T¹p chÝ Khoa häc & C«ng nghÖ - Sè 2(46) Tập 2/N¨m 2008<br />
<br />
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU TỪ NGỮ XƯNG GỌI TRONG TIẾNG PÀ THẺN<br />
Nguyễn Thu Quỳnh (Trường ĐH Sư phạm-ĐH Thái Nguyên)<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Pà Thẻn (còn có các tên gọi khác là Pà Hưng, Mèo Đỏ, Mèo Hoa, Mèo Lài, Mán Pa<br />
Sèng, Mán Pa Teng, Bát Tiên Tộc...) là một trong 54 dân tộc ở nước ta, có dân số là 5.569<br />
người (1999), cư trú chủ yếu ở hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Với số dân thuộc loại rất ít,<br />
lại sống xen kẽ với các dân tộc khác (Kinh, Tày, Hmông…), dân tộc Pà Thẻn hiện đang có nguy<br />
cơ mất dần những nét bản sắc trong văn hoá của mình hoặc bị pha trộn với các dân tộc khác.<br />
Tiếng Pà Thẻn cũng đứng trước tình trạng này: được sử dụng ít dần ở thế hệ trẻ, phạm vi giao<br />
tiếp có xu hướng bị thu hẹp, mức độ sử dụng ít đi, không có ngôn ngữ văn học… Chính vì vậy<br />
việc nghiên cứu tiếng Pà Thẻn có thể góp một phần giúp ngôn ngữ này thoát khỏi sự tiêu vong.<br />
Tuy nhiên, việc tìm hiểu ngôn ngữ Pà Thẻn từ trước đến nay chưa nhận được nhiều sự quan tâm<br />
đúng mức. Người đầu tiên nghiên cứu về tiếng Pà Thẻn ở Việt Nam là Nguyễn Minh Đức với<br />
bài viết Bước đầu tìm hiểu tiếng nói và chữ viết Pà Hưng (Pà Thẻn)(1972) - đề cập đến một vài<br />
nét về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và chữ viết của ngôn ngữ Pà Thẻn. Tại Hội thảo quốc tế về<br />
Việt Nam học (15 - 17/7/1998), các tác giả J. A. Edmondson, K. J. Gregerson và Nguyễn Văn<br />
Lợi cũng trình bày báo cáo với nhan đề Vài khía cạnh của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở miền<br />
cực bắc Việt Nam: Dân tộc Đồng, Thuỷ, Pà Thẻn của hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Mục<br />
đích của nhóm tác giả trên là tìm kiếm ngôn ngữ nguyên bản của các dân tộc ở miền cực bắc<br />
Việt Nam, trong đó có dân tộc Pà Thẻn. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin trình bày<br />
những hiểu biết ban đầu về từ ngữ xưng gọi, một khía cạnh nhỏ trong tiếng Pà Thẻn - vấn đề mà<br />
lâu nay chưa được nhà nghiên cứu nào để tâm tìm hiểu.<br />
2. Kết quả nghiên cứu<br />
“Xưng gọi” hiểu theo nghĩa phổ thông, là cách tự xưng đối với bản thân và gọi người<br />
khác, để biểu thị tính chất của mối quan hệ với nhau trong giao tiếp. Cũng như trong rất nhiều<br />
các ngôn ngữ khác, để thể hiện hành vi “xưng gọi” người Pà Thẻn cũng tự gọi (xưng) bản thân<br />
(ngôi thứ nhất- chủ thể của lời nói), gọi người nghe (ngôi thứ hai - người đối thoại với mình),<br />
gọi sự vật, hiện tượng khác người nói và người nghe (ngôi thứ ba), với sự phân biệt cơ bản là số<br />
ít và số nhiều. Ngoài các từ ngữ xưng gọi thực thụ (hay còn gọi là “chính danh, chính hiệu, đích<br />
thực”), người Pà Thẻn còn dùng các danh từ thân tộc, tên riêng, thậm chí cả cách gọi trống<br />
không… Những cách gọi không thực thụ này hết sức linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh, quan hệ<br />
và ý định của người nói. Sau đây tác giả xin trình bày những nhận xét bước đầu về hệ thống các<br />
từ ngữ người Pà Thẻn dùng để xưng gọi.<br />
2.1. Từ ngữ xưng gọi thực thụ<br />
Dân tộc Pà Thẻn chưa có chữ viết theo hệ Latin. Để tiện trình bày, trong bài viết chúng tôi<br />
dùng chữ Quốc ngữ để “phiên âm” (trừ một vài âm đặc biệt phải dùng kí hiệu phiên âm quốc tế - IPA).<br />
Để tự gọi mình (ngôi thứ nhất - số ít), người Pà Thẻn dùng từ vòng. Ngôi thứ nhất số<br />
nhiều có sự phân biệt: loại trừ (loại trừ người nghe): vòng βư; gộp (gộp cả người nói và người<br />
nghe): pư. Để gọi người đối thoại với mình (người nghe) ở ngôi thứ hai số ít, người Pà Thẻn<br />
dùng múng. Tương tự như cách xưng gọi ở ngôi thứ nhất số nhiều, để chỉ ngôi thứ hai số nhiều<br />
tiếng Pà Thẻn thêm yếu tố βư vào sau múng:múng βư hoặc chỉ dùng βư. Hai cách dùng này<br />
tương đương, không có sự phân biệt, chủ yếu phụ thuộc vào thói quen của người sử dụng.<br />
10<br />
<br />
T¹p chÝ Khoa häc & C«ng nghÖ - Sè 2(46) Tập 2/N¨m 2008<br />
<br />
Để chỉ ngôi thứ ba số ít, tiếng Pà Thẻn dùng nùng, số nhiều là nùng βư. Tuy nhiên, khác<br />
với tiếng Việt và nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác, ngôi thứ ba số ít và số nhiều trong tiếng<br />
Pà Thẻn chỉ dùng để chỉ “người”. Ngôn ngữ này không có từ xưng gọi thực thụ để chỉ vật (đồ<br />
vật, động vật). Vì vậy để gọi những sự vật, hiện tượng khác con người, người Pà Thẻn phải<br />
dùng đến các từ gọi tên các vật này.<br />
Nhìn chung các từ ngữ xưng gọi thực thụ tiếng Pà Thẻn mang tính khái quát rất cao.<br />
Chúng đều mang sắc thái trung tính; khi sử dụng - người nói không tự đề cao hay nhún mình,<br />
không tỏ ý thân mật, kính trọng hay hạ thấp người đối thoại; hoàn cảnh sử dụng không hạn chế,<br />
có thể dùng để xưng gọi với người trên, người ngang hàng hoặc hàng thấp hơn xét về tuổi tác và<br />
địa vị xã hội. Ví dụ khi muốn nói: “Ngày mai, tôi sẽ đi học”, dù người đối thoại ở ngôi thứ hai là<br />
ai (người hàng trên: ông bà, bố mẹ, anh chị; người ngang hàng: bạn bè; người hàng dưới: các em<br />
…) người Pà Thẻn chỉ cần dùng một cách xưng gọi chung trong câu sau: Núng pô hinh, vòng<br />
nhi thớ đo ạ ló (Ngày mai, cháu (con, em, anh, tôi, chị, tao…) sẽ đi học.)<br />
Như vậy để hiểu được đầy đủ nội dung của lời thoại trên, người ta phải đặt nó trong hoàn<br />
cảnh, tình huống giao tiếp cụ thể. Nói cách khác, vị thế của vai giao tiếp không nằm trong nội tại<br />
(cấu trúc ngôn ngữ) mà nằm bên ngoài ngôn ngữ (hoàn cảnh giao tiếp). Ở các từ xưng gọi ngôi<br />
thứ hai và ngôi thứ ba (số ít và số nhiều), tình hình cũng diễn ra tương tự. Ví dụ bố (mẹ) hỏi con: “<br />
Ngày mai, các con có đi không?” người Pà Thẻn hỏi như sau: Núng pô hing, múng βư ung nhi a?<br />
Không giống các ngôn ngữ khác như tiếng Việt, Tày – Nùng, Hrê… thường có nhiều từ<br />
xưng gọi thực thụ khác nhau để biểu thị vị thế vai, phạm vi sử dụng hay tuổi tác, từ xưng gọi<br />
thực thụ của tiếng Pà Thẻn có số lượng tương đối hạn chế và có thể dùng chung cho nhiều đối<br />
tượng. Để chỉ ngôi thứ nhất (tự gọi mình) số ít, như ví dụ đã dẫn, tiếng Pà Thẻn chỉ dùng một từ<br />
vòng. Tuy nhiên khi muốn nhấn mạnh rằng “chính tôi”, người Pà Thẻn dùng ghép thêm vào sau<br />
vòng một yếu tố nữa là a me (có nghĩa đen là “cơ thể”, “con người”).<br />
Một vấn đề đặt ra là, như vậy, hệ thống từ ngữ xưng gọi thực thụ tiếng Pà Thẻn chỉ biểu lộ<br />
sắc thái tình cảm trung tính và không có sắc thái thân mật, suồng sã hay kính trọng, nể nang cũng<br />
như không thể hiện được vị thế giao tiếp, phạm vi sử dụng hay tuổi tác. Tuy nhiên, để vẫn có thể thể<br />
hiện được những sắc thái tình cảm khác nhau trong giao tiếp, người Pà Thẻn sử dụng từ xưng gọi<br />
kết hợp với sự thay đổi giọng điệu. Cùng một nội dung thông tin nhưng nếu người nói có những thái<br />
độ khác nhau thì giọng điệu khi nói cũng khác nhau. Ví dụ khi nói bản thân mình không thích một<br />
điều gì đó, ở sắc thái trung tính người Pà Thẻn nói: Vòng ung ghe (tôi không thích) với một ngữ điệu<br />
đều đều từ đầu câu đến cuối câu. Vẫn là nội dung thông tin ấy, nhưng người nói tự xác định mình ở<br />
vai giao tiếp thấp hơn và để thể hiện sự kính trọng người đối thoại người ta sẽ sói câu: Vòng ung<br />
ghe ớ với ngữ điệu thấp ở đầu câu và cao dần về phía cuối câu. Còn để thể hiện sắc thái suồng sã<br />
hoặc coi thường, trong vị thế ngang hàng, người ta nói: Vòng ung pà ghe đi (tao không thích) với<br />
ngữ điệu cao ở đầu câu, thấp hơn ở giữa câu và giữ mức như vậy cho đến cuối câu. Qua các ví dụ<br />
vừa rồi, có thể nhận ra trong ba câu trên có sự phân biệt về hình thức:<br />
- Vòng ung ghe<br />
- Vòng ung ghe ớ<br />
- Vòng ung pà ghe đi<br />
Cùng một nội dung thông tin, để thể hiện những sắc thái tình cảm khác nhau (kính trọng,<br />
suồng sã, trung tính) ngoài việc thay đổi giọng điệu, tiếng Pà Thẻn còn dùng đến những ngữ khí<br />
11<br />
<br />
T¹p chÝ Khoa häc & C«ng nghÖ - Sè 2(46) Tập 2/N¨m 2008<br />
<br />
từ như: ớ, đi… nhờ vậy vòng không mang được các sắc thái tình cảm này. Ngoài ra để làm<br />
phong phú thêm hệ thống từ ngữ xưng gọi thực thụ của mình, người Pà Thẻn còn dùng kết hợp<br />
từ xưng gọi với số lượng từ để chỉ được đầy đủ và chính xác hơn các đối tượng tham gia (hoặc<br />
không tham gia) vào cuộc thoại.<br />
Ví dụ để phân biệt ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ ba số nhiều là hai hoặc<br />
nhiều người (từ ba người trở nên), tiếng Pà Thẻn thêm vào sau các từ ngữ xưng gọi (vòng βư,<br />
pư, múng βư, nùng βư) số lượng từ (vá leng: hai người, ché ạ leng: nhiều người). Kết quả là<br />
trong ngôn ngữ này có các từ ngữ xưng gọi sau:<br />
- vòng βư vá leng: hai người chúng tôi<br />
- pư vá leng: hai người chúng ta<br />
- vòng βư ché ạ leng: nhiều người chúng tôi<br />
- pư ché ạ leng: nhiều người chúng ta<br />
- múng βư/ βư vá leng: hai người các anh<br />
- múng βư/ βư ché ạ leng: nhiều người các anh<br />
- nùng βư vá leng: hai người họ<br />
- nùng βư ché ạ leng: nhiều người bọn họ<br />
Ngoài ra, các từ ngữ xưng gọi thực thụ còn được dùng trong kết hợp với các từ ngữ<br />
không thực thụ.<br />
2.2. Từ ngữ xưng gọi không thực thụ<br />
Trong xưng gọi, ngoài việc sử dụng những từ ngữ xưng gọi thực thụ, người Pà Thẻn còn<br />
dùng những từ ngữ xưng gọi không thực thụ. Đó là các danh từ thân tộc, tên riêng, thậm chí là cách<br />
xưng gọi trống không. Tuy nhiên, một điều đặc biệt, khác với tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác ở<br />
Việt Nam, là các từ ngữ xưng gọi không thực thụ này chỉ được dùng kèm với từ ngữ xưng gọi thực<br />
thụ. Các từ ngữ xưng gọi không thực thụ chỉ đóng vai trò làm rõ hơn sắc thái biểu cảm hoặc vai giao<br />
tiếp của người xưng - gọi. Khi xuất hiện, các từ ngữ này có thể đứng ở đầu hoặc cuối câu.<br />
Người Pà Thẻn thường dùng các danh từ thân tộc để xưng gọi như: a pạ (bố), ạ me (mẹ),<br />
ạ pô (ông), ạ cô (bác), ạ dồ (chú), ạ nhờ (thím), ạ chợ (chị), ạ ố (anh)… Cũng như trong tiếng<br />
Việt và nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Pà Thẻn cũng có những danh từ thân tộc chỉ mang chức<br />
năng định danh mà không thể sử dụng khi xưng gọi như: ạ nồng (bố chồng), ạ ta (bố vợ), ạ tong<br />
pạ (bố dượng), ạ nồng vợ (mẹ chồng), ạ tợ (mẹ vợ), ạ tong mẹ (mẹ ghẻ)…<br />
Ví dụ cháu hỏi ông : Ông ơi, ông đi đâu về đấy ạ? Người Pà Thẻn sẽ nói: Ạ pô, mung<br />
nhi yi dá lợ a ? Hoặc: Múng nhi yi dá lợ a, ạ pô. Người con hỏi bố mẹ đã ăn cơm chưa sẽ nói: Ạ<br />
pa, múng no yi va? Hoặc: Múng no yi va, ạ pa?<br />
Trường hợp dùng danh từ thân tộc trong câu hỏi (như ví dụ trên là : ạ pa (bố), ạ pô<br />
(ông)), từ xưng gọi thực thụ ngôi thứ hai số ít (múng) vẫn phải được dùng. Câu trả lời có thể sử<br />
dụng một trong hai cách: Vòng no yíng vô cớ hoặc: Ạ pa vòng no yíng vô cớ (Bố ăn cơm rồi)<br />
Hai người ngang hàng với nhau trong giao tiếp có thể không dùng đến từ xưng gọi. Cách<br />
gọi này giống như cách gọi trống không trong tiếng Việt. Ví dụ: người thứ nhất hỏi bạn mình:<br />
Nhi ý dá a? (Đi đâu đấy?). Bạn trả lời: Nhi ý gớ (Đi chơi). Ngoài cách dùng này ở vị thế vai<br />
ngang nhau hoặc người nghe ở vai dưới, người ta có thể dùng tên riêng để gọi. Ví dụ: Xuế, múng<br />
12<br />
<br />
T¹p chÝ Khoa häc & C«ng nghÖ - Sè 2(46) Tập 2/N¨m 2008<br />
<br />
nhi ý dá a? hoặc Múng nhi ý dá a, Xuế? (Xuế à, mày đi đâu đấy?). Khi xưng gọi có thể dùng tên<br />
chỉ quan hệ thứ bậc trong gia đình. Cách thức này không phổ biến, chủ yếu dùng trong phạm vi<br />
giao tiếp gia đình. Ví dụ: Ơ Nguyễn, múng nhi yi dá a? hoặc Múng nhi yi dá a, ơ Nguyễn? (Ơ<br />
Nguyễn là cách gọi theo tên chị gái cả - người được gọi ở đây là người em gái thứ hai của Nguyễn).<br />
Trong quan hệ gia đình hoặc quan hệ gần gũi, cách dùng những từ xưng gọi không thực<br />
thụ có thể dựa vào đặc điểm của bản thân đối tượng giao tiếp để định danh tên gọi. Ví dụ như<br />
người phụ nữ chưa chồng sẽ gọi là me hơ hoặc ta piệ (cô gái), phụ nữ có chồng gọi là me â kô<br />
(nghĩa gốc là “bà già”). Người đàn ông chưa có vợ gọi là ta hơ, đã có vợ gọi là pâ kô (nghĩa gốc<br />
là “ông già”). Khi xưng hô, vợ chồng có thể gọi nhau qua con như: ta ga pá (bố nó), ta ga me (mẹ<br />
nó). Khi có cháu, người Pà Thẻn cũng dùng cách gọi qua cháu như: pâ kô (ông nó), â kô (bà nó)…<br />
Cách dùng từ ngữ xưng gọi không thực thụ như đã trình bày ở trên khá phong phú. Ngoài việc<br />
gọi tên bằng các từ chỉ mối quan hệ trong gia đình, để thể hiện những sắc thái tình cảm tế nhị hoặc trêu<br />
đùa, người Pà Thẻn còn dùng chính danh từ hoặc cụm danh từ để gọi. Ví dụ khi yêu nhau người con<br />
trai gọi người con gái một cách âu yếm là a piệ (nghĩa gốc: a piệ: người con gái). Trong tình huống<br />
giao tiếp này a piệ được hiểu là “ gái, út, cưng, bé”. Cũng có lúc có thể dùng đến cả cụm danh từ chỉ<br />
đặc điểm để định danh đối tượng giao tiếp như me hơ nó hò tớ ô (cô gái đội mũ đỏ kia ơi).<br />
Ở ngôi thứ ba số ít chỉ người, ngoài việc dùng từ xưng gọi thực thụ (nùng), tiếng Pà<br />
Thẻn còn dùng đến một cụm danh từ khi đối tượng ngôi thứ ba số ít là một người lạ mặt: ưng le<br />
me (cái người kia). Để thể hiện thái độ khinh bỉ, miệt thị, tiếng Pà Thẻn dùng kết hợp từ xưng<br />
gọi thực thụ với danh từ: múng dò me, múng le me (cái thằng kia, cái hạng người kia). Trường<br />
hợp chỉ đối tượng nói đến là vật (đồ vật, động vật); tiếng Pà Thẻn không có từ xưng gọi thực thụ<br />
chỉ đối tượng này nên phải mượn đến toàn bộ hệ thống danh từ chỉ vật.<br />
3. Kết luận<br />
Xưng gọi là một trong những cách thức mang đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc như tính<br />
cộng đồng, tình thân sơ, sự bình đẳng, bất bình đẳng… Qua những phần trình bày ở trên, có thể rút<br />
ra một số nhận xét chung về từ ngữ xưng gọi trong tiếng Pà Thẻn: Các từ ngữ xưng gọi thực thụ<br />
trong tiếng Pà Thẻn tuy không nhiều về số lượng, không có sự phân biệt về sắc thái biểu cảm, vị thế,<br />
tuổi tác nhân vật, phạm vi giao tiếp,… nhưng có sự phân biệt về ngôi và số khá rạch ròi, đó là:<br />
Biểu thị<br />
<br />
Số ít<br />
<br />
Ngôi<br />
1<br />
2<br />
3<br />
<br />
vòng<br />
múng<br />
nùng<br />
<br />
Số nhiều<br />
Loại trừ<br />
vòng βư<br />
<br />
Gộp<br />
pư<br />
múng βư/ βư<br />
nùng βư<br />
<br />
Để bù lại cho sự độc giản về các sắc thái biểu cảm và các nhân tố chi phối cách dùng từ<br />
ngữ xưng gọi, tiếng Pà Thẻn vận dụng sự thay đổi trong nội tại cấu trúc ngôn ngữ (giọng điệu,<br />
thêm số lượng từ) để bổ sung ý nghĩa tình thái, cụ thể hoá ngôi xưng gọi nhằm diễn đạt được<br />
đầy đủ hơn nội dung thông báo ở cấp độ câu hoặc văn bản ...<br />
Khác với hệ thống từ ngữ xưng gọi thực thụ, hệ thống từ ngữ xưng gọi không thực thụ<br />
khá phong phú, không chỉ về số lượng mà còn về cả cách dùng. Hệ thống này có thể biểu thị<br />
được các mối quan hệ, được vận dụng hợp lí trong từng phạm vi giao tiếp gia đình hay xã hội.<br />
Trong hệ thống từ ngữ xưng gọi không thực thụ, số lượng danh từ thân tộc dùng để xưng gọi<br />
được sử dụng nhiều nhất. Điều đó hoàn toàn hợp lý bởi theo yêu cầu của hệ thống ngôn ngữ, khi<br />
13<br />
<br />
T¹p chÝ Khoa häc & C«ng nghÖ - Sè 2(46) Tập 2/N¨m 2008<br />
<br />
từ xưng gọi thực thụ hạn chế về số lượng và cách dùng thì bao giờ cũng đòi hỏi từ xưng gọi<br />
không thực thụ phải phong phú để biểu thị các nét nghĩa tình thái của lời nói. Ngoài danh từ thân<br />
tộc, hệ thống từ xưng gọi không thực thụ còn dùng đến tên riêng, cách gọi trống không, cách gọi<br />
bằng các từ chỉ quan hệ thứ bậc trong gia đình, các ngữ miêu tả và đặc biệt là hệ thống từ định<br />
danh sự vật. Đây là một nét đặc sắc khác biệt so với các ngôn ngữ khác của tiếng Pà Thẻn<br />
Tóm tắt<br />
Bước đầu tìm hiểu từ ngữ xưng gọi trong tiếng Pà Thẻn<br />
“Xưng gọi” nghĩa là cách tự xưng đối với mình và gọi người khác. Để thể hiện hành vi<br />
xưng gọi, người Pà Thẻn dùng những từ ngữ xưng gọi thực thụ như: vòng, múng, nùng… Tuy<br />
không nhiều về số lượng (8 từ (ngữ)) nhưng từ ngữ xưng gọi thực thụ tiếng Pà Thẻn có sự khái<br />
quát rất cao và có sự phân biệt về ngôi và số khá rạch ròi. Trong thực tế sử dụng, ngoài việc<br />
dùng những từ ngữ xưng gọi thực thụ, người Pà Thẻn còn dùng đến các danh từ thân tộc, tên<br />
riêng, cách gọi qua quan hệ thứ bậc trong gia đình, các ngữ miêu tả và đặc biệt là hệ thống từ định<br />
danh chỉ vật. Hệ thống từ ngữ xưng gọi thực thụ và không thực thụ trong tiếng Pà Thẻn được sử<br />
dụng kết hợp khá nhuần nhuyễn. Điều đó góp phần tạo nên bản sắc tộc người của dân tộc này.<br />
Summary<br />
The first step to research on vocative in PA THEN language<br />
The word used to call oneself and others in a conversation is named “vocative”. To vocative is<br />
common communication. Pathen’s ethnic group uses the personal pronoun such as: “vòng, múng,<br />
nùng…”. Although the personal pronoun of quantity is not very much (eight words) it is very general<br />
and its distinction between person and number is clear. In reality usage, Pathen’s ethnic group haven’t<br />
only the person pronoun, they also have other word such as: words to show the tie of kinship, nick name<br />
and words to show relation is their families, descriptive linguistic, especial animate noun of system.<br />
Pathen’s ethnic groups combines the system of common – person pronoun and uncommon – person<br />
pronoun is perfect harmony. It makes a feature of this ethnic group.<br />
<br />
Tài liệu tham khảo<br />
[1]. Diệp Quang Ban (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.<br />
[2]. Ninh Văn Hiệp (2006)(chủ biên), Văn hoá phong tục Pà Thẻn bảo tồn và phát huy, Nxb<br />
VHDT, Hà Nội.<br />
[3]. Lê Thanh Kim (1999) "Từ xưng gọi và cách xưng gọi trong phương ngữ Nghệ Tĩnh",<br />
Ngữ học trẻ, Hà Nội.<br />
[4]. Hoàng Văn Ma (2002), Cách thức xưng hô trong tiếng Tày – Ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt<br />
Nam một số vấn đề quan hệ cội nguồn và loại hình học, Nxb KHXH, Hà Nội.<br />
[5]. Nguyễn Phú Phong (1996), "Đại danh từ nhân xưng tiếng Việt", TC Ngôn ngữ, số 1,Hà Nội.<br />
[6]. Lê Tài Thái (2002), "Tìm hiểu hệ thống từ xưng gọi và cách xưng gọi trong phương ngữ<br />
Thanh Hoá, Những vấn đề Ngôn ngữ học" (Kỉ yếu Hội nghị khoa học Viện Ngôn Ngữ 2001), Phòng<br />
Thông tin Ngôn ngữ học, Hà Nội.<br />
[7]. Tạ Văn Thông (2000), "Cách xưng gọi trong tiếng Kơ ho", TC Ngôn ngữ & Đời sống, số 1,<br />
[8]. Viện dân tộc học (1983), Sổ tay về các dân tộc Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.<br />
[9]. Viện Ngôn ngữ học (2001), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội.<br />
[10]. Nguyễn Như Ý (2003)(chủ biên), Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, Nxb GD, Hà Nội.<br />
<br />
14<br />
<br />