Xã hội học, số 2 - 1986<br />
<br />
<br />
CÁC CHUẨN MỰC GIÁ TRỊ TRONG CUỘC SỐNG<br />
CỦA CÁC GIA ĐÌNH TRẺ Ở NÔNG THÔN<br />
<br />
NGUYỄN PHƯƠNG ANH<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Dưới nhận thức của người dân nông thôn, những giá trị nào của cuộc sống gia đình được họ quan<br />
tâm nhiều nhất? Đó là một trong những khía cạnh được đặt ra nghiên cứu trong chương trình điều tra<br />
thực nghiệm do Viện Xã hội học tổ chức vào những năm 1983-1984. Căn cứ vào các kết quả đã được<br />
xử lý, chúng tôi sẽ tập trung phân tích vấn đề trên ở tầng lớp các gia đình trẻ, có vợ và chồng tuổi từ 30<br />
trở xuống. Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ những biến đổi trong<br />
đời sống văn hoá - lối sống của thanh niên hiện nay.<br />
*<br />
* *<br />
Để giải quyết khía cạnh được đặt trong chương trình nghiên cứu vừa nêu trên trong bảng câu hỏi<br />
điều tra xã hội học thực nghiệm, chúng tôi đã đưa ra một số yếu tố giá trị định hướng cuộc sống gia<br />
đình của người nông dân. Mức độ đánh giá về từng yếu tố giá trị của cuộc sống gia đình được nêu ra<br />
và gợi ý trả lời ở ba bậc: không quan trọng, quan trọng và rất quan trọng. Điều đó cho phép đo được<br />
tính khách quan cao trên cơ sở các đối tượng được nghiên cứu đã lựa chọn câu trả lời phù hợp nhất.<br />
Câu hỏi đưa ra gồm 11 yếu tố giá trị của cuộc sống gia đình, bao gồm các khía cạnh kinh tế, đạo<br />
đức, quan hệ cộng đồng, học vấn và văn hoá…<br />
Tại hai điểm nghiên cứu ở tỉnh Thái Bình, các số liệu thu thập được qua cuộc điều tra cho thấy rằng<br />
những người thuộc độ tuổi dưới 26 và 26-30 đánh giá cao ba yếu tố quan trọng nhất theo thứ tự như<br />
sau:<br />
1. Lao động giỏi, kinh tế vững.<br />
2. Thuận vợ, thuận chồng.<br />
3. Đạo đức trong sạch.<br />
Riêng những người ở độ tuổi dưới 26 thì yếu tố nhà cửa khang trang được chú ý ở mức độ ưu tiên<br />
thứ 4. Trong khi đó những người ở độ tuổi 26-30 dành mức độ ưu tiên thứ 4 cho hoà thuận xóm làng.<br />
Đối với dành mức độ ưu tiên thứ 5, cả hai độ tuổi đều dành cho yếu tố giá trị “cha mẹ già được săn sóc<br />
tốt”. Vậy điều gì dẫn đến sự khác biệt về mức độ ưu tiên thứ 4 giữa hai độ tuổi này?<br />
Theo chúng tôi, có thể những người ở độ tuổi dưới 26, do mới thành lập gia đình, một nếp nhà với<br />
họ là ước vọng trong hoàn cảnh chung hiện nay khi gia đình nông thôn đang có sự phân giải sâu sắc<br />
theo xu hướng gia đình hạt nhân hoá. Đối với những người ở độ tuổi 26-30, việc có một nếp nhà đã<br />
được đáp ứng rồi. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế. Một thời gian sau khi kết hôn, đến lứa tuổi<br />
này các cặp vợ chồng đã có đủ thời gian và điều kiện cần thiết để xây dựng một nếp nhà riêng. Do đó<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học, số 2 - 1986<br />
<br />
36 NGUYỄN PHƯƠNG ANH<br />
<br />
<br />
nhu cầu nhà cửa đối với họ không còn bức thiết nữa (trừ trường hợp một số ít chưa có nhà hoặc muốn<br />
sửa sang lại ngôi nhà cho khang trang, to đẹp hơn).<br />
Kết quả điều tra cũng cho thấy rằng các yếu tố ít được quan tâm đối với những người ở cả trong hai<br />
độ tuổi trên là:<br />
- Con cái thoát ly làm cán bộ.<br />
- Vợ chồng đều có văn hoá cao.<br />
- Con cái học cao.<br />
Như vậy, có sự khác nhau ở người nông dân giữa một bên là quan niệm về các giá trị mang tính<br />
chất trực tiếp (gắn bó với hoạt động sống, sinh hoạt của họ) với một bên là các giá trị mang tính chất<br />
gián tiếp (các khía cạnh học vấn, văn hoá…). Thực chất của sự khác nhau này là gì? Đó là sự phản ánh<br />
hai điểm quy chiếu của hai mô hình xã hội khác nhau: điểm quy chiếu của xã hội nông thôn còn trong<br />
tình trạng sản xuất nông nghiệp truyền thống với con trâu đi trước, cái cày đi sau mà bản thân người<br />
nông dân đang sống và điểm quy chiếu của xã hội thành thị trên cơ sở của học vấn và lao động công<br />
nghiệp.<br />
Đối tượng nghiên cứu ở đây là các nhóm gia đình trẻ ở nông thôn, tức là ở họ, một cơ chế gia đình<br />
đã được thiết lập và vận hành để dần dần đi vào ổn định. Bởi thế, đánh giá của họ về các giá trị trước<br />
hết được chú ý tới những yếu tố liên quan trực tiếp tới cuộc sống gia đình chứ không được đánh giá<br />
bằng những suy nghĩ cá nhân chưa được cơ chế gia đình ràng buộc. Rộng hơn nữa, cuộc sống của họ,<br />
gia đình họ, được gây dựng và tồn tại trong một xã hội nông thôn, ở đó mọi giá trị vật chất và tinh thần<br />
bị chi phối bởi nền sản xuất nông nghiệp đã tồn tại lâu đời.<br />
Trong nông thôn hiện nay, mặc dù đã trải qua hàng chục năm cải tạo nền nông nghiệp theo hướng<br />
sản xuất xã hội chủ nghĩa, nhưng do nhiều nguyên nhân xã hội như việc bùng nổ dân số, chiến tranh 30<br />
năm liên miên, sản xuất nhỏ vẫn còn ngự trị trong nông thôn, khoa học - kỹ thuật chưa được áp dụng<br />
mạnh mẽ đối với nông nghiệp…, nên năng suất lao động bình quân nhìn chung rất thấp kém, không<br />
đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân. Do vậy, đời sống kinh tế vẫn là mục tiêu quan tâm thường xuyên, là<br />
điểm mấu chốt nhất trong kế hoạch phát triển một nông thôn mới ở nước ta. Vì thế, trong hoàn cảnh xã<br />
hội nông thôn, lao động sản xuất để có nguồn của cải dồi dào đáp ứng các nhu cầu cuộc sống là hoạt<br />
động lớn nhất, quyết định tất cả mọi hoạt động khác của người nông dân, trong đó có các bậc cha mẹ<br />
trẻ.<br />
Cụ thể hơn về giá trị ưu tiên thứ nhất, lao động giỏi, kinh tế vững, ta có kết quả như sau:<br />
Tại điểm nghiên cứu thứ nhất, nhóm gia đình trẻ dưới tuổi 26 có 78,6% cho rằng rất quan trọng,<br />
21,4% cho rằng quan trọng. Không có ý kiến nào trả lời không quan trọng. Thuộc nhóm gia đình trẻ ở<br />
độ tuổi 26-30 thì trả lời cho ba mức độ rất quan trọng, quan trọng và không quan trọng là 79,5%;<br />
17,9% và 2,6%. Tại điểm nghiên cứu thứ hai, nhóm gia đình trẻ dưới tuổi 26 đánh giá qua điểm số của<br />
yếu tố giá trị lao động giỏi, kinh tế vững là 1,79% (xếp ưu tiên thứ nhất) và thuộc nhóm gia đình 26-30<br />
tuổi đánh giá qua điểm số là 1,77% (cũng xếp ưu tiên thứ nhất).<br />
So sánh với các nhóm tuổi cao từ 41-45 và 45 trở lên, ta thấy những người ở lứa tuổi này cũng xếp<br />
yếu tố giá trị lao động giỏi, kinh tế vững vào mức độ ưu tiên số<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học, số 2 - 1986<br />
<br />
Các chuẩn mực… 37<br />
<br />
<br />
một. Sự nhất quán này cho phép chúng ta đánh giá ý nghĩa kinh tế đích thực của lao động giỏi, kinh tế<br />
vững.<br />
Tiếp theo yếu tố kinh tế là yếu tố giá trị về mặt đạo đức của cuộc sống gia đình. Trong xã hội<br />
truyền thống, những giá trị đạo đức luôn luôn là những chuẩn mực hành động và ứng xử của con người<br />
Việt Nam. Đương nhiên có sự khác nhau cơ bản giữa các giá trị đạo đức xưa và nay. Trong xã hội<br />
truyền thống, cơ sở của các giá trị đạo đức là tư tưởng phong kiến, với các lễ giáo trói buộc con người<br />
trong trật tự của sự phân chia giai cấp, duy trì chế độ người bóc lột người. Ngày nay, trên cơ sở của<br />
chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nội dung cơ bản của đạo đức xã hội là đoàn kết tương trợ,<br />
thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người.<br />
Thuận vợ, thuận chồng là một yếu tố giá trị đạo đức của cuộc sống gia đình được mọi người đề<br />
cao. Trong thành ngữ của nhân dân ta, có câu “Thuận vợ, thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”. Ở đây,<br />
nếu như chưa xét đến mặt tình cảm của thuận vợ, thuận chồng, thì ít ra, sức mạnh của vợ chồng sẽ làm<br />
được tất thảy mọi công việc trong gia đình và ngoài gia đình. Ý nghĩa của thuận vợ, thuận chồng<br />
không chỉ thuần tuý phản ánh giá trị đạo đức. Trong những cuộc điều tra, nông dân trả lời rõ câu hỏi<br />
này: “Có thuận vợ, thuận chồng thì làm việc gì cũng dễ”. Trong tình hình hiện nay, chức năng kinh tế<br />
gia đình vẫn giữ địa vị quan trọng, thì thuận vợ, thuận chồng trở thành điểm nút của sức mạnh (sức lao<br />
động) gia đình để thực hiện tốt mục tiêu lao động giỏi, kinh tế vững. Đối với yếu tố thuận vợ, thuận<br />
chồng, số liệu điều tra cho thấy: Ở độ tuổi dưới 26: 76,9% số người được hỏi trả lời rất quan trọng,<br />
23,1% trả lời quan trọng. Ở độ tuổi 26-30, kết quả trả lời là 75,7%, 21,6% và không quan trọng là<br />
2,7%. Đánh giá qua điểm số ở điểm nghiên cứu thứ hai, độ tuổi dưới 26, kết quả là 1,77% (mức độ ưu<br />
tiên thứ 2) và độ tuổi 26-30 là 1,73% (cũng mức độ ưu tiên thứ 2). Ở các độ tuổi 41-45 và từ 45 trở lên,<br />
đều cùng chung một quan niệm là đánh giá cao yếu tố giá trị thuận vợ, thuận chồng như những người ở<br />
các độ tuổi nói trên.<br />
Đạo đức trong sạch cũng được coi là một khía cạnh trong các yếu tố giá trị đạo đức nói chung. Ở<br />
cả hai độ tuổi thuộc điểm nghiên cứu thứ nhất (dưới 26 và 26-30) có 50% số người được hỏi trả lời rất<br />
quan trọng và 50% trả lời là quan trọng. Đánh giá quan điểm số ở điểm nghiên cứu thứ hai, thì mức độ<br />
ưu tiên dành cho đạo đức trong sạch xếp thứ 3 (ở cả hai độ tuổi dưới 26 và 26-30).<br />
Chung quy lại, nếu đạo đức được xem là một chuẩn mực ứng xử của lối sống, thì ở nông thôn,<br />
trong các nhóm gia đình trẻ, kể cả các nhóm gia đình tuổi cao, quan niệm cụ thể về đạo đức như “thuận<br />
vợ, thuận chồng” và “đạo đức trong sạch” được đề cao không phải thuần tuý là sự tiếp nối truyền<br />
thống cũ về giá trị đạo đức. Nó còn phản ánh mối liên hệ sâu xa của tính thống nhất trong gia đình để<br />
thực hiện các chức năng sản xuất và chức năng xã hội của nó, trong đó chức năng sản xuất là mặt căn<br />
bản hơn cả.<br />
Đối với các yếu tố giá trị của cuộc sống gia đình ít được quan tâm như học vấn, văn hoá thì điều<br />
căn bản nhất, những yếu tố giá trị đó chưa đến lúc là điểm quy chiếu cho hành vi của nông dân sống<br />
trong một khung cảnh xã hội nông nghiệp – nông thôn như thực trạng hiện nay. Vấn đề là ở chỗ những<br />
nhu cầu đó chưa ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống thực tiễn hàng ngày mà họ phải đương đầu. Tuy<br />
nhiên, trong một trường hợp cũng có sự không phù hợp giữa ý nghĩ và hành vi thực tế.<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học, số 2 - 1986<br />
<br />
38 NGUYỄN PHƯƠNG ANH<br />
<br />
<br />
Yếu tố không để ma chê cưới trách mặc dầu không được coi trọng, nhưng vì trong cộng đồng làng xa,<br />
những tập tục cũ đã từng ăn sâu vào tư tưởng nông dân, cho nên dù người ta có thể không muốn,<br />
nhưng vẫn phải hành động theo những thiết chế riêng của cộng đồng.<br />
Bảng số liệu sau về các yếu tố giá trị của uy tín và triển vọng gia đình thuộc lĩnh vực học vấn, văn<br />
hoá chiếm tỷ lệ phần trăm không lớn, đã minh chứng cho lập luận trên:<br />
Dưới 26 tuổi 26-30 tuổi<br />
- Con cái học cao 23,1% 37,8%<br />
- Vợ chồng đều có văn hoá cao 15,4% 24,3%<br />
- Con cái thoát ly làm cán bộ 23,1% 27,8%<br />
- Không để ma chê cưới trách 0 5,0%<br />
Đánh giá qua điểm số, yếu tố giá trị “con cái học cao” ở độ tuổi dưới 26 là 1,23% (xếp ưu tiên thứ<br />
5), độ tuổi 26-30 là 1,32% (xếp ưu tiên thứ 6), “vợ chồng đều có văn hoá cao” cả hai độ tuổi là 1,08%<br />
(xếp ưu tiên thứ 6), “vợ chồng đều có văn hoá cao” cả hai độ tuổi là 1,08% (xếp thứ 9) và 1,13% (xếp<br />
thứ 8), “con cái thoát ly làm cán bộ” là 1,15% (xếp thứ 7) và 1,19% (xếp thứ 7), “không để ma chê<br />
cưới trách” là 0,38% (xếp thứ 11) và 0,48% (xếp thứ 11).<br />
Cũng cần khẳng định thêm rằng, việc con cái học cao hay con cái thoát ly là điều chưa trực tiếp đặt<br />
ra đối với các đôi vợ chồng trẻ, vì hầu hết con cái còn nhỏ tuổi, hoặc họ đã có văn hoá, hoặc họ không<br />
cần học nữa vì có trình độ cao hơn cũng chưa cần thiết đối với cuộc sống ở làng.<br />
*<br />
* *<br />
Thay lời kết luận, chúng tôi có những nhận xét sau đây:<br />
1. Các nhóm gia đình trẻ đánh giá ưu tiên số một cho các yếu tố giá trị kinh tế là sự khẳng định<br />
khách quan thái độ của họ trong một khung cảnh xã hội đặc thù – xã hội nông thôn với những hoạt<br />
động chính của sản xuất nông nghiệp, và đó chính là điểm quy chiếu để quyết định thái độ xử sự của<br />
người nông dân. Cũng như ở cư dân thành thị, học vấn là những yếu tố giá trị định hướng quan trọng,<br />
vì nó là giá trị căn bản nhất được thừa nhận như một khuôn mẫu của xã hội đó.<br />
Do vậy, có thể nói rằng, chừng nào đời sống nông dân còn ở tình trạng chưa phát triển mạnh mẽ,<br />
của cải vật chất chưa dồi dào, văn hoá tinh thần chưa được nâng cao thì điểm quy chiếu thái độ xử sự<br />
của họ vẫn là những yếu tố giá trị thuộc về lĩnh vực kinh tế, và các yếu tố giá trị học vấn, văn hoá bị<br />
đẩy xuống hàng thứ yếu.<br />
Cũng trong một xã hội đặc thù nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, chưa có phân công lao động cao thì<br />
quan tâm đến nghề nghiệp dường như chưa rõ ràng. Do đó, yếu tố giá trị trong bảng hỏi như có nghề<br />
riêng vững chắc thu được một tỷ lệ đồng ý rất thấp ở cả hai độ tuổi (15,4% và 15,8%).<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />
Xã hội học, số 2 - 1986<br />
<br />
Các chuẩn mực giá trị… 39<br />
<br />
<br />
2. Khi các nhóm gia đình trẻ xử sự với các yếu tố giá trị được đưa ra trong bảng hỏi đã nói lên tình<br />
trạng biến đổi sâu sắc về cấu trúc xã hội nông thôn và gia đình của nó. Các nhóm gia đình này không<br />
còn chú ý đến tính cộng đồng làng xã mà bảng hỏi đã đưa ra là “hoà thuận xóm làng” (23,1% và<br />
45,9%). Tức là mối liên hệ cộng đồng, một đặc trưng nổi bật trong làng xã Việt Nam, có nhiều tác<br />
dụng chi phối các quan hệ của những thành viên, nhóm gia đình nay đã bị lu mờ trước thái độ xử sự<br />
của các nhóm gia đình trẻ. Như vậy, chúng ta đã thấy rõ ở các độ tuổi này, là sự phân giải của các quan<br />
hệ cộng đồng thành các quan hệ chức năng, và quan hệ mới này chỉ được thiết lập trên một cấu trúc xã<br />
hội có nhiều biến đổi về kinh tế, xã hội và văn hoá mà thôi.<br />
Điều này cũng cho phép khẳng định chắc chắn hơn khi chúng ta xem xét thêm yếu tố giá trị “cha<br />
mẹ già được săn sóc tốt” cũng bị đẩy xuống bậc thấp. Đáng lẽ, theo truyền thống đạo đức của Việt<br />
Nam, yếu tố giá trị này phải được đặt lên hàng đầu. Sự giải thể các yếu tố giá trị cũ đó đương nhiên chỉ<br />
có thể giải thích bằng sự giải thể cấu trúc gia đình truyền thống trong sự giải thể của xã hội nông thôn<br />
nói chung với sự tác động của quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá ngày một rõ nét.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn<br />