JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE<br />
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 5, pp. 99-104<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0066<br />
<br />
CHẾ ĐỘ MẪU HỆ - NÉT ĐẶC SẮC TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA<br />
CỦA NGƯỜI ÊĐÊ Ở BUÔN MA THUỘT<br />
Mai Trọng An Vinh<br />
Cao học Triết học K24, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Người Êđê là một trong những tộc người có mặt lâu đời ở miền Trung Tây Nguyên.<br />
Nền văn hóa độc đáo của tộc người này được phản ánh trong nhiều công trình kiến trúc,<br />
lễ hội, nghi lễ thờ cúng, phong tục tập quán. . . Bài viết này phân tích về chế độ mẫu hệ,<br />
một nét đặc sắc vẫn hiện diện trong đời sống văn hóa của người Êđê hiện nay ở Buôn Ma<br />
Thuột.<br />
Từ khóa: Người Êđê, chế độ mẫu hệ, quan hệ hôn nhân.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Giải phóng phụ nữ là thước đo trình độ giải phóng nhân loại. Cho tới nay, sự nghiệp giải<br />
phóng phụ nữ của nhân loại đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, có một số tộc người<br />
thiểu số ở Việt Nam đã đạt tới trình độ bình đẳng giới ngay từ khi mới hình thành và duy trì điều<br />
đó cho tới tận ngày nay qua chế độ mẫu hệ. Tộc người Êđê ở Tây Nguyên là một trong số đó. Họ<br />
là một trong những tộc người có mặt sớm nhất ở Tây Nguyên với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Đã có<br />
nhiều công trình nghiên cứu riêng về văn hóa người Êđê như bài viết của tác giả Trương Bi Những<br />
nét đặc trưng trong văn hóa Êđê [1], bài viết Tổ chức làng cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên<br />
của tác giả Phan Xuân Biên [2], bài viết Mấy nhận xét về hôn nhân và gia đình của người Êđê [4]<br />
của tác giả Nông Hoàng Cư, sách Phong tục tập quán cổ truyền một số dân tộc thiểu số ở nam Tây<br />
Nguyên [6] của tác giả Lê Văn Kỳ (chủ biên). . . Rải rác trên các báo, các tạp chí cũng có những<br />
bài viết ít nhiều đề cập tới phong tục tập quán của người Êđê, trong đó có phong tục hôn nhân. Tuy<br />
nhiên cho tới nay chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về chế độ mẫu hệ của người Êđê ở Buôn<br />
Ma Thuột trên phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể. Bài viết này tìm hiểu khoảng trống đó<br />
nhằm mục đích bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời góp một<br />
tiếng nói vào vấn đề bình đẳng giới hiện nay.<br />
<br />
2.<br />
2.1.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
Vài nét về người Êđê ở Buôn Ma Thuột<br />
<br />
Người Êđê (còn gọi là Êa Đê, Ra Đê, Rơ Đê) là tộc người có nguồn gốc từ nhóm tộc người<br />
nói tiếng Malay-Polynesia ở các hải đảo Thái Bình Dương đã có mặt lâu đời ở Đông Dương. Ở<br />
Ngày nhận bài: 15/1/2016. Ngày nhận đăng: 20/5/2016<br />
Liên hệ: Mai Trọng An Vinh, e-mail: anvinh77@yahoo.com<br />
<br />
99<br />
<br />
Mai Trọng An Vinh<br />
<br />
Việt Nam, người Êđê có dân số đông thứ 12 trong tổng số 54 dân tộc anh em. Ước tính có khoảng<br />
hơn 331.000 người Êđê cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắc Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai và<br />
miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Êđê là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu<br />
đời nhất ở Tây Nguyên. Tộc người Êđê gồm các nhóm người: người Êđê Kpă cư trú ở Buôn Ma<br />
Thuột; Krông Păc, Cư Mgar, người Êđê Adham chủ yếu cư trú tại huyện Krông Buk, Cư Mgar, thị<br />
xã Buôn Hồ, Krông Năng và một phần Êa Hleo của tỉnh Đắk Lắk; người Êđê Mdhur chủ yếu cư<br />
trú tại huyện Mdrak, phía đông của tỉnh Đắk Lắk. Êđê Bih là nhóm bảo lưu nhiều dấu vết cổ qua<br />
ngôn ngữ, chủ yếu cư trú ven sông Krông Ana của tỉnh Đắk Lắk, và sông Krông Knô của tỉnh Đắk<br />
Nông; người Êđê Krung cư trú chủ yếu tại huyện Êa Hleo, Krông Buk của tỉnh Đắk Lắk. Ngoài<br />
ra còn có các nhóm người Êđê nhỏ khác như: Blô, Dong Mak, Hwing cư trú ở huyện Mdrak... Dù<br />
cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau nhưng đồng bào người Êđê luôn sống tập trung thành từng buôn<br />
làng. Cuộc sống của họ chủ yến gắn với công việc đồng áng, nương rẫy. Bên cạnh đó họ luôn luôn<br />
có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Bài viết<br />
này chủ yếu nghiên cứu về chế độ mẫu hệ của người Êđê trên địa bàn Buôn Ma Thuột. Địa danh<br />
Buôn Ma Thuột là tên gọi một “Buôn” của đồng bào Êđê Kpă. Vùng đất này vào cuối thế kỉ XIX<br />
chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài nằm bên dòng suối Êa Tam, mỗi nhà có từ 30 đến 40 người.<br />
Đến những năm đầu của thế kỉ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa mà đã quy<br />
tụ, phát triển thêm hàng chục buôn khác. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn là một buôn lớn, trung<br />
tâm của cả vùng lúc bấy giờ, do tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản.<br />
Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột –<br />
làng của cha Y Thuột (trong tiếng Êđê, Ama nghĩa là cha, Y Thuột là chỉ người con trai tên Thuột<br />
- Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột) Hiện nay, dân số thành phố Buôn Ma Thuột<br />
có khoảng 400.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 16,36% tổng số dân, chủ yếu là dân<br />
tộc Êđê và gần 40 dân tộc thiểu số khác như: Tày, Nùng, Thái, Mường. . .<br />
<br />
2.2.<br />
<br />
Chế độ mẫu hệ - nét văn hóa đặc sắc của người Êđê ở Buôn Ma Thuột<br />
<br />
Chế độ mẫu hệ xuất hiện rất xa xưa, thời con người còn sống theo bầy đàn, tương ứng với<br />
các hình thái hôn nhân thời nguyên thuỷ như hôn nhân đối ngẫu, quần hôn. . . Thời đó sự phân<br />
công lao động rất sơ khai đó là phân công theo giới tính: nam giới thì chịu trách nhiệm săn bắt và<br />
bảo vệ thị tộc; nữ giới thì chịu trách nhiệm hái lượm, gieo trồng để duy trì nguồn thực phẩm, điều<br />
khiển công việc, giáo dục con cái và trông nom nhà cửa. Vì thế phụ nữ gần gũi với con cái hơn đàn<br />
ông, con cái sinh ra thì chỉ biết có người mẹ chứ gần như không biết rõ về người cha của mình, và<br />
cũng vì nguồn thực phẩm do người phụ nữ duy trì hái lượm, gieo trồng ổn định hơn nguồn thực<br />
phẩm từ nam giới, nên có thể nói chính loại hình kiếm sống bằng săn câu lượm hái của thời nguyên<br />
thuỷ và chế độ quần hôn đã khiến cho vai trò của người mẹ trong gia đình trở nên quan trọng tuyệt<br />
đối, có lẽ từ đó dần dần hình thành nên chế độ mẫu hệ. Các di chỉ văn hoá Bắc Sơn cho thấy các<br />
cư dân ở đó đã biết làm nông nghiệp, biết chế tác đồ gốm, và quần cư thành các công xã thị tộc<br />
mẫu hệ.<br />
Đặc trưng chế độ mẫu hệ trong đời sống của tộc người Êđê thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ<br />
quan hệ gia đình, xã hội đến kiến trúc nhà dài, nhạc cụ cồng chiêng, bến nước,. . . trong đó đặc<br />
trưng nổi bật nhất của chế độ mẫu hệ là quan hệ hôn nhân của người Êđê.<br />
<br />
2.2.1. Đặc trưng chế độ mẫu hệ trong quan hệ hôn nhân của người Êđê<br />
Theo truyền thống người Êđê, người phụ nữ làm chủ trong hôn nhân chứ không phải là nam<br />
giới. Cô gái Êđê khi đã trưởng thành “ưng bụng” một chàng trai nào đó, sẽ nhờ ông mối đem chiếc<br />
vòng bằng đồng sang nhà trai để hỏi chồng. Nếu chàng trai thấy "ưng bụng" thì sờ tay vào chiếc<br />
100<br />
<br />
Chế độ mẫu hệ - nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người Êđê ở Buôn Ma Thuột<br />
<br />
vòng đồng ấy, rồi sau đó làm lễ nhận vòng. Bên cạnh đó họ có quyền tìm hiểu nhau trước khi đi<br />
đến hôn nhân. Đây là nét văn hóa thể hiện rất rõ nét về vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân.<br />
Sau khi đôi trai gái đã tìm hiểu nhau và quyết định đi đến kết hôn thì gia đình nhà gái chuẩn bị lễ<br />
vật hỏi bao gồm một ché rượu cần kèm theo một chiếc vòng đeo tay bằng đồng để cúng thần linh,<br />
sau đó cô gái mời ông mối cùng với gia đình mình đến nhà trai. Nếu trong trường hợp gia đình của<br />
người con trai ở không cùng buôn thì những người đi hỏi chồng cho cô gái phải mang theo cơm<br />
nếp với quan niệm là để cho đôi trai gái gắn bó với nhau suốt đời như cơm nếp. Sau đó Đăm Đei<br />
(anh hoặc người em trai bên mẹ) cầm chiếc vòng đeo tay đã được cúng thần để hỏi ý của chàng<br />
trai, nếu chàng trai đồng ý thì họ thực hiện làm lễ trao vòng. Cô gái và chàng trai cùng chạm tay<br />
vào chiếc vòng, hành động này được xem như là lời giao ước hôn nhân. Từ đó xem như hai gia đình<br />
đã trở thành thông gia với nhau, mỗi gia đình cử ra người đỡ đầu của mình để đại diện cho hai gia<br />
đình cùng giúp đỡ cho đôi trai gái được nên vợ thành chồng cũng như cùng khuyên răn và hòa giải<br />
những lúc xảy ra bất hòa. Người Êđê quan niệm, việc từ chối hôn lễ có nghĩa là từ chối hôn nhân<br />
của một dòng họ, vì thế nó gây ảnh hưởng và gây tổn thương rất lớn đến lòng tự trọng của gia đình<br />
và cả dòng họ của người con gái. Bởi vậy, nếu trong trường hợp người con trai không đồng ý làm<br />
chồng của người con gái thì gia đình nhà trai sẽ làm một nghi lễ nhỏ mời gia đình nhà gái đến cùng<br />
tham dự để tỏ lòng tôn trọng nhau và cũng nhằm duy trì sự hòa thuận giữa hai gia đình với nhau.<br />
Đây là một trong những nét đẹp, nét độc đáo về văn hóa truyền thống của người Êđê. Sau khi hai<br />
bên trai gái đã giao ước hôn nhân, hai gia đình sẽ gặp nhau để bàn về việc thách cưới do nhà trai<br />
đưa ra. Thông thường mức thách cưới được đưa ra rất cao. Đồ thách cưới thường gồm: Trâu, bò,<br />
chiêng, ché rượu cần, ngày nay có thêm vàng. . . Nếu nhà trai và nhà gái đã thống nhất, họ sẽ cùng<br />
nhau chọn ngày lành tháng tốt để đưa cô gái về sống tại nhà của chàng trai một thời gian để thử<br />
thách. Trong trường hợp nếu cô gái không thể trả được lễ vật do nhà trai thách cưới thì cô gái phải<br />
ở lại làm việc cho gia đình chàng trai cho đến khi hết nợ thì lúc đó cô gái mới có quyền rước chồng<br />
đem về nhà của mình. Đến thời điểm này thì người con gái đó mới có quyền làm lễ gọi người con<br />
trai là chồng. Trong trường hợp người con gái không thể trả hết nợ thì phải đến và ở luôn bên nhà<br />
chồng. Có những trường hợp vì đồ thách cưới của nhà trai rất cao nên đôi trai gái để cho có con rồi<br />
mới làm lễ cưới sau.<br />
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ đồ thách cưới, gia đình bên nhà gái sẽ đem qua trao cho trao<br />
cho gia đình bên nhà trai và xin được cưới chàng trai, nghĩa là làm lễ để người con gái gọi người<br />
con trai là chồng. Ngoài đồ thách cưới, gia đình nhà gái còn phải mang sang nhà trai ba lễ vật bắt<br />
buộc phải có để trả công cho mẹ chồng đã nuôi chồng khôn lớn: Đó là một cái chén bằng đồng để<br />
trả công ơn mẹ chồng đã tắm cho chồng khi còn nhỏ bằng thau đồng. Tám vòng bằng đồng tượng<br />
trưng tám lễ cúng trong chu kì sống của một cuộc đời con người trước khi đi lập gia đình với người<br />
khác. Một cái chăn để trả công ơn cho mẹ chồng đã địu người chồng lúc chồng còn nhỏ. Ngoài ba<br />
lễ vật nêu trên còn có nhiều vòng đồng đeo tay khác để phát cho các thành viên của gia đình bên<br />
nhà chồng.<br />
Khi tiễn người con trai theo người con gái về gia đình bên gái làm chồng, gia đình nhà trai<br />
đem theo một ché rượu cần và một con heo. Trên đường về nhà gái, chú rể được tặng nhiều vòng<br />
đeo tay bằng đồng, như là lời cam kết thủy chung với người vợ của mình. Trong nghi lễ này, khi<br />
chủ nhà và khách đã ổn định vị trí xong, mọi người tiến hành nghi lễ cúng cho người mẹ chồng<br />
một ché rượu và một con heo. Xong thì thực hiện nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ vật thường gồm<br />
năm ché rượu cần và và một con heo. Một Đăm Đei lấy máu của con vật của bên nhà trai hiến đem<br />
bôi lên chân cho đôi vợ chồng mới cưới và kèm theo lời chúc cho đôi nam nữ hai miếng cơm cùng<br />
với ba sừng rượu. Sau đó người phụ nữ trưởng họ của bên gia đình nhà gái đại diện cho hai bên gia<br />
đình trao vòng đeo tay bằng đồng cho đôi vợ chồng chạm tay vào và nhắc nhở hai vợ chồng phải<br />
101<br />
<br />
Mai Trọng An Vinh<br />
<br />
chung thủy. Cuối cùng là những người khách tham dự lần lượt đi qua mặt của hai vợ chồng kèm<br />
theo những lời chúc tụng và tặng quà cho họ.<br />
<br />
2.2.2. Chế độ mẫu hệ của người Êđê qua kiến trúc nhà dài<br />
Chế độ mẫu hệ của người Êđê còn in đậm trong kiến trúc và trang trí nghệ thuật của ngôi<br />
nhà dài. Nhà dài của người Êđê là một công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc mang hình thù của<br />
một con thuyền dài. Kiến trúc nhà dài sáng tạo ra nhằm thích ứng với môi trường tự nhiên khắc<br />
nghiệt, giúp con người tránh thú dữ và thiên tai, đem lại sự an toàn cho các thành viên sống trong<br />
căn nhà đó. Nhà dài cũng là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa mang đậm tính cộng đồng<br />
của người Êđê. Nhà dài được làm từ gỗ và tre nứa, cỏ tranh. Nhà dài thường được làm theo hướng<br />
Bắc Nam, cầu thang thì nằm ở hai đầu hồi nhằm tránh được gió Đông Bắc khi mùa khô đến và<br />
tránh gió Tây Nam khi mùa mưa về. Nếu chiếu theo chiều dọc thì không gian của nhà dài gồm hai<br />
phần, từ cửa chính của căn nhà bước vào là một phần tương đối rộng, gọi là Gah, được dùng làm<br />
nơi tiếp khách và sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình. Đó cũng là nơi cúng thần linh,<br />
nơi được đặt nhiều đồ vật quý trong gia đình. Trong Gah còn có bếp dành để nấu ăn mỗi khi có<br />
nghi lễ dành cho người con trai và người con gái thỉnh thoảng ngồi chuyện trò với nhau. Phần kế<br />
tiếp Gah gọi là Ôk, ngăn cách nhau bởi các cây cột có khắc hình ảnh. Gầm ghế Kpan cạnh cột phía<br />
tây thường là nơi đặt cồng chiêng. Khác với các dân tộc khác, người phụ nữ Êđê cũng đánh cồng<br />
chiêng. Tiếng cồng chiêng là tiếng lòng, là khát vọng tình yêu mãnh liệt, là những buồn vui day<br />
dứt trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ Êđê. Sát ngay vách phía sau hàng cột là nơi để dãy ché<br />
rượu. Không gian Ôk là những buồng ngủ dành cho từng cặp vợ chồng được ngăn bằng những tấm<br />
phên sắp xếp theo trình tự từ con cả cho đến con út trong gia đình. Khi nằm ngủ, người Êđê thường<br />
quay đầu về hướng đông. Nhà dài bắt buộc phải có hai cầu thang đi lên, đó được gọi là cầu thang<br />
Đực và cầu thang Cái. Cầu thang Cái được đặt ngay ở trước căn nhà dài được dùng cho khách của<br />
gia đình và đàn ông, con trai sử dụng. Cầu thang Đực nằm khuất ở phía sau căn nhà được dùng<br />
cho người đàn bà, con gái sử dụng. Cầu thang có hình dáng của một chiếc thuyền đang lướt sóng,<br />
nên phía đầu của cầu thang thường được làm cong lên và trên cầu thang được chạm khắc hình<br />
ảnh vành trăng non và đôi bầu vú của người phụ nữ. Quan niệm của người Êđê là vành trăng non<br />
tượng trưng cho sự chung thủy của con người, còn đôi bầu vú được tượng trưng cho truyền thống<br />
mẫu hệ. Các bậc thang luôn lấy theo số lẻ, cụ thể là từ năm đến bảy bậc thang. Người Êđê quan<br />
niệm rằng, số chẵn là con số của ma quỷ, còn số lẻ là con số của con người. Nếu trong trường hợp<br />
một căn nhà dài nào đó trong buôn làng có cầu thang Cái bị lật ngược lại thì gia đình đó đang có<br />
chuyện buồn phiền và không tiếp khách. Nhà dài của người Êđê phải do một phụ nữ trong gia đình<br />
làm chủ. Trong mỗi căn nhà dài thường có từ 3 đến 9 cặp vợ chồng sinh sống. Từ xưa kia mỗi nhà<br />
dài thường có chiều dài trên 100 mét. Nhưng ngày nay chiều dài phổ biến thường chỉ từ 25 đến 30<br />
mét. Dưới mái nhà dài là không gian diễn xướng cồng chiêng, không gian lễ hội, không gian hát<br />
kể sử thi, không gian dệt thổ cẩm, không gian sinh hoạt mang tính cộng đồng. Kiến trúc và những<br />
đường nét trang trí đã mang lại vẻ đẹp rất riêng đặc sắc cho cộng đồng người Êđê. Nhà dài là ngôi<br />
nhà lớn của một đại gia đình và là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Êđê. Trong gia đình<br />
người Êđê, người chủ trong gia đình luôn là người phụ nữ lớn tuổi nhất. Họ có trong tay gần như<br />
tất cả các quyền trong gia đình, như: quyền quản lí, quyền đưa ra mọi quyết định trong gia đình,<br />
là người sắp xếp mọi công việc sinh hoạt hằng ngày cho tất cả các thành viên khác trong gia đình.<br />
Con cái sinh ra thì được lấy theo họ của người mẹ. Trong những ngôi nhà dài của người Êđê, họa<br />
tiết trang trí chủ đạo chính thường là đôi bầu sữa của người mẹ. Hình ảnh đôi bầu sữa còn xuất<br />
hiện ở cầu thang và những cột chính trong căn nhà dài. Đôi bầu sữa của người mẹ chính là hình<br />
ảnh tượng trưng rõ nét nhất cho chế độ mẫu hệ của người Êđê, nó còn thể hiện rõ quyền lực của<br />
người phụ nữ trong mỗi gia đình người Êđê. Hình ảnh đó còn được tượng trưng cho sự sinh sôi nảy<br />
102<br />
<br />
Chế độ mẫu hệ - nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người Êđê ở Buôn Ma Thuột<br />
<br />
nở của con người và còn tượng trưng cho cả tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa của họ. Trong<br />
các tác phẩm hội họa, điêu khắc, người Êđê cũng không quá chú trọng vào sự tinh xảo, tỉ mỉ, cầu<br />
kì mà họ thể hiện một cách đơn giản mang tính chân thực, nên tạo ra một vẻ đẹp độc đáo rất riêng<br />
trong văn hóa của dân tộc họ. Cầu thang ở phía sau nhà (cầu thang Đực), chỉ có phụ nữ mới được<br />
sử dụng. Cầu thang đặt ở phía sau nhà không có nghĩa là lối đi này không quan trọng, mà là để<br />
giúp cho người phụ nữ thuận tiện cho hoạt động nấu nướng và những hoạt động lao động khác khi<br />
mà những vật dụng sinh hoạt trong gia đình và gian bếp chính của gia đình thường được đặt ngay ở<br />
phía cuối của căn nhà dài. Bên cạnh đó người phụ nữ vẫn có thể lên xuống căn nhà dài bằng chiếc<br />
cầu thang phía trước nhà (cầu thang Cái) với tư cách như là một vị khách của gia đình. Ngoài ra<br />
trong nhà dài của mỗi gia đình Êđê còn có tấm phản bằng gỗ dành riêng cho ông bà chủ trong nhà<br />
(tấm phản chủ) Tấm phản được đặt ngay chính giữa căn nhà sát bên cạnh cột chính (cột chủ), điều<br />
đó thể hiện rất rõ uy quyền tối cao của người phụ nữ đối với gia đình mình. Thông thường những<br />
thành viên khác trong gia đình không được phép ngồi, nằm trên tấm phản đó.<br />
Vào những dịp có tổ chức lễ hội hoặc có nghi lễ, người Êđê thường đem những ché rượu<br />
cần bày ra ở gian phòng khách (gọi là Gah) của căn nhà. Nhưng điều đáng lưu ý là trong nghi thức<br />
uống rượu cần vào những dịp này, người phụ nữ chủ của gia đình là người luôn luôn cầm cần rượu<br />
cần uống những ngụm đầu tiên, sau đó đến những người phụ nữ còn lại, cuối cùng mới đến những<br />
người đàn ông.<br />
<br />
2.2.3. Chế độ mẫu hệ của người Êđê qua biểu tượng bến nước<br />
Từ xa xưa, người Êđê đã coi trọng nguồn nước, bởi họ quan niệm nước đem lại sự sống. Bến<br />
nước là một nét văn hóa độc đáo đặc sắc của người Êđê ở Buôn Ma Thuột. Trước khi lập một buôn<br />
làng mới, họ cử người có uy tín trong dòng họ (thường là người đàn bà đứng đầu dòng họ) đi tìm<br />
bến nước. Những tiêu chuẩn để được chọn làm bến nước thì phải đạt được những tiêu chí cơ bản<br />
là: Nguồn nước phải trong, dòng nước phải dồi dào không bao giờ khô cạn, phải gắn với khu rừng<br />
nguyên sinh nhằm đem lại nguồn sống cho cả cộng đồng trong buôn làng, phải có một khoảng đất<br />
rộng lớn nằm ở hướng tây buôn làng để làm khu nhà mồ cho người trong buôn làng, phải có khu<br />
đất cao ráo và bằng phẳng để thành lập buôn và cuối cùng là phải có đất đai màu mỡ để dùng làm<br />
nương rẫy phục vụ cho đời sống của cộng đồng người sống trong buôn làng. Khi đã hội tụ đủ các<br />
yếu tố nêu trên thì người đàn bà có vị trí là trưởng tộc trong dòng họ sẽ quyết định di dời con cháu<br />
đến vùng đất này để lập buôn làng mới. Tên của buôn làng thường được lấy tên người đã có công<br />
tìm ra bến nước đó. Người tìm ra bến nước được mọi người gọi là chủ bến nước (Pô Pin Êa), đồng<br />
thời là cũng là chủ buôn, chủ rừng, chủ đất. Chủ bến nước mang tính gia truyền. Nếu bà chủ bến<br />
nước qua đời thì con gái út (người thừa kế tài sản gia đình mẫu hệ), rồi tiếp đến cháu, chắt là nữ<br />
thuộc họ bên phía mẹ tiếp tục được làm chủ bến nước. Theo tập quán, hằng năm sau mùa rẫy, các<br />
buôn làng Êđê thường làm vệ sinh bến nước, thay lại máng nước và tổ chức lễ cúng bến nước để tạ<br />
ơn thần linh; thông qua đó mà giáo dục con cháu về ý thức bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước. Chủ<br />
nhân của bến nước là người có quyền hoàn toàn quyết định cho người khác ngoài dòng họ được<br />
định cư tại buôn làng mình, quyền quyết định cấp đất làm nhà ở, cấp đất để làm rẫy, cấp đất chôn<br />
cất người đã qua đời. . . Hàng năm sau mùa rẫy, người chủ bến nước cho tổ chức lễ cúng bến nước,<br />
theo quan niệm của họ là để tạ ơn thần nước (Yang êa) và các vị thần linh đã giúp cho dân trong<br />
buôn làng có được nguồn nước để sinh hoạt và để phục vụ cho nông nghiệp, bên cạnh đó họ cũng<br />
cầu mong các vị thần linh luôn giúp đỡ buôn làng trong mùa canh tác mới sẽ có nguồn nước vô<br />
tận. Người con gái út trong gia đình được hưởng quyền thừa kế tài sản, thừa kế luôn chức danh chủ<br />
bến nước sau khi, người mẹ qua đời.<br />
Có thể nhận thấy, tập tục mẫu hệ biểu hiện khá phong phú, sinh động trong các giá trị văn<br />
103<br />
<br />