intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Báo cáo tổng hợp: Sự phát triển kinh tế của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Chia sẻ: Thảo Lê91 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

129
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Báo cáo tổng hợp: Sự phát triển kinh tế của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam tìm hiểu tại sao nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số chưa tận dụng được đầy đủ những lợi ích do sự tăng trưởng kinh tế cao gần đây của Việt Nam tạo ra, cho dù đã có hàng loạt chương trình của chính phủ được thiết kế và thực hiện để hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số. Mời các bạn tham khảo.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Báo cáo tổng hợp: Sự phát triển kinh tế của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

  1. BÁO CÁO TỔNG HỢP SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM Giới thiệu Tăng trưởng kinh tế nhanh ở Việt Nam diễn ra trong suốt thập niên 90 và những năm đầu thập niên 2000 đã đem đến những kết quả ngoạn mục về giảm nghèo. Tuy nhiên trong giai đoạn này, sự giảm nghèo của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra với tốc độ chậm hơn. Nghèo, tuổi thọ, tình trạng dinh dưỡng và những chỉ số đo mức sống khác của nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức thấp dù có rất nhiều chính sách đã được đưa vào thực hiện nhằm hỗ trợ các nhóm dân tộc này. Ở Việt Nam có 54 nhóm dân tộc sinh sống, trong đó người Kinh chiếm tới gần 87%. Trừ người Hoa, người Khơ-me và người Chăm, 50 nhóm dân tộc còn lại chủ yếu sinh sống ở vùng nông thôn hoặc miền núi xa xôi và chịu những bất lợi về xã hội và kinh tế ở những mức độ khác nhau. Tỉ lệ nghèo của nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số cao hơn 4,5 lần so với đồng bào người Kinh và Hoa. Nhóm đồng bào dân tộc thiểu số cũng có tỉ lệ suy dinh dưỡng, mù chữ và bệnh tật cao hơn. Tuy chỉ chiếm 1/8 số dân cả nước, song các dân tộc thiểu số chiếm đến 40% tổng số người nghèo năm 2004. Một số cơ quan chính phủ dự báo rằng đến năm 2010, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ chiếm hơn một nửa số người nghèo của Việt Nam. Dự án nghiên cứu do ESRC-DFID tài trợ này muốn tìm hiểu tại sao nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số chưa tận dụng được đầy đủ những lợi ích do sự tăng trưởng kinh tế cao gần đây của Việt Nam tạo ra, cho dù đã có hàng loạt chương trình của chính phủ được thiết kế và thực hiện để hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số.i Cụ thể, trên cơ sở sử dụng số liệu điều tra mức sống hộ gia đình, chúng tôi tập trung phân tích các nhóm dân tộc nào hưởng lợi nhiều nhất từ mức tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam và tại sao chênh lệch trong mức sống giữa các nhóm dân tộc càng ngày càng lớn. Do phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng nông thôn, phân tích của chúng tôi chỉ giới hạn ở địa bàn vùng nông thôn. Mặc dù dự án nghiên cứu này không đặt ra mục tiêu đánh giá các chính sách song chúng tôi cũng thực hiện việc tổng quan lại hệ thống các chính sách và chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam, và nghiên cứu xem những chính sách này vận hành như thế
  2. nào ở 3 tỉnh và huyện được lựa chọnii. Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển và Khoa Kinh tế học, Trường Đại hoc Sussex kết hợp với Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện trong thời gian từ 12/2006 đến 02/2008. Báo cáo tổng hợp này tóm lược những kết quả của 3 báo cáo chuyên đề được thực hiện trong khuôn khổ của dự án, hiện đã đăng tải trên trang web của dự án (xem Phần tài liệu tham khảo thêm ở cuối bài) Sự thay đổi mức sống theo thời gian Phần lớn các nghiên cứu phân tích định lượng về các vấn đề liên quan đến mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trước đây ở Việt Nam tập trung so sánh người Kinh và Hoa với 52 dân tộc khác. Nhưng những khác biệt giữa các dân tộc thiểu số cũng đáng kể, vì vậy trong nghiên cứu này chúng tôi đã gộp các nhóm dân tộc lại thành 7 nhóm là (1) Kinh, (2) Hoa, (3) Khơ-me và Chăm, (4) Tày, Thái, Mường, Nùng, (5) các dân tộc thiếu số vùng núi phía Bắc, (6) các dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, và (7) ‘các nhóm khác’iii. Sự phân loại này là hợp lý và được đưa ra trên cơ sở thảo luận với các chuyên gia về dân tộc học và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam. Phân loại như vậy cũng nhằm mục đích đạt được sự hài hòa giữa phân tích tổng thể các dân tộc thiểu số và phân tích từng nhóm dân tộc riêng lẻ, vốn rất khó thực hiện vì số quan sát đối với một số nhóm dân tộc trong bộ số liệu điều tra hộ gia đình rất nhỏ. Phân tích 3 cuộc điều tra mức sống hộ gia đình do Tổng Cục Thống kê thực hiện năm 1993, 1998 và 2004 cho thấy cuộc sống của đồng bào Kinh đã được cải thiện rất nhiều nhờ công cuộc Đổi mới (Hình 1). Các hộ gia đình có chủ hộ là người Kinh có mức sống tăng rõ nét so với mức trung bình của khu miền núi) vực nông thôn trong giai đoạn 1993-2004, cho dù hộ đó thuộc nhóm hộ giàu nhất, nghèo Hình 1: Chênh lệch về phúc lợi hộ giữa các dân tộc ở nông thôn Việt Nam năm 1993-2004 theo phân tích hồi qui trung bình % chênh lệch so với trung bình -60.0% -40.0% -20.0% 0.0% 20.0% 40.0% 60.0% Kinh Hoa Khơ-me và Chăm Tày, Thái, Mường, Nùng Các vùng núi phía Bắc 1993 Tây Nguyên 1998 Khác 2004 2
  3. nhất hay trung bình. Trong khi đó, ưu thế trong mức sống của nhóm đồng bào người Hoa dường như giảm dầniv. Mức sống của đồng bào Khơ-me và Chăm so với trước đây có mức tăng khiêm tốn và mức này không khác biệt đáng kể so với mức trung bình của khu vực nông thôn vào 2004. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những chênh lệch về phúc lợi hộ gia đình giữa các nhóm trên với 4 nhóm dân tộc còn lại vẫn còn khá lớn, đặc biệt là đối với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên và ‘các nhóm khác’ trong phân loại nêu trên. Những phát hiện này không thay đổi ngay cả khi chúng tôi so sánh các hộ có điều kiện tương đồng về nguồn lực của hộ (gồm qui mô hộ, cấu trúc gia đình, trình độ học vấn và sở hữu đất đai), đặc tính của xã (xã có đường, giao thông công cộng, bưu điện, chợ hàng ngày, nhà máy trong bán kính 10km) và yếu tố địa lý của xã (xã thuộc khu vực bờ biển, hay đồng bằng, hay trung du hoặc vùng núi thấp, núi cao). Những phát hiện từ phân tích này cũng cho thấy tác động của đặc điểm địa lý của xã và khả năng tiếp cận đường, trường và các dịch vụ công cộng khác đến chênh lệch trong chi tiêu của hộ gia đình không quá 7% tổng mức chênh lệch và ảnh hưởng của các yếu tố địa lý này giảm dần theo thời gian. Qui mô và phân tách chênh lệch chi tiêu của các dân tộc thiểu số Trong giai đoạn từ 1993 đến 2004, chênh lệch chi tiêu giữa người Kinh – Hoa và nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số tăng 14.6% [hay tương đương 687.000 VND], trong đó phần lớn mức tăng này diễn ra trong thời kỳ 1998-2004 (Hình 2). Tuy vậy tỉ lệ phần trăm tăng trong chênh lệch chi tiêu giữa các nhóm dân tộc tương đối đồng đều trong toàn bộ cư dân ở nông thôn . Chênh lệch này (tính theo theo phần trăm) không thay đổi nếu xem xét đoạn đầu (nhóm nghèo), hay giữa (nhóm trung bình) hoặc cuối (nhóm giàu) của phân loại cư dân nông thôn theo mức chi tiêu đầu người. Hình 2: Chênh lêch chi tiêu đầu người giữa dân tộc đa số - thiểu số giai đoạn 1993-2004 Chênh lệch chi tiêu bình quân (%) Phân phối chi tiêu bình quân hộ gia đình 3
  4. Chúng tôi đã thực hiện tính toán phân tách để tìm hiểu tại sao lại tồn tại chênh lệch chi tiêu giữa các nhóm dân tộc. Kết quả khi xem xét cả chênh lệch chi tiêu trung bình giữa nhóm người Kinh-Hoa và nhóm đồng bào dân tộc thiểu số cũng như chênh lệch chi tiêu tại các điểm phần trăm đã chọn trong phân loại cư dân nông thôn theo mức chi tiêu đầu người cho thấy: • Xấp xỉ 2/5 của chênh lệch chi tiêu trung bình mỗi năm giữa các hộ thuộc dân tộc đa số và dân tộc thiểu số có nguyên nhân là do những khác biệt về nguồn lực của hộ và đặc tính của xã (như đã xác định ở trên), trong đó khác biệt về đặc tính nhân khẩu học có tầm quan trọng lớn hơn so với những khác biệt về trình độ học vấn và khác biệt đặc tính của xã. • Sự khác biệt về qui mô đất đai thu hẹp chênh lệch giữa các dân tộc do các hộ thiểu số thường có nhiều đất hơn người Kinh và biết cách canh tác đất miền núi và vùng cao hiệu quả hơn. • Ít nhất một nửa chênh lệch chi tiêu giữa các dân tộc bắt nguồn từ những khác biệt về hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực của hộ và đăc tính cấp xã (như đã xác định ở trên). Trong các nghiên cứu hàn lâm trên thế giới, những khác biệt như vậy thường được cho rằng là do ‘đối xử không ngang bằng’ đối với dân tộc thiểu số. Nhưng trong thực tế sự khác biệt trong hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực cũng có thể do những khác biệt về các nguồn lực của hộ và đặc tính của cộng đồng nơi hộ sinh sống mà các cuộc điều tra hộ không thu thập được thông tin. Ví dụ như nếu hộ dân tộc thiểu số sống xa trung tâm xã hơn hộ người Kinh, họ sẽ hưởng lợi ít hơn từ những công trình đường sá, trường học và chợ.v • Khi so sánh các hộ tương đồng về điều kiện địa lý của xã nơi các hộ sinh sống và khả năng tiếp cận của các hộ đối với đường giao thông, giao thông công cộng, bưu điện, chợ hàng ngày và các đặc tính cấp xã khác, 1/3 đến 2/3 của chênh lệch chi tiêu giữa nhóm đa số và thiểu số có thể là do sự khác biệt về các đặc tính của xã. Khác biệt trong hiệu suất khai thác các đặc tính của xã quan trọng hơn sự khác biệt về các đặc tính của xã - sự khác biệt của các đặc tính này đang giảm dần theo thời gian. • Những phát hiện này đúng với cả nhóm hộ nghèo, trung bình và giàu ở vùng nông thôn (Hình 3). Hình 3: Phân tách chênh lệch chi tiêu các dân tộc vùng nông thôn năm 2004 theo các yếu tố tác động 120% Phần chênh lệch chi tiêu đầu người (%) 100% Khác biệt về Khác biệt về hiệu quả hiệu quả 80% thu nhập thu nhập 60% Đặc tính xã Đặc tính xã 40% Giáo dục Giáo dục 20% Cấu trúc hộ Cấu trúc hộ 0% Đất đai Đất đai -20% 25th 50th 75th Điểm phần trăm 4
  5. Tại sao chênh lệch chi tiêu giữa các dân tộc tăng theo thời gian? Chúng tôi tiến hành một tính toán phân tách khác nhằm tìm hiểu các nguyên nhân của sự gia tăng chênh lệch trong chi tiêu của các dân tộc theo thời gian. Trong các tính toán này chúng tôi sử dụng giá trị trung vị thay vì giá trị trung bình.vi Và kết quả tính toán phân tách này cho thấy: • Khoảng 1/3 sự tăng lên của chênh lệch chi tiêu trung vị trong giai đoạn 1993-2004 là do nguồn lực hộ quan sát được (từ số liệu điều tra) của người Kinh-Hoa và đặc tính cấp xã nơi các hộ sinh sống tăng nhanh hơn so với mức nguồn lực nhóm các dân tộc thiểu số khác. Cơ cấu hộ và trình độ học vấn vẫn là nhóm đặc tính quan trọng nhất giải thích sự gia tăng trong chênh lệch chi tiêu, trong khi đất đai sở hữu giúp làm giảm sự gia tăng này. • Những thay đổi trong hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực của hộ người Kinh-Hoa và đặc tính cấp xã nơi các hộ sinh sống, cũng như sự khác biệt trong hiệu quả thu nhập từ các yếu tố này của nhóm dân tộc đa số và thiểu số đóng vai trò khá nhỏ trong việc làm tăng chênh lệch chi tiêu trung vị trong những năm này. • Sự thay đổi của các yếu tố không quan sát được giải thích khoảng một nửa mức tăng của chênh lệch chi tiêu trung vị giữa các dân tộc. Những yếu tố này bao gồm văn hóa, ngôn ngữ, khoảng cách từ nơi hộ sinh sống đến trung tâm huyện/xã và các tiện ích công cộng khác, chất lượng giáo dục, phân bổ địa lý của các dân tộc… Thông tin về những yếu tố này hoặc không được thu thập trong các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình, hoặc được thu thập theo những cách thức không nhất quán giữa các năm. • Phân tích bổ sung sử dụng những biến phụ như văn hóa, ngôn ngữ và khoảng cách địa lý được thu thập trong một số năm cho thấy các yếu tố như: hộ thuộc nhóm dân tộc thiểu số ở vùng Tây nguyên, khả năng tiếng Việt hạn chế và ở xa trung tâm xã và huyện làm tăng them chênh lệch chi tiêu giữa các nhóm dân tộc đa số và thiểu số.vii Các đặc tính khác như hộ thuộc dân tộc Khơ-me hay dân tộc Chăm lại giúp giảm chênh lệch so với dân tộc Kinh. Tuy nhiên, những kết quả này không thật rõ ràng và thay đổi qua các năm. Vì vậy vẫn còn một câu hỏi lớn chưa trả lời được là: Đâu là những yếu tố chính làm cho sự phát triển của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn chậm? Chưa đến một nửa chênh lệch chi tiêu giữa các dân tộc có thể được diễn giải là do nguồn lực hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số và do họ sinh sống ở vùng núi xa xôi. Hơn một nửa còn lại của sự chênh lệch chi tiêu có thể là do những yếu tố không quan sát hay đo đạc được từ các cuộc điều tra hộ gia đình (như chất lượng giáo dục hoặc chất lượng đất), song cũng có thể do chênh lệch trong hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực hộ giữu dân tộc thiểu số và người Kinh. Có vẻ hai cách giải thích này củng cố cho nhau, vì chênh lệch về nguồn lực hộ không quan sát được từ các cuộc điều tra có thể cho thấy lợi thế của người Kinh. Mặc dù các phân tích định lượng tiếp theo có thể giúp làm sáng tỏ thêm về những yếu tố này, phân tích định tính sâu cũng sẽ rất hữu ích giúp hiểu rõ hơn tác động của các chuẩn mực và giá trị văn hóa đến sự phát triển chậm hơn của các nhóm dân tộc thiểu số. Đây có thể sẽ là chủ đề cần được ưu tiên nghiên cứu trong Đánh giá nghèo 2008 sắp được thực hiện. 5
  6. Tổng lược các Chính sách và Chương trình Việt Nam có rất nhiều chính sách và chương trình được thiết kế và thực hiện nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các dân tộc thiểu số. Những chương trình và chính sách này chú trọng giải quyết nhiều vấn đề kinh tế xã hội có liên quan đến sự phát triển của dân tộc thiểu số và hướng vào thực hiện nhiều mục tiêu. Một số chương trình (như hợp phần cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135 và 143, hợp phần nước thuộc Chương trình 134) tập trung vào xây dựng hạ tầng cơ sở cơ bản ở các vùng đặc biệt khó khăn (Vùng 3). Nhà nước cũng áp dụng trợ cấp về giá và cước vận chuyển cho các xã khó khăn và ở vùng xa. Các chương trình và chính sách khác (như hợp phần khuyến nông thuộc Chương trình 143, hợp phần đào tạo thuộc Chương trình 135, miễn giảm viện phí và nhà ở thuộc Chương trình 134) đã hỗ trợ kỹ thuật canh tác, tay nghề, chăm sóc sức khỏe, phổ cập kiến thức và nhà ở cho các hộ thuộc dân tộc thiểu số hoặc các hộ nghèo. Loại chương trình thứ 3, điển hình là Chương trình Hỗ trợ Các hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và một số sáng kiến ở các tỉnh nhằm hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số, thường là các dân tộc có ít người và mức sống rất thấp. Theo thời gian, do tăng trưởng kinh tế nhìn chung giúp nâng cao mức sống người dân Việt Nam, dường như đã có sự chuyển hướng từ hỗ trợ theo địa bàn sang các chính sách và chương trình được định hướng trực tiếp vào các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm người nghèo khác. Các cuộc phỏng vấn về thực hiện chính sách mà chúng tôi đã thực hiện ở 3 tỉnh như là một phần của dự án nghiên cứu này cho thấy các chính sách cấp quốc gia này nhìn chung được hiểu thông suốt và đã được thực hiện một cách có hệ thống ở tất cả các cấp quản lý. Tuy nhiên những điều chỉnh đối với các chính sách cũng đã được thực hiện cho phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa và địa lý của địa phương. Trong phần lớn các trường hợp, những điều chỉnh như vậy vẫn giữ được chủ trương chính sách, cho dù vẫn có sự thiếu hụt đáng kể giữa các khoản chi tiêu thực tế so với nhu cầu. Khác biệt đáng kể nhất khi thực hiện chính sách ở cấp địa phương mà chúng tôi nhận thấy trong suốt quá trình công tác thực địa là ở Chương trình 134 và trong việc miễn học phí cũng như đóng góp khác đối với học sinh và sinh viên thuộc dân tộc thiểu số ở các tỉnh. Chương trình 134 có nguồn gốc là chương trình phân bổ lại đất đai ở Tây nguyên nhưng sau đó tập trung vào xây dựng hệ thống nước và nhà. Cũng có những khác biệt đáng kể trong cách mỗi tỉnh thực hiện hợp phần nhà ở thuộc Chương trình 134. Tương tự, vài tỉnh hiểu việc miễn học phí cho 11 loại học sinh là áp dụng cho tất cả học sinh là người dân tộc thiểu số, trong khi các tỉnh khác lại không hiểu như vậy. Phần lớn các tỉnh có các chương trình nhỏ riêng của mình để hỗ trợ phương kế sinh nhai nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoại trừ khả năng trợ cấp giá và cước vận chuyển cho các xã nghèo, tất cả các chính sách và chương trình đều tập trung cải thiện nguồn lực của các hộ gia đình dân tộc thiểu số và các xã nơi họ sinh sống. Rất ít chính sách và chương trình hướng vào giải quyết vấn đề hiệu quả thu nhập thấp từ các nguồn lực của các nhóm dân tộc thiểu số như được nêu ra trong phân tích định lượng được thực hiện trong nghiên cứu này. Hộp 1 đưa ra một số ví dụ dựa trên kinh nghiệm của các nước khác về các chính sách nhằm giải quyết vấn đề nêu trên. 6
  7. Hộp 1: Các chính sách nhằm cải thiện hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực của đồng bào dân tộc thiểu số: Một số kinh nghiệm quốc tế Ở phần lớn các nước công nghiệp hóa và đang phát triển, các nhóm dân tộc thiểu số nghèo hơn dân tộc đa số, tuy mức độ có khác nhau. Hai nhóm chính sánh được sử dụng rộng rãi để giúp nhóm dân tộc thiểu số thu hẹp chênh lệch về hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực là: • Luật tạo cơ hội ngang bằng, nhằm tránh trường hợp người có khả năng chuyên môn và kinh nghiệm tương đương lại phải nhận mức lương thấp hơn, có cơ hội tiếp cận việc làm và các dịch vụ của chính phủ ít hơn xuất phát từ dân tộc, giới tính, tôn giáo hoặc xu hướng tình dục của họ. Ví dụ như sau Cách mạng năm 1959 ở Cuba, luật tạo cơ hội ngang bằng đã được thực hiện song song với các chính sách kinh tế và xã hội toàn diện, kết quả là đến thập niên 80 đã gần như xóa bỏ chênh lệch mức sống giữa người da trắng và da đen. Gần đây hơn, Hiến pháp 1998 của E-cu-a-đo đã bảo đảm quyền đất đai công của người bản địa, quyền có giáo dục bằng ngôn ngữ người bản địa và quyền được tham gia quyết định việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Dù luật tạo cơ hội ngang bằng được áp dụng rộng rãi ở các nước đã nêu, các nước đang phát triển và công nghiệp hóa, nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy chênh lệch về lương và mức sống vẫn còn phổ biến. • Các chương trình hành động tích cực, nhằm dành quyền ưu tiên cho thành viên của các nhóm chịu thiệt thòi. Ví dụ như ở Ấn Độ, từ năm 1950, một số suất học cao học, việc làm trong chính phủ và ghế trong thượng nghị viện được dành riêng cho thành viên thuộc một số bộ tộc. Tương tự, Chính sách Kinh tế mới của Malaysia năm 1971 cũng đã đặt ra chỉ tiêu định lượng về chủ sở hữu công ty của người Mã Lai bản địa và việc làm của họ trong các ngành. Các chương trình hành động tích cực cũng được sử dụng tại Châu Phi và Mỹ song thường gây tranh cãi và bị chỉ trích là đã trợ giúp cho các thành viên khá giả của một số nhóm dân tộc được hỗ trợ, gây ra sự bất bình từ phía các nhóm dân tộc khác và ảnh hưởng đến sự khuyến khích tài năng và đóng góp thực sự. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy rằng thực hiện phối kết hợp các chương trình hành động ở một số ngành là cần thiết để giảm thiệt thòi cho các dân tộc thiểu số. Các tổ chức, diễn đàn và tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi của nhóm dân tộc thiểu số hoặc do những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số trực tiếp thực hiện có vai trò quan trọng trong thực hiện luật và xóa bỏ rào cản văn hóa và tư tưởng giữa các nhóm dân tộc. Ví dụ như Băng-la-desh và Indonesia, Philippine và Thái Lan, các tổ chức của người dân bản địa đã tạo điều kiện cho dân tộc thiểu số có tiếng nói có ảnh hưởng hơn. Có thể nói các tổ chức này giúp cải thiện cả nguồn lực cũng như hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực của dân tộc thiểu số. 7
  8. Khuyến nghị chính sách Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.” Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam thống nhất đất nước và 20 năm kể từ công cuộc Đổi mới được thực hiện. Quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng rõ ràng đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong giảm nghèo và cải thiện mức sống của người dân Việt Nam trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tíchđịnh lượng được thực hiện trong dự án nghiên cứu này, có thể thấy rằng tác động của quá trình tăng trưởng kinh tế đến mức sống của các nhóm dân tộc là không đồng đều. Chi tiêu của người Kinh tăng lên nhanh hơn so mới mức trung bình ở nông thôn, còn chi tiêu của 6 nhóm còn lại thấp hơn và tăng chậm hơn. Chênh lệch chi tiêu giữa các dân tộc sống ở nông thôn Việt Nam cũng là đáng kể và khoảng cách này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Một phần của chênh lệch này là do nguồn lực hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số hoặc do các đặc tính của xã nơi họ sinh sống. Điều này cho thấy các giải pháp cải thiện cơ sở hạ tầng cấp xã và cải thiện nguồn lực của đồng bào dân tộc thiểu số dù quan trọng nhưng sẽ không đủ để xóa bỏ chênh lệch chi tiêu nói trên. Bên cạnh việc hỗ trợ các xã nghèo ở vùng xa, nên tăng cường thêm các giải pháp hỗ trợ trực tiếp các nhóm đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Bảy nhóm dân tộc như dự án nghiên cứu này phân loại và nghiên cứu có thể cung cấp những thông tin hữu ích. Cũng cần có các chính sách và chương trình nâng cao hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực của dân tộc thiểu số.viii Chênh lệch hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực giữa đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số cho thấy những khó khăn liên quan đến văn hóa, ngôn ngữ, địa lý và thị trường nên đồng bào dân tộc thiểu số đã không tận dụng hết được những cơ hội mà sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam mang lại. Do vậy các chính sách giúp tăng hiệu quả thu nhập từ các nguồn lực của đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò càng ngày càng quan trọng. Một số ưu tiên trước mắt có thể là: • Mở rộng các chương trình khuyến nông, dịch vụ thị trường tập trung vào khuyến khích mở rộng và nâng cao hiệu quả canh tác tại các vùng trung du và miền núi. • Nâng cao chất lượng giáo dục dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. • Cải thiện khả năng tiếp cận đối với việc làm có thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. • Bồi dưỡng khả năng sử dụng tiếng Việt, đặc biệt là cho các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc và Tây nguyên. Thực hiện những ưu tiên này cộng với các giải pháp giúp tăng cường sự tham gia và tận dụng cơ hội từ tăng trưởng kinh tế của đồng bào dân tộc trở nên hết sức cấp thiết. Các giải pháp như vậy chắc chắn sẽ giúp thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công bằng và tương hỗ lẫn nhau giữa các dân tộc anh em ở Việt Nam. 8
  9. © Viện Nghiên cứu Phát triển/Trung tâm Phân tích và Dự báo, tháng 03/2008 Tài liệu tham khảo thêm 3 bài báo thuộc dự án này có trên trang web: http://www.ids.ac.uk/go/research-teams/vulnerability-team/projects-and-outputs/ethnic- minority-development-in-vietnam/ Baulch, B., Truong, K.C., Haughton, D. and Haughton, J., 2007, ‘Ethnic minority development in Vietnam”, Journal of Development Studies, 43(7): 1151-1171 Braunholz-Speight, T., forthcoming, ‘Policies responses to discrimination and their contribution to reducing chronic poverty’, Background Paper to Chronic Poverty Report 2007-08, Manchester: Chronic Poverty Research Centre Hoang, H.T.T., Pham, G.H., Tran, M.B., and Hansen, H., forthcoming, ‘Ethnicity and Poverty Reduction’ in Hansen, H. and Nguyen, T. (eds) Market, Policy and Poverty Reduction in Vietnam, Hanoi: Vietnam Culture and Information Publishing House World Bank, forthcoming, Country Social Assessment: Ethnicity and Development in Vietnam, East Asia Social Development Unit, World Bank Báo cáo này do TS. Bob Baulch thuộc Viện nghiên cứu phát triển, Đại học Sussex (Anh quốc) xây dựng vói sự hỗ trợ của TS. Phạm Thái Hưng thuộc Khoa Kinh tê, Đại học Sussex, và Nguyễn Thị Thu Phương thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo. Các tác giả chân thành cám ơn các đại biểu tham dự Hội thảo báo cáo kết quả tổng hợp của Dự án nghiên cứu này được tổ chức tại Hà nội ngày 29/2/2008 về những ý kiến đóng góp quí báu cho bản thảo của Báo cáo. Ghi chú i Dự án này do Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội Anh và Bộ Phát triển quốc tế Anh quốc đồng tài trợ (QĐ Số RES-167-25-0157). ii 3 tỉnh (huyện) được chọn để nghiên cứu thực địa là Lạng Sơn (Văn Quán), Sơn La (Sông Mã) and Trà Vinh (Duyên Hải). iii ‘Khác’ chỉ nhóm còn lại gồm các nhóm dân tộc nhỏ sinh sống ở Duyên hải Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. iv Một phần của hiện tượng này là do quá trình “hoà nhập” vào nhóm người Kinh của những hộ người Hoa khá giả. v Tương tự, nếu chất lượng của đất nông nghiệp do đồng bào dân tộc thiểu số canh tác khác với người Kinh (ví dụ như ít được tưới tiêu hơn), năng suất sẽ giảm. Chất lượng giáo dục mà người dân tộc thiểu số nhận được thấp ít hơn so với người Kinh cũng có thể ảnh hưởng đến mức lương của họ. vi Chúng tôi thực hiện điều này vì nếu sử dụng giá trị trung bình, một số giá trị “bất thường” trong số liệu có thể bóp méo kết quả của các tính toán phân tách. vii Những biến này gồm chế độ mẫu hệ và tôn giáo, phỏng vấn có qua phiên dịch hay không (thể hiện sự hạn chế trong sử dụng tiếng Việt cho giao tiếp), khoảng cách từ xóm/làng đến trung tâm huyện xã gân nhất, hộ thuộc nhóm nào trong 7 nhóm dân tộc đã nêu. Lưu ý rằng thu thập thông tin về các yếu tố này không được thực hiện một cách nhất quán giữa các cuộc điều tra. viii Các lĩnh vực ưu tiên ở đây bao gồm khuyến nông, dịch vụ marketing, chất lượng giáo dục, cơ hội tiếp cận việc làm và kỹ năng tiếng Việt. 9
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2