Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009<br />
<br />
Kĩ thuật – Công nghệ<br />
<br />
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN<br />
CỦA CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ VIỆT NAM<br />
Lê Thế Giới (Đại học Đà Nẵng)<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Sau gần hai thập kỷ phát triển nhanh chóng nhờ vào chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài<br />
và hướng về xuất khẩu, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Tuy<br />
vậy, khi bước sang một giai đoạn mới, Việt Nam cần xây dựng một nền công nghiệp có khả năng<br />
cạnh tranh mạnh và tham gia vào phân công lao động quốc tế, cần thu hút thêm đầu tư nước<br />
ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp có giá trị cao. Muốn làm<br />
được điều này, một trong các điều kiện tiên quyết là phải có một nền công nghiệp hỗ trợ (CNHT)<br />
phát triển, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong nước.<br />
Từ kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển CNHT, tác giả trình bày các mô hình<br />
phát triển CNHT trên thế giới. Qua đó, các điều kiện, yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự hình<br />
thành và phát triển của các ngành CNHT của quốc gia ở cấp độ vùng sẽ được nhận diện, phân<br />
tích trên quan điểm lý thuyết về lợi thế cạnh tranh vùng và hệ sinh thái kinh doanh.<br />
2. Các mô hình phát triển công nghiệp hỗ trợ thế giới<br />
Ngành công nghiệp bổ trợ bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ<br />
công nghiệp, cung ứng các yếu tố đầu vào trung gian (linh kiện, phụ tùng, công cụ, nguyên vật<br />
liệu đã qua chế biến, dịch vụ sản xuất) cho các ngành công nghiệp lắp ráp, chế tạo và chế biến.<br />
2.1. Mô hình công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự phát<br />
Ở một số quốc gia đã công nghiệp hóa sớm như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, các doanh nghiệp<br />
tham gia vào quá trình cung cấp diễn ra một cách tự phát và hình thành nên hệ thống các ngành<br />
công nghiệp hỗ trợ. Việc hình thành các mạng lưới cung ứng và các doanh nghiệp hỗ trợ xuất<br />
phát trực tiếp từ nhu cầu và điều kiện của nền kinh tế, được “dẫn dắt” bởi “bàn tay vô hình” của<br />
thị trường, ít có sự tham gia và điều tiết của chính phủ.<br />
Quá trình hình thành các ngành CNHT ở các quốc gia này diễn ra tuần tự, theo sự phát<br />
triển của các ngành công nghiệp then chốt. Giai đoạn đầu tiên, với đặc điểm của nền công nghiệp<br />
thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các doanh nghiệp chủ yếu phát triển theo mô hình tập đoàn lớn,<br />
đảm nhận hầu hết các hoạt động trong một chu trình sản xuất sản phẩm. Chiến lược mà các tập<br />
đoàn này áp dụng là tăng cường lợi thế về quy mô và năng lực sản xuất tập trung, sử dụng mô<br />
hình “in-house” nhằm tạo ra các sản phẩm có giá thành rẻ và chất lượng cạnh tranh. Điển hình là<br />
các công ty ôtô như Ford, GM hay các công ty sản xuất máy tính và thiết bị điện tử như IBM và<br />
AT&T. Với đặc điểm sản xuất như vậy, việc hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ khá lâu dài và<br />
không tạo thành một khu vực sản xuất độc lập trong nền kinh tế.<br />
Chuyển sang nửa cuối của thế kỷ 20, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các ngành<br />
công nghiệp, các áp lực về chuyên môn hóa và chi phí làm cho các doanh nghiệp lớn phải xem<br />
xét lại các chiến lược kinh doanh. Với sự phát triển của các quốc gia mới nổi và các nền kinh tế<br />
khác, đặc biệt là ở châu Á và châu Mỹ La tinh, các doanh nghiệp lớn chuyển dần sang mô hình<br />
sản xuất mô-đun, xu hướng giảm quy mô (downsizing) và chuyển sang thuê ngoài (out-sourcing)<br />
nhằm tiết kiệm chi phí, gia tăng tính linh hoạt của tổ chức và tăng cường sức mạnh cạnh tranh.<br />
Kết quả tất yếu của xu hướng này là việc hình thành thị trường tổ chức (B2B-business to<br />
business) đóng vai các nhà thầu phụ và nhà cung cấp hoạt động theo sự điều tiết của các quy<br />
<br />
1<br />
<br />
Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009<br />
<br />
Kĩ thuật – Công nghệ<br />
<br />
luật thị trường. Mặt khác, các chính phủ theo trường phái tự do hạn chế tới mức tối đa sự can<br />
thiệp vào thị trường. Vì vậy, sự hình thành và phát triển của CNHT chỉ tập trung vào một số<br />
ngành (điện tử, cơ khí) hoặc một số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).<br />
Mô hình phát triển tự phát này chỉ tồn tại trong một số điều kiện nhất định ở thời kì đầu<br />
của công nghiệp hóa. Khởi đầu, với đặc điểm là các nước tiến hành công nghiệp hóa đầu tiên<br />
trên thế giới, họ không có nhiều các mô hình đi trước để học hỏi và tham khảo. Việc quản lý<br />
công nghiệp chủ yếu được xem xét trên lợi thế so sánh quốc gia, thực hiện các chiến lược về tập<br />
trung hóa theo ngành để đạt được lợi thế cạnh tranh. Thêm vào đó, với đặc điểm về công nghệ,<br />
năng lực sản xuất và quản lý thời kì đó cũng không cho phép sự liên kết sâu rộng trong quá trình<br />
sản xuất. Đồng thời, các chính phủ, với niềm tin vào sự điều tiết của thị trường, đã để cho các<br />
doanh nghiệp hỗ trợ phát triển tự phát, không có những can thiệp sâu vào quá trình này. Chính<br />
điều này tạo ra một nền CNHT vận hành tương đối nhịp nhàng theo nhu cầu thị trường.<br />
Ngày nay, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách tự phát không đem lại hiệu quả<br />
mong muốn. Các quốc gia đến sau phải tiến hành công nghiệp hóa trong thời gian ngắn, không<br />
có điều kiện để chờ “thị trường tự điều chỉnh” như trong quá khứ. Với áp lực cạnh tranh toàn<br />
cầu, nếu không có những tác động tích cực từ phía chính phủ, các quốc gia có thể đánh mất khả<br />
năng tham gia vào chuỗi phân công lao động quốc tế.<br />
2.2. Mô hình công nghiệp hỗ trợ dựa trên chiến lược kéo<br />
Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo mô hình này được khởi xướng đầu tiên ở các nước<br />
phát triển thuộc thế hệ thứ 2 như Nhật Bản. Với nhận thức các yêu cầu và thách thức trong cạnh<br />
tranh toàn cầu, Nhật Bản đã cố gắng xây dựng một nền công nghiệp mạnh dựa trên cấu trúc tích<br />
hợp. Bằng việc sử dụng các chính sách thúc đẩy thị trường các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào<br />
quá trình sản xuất linh phụ kiện và trở thành các đối tác lâu dài của các doanh nghiệp lớn, Nhật<br />
Bản đã tạo nên một nền công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ, bộ đệm của nền sản xuất công nghiệp chất<br />
lượng cao trong quá trình cạnh tranh toàn cầu.<br />
Sau chiến tranh thế giới thứ II, hệ thống công nghiệp trong nước bị tàn phá nặng nề,<br />
chính phủ Nhật Bản đã sử dụng hàng loạt các chính sách điều tiết từ vĩ mô đến các chương trình<br />
kích thích nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp thầu phụ và<br />
khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung cấp linh kiện cho các<br />
nhà sản xuất chính trong nước. Dưới góc nhìn tổng quát, đây là việc sử dụng các khuyến khích<br />
để các doanh nghiệp lớn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước, tạo ra một thị trường lành mạnh<br />
và có lợi cho các nhà cung cấp, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào CNHT.<br />
Đầu tiên, Nhật Bản sử dụng chiến lược hỗ trợ và giảm giá đồng Yên. Trong một thời gian<br />
dài từ những năm 60 - 80 của thế kỷ XX, chiến lược này đã phát huy tác dụng rất tốt cho tổng thể<br />
nền kinh kế, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ. Với việc đồng Yên được định giá thấp hơn, các linh<br />
phụ kiện khi mua của các doanh nghiệp trong nước sẽ có chi phí thấp hơn so với mua ở nước<br />
ngoài. Các công ty đa quốc gia (MNC) với thị trường chính là xuất khẩu sẽ có lợi lớn khi thực<br />
hiện các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp trong nước, mua linh kiện với giá rẻ và bán ra<br />
nước ngoài với giá cao. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp lớn tìm kiếm các đối tác trong<br />
nước, tạo ra một thị trường cung cấp linh phụ kiện hấp dẫn. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành<br />
nhiều chính sách để bảo vệ và thúc đẩy các SME tham gia vào khu vực thị trường này. Điển hình<br />
là Luật về hợp tác với các SME năm 1949 hay Luật xúc tiến doanh nghiệp thầu phụ vừa và nhỏ<br />
năm 1970. Ngoài ra, hàng loạt các cơ quan và các chương trình của chính phủ được lập ra để<br />
<br />
2<br />
<br />
Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009<br />
<br />
Kĩ thuật – Công nghệ<br />
<br />
thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn và các nhà cung cấp nhỏ như hỗ trợ về thông tin,<br />
hỗ trợ về nhân lực hay phương pháp quản lý,... Các chính sách trên đã thực sự phát huy tác dụng<br />
và tạo ra một hệ thống liên kết các doanh nghiệp công nghiệp Nhật Bản cho đến những năm<br />
1980, khi đồng Yên bắt đầu được thả nổi và tăng giá trên thị trường. Hiện nay, để đối phó với chi<br />
phí sản xuất cao trong nước, các doanh nghiệp đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài để chuyển<br />
các hoạt động sản xuất ra nước ngoài, trong đó có sản xuất linh phụ kiện.<br />
Chiến lược kéo được thực hiện thành công tại Nhật Bản do nhiều nguyên nhân, từ điều<br />
kiện thực tế của đất nước đến sự phối hợp và điều hành rất tốt các chiến lược phát triển công<br />
nghiệp. Các chính sách phát triển công nghiệp nội địa phục vụ xuất khẩu cũng không gây ra các<br />
trở ngại đáng kể trong quan hệ kinh tế quốc tế (mặc dù cũng gây ra khá nhiều xung đột thương<br />
mại với Mỹ). Ngoài ra, phải kể đến sự phối hợp và điều hành rất hiệu quả của chính phủ và các<br />
cơ quan chức năng trong việc xây dựng và thực thi các chiến lược công nghiệp quốc gia. Kinh<br />
nghiệm về việc sử dụng chiến lược kéo này đã được một số nước học tập như Đài Loan, Thái Lan.<br />
2.3. Mô hình công nghiệp hỗ trợ dựa trên chiến lược đẩy<br />
Điển hình của việc thực hiện chiến lược đẩy là Hàn Quốc. Quốc gia này, với nhận thức<br />
các điều kiện kinh tế xã hội đặc trưng trong điều kiện cạnh tranh quốc tế gay gắt (với đối thủ là<br />
Nhật Bản) đã thực hiện một số các chính sách quyết liệt để thúc đẩy công nghiệp trong nước, đặc<br />
biệt là CNHT. Ngược với cách thức của Nhật Bản, xây dựng các điều kiện cho sự phát triển tự<br />
nhiên của thị trường cung cấp linh phụ kiện và sau đó sử dụng lực hút của thị trường để kéo các<br />
doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các hoạt động CNHT, chính phủ Hàn Quốc sử dụng các<br />
biện pháp thiên về chính sách bắt buộc, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn trong nước phải thực hiện<br />
các liên kết với các doanh nghiệp nhỏ, các nhà cung cấp trong nước.<br />
Điểm rõ nét nhất của chiến lược này là các quy định về nội địa hóa. Với việc quy định<br />
chặt chẽ các điều khoản về nội địa hóa, các tập đoàn kinh tế lớn và các công ty nước ngoài phải<br />
thực hiện việc chuyển giao công nghệ sản xuất linh phụ kiện cho các công ty liên doanh trong<br />
nước và các SME. Hàn Quốc đã triển khai hai chương trình 5 năm về nội địa hóa từ năm 1987 1996. Theo chương trình này, có khoảng 7000 linh phụ kiện được chỉ định phải nội địa hóa.<br />
Chiến lược đẩy của Hàn Quốc và Đài Loan áp dụng cũng phát huy tác dụng nhưng không<br />
hoàn toàn. Hàn Quốc đã thành công với chiến lược này với ngành công nghiệp ôtô, tuy nhiên lại<br />
không thành công trong công nghiệp điện và điện tử. Ngày nay, các điều kiện để có thể thực hiện<br />
được chiến lược đẩy cũng đã trở nên khó khăn hơn do các điều khoản về mở cửa thị trường, mậu<br />
dịch tự do của các hiệp định thương mại quốc tế. Các nước vẫn có thể sử dụng các chính sách<br />
này thông qua các giải pháp phi thuế, hỗ trợ vốn vay hoặc kĩ thuật.<br />
2.4. Mô hình công nghiệp hỗ trợ tổng hợp<br />
Cả hai chiến lược, chiến lược kéo với việc sử dụng các chính sách “mềm” và chiến lược<br />
đẩy, sử dụng các chính sách “cứng”, có các ưu và nhược điểm và chỉ thành công trong một số<br />
điều kiện nhất định của nền kinh tế cũng như bối cảnh thế giới. Các quốc gia không sử dụng<br />
thuần túy một chiến lược kéo hay đẩy mà phối hợp các chính sách này để có được hiệu quả cao<br />
nhất, hạn chế được những tiêu cực trong quá trình phát triển công nghiệp, điển hình là Đài Loan,<br />
Malaysia và Thái Lan.<br />
Các quốc gia đến sau, nhận thức được vị thế và điều kiện cạnh tranh của mình cùng với<br />
kinh nghiệm của các nước khác đã xây dựng cho mình những chiến lược phát triển công nghiệp<br />
<br />
3<br />
<br />
Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009<br />
<br />
Kĩ thuật – Công nghệ<br />
<br />
hỗ trợ linh hoạt và mềm dẻo hơn. Chiến lược này tập trung vào: (1) tạo dựng các điều kiện thị<br />
trường như kêu gọi đầu tư nước ngoài vào khu vực lắp ráp, tạo ra các lợi thế về chi phí để thu<br />
hút và thúc đẩy các MNC tìm kiếm các đối tác trong nước, (2) xây dựng các điều kiện để phát<br />
triển các SME và (3) thiết lập các hỗ trợ về thông tin, nguồn nhân lực, pháp lý cho việc hình<br />
thành và phát triển các liên kết kinh doanh và thị trường linh phụ kiện.<br />
3. Các điều kiện cần thiết để phát triển CNHT<br />
Trên cơ sở những phân tích về con đường phát triển CNHT thế giới và các kinh nghiệm<br />
trong việc xây dựng một nền CNHT vững mạnh, chúng ta có thể rút ra một số các điều kiện tiên<br />
quyết cho sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Những điều kiện này bao gồm các<br />
điều kiện hạ tầng nền công nghiệp (khả năng cung ứng của thị trường đầu vào), các điều kiện về<br />
nhu cầu thị trường, môi trường và các thể chế hỗ trợ cho sự phát triển của các ngành này.<br />
3.1. Điều kiện hạ tầng nền công nghiệp<br />
a. Cơ cấu công nghiệp<br />
Điều kiện đầu tiên về hạ tầng công nghiệp cho sự phát triển của CNHT Việt Nam là việc<br />
hình thành một cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại với sự xuất hiện của các ngành công<br />
nghiệp chính. Hiện nay, công nghiệp nước ta đang mất cân đối về cơ cấu giữa công nghiệp cơ<br />
khí, lắp ráp và chế biến đã gây ra những khó khăn khi phát triển CNHT bởi vì khá nhiều các hoạt<br />
động CNHT được hình thành trên cơ sở phát triển chung của các ngành công nghiệp này. Sự yếu<br />
kém của ngành công nghiệp luyện kim - điều kiện cần cho công nghiệp cơ khí - đã gây ra những<br />
trở ngại đáng kể cho công nghiệp cơ khí, do đó dẫn đến những hạn chế về khả năng phát triển<br />
của các ngành sản xuất phụ kiện máy móc cho công nghiệp lắp ráp ôtô, xe máy. Thêm vào đó,<br />
nước ta đang cân đối giữa khu vực thượng nguồn (sản xuất và cung ứng các nguyên vật liệu chủ<br />
chốt như sắt, thép, nhựa, hóa chất, cao su,...) và hạ nguồn (công nghiệp chế biến, chế tạo và lắp ráp<br />
như xe máy, ôtô, điện, điện tử,..) làm hạn chế khả năng phát triển các ngành CNHT.<br />
b. Các hoạt động công nghiệp cơ bản<br />
Điều kiện thứ hai đối với hạ tầng công nghiệp là sự phát triển của một số hoạt động công<br />
nghiệp cơ bản. Những hoạt động công nghiệp cơ bản như luyện kim, cao su, hóa chất, nhựa, mạ,<br />
đúc,... có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành và phát triển CNHT, nhưng đối với Việt Nam, các<br />
ngành này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển CNHT do sự hạn chế về nguồn lực, công<br />
nghệ và nhân lực.<br />
c. Năng lực sản xuất và tham gia phân công lao động quốc tế<br />
Các quốc gia với nền công nghiệp có năng lực sản xuất dồi dào (vốn, công nghệ, nhân lực<br />
và trình độ quản lý), tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế sẽ có điều kiện thuận lợi<br />
để phát triển các ngành CNHT. Ngược lại, nếu một quốc gia không tự tăng cường năng lực sản<br />
xuất, tạo dựng lợi thế về chi phí hoặc công nghệ để có thể thu hút các MNC thì sẽ rất khó khăn<br />
trong việc xây dựng CNHT. Trong điều kiện cạnh tranh quốc tế, dưới áp lực về tối thiểu hóa chi<br />
phí và tăng cường năng lực cạnh tranh, các MNC sẽ tìm kiếm các quốc gia có được các lợi thế và<br />
các điều kiện sẵn sàng tốt nhất để đầu tư. Đặc biệt, năng lực sản xuất của các SME là một trong<br />
những điều kiện then chốt cho sự phát triển của CNHT. Sự phát triển công nghiệp của Đài Loan,<br />
Malaysia và Trung Quốc là bằng chứng thuyết phục cho điều này.<br />
3.2. Điều kiện thị trường<br />
<br />
4<br />
<br />
Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Số 1(49)/năm 2009<br />
<br />
Kĩ thuật – Công nghệ<br />
<br />
Song song với các điều kiện về hạ tầng công nghiệp, sự hình thành một thị trường “các<br />
hoạt động hỗ trợ” là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của CNHT. Các điều kiện về thị<br />
trường bao gồm: nhu cầu thị trường hàng hóa trung gian, khả năng liên kết của các doanh nghiệp<br />
trong nền kinh tế và các lợi thế thị trường cho lựa chọn chiến lược của các doanh nghiệp.<br />
a. Nhu cầu thị trường linh phụ kiện<br />
Một trong những điều kiện cơ bản để hình thành CNHT là sự xuất hiện nhu cầu về các<br />
sản phẩm và hàng hóa trung gian - thị trường các hoạt động hỗ trợ. Nhu cầu này được hình thành<br />
khi có các doanh nghiệp lớn hoạt động trong khu vực hạ nguồn như các doanh nghiệp sản xuất,<br />
chế tạo và lắp ráp. Các doanh nghiệp nước ngoài hợp lý hóa hoạt động kinh doanh bằng cách<br />
chọn các khu vực sản xuất có lợi thế về chi phí hoặc công nghệ thường có nhu cầu sử dụng các<br />
nguồn lực sẵn có và tại chỗ. Đây sẽ là thị trường lớn cho các doanh nghiệp hỗ trợ địa phương.<br />
Tuy nhiên, thị trường các hàng hóa trung gian này phải đảm bảo các yêu cầu về quy mô,<br />
điều kiện công nghệ và tập quán kinh doanh. Quy mô thị trường phải đủ lớn và ổn định để lôi<br />
kéo các doanh nghiệp tham gia vào khu vực cung ứng; không có sự chênh lệch quá lớn về công<br />
nghệ giữa các doanh nghiệp chế tạo, lắp ráp và khả năng cung ứng của các SME địa phương.<br />
Ngoài ra, quy mô thị trường linh phụ kiện phụ thuộc nhiều vào quy mô hoạt động của các<br />
doanh nghiệp hạ nguồn. Nếu các MNC thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường nội địa với<br />
quy mô nhỏ, thì khả năng phát triển CNHT sẽ có giới hạn. Các doanh nghiệp này sẽ không quá<br />
mặn mà với việc tập trung chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới thầu phụ và các nhà<br />
cung cấp linh kiện, mà chỉ tập trung vào khai thác và tận dụng các điều kiện sẵn có. Đây chính là<br />
bài học của công nghiệp ôtô Việt Nam.<br />
b. Khả năng liên kết<br />
Điều kiện thứ hai về mặt thị trường là khả năng hình thành các liên kết lâu dài giữa các<br />
MNC và các SME. Những đặc điểm của các thị trường mới nổi như là sự chênh lệch khá lớn về<br />
công nghệ và khả năng quản lý, sự hạn chế về thông tin, pháp luật và các rào cản đến từ văn hóa<br />
và tập quán kinh doanh khác biệt sẽ là những trở ngại cho việc thiết lập các quan hệ liên kết lâu<br />
dài. Nếu các liên kết không được đảm bảo lâu dài giữa các MNC và các SME, thì khả năng lôi<br />
kéo SME vào hoạt động hỗ trợ sẽ rất khó khăn. Mặt khác, điều này cũng sẽ hạn chế việc chọn<br />
lựa đối tác của các MNC.<br />
c. Điều kiện về lợi thế so sánh<br />
Đây là điều kiện có vai trò tạo dựng các động cơ để các nhà chế tạo và lắp ráp thực hiện<br />
các chiến lược nội địa hóa và thuê mua ngoài. Động cơ cơ bản nhất để các MNC chọn lựa các<br />
chiến lược này sẽ là các lợi thế so sánh về chi phí, công nghệ và quy trình mà chiến lược sử dụng<br />
nội địa hóa và thuê mua bên ngoài có thể mang lại. Nếu trong điều kiện chi phí cho việc thuê<br />
mua từ các doanh nghiệp tại chỗ có lợi thế hơn việc tự sản xuất hay thuê mua từ nước ngoài thì<br />
đây sẽ là động lực để các nhà sản xuất tiến hành các hoạt động chuyển giao công nghệ, ký kết<br />
hợp tác kinh doanh, tìm kiếm đối tác. Ngoài ra, nếu việc sử dụng các doanh nghiệp tại chỗ sẽ có<br />
lợi từ việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình và công nghệ sản xuất thì đây<br />
cũng là động cơ để các doanh nghiệp chế biến, lắp ráp tham gia vào thị trường sản phẩm hỗ trợ,<br />
đặc biệt, các doanh nghiệp trong các ngành da, dệt may, hóa chất, đóng tàu thường rất quan tâm<br />
đến các lợi thế về công nghệ và quy trình.<br />
3.3. Điều kiện về thể chế và môi trường<br />
<br />
5<br />
<br />