ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI<br />
TRƯỜNG ĐH PHẠM VĂN ĐỒNG<br />
-------------------GV: LÊ THỊ NHƯ QUỲNH<br />
<br />
BÀI GIẢNG<br />
HOÁ HỌC CÔNG NGHỆ - MÔI TRƯỜNG 2<br />
<br />
Quảng Ngãi, 12/2015.<br />
<br />
1<br />
<br />
LỜI MỞ ĐẦU<br />
Nhằm giúp sinh viên thuận lợi hơn trong việc học tập học phần Hóa học công<br />
nghệ - môi trường 2 theo học chế tín chỉ tôi soạn bài giảng này với các mục tiêu sau:<br />
- Bám sát chương trình đề cương chi tiết học phần Hóa học công nghệ - môi<br />
trường 2 của hệ Cao đẳng sư phạm đã được bộ môn phát hành.<br />
- Nội dung chính xác, rõ ràng được chọn lọc từ nhiều giáo trình phù hợp với<br />
trình độ của sinh viên Cao đẳng sư phạm.<br />
Tuy nhiên với phạm vi là một bài giảng nên tôi chỉ trình bày những phần nội<br />
dung cốt lõi, không thể đầy đủ hết những phần đọc thêm, mở rộng kiến thức nên khi<br />
nghiên cứu bài giảng này sinh viên nên kết hợp với giáo trình và các tài liệu khác để<br />
mở rộng hơn kiến thức cho mình.<br />
Ngoài sinh viên Cao đẳng sư phạm Hóa học thì sinh viên thuộc các ngành học,<br />
bậc học khác cũng có thể dùng bài giảng này làm tài liệu nghiên cứu trong việc học tập<br />
của mình.<br />
Sẽ không tránh khỏi sự thiếu sót trong quá trình soạn bài giảng này nên tôi rất<br />
mong sự quan tâm góp ý của bạn đọc và các em sinh viên để bài giảng được hoàn thiện<br />
hơn.<br />
Tôi xin chân thành cảm ơn Lãnh đạo nhà trường, Ban Chủ nhiệm Khoa, bộ môn<br />
Hóa – khoa Cơ bản đã tạo điều kiện cho tôi đưa bài giảng này lên website của trường.<br />
Tác giả<br />
<br />
1<br />
<br />
Chương 1. ĐẠI CƯƠNG VỀ HOÁ HỌC MÔI TRƯỜNG<br />
1.1. Chiến lược toàn cầu về bảo vệ môi trường<br />
Hiện nay vấn đề môi trường đã trở thành vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Đặc<br />
biệt từ sau hội nghị của Liên hiệp quốc về môi trường và con người ở Stockholm vào<br />
năm 1972 và khi tổ chức Môi trường quốc tế đã công bố chiến lược bảo vệ môi trường<br />
toàn cầu (1980). Chiến lược này đã nhấn mạnh: “bảo vệ không đối lập với phát triển,<br />
bảo vệ bao gồm bảo tồn và sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm mục<br />
đích làm cho con người có cuộc sống hạnh phúc không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn<br />
cho thế hệ mai sau. Chiến lược bảo vệ toàn cầu khẳng định loài người tồn tại như một<br />
bộ phận của thiên nhiên. Loài người sẽ không tồn tại hay không có tương lai nếu thiên<br />
nhiên không được bảo vệ. Mặt khác thiên nhiên sẽ không được bảo vệ nếu không được<br />
phát triển để giảm bớt nghèo nàn và bất hạnh của hàng trăm triệu con người nghèo khổ<br />
đang sống trên trái đất [1]. Muốn “phát triển” thì phải “bảo vệ” và “bảo vệ” để “phát<br />
triển”, đó là đặc tính phụ thuộc lẫn nhau giữa phát triển và bảo vệ và được gọi bằng<br />
thuật ngữ “sự phát triển bền vững ”.<br />
Chiến lược bảo vệ toàn cầu nhấn mạnh 3 mục tiêu:<br />
- Phải duy trì các quá trình sinh thái quan trọng của các hệ đảm bảo sự sống.<br />
- Phải bảo tồn tính đa dạng di truyền.<br />
- Phải sử dụng bền vững bất kỳ 1 loài hay 1 hệ sinh thái nào.<br />
Vào những năm của thập kỷ 80, tính cần thiết cấp bách và phức tạp của những<br />
vấn đề về môi trường ngày càng rõ rệt và đòi hỏi phải có những hành động cụ thể. Do<br />
đó chiến lược “Cứu lấy trái đất” ra đời nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con<br />
người, đồng thời bảo tồn tính đa dạng và sự sống trên trái đất. Chiến lược “Cứu lấy trái<br />
đất ” đề ra một chiến lược đầy đủ, rõ ràng và rộng rãi trên toàn thế giới nhằm mục đích<br />
tạo ra những thay đổi trong cách sống hiện nay để xây dựng một xã hội loài người bền<br />
vững [1].<br />
Các nguyên tắc của chiến lược “Cứu lấy trái đất”:<br />
<br />
2<br />
<br />
- Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng: nói lên trách nhiệm phải quan<br />
tâm đến người khác và các hình thức khác của sự sống trong hiện tại và tương lai. Đây<br />
là nguyên tắc thuộc về đạo đức. Nguyên tắc này đề ra sự phát triển của nước này không<br />
được làm thiệt hại đến quyền lợi của nước khác và của thế hệ mai sau, đây là nguyên<br />
tắc quan trọng nhất của chiến lược.<br />
- Cải thiện chất lượng cuộc sống con người: mục đích của sự phát triển là cải<br />
thiện chất lượng cuộc sống con người. Mỗi dân tộc có những mục tiêu phát triển khác<br />
nhau nhưng cuối cùng là xây dựng một cuộc sống lành mạnh, có nền giáo dục tốt, có<br />
đủ tài nguyên cho cuộc sống vừa phải, có quyền tự do về chính trị, được đảm bảo an<br />
toàn và không có bạo lực.<br />
- Bảo vệ sức sống và tính đa dạng của trái đất: sự phát triển trên cơ sở bảo vệ, đòi<br />
hỏi phải có những hành động thận trọng để bảo vệ được cấu trúc, chức năng và tính đa<br />
dạng của các hệ thống thiên nhiên trái đất mà loài người hoàn toàn lệ thuộc vào nó.<br />
Điều này đòi hỏi chúng ta phải:<br />
+ Bảo vệ hệ thống nuôi dưỡng sự sống. Hệ thống này là những quá trình sinh thái<br />
nuôi dưỡng và bảo tồn sự sống. Nó điều chỉnh khí hậu, nước và không khí trong lành,<br />
điều hoà dòng chảy, chu chuyển các yếu tố cơ bản, kiến tạo và cải tạo đất trồng và làm<br />
cho các hệ sinh thái luôn hồi phục.<br />
+ Bảo vệ tính đa dạng sinh học không những của các loài động vật, thực vật cũng<br />
như các tổ chức sống khác mà còn có cả vốn gien di truyền có trong mỗi loài và các<br />
dạng hệ sinh thái khác nhau.<br />
+ Bảo đảm chắc chắn việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên như tái tạo đất,<br />
động vật hoang dã, động vật nuôi, rừng, bãi chăn thả, đất trồng, các hệ sinh thái nước<br />
mặn và nước ngọt,... Sử dụng bền vững và sử dụng trong phạm vi cho phép để nguồn<br />
tài nguyên có thể phục hồi lại [2], [4].<br />
<br />
3<br />
<br />
1.2. Khái niệm về môi trường<br />
Môi trường là tập hợp tất cả các thành phần của thế giới vật chất bao quanh có<br />
khả năng tác động đến sự tồn tại và phát triển của mỗi sinh vật. Bất cứ một vật thể nào,<br />
một sự kiện nào cũng tồn tại và diễn biến trong một môi trường.<br />
Môi trường tự nhiên bao gồm: môi trường vật lý và môi trường sinh học<br />
1.2.1. Môi trường vật lý<br />
Là thành phần vô sinh của môi trường tự nhiên bao gồm khí quyển, thuỷ quyển<br />
và thạch quyển.<br />
+ Môi trường khí quyển (môi trường không khí): là lớp khí bao quanh trái đất,<br />
chủ yếu là ở tầng đối lưu, cách mặt đất từ 10÷12km. Ở tầng này theo chiều cao nhiệt<br />
độ giảm, áp suất giảm và nồng độ không khí loãng dần. Khí quyển đóng vai trò cực kỳ<br />
quan trọng trong việc duy trì sự sống của con người, sinh vật và quyết định đến tính<br />
chất khí hậu, thời tiết của trái đất.<br />
+ Môi trường thuỷ quyển (môi trường nước): là phần nước của trái đất, bao gồm<br />
đại dương, biển, sông, hồ, ao, nước ngầm, băng tuyết, hơi nước trong đất và trong<br />
không khí. Thuỷ quyển đóng vai trò không thể thiếu được trong việc duy trì sự sống<br />
của con người, sinh vật, cân bằng khí hậu toàn cầu và phát triển các ngành kinh tế.<br />
+ Môi trường thạch quyển (môi trường đất): bao gồm lớp vỏ trái đất có độ dày<br />
từ 60 ÷ 70km trên phần lục địa và 20 ÷ 30km dưới đáy đại dương. Tính chất vật lý và<br />
thành phân của thạch quyển ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống con người, sự phát<br />
triển nông lâm, ngư nghiệp, giao thông vân tải, đô thị, cảnh quan và tính đa dạng sinh<br />
học trên trái đất [2], [4].<br />
1.2.2. Môi trường sinh học<br />
Là thành phần hữu sinh của môi trường. Môi trường sinh học bao gồm các hệ<br />
sinh thái, quần thể động vật và thực vật. Môi trường sinh học tồn tại và phát triển trên<br />
cơ sở sự tiến hoá của môi trường vật lý.<br />
Môi trường sống của con người (môi trường nhân văn, môi sinh) được chia<br />
thành môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội và môi trường nhân tạo.<br />
4<br />
<br />