intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Các thông tin tài chính và sự khác biệt về mức độ sử dụng chúng của các nhà đầu tư

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu của bài viết "Các thông tin tài chính và sự khác biệt về mức độ sử dụng chúng của các nhà đầu tư" nhằm chỉ ra các thông tin tài chính và vai trò của chúng trong việc lột tả được bức tranh về tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, sự cần thiết của chúng trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Đồng thời, chúng tôi chỉ ra sự khác biệt trong mức độ sử dụng những thông tin này của các nhóm nhà đầu tư trước khi ra quyết định đầu tư. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Các thông tin tài chính và sự khác biệt về mức độ sử dụng chúng của các nhà đầu tư

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 CÁC THÔNG TIN TÀI CHÍNH VÀ SỰ KHÁC BIỆT VỀ MỨC ĐỘ SỬ DỤNG CHÚNG CỦA CÁC NHÀ ĐẦU TƯ FINANCIAL INFORMATION AND THE DIFFERENCES IN USING IT BY INVESTORS TS. Nguyễn Thị Lan Anh, TS. Nguyễn Hữu Đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Mục tiêu của bài viết này nhằm chỉ ra các thông tin tài chính và vai trò của chúng trong việc lột tả được bức tranh về tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết, sự cần thiết của chúng trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Đồng thời, chúng tôi chỉ ra sự khác biệt trong mức độ sử dụng những thông tin này của các nhóm nhà đầu tư trước khi ra quyết định đầu tư. Thông qua kết quả khảo sát 430 nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện kiểm định để tìm ra sự khác biệt giữa nhà đầu tư nam và nữ; giữa nhà đầu tư có và không có bằng/chứng chỉ kế toán; giữa các nhà đầu tư đã từng và chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán khi sử dụng các thông tin tài chính được công bố của các công ty. Kết quả sử dụng phương pháp thống kê mô tả và phương pháp kiểm định t (thông qua phần mềm SPSS 20.0) đã chỉ ra sự khác biệt căn bản giữa các nhóm nhà đầu tư khi sử dụng các thông tin để phục vụ cho việc ra quyết định. Từ những kết quả đó, nhóm Tác giả đã đưa ra những khuyến nghị đối với một bộ phận nhà đầu tư về tầm quan trọng của thông tin tài chính và nên cân nhắc sử dụng trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. Từ khóa: báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư, tình hình tài chính. ABSTRACT This paper studies financial information and their role in presenting the financial position of listed companies and their necessity in supporting investors. In addition, we show the difference between the groups of investors in using this information before making investment decisions. Through the survey results of 430 individual investors in Vietnam, we have carried out the test to find out the difference between male and female investors; between investors have and have not accounting qualifications; between investors who have and have not worked at an auditing firm when using financial information of companies. The results of using descriptive statistics and t-testing (via SPSS 20.0 software) show the fundamental difference between groups of investors when using the information to make the decision. Based on study findings, we suggest solutions related to using financial information before making investment decisions. Keywords: financial statements, audit reports, listed companies, investors, financial situation. 1793
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 1. Giới thiệu Theo William (2000), thông tin tài chính liên quan đến một tổ chức kinh doanh đóng vai trò quan trọng đối với người dùng trong và ngoài tổ chức để nâng cao khả năng ra quyết định đầu tư một cách sáng suốt. Để có quyết định đúng đắn, nhà đầu tư cần được cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và có khả năng phân tích những thông tin đó (Vụ phát triển thị trường, 2020). Các thông tin cần được công khai trên các báo cáo định kỳ như Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán; Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét; Báo cáo tài chính quý/ BCTC quý đã được soát xét (nếu có); Báo cáo thường niên… những thông tin này cung cấp thông tin hữu ích cho các đối tượng quan tâm, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển hiệu quả và lành mạnh (Lê Hoàng Phúc, 2012) Mặc dù việc hiểu những thông tin là rất quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư nhưng mức độ sử dụng các báo cáo này đối với các nhà đầu tư không đồng đều, thậm chí là không đọc chúng trước khi ra quyết định đầu tư, điều này có thể gây rủi ro cho việc đảm bảo độ an toàn cho số vốn được đầu tư vào các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Do đó, nghiên cứu về các thông tin tài chính và sự khác biệt về mức độ sử dụng chúng của các nhà đầu tư là cần thiết nhằm giúp các nhà đầu tư có thể nhận thức rõ hơn về vai trò của những thông tin này đối với việc ra quyết định đầu tư của họ. Mục tiêu của bài viết này là hệ thống hóa các thông tin tài chính cần được công bố, vai trò của những thông tin này trong việc lột tả tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, nghiên cứu sẽ làm rõ sự khác biệt của các nhóm nhà đầu tư trong việc sử dụng các thông tin được các công ty niêm yết công bố trước khi ra các quyết định đầu tư. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, các nội dung được thiết kế nhằm trả lời hai câu hỏi sau đây: câu hỏi thứ nhất: Các thông tin tài chính cần được công bố bởi các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là những thông tin gì? và câu hỏi thứ hai: Có sự khác biệt về mức độ sử dụng các thông tin tài chính đã được các doanh nghiệp niêm yết công bố giữa nhà đầu tư nam và nhà đầu tư nữ; giữa nhà đầu tư có và nhà đầu tư không có bằng/chứng chỉ kế toán; giữa nhà đầu tư đã/đang làm việc ở công ty kiểm toán và nhà đầu tư chưa từng làm việc ở công ty kiểm toán trước khi đưa ra các quyết định đầu tư? 2. Cơ sở lý thuyết Tổng quan các công trình nghiên cứu Theo Elis & Thacker (1998), mục đích quan trọng nhất của báo cáo tài chính là để các nhà đầu tư có được thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp mà họ quan tâm. Tính hữu ích của báo cáo tài chính đối với nhà đầu tư là hỗ trợ họ đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc trả cổ tức và lãi vay khi đến hạn, trong khi đối với các nhà đầu tư tiềm năng, Báo cáo tài chính được công bố được sử dụng để quyết định loại/hình thức đầu tư mà nhà đầu tư sẽ thực hiện và đầu tư vào công ty nào. Theo Lunt (1999), mục tiêu của việc lập và trình bày báo cáo tài chính nhằm thỏa mãn nhu cầu tất yếu của những người sử dụng thông tin kế toán khác nhau. Báo cáo tài chính thể hiện khách quan tình hình kinh doanh và kinh tế của một doanh nghiệp, nếu chúng được các nhà đầu tư và những người quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng thì họ có thể đạt được một số mục tiêu kinh tế và tài chính nhất định. Abdulshakour (2020) đã sử dụng công cụ phân tích các dữ liệu thu thập được từ những người sử dụng thông tin tài chính để ra quyết định. Nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá các tác động của 1794
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 báo cáo tài chính về việc ra quyết định tài chính và mức độ được hưởng lợi từ chúng. Để xác định tầm quan trọng của thông tin tài chính đối với các tổ chức, tác giả đã chỉ ra rằng, báo cáo tài chính là một công cụ chính giúp cho người đọc nắm được tình hình tài chính của công ty, vì vậy chúng phải chính xác và đáng tin cậy trước khi được công bố bởi ban quản lý. Thiếu những thông tin quan trọng hoặc sự không chính xác của những thông tin đó sẽ làm cho sự tin tưởng vào các công ty của các nhà đầu tư giảm sút và không cho họ khả năng chuẩn đoán và đưa ra quyết định đúng đắn. Như vậy, các nghiên cứu về tầm quan trọng của các báo cáo chứa đựng các thông tin của các doanh nghiệp niêm yết đối với các quyết định của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào thực hiện đánh giá mức độ khác biệt trong việc sử dụng những thông tin đó giữa các nhà đầu tư trước khi đưa ra các quyết định có liên quan. Do đó, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sẽ tập trung làm rõ sự khác biệt của các nhà đầu tư khi sử dụng các thông tin tài chính. Các báo cáo phản ánh thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết Theo thông tư 96/2020/TT-BTC (Bộ Tài chính, 2020) về việc hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, các báo cáo quan trọng cần được công bố định kỳ và bất thường của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán bao gồm: Báo cáo tài chính năm được kiểm toán; Báo cáo tài chính bán niên được soát xét bởi kiểm toán độc lập; Báo cáo tài chính quí; Báo cáo thường niên; Báo cáo tình hình quản trị; Biên bản họp đại hội cổ đông; Thông tin bất thường trong 24 giờ; Thông tin theo yêu cầu; Báo cáo sát nhập (trong các nội dung của bài viết, các báo cáo trên được gọi tắt là các báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết). Báo cáo tài chính Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về: tài sản; nợ phải trả; vốn chủ sở hữu; doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác; lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; các luồng tiền. Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày Báo cáo tài chính. Công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính (Bộ Tài chính, 2020). Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét Là báo cáo tài chính giữa niên độ của các tổ chức, báo cáo tài chính giữa niên độ hợp nhất/báo cáo tài chính giữa niên độ được lập vào quý II của năm tài chính và được soát xét bởi tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận. Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày, kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính (Bộ Tài chính, 2020). Báo cáo tài chính quý/ BCTC quý đã được soát xét (nếu có) Là báo cáo tài chính được lập sau khi kết thúc mỗi quí của năm tài chính của các tổ chức, báo cáo tài chính quí được soát xét bởi tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận. 1795
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn công bố báo cáo tài chính quý được soát xét (nếu có) trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày, kể từ ngày kết thúc quý (Bộ Tài chính, 2020). Báo cáo thường niên Là báo cáo của các giám đốc công ty trước cổ đông, bản sao bản tổng kết tài sản của công ty, bản kết toán tóm tắt về tài chính và những thông tin khác mà theo luật, các giám đốc phải công khai hoá với cổ đông. Bản sao bản báo cáo hàng năm được gửi cho tất cả các cổ đông trước khi diễn ra đại hội cổ đông của công ty. Trong Báo cáo thường niên thường có những nội dung sau: Tóm lược về Công ty; Mục tiêu và Chiến lược phát triển; Báo cáo của Hội đồng Quản trị; Báo cáo của Ban Giám đốc; Báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán thuộc danh sách được UBCK Nhà nước chấp thuận; Bản giải trình báo cáo tài chính: Kiểm toán độc lập; Kiểm toán nội bộ; Các công ty con và công ty liên quan; Tổ chức và nhân sự; Thông tin về cổ đông và Quản trị công ty (Bộ Tài chính, 2020). Báo cáo tình hình quản trị công ty 06 tháng và năm Báo cáo trình bày thông tin về hoạt động của Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng quản trị; Ban Kiểm soát/ Ủy ban Kiểm toán; Ban Điều hành; Kế toán trưởng; Đào tạo về quản trị công ty. Ngoài ra, Báo cáo còn liệt kê danh sách về người có liên quan của công ty đại chúng và giao dịch của người có liên quan của công ty với chính Công ty; và Giao dịch cổ phiếu của người nội bộ và người liên quan của người nội bộ. Báo cáo này được yêu cầu lập và công bố 6 tháng và 1 năm 1 lần. Biên bản Họp Đại hội đồng cổ đông Đại hội đồng cổ đông họp thường niên mỗi năm một lần. Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể họp bất thường. Địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông phải ở trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tổ chức đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau thì địa điểm họp Đại hội đồng cổ đông được xác định là nơi chủ tọa tham dự họp (Quốc hội, 2014). Công bố thông tin bất thường 24 giờ Công ty niêm yết phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện quan trọng, có thể ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng thông tin. Các thông tin đó có thể là: Quyết định tăng, giảm vốn điều lệ; Quyết định góp vốn đầu tư vào một tổ chức, dự án, vay, cho vay hoặc các giao dịch khác với giá trị từ 10% trở lên trên tổng tài sản của công ty tại báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất đối với trường hợp công ty đại chúng là công ty mẹ); Quyết định góp vốn có giá trị từ 50% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức (xác định theo vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp trước thời điểm góp vốn) (Bộ Tài chính, 2020). Công bố thông tin theo yêu cầu Nội dung thông tin công bố theo yêu cầu phải nêu rõ sự kiện được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán yêu cầu công bố; nguyên nhân và đánh giá của công ty về tính xác thực của sự kiện đó, giải pháp khắc phục (nếu có) (Bộ Tài chính, 2020). Như vậy, các thông tin được công bố trong các tài liệu nêu trên có thể mô tả được đầy đủ bức tranh tài chính và thể hiện được những hoạt động quan trọng công ty niêm yết trên thị trường 1796
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 chứng khoán. Các thông tin này được công bố kịp thời theo yêu cầu có thể hỗ trợ rất tốt cho các nhà đầu tư nắm được thông tin từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. 3. Phương pháp nghiên cứu Quy trình nghiên cứu được thực hiện qua 3 giai đoạn: (1) xây dựng bảng hỏi, (2) khảo sát thử và (3) khảo sát chính thức nhằm thu thập thông tin về mức độ đọc các báo cáo trình bày các thông tin liên quan đến tình hình tài chính của các công ty niêm yết trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. Thu thập và xử lý dữ liệu Dựa trên các thông tin tài chính được các công ty niêm yết cung cấp theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Tác giả thực hiện thiết kế bảng khảo sát nhằm xem xét mức độ sử dụng những thông tin này của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nội dung Bảng hỏi được chia thành các phần chính sau đây: Phần 1: giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của nghiên cứu, cách thức trả lời và lời cảm ơn của Tác giả với những người tham gia trả lời Phiếu; Phần 2: gồm các câu hỏi về thông tin của người tham gia trả lời phiếu; Phần 3: liệt kê các báo cáo được cung cấp bởi các công ty niêm yết (theo yêu cầu của Bộ Tài chính), người tham gia khảo sát được yêu cầu lựa chọn phương án phù về mức độ đọc các báo cáo này theo 4 mức khác nhau (1. Hoàn toàn không đọc; 2. Không đọc hết; 3. Đọc nhanh; 4. Đọc kỹ). Kích thước mẫu cho cuộc khảo sát này cũng được xác định bằng công thức (1), với kích thước tổng thể là 3.566.455 nhà đầu tư cá nhân trong nước (số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước tính đến 08/2021 - Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, 2021) và phạm vi sai số là 5% (kết quả thu được có thể giải thích được 95% hiện tượng nghiên cứu), mẫu được xác định là 400. Qui mô mẫu khảo sát được xác định bằng công thức của Slovin (1960) như sau: N n=  (1) 1 + N. 2 xp Giải thích công thức: N: số đơn vị tổng thể chung n: số đơn vị tổng thể mẫu : phạm vi sai số (5%) (Trần Thị Kim Thu, 2012) Xử lý dữ liệu Sau khi phát phiếu điều tra thử, người được điều tra khá hài lòng về nội dung của bảng hỏi. Do đó, từ đầu tháng 5 đến hết tháng 8 năm 2021, Tác giả đã tiến hành gửi phiếu điều tra (bằng hình thức google form) đến 650 nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán (thông qua các công ty chứng khoán và các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp) và thu về trong tháng 9 năm 2021. Sau khi thu thập các Phiếu điều tra đã được trả lời từ các nhà đầu tư, Tác giả tiến hành đánh số thứ tự các phiếu thu thập được để tránh nhầm lẫn trong quá trình xử lý dữ liệu và thống kê các câu trả lời của KTV nhằm phục vụ cho mục đích phân tích. 650 bảng hỏi được phát đi thành hai lần và nhận được 430 phiếu trả lời từ các nhà đầu tư. Như vậy, mẫu được sử dụng để phân tích là 430 (lớn hơn cỡ mẫu kỳ vọng) với thông tin được trình bày trong Bảng 1. 1797
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Bảng 1: Thống kê mô tả mẫu khảo sát Đã từng làm việc tại công Giới tính Bằng/chứng chỉ kế toán ty kiểm toán Nam Nữ Có Không Có Không Số người 213 217 220 210 182 248 Tỉ lệ % 49,5% 50,5% 51,2% 48,8% 42,3% 57,7% Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả thống kê mô tả qua phần mềm SPSS 20 Phương pháp kiểm định t (với mức ý nghĩa 5%) được sử dụng để xem xét sự khác biệt giữa các nhóm nhà đầu tư khi sử dụng các báo cáo này trước khi ra quyết định đầu tư. Mặc dù mẫu nghiên cứu có thể không thỏa mãn điều kiện phân phối chuẩn, nhưng do cỡ mẫu của mỗi nhóm đều lớn hơn 30 nên thỏa mãn điều kiện để thực hiện kiểm định t (Weiss, 2012, trang 375; Anderson, Sweney và William, 2011, trang 362; Berenson, Levine và Krehbiel, 2012, trang 366). Kiểm định t hai mẫu sẽ được sử dụng để so sánh sự khác biệt giữa mức độ sử dụng các báo cáo của các công ty niêm yết trước khi ra quyết định đầu tư của các nhóm nhà đầu tư: (1) nhóm nhà đầu tư nam và nhóm nhà đầu tư nữ (với cặp giả thuyết Ho: không có sự khác biệt giữa các nhà đầu tư nam và nữ khi sử dụng các báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết; H1: có sự khác biệt giữa các nhà đầu tư nam và nữ khi sử dụng các báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết); (2) nhóm nhà đầu tư có và nhóm nhà đầu tư không có bằng/chứng chỉ kế toán (với cặp giả thuyết Ho: không có sự khác biệt giữa các nhà đầu tư có và không có bằng/chứng chỉ kế toán khi sử dụng các báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết; H1: có sự khác biệt giữa các nhà đầu tư có và không có bằng/chứng chỉ kế toán khi sử dụng các báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết); (3) nhóm nhà đầu tư đã/đang và chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán (với cặp giả thuyết Ho: không có sự khác biệt giữa các nhà đầu tư đã/đang và chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán khi sử dụng các báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết; H1: có sự khác biệt giữa các nhà đầu tư đã/đang và chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán khi sử dụng các báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết). 4. Kết quả nghiên cứu Sự khác biệt về mức độ sử dụng các báo cáo của các công ty niêm yết giữa nhóm nhà đầu tư nam và nhà đầu tư nữ Kết quả kiểm định t hai mẫu cho thấy, tồn tại sự khác biệt đáng kể giữa các nhà đầu tư nam và các nhà đầu tư nữ khi sử dụng 5/9 báo cáo của các công ty niêm yết trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. Khi sử dụng các báo cáo này, các nhà đầu tư nam có xu hướng đọc nhanh toàn bộ các báo cáo được công bố (mức điểm trung bình lớn hơn 3) trong khi các nhà đầu tư nữ thường không đọc hết những báo cáo đó. Bảng 2: Sự khác biệt về mức độ sử dụng các báo cáo của các công ty niêm yết giữa nhóm nhà đầu tư nam và nhà đầu tư nữ Giá trị trung bình Giá trị Ý nghĩa Các báo cáo được công bố bởi công ty STT tới hạn thống niêm yết Nữ Nam (t) kê (sig.) 1 Báo cáo tài chính năm được kiểm toán 2,89 3,35 -6,063 0,000 2 Báo cáo tài chính bán niên được soát xét 2,62 3,19 -7,373 0,000 3 Báo cáo thường niên 2,86 3,15 -3,716 0,000 4 BCTC quí đã được soát xét (nếu có) 2,80 3,01 -2,289 0,023 5 Báo cáo sát nhập công ty 2,47 2,95 -4,944 0,000 Nguồn: Kết quả kiểm định bằng phương pháp T Test hai mẫu 1798
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Sự khác biệt về mức độ sử dụng các báo cáo của các công ty niêm yết giữa nhóm nhà đầu tư có bằng/chứng chỉ kế toán và không có bằng/chứng chỉ kế toán Kết quả kiểm định t hai mẫu chỉ ra sự khác biệt giữa nhà đầu tư nhà đầu tư có bằng/chứng chỉ kế toán và không có bằng/chứng chỉ kế toán khi sử dụng 9/9 báo cáo của các công ty niêm yết trước khi đưa ra các quyết định đầu tư (Sig < 0,05 - Bảng 3). Các nhà đầu tư có bằng/chứng chỉ kế toán luôn đọc nhanh toàn bộ các báo cáo được công khai bởi các công ty niêm yết (giá trị trung bình của các lựa chọn về mức độ sử dụng báo cáo lớn hơn 3 – Bảng 3) trong khi các nhà đầu tư nữa chỉ đọc nhanh Báo cáo tài chính năm được kiểm toán của các công ty niêm yết (Mean = 3.01) trong khi không đọc hết 8/9 loại báo cáo còn lại (2 < Mean < 3, Bảng 3). Bảng 3: Sự khác biệt về mức độ sử dụng các báo cáo của các công ty niêm yết giữa nhóm nhà đầu tư có bằng/chứng chỉ kế toán và không có bằng/chứng chỉ kế toán Giá trị trung bình Giá trị Ý nghĩa Các báo cáo được công bố bởi công STT tới hạn thống kê ty niêm yết Có Không có (t) (sig.) 1 Báo cáo tài chính năm được kiểm toán 3.22 3.01 2.616 .009 2 Báo cáo tài chính bán niên được soát xét 3.13 2.67 5.941 .000 3 Báo cáo tài chính quí 3.13 2.67 5.116 .000 4 Báo cáo thường niên 3.17 2.82 4.645 .000 5 Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 3.13 2.13 10.242 .000 tháng và năm 6 Biên bản họp đại hội đồng cổ đông 3.30 2.80 5.658 .000 7 Công bố thông tin bất thường 24 giờ (trong vòng 24 h, kể từ khi xảy ra sự 3.24 2.93 3.346 0,001 kiện) 8 Công bố thông tin theo yêu cầu (trong vòng 24 h, kể từ khi nhận được yêu cầu 3.39 2.23 11.045 .000 của UBCKNN) 9 Báo cáo sát nhập công ty 3.12 2.28 9.024 .000 Nguồn: Kết quả kiểm định bằng phương pháp T Test hai mẫu Sự khác biệt về mức độ sử dụng các báo cáo của các công ty niêm yết giữa nhóm nhà đầu tư đã/đang làm việc tại công ty kiểm toán và chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán Mức độ đọc 9/9 báo cáo của các công ty niêm yết công bố theo qui định hiện hành của các nhà đầu tư đã/đang làm việc tại công ty kiểm toán và chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán khác nhau hoàn toàn (sig. < 0,05, Bảng 4). Trong khi các nhà đầu tư chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán không đọc hết các báo cáo thông tin về tình hình tài chính của các công ty niêm yết (Mean 3) và có xu hướng đọc kỹ Biên bản họp đại hội đồng cổ đông (Mean = 3,54). 1799
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Bảng 4: Sự khác biệt về mức độ sử dụng các báo cáo của các công ty niêm yết giữa nhóm nhà đầu tư đã/đang làm việc tại công ty kiểm toán và chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán Giá trị trung bình Đã/đang Chưa từng Giá trị Ý nghĩa Các báo cáo được công bố bởi công ty STT làm việc làm việc tại tới hạn thống kê niêm yết tại công ty công ty (t) (sig.) kiểm toán kiểm toán 1 Báo cáo tài chính năm được kiểm toán 3.39 2.92 5.868 0,000 2 Báo cáo tài chính bán niên được soát xét 3.30 2.61 8.695 0,000 3 Báo cáo tài chính quí 3.30 2.61 7.760 0,000 4 Báo cáo thường niên 3.37 2.73 8.485 0,000 5 Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng 3.37 2.11 14.169 0,000 và năm 6 Biên bản họp đại hội đồng cổ đông 3.54 2.71 10.046 0,000 7 Công bố thông tin bất thường 24 giờ 3.43 2.84 6.630 0,000 (trong vòng 24 h, kể từ khi xảy ra sự kiện) 8 Công bố thông tin theo yêu cầu (trong vòng 24 h, kể từ khi nhận được yêu cầu 3.61 2.25 14.400 0,000 của UBCKNN) 9 Báo cáo sát nhập công ty 3.27 2.29 11.092 0,000 Nguồn: Kết quả kiểm định bằng phương pháp T Test hai mẫu 5. Kết luận Kết quả khảo sát đánh giá mức độ sử dụng các báo cáo được công bố bởi các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy các nhà đầu tư nam thận trọng hơn các nhà đầu tư nữ trong việc đọc Báo cáo tài chính năm được kiểm toán; Báo cáo tài chính bán niên được soát xét và Báo cáo sát nhập công ty trước khi ra quyết định đầu tư. Thêm vào đó, các nhà đầu tư có hiểu biết sâu về lĩnh vực kế toán (có bằng/chứng chỉ kế toán) sử dụng đầy đủ 9 báo cáo được cung cấp bởi các công ty niêm yết bằng cách đọc nhanh, và các nhà đầu tư không có bằng/chứng chỉ kiểm toán thì không quá coi trọng toàn bộ các nội dung này. Cũng tương đồng với kết quả kiểm định thứ hai, các nhà đầu tư đã/đang làm việc tại các công ty kiểm toán coi trọng toàn bộ các thông tin được công bố bởi các công ty niêm yết. Điều này khác biệt hoàn toàn so với các nhà đầu tư chưa từng làm việc tại công ty kiểm toán. Xét trên góc độ thực tế, các nhà đầu tư có bằng/chứng chỉ kiểm toán hay đã từng làm việc tại công ty kiểm toán có những hiểu biết sâu về các thông tin tài chính, cách thức hình thành thông tin tài chính và vai trò của kiểm toán trong việc xác nhận mức độ phù hợp của thông tin được công bố. Hơn nữa, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra vai trò của hàng loạt các báo cáo mà các công ty niêm yết công bố theo qui định của pháp luật hiện hành đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người sử dụng thông tin có thể nắm được các thông tin về tình hình tài chính và hoạt động của các công ty niêm yết. Vì vậy, để có thể giảm thiểu rủi ro trước khi ra các quyết định đầu tư, các nhà đầu tư nên thận trọng xem xét/ đọc các báo đó một cách kỹ lưỡng và đầy đủ. Điều này hoàn toàn phù hợp với các khuyến cáo của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thông qua các nghiên cứu của 1800
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 họ (Suh, 2017; Abdulshakour, 2020; Berthilde và Rusibana, 2020;…) Hạn chế của nghiên cứu Do giới hạn về thời gian và nguồn lực nên Tác giả chưa thực hiện nghiên cứu trên mẫu kiểm toán có khả năng giải quyết vấn đề nghiên cứu ở mức độ tốt hơn. Đồng thời, mẫu kiểm toán có thể chưa thực sự khách quan vì ở cuộc khảo sát, Tác giả thực hiện chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên thuận tiện dựa vào mối quan hệ của Tác giả, bạn bè và các đồng nghiệp với các đối tượng tham gia khảo sát. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Abdulshakour (2020), Impact of Financial Statements on Financial Decision-Making, Open Science Journal 5(2), p1-31Anderson, D., Sweney, D. & William, T. (2011), Essentials of Statistics for Business and Economics, 6th edition, South-Western, USA. [2] Berenson, M., Levine, D. & Krehbiel, T. (2012), Basis Business Statistics: Concepts and Applications, 12th edition, Prentice Hall, USA. [3] Berthilde và Rusibana (2020), Financial Statement Analysis and Investment Decision Making in Commercial Banks: A Case of Bank of Kigali, Rwanda, Journal of Financial Risk Management, 2020, 9, p355-376. [4] Bộ Tài chính (2020), thông tư 96/2020/TT-BTC về việc hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. [5] Ellis, L. O. và Thacker, K. I. (1998). Intermediate accounting (5th ed). London: Crew Hills Inc. [6] Lunt, J. (1999). The Arab region (1st ed). London: Constable and Co. Publishers. [7] Quốc hội (2014), Luật doanh nghiệp 2014. [8] Lê Hoàng Phúc (2012), Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thông tin tài chính của Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, https://www.sav.gov.vn/SMPT_Publishing_UC/TinTuc/PrintTL.aspx?idb=2&ItemID=16 33&l=/noidung/tintuc/Lists/Nghiencuutraodoi) truy cập ngày 10/5/2021. [9] Suh C. (2017), The role of financial statement in the investment decisions of a micro finance institution (mfi), Thesis, Centria University of Applied Sciences. [10] Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam – VSD (2021), Thống kê số lượng các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán. [11] Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (2020), Vấn đề công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam, https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/van-de- cong-bo-thong-tin-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-322250.html truy cập ngày 10/4/2021. [12] Weiss, N. (2012), Elementary Statistics, 8th edition, Pearson Education, USA. [13] William, R. L. (2000), Practical financial management (2nd ed), Western College Publishers. 1801
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2