intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bài giảng Mô nha chu

Chia sẻ: Minh Minh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

269
lượt xem
44
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài giảng Mô nha chu giúp học viên thảo luận được cơ sở của các hiện tượng dịch chuyển và di chuyển răng trên lâm sàng; định nghĩa và thảo luận được về tái cấy ghép và cấy chuyển răng; thảo luận được những lưu ý để bảo vệ sự lành mạnh của mô nha chu trong điều trị nội nha, nha khoa phục hồi, phương pháp thăm dò khe nướu.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bài giảng Mô nha chu

  1. MÔ NHA CHU - LƯU Ý LÂM SÀNG MỤC TIÊU 1. Thảo luận được cơ sở của các hiện tượng dịch chuyển và di chuyển răng trên lâm sàng. 2. Định nghĩa và thảo luận được về tái cấy ghép và cấy chuyển răng. 3. Thảo luận được những lưu ý để bảo vệ sự lành mạnh của mô nha chu trong điều trị nội nha, nha khoa phục hồi, phương pháp thăm dò khe nướu… MỞ ĐẦU Hiểu biết về cấu trúc và chức năng của mô nha chu là cơ sở cho mọi phương diện của nha khoa thực hành. Đặc biệt là trong các lĩnh vực nha chu, chỉnh hình, phẫu thuật hàm mặt, nội nha, nha khoa phục hồi, phục hình, và nha khoa phòng ngừa. I. NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ DỊCH CHUYỂN RĂNG 1.1. Dịch chuyển răng sinh lý Cấu trúc và đặc tính hệ thống sợi của dây chằng nha chu và nướu đảm bảo cho sự dịch chuyển trong giới hạn sinh lý của mỗi răng đang thực hiện chức năng: - Hệ thống sợi trên xương ổ, đặc biệt là những sợi ngang vách quyết định xu hướng di chuyển của từng răng trên cung răng còn đầy đủ răng hoặc trên cung răng đã mất răng một phần do nhổ răng. - Các sợi ngang vách liên kết các răng trên cung răng và giữ chúng tiếp xúc với những răng khác. Những sợi này bị đứt hoặc bị lấy đi do phẫu thuật làm cho các răng tách rời nhau. Do bệnh lý hoặc do điều trị, những sợi này có thể khơi mào cho những thay đổi vị trí răng bất thường, ngoài ý muốn. Nguyên nhân tồn tại khe hở đường giữa có thể là do những sợi ngang vách không bám từ răng này sang răng kia nhưng lại bám vào đường khớp giữa. 1.2. Dịch chuyển răng trong bệnh nha chu Viêm nướu mãn tính, viêm nha chu phá hủy gây ra những hư hoại lớp nông hoặc sâu ở một bộ phận quan trọng của hệ thống sợi của dây chằng nha chu và nướu: Răng bị viêm nha chu nặng có thể di chuyển khỏi vị trí ban đầu, hướng đến phía mà sự bám dính mô liên kết sợi còn tương đối lành hoặc ít bị phá hủy nhất. 1.3. Di chuyển răng khi mất răng - Khi cung răng bị mất một răng, răng đối kháng bị dich chuyển khỏi vị trí chức năng và di chuyển về phía mặt phẳng nhai (thòng xuống hoặc trồi lên). Nếu răng này không có răng đối kháng và không chịu lực nhai trong thời gian dài, cấu trúc và đáp ứng chức năng của hệ thống bám dính có những thay đổi: khoảng nha chu trở nên hẹp hơn, hệ thống sợi thiểu dưỡng và mật độ sợi giảm. - Nếu răng này sau đó thực hiện chức năng như làm trụ cho cầu răng, hệ thống bám dính lúc đầu không thể chịu được lực chức năng. Bệnh nhân 1
  2. không thể sử dụng đầy đủ răng này hoặc phục hình này, cho đến khi có được sự thích nghi và bù đắp. - Răng ở phía xa răng mất (và cả những răng nằm ở phía gần răng mất) có xu hướng di gần (hoặc xa) sau khi hốc xương đã lành và sợi ngang vách được tái lập. 1.4. Di chuyển răng trong chỉnh hình - Di chuyển răng do chỉnh hình đòi hỏi mô nha chu khả năng tái cấu trúc mạnh. Thường thì xương ổ, dây chằng nha chu và xê măng có tiềm năng đáp ứng với điều này bằng cách tăng hoạt động tế bào, tăng tốc độ tái cấu trúc để bù đắp nguy cơ tiêu xương. Điều này được duy trì một khi lực chỉnh hình không vượt quá giới hạn sinh lý. Nếu lực chỉnh hình quá mức, dây chằng nha chu bị hoại tử, lúc này, cả xê măng lẫn ngà răng thường cũng bị tiêu. Sự tiêu này có thể tự giới hạn và hoàn nguyên trong trường hợp có sự điều chỉnh kịp thời; hoặc có thể không hoàn nguyên và dẫn đến ngắn chân răng và giảm chức năng nâng đỡ răng. - Cần chú ý chiều cao của nướu khi di chuyển răng cửa hàm dưới trong chỉnh hình: phía ngoài răng cửa hàm dưới thường bị tụt nướu, còn phía trong có thể tăng chiều cao nướu (Dorfman, H.F., 1978). - Nếu răng cần phải xoay nhiều, khả năng tái cấu trúc của hệ thống sợi sẽ bị vượt quá giới hạn, khi đó răng không còn được giữ về mặt cơ học nữa, sẽ trở lại vị trí cũ. Trong trường hợp này, hệ thống sợi của nướu cần được phẫu thuật trước và/hoặc sau khi xoay răng để cho hệ thống sợi mới được thành lập, bám dính tốt hơn để giữ răng không trở về vị trí cũ (Reitan, K., 1960; Edward, J.G., 1968; Strahan, J.D., 1970). - Mọi di chuyển răng do chỉnh hình trước tiên cần sự tiêu phần xương phía răng di chuyển tới. Hoạt động của tế bào hủy xương tăng lên với sự có mặt của prostaglandin. Nghiên cứu lâm sàng trên người và linh trưởng cho thấy tiêm tại chỗ lặp lại prostaglandin E1 trong lúc điều trị làm tốc độ di chuyển răng tăng gấp 2 lần. Nếu bệnh nhân dùng thuốc loại aspirin hoặc indomethacin, tốc độ di chuyển răng giảm rõ, vì chất này ngăn chặn sự tổng hợp tự nhiên của prostaglandin (Waerhaug, J., 1969; Chumbley, A.B., 1986). II. TÁI CẤY GHÉP VÀ CẤY CHUYỂN RĂNG 2.1. Tái cấy ghép Tái cấy ghép là đặt trở lại một răng đã được nhổ ra hay bị chấn thương rơi ra do tai nạn trước đó vào trong xương ổ của nó. Thông thường, răng được điều trị nội nha trước khi tái cấy ghép Tái cấy ghép rất hữu dụng trong điều trị mất răng do tai nạn. Nhiều nghiên cứu trên thú vật và những nạn nhân trẻ đã nêu rõ điều kiện cần thiết để thành công trong tái cấy ghép răng. - Hammer (1934) nhận thấy tái cấy ghép răng chỉ thành công nếu vẫn còn vết tích của mô dây chằng nha chu bám vào xê măng. Nếu chân răng bị 2
  3. làm sạch bằng dụng cụ, nạo lấy đi một phần hay toàn bộ dây chằng nha chu thì trong quá trình lành thương, xương mới tạo sẽ dính với chân răng gây ra cứng khớp; sau vài tháng, chân răng tái cấy ghép sẽ bị tiêu và thân răng rơi ra (Hamner, J.E., 1970; Serman, P., 1968; Andreasen, J.O., 1981). Do đó phần dây chằng nha chu còn lại trên răng và trên thành xương ổ (đặc biệt là những tế bào có chức năng tái tạo), là cực kỳ quan trọng cho thành công của tái cấy ghép. - Bình thường sau khi một răng bị nhổ ra, phần dây chằng nha chu còn bám vào thành xương ổ bị tiêu đi trước khi bắt đầu tạo xương trong hốc răng (Huebsch, R., 1952; Radden, H., 1959). Do vậy, phần dây chằng nha chu trên răng rơi ra do chấn thương phải được giữ lại và còn sống để được tái cấy ghép. Điều này có nghĩa là không được để răng khô khi nó đang nằm ngoài xương ổ, không tạo lực gây chấn thương trên chân răng và phải tái cấy ghép càng sớm càng tốt. - Khoảng thời gian mà dây chằng nha chu và tế bào còn sót lại của nó có thể sống được trong môi trường ẩm ở ngoài xương ổ thường không lâu hơn 30 phút. Răng được tái cấy ghép sau quá 30 phút sẽ có tỉ lệ thành công thấp hơn, tỷ lệ với thời gian răng ở ngoài xương ổ. - Các tế bào của tủy bị tự hủy chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi răng rời khỏi xương ổ. Chỉ những răng chưa trưởng thành được tái cấy ghép rất sớm sau khi bị nhổ ra hay rơi ra thì mô tủy đã bị tự huỷ mới được thay thế bằng mô hạt, việc này diễn ra trong vài tuần. Ngoài mô hạt, sẽ có những tế bào mới thay thế nguyên bào ngà và tạo ra ngà thứ cấp không điển hình (Ohmann, A., 1965). 2.2. Cấy chuyển răng Cấy chuyển một răng là răng (hoặc mầm răng) được đặt vào trong ổ xương của một răng khác hay đặt vào một hốc nhân tạo. Cấy chuyển răng có thể là tự thân hay đồng loại: - Cấy chuyển tự thân là khi răng (hay mầm răng) được cấy chuyển là của cùng một người. Ví dụ cấy chuyển tự thân có thể thành công khi một răng cối lớn thứ ba được chuyển vào xương ổ của một răng cối lớn thứ nhất đã nhổ trước khi chân răng của răng cối lớn thứ ba tạo thành hoàn toàn nhưng sau khi đã tạo vùng chẽ. Chiều gần-xa của thân răng cối lớn thứ ba phải tương ứng với răng cối lớn thứ nhất và răng cấy chuyển không được có tiếp xúc nhai trong nhiều tuần - Trong cấy chuyển đồng loại, răng hay mầm răng của một người được chuyển sang một người khác, và do đó không có cùng kiểu gen. Việc cấy chuyển đồng loại sẽ khởi phát phản ứng bảo vệ miễn dịch tế bào vì răng và các tế bào bám trên răng được xem là một vật thể lạ. III. ĐIỀU TRỊ NỘI NHA VÀ MÔ NHA CHU VÙNG CHÓP 3
  4. Các thao tác điều trị nội nha (lấy tủy, mở rộng ống tủy bằng dụng cụ, trám bít ống tủy) thường gây chấn thương cho mô nha chu ở vùng chóp. - Việc lấy tủy răng sống có thể gây chảy máu và viêm cấp ở dây chằng nha chu vùng chóp và khoảng tủy xương kế cận, làm phá hủy một phần dây chằng nha chu và tiêu xương ổ; sau vài tháng mô nha chu sẽ lành mà không mất cấu trúc hay chức năng (Seltzer, S., 1971). - Các thao tác trong trám bít ống tủy có thể gây tổn thương bệnh lý vĩnh viễn cho mô nha chu ở chóp nếu dụng cụ qua lỗ chóp, gây chấn thương cho dây chằng và mở đường cho vi khuẩn. Loại chấn thương này thường dẫn tới viêm quanh chóp mạn, tạo thành u hạt quanh chóp và có thể phát triển thành nang quanh chóp. - Nếu thực hiện lấy tủy chân hay tủy buồng trên một răng chưa trưởng thành có chân răng chưa tạo thành hoàn toàn, và buồng tủy được trám bằng hydroxide calcium, thì vi khuẩn bị giết chết và giảm được viêm quanh chóp. Việc này cũng khởi phát tạo thành một hàng rào mô cứng bằng xê măng có tế bào hay ngà răng, có thể bít lỗ chóp. Kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật đóng chóp răng. IV. VẤN ĐỀ THĂM DÒ ĐỘ SÂU CỦA KHE NƯỚU VÀ TÚI NƯỚU Một khe nướu thật sự không thấy được trong khám lâm sàng thông thường. Độ sâu và hình dạng của nó không thể đo chính xác bằng cây thăm dò nha chu. Khoảng cách mà một cây thăm dò có thể đưa vào giữa nướu lành mạnh và bề mặt răng không phải là độ sâu thật sự của khe nướu. Đáy khe nướu và biểu mô kết nối bình thường không có sự đề kháng cao với việc thăm dò. Cây thăm dò có thể đưa vào biểu mô kết nối với những độ sâu khác nhau, làm rách biểu mô kết nối và tách nướu viền ra khỏi răng mà không gây chảy máu. Do biểu mô này có tốc độ tái tạo cao nên chỗ rách sẽ lành trong 5-7 ngày (h. 9.1). Màng đáy bên trong và 1-2 lớp tế bào sát màng đáy vẫn bám vào bề mặt răng. Cây thăm dò sẽ gặp sự cản ở nơi mà biểu mô kết nối trở nên rất mỏng và kế cận với các sợi collagen dày đặc, hay ở nơi mà đầu cây thăm dò chạm vào bờ phía chóp của biểu mô kết nối và bị chận lại bởi các sợi đi vào xê măng ở vùng cổ răng (h. 9.1). Khoảng cách mà cây thăm dò có thể đi vào mô mà không dùng lực mạnh tùy thuộc vào các yếu tố sau (Listgarten, M.A., 1972,1980): - Hình dạng và đường kính của cây thăm dò, - Mức độ viêm mãn tính ở mô liên kết lân cận biểu mô kết nối, - Mật độ của các bó sợi dưới biểu mô, - Độ dày của biểu mô kết nối, - Vị trí tương đối của bờ phía chóp của biểu mô kết nối (về phía thân răng hay ngang mức với đường nối men xê măng), - Độ cong của bề mặt răng ở vùng cổ răng. Lực nhẹ trong thăm dò tương đương với áp suất khoảng 2x106 dyn/cm2 ở đầu cây thăm dò. Lực dùng trên lâm sàng để thăm dò nhẹ nhàng thay đổi từ 0,2- 0,4N (1 Newton= khoảng 100 gram khối lượng hay 3,52 oz). Trong thực nghiệm lực thăm dò trên lâm sàng thuờng được chuẩn hóa ở 0,25-0,5N. Do đó khoảng cách trung bình mà một đầu thăm dò dày 0,4-0,5mm có thể đưa vào 4
  5. giữa nướu lành mạnh và bề mặt răng bằng với khoảng cách giữa bờ nướu và đường nối men xê măng (1,5-2mm) mặc dù điều này không phải bao giờ cũng đúng cho mọi lần đo. Khi thăm dò nướu viền lành mạnh xung quanh một răng đã mọc hoàn toàn và có tiếp xúc cắn khớp, đầu của cây thăm dò không phải lúc nào cũng chạm đến đầu phía chóp của biểu mô kết nối. Nếu có viêm nướu thì cây thăm dò sẽ đi qua biểu mô kết nối hay biểu mô của túi bất kể có túi nướu hay không (h. 9.2; h. 9.3), và đi vào trong mô liên kết viêm, mô này mềm và cây thăm dò dễ đi vào do thành phần collagen thấp. Cây thăm dò sẽ bị chặn lại bởi các bó sợi collagen dày. Trong trường hợp này, khoảng cách đo được từ bờ nướu có thể bằng với khi nướu lành mạnh, hoặc lớn hơn 1-2mm. Nếu có túi nướu và nếu vùng mô liên kết viêm khá rộng thì sẽ chảy máu nhiều hơn là một rãnh có vùng viêm nhỏ vì thăm dò làm chạm đến nhiều mạch máu hơn (h. 9.2; h. 9.3). Do đó, thăm dò không cho những thông tin trực tiếp về vùng thăm dò là một khe nướu hay một túi nướu nhỏ. Thường, một túi nhỏ hay bị đánh giá quá mức. Khi thăm dò một túi nha chu sâu (h.9. 4), cây thăm dò đi qua biểu mô túi vào mô liên kết viêm và sẽ tiếp tục đi về phía chóp cho đến khi chạm phải đỉnh xương ổ hay đáy ổ xương bị tiêu, về phía chóp so với biểu mô kết nối và đáy túi. Sau đó có chảy máu nhiều. Độ sâu túi càng tăng thì càng ít bị xu hướng đánh giá quá mức độ sâu thật. Luôn nhớ phải phân biệt giữa độ sâu thăm dò và độ sâu thật sự của khe hay túi vì ở đáy túi thật sự có mô liên kết mềm, viêm, dễ bị chọc thủng với lực nhỏ. Do đó, nếu sau khi điều trị tại chỗ một túi nha chu, tình trạng viêm giảm hay hết hoàn toàn và có tạo collagen mới, làm cho mô đề kháng hơn với sự thăm dò, thì độ sâu khi thăm dò sẽ giảm đi. Tuy nhiên không nên cho rằng kết quả này là dấu hiệu của “tái bám dính” hay “tái tạo mô nha chu”. Những thuật ngữ gây nhầm lẫn “rãnh (khe) nướu lâm sàng” và “độ sâu túi” đã được sử dụng, và vẫn còn được sử dụng ở một mức độ nào đó, để mô tả khoảng cách mà một cây thăm dò có thể đi vào nướu viền bình thường và vào mô nha chu viêm sâu hơn. Tuy nhiên, không có minh chứng về mô học cho những thuật ngữ này. Do đó, người ta nên luôn luôn nói về “độ sâu thăm dò” và giải thích mỗi số đo trong khuôn khổ bệnh lý thấy được trên lâm sàng và X quang. Điều quan trọng là phải biết rằng xung quanh những răng đang mọc thay thế có thể đo được độ sâu thăm dò từ 4 đến 13 mm, điều này là sinh lý hơn là bệnh lý. Độ sâu này sẽ giảm khi răng mọc nhờ sự bám dính của sợi collagen ở đường nối men xê măng sau này đang di chuyển liên tục từ phía chóp về phía nhai. Là một công cụ chẩn đoán, độ sâu thăm dò chỉ cho thấy mức độ đi về phía chóp xuyên qua mô của cây thăm dò, mà không khẳng định sự hiện diện, độ sâu hay hình dạng của một túi. Những yếu tố sau này phụ thuộc chủ yếu vào hình dạng và kích thước của vách xương giữa răng hay khoảng cách giữa các chân răng của các răng kế cận nhau. Thậm chí việc thăm dò có thể đưa đến những hậu quả xa hơn những chấn thương tại chỗ. Ví dụ, cây thăm dò được rút ra từ một túi nha chu sâu đã bị nhiễm nhiều vi khuẩn (cầu khuẩn, xoắn khuẩn…), những vi khuẩn này có thể được truyền đến một túi kế cận ít sâu hơn, đến những túi nông, hay thậm chí đến những khe nướu lành mạnh khi thăm dò với cùng một dụng cụ. Tương tự, 5
  6. người ta thấy khi thăm dò rãnh mặt nhai của các răng bằng cùng một thám trâm, Streptococcus mutans có thể được truyền từ một răng này sang răng khác. V. TÁC DỤNG PHỤ CỦA MỘT SỐ ĐIỀU TRỊ TRÊN MẶT RĂNG, DÂY CHẰNG NHA CHU VÀ XƯƠNG Ổ Trong điều trị nha chu và điều trị tiền phục hình, người ta đã sử dụng một số phương pháp “mới” có những tác dụng phụ, một số tác dụng phụ thuộc loại rất không mong muốn và một số là “không thể chấp nhận được”. Trong những phương pháp này có việc lấy mảng bám ra khỏi răng bằng dụng cụ thổi hơi nén, gây tê trong dây chằng và giữ lại những chân răng sống hay chết dưới niêm mạc để ổn định xương ổ 5.1. “Đánh bóng bằng hơi” có nghĩa là làm sạch những bề mặt răng bị vết dính bằng luồng bột mịn, thực hiện bằng cách đẩy bột sodium bicarbonate vào răng từ một khoảng cách gần (3-5mm) bằng áp lực hơi và nước. Nguyên tắc của phương pháp này là một “máy phun cát ướt”. Anh hưởng trên mô cứng của răng thay đổi tùy theo mật độ và độ cứng của chúng: - Bề mặt men nguyên vẹn ít khi bị thay đổi, ngay cả khi tiếp xúc lâu dài. Tuy nhiên ở những nơi có rãnh, vết nứt, và những vùng bị mài mòn hay ăn mòn, lăng trụ men tiếp xúc dễ bị ăn mòn và gồ ghề (cần chú ý là bề mặt men toàn vẹn không thường hiện diện trên lâm sàng!). - Bề mặt xê măng bị mài mòn rất nhanh: Trong 30 giây, xê măng có thể bị lấy đi đến 0,2mm, hậu quả là lộ ngà và ngà cũng rất dễ bị mài mòn. - Mô mềm như nướu bị ăn mòn hay thủng chỉ trong vài giây. Do đó thổi bột đánh bóng vào bề mặt chân răng bị lộ luôn luôn là chống chỉ định. Những thay đổi gây ra do làm sạch răng bằng dụng cụ siêu âm thì ít nghiêm trọng hơn. 5.2. Gây tê trong dây chằng cần áp lực bơm tiêm rất cao nhờ vào một kim nhỏ và một ống chích áp lực đặc biệt. Mặc dù chỉ có thể tiêm một lượng nhỏ dịch (0,2- 0,4mm) vào dây chằng nha chu, nhưng dịch không phân bố đều trên toàn bộ khoảng dây chằng nha chu mà đi trực tiếp vào khoảng tủy xương kế cận vùng tiêm qua phiến lỗ sàng. Thuốc tê không đến được vùng chóp, nơi có hầu hết các thụ cảm về đau và áp lực, trừ khi nó được phân phối qua các mạch máu. Đồng thời, vùng dây chằng nha chu bị chấn thương, có nghĩa là ngoài chấn thương do đâm kim, có hiện tượng rách, đứt bám dính các sợi, di chuyển mô và các khoảng bị lấp đầy dịch, nhất là sau khi tiêm nhiều mũi. Dựa trên những điều này, nên xếp việc tiêm trong dây chằng vào loại gây tê trong xương hơn là gây tê dây chằng nha chu. Những thay đổi do chấn thương sau một mũi tiêm sẽ lành nhanh chóng và tương đối không có hậu quả nếu sau đó răng được nhổ. Tuy nhiên tiêm lặp lại nhiều lần trong điều trị nha chu hay phục hồi có thể có thể để lại hậu quả lâu dài : tiêu chân răng hoặc thay đổi ở xương ổ. 6
  7. Xương ổ là cấu trúc phụ thuộc răng. Do đó sau khi nhổ tất cả các răng ở người lớn tuổi, tình trạng tiêu và phẳng dần mào xương ổ diễn ra với tốc độ khác nhau, đặc biệt trong 5 năm đầu sau khi nhổ. Tiêu xương ổ ở hàm dưới thường nhanh gấp 4 lần hàm trên, và thường ở nữ nhiều hơn ở nam. Chiều cao xương ổ mất đi trung bình một năm là 0,1mm ở hàm trên và 0,4mm ở vùng phía trước hàm dưới. Mất chiều cao xương ổ, đặc biệt ở hàm dưới, gây ra những khó khăn đáng kể về mặt phục hình. VI. VẤN ĐỀ VỊ TRÍ CỦA BỜ MIẾNG TRÁM VÀ MÃO Theo những nguyên tắc tạo xoang của Black, người ta khuyên rằng bờ cổ răng của miếng trám và mão nên được đặt dưới nướu nghĩa là về phía chóp so với bờ nướu và mặt phẳng của nướu kẽ răng để phòng ngừa sâu răng và vì lý do(thẩm mỹ. Lời khuyên này dựa trên ý tưởng “mở rộng phòng ngừa”, có nghĩa là đặt bờ của miếng trám hay mão trong “vùng được bảo vệ không sâu răng”, ở đó cổ răng được bao phủ bởi mô mềm. Việc này có chủ ý là ngăn ngừa sâu răng thứ phát có thể dễ dàng xảy ra ở vùng có khe hở giữa bờ miếng trám hay mão và bề mặt răng. Sự thật là ngay cả khi có bờ tối ưu vẫn có những vi kẽ giữa vật liệu phục hồi và đường hoàn tất của xoang. Khe này vào khoảng 70µm ở inlay vàng đúc, 20- 520µm ở miếng trám amalgam, 20-40µm ở miếng trám silicate và 200-500µm đối với mão. Vi kẽ xung quanh phục hồi gắn bằng xi măng ban đầu được lấp đầy, nhưng sau đó xi măng sẽ bị hoà tan và phân rã, để lại những khoang chứa vi khuẩn và tích tụ mảng bám. Do đó lời khuyên đặt bờ cổ răng dưới nướu là đúng do vật liệu và kỹ thuật chưa đạt vào thời kỳ đó. Tuy nhiên trong những thập kỷ qua, một loạt nghiên cứu lâm sàng-dịch tễ, mô học và thực nghiệm đã được thực hiện, để giải đáp câu hỏi là điều trị phục hồi nên dành ưu tiên cho vật liệu-kỹ thuật và việc phòng ngừa sâu răng hay nên quan tâm hơn đến việc tránh những tác dụng lâu dài trên tình trạng mô nha chu? Bờ dưới nướu của một miếng trám hay mão, cho dù có hình dạng tối ưu về mặt kỹ thuật hay dư thừa và nằm ngoài bề mặt răng, dẫn đến tình trạng viêm mãn tính của mô nướu. Nguyên nhân của mức độ viêm nướu có thể do một phần là sự kích thích của vật liệu, nhưng chủ yếu là do mảng bám vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để tích tụ trên bề mặt nhám của phục hồi ở vùng cổ răng. Khó đánh bóng được những bề mặt dưới nướu của phục hồi. (Tất cả những thử nghiệm cố gắng đánh bóng dưới nướu in vivo đều đưa đến kết quả là gây chấn thương mô nướu). Bờ nướu của phục hồi dư, không khít sát có ảnh hưởng lâu dài, gây phá hủy cấu trúc nâng đỡ răng do phản ứng viêm. Vì thế, Loe (1968) và Waerhaug (1969) khuyên nên đặt bờ của miếng trám hay mão ở trên bờ nướu (về phía nhai hơn). Ngày nay lời khuyên này được hưởng ứng rộng rãi. VII. VẤN ĐỀ MỞ RỘNG PHÒNG NGỪA Nguyên tắc sửa soạn xoang theo Black tập trung vào yêu cầu “mở rộng phòng ngừa”. Mở rộng phòng ngừa có nghĩa là xoang được sửa soạn nhiều hơn vào mô cứng lành mạnh của răng để tạo ra một giới hạn của lỗ trám nằm trong vùng được 7
  8. gọi là “miễn dịch với sâu răng”. Vùng miễn dịch với sâu răng gồm phần cổ răng được nướu bao phủ ở mặt ngoài, mặt trong và kẽ răng. Black, G.V. (1914) tin rằng giữa nướu và men răng ở cổ răng có một khoảng hẹp đi đến đường nối men xê măng, và trong nướu có một cấu trúc tiết: “cơ quan nướu”, cơ quan nướu liên tục tiết dịch và các phần tử vi thể qua khoảng này đi vào khoang miệng. Ông tin rằng chất tiết này có tính kháng khuẩn và nhận thấy trên những răng đã mọc hoàn toàn có một viền nướu lành mạnh bao phủ men cổ răng rộng khoảng 1-2mm, luôn luôn không bị sâu răng. Ông cho rằng “sự miễn dịch đối với sâu răng” này là kết quả của quá trình tự làm sạch nhờ dòng chảy của các chất tiết kháng khuẩn. Niềm tin cho rằng có sự hiện diện của một khoảng giữa nướu và bề mặt răng và có sự tiết một chất kháng khuẩn trở thành nền tảng lý thuyết cho việc mở rộng phòng ngừa ở cổ răng: “Do đó người ta phải tách nướu và đặt thành nướu của xoang đủ để bờ của nó được nướu bao phủ khi nướu trở về vị trí bình thường”. Yêu cầu này đã được nhiều tác giả lặp lại và trở thành tiêu chuẩn của các sửa soạn phục hồi liên quan đến vùng nướu. Từ 1947, Gottlieb đã nhấn mạnh rằng lời khuyên “mở rộng phòng ngừa” dựa trên giả thuyết sai. Trong sự hiểu biết hiện nay về sinh học cấu trúc, “miễn dịch với sâu răng” ở men cổ răng là kết quả của việc biểu mô kết nối tạo thành biểu mô bám dính ở vùng này, nghĩa là vùng này không nằm bên ngoài mà nằm bên trong mô và không chịu những ảnh hưởng của vi khuẩn khi biểu mô kết nối và biểu mô bám dính vẫn còn nguyên vẹn. Hiện tượng mô học mà Black gọi là “cơ quan nướu” đã được nhận biết từ 1891 bởi Victor von Ebner, đó là sự thâm nhập bạch huyết bào của mô liên kết kế cận với biểu mô kết nối. Sự thâm nhập này (chủ yếu là lympho bào), là biểu hiện của phản ứng bảo vệ miễn dịch qua trung gian tế bào xảy ra trong giai đoạn đầu của viêm nướu. “Chất tiết kháng khuẩn” là dịch tiết và không phải là nguyên nhân của “vùng miễn dịch sâu răng” mà là kết quả của sự viêm nướu. Dịch tiết này bao gồm dịch khe nướu và các tế bào hạt trung tính di chuyển, không thoát ra qua khoảng dưới nướu mà qua khoảng gian bào của biểu mô kết nối và đẩy lùi sự thâm nhập của vi khuẩn (Schroeder, H.E., 1974, 1984). Ngày nay, dựa vào những hiểu biết nói trên, khi bờ miếng trám hay mão được đặt dưới nướu, người ta không thể hy vọng có được sự bảo vệ ở phần cổ răng của xoang mà sẽ có sự kích thích mô nướu, nói ngắn gọn là sự viêm và về lâu dài có thể gây phá hủy mô nha chu. VIII. DUY TRÌ SỰ LÀNH MẠNH CỦA MÔ NHA CHU VIỀN Mô nướu và phần còn lại của mô nha chu khỏe mạnh làm cho thân răng và bờ nướu không bị mảng bám tích tụ. Viêm nướu (ở bờ nướu và nướu kẽ răng) có thể hoàn nguyên bằng cách luôn luôn giữ sạch bề mặt răng. Nhờ tốc độ thay thế cao của biểu mô kết nối và mô liên kết nướu: trong vài tuần một khe nướu sâu có thể biến mất hoàn toàn, viêm mô liên kết và sự thâm nhập tế bào ngừng lại, hệ thống sợi collagen được tái lập (Attstrom, R., 1975). Xoa nắn nướu cơ học là không cần thiết. Mặc dù nó có thể làm dày thêm tầng sừng hóa trên biểu mô nướu nhưng nó không kích thích sự sừng hóa ở biểu mô kết nối hay đáy rãnh nướu. Hơn nữa xoa nắn nướu có thể ngăn cản sự tạo mới mô liên kết và sự tái lập xương ổ, đặc biệt trong khi lành thương (Bogle, G., 1974). 8
  9. Tác động tăng cường sức khỏe của bàn chải chỉ là sự lấy sạch mảng bám vi khuẩn . Sự lành thương và “bình thường hóa” mô nướu là một hiện tượng sinh học, bình thường sẽ cho kết quả tối ưu khi không có kích thích cơ học. Sử dụng những thức ăn giàu chất sợi (như cà rốt, táo,…) không đủ để ức chế sự tích tụ của vi khuẩn trên mặt răng và không có khả năng làm giảm viêm nướu. Mặt khác người ta biết rằng làm sạch răng thường kỳ (do nhân viên được huấn luyện thực hiện), ngay cả với khoảng cách 2 tuần, hoàn toàn có thể giữ cho nướu lành mạnh và làm giảm sự phát triển các sang thương sâu răng (Lindhe, J., 1973) a b 9
  10. Hình 9.1 Thăm dò nướu viền khỏe mạnh: Độ sâu thăm dò từ 1-2 mm, đầu cây thăm dò vẫn ở trong biểu mô kết nối và sự đề kháng nhờ vào dãy sợi collagen dày đặc dưới biểu mô. Sau khi thăm dò không chảy máu, nướu bị đẩy ra ngoài AP mào xương ổ E Men C xê măng P Dây chằng nha chu D Ngà 10
  11. Hình 9.2 Thăm dò nướu viền bị viêm có khe rộng và không có túi. Độ sâu thăm dò 1-2mm, đầu cây thăm dò vẫn ở trong biểu mô kết nối nhưng có đẩy lún vào mô liên kết viêm. Sự đề kháng nhờ dãy sợi collagen dày đặc ở phía chóp so với vùng viêm. Sau khi thăm dò có chảy máu nhẹ, nướu bị đẩy ra ngoài AP Mào xương ổ D Ngà BP Mảng bám E Men C Xê măng P Dây chằng nha chu 11
  12. Hình 9.3 Thăm dò nướu viền bị viêm có túi sâu 1,5mm: Độ sâu thăm dò 2-3mm, đầu cây thăm dò đi qua biểu mô kết nối hay biểu mô túi và đi vào mô liên kết viêm, mềm, ít sợi. Đề kháng nhờ vào collagen dày đặc ở phía chóp so với vùng viêm. Sau khi thăm dò có chảy máu, nướu bị đẩy ra ngoài AP Mào xương ổ BP Mảng bám C Xê măng D Ngà E Men P Dây chằng nha chu 12
  13. Hình 9.4 Thăm dò túi trong xương, trường hợp viêm nha chu trung bình. Độ sâu thăm dò 5-6mm, đầu cây thăm dò đi qua biểu mô túi và đi vào trong mô liên kết viêm, mềm, ít collagen cho đến khi chạm vào xương thì có đề kháng. Trong và sau khi thăm dò có chảy máu nhiều AP Mào xương ổ BP Mảng bám C Xê măng D Ngà E Men P Dây chằng nha chu 13
  14. 14
  15. 15
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2