JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0050<br />
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 3-9<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ MỞ RA CON ĐƯỜNG<br />
GIẢI PHÓNG CHO CÁC DÂN TỘC BỊ NÔ DỊCH<br />
<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
<br />
Tóm tắt. Bài viết nêu rõ chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra con đường giải phóng cho<br />
các dân tộc bị áp bức. Chiến thắng đã chứng minh các dân tộc thuộc địa dù nhỏ bé nhưng<br />
biết đoàn kết, với đường lối đúng đắn,. . . có thể đánh bại được chủ nghĩa thực dân; Điện<br />
Biện Phủ không chỉ chỉ ra con đường giải phóng mà còn tiếp sức cho các dân tộc thuộc địa<br />
trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Từ cuối năm 1954, một cao trào giải phóng dân tộc đã<br />
bùng nổ mạnh mẽ và giành thắng lợi do tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ.<br />
Từ khóa: Chiến thắng Điện Biên Phủ, các dân tộc bị áp bức, giải phóng, thuộc địa, chủ<br />
nghĩa thực dân.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Bàn về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với thế giới, đặc biệt là đối với phong<br />
trào giải phóng dân tộc đã có khá nhiều bài viết ở các góc độ và cách tiếp cận khác nhau, chúng<br />
tôi xin dẫn ra một số bài tiêu biểu sau đây: Các tác giả Phan Ngọc Liên và Đỗ Thanh Bình với<br />
bài Ảnh hưởng và tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với phong trào giải phóng dân tộc<br />
đăng trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1 năm 1984. Một năm sau, vào năm 1985, bài Điện Biên<br />
Phủ và phong trào giải dan tộc ở các nước Bắc Phi thuộc Pháp của Võ Kim Cương công bố trong<br />
tuyển tập Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do Nxb Khoa học Xã hội ấn hành, Hà<br />
Nội, 1985. Đến năm 2004 lại có một số bài viết đề cập đến vấn đề này, trong đó phải kể đến các<br />
bài viết của Đại tá Hán Văn Tâm: Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối phong trào giải<br />
phóng dân tộc, của Đỗ Thanh Bình với bài Chiến thắng Điện Biên Phủ - sự kiện thay đổi dòng<br />
lịch sử,. . . Các bài viết này chủ yếu tập trung vào một chủ đề về những ảnh hưởng và tác động của<br />
chiến thắng Điện Biên Phủ tới cuộc đấu tranh chống thực dân cũ của các dân tộc bị áp bức trên thế<br />
giới, trước hết là các dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ latinh. Những tác động này thể<br />
hiện rõ nhất là ở sự nêu gương và cổ vũ của chiến thắng đối với các dân tộc thuộc địa.<br />
Trong bài báo này, chúng tôi tập trung vào làm rõ Chiến thắng Điện Biên Phủ nêu một tấm<br />
gương cho các nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc: Một nước đất không rộng, người không<br />
đông nhưng biết đoàn kết, có đường lối đấu tranh đúng đắn,. . . có thể đánh bại được một đế quốc<br />
lớn. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ không chỉ vạch ra con đường giải phóng<br />
cho các dân tộc thuộc địa mà còn “tiếp sức”cho cuộc đấu tranh chống thực dân của các dân tộc đó.<br />
Đồng thời bài báo cũng chỉ ra thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc thế giới do chiến thắng<br />
Điện Biên Phủ mở ra.<br />
<br />
Ngày nhận bài: 15/7/2015 Ngày nhận đăng: 10/11/2015<br />
Liên hệ: Đỗ Thanh Bình, e-mail: dothanhbinh1951@yahoo.com<br />
<br />
<br />
<br />
3<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến<br />
chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập,<br />
toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này không chỉ bảo vệ được thành quả cách<br />
mạng mà nhân dân ta giành được từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, không chỉ là mốc vàng lịch<br />
sử trong cuộc đấu tranh giữ nước của Việt Nam, mà ý nghĩa của nó còn vượt ra khỏi biên giới quốc<br />
gia, mang tầm quốc tế, trước hết là đối với các dân tộc đang đấu tranh chống lại ách thực dân, đế<br />
quốc. Khẳng định điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt<br />
Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hòa bình dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế<br />
giới” [1;771]. Trước hết, nó là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức, nó đã mở ra con đường<br />
giải phóng cho các dân tộc bị thực dân nô dịch.<br />
<br />
2.1. Các dân tộc thuộc địa có thể đánh bại được chủ nghĩa thực dân<br />
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (1945), chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quân phiệt - bộ<br />
phận cực đoan nhất của nghĩa đế quốc bị thất bại. Bản thân các nước phương Tây - những nước có<br />
nhiều thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh - trong thời kì chiến tranh bị các nước<br />
phát xít giáng cho những đòn chí mạng không những ở chính quốc mà ngay cả ở các thuộc địa của<br />
họ, do đó các nước này không còn giữ được thuộc địa và bị suy yếu nghiêm trọng sau Chiến tranh<br />
thế giới thứ hai. Nói chung, “Những năm đầu sau chiến tranh,... hầu hết các nước tư bản thắng lợi<br />
hay bại trận đều bị suy yếu kiệt quệ” [2;5]. Đây là điều kiện khách quan thuận lợi cho sự vùng<br />
lên giành độc lập của các dân tộc thuộc địa, bởi “một khoảng trống quyền lực”đã xuất hiện. Tận<br />
dụng thời cơ này, một số nước đã tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, tuyên bố độc lập (như<br />
Việt Nam, Inđônêxia, Lào,...), trong khi đó nhiều nước đang tiến hành chiến tranh giải phóng để<br />
tiến tới nền độc lập. Tuy nhiên, thời cơ thuận lợi do chiến thắng chủ nghĩa phát xít tạo ra, nhanh<br />
chóng qua đi. Từ cuối năm 1945- đầu năm 1946 trở đi, các thực dân phương Tây đều quay trở lại<br />
tái chiếm thuộc địa bằng cách sử dụng “chính sách pháo hạm ”đàn áp các dân tộc đang đấu tranh<br />
giành và bảo vệ độc lập, tự do, trong đó, thực dân Pháp là một ví dụ điển hình. Nhiều nước ở châu<br />
Á, châu Phi bị thực dân phương Tây nô dịch trở lại, các cuộc kháng cự bị quân đội thực dân núp<br />
dưới danh nghĩa lực lượng Đồng minh đàn áp, tiền đồ của cuộc đấu tranh giành độc lập trở nên<br />
mờ mịt, người dân có nguy cơ tiếp tục trở lại kiếp nô lệ. Khu vực Đông Nam Á là một minh chứng<br />
cho tình trạng này.<br />
Ở Philippin, đạo quân dân tộc HUKBALAHAP tiến hành cuộc kháng chiến chống quân<br />
phiệt Nhật, đã giải phóng hai phần ba lãnh thổ trước khi quân Mỹ dưới danh nghĩa Đồng minh<br />
đổ bộ vào đất nước này. Lãnh trách nhiệm đánh bại quân Nhật ở Philippin, tháng 1- 1945, quân<br />
Mỹ với một lượng lượng mạnh, vũ khi tối tân [3;245-246] dưới sự chỉ huy của tướng Mác Áctơ<br />
vào nước này, nhưng lại đàn áp phong trào kháng chiến HUKBALAHAP, chứ không phải giúp họ<br />
chống Nhật.<br />
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Miến Điện và Mã Lai. Với khẩu hiệu “Miến Điện của<br />
người Miến Điện”, nhà cách mạng Aung San đã lãnh đạo quân vệ quốc Miến giải phóng phần lớn<br />
đất nước vào tháng 5 - 1945. Nhưng sau đó quân Anh đã tràn vào và thi hành chính sách chia rẽ<br />
dân tộc, lãnh tụ Aung San bị sát hại (7 - 1947), mặc dù sau đó, Anh phải thừa nhận nền độc lập<br />
của Miến Điện để xoa dịu phong trào đấu tranh chống Anh.<br />
Cũng giống như ở Miến Điện, trước khi Nhật đầu hàng Đồng minh, quân du kích Mã Lai<br />
đã giải phóng hầu hết bán đảo, chỉ còn lại một số thành phố do quân Nhật chiếm giữ. Sau khi Nhật<br />
đầu hàng Đồng minh, thực dân Anh đã tiến vào Mã Lai, dùng các biện pháp trấn áp, chia rẽ các<br />
cộng đồng dân tộc ở bán đảo này bằng cuộc chiến tranh kéo dài 12 năm, lập lại nền thống trị thực<br />
dân ở đây.<br />
<br />
4<br />
Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị nô dịch<br />
<br />
<br />
Phong trào dân tộc Inđônêxia cũng giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống Nhật<br />
với việc ngày 17 - 8 - 1945, nước này tuyên bố độc lập và thành lập nước cộng hòa. Tuy nhiên, Anh<br />
và Mỹ đã hỗ trợ cho thực dân Hà Lan vào Inđônêxia “lập lại trật tự cũ”. Cuộc chiến đấu chống Hà<br />
Lan diễn ra quyết liệt. Với ưu thế về lực lượng và vũ khí, thực dân Hà Lan đã đánh chiếm được<br />
nhiều vùng rộng lớn của nước cộng hòa non trẻ. Thậm chí bằng cuộc tập kích ngày 19- 12- 1948,<br />
toàn bộ chính quyền Xucácnô - Hatta bị thực dân Hà Lan bắt, sau một năm mới được thả ra, nền<br />
độc lập được thừa nhận, nhưng vùngTây Irian của nước này vẫn chưa được thu hồi.<br />
Đối với các nước Đông Dương, từ cuối năm 1945, đầu năm 1946, thực dân Pháp xâm lược<br />
trở lại. Ngày 9 - 10 - 1945, Pháp cho một đại đội nhảy dù xuống Phnômpênh, bắt sống Sơn Ngọc<br />
Thành và các thành viên Chính phủ Campuchia. Triều đình nhanh chóng quy thuận và kí Hiệp<br />
định với Pháp (4 - 1946) chấp nhận sự thống trị trở lại của Pháp.<br />
Trong khoảng thời gian này (3 - 1946), thực dân Pháp cũng đưa quân tái chiếm Lào. Sau<br />
khi Thà Khẹt thất thủ, Chính phủ cách mạng lâm thời phải lưu vong sang Băng Cốc (Thái Lan).<br />
Vua Lào Xixavang khôi phục lại ngai vàng và đưa Hoàng tử Vatthana lên làm thủ tướng của Chính<br />
phủ thân Pháp.<br />
Trước đó ở Việt Nam, ngày 2 - 9 - 1945, trong khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít<br />
tinh chào mừng “Ngày độc lập”, thực dân Pháp đã xả súng vào những người dự mít tinh, làm 47<br />
người chết, nhiều người bị thương. Đêm 22 rạng sáng 23 - 9 1945, được sự giúp đỡ của quân Anh,<br />
thực dân Pháp đã đưa quân đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan lực lượng tự vệ<br />
thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Đến cuối năm 1946,<br />
Pháp mở rộng qui mô xâm lược ra cả nước Việt Nam.<br />
Tình hình châu Phi cũng bi đát không kém. Sau khi phát xít Đức và Italia bị đánh bật ra<br />
khỏi lục địa đen này, các nước thực dân phương Tây lập tức khôi phục lại địa vị của mình ở đây và<br />
thẳng tay đàn áp phong trào dân tộc của các nước. Trường hợp Angiêri đã nói lên điều đó. Giữa lúc<br />
nhân dân nước này đang hoan hỉ trước thất bại của chủ nghĩa phát xít và hi vọng về một tương lai<br />
mới của mình, thì ngày 8- 5- 1945, thực dân Pháp cho quân đội và cánh sát tàn sát hơn 45000 thanh<br />
niên ở Côngxtăngtinnoa (Constantinois),miền Đông Angiêri [4;169]. Tiếp đó, hai cuộc vùng dậy<br />
của người dân Angiêri những năm 1948 và 1951 cũng bị đàn áp đẫm máu [4;170].<br />
Ở bên kia Tây bán cầu xa xôi, cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Batixta thân Mỹ, giành<br />
tự do dân chủ do Phiđen Caxtrô lãnh đạo cũng đang trong thời kì hết sức khó khăn.<br />
Nhìn chung, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước thực dân đều quay trở lại xâm lược<br />
các nước vốn trước đây là thuộc địa của mình sau khi các nước phát xít bị đánh bại, thủ tiêu nền<br />
độc lập, tự do và những thành quả cách mạng mà nhân dân các nước Á, Phi đã giành được từ tay<br />
các nước phát xít. Họ mưu toan thiết lập lại ách thống trị thực dân như trước đây đối với các dân<br />
tộc. Tất cả các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập hoặc giữ những thành quả cách mạng của nhân<br />
dân Á, Phi và Mỹ Latinh đều bị thực dân phương Tây đàn áp. Cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập<br />
và giải phóng đất nước của nhân dân Á, Phi, Mỹ latinh đang rơi vào bế tắc.<br />
Trong bối cảnh một dân tộc nhỏ, chưa có đủ lực lượng vật chất, với vũ khí thô sơ, phải đối<br />
mặt với một đội quân thực dân đông đảo, chính qui, được trang bị vũ khí hiện đại,không từ bỏ một<br />
thủ đoạn nào để đạt được mục đích,... thì một câu hỏi lớn của thời đại được đặt ra trước các dân<br />
tộc bị áp bức: Liệu họ có thể đánh bại dược chủ nghĩa thực dân cũ hay không và làm thế nào để<br />
đánh bại được chúng?<br />
Chính trong bối cảnh ấy, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân Việt nam<br />
mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi đã trở thành đáp án cho câu hỏi đó: “Một<br />
dân tộc dù nhỏ, khi đã đoàn kết đứng dậy theo một đường lối đúng đắn, kiên quyết chiến đấu cho<br />
độc lập và tự do, thì có đầy đủ và có khả năng để chiến thắng đội quân xâm lược của bọn đế quốc,<br />
thực dân hung hãn nhất. Chiến tranh xâm lược của đế quốc, thực dân nhất định thất bại, cách mạng<br />
<br />
5<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
<br />
<br />
giải phóng dân tộc của các dân tộc nhất định thành công” [5;311-312]. Chiến thắng Điện Biên Phủ<br />
đã mở ra cho các dân tộc bị đế quốc, thực dân đô hộ con đường tiến lên giành độc lập [4;176].<br />
Trước chiến thắng Điện Biên Phủ có một thực tế là thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc như<br />
một hệ thống hoàn chỉnh với một chuỗi các mắt xích móc nối liên hoàn các thuộc địa với nhau.<br />
Nhân dân Á, Phi và Mỹ latinh khó có thể thay đổi được thân phận nô lệ của mình, các cuộc vùng<br />
dậy, tháo bỏ xiềng xích đều không thành công, các con đường đấu tranh họ tự vạch ra đều đi vào<br />
ngõ cụt, bế tắc. Thế nhưng Điện Biên Phủ đã làm thay đổi tất cả. Điện Biên Phủ đã chặt đứt khâu<br />
yếu nhất trong chuỗi mắt xích nô lệ đó và kéo theo sự tan rã của hệ thống thuộc địa ở khắp nơi<br />
mà chính quyền thực dân không thể nào ngăn cản được. Đúng như nhận xét của Tổng Bí thư đảng<br />
Cộng sản Angiêri – Lascbi Buhali: Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam “đã điểm<br />
tiếng chuông báo giờ chết của chủ nghĩa thực dân Pháp không những ở Việt Nam mà cả ở bộ phận<br />
còn lại của khối thuộc địa của nó” [5;327]. Điện Biên Phủ không chỉ trở thành “một trong những<br />
trận giao chiến đã thay đổi số phận của thế giới” [6], mà còn “Đánh dấu một chặng đường mới trên<br />
con đường giải phóng của các dân tộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ” [7;726]. Nó là “bóng ma” ám<br />
ảnh các nước thực dân, bởi “Nếu để mất Đông Dương tất sẽ nhanh chóng kéo theo một cuộc vùng<br />
dậy ở Bắc Phi” [5;327] và nhiều nơi khác khi mà ở đó còn chế độ thực dân.<br />
<br />
2.2. Điện Biên Phủ đã chỉ ra con đường giải phóng và tiếp sức cho các dân tộc<br />
thuộc địa<br />
Từ sau năm 1945, các cuộc đấu tranh chống ách thực dân, giải phóng dân tộc của nhân dân<br />
các nước Á, Phi, Mỹ latinh diễn ra quyết liệt, gây cho các nước thực dân những tổn thất không nhỏ.<br />
Mặc dù tổn thất, nhưng chính quyền thực dân cũng không chịu nhượng bộ, để rồi trao trả nền độc<br />
lập cho các dân tộc. Trong bối cảnh ấy, chiến thắng của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ đã<br />
chỉ ra cho các dân tộc rằng để buộc chính phủ thực dân ngồi vào đàm phán và kí hiệp định công<br />
nhận nền độc lập của các dân tộc thuộc địa, thì các dân tộc ấy phải giáng cho quân đội thực dân, đế<br />
quốc những đòn quyết định như Điện Biên Phủ. Đồng thời, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng cảnh<br />
báo chính quyền thực dân rằng, họ đừng bao giờ có ảo tưởng duy trì nền thống trị đối với một dân<br />
tộc mà dân tộc ấy luôn mong mỏi hòa bình, độc lập, tự do và không bao giờ cam chịu sống kiếp<br />
ngựa trâu.<br />
Mong muốn độc lập, tự do, nhưng các dân tộc thuộc địa không bao giờ muốn chọn con<br />
đường chiến tranh, vì con đường ấy sẽ dẫn đến tổn thất, họ luôn hướng tới con đường hòa bình,<br />
thông qua đàm phán để đạt được nền độc lập. Tuy nhiên, trong thực tế tiến trình cuộc đấu tranh<br />
đòi độc lập của các dân tộc thuộc địa, kẻ thù đã buộc họ phải cầm vũ khí khi những thỏa thuận hòa<br />
bình bị kẻ thù đơn phương xé bỏ. Trường hợp Việt Nam là một ví dụ điển hình.<br />
Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam một lần<br />
nữa, Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được, nhưng<br />
bằng con đường hòa bình. Việt Nam đã tận dụng và tranh thủ mọi cơ hội hòa bình, tránh một cuộc<br />
chiến tranh với Pháp. Để làm điều đó, Chính phủ Việt Nam đã nhân nhượng Pháp bằng việc kí<br />
Hiệp định sơ bộ ngày 6 - 3 - 1946, sau đó là Tạm ước ngày 14 - 9 - 1946. Sự nhân nhượng đó là có<br />
nguyên tắc và cuối cùng: Nền độc lập phải được giữ vững, toàn vẹn lãnh thổ phải được bảo đảm,<br />
nhân dân phải được sống trong tự do,. . . Nhưng đến cuối năm 1946, thực dân Pháp mở rộng xâm<br />
lược ra toàn bộ nước Việt Nam, họ đã chọn con đường chiến tranh, họ đã buộc nhân dân Việt Nam<br />
phải cầm vũ khí. Vào năm 1953, khi ưu thế trên chiến trường đang có lợi cho Việt Nam, nhưng Chủ<br />
tịch Hồ Chí Minh đại diện cho nhân dân Việt Nam vẫn mong muốn giải quyết mối quan hệ Pháp<br />
– Việt bằng giải pháp hòa bình. Thông qua nhà báo Thụy Điển, Người thể hiện lập trường: Nếu<br />
Chính phủ Pháp muốn giải quyết cuộc xung đột này bằng biện pháp hòa bình thì phía Việt Nam<br />
sẵn sàng. Tuy nhiên, thực dân Pháp với đội quân khổng lồ, quyết chọn biện pháp quân sự hòng đè<br />
<br />
<br />
6<br />
Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị nô dịch<br />
<br />
<br />
bẹp ý chí của dân tộc Việt Nam, buộc Việt Nam phải kí hiệp định với những nội dung có lợi cho<br />
họ. Không còn con đường nào khác, nhân dân Việt Nam buộc phải tiếp tục cuộc kháng chiến và<br />
cuối cùng làm nên trận Điện Biên Phủ. Thất bại đau đớn ở Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp mới<br />
chấp nhận ngồi vào đàm phán và kí Hiệp định Giơnevơ, công nhận nền độc lập, tự do và toàn vẹn<br />
lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân đội về nước.<br />
Sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Việt Nam tiếp tục khẳng<br />
định lại giá trị của bài học Điện Biên Phủ (1954). Để buộc Mỹ hải kí Hiệp định Paris vào đầu năm<br />
1973 với những thỏa thuận trước đó, công nhận nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của<br />
Việt Nam,. . . nhân dân Việt Nam cũng đã phải làm “một Điện Biên Phủ” - “trận Điện Biên Phủ<br />
trên không” vào cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng.<br />
Điện Biên Phủ đã trở thành động từ trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc đang đấu tranh cho<br />
tự do. Đó là “dienbienfuer” có nghĩa là đánh cho kẻ địch không còn mảnh giáp như Việt Nam đã<br />
từng đánh Pháp ở Điện Biên Phủ. Sau này, trong những trận đánh lớn của quân giải phóng Angiêri<br />
chống thực dân Pháp được họ gọi là những trận “Điện Biên Phủ” và kiểu đánh đánh tập trung tiêu<br />
diệt một bộ phận lớn sinh lực đối phương đều mang tên “kiểu đánh Điện Biên Phủ” [8;60].<br />
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiếp cho nhân dân thuộc địa một sức mạnh tinh thần, lòng<br />
dũng cảm, ý chí kiên cường trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Là bộ phận của cuộc<br />
đấu tranh giải phóng dân tộc thế giới, chiến thắng của nhân dân Việt Nam, của các chiến sĩ ở Điện<br />
Biên Phủ “đã tác động sâu sắc tới không những tinh thần của nhân dân tất cả các nước bị áp bức,<br />
mà còn của toàn nhân loại” [9;60].Chiến thắng đó “đã gây niềm phấn khởi sâu sắc nhất trong trái<br />
tim của nhân dân Marôc. . . cũng như trái tim của nhân dân châu Phi và toàn thể những người bị<br />
áp bức” [4;174]. Trong một trận đánh không cân sức ở khu rừng Tơlemxem, các chiến sĩ Angiêri<br />
đã hô vang một mệnh lệnh xung trận: “Điện Biên Phủ! Điện Biên Phủ- Angiêri!” và họ đã phá tan<br />
vòng vây của quân Pháp, bảo toàn lực lượng. Cũng từ đây từ “Anma” (nghĩa là “Tiến lên”) được<br />
thay bằng từ “Điện Biên Phủ”trong các cuộc chiến đấu.<br />
Không chỉ tiếp sức cho nhân dân thuộc địa bằng sức mạnh tinh thần,. . . mà Điện Biên Phủ<br />
còn củng cố niềm tin của các dân tộc này vào thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa<br />
của mình [10;221]. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là “ngọn roi làm thức tỉnh các dân tộc<br />
thuộc địa” [4;173] mà nó còn “làm tăng gấp bội nhiệt tình và lòng tin tưởng của những người đã<br />
lao vào cuộc chiến đấu” [4;174].<br />
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đem lại những bài học, những kinh nghiệm hay cổ<br />
vũ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa chống thực dân, mà cuộc chiến đấu của Quân đội<br />
nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống<br />
thực dân Pháp nói chung đã góp phần bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sĩ tiên phong trong cuộc<br />
đấu tranh này, trước hết là ở châu Phi. Những người lính châu Phi (như ở Angiêri, Marốc, Mali,<br />
Tuynidi,. . . ) trong quân đội Pháp bị đưa sang chiến trường Đông Dương, họ trực tiếp giáp trận với<br />
các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, thậm chí nhiều người trong số họ bị bắt làm tù binh<br />
ở chiến trường Việt Nam, ở Điện Biên Phủ, họ đã mục kích được tinh thần chiến đấu dũng cảm,<br />
mưu trí, nắm bắt được kinh nghiệm chiến đấu của các chiến sĩ Việt Nam. Những người lính này<br />
khi được hồi hương họ liền trở thành những chiến sĩ nòng cốt và tiên phong đấu tranh chống lại<br />
quân đội thực dân ở nước mình. Như ông Mađâyra Câyta, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước<br />
Cộng hòa Mali sang thăm Việt Nam (10 - 1961), khẳng định: “Những đồng bào của chúng tôi bị<br />
bọn thực dân Pháp mang sang đây, sau khi được tiếp xúc với các chiến sĩ Việt Nam trong các trại<br />
tù binh và hiểu rõ các đồng chí, đã giác ngộ về hoàn cảnh của mình. Vì thế mà số đông những<br />
đồng bào của chúng tôi, khi về nước đã đứng cạnh các đồng chí trong cuộc đấu tranh chống chủ<br />
nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc” [4;176].<br />
<br />
<br />
<br />
7<br />
Đỗ Thanh Bình<br />
<br />
<br />
2.3. Phong trào giải phóng dân tộc thế giới sau chiến thắng Điện Biên Phủ<br />
Hệ thống thuộc địa của thực dân Anh và Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn lớn nhất.<br />
Các thuộc địa của Anh bao gồm khoảng 60 vùng lãnh thổ và đảo với diện tích 30 triệu km2 và<br />
1151 triệu dân (tức là chiếm 1/4 dân số thế giới tính đến cuối năm 1980). Trong khi ấy, diện tích<br />
thuộc địa của thực dân Pháp là 12,5 triệu km2 với 130 triệu dân (con số của năm 1980), trong đó<br />
có tới 9/10 thuộc địa của Pháp ở châu Phi bao gồm 32 lãnh thổ. So với diện tích thuộc địa ở châu<br />
Phi, Đông Dương nhỏ hơn nhiều nhưng lại là thuộc địa nền móng của thực dân Pháp. Các nước<br />
thực dân khác, như Hà Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,... có ít thuộc địa hơn.<br />
Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là chiến<br />
dịch Điện Biên Phủ và thắng lợi của nó đã tác động vào hai đối tượng chủ yếu trên thế giới: Chính<br />
quyền các nước thực dân và các dân tộc bị áp bức. Xét cho cùng, cả hai tác động đó đều góp phần<br />
cởi trói các dân tộc thuộc địa khỏi gông cùm nô lệ ở những mứ độ khác nhau. Trước hết, chiến<br />
thắng Điện Biên Phủ đã buộc các chính phủ thực dân phải thay đổi chính sách thuộc địa để tránh<br />
phải đối mặt cuộc nổi dậy của các dân tộc để rồi “nhận một Điện Biên Phủ” giống như Chính phủ<br />
Pháp đã chuốc lấy ở Việt Nam.<br />
Để giữ lại các thuộc địa, lại tránh được sự phản kháng của người dân mà hậu quả của nó<br />
là những “Điện Biên Phủ” như ở Việt Nam, thực dân Anh đã khôn khéo lập ra Khối thịnh vượng<br />
chung và sớm cho một số nước thuộc địa được hưởng quyền tự trị hoặc độc lập nằm trong khuôn<br />
khổ Khối thịnh vượng chung, như Ấn Độ, Pakixtan, Xu Đăng, Gana,. . .<br />
Còn thực dân Pháp, sau Điện Biên Phủ, tuy vẫn cố bám lấy thuộc địa, nhưng cũng không<br />
thể thống trị giống như trước kia được nữa. Từ Liên hiệp Pháp (Union Francaise) trước năm 1954,<br />
đến năm 1958, được thay bằng Cộng đồng Pháp (Communaute Francaise) với qui chế tôn trọng<br />
quyền của các dân tộc và quyền tự trị cao hơn. Sau đó, trước phong trào đấu tranh giải phóng dân<br />
tộc lên cao, Pháp buộc phải công bố “Quyền tự trị” hoặc trao trả độc lập cho nhiều nước châu Phi,<br />
trước tiên là các nước Bắc Phi (như Tuynidi, Ma rốc)<br />
Đối với các dân tộc bị áp bức bởi chủ nghĩa thực dân, Điện Biên Phủ đã đột phá một lỗ hổng<br />
rất to cho các dân tộc naỳ trong cuộc đấu tranh để đi tới độc lập và tự do. Và các dân tộc đó “đến<br />
lượt mình lại giáng thêm những đòn chết điếng vào chủ nghĩa đế quốc” (T.B.Đen, đại biểu công<br />
đoàn Ghinê). Cuộc chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ đã dẫn tới một<br />
“phản ứng dây chuyền” chống thực dân trong các nước thuộc địa. Một cao trào giải phóng dân tộc<br />
sau Điện Biên Phủ đã bùng lên.<br />
Từ năm 1945 đến trước chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), phong trào giải phóng dân tộc<br />
trên thế giới chưa phát triển mạnh mẽ và đều khắp. Nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân còn bị<br />
dìm trong bể máu bởi chính sách vũ lực của đội quân xâm lược. Nhưng từ sau Chiến thắng Điện<br />
Biên Phủ, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc thế giới dâng cao bởi sự khích lệ, cổ vũ của<br />
chiến thắng này. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, trước hết là những “sân sau” của Pháp<br />
nối tiếp nhau sụp đổ. “Lời tiên đoán trước đây của Thống chế Đơlat là nếu để mất Đông Dương tất<br />
cả sẽ nhanh chóng kéo theo một cuộc vùng dậy ở Bắc Phi, đã được chứng minh cụ thể” [11;21].<br />
Trước hết, chính quyền thuộc địa của ở Angiêri phải đối mặt với cuộc kháng chiến của nhân<br />
dân nước này, bởi “chưa đầy sáu tháng sau (sau Điện Biên Phủ - ĐTB), nhân dân Angiêri đã nổi<br />
dậy” [11;21]. Nối tiếp cuộc chiến đấu của nhân dân Angiêri là những cuộc vùng lên của các dân<br />
tộc khác ở Á, Phi, Mỹ Latinh. Có thể thấy “Khắp nơi ở châu Phi từ Angiêri đến Marốc, từ Công<br />
Gô đến Nigiêria, cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc đã được tấm gương Điện Biên Phủ cổ vũ”<br />
[12]. Các quốc gia giành độc lập nối tiếp nhau ra đời. Nếu như giai đoạn từ năm 1945 đến trước<br />
chiến thắng Điện Biên Phủ mới chỉ có khoảng 20 nước Á, Phi, Mỹ latinh giành được độc lập, thì<br />
giai đoạn từ năm 1954 đến cuối những năm 60 của thế kỉ XX có khoảng 40 quốc gia thoát khỏi<br />
<br />
<br />
8<br />
Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị nô dịch<br />
<br />
<br />
ách thực dân. Phần lớn các nước giành được độc lập này ở châu Phi và trong khoảng 40 quốc gia<br />
đó thì có 32 nước là thuộc địa của Pháp. Trong giai đoạn từ đầu những năm 70 trở về sau, hệ thống<br />
thuộc địa của chủ nghĩa thực dân tiếp nối tiếp nhau tan rã và nó hoàn toàn bị thanh toán vào những<br />
năm cuối cùng của thế kỉ XX.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Một trong những sự kiện quan trọng hàng đầu, để lại dấu ấn sâu đậm trong thế kỉ XX là các<br />
dân tộc thuộc địa đã hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách thực dân, hệ thống thuộc địa<br />
của chủ nghĩa thực dân từng tồn tại trong 5 thế kỉ đã bị thanh toán. Chiến thắng Điện Biên Phủ<br />
là một dấu mốc trọng đại không chỉ của dân tộc việt Nam mà còn là mốc vàng lịch sử trong cuộc<br />
đấu tranh thoát khỏi ách nô lệ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Nó đã góp phần không nhỏ<br />
cùng cuộc đấu tranh của nhân dân Á, Phi và Mỹ latinh kết liễu chế độ thực dân – vết nhơ của lịch<br />
sử nhân loại.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
[1] 1960. Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb Sự thật, Hà Nội.<br />
[2] Nguyễn Quốc Hùng, 1999. Quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay (1945<br />
– 1996). Nxb Giáo dục, Hà Nội.<br />
[3] Đubinxki, 1972. Viễn Đông trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nxb Khoa học Matxcova.<br />
[4] Bùi Đình Thanh, Ngô Tiến Chất, 1963. Âm mưu của đế quốc Pháp – Mỹ trong chiến dịch Điện<br />
Biên Phủ. Nxb Sử học, Hà Nội<br />
[5] Tiếng sấm Điện Biên Phủ. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1974.<br />
[6] Tạp chí Người quan sát mới (Pháp) ngày 8 – 4 – 1983.<br />
[7] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lí thời đại. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà<br />
Nội, 2004.<br />
[8] Angiêri kháng chiến, Hà Nội, 1960 .<br />
[9] Thế giới bàn về Việt Nam, tập 2, Hà Nội, 1978.<br />
[10] Võ Nguyên Giáp, 2001. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.<br />
[11] J. Lanien, 1957. Tấn bi kịch Đông Dương. Paris.<br />
[12] CH. Haroche, 1978. Hậu quả quốc tế của chiến thắng. Sưu tập chuyên đề: Thế giới bàn về<br />
Việt Nam, tập III. Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
The Dien Bien Phu victory unfolded a path of emancipation for oppressed nations<br />
In this paper it is shown that the Dien Bien Phu victory has unfolded a path of emancipation<br />
for oppressed nations: the victory has proved that small colonies can triumph over colonialism<br />
if they act together and under a correct policy. Dien Bien Phu not only enlightened the<br />
liberation path, it also supported and gave strength to colonial people everywhere in their struggle<br />
for independence. Since the end of 1954, a tremendous wave of revolutionary movement for<br />
independence burst forth pervasively and successfully thanks to the impact of the Dien Bien Phu<br />
victory.<br />
Keywords: Dien Bien Phu victory, oppressed nations, emancipation, colony, colonialism.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
9<br />