intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Báo cáo nghiên cứu khoa học " Bệnh học đường và biện pháp phòng chống"

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

217
lượt xem
28
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Trong cuộc đời mỗi con người, thời gian học ở trường phổ thông là dài nhất và đó cũng là thời kỳ con người đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất, tinh thần. Và đây cũng là thời gian mà cơ thể các em có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi cho sức khỏe từ môi trường học tập như cận thị, cong vẹo cột sống. Những loại bệnh học đường dễ xuất hiện và gây hậu quả xấu đối với sức khỏe và khả năng học tập của học sinh. ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Báo cáo nghiên cứu khoa học " Bệnh học đường và biện pháp phòng chống"

  1. Bệnh học đường và biện pháp phòng chống Trong cuộc đời mỗi con người, thời gian học ở trường phổ thông là dài nhất và đó cũng là thời kỳ con người đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất, tinh thần. Và đây cũng là thời gian mà cơ thể các em có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi cho sức khỏe từ môi trường học tập như cận thị, cong vẹo cột sống. Những loại bệnh học đường dễ xuất hiện và gây hậu quả xấu đối với sức khỏe và khả năng học tập của học sinh. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong cuộc đời mỗi con người, thời gian học ở trường phổ thông là dài nhất và đó cũng là thời kỳ con người đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất, tinh thần. Và đây cũng là thời gian mà cơ thể các em có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi cho sức khỏe từ môi trường học tập như cận thị, cong vẹo cột sống. Những loại bệnh học đường dễ xuất hiện và gây hậu quả xấu đối với sức khỏe và khả năng học tập của học sinh. Trong những năm qua, thực hiện Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, ngành Y tế và ngành Giáo dục đã cùng với các ban, ngành nỗ lực phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác y tế trường học và thu được một số kết quả nhất định. Một số văn bản quy phạm pháp luật về công tác y tế trong các trường học được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện. Mạng lưới y tế trường học từng bước được củng cố. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã có cán bộ y tế chuyên trách theo dõi công tác y tế trong các trường học. Một số chương trình phòng, chống bệnh tật đã và đang được đưa vào một số trường học như: phòng chống HIV/AIDS, phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống sốt rét, phòng chống giun sán, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc răng miệng... nhằm bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho học sinh. Tuy nhiên, công tác khám sức khoẻ định kỳ và quản lý sức khỏe học sinh còn chưa
  2. được quan tâm đúng mức, số học sinh được khám sức khoẻ định kỳ chiếm tỷ lệ còn thấp (15% và 20,67%). Tình hình học sinh mắc các bệnh học đường như cận thị, gù, cong vẹo cột sống chưa được nghiên cứu đầy đủ. II. THỰC TRẠNG BỆNH HỌC ĐƯỜNG Khoa Sức khỏe cộng đồng và Y tế trường học (Trung tâm Y tế Dự phòng Nghệ An) đã tiến hành khảo sát về thực trạng bệnh học đường ở học sinh Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS). Trong đó tập trung chủ yếu vào 2 bệnh chính là cận thị và cong vẹo cột sống. Khảo sát được thực hiện trên 1.500 học sinh tại 20 trường nội thành và 1.500 học sinh tại 16 trường thuộc vùng nông thôn phụ cận. Kết quả thu được như sau: a. Bệnh cận thị - Tỷ lệ cận thị của học sinh TH và THCS là 19,4%, trong đó tỷ lệ cận thị của học sinh THCS là 20,7%, cao hơn tỷ lệ cận thị của học sinh TH (18,4%). Điều này cũng dễ hiểu vì ở các cấp học cao hơn thì nguy cơ bị tật khúc xạ cũng cao hơn. - Tỷ lệ cận thị của học sinh khu vực thành thị cao hơn rất nhiều so với học sinh khu vực nông thôn (thành thị 28,4%, nông thôn 10,4%) ở cả TH và THCS. Điều này có thể do cường độ học tập của học sinh thành thị cao hơn học sinh nông thôn, do tình trạng học thêm nhiều, do gia đình có điều kiện hơn nên các em thường xuyên chơi trò chơi điện tử trên máy tính, do khu vực thành thị chật hẹp nên hạn chế tầm nhìn của các em làm gia tăng tỷ lệ cận thị. - Một điểm đáng chú ý là trong quá trình khảo sát chúng tôi thấy rất nhiều học sinh bị cận thị, kể cả mức độ nặng, nhưng các em không hề biết và không đeo kính. Nhiều em có biết mình bị cận thị nhưng các em cũng không đeo kính vì nhiều lý do nhưng phần lớn là do các em không biết tác hại của việc không mang kính. Hiện các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến việc giữ gìn đôi mắt cho con em. Các cuộc kiểm tra mắt cho học sinh đều do nhà trường tự mời bác sĩ đến khám hoặc phụ huynh chỉ đưa con em đi khám khi được nhà trường yêu cầu.
  3. Cận thị học đường có nhiều nguyên nhân song những nguyên nhân chính là ánh sáng phòng học không đảm bảo, kích thước bàn ghế không phù hợp, tư thế ngồi học không đúng. Ngoài ra còn do các em học sinh học thêm nhiều, chơi điện tử, xem tivi nhiều hay đọc các truyện tranh có cỡ chữ quá nhỏ. b. Bệnh gù vẹo cột sống Tình trạng cong vẹo cột sống ở học sinh TH là rất thấp (0,6%) và không có sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn. Ở học sinh THCS thì tỷ lệ cong vẹo cột sống của học sinh khu vực nông thôn (6,2%) cao hơn nhiều so với khu vực thành thị (1,4%). Cột sống được xem như rường cột của cơ thể mỗi người, có chức năng nâng đỡ thân hình thẳng đứng đồng thời đảm đương hầu hết những cử động trong sinh hoạt hàng ngày. Khi kích thước bàn ghế không phù hợp với hình thể, chiều cao của học sinh làm trẻ phải khom lưng nhiều hoặc phải ưỡn người, tư thế sai kéo dài sẽ gây ra gù vẹo cột sống. Ngoài ra, vẹo cột sống ở lứa tuổi học sinh cũng xảy ra khi trẻ ngồi sai tư thế, vẹo lưng, nghiêng đầu khi viết chữ. Vẹo cột sống còn xảy ra khi trẻ mang cặp sách quá nặng mà chỉ mang một bên tay hoặc cặp vào một bên nách. Căn bệnh này còn xảy ra khi trẻ phải lao động, mang vác nặng quá sớm, đội những vật nặng trên đầu. Nếu trẻ bị cong vẹo cột sống, khi ngồi học dễ bị tê chân. Những tư thế sai này gây ảnh hưởng nhiều đến việc nhìn bảng, viết bài và căng thẳng thần kinh trong khi nhìn, làm não khó tập trung và sức học sẽ bị sa sút. Khi trẻ bị gù vẹo cột sống sẽ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, tuần hoàn. Với trẻ em gái sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản khi đến tuổi trưởng thành. 2. Các biện pháp phòng chống Để phòng bệnh cận thị và cong vẹo cột sống ở học sinh, cần thực hiện tốt các nội dung sau đây: - Đảm bảo ánh sáng chiếu đồng đều trong phòng học, cường độ ánh sáng không dưới 100 lux. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, hướng lấy ánh sáng là hướng nam hoặc đông nam và về phía bên tay trái của học sinh ngồi học. Hỗ trợ bằng ánh
  4. sáng nhân tạo khi ánh sáng tự nhiên không đủ, mỗi phòng học từ 40 - 50m2 phải trang bị ít nhất 4 bóng đèn sợi đốt, mỗi bóng từ 150 - 200W hoặc từ 6 - 8 bóng neon dài 1,2m. - Kích thước bàn ghế phải phù hợp với tầm vóc học sinh. Thông thường bàn cao khoảng 42%, ghế cao khoảng 26% chiều cao cơ thể học sinh là đảm bảo. Tốt nhất sử dụng loại bàn 2 chỗ, 2 ghế rời nhau và rời bàn để học sinh dễ dàng cử động tại chỗ khi mỏi cơ. - Tư thế ngồi học phải ngay ngắn. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn cho học sinh. Trong thực tế phần lớn học sinh ngồi học không đúng tư thế, các em thường cúi thấp hoặc áp má, tỳ vai vào mặt bàn nên dễ dẫn đến tật cận thị và gù vẹo cột sống. - Không nên gây áp lực học quá lớn với các em mà nên tạo nhiều sân chơi, hoạt động thể lực nhiều hơn để các em rèn luyện sức khỏe. Sau mỗi tiết học cần khuyến khích các em ra sân chơi, tập nhìn xa để góp phần phòng chống cận thị và cong vẹo cột sống. - Học sinh khi đến trường không nên mang cặp một bên vì dễ gây vẹo cột sống. Tốt nhất là mang cặp hai quai theo kiểu ba lô sau vai để tạo nên sự cân đối hai bên, tránh gù vẹo cột sống. - Phụ huynh cần quản lý các em chặt chẽ khi ở nhà. Không nên để các em xem ti vi, chơi điện tử hay đọc truyện tranh chữ nhỏ quá nhiều dễ dẫn đến cận thị. Góc học tập ở nhà của các em cũng cần đảm bảo ánh sáng, kích thước bàn ghế phù hợp như tiêu chuẩn ở trường. - Cuối cùng, dinh dưỡng là một phần quan trọng góp phần phòng chống cận thị và cong vẹo cột sống. Các em cần được ăn đủ chất để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Canxi làm cho xương cứng cáp góp phần phòng bệnh gù vẹo cột sống. Vitamin A và các tiền tố của nó giúp mắt khỏe hơn, sáng hơn. Ngoài ra,
  5. nhiều yếu tố vi lượng khác có trong cá, thịt, rau, củ, quả rất cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh. Tóm lại, cận thị và gù vẹo cột sống là hai bệnh học đường thường xuất hiện ở học sinh các cấp học phổ thông. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của học sinh cũng như ảnh hưởng lâu dài đến khả năng lao động và làm việc sau này. Việc phòng chống bệnh học đường nói chung, cận thị và gù vẹo cột sống nói riêng cần có sự quan tâm của ngành y tế, giáo dục và đào tạo cùng với phụ huynh học sinh. Sự phối hợp tốt giữa nhà trường - gia đình - xã hội sẽ tạo cho các em môi trường học tập và vui chơi lành mạnh, góp phần phòng chống bệnh học đường, bảo vệ sức khỏe học sinh./. ■ Chu Trọng Trang - Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0