intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cam kết về dịch vụ phân phối của Việt Nam tại các Hiệp định CPTPP và EVFTA trong so sánh với pháp luật Việt Nam

Chia sẻ: ViLichae ViLichae | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

75
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Dịch vụ phân phối là một trong những nội dung quan trọng trong các cam kết mở cửa thị trường thương mại của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Những cam kết trong lĩnh vực dịch vụ phân phối có tác động quan trọng đến sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động phân phối hàng hóa trên lãnh thổ quốc gia. Bài viết sẽ nêu ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật theo hướng bảo đảm sự phù hợp và tận dụng một cách hiệu quả các bảo lưu của Việt Nam về dịch vụ phân phối trong các hiệp định này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cam kết về dịch vụ phân phối của Việt Nam tại các Hiệp định CPTPP và EVFTA trong so sánh với pháp luật Việt Nam

  1. 8. Tú Linh (2018), 03 thách thức khi thực hiện các hoạt động CSR tại Việt Nam, Thời báo Di n đàn Doanh nghiệp, https://enternews.vn/03-thach-thuc-khi-thuc-hien-cac-hoat- dong-csr-tai-viet-nam-126527.html, ngày truy cập 9/12/2019 9. Phạm Ngọc Thanh (2018), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Công ty tư vấn Inlen, https://inlen.vn/vi/trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep.html, ngày truy cập: 16/1/2019 10. Lê Quan Thuận (2019), Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam, Viện chiến lược và Chính sách tài chính, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-va- tac-dong-doi-voi-kinh-te-viet-nam-309171.html, ngày truy cập 12/12/2019 11. Trung tâm WTO - VCCI, Hội nhập TPP và thực hành trách nhiệm xã hội, http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/8318-hoi-nhap-tpp-va-thuc-hanh-trach-nhiem-xa-hoi, ngày truy cập 15/12/2019 12. Trung tâm WTO – VCCI, HIệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Tóm tắt chương 13 – Thương mại và Phát triển bền vững, http://www.trungtamwto.vn, ngày truy cập 10/12/2019 CAM KẾT VỀ DỊCH VỤ PHÂN PHỐI CỦA VIỆT NAM TẠI CÁC HIỆP ĐỊNH CPTPP VÀ EVFTA TRONG SO SÁNH VỚI PHÁP LUẬT VIỆT NAM PGS, TS. Trần Thị Thu Phƣơng Trƣờng Đại học Thƣơng mại Tóm lược: Dịch vụ phân phối là một trong những nội dung quan trọng trong các cam kết mở cửa thị trường thương mại của các quốc gia, vùng lãnh thổ. Những cam kết trong lĩnh vực dịch vụ phân phối có tác động quan trọng đến sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động phân phối hàng hóa trên lãnh thổ quốc gia. Với việc Việt Nam vừa ký kết hai Hiệp định thương mại tự do quan trọng là CPTPP (đã phát sinh hiệu lực đối với Việt Nam) và EVFTA (chưa phát sinh hiệu lực đối với Việt Nam), bài viết đi sâu vào phân tích một cách hệ thống các cam kết về dịch vụ phân phối của Việt Nam trong hai hiệp định này và so sánh với qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành để đánh giá sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với các cam kết đó. Sau khi nhận diện được những điểm phù hợp và chưa phù hợp của pháp luật Việt Nam, bài viết sẽ nêu ra một số đề xuất hoàn thiện pháp luật theo hướng bảo đảm sự phù hợp và tận dụng một cách hiệu quả các bảo lưu của Việt Nam về dịch vụ phân phối trong các hiệp định này. Từ khóa: Dịch vụ phân phối, CPTPP, EVFTA, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. 991
  2. 1. Đặt vấn đề Dịch vụ phân phối được hiểu một cách đơn giản là dịch vụ mang sản phẩm, hàng hóa từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Trong WTO, dịch vụ phân phối là một trong 155 phân ngành của thương mại dịch vụ. WTO không đưa ra định nghĩa về dịch vụ phân phối, mà liệt kê lĩnh vực hoạt động thương mại thuộc dịch vụ phân phối, bao gồm: đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ và nhượng quyền thương mại. Cách hiểu này cũng được kế thừa trong các hiệp định thương mại tự do được thiết lập sau này. Pháp luật Việt Nam cũng có cách hiểu tương tự. Căn cứ Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 1 năm 2018 qui định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Nghị định 09/2018), hoạt động phân phối bao gồm hoạt động bán buôn, bán lẻ, đại lý bán hàng hóa và nhượng quyền thương mại. Có thể thấy, dù ở dưới hình thức nào, các hình thức của dịch vụ phân phối đều thể hiện rõ bản chất là hoạt động trung gian giữa sản xuất và tiêu dùng, đưa sản phẩm vật chất đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, trong các hiệp định thương mại được ký kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, cam kết về dịch vụ phân phối là một nội dung quan trọng, không thể bỏ qua. Những cam kết về dịch vụ phân phối có ý nghĩa quan trọng trong việc mở cửa thị trường thương mại giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam vừa ký kết 02 hiệp định thương mại tự do có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tự do hóa thương mại, đó là CPTPP (tiếng Anh là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans- Pacific Partnership- tiếng Việt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (tiếng Anh là EU- Vietnam Free Trade Agreement – tiếng Việt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU). Đây được coi là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới16 với những cam kết sâu và rộng nhất từ trước đến nay. Hiệp định CPTPP17 gồm 07 Điều và 01 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước gồm Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chi lê, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký ngày 06 tháng 2 năm 2016 tại New Zealand. Hiệp định CPTPP bao gồm 30 Chương và 9 Phụ lục điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn phổ biến trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống 16 Xem thêm về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Nguyễn Thanh Tâm, “Tổng quan về các FTA thế hệ mới”, trên trang điện tử: http://giaoducvaxahoi.vn/tin-phap-luat/t-ng-quan-v-cac-fta-th-h-m-i.html, truy cập ngày 15/8/2018; Lê Thị Thúy, ―Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam‖, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 5 (114) 2017, trang 19-29. 17 Xem nội dung Hiệp định CPTPP trên trang thông tin điện tử của Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI: http://www.trungtamwto.vn/ 992
  3. trong đàm phán, ký các FTA như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư. Hiệp định CPTPP được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. EVFTA18 là hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa Việt Nam và các nước thuộc Liên minh châu Âu. Đây được coi là hiệp định thương mại toàn diện về mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu với một quốc gia đang phát triển tại châu Á. Nội dung của Hiệp định hướng tới việc cắt giảm tới 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng và có mức cam kết sâu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Ngày 26/6/2018, EVFTA được tách thành hai Hiệp định, một về thương mại (Hiệp định Thương mại – EVFTA) và một về đầu tư (Hiệp định bảo hộ đầu tư - EVIPA). Tháng 30/6/2019, hai Bên đã chính thức ký kết EVFTA và EVIPA. Tuy nhiên, để chính thức phát sinh hiệu lực, Việt Nam và EU phải thực hiện quá trình phê chuẩn nội bộ hai hiệp định này theo qui định của pháp luật mỗi Bên. Vào ngày 12/02/2020 vừa qua, Nghị viện của Liên minh châu Âu đã thông qua Hiệp định này. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn với các dữ liệu chủ yếu là các văn bản qui phạm pháp luật của Việt Nam và nội dung các hiệp định CPTPP và EVFTA cũng như một số nghiên cứu có liên quan nhằm phân tích được thực trạng về sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với các cam kết trong CPTPP và EVFTA. 2. Cam kết về dịch vụ phân phối trong CPTPP và EVFTA Các cam kết về dịch vụ phân phối của Việt Nam trong CPTPP và EVFTA được xác định trên cơ sở các cam kết riêng của Việt Nam trong các Danh mục không tương thích của Việt Nam (trong CPTPP) hoặc biểu cam kết của Việt Nam (trong EVFTA) kết hợp với các cam kết chung được qui định tại các Chương cụ thể của các hiệp định. a. Cam kết chung về dịch vụ phân phối trong CPTPP và EVFTA Cam kết chung về dịch vụ phân phối trong CPTPP Các qui định điều chỉnh về dịch vụ phân phối của CPTPP nằm trong Chương 10 về Thương mại dịch vụ qua biên giới và kết hợp với qui định trong Chương 9 về Đầu tư, bao gồm các nghĩa vụ: đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; tiếp cận thị trường; hiện diện tại nước sở tại, yêu cầu thực hiện, quản lý cấp cao và Hội đồng quản trị. Các Thành viên CPTPP phải tuân thủ các nghĩa vụ trên, trừ những trường hợp được nêu trong ―các biện pháp không tương thích‖, bao gồm các biện pháp bảo lưu sự không tương thích với các nghĩa vụ trên. Các biện pháp không tương thích này được nêu trong 2 Phụ lục đính kèm Hiệp định CPTPP: (1) Phụ lục I chứa đựng Danh mục các biện pháp hiện hành trong đó một quốc gia chấp nhận nghĩa vụ không đưa ra các biện pháp hạn chế hơn trong tương lai và ràng buộc bất kỳ sự tự do hóa nào trong tương lai, và (2) Phụ lục II chứa đựng Danh mục các biện pháp và chính sách mà theo đó một quốc gia duy trì quyền tự do làm theo ý mình một cách đầy đủ trong tương lai. Mỗi Danh mục có cơ chế/nguyên tắc áp dụng riêng. Cụ thể: 18 Xem nội dung Hiệp định EVFTA trên trang thông tin điện tử của Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI: http://www.trungtamwto.vn/ 993
  4. Phụ lục I bao gồm các biện pháp không tương thích đang áp dụng tại thời điểm CPTPP có hiệu lực mà mỗi nước CPTPP sẽ được tiếp tục áp dụng, trường hợp có sửa đổi thì việc sửa đổi phải đáp ứng được hai nguyên tắc sau: (1) Sửa đổi theo hướng không kém thuận lợi hơn so với biện pháp đó tại thời điêm Hiệp định có hiệu lực (nguyên tắc giữ nguyên trạng – ―standstill‖); (2) Một khi đã sửa đổi lên một mức mới thuận lợi hơn, thì những sửa đổi sau đó sẽ không được kém thuận lợi hơn mức mới này (nguyên tắc chỉ tiến không lùi – ―ratchet‖). Phụ lục II bao gồm các biện pháp không tương thích mà nước Thành viên CPTPP được phép áp dụng mà không có hạn chế gì về thời gian (hiện tại hay tương lai) và cách thức (thuận lợi hay khó khăn hơn). CPTPP cũng đặt ra một số yêu cầu đối với nước Thành viên trong quản lý các dịch vụ cung cấp qua biên giới. Về các qui định nội địa liên quan, các nước CPTPP phải đảm bảo các qui định áp dụng chung trong vấn đề liên quan phải hợp lý, khách quan, công bằng; các qui định về điều kiện chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấp phép, … phải dựa trên các tiêu chí minh bạch và khách quan; nếu dịch vụ phải được cấp phép thì qui trình cấp phép phải khả thi, rõ ràng, không đòi hỏi bất hợp lý về hồ sơ cấp phép… Về tính minh bạch trong quản lý, CPTPP cũng yêu cầu các nước Thành viên phải có cơ chế để cho các bên liên quan bình luận về các qui định, phải để một khoảng thời gian hợp lý trước khi văn bản có hiệu lực, … Cam kết chung về dịch vụ phân phối trong EVFTA Với phương pháp đàm phán ―chọn – cho‖, các Bên chỉ cam kết các ngành/phân ngành dịch vụ được liệt kê trong biểu cam kết cụ thể của mình. Với những ngành/phân ngành dịch vụ không được liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể, hai bên không cam kết nghĩa vụ cụ thể nào, ngoại trừ các nghĩa vụ chung. Chương 8 Thương mại dịch vụ, đầu tư và thương mại điện tử của EVFTA có chứa đựng các cam kết về thương mại dịch vụ. Các cam kết này về cơ bản rộng hơn các cam kết của Việt Nam trong WTO, và có mức độ mở tương đương trong CPTPP, dù trong một số lĩnh vực cụ thể có độ mở rộng hơn hoặc hạn chế hơn. Các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam không hướng tới cam kết ở Phương thức 4 (Hiện diện thể nhân), trừ trường hợp cam kết về Hiện diện tạm thời của thể nhân vì mục đích kinh doanh. Đó là trường hợp Việt Nam duy trì bảo lưu về yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ hoặc nhà đầu tư phải là công dân, có quốc tịch, thường trú hoặc cư dân đang sống trong lãnh thổ Việt Nam như một điều kiện để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Một số nghĩa vụ chung liên quan đến thương mại dịch vụ như tiếp cận thị trường, đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc và các nghĩa vụ không áp dụng các yêu cầu hoạt động cũng được nêu rõ trong EVFTA. Trong EVFTA, Việt Nam đưa ra 02 Bản cam kết cụ thể, được nêu trong 02 Phụ lục: + Phụ lục 8-B-1: Cam kết cụ thể về Dịch vụ cung cấp qua biên giới và tự do hóa đầu tư. Trong Phụ lục này có Mục A là liên quan đến các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ. Các cam kết này bao gồm các những giới hạn về tiếp cận thị trường, đối xử quốc gia, các yêu cầu về hoạt động và những cam kết bổ sung áp dụng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Liên 994
  5. minh thực hiện các hoạt động trong các lĩnh vực này. Đối với những hoạt động không được nêu trong cam kết, Việt Nam sẽ không có nghĩa vụ thực hiện. + Phụ lục 8-B-2: Cam kết cụ thể phù hợp với Mục D (Hiện diện tạm thời của Thể nhân vì mục đích kinh doanh) của Chương 8 (Tự do hóa đầu tư, Thương mại dịch vụ và thương mại điện tử). Danh mục các cam kết cụ thể trong Phụ lục này nêu lên các lĩnh vực được mở cửa căn cứ vào Điều 8.7 và Điều 8.13 của Chương 8 bao gồm các hạn chế áp dụng đối với khách kinh doanh, chuyển nhượng nội bộ doanh nghiệp, người bán hàng và người cung cấp dịch vụ căn cứ Điều 8.15, Điều 8.16, Điều 8.17. EVFTA cho phép các thành viên được quyền ban hành, duy trì và thực thi các biện pháp cần thiết nhằm mục đích chính trị phù hợp như: bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, chính sách xã hội, tính ổn định và bảo toàn của hệ thống tài chính, tăng cường trật tự và an toàn xã hội, tăng cường và bảo vệ sự đa dạng văn hóa. Các cam kết trong Chương này của EVFTA cũng không áp dụng đối với biện pháp nhằm điều chỉnh việc nhập cảnh của thể nhân hoặc việc lưu trú tạm thời tại lãnh thổ quốc gia, bao gồm các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm sự di chuyển có trật tự của thể nhân, miễn sao các biện pháp này không được thực hiện theo cách làm mất cân bằng hoặc loại bỏ các lợi ích đối với bất kỳ Thành viên nào theo các cam kết trong Chương này cũng như các Phụ lục kèm theo. b. Các cam kết cụ thể của Việt Nam về dịch vụ phân phối trong CPTPP và EVFTA Cam kết trong CPTPP Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp liên quan đến việc cung cấp qua biên giới khi thực hiện dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ. Các bảo lưu này không bao gồm dịch vụ nhượng quyền thương mại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, Việt Nam không có bảo lưu cụ thể đối với hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, những bao lưu áp dụng cho tất cả các ngành sẽ áp dụng đối với cả dịch vụ nhượng quyền thương mại. Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào liên quan đến dịch vụ xuyên biên giới và đầu tư các sản phẩm thuốc lá và xì gà, ấn phẩm (bao gồm sách, báo và tạp chí), kim loại quí và đá quí, thuốc và dược phẩm (không bao gồm các sản phẩm bổ dưỡng phi dược phẩm dưới dạng viên nén, viên con nhộng hoặc bột), thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến (Phụ lục II). Việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ đầu tiên) sẽ được cho phép trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Việc cho phép thành lập nhiều hơn một cơ sở bán lẻ phải tuân thủ theo qui trình đã có và được công bố công khai và việc cấp phép phải được thực hiện dựa trên tiêu chí khách quan. Các tiêu chí chính để kiểm tra nhu cầu kinh tế là số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và qui mô địa lý (Phụ lục I). Điều này đồng nghĩa với việc các tiêu chí để kiểm tra ENT theo qui định của pháp luật Việt Nam cần phải bám theo các tiêu chí chính này. Pháp luật Việt Nam có thể bổ sung những tiêu chí khác nhưng những tiêu chí này không phải là những tiêu chí có tính quyết định khi xét ENT đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ các nước 995
  6. thuộc thành viên của CPTPP. Việc thành lập các cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 tại các khu vực đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố qui hoạch cho hoạt động mua bán hàng hóa và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ không phải kiểm tra nhu cầu kinh tế (Phụ lục I). Năm (05) năm sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, việc kiểm tra nhu cầu kinh tế sẽ bị bãi bỏ và bảo lưu này sẽ hết hiệu lực. Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không được thực hiện hoạt động dịch vụ phân phối tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh (Phụ lục I). Đối với nhượng quyền thương mại, Việt Nam không có hạn chế về các phương thức thực hiện (Phụ lục I). Về điều kiện và thủ tục cấp phép trong các ngành thương mại dịch vụ, Việt Nam có nghĩa vụ bảo đảm tất cả các biện pháp được áp dụng chung có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ được thực thi một cách hợp lý, khách quan và công bằng. Việt Nam cũng cam kết rằng các biện pháp liên quan đến yêu cầu và thủ tục chuyên môn, tiêu chuẩn kỹ thuật, và các yêu cầu cấp phép không tạo thành những rào cản không cần thiết đối với thương mại dịch vụ, đồng thời công nhận quyền quản lý, đưa ra các qui định mới đối với cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng các mục tiêu chính sách của nhà nước Việt Nam. Các biện pháp được áp dụng hoặc duy trì phải được thực hiện trên cơ sở khách quan, minh bạch và không phân biệt đối xử. Trong trường hợp đặt ra yêu cầu cấp phép đối với việc cung cấp dịch vụ, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên của CPTPP cam kết các yêu cầu này phải được đặt ra theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Những cam kết từ phía Chính phủ Việt Nam có nội dung hướng tới nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, tương ứng với đó là quyền của nhà đầu tư nước ngoài, trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động cấp phép đối với hoạt động dịch vụ phân phối trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong EVFTA Trong EVFTA, Việt Nam loại bỏ khỏi cam kết các sản phẩm sau: Thuốc lá và xì gà, sách, báo và tạp chí, sản phẩm ghi hình trên bất kỳ chất liệu nào, kim loại và đá quí, dược phẩm và chất gây nghiện, vật gây nổ, dầu nén và dầu thô, gạo, đường mía và đường hạt. Cam kết trong EVFTA cũng chỉ hướng tới 3 phương thức cung cấp dịch vụ là: Cung cấp dịch vụ qua biên giới, tiêu dùng ở nước ngoài và hiện diện thương mại. Liên quan đến cam kết về dịch vụ phân phối, Việt Nam đưa vào Biểu cam kết những nội dung cụ thể áp dụng đối với dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ và dịch vụ nhượng quyền thương mại. Trong đó, Việt Nam có cam kết chung về dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ và có cam kết riêng đối với dịch vụ nhượng quyền thương mại. Cụ thể: Đối với dịch vụ đại lý hoa hồng, dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường, ngoại trừ áp dụng không giới hạn mở cửa thị trường trong 02 trường hợp: (1) Phân phối sản phẩm phục vụ nhu cầu cá nhân; (2) Phân phối sản phẩm phần mềm máy tính phục vụ nhu cầu cá nhân và thương mại. 996
  7. Việc thiết lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất) sẽ được cho phép trên cơ sở Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Trong trường hợp lập cơ sở bán lẻ có diện tích nhỏ hơn 500 m2 trong khu vực được qui hoạch cho hoạt động thương mại và đã được xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì điều kiện về ENT không cần phải đáp ứng. Việc xin phép thành lập nhiều hơn một cơ sở bán lẻ phải tuân thủ qui trình đã có và được công bố công khai. Việc cấp phép phải được thực hiện dựa trên các tiêu chí khách quan. EVFTA không đưa ra các tiêu chí cụ thể nào để đánh giá ENT nhưng đưa ra yêu cầu về các tiêu chí chính là số lượng nhà phân phối trên một khu vực địa lý cụ thể, sự ổn định của thị trường và qui mô địa lý. Yêu cầu về tiêu chí chính này cũng giống như trong CPTPP. Năm (05) năm kể từ thời điểm Hiệp định này có hiệu lực, yêu cầu ENT sẽ bị bãi bỏ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được quyền áp dụng các biện pháp kế hoạch hoặc ra các quyết định không mang tính phân biệt đối xử. Đối với dịch vụ nhượng quyền thương mại, Việt Nam không có hạn chế, trừ phương thức hiện diện thương mại. Việt Nam cho phép được thành lập chi nhánh (nghĩa vụ tiếp cận thị trường). Tuy nhiên, liên quan đến nghĩa vụ đối xử quốc gia, Việt Nam yêu cầu rõ trong cam kết với EVFTA về điều kiện thường trú của Trưởng chi nhánh. Cụ thể, Trưởng chi nhánh phải là người thường trú tại Việt Nam. Liên quan đến điều kiện và thủ tục cấp phép trong các ngành thương mại dịch vụ, các cam kết của Việt Nam chỉ áp dụng đối với các ngành/phân ngành dịch vụ đã được liệt kê trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam. Chế độ cấp phép được cam kết bao gồm cả điều kiện và thủ tục cấp phép thành lập doanh nghiệp và cấp phép để thực hiện hoạt động kinh doanh trong các ngành/phân ngành dịch vụ yêu cầu phải có giấy phép (theo ngữ cảnh pháp luật Việt Nam, được hiểu là điều kiện, thủ tục cấp Chứng nhận đầu tư và/hoặc Giấy phép kinh doanh). Theo đó, Việt Nam bảo đảm áp dụng các điều kiện và thủ tục cấp phép theo nguyên tắc không tạo ra các rào cản độc lập về tiếp cận thị trường. 3. So sánh cam kết của Việt Nam về dịch vụ phân phối của CPTPP và EVFTA với hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành Phần này sẽ đi vào phân tích qui định cụ thể của pháp luật Việt Nam về dịch vụ phân phối (a) và đánh giá sự phù hợp với cam kết của Việt Nam trong CPTPP và EVFTA (b). a. Pháp luật Việt Nam về dịch vụ phân phối Quy định pháp luật về dịch vụ phân phối mà nhà đầu tư nước ngoài được quyền tham gia tập trung trong những văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, hoạt động thương mại của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm các văn bản sau: Luật Đầu tư 2014, Luật Thương mại 2005, Nghị định 09/2018/NĐ-CP qui định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Nghị định 09/2018/NĐ-CP). Đối với hoạt động nhượng quyền thương mại và đại lý bán hàng hóa, thì pháp luật Việt Nam không có qui định áp dụng riêng cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. 997
  8. Qua các văn bản này có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể được thực hiện hoạt động bán buôn, bán lẻ khi có hiện diện thương mại tại Việt Nam, cụ thể là thông qua tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được pháp luật Việt Nam định nghĩa là tổ chức kinh tế có thành viên hoặc cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Điều 3 Khoản 17 Luật Đầu tư 2014). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động bán buôn, bán lẻ là Giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, tùy vào hàng hóa là đối tượng của hoạt động bán buôn, bán lẻ mà điều kiện này được áp dụng. Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra những mặt hàng không được phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có qui định khác. Trước đây, pháp luật Việt Nam đã ban hành Danh mục hàng hóa không được thực hiện quyền phân phối đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Thông tư 34/2013/TT-BCT) bao gồm 9 loại hàng hóa19. Tuy nhiên, Nghị định 09/2018/NĐ-CP đã giảm bớt số lượng hàng hóa không được quyền phân phối của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, chỉ còn 5 sản phẩm sau: (1) Gạo; (2) Đường; (3) Dầu, dầu mỡ bôi trơn; (4) Sách, báo, tạp chí; (5) Vật phẩm đã ghi hình. Tùy vào cam kết trong các điều ước quốc tế mà các hạn chế đối với các hàng hóa này được dỡ bỏ hay vẫn giữ nguyên. Để được cấp Giấy phép bán buôn, bán lẻ, pháp luật Việt Nam qui định điều kiện áp dụng chung đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như sau:  Căn cứ vào điều kiện tiếp cận thị trường tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.  Nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có kế hoạch tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp giấy phép kinh doanh.  Không có nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 1 năm trở lên. Trong trường hợp tổ chức kinh tế không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì ngoài hai điều kiện còn lại, phải đáp ứng thêm các tiêu chí về sự phù hợp với qui định của pháp luật chuyên ngành; phù hợp với mức độ cạnh tranh của tổ chức kinh tế trong nước cùng lĩnh vực hoạt động; khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước; khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đối với những hàng hóa mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa như dầu, mỡ bôi trơn, pháp luật Việt Nam có những điều kiện riêng để được cấp Giấy phép để thực hiện hoạt động phân phối. Cụ thể, chỉ những tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam, những tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi 19 Đó là: Lúa gạo; Đường mía, đường củ cải; Thuốc lá và xì gà; Dầu thô và dầu đã qua chế biến; Dược phẩm; Thuốc nổ; Sách, báo, tạp chí; Kim loại quí và đá quí; Vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu. 998
  9. trơn loại đặc thù mới được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối bán buôn các mặt hàng này tại Việt Nam. Đối với hàng hóa là gạo, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo, tạp chí, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ trong trường hợp đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại cơ sở đó. Còn đối với hoạt động bán buôn thì được quyền thực hiện căn cứ theo ngành nghề đăng ký kinh doanh của tổ chức kinh tế đó. Pháp luật cho phép Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành căn cứ vào nội dung sau để xem xét chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc chưa được cam kết mở cửa thị trường trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo các căn cứ sau: (1) Sự phù hợp với qui hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của vùng, quốc gia. (2) Tiến trình đàm phán mở cửa thị trường của Việt Nam (3) Chiến lược hợp tác với đối tác nước ngoài của Việt Nam. (4) Quan hệ ngoại giao, vấn đề an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nghị định 09/2018/NĐ-CP cũng chỉ qui định về yêu cầu ENT trong trường hợp lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất. Đối với việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, có thể có 02 trường hợp áp dụng: không cần điều kiện ENT và áp dụng điều kiện ENT. Trường hợp không cần điều kiện ENT: được áp dụng khi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện sau:  Có kế hoạch tài chính để lập cơ sở bán lẻ.  Không có nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.  Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với qui hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý. Các điều kiện này cũng là các điều kiện mà cơ quan nhà nước đặt ra khi xét việc cho phép lập cơ sở bán lẻ thứ nhất. Trường hợp áp dụng điều kiện ENT: được áp dụng đối với việc thành lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất dù đã đáp ứng đủ các tiêu chí nêu trên. Điều kiện ENT áp dụng khi lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất với diện tích từ 500m2 trở lên hoặc không nằm trong khu trung tâm thương mại hoặc thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Căn cứ Nghị định 09/2018/NĐ-CP, cửa hàng tiện lợi là cơ sở bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm: Thực phẩm, đồ uống, dược phẩm không kê đơn, thực phẩm chức năng và các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác phục vụ tiêu dùng hàng ngày. Siêu thị mini là cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2 và thuộc loại hình siêu thị tổng hợp theo qui định của pháp luật. Các tiêu chí về siêu thị, trung tâm thương mại đã được điều chỉnh trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại số 1371/2004/QĐ-BTM về việc 999
  10. ban hành Quy chế siêu thị, Trung tâm thương mại. Trong Quyết định này cũng đã phân loại các siêu thị kinh doanh tổng hợp theo 03 hạng: Siêu thị hạng I, Siêu thị hạng II, Siêu thị hạng III. Để xếp hạng Siêu thị. Quyết định 1371 này được xác định dựa trên cơ sở các tiêu chí được qui định20. Quyết định cũng đưa ra các tiêu chí để phân biệt siêu thị tổng hợp với siêu thị chuyên doanh, theo hướng giảm bớt các tiêu chuẩn. Cụ thể, siêu thị mini được xét trong trường hợp này được thiết lập với diện tích dưới 500m2 nhưng vẫn áp dụng theo dạng siêu thị tổng hợp. Như vậy, có thể hiểu để xét siêu thị mini thì chỉ áp dụng ngoại lệ đối với tiêu chí diện tích, còn đối với các tiêu chí khác thì vẫn áp dụng. Còn đối với cửa hàng tiện lợi thì hiện nay chưa có tiêu chuẩn xác định. Nghị định 09/2018/NĐ-CP mới chỉ dừng lại ở việc mô tả cửa hàng tiện lợi, chứ chưa đưa ra các tiêu chuẩn để đánh giá. b. Đánh giá về sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với các cam kết trong CPTPP và EVFTA Phần này sẽ tập trung đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả không phù hợp) của pháp luật Việt Nam với các cam kết trong CPTPP và EVFTA. Việc đánh giá sẽ được chia thành 2 mảng nội dung: (1) Dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ; và (2) Dịch vụ nhượng quyền thương mại. (1) Dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán lẻ Đối với các mặt hàng được mở cửa thị trường Có thể thấy trong CPTPP, đường và gạo không có trong danh mục mà Việt Nam bảo lưu, không cam kết mở cửa. Đây là điểm khác biệt so với cam kết trong WTO cũng như trong EVFTA. Nếu EVFTA phát sinh hiệu lực trước CPTPP, thì hoạt động dịch vụ phân phối của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mở sang đường và gạo, căn cứ theo nguyên tắc MFN trong EVFTA. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, CPTPP đã phát sinh hiệu lực trước EVFTA. Do vậy, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ không được hưởng ưu đãi tối huệ quốc về mở cửa thị trường đối với gạo và đường trong trường hợp này. Nghị định 09/2018/NĐ-CP chỉ qui định trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động bán lẻ gạo, đường, mà không có qui định về cấp Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động bán buôn. Do vậy, trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký kinh doanh bán buôn hàng hóa thì sẽ được thực hiện theo đăng ký kinh doanh. Còn đối với hoạt động bán lẻ, ngoài việc đăng ký kinh doanh bán lẻ các sản phẩm này, tổ chức kinh tế có phải được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động bán buôn. Như vậy, pháp luật Việt Nam đã phù hợp với cam kết của CPTPP vì cho phép hoạt động phân phối bán buôn, bán lẻ gạo, đường của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, với các điều kiện quản lý nhà nước nhất định, chứ không đóng cửa thị trường đối với 02 mặt 20 Đó là các tiêu chí: (1) Diện tích kinh doanh; (2) Danh mục hàng hóa kinh doanh với số lượng mặt hàng tùy theo hạng siêu thị: Đối với siêu thị hạng I là từ 20000 tên hàng trở lên; Đối với siêu thị hạng II là từ 10000 tên hàng trở lên; Đối với siêu thị hạng III là từ 4000 tên hàng trở lên; (3) Công trình siêu thị, trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm yêu cầu; (4) Kho và thiết bị kỹ thuật bảo quản, đóng góp, bán hàng, thanh toán và quản lý kinh doanh; (5) Cách thức tổ chức, bố trí hàng hóa, nơi bảo quản hành lý cho khách hàng, các dịch vụ. 1000
  11. hàng này. Cụ thể nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong trường hợp này là tại CPTPP. So với EVFTA, liên quan đến mặt hàng gạo và đường, pháp luật Việt Nam được đánh giá là phù hợp. Tuy nhiên, vì gạo và đường không được cam kết trong EVFTA, nên sẽ được áp dụng chung đối với trường hợp là mặt hàng chưa mở cửa trong nhiều điều ước quốc tế. Trong cả CPTPP và EVFTA, Việt Nam bảo lưu việc duy trì các biện pháp liên quan đến dịch vụ xuyên biên giới đối với thuốc lá và xì gà, ấn phẩm (bao gồm sách, báo và tạp chí), kim loại quí và đá quí, thuốc và dược phẩm (không bao gồm các sản phẩm bổ dưỡng phi dược phẩm dưới dạng viên nén, viên con nhộng hoặc bột), thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến. Trong khi đó, Nghị định 09/2018 đã dỡ bỏ thuốc nổ, thuốc lá, xì gà, kim loại quí và đá quí, thuốc nổ và dược phẩm ra khỏi danh mục các hàng hóa bị cấm phân phối. Như vậy, so với 02 Hiệp định trên, pháp luật Việt Nam đã phù hợp, thậm chí còn mở cửa rộng hơn so với qui định của CPTPP và EVFTA, cho phép các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được phân phối bán buôn, bán lẻ các mặt hàng này trên lãnh thổ Việt Nam với khi đáp ứng các điều kiện nhất định. Đối với điều kiện ENT Xét ở mức độ cam kết, nếu so với cam kết trong WTO, có thể thấy, cam kết trong EVFTA và CPTPP đã nới lỏng khi cho phép ENT được miễn trong một số trường hợp nhất định và sẽ bị bỏ sau 05 năm kể từ khi 2 Hiệp định có hiệu lực. Pháp luật Việt Nam hiện nay về cơ bản đã tương thích so với cam kết trong EVFTA và CPTPP. Tuy nhiên, qui định về việc áp dụng ENT đối với siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi trong Nghị định 09/2018 dường như đặt thêm trường hợp kiểm tra ENT so với cam kết của Việt Nam trong EVFTA và trong CPTPP. Việc đặt thêm trường hợp kiểm tra ENT có thể vi phạm cam kết của Việt Nam trong EVFTA và CPTPP. Về các tiêu chí để kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT)21, pháp luật Việt Nam về cơ bản là phù hợp với EVFTA và CPTPP. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại các tiêu chí: Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: Tạo việc làm cho lao động trong nước; Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý; Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý; Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Các tiêu chí này có thể được xem là tiêu chí gây khó khăn cho việc đặt cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Để tránh 21 Đó là các tiêu chí sau: Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động; Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý; Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý; Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý; Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: Tạo việc làm cho lao động trong nước; Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý; Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý; Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước. 1001
  12. trường hợp vi phạm cam kết trong hai Hiệp định này, có thể viện dẫn Điều 4 của Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Cụ thể, Điều 4 nêu rõ ―…trường hợp Điều ước quốc tế qui định tại Nghị định này thì áp dụng qui định của Điều ước quốc tế đó.‖ Tuy nhiên, việc viện dẫn này chỉ đúng về mặt lý thuyết. Còn về mặt thực thi, việc áp dụng Điều ước quốc tế còn phụ thuộc vào cơ chế áp dụng Điều ước quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam là áp dụng trực tiếp hay áp dụng gián tiếp22. Đối với Hiệp định CPTPP, ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan. Ban hành kèm theo Nghị quyết Phụ lục 2 về Các cam kết/nhóm cam kết trong Hiệp định CPTPP được áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam. Trong Danh mục các cam kết được áp dụng trực tiếp, có cam kết về các phân ngành dịch vụ trong bảng Các biện pháp không tương thích (NCM) I, II và III. Như vậy, pháp luật Việt Nam được coi là phù hợp với cam kết. Tuy nhiên, cam kết CPTPP vẫn để độ mở cho pháp luật Việt Nam được qui định chi tiết hơn về điều kiện ENT. Do vậy, để có thể áp dụng được tốt qui định của CPTPP cần phải có sự qui định rõ trong pháp luật Việt Nam về vấn đề này. Đối với EVFTA, để tránh tình trạng không tương thích, Nghị quyết phê chuẩn EVFTA có thể đặt cơ chế áp dụng trực tiếp cho cam kết này của Việt Nam khi các hiệp định này phát sinh hiệu lực. Về các thủ tục quản lý nhà nước Các thủ tục thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động bán buôn, bán lẻ và đối với việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về cơ bản phù hợp với cam kết trong CPTPP và EVFTA. (2) Dịch vụ nhượng quyền thương mại Về cơ bản, pháp luật Việt Nam phù hợp với cam kết trong CPTPP và EVFTA. Như đã nêu ở trên pháp luật Việt Nam không có qui định riêng áp dụng đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện nhượng quyền thương mại. Trong CPTPP, Việt Nam không có bảo lưu về các trường hợp không tương thích dành riêng cho nhượng quyền thương mại. Yêu cầu đặt ra trong EVFTA chỉ liên quan đến việc hiện diện chi nhánh của nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dịch vụ nhượng quyền trên lãnh thổ Việt Nam. Yêu cầu này cũng không có trong qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Như vậy, qui định của Việt Nam đã phù hợp với cam kết trong cả CPTPP và EVFTA. Nếu phân tích kỹ hơn thì hiện trạng qui định của Việt Nam hiện nay là chưa làm điều được phép làm. Cụ thể, đối với cam kết trong EVFTA, Việt Nam đã đặt ra bảo lưu về nghĩa vụ đãi ngộ quốc gia, yêu cầu Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp mỗi Bên phải thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu này lại không có trong qui định hiện hành của Việt Nam. 22 Cụ thể, căn cứ Điều 6 Luật Điều ước quốc tế 2016, cơ chế áp dụng Điều ước quốc tế có thể được thực hiện theo 02 phương thức: (1) Áp dụng trực tiếp: căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp qui định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; (2) Áp dụng gián tiếp: thông qua việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản qui phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó. 1002
  13. 4. Một số đề xuất nhằm hoàn thiện qui định của Việt Nam về dịch vụ phân phối Trên cơ sở các phân tích nêu trên, tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện qui định của Việt Nam về dịch vụ phân phối của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như sau: Thứ nhất, cụ thể hóa các bảo lưu cho phép Việt Nam được qui định cụ thể các điều kiện áp dụng đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong CPTPP và EVFTA. Đối với những cam kết trong CPTPP, những trường hợp không tương thích đã được khắc phục bởi cơ chế áp dụng trực tiếp các phân ngành dịch vụ trong Danh mục các biện pháp không tương thích tại Phụ lục I và Phụ lục II của Hiệp định CPTPP. Do vậy, không cần đề xuất chỉnh sửa pháp luật Việt Nam để tương thích với Hiệp định CPTPP trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có một số cam kết lại cho phép pháp luật Việt Nam được quyền qui định thêm, thì nên tận dụng các cam kết này bằng việc qui định cụ thể hóa các bảo lưu này. Nói cách khác, đối với những trường hợp pháp luật Việt Nam đã tương thích, nhưng lại có mức độ mở hơn so với cam kết thì cần có sự chỉnh sửa pháp luật Việt Nam cho phù hợp. Cụ thể: (1) Liên quan đến trường hợp kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), để bảo đảm sự phù hợp với cam kết trong CPTPP và EVFTA thì cần áp dụng trực tiếp các cam kết này. Bởi trong qui định của pháp luật Việt Nam hiện hành, việc thực hiện ENT đối với việc lập cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ là không phù hợp với CPTPP và EVFTA. Đối với CPTPP, Việt Nam đã áp dụng trực tiếp cam kết này, trong Phu lục 2 của Nghị Quyết 72/2018/NQ-QH. Còn đối với EVFTA, Việt Nam cũng cần qui định về việc áp dụng trực tiếp cam kết này trong nghị quyết phê chuẩn EVFTA của Quốc hội. (2) Đối với tiêu chí đánh giá ENT, pháp luật Việt Nam cần đặt trọng số các tiêu chí đánh giá cho phù hợp với cam kết trong CPTPP và EVFTA. Ở cả hai hiệp định này, yêu cầu về các tiêu chí đánh giá chỉ dừng ở mức độ khung, tức là cho phép pháp luật Việt Nam được quyền qui định chi tiết, với điều kiện bảo đảm mức độ khung đó. Do vậy, để bảo đảm phù hợp với cam kết của CPTPP và EVFTA, có thể vẫn giữ các tiêu chí đánh giá theo qui định của Nghị định 09/2018 nhưng có thể cân đối trọng số của các tiêu chí, để bảo đảm rằng tiêu chí đánh giá chính phù hợp với cam kết trong CPTPP và EVFTA. Cụ thể, đặt trọng số lớn đối với các tiêu chí chính: Số lượng nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự ổn định của thị trường và qui mô địa lý. Các tiêu chí khác nên để trọng số ít hơn khi đánh giá ENT trong trường hợp của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc CPTPP và EVFTA. (3) Đề xuất áp dụng trực tiếp những cam kết cụ thể của Việt Nam trong các ngành dịch vụ được nêu trong các Biểu Cam kết 8A-1 và 8A-2 của Việt Nam trong EVFTA. (4) Bổ sung điều kiện về Trưởng chi nhánh của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhượng quyền thương mại phải là người thường trú tại Việt Nam. Đây là điều kiện mà Việt Nam đưa ra trong cam kết với EVFTA. Tuy trong CPTPP Việt Nam không có bảo lưu điều kiện về nơi thường trú của Trưởng chi nhánh trong Danh mục biện pháp không tương thích, nhưng việc đặt ra điều kiện này không làm ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam trong CPTPP vì cam kết này được áp dụng trực tiếp. 1003
  14. (5) Bổ sung các điều kiện về dịch vụ phân phối đối với các mặt hàng thuốc nổ, thuốc lá, xì gà, kim loại quí và đá quí, thuốc nổ và dược phẩm trong pháp luật chuyên ngành để tận dụng được một cách tối đa hiệu quả của các bảo lưu của Việt Nam trong các FTA. Thứ hai, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần thực hiện một số hoạt động nhằm tạo thuận lợi việc thực hiện hoạt động phân phối trên lãnh thổ Việt Nam, cụ thể như sau: (1) Ban hành danh mục hàng hóa không được quyền phân phối đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo các cam kết quốc tế chung và một số ngoại lệ trong các hiệp định CPTPP và EVFTA. (2) Ban hành danh mục các biện pháp áp dụng đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động dịch vụ phân phối trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc có thể ban hành dưới hình thức Hướng dẫn đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia vào lĩnh vực dịch vụ phân phối tại Việt Nam. (3) Đề xuất lên Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2018 với các kiến nghị đã nêu ở phần trên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Thanh Tâm, “Tổng quan về các FTA thế hệ mới”, trên trang điện tử: http://giaoducvaxahoi.vn/tin-phap-luat/t-ng-quan-v-cac-fta-th-h-m-i.html, truy cập ngày 15/8/2018; 2. Lê Thị Thúy, ―Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam‖, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 5 (114) 2017, trang 19-29. 3. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) 4. Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) 5. Luật Đầu tư năm 2014 6. Luật Điều ước quốc tế 2016 7. Luật Thương mại 2005 8. Luật Quản lý ngoại thương 2017 9. Nghị định 09/2018/NĐ-CP qui định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 10. Nghị quyết 72/2018/NQ-QH phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan. 11. Thông tư 34/2013/TT-BCT công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 12. Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành Quy chế siêu thị, Trung tâm thương mại 1004
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2