CÁC BIỂU HIỆN CỦA LỊCH SỰ CHUẨN MỰC TRONG XƯNG HÔ<br />
<br />
<br />
TS. Vũ Tiến Dũng<br />
Khoa Ngữ Văn<br />
<br />
<br />
Abstract. The expression of politeness within the language behaviour is attracting the interests of the<br />
linguistics in general and fragmatic linguistics in particular. Politely addressing in Vietnamese communication is<br />
under the strong pressure of community politeness which has clear expressions such as clearness and<br />
reassonableness. Modesty in addressing, which is considered as the principle of addressing politely in<br />
communication, is the way to show the community politeness.<br />
<br />
Tóm tắt. Những biểu hiện của lịch sự trong ứng xử ngôn ngữ đang thu hút được sự quan tâm của giới nghiên<br />
cứu ngôn ngữ học nói chung và ngữ dụng học nói riêng. Xưng hô lịch sự trong giao tiếp tiếng Việt chịu áp lực<br />
mạnh của lịch sự chuẩn mực mà biểu hiện cụ thể là khéo léo và đúng mực. Khiêm nhường trong xưng hô là con<br />
đường để thực hiện lịch sự chuẩn mực, nó được hiểu như là nguyên tắc để xưng hô trong giao tiếp đảm bảo tính<br />
lịch sự.<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Qua khảo sát và phân tích ca dao, tục ngữ, thành ngữ, chúng tôi nhận thấy rằng ứng<br />
xử lịch sự của người Việt bao gồm bốn nội dung: Lễ phép, đúng mực (thuộc bình diện lịch sự<br />
chuẩn mực) và khéo léo, khiêm nhường (thuộc bình diện lịch sự chiến lược). Bài viết nhỏ này<br />
nhằm đi sâu tìm hiểu hành động xưng hô để thấy được rằng xưng hô trong tiếng Việt gắn với<br />
bình diện lịch sự chuẩn mực nhiều hơn.<br />
2. Các biểu hiện của lịch sự chuẩn mực trong xưng hô<br />
2.1. Lễ phép trong xưng hô<br />
Trong tiếng Việt, xưng hô lịch sự trước hết là phải lễ phép. Xưng hô lễ phép thể hiện<br />
sự tôn kính những người có tuổi tác cao, những người có vị thế lớn, những người có uy tín<br />
trong mối tương quan với người nói. Người nói phải biết tính toán, lựa chọn những từ ngữ<br />
xưng hô trang trọng, hợp chuẩn phù hợp với vai giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp và mối quan hệ<br />
thân – sơ giữa người nói và người đối thoại để sử dụng cho thích hợp. Xưng hô không lễ phép<br />
với người vai bậc trên, những người có uy tín cũng dễ dẫn đến thái độ vô lễ (hay xấc xược,<br />
hỗn láo). Tuy nhiên quá làm ra vẻ lễ phép lại có thể trở thành thái độ khúm núm, thiếu tự<br />
nhiên, xưng hô sẽ có nguy cơ khuôn sáo, xơ cứng làm mất đi tình thân thiện, sự gần gũi trong<br />
quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng. Xưng hô lễ phép là rất cần thiết nhưng cần phải có<br />
chừng mực để tránh những hạn chế có thể nảy sinh từ đó. Trong những cuộc thoại thường<br />
nhật, người nói phải xưng hô lễ phép với các bậc cao niên, lão niên ; con cái phải xưng hô lễ<br />
phép với bố mẹ; học sinh phải xưng hô lễ phép với các thầy cô giáo; nhân viên (ít tuổi hơn)<br />
phải xưng hô lễ phép với thủ trưởng; con cháu phải xưng hô lễ phép với người thuộc độ tuổi ở<br />
bậc chú, bác mình… Xưng hô lễ phép có chừng mực sẽ tạo nên được tính lịch sự tôn trọng<br />
trong giao tiếp.<br />
2.2. Đúng mực trong xưng hô<br />
Lịch sự chuẩn mực trong xưng hô còn được biểu hiện ở tính đúng mực. Xưng hô đúng<br />
mực là cách thức xưng hô thích dụng với vai của người bậc trên trong mối quan hệ với vai<br />
người đối thoại thuộc bậc dưới hoặc ngang vai. Xưng hô đúng mực còn biểu hiện ở cách thức<br />
sử dụng các từ xưng hô phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp và khoảng cách xã hội giữa người<br />
nói với người nghe. Xưng hô đúng mực là cách thức xưng hô hợp chuẩn, tuân theo những ước<br />
định hoặc chế định và có tính khuôn mẫu trong tiếng Việt. Chẳng hạn, người giáo viên thường<br />
tự xưng mình là cô hay thầy và gọi học sinh là em ; mẹ tự xưng là mẹ và gọi con gái, con trai<br />
của mình là con ; khi một ai đó tự xưng mình là ông, bà, thì phải gọi đối tác là cháu. Những<br />
cách xưng và hô của người trên đối với người dưới như thế được đánh giá là hợp chuẩn, là<br />
đúng mực.<br />
Trong gia đình, gia tộc, xưng hô được quy định khá nghiêm ngặt. Em của bố bao giờ<br />
cũng được gọi là chú, em trai của mẹ bao giờ cũng được gọi là cậu và hình thành nên các cặp<br />
xưng hô: cậu – cháu, chú - cháu dù rằng cậu và chú có ít hơn tuổi cháu v.v... Vợ và chồng là<br />
những người bình quyền nhau, nhưng nếu xưng hô theo kiểu như bạn bè, mày – tao, tớ – cậu,<br />
mình – bạn… thì thường được coi là không đúng mực, vi phạm chuẩn mực trong xưng hô.<br />
Người bậc trên xưng hô không đúng mực thì bị đánh giá là người hoặc là có thái độ kiêu<br />
ngạo, hoặc là có thái độ trịch thượng, thiếu tôn trọng người bậc dưới.<br />
Xưng hô đúng mực là biểu hiện của sự tôn trọng thể diện của người bậc dưới, hay của<br />
người bình quyền, hay của bạn bè, tức của những người vai dưới hoặc ngang vai. Xưng hô đúng<br />
mực còn là cách thức xưng hô nhằm tạo ra tình thân hữu, rút ngắn khoảng cách giữa người nói<br />
với người nghe. Giữa hai người vốn chưa quen biết, còn xa và còn lạ, phải xưng hô theo chuẩn<br />
của lễ phép, nếu có cơ hội chuyển sang xưng hô theo chuẩn của đúng mực thì có thể chuyển đổi<br />
sang kiểu quan hệ quen biết và gần gũi mà lúc ban đầu chưa thể có được. Xưng hô đúng mực<br />
trong giao tiếp tạo nên được tính lịch sự thân thiện.<br />
2.3.Phương châm trong xưng hô<br />
Xưng hô gắn với lịch sự trong tiếng Việt luôn hướng tới một phương châm “xưng phải<br />
khiêm, hô phải tôn”, tức là khiêm nhường trong xưng hô. Xưng hô khiêm nhường là cách thức<br />
chung của xưng hô lễ phép và xưng hô đúng mực. Khiêm nhường là khiêm tốn đối với mình<br />
và tôn vinh, đề cao người trong giao tiếp. Cặp xưng hô hợp chuẩn của giáo viên với học sinh,<br />
sinh viên ít tuổi hơn giáo viên thường là thầy – em, cô - em, thầy – tên riêng, cô - tên riêng,<br />
thầy – các em, cô - các em…, nhưng trong lớp học hiện nay ở nhiều trường, giáo viên thường<br />
xưng hô một cách khiêm nhường với học sinh, sinh viên như tôi – các em, tôi – các anh, các<br />
chị, tôi – các bạn, tôi – tên riêng… Xưng hô khiêm nhường cũng mang tính phổ biến trong gia<br />
đình, gia tộc người Việt hiện nay. Chẳng hạn, khi bố, mẹ xưng hô với con cái dùng các cặp từ<br />
xưng hô: bố – con, mẹ – con là họ đã nhấn mạnh đến quan hệ quyền lực và thân thiện. Khi<br />
con cái đã trưởng thành, bố, mẹ thường chuyển sang xưng hô với con bằng các cặp từ xưng<br />
hô: tôi – anh, tôi – chị là họ đã nhấn mạnh đến sự bình đẳng hơn (khiêm) nhưng cũng có<br />
khoảng cách trong quan hệ với con cái. Trong một số cơ quan nhà nước, các nhân viên<br />
thường gọi thủ trưởng (nam giới) của mình là cụ với ý nghĩa tôn kính, cao quý chứ hoàn toàn<br />
không có nghĩa già cả. Trong xã hội Việt Nam xưa, từ cụ dừng trong xưng hô thường chứa<br />
đựng hai nét nghĩa: cao tuổi và tôn quý. Ví dụ sau là một minh chứng :<br />
Lạy cụ ! Thật không ngờ hôm nay cụ Hồng lại quá bộ đến chơi với em.<br />
(Vũ Trọng Phụng)<br />
Xưng hô khiêm nhường là một nét đẹp trong văn hoá giao tiếp của người Việt chúng<br />
ta. Tuy nhiên trong giao tiếp, xưng hô khiêm nhường quá mức sẽ đặt người đối thoại vào tính<br />
thế khó xử và trong nhiều trường hợp họ buộc phải phản đối cách xưng hô ấy. Đoạn thoại<br />
giữa Hàn và Tơ trong truyện ngắn Một chuyện Xuvơnia sau đây là một ví dụ:<br />
Hàn mừng rỡ :<br />
- À, quên đấy nhỉ? Nhưng tôi hỏi cho cô thì cô cũng phải nghĩ thế nào chứ… nhỉ?<br />
- Cháu giả công<br />
- Không. Tôi chả lấy công đâu. Nhưng cô không được xưng bằng cháu với tôi như thế,<br />
tôi thẹn chết. Tôi với cô chỉ bằng tuổi nhau thôi. Năm nay cô bao nhiêu tuổi nhỉ ?<br />
- Cháu….<br />
- Không có lệ xưng cháu<br />
Tơ gục mặt xuống cánh tay để giấu miệng đi cười, nũng nịu :<br />
- Thế xưng bằng gì được?<br />
- Bằng tôi, hay bằng em thì càng… thú.<br />
(Nam Cao)<br />
Đối lại, xưng hô không khiêm nhường dễ bị đánh giá là thiếu lễ độ, làm mất đi thiện<br />
cảm từ phía người đối thoại. Chẳng hạn, học trò tự xưng là tôi với thầy cô giáo là không<br />
khiêm nhường. Quá chú ý đến sự khiêm nhường hoặc không khiêm nhường trong xưng hô<br />
đều có ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả trong tương tác xã hội. Cho nên xưng hô khiêm<br />
nhường cũng cần phải có chừng mực mới đạt được hiệu quả mong muốn trong tương tác.<br />
Xưng hô lễ phép, đúng mực là những biểu hiện của lịch sự chuẩn mực trong tiếng Việt.<br />
Cách thể hiện sự khiêm nhường trong xưng hô là con đường để đạt được lịch sự chuẩn mực,<br />
nó thuộc về lịch sự chiến lược. Các biểu hiện về lịch sự đó chỉ có ý nghĩa thật sự trong xưng<br />
hô khi người nói ứng xử bằng một thái độ chân thành. Người nghe có thể nhận biết sự chân<br />
thành trong xưng hô của người nói qua những yếu tố kèm lời như thái độ, cử chỉ, động tác…<br />
và bằng chính cả sự nhạy cảm của người nghe nữa. Không chân thành, người nói có cố gắng<br />
xưng hô lễ phép, khiêm nhường, đúng mực đến đâu đi chăng nữa cũng sẽ bộc lộ sự sáo rỗng<br />
và giả tạo trong lời nói của mình, và trong trường hợp này hiệu quả giao tiếp thường là trái<br />
với sự mong đợi của người nói.<br />
3. Kết luận<br />
Có thể tìm hiểu hành động xưng hô ở nhiều giác độ khác nhau tuỳ theo đích của nhà<br />
nghiên cứu đặt ra. Xưng hô trong tiếng Việt chịu tác động của rất nhiều yếu tố như hoàn cảnh<br />
giao tiếp, quan hệ liên nhân và gắn với mục đích của mỗi cá nhân trong một cuộc tương tác cụ<br />
thể. Nhưng phải thừa nhận rằng xưng hô trong giao tiếp tiếng Việt gắn với tính lịch sự trong<br />
giao tiếp. Trong giao tiếp của người Việt hiện nay, xưng hô chịu áp lực mạnh của lịch sự<br />
chuẩn mực, tức là xưng hô phải tuân thủ theo những định ước của xã hội mới được đánh giá<br />
là lịch sự. Chiến lược xưng hô của mỗi cá nhân cũng đã xuất hiện nhưng chưa đủ mạnh để lấn<br />
át được chuẩn mực xưng hô trong giao tiếp. Hi vọng những nghiên cứu tiếp theo sẽ làm sáng<br />
tỏ thêm vấn đề nghiên cứu còn hết sức thú vị này.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1.Vũ Tiến Dũng (2003), Lịch sự trong tiếng Việt và giới tính (Qua một số hành động<br />
nói), Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.<br />
2. Vũ Thị Thị Thanh Hương (2002), “ Khái niệm thể diện và ý nghĩa đối với việc<br />
nghiên cứu ứng xử lịch sự ”, Ngôn ngữ, (số 1), tr.8-14.<br />