intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

5
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luật Thương mại năm 2005 đã tạo ra cơ sở pháp lý về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng nói chung và phạt vi phạm hợp đồng nói riêng. Bài viết phân tích quy định của Luật Thương mại 2005 về phạt vi phạm hợp đồng. Trên cơ sở so sánh với pháp luật một số nước và tham khảo các chuẩn mực quốc tế về áp dụng chế tài phạt vi phạm, tác giả đề xuất hoàn thiện các quy định của Luật thương mại 2005 về phạt vi phạm hợp đồng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chế tài phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại

  1. CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG TRONG THƯƠNG MẠI Lê Văn Dũng 1 1. Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một TÓM TẮT Luật Thương mại năm 2005 đã tạo ra cơ sở pháp lý về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng nói chung và phạt vi phạm hợp đồng nói riêng. Bài viết phân tích quy định của Luật Thương mại 2005 về phạt vi phạm hợp đồng. Trên cơ sở so sánh với pháp luật một số nước và tham khảo các chuẩn mực quốc tế về áp dụng chế tài phạt vi phạm, tác giả đề xuất hoàn thiện các quy định của Luật thương mại 2005 về phạt vi phạm hợp đồng. Từ khóa: Chế tài, hợp đồng, phạt vi phạm, xử lý vi phạm hợp đồng. 1. QUY ĐỊNH VỀ PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI Hiện nay, trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về phạt vi phạm hợp đồng. (i) Trong hệ thống luật các nước theo truyền thống Civil Law, phạt vi phạm được hiểu là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đồng thời còn là chế tài của hợp đồng mang tính chất là trách nhiệm dân sự của bên vi phạm hợp đồng đối với bên có quyền. Đại diện cho trường phái Civil Law, Bộ luật Dân sự Pháp quy định nghĩa: “Điều khoản phạt vi phạm là điều khoản theo đó, để đảm bảo thực hiện hợp đồng, một bên cam kết làm một việc nào đó trong trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng”1; đồng thời tại Điều 1229 Bộ luật Dân sự Pháp quy định “phạt vi phạm là sự đền bù thiệt hại do việc không thực hiện chính gây ra cho người có quyền”. (ii) Ngược lại, Hệ thống pháp luật Anh- Mỹ không thừa nhận phạt vi phạm là một chế tài trong thương mại. Cụ thể, học thuyết của luật hợp đồng Anh - Mỹ cho rằng, các biện pháp bảo vệ pháp lý trong lĩnh vực dân sự chỉ có thể mang tính chất đền bù mà không có tính chất dự phạt hoặc trừng phạt bên vi phạm nghĩa vụ. Vì vậy, những thỏa thuận giữa các bên về những khoản tiền mang tính chất dự phạt sẽ bị bác bỏ hoặc không được công nhận. Nói cách khác, khi có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bên có quyền không có quyền đòi phạt vi phạm mà chỉ được bồi thường hoặc những thiệt hại xảy ra hoặc những loại thiệt hại được ấn định trước hay được tính trước với điều kiện những thiệt hại được ấn định trước hay được tính trước đó phải hợp lý, tức là phải tương xứng với thiệt hại dự kiến hoặc thiệt hại thực tế xảy ra2; (iii) Công ước Viên 1980 về mua ban hàng hóa quốc tế (CISG-United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods)3 không thừa nhận Phạt vi phạm là một biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng. Hiên nay, CISG là một trong những Điêù ước quốc tế quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế, với sự tham gia của nhiều quốc gia có nền kinh lớn đến từ nhiều trường phái luật khác nhau, như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc… Mục đích của CISG là hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Tuy nhiên, do sự khác biệt về quan điểm giữa các nước theo trường phái Civil law và Common law nên Phạt vi phạm không được công nhận như những biện pháp xử lý (chế tài thương mại) đối với các hành vi vi phạm hợp đồng trong CISG4. 1 Điều 1226 Bộ luật Dân sự Pháp 2 Hoàng Thanh Giang (2021), Hoàn thiện pháp luật về Phạt vi phạm hợp đồng, Tạp chí Công Thương, Số 28, tháng 12. 3 Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) và chính thức ban hành năm 1980, có hiệu lực năm 1988. 4 Theo Mục III, Chương 2 từ điều 45 đến điều 52 quy định về “Các biện pháp pháp lý trong trường hợp bên bán vi phạm hợp đồng”; Mục IV, Chương 3 từ điều 61 đến điều 63 về “Các biện pháp pháp lý trong trường hợp bên mua vi phạm 276
  2. Ở Việt Nam, có sự thay đổi về quan điểm Phạt vi phạm của các nhà lập pháp. Bộ luật Dân sự 1995, Phạt vi phạm được coi “là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được áp dụng theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên có quyền bị vi phạm.1 Tuy nhiên, để thể hiện đúng bản chất của Phạt vi phạm cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015, đã phủ nhận quan điểm Phạt vi phạm là một biện pháp bảo đảm mà quy định Phạt vi phạm là một trong những nội dung của hợp đồng, theo đó “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”2. Trong lĩnh vực thương mại, các nhà làm luật cũng có sự thay đổi quan điểm từ việc coi Phạt vi phạm là một chế tài luật định chuyển sang Phạt vi phạm là một chế tài thỏa thuận. Cụ thể, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, Trong những trường hợp cụ thể, mặc dù không có sự thỏa thuận trong hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng trả cho mình một khoản tiền phạt theo khung mà pháp luật đã quy định sẵn.3 Luật Thương mại 2005 định nghĩa Phạt vi phạm “là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”4. Điều này, đồng nghĩa với việc Phạt vi phạm là một chế tài vật chất phát sinh trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Như vậy, Phạt vi phạm hợp đồng được hiểu là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đồng thời là một chế tài thể hiện trách nhiệm vật chất của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm và chỉ được áp dụng khi có sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, Luật Thương mại Việt Nam hiện hành vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu và hoàn thiện. 2. MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG 2.1. Thời điểm thỏa thuận Phạt vi phạm hợp đồng Luật Thương mại 2005, chưa xác định cụ thể thời điểm thỏa thuận Phạt vi phạm. Theo Điều 300 Luật Thương mại 2005, “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận…”. Như vậy, yếu tố “có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng” là điều kiện tiên quyết trong việc áp dụng chế tài này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thỏa thuận vào thời điểm nào: tại thời điểm giao kết hợp đồng, trong quá trình thực hiện hợp đồng hay trước khi xảy ra hành vi vi phạm? Điều 300 Luật Thương mại 2005, chỉ quy định “có thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng”. Tuy nhiên, thông qua phụ lục hợp đồng, việc thỏa thuận của các bên trong hợp đồng có thể diễn ra ở nhiều thời điểm khác nhau, tại thời điểm giao kết hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Bởi lẽ, Phụ lục hợp đồng là một bộ phận không tách rời hợp đồng, có giá trị pháp lý như hợp đồng và được xác lập tại nhiều thời điểm khác nhau.5 Có quan điểm cho rằng “thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng phải tồn tại vào thời điểm bên bị vi phạm đưa ra yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và không nhất thiết phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra. Chế tài phạt vi phạm là một chế tài thỏa thuận. Do đó, cần tôn trọng thỏa thuận và ý chí của các bên. Khi xảy ra hành vi vi phạm nhưng các bên vẫn thỏa thuận được về việc phạt vi phạm hợp đồng”; Chương V về nghĩa vụ chung cho cả người bán và người mua, CISG chỉ công nhân bốn loại chế tài: (i) buộc thực hiện hợp đồng; (ii) tạm ngừng thực hiện hợp đồng; (iii) hủy thực hiện hợp đồng; (iv) bồi thường thiệt hại. 1 Điều 377 Bộ luật Dân sự năm 1995. 2 Khoản 1 Điều 418 Bộ luật Dân sự năm 2015. 3 Điều 37 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, “Bên nào đã ký hợp đồng kinh tế mà không thực hiện thì bị phạt vi phạm hợp đồng ở mức cao nhất của khung phạt theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại do việc không thực hiện hợp đồng gây ra”. 4 Điều 300 Luật Thương mại năm 2005. 5 Điều 403 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “(1). Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng. (2). Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”. 277
  3. đồng nghĩa với việc hai bên đã thống nhất được một ý kiến chung và ý kiến đó cần được tôn trọng.”1 Tác giả, thừa nhận rằng, chế tài Phạt vi phạm là chế tài thỏa thuận. Tuy nhiên, khi xét về chức năng, ngoài chức năng trừng phạt, chế tài phạt vi phạm còn có chức năng răng đe cũng như khuyến khích sự tự giác tuân thủ hợp đồng. Nếu xác lập thỏa thuận Phạt vi phạm sau khi đã xác lập hợp đồng hoặc sau khi có hành vi vi phạm hợp đồng thì chức năng của chế tài này chỉ mang tính chất trừng phạt, đây là điều mà hệ thống pháp luật Anh- Mỹ không chấp nhận. Mặc khác, nếu Phạt vi phạm được thỏa thuận khi bên bị vi phạm muốn áp dụng thì có thể là một công cụ sinh lợi bất chính do cac bên cố tình tạo ra, như trong hợp đồng tín dụng thay vì thỏa thuận tăng lãi suất vượt trần trái luật, các bên thỏa thuận phạt vi phạm; hay có sự đồng thuận giữa các bên về phạt vi phạm để trốn thuế… Vì vậy, theo tác giả bên cạnh tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, chế tài phạt vi phạm nên là điều khoản cụ thể, tồn tại cùng thời điểm giao kết hợp đồng. Để làm được điều này, Luật Thương mại 2005 cần sử đổi Điều 300 như sau: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”. 2.2. Mức phạt vi phạm hợp đồng Luật Thương mại 2005 quy định về giới hạn mức phạt không phù hợp với thực tiễn nền kinh tế thị trường. Điều 301 Luật Thương mại 2005, “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”. Khoản 1 Điều 266 Luật Thương mại 2005 “Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.” Luật thương mại 2005, tồn tại hai mức phạt theo thỏa thuận: (i) không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định, trong trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình; (ii) không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm đối với các trường hợp còn lại. Việc khống chế mức phạt vi phạt được giải thích hợp lý trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trong đó các bên ký kết hợp đồng đều là các đơn vị kinh tế quốc doanh hoặc tập thể nhằm thực hiện các chỉ tiêu pháp lệnh được giao cho. Nên tuân thủ hợp đồng không chỉ là nghĩa vụ hợp đồng mà còn là nghĩa vụ của các bên đối với nhà nước. Do đó, việc giới hạn mức phạt vi phạm là chế tài luật định. Khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường thì chế tài phạt vi phạm luật định tỏ ra không còn phù hợp, bởi vậy Luật Thương mại 1997, 2005 đều quy định phạt vi phạm là chế tài thỏa thuận. Tuy nghiên, cả hai luật này đều giữ quy định về khống chế mức phạt (giới hạn mức phạt).2 Mức phạt vi phạm không thống nhất giữa Luật chung- luật riêng và trái với thông lệ quốc tế. Luật Thương mại 2005 giới hạn mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trong khi đó Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014 quy định “Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khác.”; khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân Sự 2015, quy định “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận…”. Pháp luật của Cộng hòa Pháp và các nước Châu Âu không quy định giới hạn mức phạt vi phạm hợp đồng mà chấp nhận sự thỏa thuận về mức phạt hợp đồng của các bên trên cơ sở có sự giám sát sự hợp lý của Tòa án. Cụ thể, ĐiỀu 1226 Bộ luật Dân sự Pháp quy định “Điều khoản phạt vi phạm là điều khoản theo đó, để đảm bảo thực hiện hợp đồng, một bên cam kết làm một việc nào đó trong trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng”; Điều 1152 quy định“Tòa án có thể, thậm chí là mặc nhiên ra quyết định tăng hoặc giảm mức tiền phạt vi phạm đã thỏa thuận nếu khoản tiền theo thỏa thuận đó rõ ràng là quá 1 Trần Linh Huân & nnk (2022), Phạt vi phạm trong hoạt động thương mại một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật, truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/phat-vi-pham-trong-hoat-dong-thuong-mai-mot-so-bat-cap-va-giai-phap-hoan- thien-phap-luat5881.html 2 Hoàng Thế Liên (2009), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005. Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia, tr.265- 266. 278
  4. cao hoặc quá thấp. Mọi điều khoản trái lại coi như vô hiệu”; Bộ nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng không quy định về giới hạn mức phạt và cho phép sự can thiệp của Tòa án, Điều 9.509: “Mặc dù đã tồn tại thỏa thuận bất kỳ về mức đền bù, tuy nhiên khoản đền bù có thể bị giảm xuống ở một mức hợp lý, nếu khoản đền bù này quá lớn hơn so với mức thiệt hại phát sinh từ việc không thực hiện đúng theo hợp đồng”. Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế cũng có quy định tương tự “Mặc dù có thỏa thuận khác, khoản tiền đền bù có thể giảm một cách hợp lý nếu nó quá mức so với thiệt hại gây ra do việc không thực hiện hợp đồng và do hoàn cảnh khác.”1 Như vậy, Luật Thương mại 2005 quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng là không phù hợp với quy định của luật chung (Bộ luật dân sự 2015), Luật riêng (Luật xây dựng 2014) và Thông lệ quốc tế (Pháp luật Pháp…). Một trong những hệ quả của quy định giới hạn mức phạt vi phạm là sự bất cân xứng quyền lợi giữa các bên trong hợp đồng. Cụ thể trong các hợp đồng có một bên là thương nhân và bên còn lại không là thương nhân. Theo quy định của Luật Thương mại, chủ thể không là thương nhân có quyền lựa chọn Luật Thương mại hoặc Luật Dân sự2, điều này dẫn đến sự bất lợi cho bên chủ thể là Thương nhân. Ví dụ: Cá nhân Ông A mua một chiếc xe ô tô của Công ty trách nhiệm hữu hạn B (Công ty B), theo đó hai bên thỏa thuận mức phạt vi phạm hợp đồng là 12% trên phần nghĩa vụ vi phạm. Gỉa sử, trong trường hợp ông A vi phạm nghĩa vụ của mình, Theo Điều 1 Luật Thương mại 2005, ông A được quyền chọn Luật để giải quyết, trong trường hợp này ông A chọn Luật Thương mại để giải quyết, theo đó Công ty B chỉ có quyền yêu cầu ông A trả cho mình phần tiện phạt không quá vượt quá 8% nghĩa vụ vi phạm mặt dù cả hai bên đã tự nguyện thỏa thuận mức phạt 12% nghĩa vụ vụ vi phạm. Ngược lại, trường hợp công ty B vi phạm nghĩa vụ, ông A chọn Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết, điều đượng nhiên là B phải nộp cho A một khoản tiền tương ứng mức phạt vi phạm mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể là 12%. Mặt khác, cho đến thời điểm hiện nay, cơ sở để quy định mức trần phạt vi phạm là 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm, 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm hay 10 lần thù lao dịch vụ giám định cho còn là một ẩn số, chưa có bất kỳ một giải trình về con số này. Điều này tạo ra sự khó khăn trong việc thỏa thuận xác lập hợp đồng của các bên, cũng như lúng túng trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Để giải quyết những bất cập này, hiện nay các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giải pháp: (i) Theo nhóm nghiên cứu Trương Nhật Quang và Phạm Hoài Huấn, cho rằng nên áp dụng nguyên tắc Luật chung- Luật riêng trong việc chọn Luật ưu tiên áp dụng “Luật Xây dựng 2014 và Luật Thương mại 2005 đều có quy định về mức phạt vi phạm tối đa và các quy định này không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, trong trường hợp này, quy định của Luật Xây dựng 2014 và Luật Thương mại 2005 về mức phạt vi phạm tối đa đối với các hợp đồng chịu sự điều chỉnh tương ứng của Luật Xây dựng 2014 và Luật Thương mại 2005 sẽ được ưu tiên áp dụng so với Bộ luật Dân sự 2015.”3; (ii) Theo Trần Linh Huân và Nguyễn Phước Thạnh, Luật Thương mại“không nên quy định giới hạn của mức phạt vi phạm mà nên để các bên tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, nên xem xét quy định về sự can thiệp nhất định của Tòa án trong trường hợp mức phạt quá cao hay quá thấp. Vấn đề này có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Theo đó, pháp luật của các quốc gia này cho phép cơ quan tài phán can thiệp vào mức phạt vi phạm.”4 1 Khoản 2, Điều 7.4.13, Unidroit 2004. 2 Khoản 3 Điều 1 Luật Thương mại năm 2005, về phạm vi điều chỉnh của LTM 2005, “Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này.” 3 Trương Nhật Quang & nnk (2019), Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 24 (400) Tháng 12, Tr.5. 4 Trần Linh Huân & nnk (2022), Phạt vi phạm trong hoạt động thương mại một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật, truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/phat-vi-pham-trong-hoat-dong-thuong-mai-mot-so-bat-cap-va-giai-phap-hoan- thien-phap-luat5881.html 279
  5. Tuy nhiên, (i) đối với giải pháp áp dụng nguyên tắc Luật chung- Luật riêng là không sai, nhưng không giải thích được tại sao áp dụng giới hạn mức phạt cụ thể đó, hay nói cách khác căn cứ vào đâu để xây dựng giới hạn mức phạ nếu muốn duy trì giới hạn mức phạt và áp dụng dụng luật theo nguyên tắc Luật chung- Luật riêng; (ii) đối với đề xuất loại bỏ mức trần phạt, xem xét quy định về sự can thiệp nhất định của Tòa án trong trường hợp mức phạt quá cao hay quá thấp, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cần xem xét: thứ nhất, vi phạm nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên; thứ hai, hạn chế tính răn đe, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và các thỏa thuận trong hợp đồng; thứ ba, mặc dù nhiều nước trên thế cho phép sự can thiệp của Tòa án trong việc xác định mức phạt khi đã có sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, theo tác giả, sự can thiệp đó đã xâm phạm đến nguyên tắc Pacta Sunt Servanda- tuân thủ các thỏa thuận, và phát sinh tiêu cực do sự lạm quyền từ Thẩm phán được phân công giải quyết tranh chấp, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ... Theo tác giả, Điều 301 Luật Thương mại 2005 cần sửa đổi theo hướng bỏ mức giới hạn phạt vi phạm, cụ thể “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.” Điều này hoàn toàn phù hợp với bản chất phạt vi phạm là một chế tài thỏa thuận. Tùy thuộc vào sự uy tín của đối tác, mức độ tin tưởng lẫn nhau, các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận mức phạt nhất định trong trường hợp phát sinh vi phạm hợp đồng. 3. KẾT LUẬN Luật Thương mại 2005 đã tạo ra một hành lang pháp lý về các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, để phù hợp với nền kinh tế thị trường cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật Thương mại 2005 cần sửa đổi một số nội dung liên quan đến phạt vi phạm hợp đồng theo hướng (i) xác định thời điểm tồn tại của chế tài phạt vi phạm là tại thời điểm giao kết hợp đồng; (ii) tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, bãi bỏ quy định giới hạn mức phạt vi phạm. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đỗ Văn Đại (2010), Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia. 2. Hoàng Thanh Giang (2021), Hoàn thiện pháp luật về Phạt vi phạm hợp đồng, Tạp chí Công Thương, Số 28, tháng 12. 3. Nguyễn Minh Hằng (2010), Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, NXB Tư pháp. 4. Trần Linh Huân & nnk (2022), Phạt vi phạm trong hoạt động thương mại một số bất cập và giải pháp hoàn thiện pháp luật, truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/phat-vi-pham-trong-hoat-dong-thuong-mai-mot- so-bat-cap-va-giai-phap-hoan-thien-phap-luat5881.html. 5. Hoàng Thế Liên (2009), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2005. Tập 2, NXB Chính trị Quốc gia. 6. Trương Nhật Quang & nnk (2019), Phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 24 (400) Tháng 12, Tr.5. 7. Nguyễn Thế Đức Tâm (2017), Chế tài phạt vi phạm hợp đồng dưới góc độ kinh tế học pháp luật, Tòa án nhân dân, Số 23. 280
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1