Báo cáo nghiên cứu khoa học " QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI CỦA XIÊM VỚI CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY DƯỚI THỜI RAMA III (1824 - 1851) "
lượt xem 27
download
Khi nghiên cứu về quan hệ đối ngoại của Xiêm với các nước phương Tây thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, người ta thường chú ý đến những thành công nỗi bật trong chính sách đối ngoại khôn khéo của Xiêm dưới thời vua Mongkut (Rama IV) và vua Chulalongkon (Rama V) mà hầu như không đề cập đến thời Rama III trước đó, vì một số nhà sử học phương Tây cho rằng Rama III là một con người cứng nhắc và thiếu cởi mở. ...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Báo cáo nghiên cứu khoa học " QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI CỦA XIÊM VỚI CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY DƯỚI THỜI RAMA III (1824 - 1851) "
- QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI CỦA XIÊM VỚI CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY DƯỚI THỜI RAMA III (1824 - 1851) Đặng Văn Chương Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Khi nghiên cứu về quan hệ đối ngoại của Xiêm với các nước phương Tây thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, người ta thường chú ý đến những thành công nỗi bật trong chính sách đối ngoại khôn khéo của Xiêm dưới thời vua Mongkut (Rama IV) và vua Chulalongkon (Rama V) mà hầu như không đề cập đến thời Rama III trước đó, vì một số nhà sử học phương Tây cho rằng Rama III là một con người cứng nhắc và thiếu cởi mở. Vương quốc Xiêm dưới thời Mongkut (1851-1868) và Chulalongkon (1868-1910) đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác với các nước phương Tây, dần dần đi theo quỹ đạo của các nước phương Tây và từng bước hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, khi nhìn lại mối quan hệ của vương quốc Xiêm với các nước phương Tây dưới thời Rama III (1824 – 1851), Xiêm cũng đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong việc giữ gìn nền hòa bình và đã kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ trước những đòi hỏi ngang ngược của các nước đế quốc, thực dân phương Tây mà nhiều nước chung quanh ở khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ đã không thể thực hiện được. Chính thành công đó mở đường cho thắng lợi ngoại giao của Xiêm trong các giai đoạn tiếp theo. I. Nền tảng chính trỊ, kinh tế - quân sự của đường lối đối ngoại của Xiêm dưới thời Rama III (1824 - 1851) 89
- Trước những áp lực và thách thức ngày càng gia tăng đối với Xiêm từ các thế lực thực dân và tư bản phương Tây thì Rama II qua đời (7-1824) không để lại di chúc về người kế vị. Trước tình hình đó, buộc triều đình Xiêm (sau mấy lần thảo luận) phải chọn hoàng tử Chet-xa-bô-đin, là con trai trưởng của Rama II nhưng không phải là con của Chính cung hoàng hậu lên ngôi vua lúc 37 tuổi - tức là Rama III (1824-1851), thay vì theo luật là phải chọn hoàng tử Mongkút là con của Chính cung hoàng hậu. Điều đó được giải thích là, lúc bấy giờ, nước Xiêm cần có một ông vua cứng rắn, quyết đoán, kiên quyết nhưng linh hoạt trong ứng xử với các thế lực phương Tây đầy tham vọng đang toan tính can thiệp, xâm lược nước Xiêm. Hoàng tử Chet-xa-bô-đin được triều đình lựa chọn vì ông ta lớn hơn hoàng tử Môngkút 17 tuổi, "lại rất giỏi việc nước, đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, đã từng thay vua cha điều hành đất nước" [8, tr.127], còn hoàng tử Môngkút vẫn tiếp tục tu hành ở trong chùa. Chính sách đối ngoại có mối quan hệ mật thiết với đường lối đối nội và nó cũng phản ánh sức mạnh, vị thế và khuynh hướng của quốc gia trong mối quan hệ với các nước khác. Do vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi cũng đề cập đến những nét khái quát về chính trị - tổ chức nhà nước, kinh tế, quân sự và vị thế của Xiêm dưới thời Rama III. Đó chính là cơ sở, là tiền đề cần thiết để Xiêm thực hiện đường lối đối ngoại ''mềm dẻo'' nhưng cũng rất ''kiên quyết'' trong việc bảo vệ nền hòa bình, độc lập và quyền lợi của vương quốc Xiêm đối với các nước lớn phương Tây mà trực tiếp là Anh và Mỹ. 1. Về chính trị - tổ chức bộ máy Nhà nước: Ngay từ khi vương triều Chakri thành lập, quá trình xác lập và tập trung hóa cao độ nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đã được các vua đầu triều đặc biệt chú ý. Dưới thời Rama I (1782-1809) và Rama II (1809-1824), việc xây dựng, củng cố tổ chức hành chính, tăng cường sức mạnh quyền lực của nhà vua 90
- đã được đẩy mạnh. Hệ thống các quan hệ họ hàng huyết thống được củng cố, hình thành nên một nhóm các gia đình hoàng tộc và quý tộc hùng mạnh, nắm trong tay các quyền lực chủ yếu của nhà nước phong kiến. Đó là hệ thống các Bộ do các hoàng tử, hoàng thân cầm đầu. Rama I đã đưa 11 hoàng thân và công chúa đứng đầu các bộ ngành trong bộ máy nhà nước Xiêm [1, tr.55]. Dưới thời Rama III, quá trình tập trung hóa cao độ nhà nước phong kiến trung ương tập quyền càng được đẩy mạnh hơn. Sau khi đăng quang (1-8-1824), vua Rama III đã cho tổ chức lễ tuyên thệ “thề trung thành với nhà vua” cho các hoàng tử và quan chức cao cấp. "Một vị quan chức cao cấp nhất của triều đình (Brahman) đọc lời tuyên thệ thề trung thành với nhà vua và lời nguyền rủa những ai không trung thành với nhà vua" [9, tr.5]. Sau khi đọc lời tuyên thệ, các hoàng tử và quý tộc uống "nước trung thành" (the water of allegiance). Việc làm đầu tiên sau khi đăng quang, Rama III bổ nhiệm các quan chức vào bộ máy Nhà nước trung ương. Ở Xiêm, có hai tầng lớp quan chức chính: quan chức hoàng gia (gồm các hoàng tử) và quan chức quý tộc. Chỉ có các hoàng tử mới được bổ nhiệm đứng đầu các bộ. Quan chức quý tộc cũng được phong chức tước. Số quan chức quý tộc chiếm một phần lớn trong công việc hành chính của chính phủ. Họ đã thực sự người thực thi các chính sách, chủ trương của Nhà nước. Hoàng tử Krom Mun Sakdiphonlasep (chú và cũng là người bạn thân của Rama III) được chọn giữ chức vụ Upparat (phó vương), quyền lực chỉ sau nhà vua. Nhà vua phong chức Hoàng thái hậu cho mẹ của mình và bổ nhiệm 8 hoàng tử (trong đó 2 người chú, 3 em trai) vào các chức quan cao trong triều đình. Đến năm 1830, để hoàn thiện các bộ, ngành, Rama III đặc biệt quan tâm đến ba bộ quan trọng nhất: Bộ Nội vụ (Mahatthai), Bộ Chiến tranh (Kralahom) và Bộ 91
- Tài chính (Phraklang) phụ trách cả ngoại thương. Ông cử Chao Phraya Bodinthondecha (thường gọi tắt là Phìa Bođin), một viên tướng có tài và là người chỉ huy quân sự nổi tiếng vào chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. (Bođin giữ chức vụ này cho đến lúc chết, 1849). Rama III cử Chao Phraya PhraKhlang (thường gọi tắt là PhraKhlang), người đã có công lao vận động các phe phái dưới thời Rama II để ủng hộ ông lên ngôi vua, nắm giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông còn giao cho PhraKhlang kiêm luôn chức Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. PhraKhlang giữ hai chức vụ này cho đến hết thời Rama III [3, tr.70-71]. Càng về sau, ông càng có khuynh hướng tập trung quyền lực vào tay mình và hoàng gia. Vào năm 1832, phó vương mất, triều đình Xiêm xôn xao chưa biết ai sẽ được chọn là người kế vị. Song Rama III không chọn ai cả với lý do không một người nào có đủ khả năng [2, tr.134]. Thế là mọi quyền hành càng tập trung vào tay nhà vua. Cùng năm đó, ông đã thăng chức cho 7 hoàng tử: 3 người chú, 3 anh trai và 1 người anh họ. Như vậy dưới thời Rama III nền quân chủ chuyên chế Xiêm đạt đến đỉnh cao và Xiêm thực sự trở thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực Đông Nam Á lục địa lúc bấy giờ. Đây là cơ sở cho chính sách đối ngoại “mềm dẻo” nhưng rất “cứng rắn” của Xiêm trước áp lực của các nước phương Tây đầy tham vọng, đang lăm le xâm chiếm các nước Đông Nam Á trong đó có Xiêm. 2. Về kinh tế và quân sự: Dưới hai triều vua đầu tiên (Rama I, Rama II) của vương triều Chakri, Xiêm đã khắc phục hậu quả chiến tranh xâm lược của Miến Điện (Mianma), từng bước phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh quân sự, củng cố và nâng cao vị thế của họ đối với các nước chung quanh mà trước hết là đối với Miến Điện, các tiểu quốc Lào, Campuchia và các tiểu quốc Hồi giáo ở bán đảo Malaixia... 92
- Xiêm từng bước đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa và đường, không chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu và số lượng xuất khẩu ngày càng tăng. Đây là thành tựu vượt bậc so với các nước khác trong vùng. Ngay sau khi giành lại độc lập (1767), Taksin và các vua đầu tiên của vương triều Chakri đã rất quan tâm đến vấn đề ngoại thương. Cũng như các triều vua trước, Rama III càng đẩy mạnh việc buôn bán với Trung Quốc, một bạn hàng truyền thống của Xiêm, luôn chiếm một vị trí lớn nhất trong ngoại thương của Xiêm, kế đến là khu vực các nước Đông Nam á như các tiểu quốc ở bán đảo Mã Lai, quần đảo Inđônêxia, Singapo, Campuchia, Việt Nam (Hà Tiên, Gia Định, Hội An)... Nhờ vậy, trong khoảng 20 năm cuối của thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, ngoại thương của Xiêm phát triển hết sức mạnh mẽ (nhất là dưới thời Rama III), mang lại nguồn thu nhập lớn cho Nhà nước. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, tổng giá trị buôn bán hằng năm trong xuất khẩu của Xiêm có năm lên tới 5.500.000 bạt, còn nhập khẩu là 4.300.000bạt [5, tr. 122]. Giá trị xuất khẩu nă m 1850 là 5.585.000 bạt, vượt xa giá trị nhập khẩu 1.200.000 bạt [7, tr.43]. Từ thu nhập của Nhà nước dưới thời Rama II là 5.169.000 bạt tăng lên 14.000.000 bạt (khoảng 8,5 triệu US lúc bấy giờ) vào cuối thời Rama III [4, tr.16]. Cùng với việc phát triển nhanh chóng về ngoại thương, Rama III tiến hành cải cách việc thu thuế. Trước đây thu thuế bằng thóc nay thu thuế bằng tiền, thêm vào đó nhà nước cho đấu thầu việc thu thuế (nhiều người Hoa thắng thầu trong việc thu thuế), nên nguồn thu của nhà nước đã tăng lên đáng kể. Việc thu thuế bằng tiền thay thế cho thuế bằng hiện vật, chứng tỏ sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa. Từ đó, Xiêm càng có điều kiện thuận lợi để đầu tư cho quốc phòng , tăng cường đối phó với sự đe doạ xâm lược ngày càng tăng từ chủ nghĩa thực dân phương Tây đối với các nước ở khu vực Đông Nam Á, mà Rama III đã sớm nhận thức được. Chống lại sự xâm lược của phương Tây chứ không bài xích phương Tây, Rama III đã mạnh dạn thuê các chuyên gia quân sự châu Âu huấn luyện cho 93
- quân đội Xiêm theo mô hình và chiến thuật quân sự của phương Tây. Họ còn giúp Xiêm chế tạo các loại tàu chiến mới. Nhờ đó, đến cuối năm 1830 Xiêm có một lực lượng bộ binh 10.000 người và lực lượng pháo binh đã được huấn luyện theo kỹ thuật tác chiến của châu Âu. Về hải quân, Xiêm có 4 chiến hạm, 12 hải phòng hạm và khoảng 500 chiến thuyền cải tiến [4, tr.16]. Bờ biển và cửa sông Mê Nam của Xiêm đều được bảo vệ bởi các công sự, đồn bốt được xây dựng theo kiểu mới nhất lúc bấy giờ. Như vậy, ngay từ khi vương triều Chakri được thành lập, các vị vua đầu tiên từ Rama I đến Rama III đã đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế, mở rộng ngoại thương, nỗ lực xây dựng an ninh quốc phòng. Dưới thời Rama III, nhằm xây dựng quân đội hiện đại, hùng mạnh, nhà vua chú trọng đến việc tổ chức huấn luyện quân sự, trang bị vũ khí và kỹ thuật phương Tây cho quân đội. Đây thực sự là một nét mới của quân đội Xiêm so với các nước khác trong khu vực. Ông xem đó như là một trong những mục tiêu quân sự quan trọng cần đạt tới. Đó không những là cơ sở quan trọng để Xiêm bảo tồn nền độc lập của mình mà còn là điều kiện thuận lợi để Xiêm có thể mở rộng bành trướng lãnh thổ và uy thế của mình đối với các nước chung quanh, đặc biệt là ở Lào và Campuchia cũng như việc tranh giành ảnh hưởng một cách quyết liệt với Miến Điện về một số công quốc ở phía Bắc, như Chiềng Mai, Keng Tung... II. Quan hệ với các nước phương Tây: Xiêm có một vị trí chiến lược quan trọng trên con đường giao thương từ châu Âu sang châu Á. Xiêm như nơi trung chuyển giũa các nước Tây Âu với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Ngay từ thế kỷ XVI, nhiều phái bộ truyền giáo, thương nhân châu Âu đã đến Xiêm và từ đó họ đi đến các nước khác trong vùng và ngược lại. Các nước như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, sau đó là Hà Lan rồi Anh, Pháp, Đức... đã từng có mặt ở Xiêm để tranh giành quyền lợi và có 94
- những lúc đã xung đột quyền lợi với nhau. Trong quan hệ với các nước phương Tây từ thế kỷ XVI cho đến khi Ayuthaya (thủ đô của Xiêm) bị sụp đổ 1767, Xiêm đã khá thành công, có nhiều kinh nghiệm trong việc dựa vào nước này để chống lại nước khác nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Xiêm đã từng biết cách dựa vào Hà Lan để chống lại thế lực ngày càng lớn của Tây Ban Nha, nhưng khi thế lực của Hà Lan ngày càng chi phối mạnh mẽ ở Xiêm thì họ lại tìm cách dựa vào Anh để chống lại Hà Lan... Và cũng như vậy, họ đã biết cách liên kết với Nga để đi đến tiếp xúc với Pháp, Anh, Đức, Bỉ vào thế kỷ XIX... 1. Quan hệ Xiêm - Anh, từ bất hợp tác đến hợp tác: Quan hệ đối ngoại của Xiêm dưới thời Rama III với các nước phương Tây đáng chú ý hơn cả là quan hệ với nước Anh. Người Anh đã đến Xiêm lần đầu tiên vào năm 1512, một năm sau khi người Bồ Đào Nha đặt chân đến Malacca, sau khi đã thành công trong các cuộc phát kiến địa lý đầy mạo hiểm và gian truân. Sau đó, công ty Đông Ấn của Anh đã thiết lập quan hệ thương mại và ngày càng có ảnh hưởng to lớn tại Xiêm. Sau một thời gian bị ngưng vì các cuộc cách mạng tư sản và chiến tranh Napoléon nổ ra ở châu Âu vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, nước Anh lại đẩy mạnh việc xâm chiếm khu vực Đông Nam Á (sau 1815). Sau khi chiếm được Singapo (1819), Anh lại tập trung sự chú ý vào bán đảo Mã Lai (Malaixia) và thị trường Xiêm. Năm 1822, một chiến hạm chở đại sứ Anh Jôn Krâu-phéc-đơ lên đường và nhanh chóng thả neo ở sông Mê-nam (Xiêm). Trong quá trình đàm phán, phía Xiêm đề nghị Anh bán vũ khí cho mình, còn phía Anh yêu cầu được hoàn toàn tự do buôn bán và quyền tối huệ quốc. Kết quả là ngày 10/6/1822 hai bên đã đi đến kí hiệp ước, theo đó tàu của Anh được phép đi sâu vào sông Mê-nam nhưng với điều kiện là phải tháo dỡ đại bác cùng các vũ khí khác lên bờ và phía Xiêm được phép kiểm tra tàu Anh. Về phần mình cơ quan hải 95
- quan của Xiêm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán của người Anh và đảm bảo không tăng thuế trong tương lai. Tuy nhiên, hai năm sau tình hình trở nên phức tạp hơn khi thực dân Anh phát động chiến tranh xâm lược Miến Điện (3-1824). Ngay sau khi lên cầm quyền (8-1824), Rama III đã điều ngay 3 đạo quân tới biên giới Miến - Xiêm và một đạo quân khác tới Li-go để chờ cơ hội mở rộng lãnh thổ trong trường hợp Anh bị sa lầy trong cuộc chiến tranh với Miến Điện. Trước tình hình đó, Anh đề nghị Xiêm tấn công Miến Điện từ phía đông bắc, nơi quân Anh chưa thể vươn tới được, để phân tán lực lượng của quân Miến Điện, tạo điều kiện cho lực lượng Anh tấn công từ phía biển lên; đồng thời, gây sức ép buộc Xiêm phải từ bỏ tham vọng ở các tiểu quốc trên bán đảo Mã Lai, nơi có vị trí thương mại quan trọng đối với cả Xiêm lẫn Anh. Biết được ý đồ "một mũi tên bắn trúng hai đích" của Anh nên lúc đầu Xiêm không tham gia. Đến năm 1825, Anh cử một phái bộ do đại uý Hăng-ri Bơ-ni (Henry Burney) cầm đầu đến Xiêm xin tiếp viện. Vua Rama III đồng ý giúp Anh đánh Miến Điện, nhưng không phối hợp với quân Anh mà độc lập tác chiến, bằng cách cho quân tiến đánh Mo-ta-ma, nơi trước đây Miến Điện thường tập trung quân trước khi tấn công Xiêm và một số nơi khác. Trước sự tấn công mạnh mẽ của quân Anh và Xiêm, vua Miến Điện, Bagyido, (tiếng Thái gọi là Chặc-cai-nung) phải đầu hàng và phải ký với Anh hiệp ước gồm 10 điểm. Theo hiệp ước, Miến Điện phải nhường các địa phương ven biển và các đảo cho Anh, đồng thời phải nộp phạt 10 triệu ru-pi. Trong hiệp ước này còn ghi rõ "vua Xiêm là đồng minh rất trung thực của nước Anh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi" [8, tr.134]. Nhờ chủ động và tham chiến một cách khôn khéo, Xiêm vừa góp phần tiêu diệt Miến Điện, kẻ thù lâu đời của mình vừa không bị rơi vào mưu đồ của Anh, ngược lại được chia phần "thắng lợi" và trở thành đồng minh với Anh trong cuộc 96
- chiến chống lại Miến Điện. Điều đó mang lại cho Xiêm một vị thế mới trong quan hệ với Anh. Nhớ đó, ngày 20 - 6 -1826, Xiêm đã kí với Anh một hiệp ước mới trong tư thế hoàn toàn bình đẳng với Anh. Nội dung chủ yếu của hiệp ước là hai bên thỏa thuận phân chia ảnh hưởng trên bán đảo Mã Lai. Cụ thể là: 1. Anh thừa nhận quyền bảo hộ của Xiêm đối với Patani, Trengganu, Kedah và Kelantan. Ngược lại, Xiêm đồng ý không cản trở việc buôn bán của người Anh ở những tiểu quốc này và không can thiệp vào công việc nội bộ của họ, các tiểu quốc này tiếp tục gửi cây vàng, cây bạc đến triều cống Xiêm như trước đây. 2. Người Anh được phép buôn bán ở Kedah mà sẽ không phải trả thêm thuế quan. Anh không được tìm cách giúp đỡ Sultan Ahmad Tajuddin (người đã bị Xiêm trục xuất) để trở lại ngôi vua. Anh phải buộc ông ta rời khỏi vùng Penang, nơi người Anh đang kiểm soát. 3. Xiêm đồng ý không can thiệp vào Perak và Anh cũng đồng ý không can thiệp vào chính quyền của Perak và Selangor. 4. Thương nhân Anh được tự do mua, bán hàng hóa tại Bangkok và chỉ trả thuế hải quan. 5. Xiêm thừa nhận quyền kiểm soát của Anh ở Penang và các tỉnh phía tây [6, tr.188]. Hai bên khẳng định một nền hòa bình vững chắc Xiêm - Anh, tự do buôn bán với nhau. Ngoài ra, hiệp ước này còn quy định: nhà nước Xiêm từ bỏ độc quyền của mình trong thương mại, thay toàn bộ các loại thuế đánh vào tàu Anh 97
- bằng một thuế duy nhất là 750 bạt đối với mỗi mét chiều dài và rộng của tàu, khoản thuế mà cả Xiêm và Anh đều chấp thuận. Như vậy, Xiêm không hề bị thua thiệt trong bất cứ một điều khoản nào cả đối với Anh. Chính vì vậy, sau này khi Anh thắng lợi trong cuộc chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc vào những năm 40 của thế kỷ XIX, Anh đòi Xiêm xét lại, ký lại các điều khoản của hiệp ước này theo chiều hướng có lợi hơn đối với Anh. Nhưng Anh không đạt được điều này dưới thời Rama III mà chỉ đạt được vào năm đầu tiên của Rama IV trị vì (1851). 2. Quan hệ Xiêm - Mỹ, khởi đầu tốt đẹp nhưng đầy thách thức: Trên cơ sở đạt được một hiệp ước bình đẳng với nước Anh hùng mạnh, đầy tham vọng, Rama III đã chủ động thiết lập quan hệ với Mỹ, một thế lực mà Xiêm cho là “dễ chịu“ hơn so với các thế lực phương Tây khác lúc bấy giờ. Về phía chính phủ Mỹ cho rằng "Thái Lan không thành kiến với người Âu” như Trung Hoa và tất nhiên Mỹ cũng rất quan tâm đến vị trí chiến lược và tầm quan trọng của thị trường Xiêm. Chính phủ Mỹ đã cử phái bộ đầu tiên do Edmund Roberts cầm đầu đến Bangkok, mở đầu cho quá trình thiết lập mối quan hệ giữa 2 nước Xiêm - Mỹ. Phái đoàn đã được chính vua Rama III tiếp đón trọng thể. Xuất phát từ nhận thức về vị thế và tầm quan trọng của Mỹ lúc bấy giờ, Rama III đã nhanh chóng ký hiệp định thương mại với Mỹ (20-3-1833) với những điều khoản tương tự như hiệp ước với Anh. Ngoài ra người Mỹ được phép truyền bá đạo Tin Lành (Protestant) ở Xiêm. Hiệp định thương mại chưa mang lại nhiều lợi lộc cho Xiêm nhưng họ đã thu được nhiều thành tựu khoa học, kỹ thuật trong một số lĩnh vực như in ấn, y tế, đóng tàu và kể cả việc học tiếng Anh miễn phí từ các nhà truyền đạo của Mỹ. Nhóm truyền giáo đạo Tin Lành đầu tiên đến Băng Cốc vào ngày 23-8-1828, gồm 98
- có, một bác sĩ người Đức thuộc Hội truyền giáo Hà Lan tên là Khan-kút-stáp, mục sư người Anh thuộc Hội truyền giáo London. Hai người này trước đây đã truyền đạo ở Trung Hoa rồi đến truyền đạo cho người Hoa ở Băng Cốc. Họ nhận thấy ở Xiêm không có sự kỳ thị về tôn giáo và các tôn giáo đều được tự do hoạt động, nên họ viết báo cáo gửi về Hội truyền giáo ở Mỹ. Từ đó nhiều nhóm truyền đạo Mỹ lần lượt sang Xiêm. Nhóm American board of commissioner for foreign mission đến Băng Cốc vào các năm 1831, 1843, 1835, 1840. Nhóm American Baptist mission đến Xiêm vào năm 1833. Nhóm Presbyterien đến Băng Cốc vào các năm 1840, 1847 [8, tr.139]. Trong các nhóm truyền đạo nói trên có nhiều bác sĩ cấp phát thuốc và chữa bệnh miễn phí và giúp cho Xiêm cách tiêm chủng đậu mùa. Ngày 18-7-1835, nhà truyền đạo Wyliam đã mang theo máy in. Nhờ đó, tháng 6 năm 1835, thầy giảng Robinson đã chế tạo ra máy in chữ Thái đầu tiên ở Băng Cốc. Năm 1849, chính phủ Xiêm lần đầu tiên đã in thông báo cấm buôn bán thuốc phiện. Năm 1833, thông qua các nhà truyền giáo Xiêm đã chế tạo tàu thủy chạy bằng máy trên sông Chao-phray-a...[8, tr.140]. Sau đó, Rama III còn chủ động đề nghị ký một hiệp ước tương tự như trên với Pháp nhưng không thành. Bảy năm sau, năm 1840 Xiêm chủ động ký với Mỹ một hiệp ước khác nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại giữa hai nước. Từ 1826 – 1840, Rama III đã sáu lần tiếp sứ thần phương Tây đã giúp ông nhận thức được rằng là một nước nhỏ, đứng trước các đối thủ lớn như vậy, phải biết cách để sinh tồn. Từ đó, Rama III thận trọng và dè dặt hơn trong quan hệ đối ngoại với Mỹ. Sau hiệp ước 1833 và 1840 giữa Mỹ và Xiêm, cũng như Anh, Mỹ không thoả mãn tham vọng của mình. Mỹ muốn lấn tới hơn nữa. Các hiệp ước Mỹ ký với Trung Quốc năm 1844 đem lại cho họ những món lợi khổng lồ, điều đó thôi thúc Mỹ tiếp tục tìm kiếm thị trường và đỏi hỏi ở nước Xiêm nhiều hơn nữa. Năm 1850, tổng thống Mỹ Taylor đã cử Josep Barestier đến Băng Cốc yêu cầu Xiêm 99
- xét lại hiệp ước đã ký năm 1833. Triều đình Xiêm một mặt tỏ ra nhu mì, tiếp thu những ý kiến phía Mỹ đưa ra, song mặt khác soạn thảo một công hàm gửi tới Josep Barestier với nội dung từ chối những yêu cầu của Mỹ. Trước sự từ chối của Xiêm, Mỹ đe doạ sẽ tấn công Xiêm, Mỹ tuyên bố rằng: Mỹ sẽ cấm thương nhân Xiêm tới Mỹ buôn bán, kế tiếp Mỹ phát động phong trào bài trừ hàng hóa của Xiêm. Mỹ đóng cửa không thông thương buôn bán với Xiêm, mục đích của Mỹ là cô lập Xiêm về kinh tế, buộc Xiêm chấp nhận các điều khoản của Mỹ. Đứng trước tình hình đó, những nhà ngoại giao Xiêm vẫn tỏ ra bình tĩnh. Vì họ cho rằng Mỹ không thể độc chiếm thị trường Xiêm. Vì nếu Mỹ độc chiếm Xiêm, sẽ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của cường quốc Anh, Hà Lan và một số nước tư bản khác vì những nước này đã ký với Xiêm nhiều hiệp ước thương mại. Kết quả là đúng như người Xiêm dự đoán, Mỹ chỉ nói như vậy nhưng sau đó họ lại tiếp tục đặt quan hệ với Xiêm. Như vậy, Xiêm đã khôn khéo tìm cách thiết lập quan hệ bang giao và thương mại với một số nước lớn phương Tây trong bối cảnh chung chủ nghĩa thực dân đang mở rộng chiến tranh xâm chiếm thuộc địa khắp các châu lục Á, Phi, Mỹ La tinh nửa đầu thế kỷ XIX. Đó là một thành công to lớn của Xiêm và nhờ đó họ đã giảm được áp lực về sự đe dọa đối với nền độc lập của mình từ phía các nước thực dân và tư bản phương Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp tục khống chế các nước chung quanh. III. Một vài nhận xét: 1. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về bối cảnh quốc tế và tình hình khu vực cũng như nhanh chóng phát triển thực lực của đất nước, Xiêm dưới thời Rama III biết cách "lựa chiều" nhằm cân bằng quyền lực giữa các nước lớn, để tồn tại và phát triển. 100
- 2. Trong quan hệ với Anh, Rama III đã đi từng nước cờ khôn khéo để đưa vương quốc Xiêm, nước mà Anh muốn lợi dụng và xâm chiếm, trở thành đồng minh với Anh, cùng hưởng lợi trong cuộc chiến tranh Anh - Miến và đã thực sự bình đẳng với Anh trong hiệp ước thương mại Anh - Xiêm 1826. 3. Tuy là một ông vua độc tài chuyên chế nhưng Rama III khá mềm dẻo, linh hoạt trong quan hệ với các cường quốc phương Tây. Rama III không dành cho các cường quốc đó nhiều quyền lợi (như người kế nhiệm Mongkut và Chulalongkon) mà chỉ dành cho họ những quyền lợi vừa đủ để chính phủ các nước đó không thể gây ra cuộc chiến tranh xâm lược đối với Xiêm. Ngược lại, ông đã tranh thủ tiếp nhận được một số thành tựu về khoa học và kỹ thuật tiên tiến của phương Tây. Có thể đó là lý do mà một số học giả phương Tây cho rằng Rama III “là người bảo thủ và cứng rắn”. 4. Nhờ những thành tựu to lớn trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại mà Xiêm đạt được dưới thời Rama III đã tạo điều kiện thuận lợi cho vương quốc Xiêm thực hiện cải cách, đổi mới trong thời Mongkút và Chulalongkon, đồng thời giúp Xiêm tiếp tục giữ vững độc lập, phát triển đất nước theo con đường hiện đại của các nước phương Tây. TÀI LIỆU THAM KHẢO 5. Akin Rabibhadawa. The organization of Thai Society in the early Bangkok period, 1782-1873, Amarin Printing & Publishing Public Compagny limited, Bangkok (1996) 6. B.J. Terwiel. A history of modern Thailand 1767 - 1942, University of Queensland Press, London (1983) 101
- 7. Đặng Văn Chương. Quan hệ Xiêm - Việt từ 1782 đến 1847 (Luận án tiến sĩ), Hà Nội (2003) 8. Đào Minh Hồng. Chính sách đối ngoại của Thái Lan (Xiêm) nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX (luận án tiến sĩ lịch sử), Thành phố Hồ Chí Minh (1999). 9. Lê Văn Quang. Lịch sử vương quốc Thái Lan, Nxb Tp Hồ Chí Minh (1995). 10. Nigel Kelly. History of Malaya & South - East Asia, Heinemann Asia, Singapore (1995). 11. Nguyễn Khắc Viện. Thái Lan - Một số nét về chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa và lịch sử, Hà Nội (1988). 12. Viện Đông Á. (Bản dịch viết tay), Lịch sử nền thống trị Thái Lan, tập 2 13. W. Vella. Siam under Rama III. Locust Valley, New York (1957) TÓM TẮT Vua Xiêm nói chung đã rất khôn khéo trong việc thiết lập quan hệ với các nước lớn trên thế giới từ Trung Quốc láng giềng cho đến cường quốc phương Tây thời cận đại. Họ biết cách “lựa chiều” nhằm cân bằng quyền lực giữa các nước lớn để tồn tại và phát triển. Rama III rất khôn khéo trong quan hệ với Anh, nồng nhiệt trong quan hệ với Mỹ. Nhưng ông chỉ dành cho các nước phương Tây những quyền lợi vừa đủ để chính phủ các nước đó không thể gây ra cuộc chiến tranh xâm lược đối với Xiêm, để bảo vệ nền độc lập và phát triển đất nước. 102
- RELATIONSHIP OF SIAM WITH WESTERN COUNTRIES UNDER RAMA III (1824 - 1851) Dang Van Chuong College of Pedagogy, Hue University SUMMARY The kings of Siam in general were very clever in their building the relationship with powerful nations in the world from China, its neighbor, to the distant western countries in their contemporary time. They knew how to ‘wait for the cat to jump’ among those powerful countries for their nation’s existence and development. King Rama III behaved quite cleverly in the relation with Great Britain and showed his warm attitude towards the USA. He, however, gave the western countries the benefits only to such a degree sufficient enough to prevent them from invading Siam so that Siam could maintain its independence and development. 103
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU CHẤT LƯỢNG NƯỚC VÀ TÔM TỰ NHIÊN TRONG CÁC MÔ HÌNH TÔM RỪNG Ở CÀ MAU"
12 p | 1366 | 120
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Thiều."
10 p | 614 | 45
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU PHỐI TRỘN CHI TOSAN – GELATI N LÀM MÀNG BAO THỰC PHẨM BAO GÓI BẢO QUẢN PHI LÊ CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG"
7 p | 518 | 45
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM ẢNH HƯỞNG CỦA MƯA AXÍT LÊN TÔM SÚ (PENAEUS MONODON)"
5 p | 454 | 44
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP PCR-GENOTYPI NG (ORF94) TRONG NGHIÊN CỨU VI RÚT GÂY BỆNH ĐỐM TRẮNG TRÊN TÔM SÚ (Penaeus monodon)"
7 p | 379 | 35
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC DINH DƯỠNG CÁ ĐỐI (Liza subviridis)"
6 p | 380 | 31
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC SINH SẢN CỦA CÁ ĐỐI (Liza subviridis)"
8 p | 332 | 29
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU CẢI TIẾN HỆ THỐNG NUÔI KẾT HỢP LUÂN TRÙNG (Brachionus plicatilis) VỚI BỂ NƯỚC XANH"
11 p | 386 | 29
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "Quan hệ giữa cấu trúc và ngữ nghĩa câu văn trong tập truyện ngắn “Đêm tái sinh” của tác giả Trần Thuỳ Mai"
10 p | 436 | 24
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU TẠO KHÁNG THỂ ĐƠN DÒNG VI-RÚT GÂY BỆNH HOẠI TỬ CƠ QUAN TẠO MÁU VÀ DƯỚI VỎ (IHHNV) Ở TÔM PENAEID"
6 p | 354 | 23
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU ƯƠNG GIỐNG VÀ NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ THÁT LÁT (Notopterus notopterus Pallas)"
7 p | 306 | 22
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CÁ KẾT (Kryptopterus bleekeri GUNTHER, 1864)"
12 p | 298 | 20
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: "NGHIÊN CỨU DÙNG ARTEMIA ĐỂ HẠN CHẾ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TIÊM MAO TRÙNG (Ciliophora) TRONG HỆ THỐNG NUÔI LUÂN TRÙNG"
10 p | 367 | 18
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG THỦY VỰC DỰA VÀO QUẦN THỂ ĐỘNG VẬT ĐÁY"
6 p | 349 | 16
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU THIẾT LẬP HỆ THỐNG NUÔI KẾT HỢP LUÂN TRÙNG (Brachionus plicatilis) VỚI BỂ NƯỚC XANH"
10 p | 373 | 16
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU THAY THẾ THỨC ĂN SELCO BẰNG MEN BÁNH MÌ TRONG NUÔI LUÂN TRÙNG (Brachionus plicatilis) THÂM CANH"
10 p | 347 | 15
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU ƯƠNG GIỐNG CÁ KẾT (Micronema bleekeri) BẰNG CÁC LOẠI THỨC ĂN KHÁC NHAU"
9 p | 258 | 9
-
Báo cáo nghiên cứu khoa học: " NGHIÊN CỨU SỰ THÀNH THỤC TRONG AO VÀ KÍCH THÍCH CÁ CÒM (Chitala chitala) SINH SẢN"
8 p | 250 | 7
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn