Diễn đạt lủng củng, tối nghĩa. Mắc nhiều lỗi. - Điểm 1 - 2: Chưa hiểu đề, bài làm quá sơ sài, mắc quá nhiều lỗi. - Điểm 0: Lạc đề, không làm bài. . ------------------ Hết-------------------------
  5. SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH LỚP 12 THPT BÌNH PHƯỚC NĂM HỌC: 2013 – 2014 ĐỀ THI CHÍNH THỨC Môn thi: Ngữ văn Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) (Đề thi gồm 01 trang) Ngày thi: 03/10/2013 Câu 1. (8 điểm) TẤT CẢ SỨC MẠNH Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát. Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng rốt cuộc vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng. Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”. Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố!”. “Không con trai – người bố nhẹ nhàng nói – con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”. Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác. (Theo báo Tuổi trẻ - Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ Faith to Move Mountains). Suy nghĩ của anh/chị về bài học rút ra từ câu chuyện trên. Câu 2. (12 điểm) Nhận định về bài thơ Tràng giang của Huy Cận, có ý kiến cho rằng: đó là nỗi sầu vạn kỉ. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: đó là nỗi sầu của một con người giàu sức lực. Anh/chị hiểu những ý kiến trên như thế nào? Làm sáng tỏ những ý kiến đó qua việc phân tích thi phẩm. --------------------------------- Hết --------------------------------- - Thí sinh không được sử dụng tài liệu. - Giám thị không giải thích gì thêm.
  6. - SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH LỚP 12 THPT BÌNH PHƯỚC NĂM HỌC: 2013 – 2014 ĐỀ THI CHÍNH THỨC MÔN THI: NGỮ VĂN HƯỚNG DẪN CHẤM (gồm có 04 trang) I. YÊU CẦU CHUNG - Thí sinh phải nắm được vấn đề chính cần nghị luận của mỗi câu, từ đó trình bày được khả năng hiểu, phân tích, đánh giá của mình; biết vận dụng các thao tác lập luận trong bài làm. - Bài làm phải rõ ràng về bố cục, ý mạch lạc, có cảm xúc, thể hiện được màu sắc cá nhân trong lập luận, diễn đạt, hành văn,... - Dẫn chứng từ văn học và cuộc sống phải chuẩn xác, phong phú và có chọn lọc. - Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của đề. Khuyến khích cho điểm tối đa những bài làm sáng tạo, viết hay, độc đáo. - Có thể cân đối hai câu để cho điểm toàn bài nhằm phát hiện đúng đối tượng học sinh. Lưu ý: Giám khảo có thể cho tới 0.25 điểm, không làm tròn điểm số. II. YÊU CẦU CỤ THỂ TỪNG CÂU Câu 1. (8 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí đặt ra trong tác phẩm văn học. Bài viết thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về kiến thức xã hội; dẫn chứng thực tế, phong phú, có sức thuyết phục; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt tốt; không mắc lỗi đặt câu, dùng từ, chính tả,... 2. Yêu cầu về kiến thức Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, chấp nhận cả các ý ngoài đáp án, miễn là phù hợp với đề bài và có kiến giải hợp lí, có sức thuyết phục. Sau đây là những yêu cầu cơ bản: a. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm) b. Giải thích nội dung, ý nghĩa câu chuyện và rút ra bài học (1.5 điểm)
  7. - Cậu bé đối diện với khó khăn, dù cố gắng hết sức vẫn thất bại, khóc và tuyệt vọng vì nghĩ rằng sức mạnh của con người nằm trong chính bản thân mình. - Người cha với lời nói và hành động mang đến một thông điệp: sức mạnh của mỗi người là sức mạnh của bản thân và sự giúp đỡ từ người khác. ==> Bài học: Tự lực là cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết cũng khó thành công hơn. c. Bàn luận (4.0 điểm) - Tại sao mỗi người nên nhận sự giúp đỡ của người khác? + Thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, bất ngờ vượt khỏi khả năng của mỗi cá nhân; có những vấn đề phải nhiều người mới giải quyết được. + Mỗi người luôn có khát vọng được thành công trên nhiều lĩnh vực. - Ý nghĩa của sự giúp đỡ từ người khác: + Sự thành công sẽ nhanh và bền vững hơn. + Người nhận sự giúp đỡ có thêm sức mạnh và niềm tin, hạn chế được những rủi ro và thất bại. + Tạo lập mối quan hệ tốt đẹp, gắn kết giữa người với người, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay. - Giúp đỡ không phải là làm thay; giúp đỡ phải vô tư, chân thành, tự nguyện. - Phê phán những người tự cao không cần đến sự giúp đỡ của người khác, những người ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. d. Bài học nhận thức và hành động (1.5 điểm) - Phải nhận thấy sức mạnh của cá nhân là sức mạnh tổng hợp. - Chủ động tìm sự giúp đỡ và chỉ nhận sự giúp đỡ khi bản thân thực sự cần. - Có thói quen giúp đỡ mọi người. e. Khái quát vấn đề (0.5 điểm) 3. Tiêu chuẩn cho điểm - Điểm 7 – 8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. - Điểm 5 – 6: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu trên, có hiểu biết thực tế, biết cách triển khai vấn đề, diễn đạt khá. - Điểm 3 – 4: Đáp ứng tốt 1/2 những yêu cầu trên; hoặc đạt 2/3 các ý trên, tỏ ra hiểu vấn đề song chưa thuyết phục trong cách lập luận, tư liệu thực tế chưa phong phú, diễn đạt khá trôi chảy nhưng còn mắc một vài lỗi nhỏ. - Điểm 1 – 2: Hiểu chưa sát yêu cầu của đề, diễn đạt yếu. Câu 2. (12 điểm)
  8. 1. Yêu cầu về kĩ năng - Nắm vững yêu cầu của bài văn nghị luận văn học (dạng bài phân tích làm sáng tỏ ý kiến bàn về một tác phẩm văn học). Bài viết phải thể hiện được khả năng cảm thụ, đánh giá một cách xác đáng, khoa học về tác phẩm. - Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, ý tứ sâu sắc, diễn đạt trôi chảy, văn giàu hình ảnh, cảm xúc và mang dấu ấn cá nhân. 2. Yêu cầu về kiến thức Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau (có thể phân tích theo chỉnh thể tác phẩm hoặc phân tích theo từng khía cạnh của nhận định, không phân tích thuần túy bài thơ), chấp nhận cả những cách hiểu ngoài đáp án, miễn là phù hợp với bài thơ, kiến giải hợp lí, có sức thuyết phục. Sau đây là những gợi ý cơ bản: a. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm) b. Giải thích vấn đề (3.0 điểm) - “Nỗi sầu vạn kỉ”: là nỗi buồn chồng chất, dồn nén (từ thời gian, không gian, tạo vật cho đến lòng người) chảy từ ngàn xưa. - “Nỗi sầu (...) của một con người giàu sức lực”: là nỗi buồn của người giàu khao khát sống - hòa nhập - gắn bó, giàu tình yêu với thiên nhiên đất nước, con người, ý thức sâu sắc về cá nhân... → Hai ý kiến đã thâu tóm được nội dung, ý nghĩa của bài thơ và nét riêng của hồn thơ Huy Cận. c. Phân tích bài thơ làm sáng rõ ý kiến (6.0 điểm) - Bài thơ là “Nỗi sầu vạn kỉ”: + Không gian vũ trụ bao la, vô tận, mênh mông, hoang vắng, rợn ngợp, trống trải (tràng giang, sông dài, trời rộng, bến cô liêu, không đò, không cầu...). + Thời gian vô định. + Tạo vật nhỏ bé, lẻ loi, rời rạc, lạc loài, chia lìa,... + Tâm trạng lữ thứ: nỗi buồn triền miên, nỗi sầu mênh mang, lẻ loi, bơ vơ, lạc lõng, bế tắc, lo sợ, nhớ mong,... + Nghệ thuật tương phản, ước lệ, kết hợp thi liệu cổ điển và hiện đại. => Tràng giang vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận, vô định, vô tình. - Bài thơ là “Nỗi sầu (...) của một con người giàu sức lực”: + Nỗi buồn bắt nguồn từ khát vọng được sống, được kết nối, giao hòa và gắn bó với tạo vật và con người. Ẩn sau nỗi buồn là một trái tim tha thiết với đời, một sức sống âm thầm mà mãnh liệt.
  9. + Nỗi buồn bắt nguồn từ nhận thức về sự hữu hạn, nhỏ bé, lẻ loi, lạc loài, mong manh của thân phận, kiếp người trước cuộc đời. Đó là sự thức tỉnh của ý thức cá nhân. + Sâu hơn là nỗi buồn vì nhận thấy thiếu quê hương và tổ quốc ở trong lòng. + Những hình ảnh, thi liệu trong văn học cổ được vận dụng một cách sáng tạo góp phần thể hiện sâu sắc sức sống trong bài thơ. d. Đánh giá nâng cao (2.0 điểm) - Hai ý kiến không mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau khẳng định giá trị sâu sắc của bài thơ và hồn thơ Huy Cận. - Hai ý kiến thể hiện sự thấu cảm sâu sắc về Tràng giang – một bài thơ tuy buồn nhưng mang ý nghĩa tích cực bởi khả năng đánh thức trong con người tình yêu thiên nhiên, đất nước, khát vọng được sống trọn vẹn trong sự giao hòa, gắn bó với cuộc đời. Đó là nỗi buồn có ý nghĩa thời đại của bài thơ và Thơ mới. e. Khái quát vấn đề (0.5 điểm) 3. Tiêu chuẩn cho điểm: - Điểm 10 – 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. - Điểm 8 – 9: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu trên, biết cách triển khai vấn đề, biết cách phân tích cứ liệu làm rõ ý kiến, diễn đạt khá. - Điểm 6 – 7: Đáp ứng tốt 1/2 các yêu cầu trên; hoặc đạt 2/3 các ý trên, tỏ ra hiểu vấn đề song chưa thuyết phục về lí lẽ và cứ liệu phân tích, diễn đạt khá trôi chảy, còn mắc một vài lỗi nhỏ. Lưu ý: Nếu bài làm của thí sinh tỏ ra hiểu vấn đề nhưng lúng túng trong cách khai triển và nghiêng về phân tích tác phẩm thuần túy – tất nhiên phải đúng – chỉ cho tối đa 6.0 điểm. - Điểm 4 – 5: Đáp ứng được 1/2 những yêu cầu trên, chưa nắm chắc vấn đề, phân tích tác phẩm còn hạn chế, diễn đạt còn vụng. - Điểm 2 – 3: Hiểu chưa sát về vấn đề, kĩ năng phân tích, bình luận và diễn đạt còn nhiều hạn chế. - Điểm 0 – 1: Hiểu sai về đề, bài làm quá sơ sài, diễn đạt kém. Lưu ý: Đối với bài làm của thí sinh thuộc hệ GDTX, giám khảo cần linh hoạt vận dụng tiêu chuẩn cho điểm sau đây. - Điểm 10 – 12: Đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu trên, biết cách triển khai vấn đề, biết cách phân tích tác phẩm, diễn đạt khá. - Điểm 8 – 9: Đáp ứng 2/3 các ý trên, tỏ ra hiểu vấn đề song chưa thật thuyết phục về lí lẽ và cứ liệu phân tích, diễn đạt khá trôi chảy, còn mắc một vài lỗi nhỏ (nếu
  10. bài làm của thí sinh tỏ ra hiểu vấn đề nhưng lúng túng trong cách khai triển và nghiêng về phân tích thuần túy – tất nhiên phải đúng – chỉ cho tối đa 8.0 điểm). - Điểm 6 – 7: Đáp ứng tốt 1/2 các yêu cầu trên; nắm chưa thật chắc vấn đề, phân tích tác phẩm còn hạn chế, diễn đạt đôi chỗ còn vụng. - Điểm 4 – 5: Thí sinh chỉ phân tích tác phẩm thuần túy, diễn đạt còn hạn chế, mắc nhiều sai sót. - Điểm 2 – 3: Hiểu chưa sát về vấn đề, bài làm quá sơ sài, diễn đạt kém. - Điểm 0 – 1: Có viết liên quan đến bài thơ nhưng không đáp ứng được yêu cầu nào về kiến thức và kĩ năng. -------------------------- Hết ------------------------- -
  11. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TUYÊN QUANG CẤP TỈNH LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2010-2011 MÔN: NGỮ VĂN ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian làm bài: 180 phút. (Không kể thời gian giao đề) Đề thi có 01 trang Câu 1: (8,0 điểm) Trong Truyện Kiều, kết thúc đoạn thơ Kiều gặp Kim Trọng, Nguyễn Du viết: “Bóng tà như giục cơn buồn, Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo Dưới cầu nước chảy trong veo, Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha” Đoạn thơ trên nói đến “cảnh” nhưng lại nói nhiều đến “tình”. Em hãy viết một bài văn (không quá 1 trang giấy thi để làm rõ điều đó. Câu 2: (12 điểm) Phân tích sắc thái riêng biệt của bài thơ Thu vịnh (Nguyễn Khuyến) và bài thơ Đây mùa thu tới (Xuân Diệu). _____________ Hết_____________ Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm. 1
  12. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TUYÊN QUANG CẤP TỈNH LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2010-2011 MÔN: NGỮ VĂN HƯỚNG DẪN CHẤM (Hướng dẫn chấm có 02 trang) I. Hướng dẫn chung - Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm. - Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn và tính chất của kỳ thi là để chọn học sinh giỏi nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; đặc biệt khuyến khích những bài viết có cảm xúc, có những ý tưởng mới mẻ, cách trình bày sáng tạo. - Việc chi tiết hoá hướng dẫn chấm (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý, được thống nhất trong tổ chấm thi và được trưởng ban chấm thi duyệt. - Điểm toàn bài lẻ đến 0,25. II. Hướng dẫn chấm từng câu Câu 1:(8,0 điểm) Yêu cầu chung Đề bài yêu cầu thí sinh có hiểu biết về đặc điểm bút pháp tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du, từ đó phân tích được tâm trạng của Thúy Kiều qua đoạn thơ. Sử dụng linh hoạt các thao tác nghị luận. Yêu cầu cụ thể Bài làm của thí sinh cần thể hiện rõ các nội dung sau: 1. Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật của Truyện Kiều là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, dùng cảnh để thể hiện tâm trạng. Đoạn thơ trên tả cảnh nhưng đằng sau cảnh ấy là tâm trạng của nhân vật. 2. Cảnh trong đoạn thơ là cảnh đẹp nhưng đượm nỗi bâng khuâng man mác, nỗi buồn nhè nhẹ. Dòng nước “trong veo” và dáng liễu rủ dưới “bóng chiều thướt tha” bên cầu tạo nên bức tranh đẹp. Người thiếu nữ tứng sống cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che” không hề giấu lòng mình mà “ ghé theo” bóng người đi. Cảm giác bâng khuâng, lưu luyến vì tình yêu mới chớm thật nhẹ nhàng, trong sáng như dòng nước, như tơ liễu thướt tha dưới trời chiều. Tơ liễu và bóng chiều ấy cũng như mang nỗi niềm lưu luyến, muốn ngả dài theo cái nhìn của người thiếu nữ. 3. Cảnh vật được miêu tả trong đoạn thơ là cảnh vật đã được nhìn qua tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến, nhẹ nhàng, trong sáng, thoảng nỗi buồn vì phải chia xa. Biểu điểm - Điểm 7 - 8: Hiểu văn cảnh và ý thơ, phân tích đúng hướng, làm rõ được tâm trạng nhân vật. Biết sử dụng linh hoạt các thao tác nghị luận. Văn viết mạch lạc, cảm xúc chân thành. - Điểm 5 - 6: Hiểu ý thơ. Phân tích đúng hướng, có phân tích tâm trạng nhân vật. Biết sử dụng các thao tác nghị luận. Diễn đạt rõ ràng. Có thể còn mắc một số sơ suất nhỏ. - Điểm 3 - 4: Nắm được ý thơ. Biết được hướng phân tích. Biết sử dụng thao tác nghị luận. Có thể mắc một số lỗi về cách diễn đạt, chính tả. - Điểm 1- 2: Chưa hiểu văn cảnh nên không hiểu ý thơ dẫn đến phân tích chưa đúng hướng. Còn mắc các lỗi diễn đạt hoặc chưa xác định được yêu cầu của đề nên chuyển sang phân tích đoạn thơ. - Điểm 0: Không viết được gì. 2
  13. Câu 2 (12,0 điểm) Yêu cầu chung Qua bài làm, thí sinh phải chỉ ra những nét riêng biệt trong thể hiện cảm xúc của 2 nhà thơ qua 2 tác phẩm cụ thể. Yêu cầu cụ thể Bài viết của thí sinh phải nêu được những ý cơ bản sau: 1. Đề tài mùa thu trong truyền thống thơ văn phương Đông và những nét giống nhau giữa 2 nhà thơ khi viết về mùa thu qua 2 bài thơ Thu vịnh, Đây mùa thu tới. Nét giống nhau bao trùm trong cả 2 bài thơ là cảnh mùa thu đẹp nhưng mang nặng nỗi buồn. 2. Những nét riêng trong cảm xúc về mùa thu của 2 nhà thơ thông qua việc phân tích làm sáng tỏ từ 2 bài thơ. a) Bài “Thu vịnh” của Nguyễn Khuyến. - Nguyễn Khuyến lấy cảm hứng từ cảnh thu ở một vùng thôn quê, gắn bó với cuộc sống và tâm hồn của chính tác giả. Cảnh thu trong bài thơ tiêu biểu cho mùa thu của làng quê Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là mùa thu tĩnh lặng, trong trẻo, yên ả đến kỳ lạ. - Cảnh thu tĩnh lặng, đượm nỗi buồn. Tác giả vừa đắm mình trong cảnh thu, vừa lặng yên để thấm nỗi buồn sâu kín. Nỗi buồn ấy chuyển thành nỗi thẹn, nỗi đau sâu lắng. Điều đó làm cho người đọc yêu mến, kính trọng nhà thơ, nhà nho trọng khí tiết. b) Bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu - Xuân Diệu lấy cảm hứng từ cảnh thu của mùa thu “hiện đại” với cảnh sắc, không gian, con người khác xa cảnh thu “cổ điển”. Người đọc có thể hình dung đó là cảnh thu ở nơi phố phường, thành thị. Đó là mùa thu đìu hiu, nặng nỗi cô đơn, niềm khát khao được hòa hợp với đời, với người. - Cảnh thu đìu hiu, lạnh lẽo, buồn da diết như đang khóc than, run rẩy. Cảnh thu như làm tăng thêm nỗi cô đơn, sự chia ly, lòng sầu não của lớp thanh niên đang bế tắc, chán nản trước thực tại xã hội. c) Nhận xét về sự khác nhau trong cảm xúc của 2 nhà thơ qua 2 bài thơ - Cảm xúc của Nguyễn Khuyến là nỗi buồn, nỗi thẹn, nỗi xót xa, bất lực của một nhà nho thanh cao nhưng luôn mang trong mình cảm giác không trọn vẹn với nước, giống như kẻ không còn nước cờ khi “đương dở cuộc”, kẻ “chạy làng” khi “bạc chửa thâu canh”. - Cảm xúc của Xuân Diệu là nỗi buồn vì sự cô đơn, sự chia ly của cảnh vật và sự lạnh lẽo của tình đời, tình người trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Biểu điểm: - Điểm 11 - 12: Hiểu được yêu cầu của đề; nêu được đủ các ý nêu trên, phân tích chi tiết và làm sáng tỏ được ý 2, có dẫn chứng và phân tích dẫn chứng; sử dụng linh hoạt các thao tác nghị luận; văn viết mạch lạc, cảm xúc chân thành. - Điểm 9-10 : Hiểu được yêu cầu của đề; nêu được đủ các ý nêu trên, phân tích làm rõ được ý 2, có dẫn chứng và phân tích dẫn chứng thuyết phục; biết sử dụng các thao tác nghị luận; diễn đạt khá mạch lạc, có thể còn mắc một vài sơ suất nhỏ. - Điểm 7-8 : Nắm được yêu cầu của đề; nêu được đủ các ý nêu trên, có phân tích được ý 2, có dẫn chứng và phân tích dẫn chứng; có thể còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả. - Điểm 5-6 : Nắm được yêu cầu cơ bản của đề; nêu được đủ các ý nêu trên, có phân tích ý 2, có dẫn chứng; còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả. - Điểm 3-4 : Chưa nắm được yêu cầu cơ bản của đề; nêu thiếu một trong các ý, có phân tích ý 2 nhưng chưa nhận xét hoặc nhận xét sơ sài; còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả. - Điểm 1-2 : Không nắm được yêu cầu của đề; nêu thiếu từ 2 ý trở lên, chưa phân tích ý 2; không có dẫn chứng, mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả hoặc chuyển sang phân tích tác phẩm. 3
  14. - Điểm 0: Không viết được gì. ------------HẾT------------- 4
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2