Lời tựa<br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
Đảo quốc thiên đường<br />
Ngày 5 tháng 1 năm 2004. Dường như chỉ vài phút sau khi đáp xuống phi trường Changi,<br />
tôi đã nhận được hành lý của mình và nó nhanh chóng được một người lái taxi ân cần đón<br />
lấy. Xe chúng tôi hòa vào làn đường tràn đầy những chiếc xe mới bóng lộn trang bị tiện<br />
nghi điều hòa không khí đang lưu thông tấp nập, những luống hoa trồng dọc hai bên<br />
đường cũng đang nở bung sắc thắm của những bụi hoa móng tay, như thể hiện lời chào<br />
đón bất tận của một đất nước thuộc vùng nhiệt đới, giữa biết bao cây lá xanh tươi và<br />
những tia nắng lấp lánh phản chiếu từ biển cả. Phía xa là bến cảng vận chuyển hàng hóa<br />
nhộn nhịp nhất thế giới. Gần hơn nữa, tòa nhà chọc trời đầy vẻ tráng lệ của thủ đô<br />
Singapore với khung thép lộng kiếng – đại bản doanh của hơn 6000 tập đoàn đa quốc gia<br />
– đang mở rộng cửa, vừa khi các chuyên gia trẻ của nơi chốn làm việc vô cùng sang trọng<br />
và bao gồm nhiều thành phần đa sắc tộc này bắt đầu bước vào giờ nghỉ ăn trưa của mình.<br />
Đó là cảm nhận trong ngày đầu tiên khởi đầu nhiệm kỳ hai năm cuối của tôi trong ban<br />
điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Sau 25 năm làm việc ở rất nhiều quốc gia khác nhau và<br />
đại đa số đều có mức thu nhập thuộc loại thấp, thì nơi chốn này trông giống như một Miền<br />
Đất Hứa.<br />
Hứa hẹn bởi ai? Không lẽ bởi các giám sát viên cùng làm việc với tôi trong ban điều hành<br />
Quỹ Tiền tệ Quốc tế, những người đã từng đón nhận rất nhiều sự ân thưởng dành cho bao<br />
nỗi khó nhọc của họ khi thực hiện công trình chiết xuất khí oxy La Paz, công trình quét<br />
lọc cát Nouakchott, hay công trình làm lạnh gia tốc Kyiv? Không hề. Vì mỗi một nhiệm<br />
vụ ở thời kỳ đầu này đều mang lại cho chúng tôi một sự tưởng thưởng riêng, đặc biệt là sự<br />
hài lòng mãn nguyện trong tác nghiệp khi được bắt tay làm việc cùng các viên chức chính<br />
phủ luôn tỏ ra vô cùng tâm huyết trong việc cố gắng thúc đẩy nền kinh tế đầy cam go của<br />
đất nước họ.<br />
Không, đây là một đích đến do các đồng nghiệp của tôi trong cộng đồng phát triển quốc tế<br />
và tôi vạch ra trong suốt 25 năm qua. Ẩn chứa đằng sau những đề xuất về các sách lược<br />
kinh tế mà chúng tôi đưa ra chính là một tiền đề hết sức căn bản: hãy thi hành các chính<br />
sách kinh tế đúng đắn – một cách kiên định – rồi đất nước các anh sẽ gặt hái một thành<br />
quả kinh tế rất cao, theo sau đó là việc chấm dứt hoàn toàn mọi sự nghèo đói. Lời khuyên<br />
sách lược của chúng tôi, dù có làm tổn thương nhức nhối, nhưng luôn phác thảo một đích<br />
đến cuối cùng cho tiềm năng kinh tế mỗi đất nước: nhà ở khang trang và dễ sở hữu dành<br />
cho tất cả mọi người cùng với một cảnh quan môi trường trong lành, hiệu quả chất lượng<br />
trong nền tảng giáo dục và trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, việc làm đầy đủ<br />
và mọi cơ hội tiến bước vào đời dành cho trẻ em – như Singapore kiểu mẫu đã từng thực<br />
hiện. Quốc gia độc lập này, như tuyên bố của vị Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu “đã từ<br />
một đất nước thuộc Thế giới thứ ba phát triển thành một quốc gia thuộc Thế giới thứ nhất<br />
chỉ trong vòng thời gian của một thế hệ” (Lee, 2000)<br />
Giúp mang lại những nhận thức đúng đắn về những đặc thù của một chính sách kinh tế tốt<br />
đẹp là mục đích lưu lại của tôi ở Singapore. Trong suốt hai năm làm việc trên cương vị<br />
<br />
Giám đốc Trung tâm huấn luyện khu vực thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế – Singapore, một tổ<br />
chức hợp tác điều hành giữa chính phủ Singapore và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã có gần 2000<br />
viên chức chính phủ và viên chức đại diện các ngân hàng quốc gia thuộc khu vực châu Á<br />
– Thái Bình dương đến Singapore trong các khóa học ngắn hạn từ hai đến ba tuần. Thành<br />
viên tham dự khoảng chừng 40 quốc gia, từ Afghanistan cho đến Tonga, đến trung tâm<br />
này nhằm nghiên cứu xem làm thế nào mà các chính sách kinh tế vĩ mô và các nguyên tắc<br />
tài chính đúng đắn có thể góp phần tạo nên một nền kinh tế tăng trưởng bền vững cho<br />
chính đất nước mình. Đối với nhiều người trong số họ, đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên<br />
ra khỏi quê nhà. Ngồi trên xe và lưu thông qua mọi nơi chốn của thành phố vô cùng sạch<br />
đẹp và hiện đại này, nhiều người có lẽ đang băn khoăn tìm kiếm một chiếc chìa khóa<br />
dường như bí ẩn có khả năng mở toang mọi cánh cửa tiềm năng kinh tế của chính đất<br />
nước họ.<br />
Việc phát hiện chiếc chìa khóa đó chính là sự tìm tòi ẩn chứa đằng sau nội dung sách: điều<br />
gì giải thích cho những thành tựu kinh tế vô cùng rực rỡ này của Singapore? Không hề có<br />
một nền kinh tế nào khác có thể tăng trưởng nhanh hơn trong giai đoạn 40 năm liên tục,<br />
kết thúc vào thời điểm năm 2000. Những bài học kinh nghiệm nào của Singapore mà các<br />
quốc gia khác có thể vận dụng, hay là cứ tiến hành thực hiện các bước phát triển và tăng<br />
trưởng giống như Singapore vậy? Du khách đến đây thường tỏ ra kinh ngạc trước mạng<br />
lưới giao thông phát triển hoàn hảo và vẻ đẹp lộng lẫy thăng hoa của quốc gia độc lập nhỏ<br />
bé này. Nhưng rất nhiều trong số họ, kể cả những người đến từ các quốc gia phát triển, khi<br />
tìm hiểu về các chính sách kinh tế và cơ cấu quản lý điều hành của Singapore, đều không<br />
ít ngạc nhiên về mô hình thượng tầng kiến trúc của đất nước này.<br />
Lời cảm tạ<br />
Tôi mặc nhiên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc khi liên hệ sử dụng các phần chú thích được<br />
trích dẫn từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và các bộ sách tham khảo. Tôi xin chân thành<br />
cảm ơn khi sử dụng các biểu đồ được sao chụp lại từ cuốn sách tham khảo hết sức giá trị<br />
của ông David Weil. Những lời biết ơn chân thành của tôi xin được gởi tới các vị Luc De<br />
Wulf, Anita Doraisami, Joshua Green, Khor Hoe Ee, Jerome La Pittus, Lim Chong Yah,<br />
David Orsmond, Euston Quah, Leo Van Houtven và Peter Wilson, về việc đã đọc bản<br />
thảo, gợi ý chỉnh sửa, và đưa ra nhiều lời phê bình nhạy bén nhằm làm cho bản gốc được<br />
hoàn thiện hơn. Sự thẳng thắn góp ý cùng sự động viên khích lệ đã làm cho các ý kiến phê<br />
bình của họ thêm sâu sắc hơn. Xin được gởi lời cảm ơn tới ông Ernesto Zedillo, nguyên<br />
Tổng thống Mexico, nay đang giữ cương vị điều hành Trường đại học Yale, dù lịch làm<br />
việc khít khao vẫn dành thời gian đọc cuốn sách này. Tôi rất vui khi được làm việc với bà<br />
Elizabeth Daniel, cùng hai cộng sự Paul Tan và Pauline Lim của nhà xuất bản Thomson<br />
Learning, đã nhiệt thành biên tập hết sức kỹ lưỡng để bản thảo gốc trở thành một tác phẩm<br />
hoàn hảo.<br />
Rất nhiều cảm nhận ẩn chứa đằng sau nội dung sách, đã được thu thập trong suốt 27 năm<br />
tôi làm việc với tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đồng nghiệp và các giám sát viên tiền<br />
nhiệm, cũng như các viên chức chính phủ và nhiều người khác, kể cả các viên chức Ngân<br />
hàng Thế giới mà tôi có dịp tiếp xúc thường xuyên, đã tận tình hướng dẫn tôi rất nhiều.<br />
Khi viết sách, tôi có lợi thế của một người đứng ngoài cuộc phát hiện ra những nét quyến<br />
rũ độc đáo của Singapore. Và tôi thấy cần phải nhanh chóng học hỏi nhiều điều. Những<br />
cảm nhận riêng được bộc lộ trong một số bài viết của các giáo sư Gavin Peebles, Peter<br />
<br />
Wilson, Lim Chong Yah, Linda Low, Diane Maury, R.S. Milne, và của các viên chức Quỹ<br />
Tiền tệ Quốc tế từng làm việc ở Singapore nhiều năm, là hết sức giá trị đối với tôi. Nhưng<br />
tôi cần nhấn mạnh rằng mọi quan điểm nhận thức trình bày trong cuốn sách này hoàn toàn<br />
là cảm nhận của riêng tôi, chứ không hề là của bất kỳ một tổ chức nào khác mà tôi đã<br />
từng, hoặc đang cộng tác làm việc. Mọi nhầm lẫn về sự kiện, về diễn dịch, hay phán đoán,<br />
nếu có, đều là do sai sót của cá nhân tôi.<br />
Cuốn sách đầu tiên Giữa Chốn thiên đường và Nơi không tưởng – Sự phát triển ở Đông<br />
Nam Á, xuất bản năm 1976, tôi viết dành cho lớp người trẻ trong khu vực này, những<br />
người mà đối với họ, phát triển cũng có nghĩa là một thách thức duy nhất đối với tài năng<br />
và tài lãnh đạo. Thành công Singapore xin được dành tặng cho Mike, vợ tôi, với lòng biết<br />
ơn chân thành vì đã hỗ trợ tôi trong suốt quá trình thực hiện. Cuốn sách này, cũng như<br />
nhiều thứ khác trong đời sống chúng tôi, nếu không có cô sẽ không bao giờ trở thành hiện<br />
thực.<br />
<br />
Phần mở đầu<br />
THÀNH CÔNG SINGAPORE CÓ THỂ CHUYỂN GIAO ĐẾN CÁC NƠI KHÁC?<br />
Thành công của Singapore, như một số chuyên gia nhận định, là không thể mô phỏng.<br />
Quốc gia này có những lợi thế riêng biệt. Sự tập trung 4,3 triệu dân trên một quần đảo có<br />
diện tích chưa đến 800 km2 đã tạo thuận lợi cho việc tiết giảm chi phí khi phân bố các<br />
phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng và công tác điều hành quản lý, theo một cách thức mà các<br />
quốc gia lục địa rộng lớn như Ấn Độ hay Brazil đều không thể có được. Không giống thủ<br />
phủ ở các quốc gia khác, chính quyền thủ đô được luật pháp tối cao nhà nước Singapore<br />
trao quyền kiểm soát việc nhập cư từ các vùng nội địa. Hải cảng với mực nước sâu tự<br />
nhiên và vị thế chiến lược có nhiều ưu điểm, đã mang đến cho Singapore một sự khởi đầu<br />
đầy thuận lợi trong thương mại và giao dịch quốc tế mà những quốc gia nằm sâu trong lục<br />
địa như Nepal chỉ có thể mơ tới. Và liệu các quốc gia khác, điển hình là Campuchia, nơi<br />
nền nông nghiệp cổ truyền vẫn còn chiếm ưu thế, sẽ học hỏi được những gì khi xuất phát<br />
từ một nền kinh tế đất nước mà khu vực hạ tầng chỉ khoanh lại trong việc trồng hoa lan và<br />
nuôi cá, làm thu hẹp đi bức tranh kinh tế tổng thể?<br />
Tuy nhiên vẫn còn những quốc gia khác phải học hỏi Singapore. Quyết định hết sức quan<br />
trọng của Trung Quốc vào năm 1978 nhằm thay đổi năm thế kỷ cô lập về kinh tế đã chịu<br />
ảnh hưởng phần nào từ chuyến viếng thăm Singapore của ông Đặng Tiểu Bình vào năm<br />
đó. Giấc mơ “xây dựng một ngàn Singapore tại Trung Quốc” của ông Đặng đã thúc đẩy<br />
nhiều phái đoàn đại diện Trung Quốc đến đảo quốc này với mục đích tham quan nghiên<br />
cứu. Hàn Quốc cũng hết sức ấn tượng trước thành tích đẩy lùi nạn tham nhũng của<br />
Singapore. Việc điều hành chặt chẽ lưu lương xe cộ giao thông nội thị của đất nước này đã<br />
làm ngẩn ngơ các viên chức chính phủ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, và chương trình<br />
nhà ở của Singapore cũng đang được nhiều chuyên gia kế hoạch từ khắp thế giới nghiên<br />
cứu. Dubai liên tục dõi mắt theo Singapore. Việc nghênh đón các tập đoàn đa quốc gia của<br />
Singapore, với những chính sách ưu đãi cùng nhiều khích lệ và chính sách một cửa – vào<br />
thời điểm mà các quốc gia khác còn đang né tránh – đã được rất nhiều nước noi theo.<br />
Những chính sách về nền công nghiệp định hướng ưu tiên xuất khẩu giờ đây không còn<br />
gây ngạc nhiên nữa. Năm 1970, trong cuộc viếng thăm Istana – Dinh Tổng thống<br />
Singapore – nguyên Thủ tướng Malaysia, ngài Mahathir Mohamad, đã tỏ ý ngạc nhiên,<br />
quan tâm hỏi han đến việc làm cách nào mà những khu vườn rộng mênh mông trong dinh<br />
lại xanh tốt đến như vậy. Phép lịch sự ngoại giao có thể đã làm cho các viên chức cao cấp<br />
khi đi tham quan thường hay bày tỏ những nhận xét tỉ mỉ, nhưng ở trường hợp này không<br />
hề là sự xã giao tâng bốc.<br />
Mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có thể học hỏi lẫn nhau. Vào thế kỷ thứ 19, nước Đức<br />
đã học hỏi kinh nghiệm cuộc cách mạng công nghiệp Anh Quốc; nước Nhật sau Công<br />
cuộc khôi phục Meiji (Minh Trị) giai đoạn 1867-1868 cũng đã nhận thức rõ sự vực dậy<br />
của nền kinh tế Đức; Singapore cũng chịu tác động thành công của Nhật; và Đảng Lao<br />
Động Anh mới đây đã thực hiện một chuyến tham quan nghiên cứu mạng lưới chăm sóc<br />
sức khỏe của Singapore, kết thúc một chu trình học hỏi lẫn nhau. Việc học hỏi không nhất<br />
thiết là phải cấy ghép một cách mù quáng những sách lược dù đã thành công ở đâu đó lên<br />
<br />