52(4): 27 - 29<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
4 - 2009<br />
<br />
CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VÙNG: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ<br />
VÀ HƯỚNG VẬN DỤNG Ở VIỆT NAM<br />
Nguyễn Xuân Trường (Đại học Thái Nguyên)<br />
<br />
Tóm tắt<br />
Trong bài báo tác giả đề cập đến các vấn đề sau đây: 1) Tầm quan trọng của vấn đề tổ chức không gian<br />
lãnh thổ quốc gia và vai trò của nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý điều tiết phát triển lãnh<br />
thổ; 2) Bước đầu đề cập đến khái niệm chính sách vùng, bản chất của chính sách vùng; 3) Các phương<br />
hướng thực hiện chính sách vùng trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam; 4) Các công cụ điều tiết phát<br />
triển vùng ở Việt Nam theo quan niệm chính sách vùng. Từ cách tiếp cận và phân tích chính sách vùng, tác<br />
giả đưa ra một số khuyến nghị trong việc thực hiện chính sách này trong điều kiện kinh tế thị trường và hội<br />
nhập của Việt Nam hiện nay.<br />
1. Vấn đề tổ chức không gian lãnh thổ và điều<br />
tiết phát triển vùng của đất nước luôn nhận được<br />
sự quan tâm của bất kỳ nhà nước nào trên thế giới.<br />
Ở Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa trước<br />
đây, điều tiết phát triển vùng là một trong những<br />
phân hệ quan trọng nhất của quy hoạch và quản lý<br />
nhà nước. Trong các nước có nền kinh tế thị<br />
trường phát triển (Bắc Mỹ, Tây Âu), hệ thống<br />
chính sách điều tiết phát triển vùng của nhà nước<br />
hiện nay đã được hình thành từ trong thời kỳ<br />
khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929 1933, và có hình thức phát triển cao hơn khi nền<br />
kinh tế các nước này bước vào giai đoạn phục hồi<br />
sau chiến tranh thế giới thứ II. Trong vài chục năm<br />
gần đây, hệ thống chính sách điều tiết của nhà<br />
nước phát triển vùng ở các nước châu Á (Đông<br />
Nam Á, Nhật Bản, Trung Quốc…) cũng không<br />
ngừng được hoàn thiện. Sự tích cực hoá hoạt động<br />
này của nhà nước được giải thích bởi lí do, nếu<br />
như không giải quyết được các vấn đề vùng thì<br />
không thể thực hiện được các mục tiêu quốc gia,<br />
cụ thể là: ổn định và phát triển kinh tế, san bằng sự<br />
bất bình đẳng về thu nhập, vấn đề việc làm và cải<br />
thiện chất lượng cuộc sống của dân cư.<br />
2. Cho đến nay, trong các công trình nghiên<br />
cứu của các tác giả trong và ngoài nước có nhiều<br />
cách tiếp cận khác nhau khi xem xét khái niệm về<br />
vùng. Trong khi khái niệm quốc gia là tương đối<br />
rõ ràng và trong tiến trình hội nhập quốc tế, lợi ích<br />
của mỗi quốc gia với tư cách là một chủ thể nghiên<br />
cứu được thể hiện khá rõ thì vấn đề hội nhập giữa<br />
các vùng, đặc biệt là khi phân biệt thành các vùng<br />
<br />
hành chính nhiều khi không thể hiện được các lợi<br />
ích kinh tế tương ứng. Theo Bùi Nhật Quang<br />
(Viện nghiên cứu Châu Âu) có thể xem xét và<br />
phân biệt vùng theo ba góc độ khá riêng biệt bao<br />
gồm: 1) Vùng với tư cách là một thực thể hành<br />
chính; 2) Chủ nghĩa phân vùng được xem xét dưới<br />
góc độ các trào lưu chính trị và trường phái tư<br />
tưởng; 3) Vùng được xem xét dưới góc độ thực<br />
hiện các chính sách phát triển vùng. Ở đây chúng<br />
tôi chú ý đến cách đặt vấn đề theo hướng thứ ba vùng được định nghĩa dưới góc độ là một bộ phận<br />
của lãnh thổ quốc gia với các đặc điểm tự nhiên,<br />
kinh tế - xã hội và trình độ phát triển tương đối<br />
khác biệt và chênh lệch so với các bộ phận lãnh<br />
thổ khác, đòi hỏi quốc gia đó phải thực hiện các<br />
chính sách phát triển vùng với một hệ thống các<br />
công cụ, phương tiện can thiệp khác nhau nhằm<br />
đảm bảo sự gắn kết chung giữa các bộ phận lãnh<br />
thổ này trong một thực thể quốc gia thống nhất. Từ<br />
khái niệm vùng đã được xác định trên, có thể đưa<br />
đến định nghĩa về chính sách vùng - đó là sự phối<br />
hợp hoạt động theo một phương hướng nhất định<br />
với phương thức tiếp cận và cách thức thực hiện<br />
được quy định cụ thể. Các hoạt động này được cơ<br />
quan quản lý Nhà nước các cấp tổ chức, điều phối<br />
thực hiện để đạt tới mực tiêu cuối cùng là tăng<br />
cường khả năng cạnh tranh, tiềm lực kinh tế và đạt<br />
được mức độ tăng trưởng kinh tế cao hơn các lãnh<br />
thổ còn lại của quốc gia [10].<br />
Mục tiêu cơ bản của chính sách vùng là kích<br />
thích sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế đất<br />
nước và phát triển cân bằng giữa các vùng. Mục<br />
<br />
1<br />
<br />
52(4): 22 - 26<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
tiêu cân bằng là hướng tới một sự hài hoà tương<br />
đối giữa các vùng về thụ hưởng phúc lợi xã hội,<br />
thu nhập và cơ hội phát triển của công dân và các<br />
nhóm xã hội. Ngược lại, mục tiêu tăng trưởng<br />
hướng vào việc sử dụng tối ưu tất cả các nguồn lực<br />
và lợi thế của từng vùng để thúc đẩy mức tăng<br />
trưởng của toàn bộ nền kinh tế.<br />
3. Chính sách vùng là một bộ phận quan trọng<br />
của chính sách kinh tế - xã hội quốc gia, là một<br />
nhân tố chủ yếu tạo ra của sự phát triển bền vững<br />
của đất nước. Tuy nhiên, đây là một vấn đề phức<br />
tạp, gắn liền với điều kiện lịch sử, hệ thống và cơ<br />
cấu chính trị, trình độ phát triển kinh tế - xã hội<br />
của một nước. Trên nền chung việc thực hiện<br />
chính sách vùng ở các nước phương Tây, có thể<br />
phân chia làm bốn phương hướng sau:<br />
+ Phương hướng thứ nhất là phát triển các<br />
vùng nông nghiệp lạc hậu, hay theo cách gọi khác<br />
đó là các vùng có vấn đề, vùng đặc biệt khó khăn.<br />
Đặc điểm chung của những vùng này là sự tác<br />
động của cách mạng khoa học và công nghệ còn<br />
rất yếu, sự di cư của một bộ phận dân cư (chủ yếu<br />
là những lao động trẻ) và sự già hoá dân số, mức<br />
độ thất nghiệp cao, sự thiếu nguồn vốn đầu tư. Ví<br />
dụ: miền Nam của Italia rất lạc hậu so với vùng<br />
công nghiệp giàu có phía Bắc. Thuộc về các vùng<br />
như vậy ở Pháp đó là các vùng thuộc khối núi<br />
trung tâm, vùng Tây Bắc, ở Tây Ban Nha là một<br />
vài khu vực ở phía Nam và Trung tâm, ở Anh là<br />
xứ Xcốtlen, ở Mỹ là cao nguyên Côlôrađô,<br />
Arirôna, Niu-Mêxicô… Chính sách vùng đối với<br />
các vùng nói trên là ưu đãi thuế, tổ chức và xây<br />
dựng các quỹ đặc biệt (chẳng hạn như quỹ miền<br />
Nam Italia), nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ<br />
tầng sản xuất và hạ tầng xã hội. Ngoài ra các trung<br />
tâm công nghiệp quy mô lớn đóng vai trò “cực<br />
tăng trưởng” cũng được xây dựng ở những vùng<br />
này. Lần đầu tiên quy chế về xây dựng các “cực<br />
tăng trưởng” được thông qua ở Italia năm 1957<br />
trong khuôn khổ của chính sách vùng, tiếp theo đó<br />
các “cực tăng trưởng” cũng bắt đầu được xây dựng<br />
ở Tây Ban Nha, Pháp và các nước khác. Trong<br />
thời gian gần đây cùng với quá trình công nghiệp<br />
hoá ở các vùng kém phát triển, người ta cũng đã<br />
dành nhiều sự chú ý cho sự phát triển kinh tế nông<br />
nghiệp, du lịch và dịch vụ.<br />
<br />
4 - 2009<br />
<br />
+ Phương hướng thứ hai của chính sách vùng<br />
là làm “sống lại” các vùng đình trệ. Đó là những<br />
vùng công nghiệp cũ với sự phát triển chủ yếu các<br />
ngành công nghiệp khai khoáng (công nghiệp khai<br />
thác than, quặng sắt…), công nghiệp dệt… đã xuất<br />
hiện trong thời kỳ cách mạng công nghiệp thế kỷ<br />
XVIII - XIX. Sự chuyển đổi việc sử dụng nguồn<br />
năng lượng từ than đá sang dầu mỏ và khí đốt<br />
trong thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật hiện<br />
đại, việc thay thế khai thác quặng kim loại địa<br />
phương bằng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, việc<br />
sử dụng sợi nhân tạo thay thế dần sợi tự nhiên<br />
trong công nghiệp dệt đã dẫn tới sự sụp đổ và đình<br />
trệ nền kinh tế của vùng. Hậu quả dẫn đến là<br />
khủng hoảng về mặt xã hội: di dân, khủng hoảng<br />
cơ cấu dân số, thất nghiệp cơ cấu. Vùng Apalatxơ<br />
bao trùm hoàn toàn hay một phần lãnh thổ 13 bang<br />
của Mỹ với dân số gần 20 triệu người là một ví dụ<br />
rõ nhất của vùng đình trệ, bởi vì đây là vùng có bể<br />
than lớn nhất nước Mỹ. Chính sách vùng đối với<br />
các vùng đình trệ còn đuợc thực hiện bằng cách<br />
xây dựng các ngành sản xuất mới và hiện đại, liên<br />
quan chặt chẽ với cuộc cách mạng khoa học kỹ<br />
thuật và vấn đề cơ cấu lại lực lượng lao động.<br />
+ Phương hướng thứ ba của chính sách vùng là<br />
kìm hãm sự tăng trưởng quá mức của các siêu đô<br />
thị lớn, đặc biệt là các thành phố thủ đô. Sự tăng<br />
trưởng quá mức các siêu đô thị diễn ra những năm<br />
60, 70 của thế kỷ XX. Hậu quả của nó là sự ô<br />
nhiễm môi trường thành phố và sự xuống cấp điều<br />
kiện sống, làm trầm trọng tình trạng thiếu nhà ở…<br />
Kết quả là các luồng di dân quy mô lớn của các<br />
tầng lớp trung lưu và thượng lưu từ trung tâm<br />
thành phố ra ngoại ô. Việc kìm hãm sự bùng phát<br />
các siêu đô thị khổng lồ trở nên cấp thiết và là một<br />
nhiệm vụ chủ yếu của chính sách vùng. Điều này<br />
đạt được trước tiên nhờ sự giúp đỡ của việc quy<br />
hoạch vùng và quy hoạch đô thị được áp dụng phổ<br />
biến ở Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản và Canada. Ở<br />
Anh và Pháp người ta đã tiến hành xây dựng các<br />
thành phố “vệ tinh” để giảm tải cho các siêu đô<br />
thị, hoặc người ta tiến hành di chuyển các nhà máy<br />
xí nghiệp lớn ra khỏi các thành phố. Tất nhiên, khi<br />
các nhà máy được di chuyển ra các vùng khác thì<br />
chính phủ các nước này có những chính sách phù<br />
hợp để khuyến khích (giảm thuế thuê đất hoặc<br />
miễn một số loại thuế…)<br />
<br />
23<br />
<br />
52(4): 22 - 26<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
+ Phương hướng thứ tư của chính sách vùng là<br />
tiến hành khai thác tài nguyên ở các lãnh thổ mới<br />
có điều kiện tự nhiên khó khăn. Trước chiến tranh<br />
thế giới lần thứ II các nước Tây Âu, Mỹ và Nhật<br />
Bản có thể dựa vào nguồn nguyên liệu và nhiên<br />
liệu ở các thuộc địa và nửa thuộc địa của mình,<br />
cho nên sự chú ý của họ đến các vùng lãnh thổ xa<br />
xôi của đất nước là rất hạn chế. Sau khi hệ thống<br />
thuộc địa bị sụp đổ, sự quan tâm của các nước<br />
phương Tây đến với các vùng đất mới của mình<br />
tăng lên. Ngoài ra sự cần thiết chuyển hướng phát<br />
triển công nghiệp dựa trên nguồn tài nguyên của<br />
mình để tránh sự lệ thuộc vào bên ngoài đã dẫn<br />
đến việc khai thác mạnh mẽ các vùng đất rộng lớn<br />
(Alaxca của Mỹ, Bắc Canađa, Ôxtrâylia).<br />
Nhìn chung các kết quả việc thực hiện chính<br />
sách vùng của các nước phương Tây còn khá<br />
nhiều hạn chế, sự chênh lệch vùng vẫn còn tồn tại.<br />
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều, nếu như<br />
không có sự thực hiện các chính sách này, nhiều<br />
vùng lãnh thổ ở các nước Tây Âu đã rơi vào tình<br />
trạng đình trệ sâu sắc hơn.<br />
Ở các nước đang phát triển, việc thực hiện<br />
chính sách vùng có những đặc điểm riêng. Đối với<br />
các nước này thì vấn đề “hồi phục” và làm “sống<br />
lại” các vùng công nghiệp đình trệ có tính thời sự<br />
không lớn, nhưng ba phương hướng còn lại vẫn<br />
được coi là khá phổ biến. Đó là sự phát triển các<br />
vùng lạc hậu, trong số đó là sự xuất hiện các công<br />
trường xây dựng mới nhằm tạo ra các “cực tăng<br />
trưởng” (ví dụ như công trình đập thuỷ điện<br />
Aswan ở Ai Cập, Bkhilai ở Ấn Độ), đó là việc kìm<br />
hãm sự tăng trưởng quá mức các siêu đô thị, đó<br />
cũng là vấn đề khai thác tài nguyên ở các vùng<br />
lãnh thổ mới, trong đó vùng Amazôn của Braxin là<br />
một ví dụ rõ nhất. Một vài nước đang phát triển<br />
(Braxin, Pakixtan, Tandania, Nigiêria, Cốt-đivoa..)<br />
đã di chuyển thủ đô của mình từ các vùng ven biển<br />
vào sâu trong nội địa. Một loạt các thay đổi trong<br />
mô hình phát triển kinh tế và sự thu hẹp khu vực<br />
kinh tế nhà nước (ví dụ các nước Châu Mỹ La<br />
tinh) đã không dẫn đến sự thủ tiêu các chương<br />
trình phát triển vùng, mặc dù các hình thức thực<br />
hiện chúng có sự thay đổi.<br />
4. Liên bang Nga đã tích luỹ được khá nhiều<br />
kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách vùng,<br />
nhiều chương trình lớn phát triển vùng đã được<br />
<br />
4 - 2009<br />
<br />
soạn thảo và thực hiện ở Liên Xô cũ, mặc dù sự<br />
thành công của chúng ở mức độ khác nhau. Kế<br />
hoạch GOELRO điện khí hoá toàn Nga là một<br />
minh chứng của sự thành công đó, tiếp theo đó là<br />
các chương trình phát triển Bacu, Nam Vonga,<br />
thảo nguyên Trung Á.... Tuy nhiên, trong thời kỳ<br />
Liên Xô cũ, nói đến khía cạnh chính sách phát<br />
triển vùng người ta thường hay sử dụng thuật ngữ<br />
“Phân bố lực lượng sản xuất”, điều này không phải<br />
là ngẫu nhiên, bởi vì trong những năm 60 - 70 của<br />
thế kỷ XX, nhiệm vụ cơ bản của phát triển vùng<br />
liên quan đến phân bố sản xuất. Chỉ từ giữa những<br />
năm 1970, vấn đề phát triển tổng thể nền kinh tế<br />
vùng bắt đầu được thể hiện trong các văn bản pháp<br />
lý (năm 1975, phương pháp luận quy hoạch tổng<br />
thể các tỉnh, khu vực, khu tự trị của Nga và một<br />
loạt các nước cộng hoà khác được thông qua). Đặc<br />
điểm có tính nguyên tắc chính sách vùng trong<br />
thời kỳ đó là tính chất quốc gia. Nội dung chủ yếu<br />
của nó là thực hiện các nhiệm vụ quốc gia có cân<br />
nhắc đến phân bố các cơ sở tài nguyên và đặc<br />
điểm kinh tế - xã hội các vùng.<br />
Sự khác biệt về bản chất của chính sách vùng<br />
của Liên Xô cũ với các nước kinh tế phát triển<br />
phương Tây là rất rõ. Nguyên nhân của sự khác<br />
biệt này có thể chỉ ra: Thứ nhất, đối với Liên Xô<br />
cũ và nước Nga hiện nay việc sử dụng các nguồn<br />
tài nguyên thiên nhiên giàu có của đất nước là một<br />
phương hướng quan trọng. Vì vậy, các vấn khai<br />
khẩn các vùng đất mới ở phía Bắc và phía Đông<br />
thường xuyên được coi là là một nhiệm vụ cơ bản<br />
của chính sách vùng. Thứ hai, trong điều kiện nền<br />
kinh tế kế hoạch tập trung, vấn đề chênh lệch về<br />
thu nhập của dân cư giữa các nước cộng hoà liên<br />
bang được giải quyết ở cấp độ toàn liên bang<br />
thông qua việc phân phối lại nguồn tài chính là<br />
điều có thể chấp nhận. Thứ ba, sự phân hoá giữa<br />
các vùng không làm ảnh hưởng đến tình hình chính<br />
trị, xã hội đất nước trong điều kiện sự quản lý của<br />
chính quyền trung ương tập trung còn mạnh. Vì<br />
vậy, nhiệm vụ “san bằng trình độ phát triển kinh tế<br />
- xã hội” mang tính chất không hẳn về mặt kinh tế,<br />
mà chủ yếu mang tính chất chính trị liên quan đến<br />
cấp độ các nước cộng hoà liên bang.<br />
Sau khi Liên Xô cũ sụp đổ, mối liên hệ kinh tế<br />
không chỉ giữa các nước cộng hoà ở Liên Xô cũ,<br />
mà ngay cả giữa các chủ thể của Liên bang Nga<br />
cũng bị phá vỡ. Nước Nga trở thành một quốc gia<br />
<br />
24<br />
<br />
52(4): 22 - 26<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
độc lập và bắt đầu tổ chức lại, chuyển đổi nền kinh<br />
tế theo cơ chế thị trường, điều này ảnh hưởng trực<br />
tiếp đến nội dung của chính sách vùng.<br />
Hiện nay chính sách vùng của Liên bang Nga<br />
được thực hiện ở cả cấp độ liên bang, liên vùng,<br />
nội vùng. Tất cả 89 chủ thể liên bang (các nước<br />
cộng hoà, khu tự trị, vùng tự trị, tỉnh….) trở thành<br />
đối tượng hướng đến của các chương trình phát<br />
triển vùng. Từ năm 2000, khi cuộc cải cách hành<br />
chính tận gốc được thực hiện đã hình thành 7 khu<br />
vực liên bang (khu vực Trung tâm, khu Tây Bắc,<br />
khu cận Vonga, khu Nam, khu Uran, khu Xibêri<br />
và Viễn Đông). Năm 2001, chương trình phát triển<br />
vùng đầu tiên “vùng Nam nước Nga” đã được<br />
thông qua, sau đó một số chương trình khác cũng<br />
được triển khai.<br />
5. Ở nước ta hiện nay tuy không có sự tương<br />
phản rõ nét giữa các vùng lớn của đất nước, nhưng<br />
sự phát triển chênh lệch đáng lo ngại nhất chính là<br />
khoảng cách giữa các trung tâm đô thị lớn như<br />
Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà<br />
Nẵng với phần còn lại của đất nước, khoảng cách<br />
về trình độ phát triển giữa khu vực miền Trung với<br />
hai đầu của đất nước (miền Bắc và miền Nam), sự<br />
tụt hậu ngày càng xa hơn của các vùng miền núi,<br />
vùng sâu, vùng xa so với mặt bằng chung của cả<br />
nước. Thành quả của 20 năm đổi mới dường như<br />
mới chỉ thấy rõ nhất ở các khu vực đô thị, các<br />
thành phố lớn mà chưa thực sự thay đổi về chất tại<br />
các vùng nông thôn miền núi khó khăn. Đã có<br />
những khuyến nghị thiện chí từ phía bạn bè quốc<br />
tế và đặc biệt điều này cũng được Chính phủ Việt<br />
Nam quan tâm chú ý. Đã có nhiều chương trình,<br />
chính sách phát triển được thực hiện như chương<br />
trình mục tiêu Quốc gia xoá đói giảm nghèo,<br />
Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc<br />
biệt khó khăn ở miền núi và vùng sâu, vùng xa<br />
(gọi tắt là chương trình 135),… Các công trình<br />
trọng điểm quốc gia cũng có ý nghĩa quan trọng<br />
phát triển vùng: công trình nhà máy thuỷ điện Sơn<br />
La, Na Hang, các công trình thuỷ điện ở Tây<br />
Nguyên, công trình nhà máy lọc dầu Dung Quất,<br />
công trình nhà máy khí - điện - đạm Cà Mau, Phú<br />
Mỹ… Việc hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm<br />
Bắc Bộ, miền Trung và Nam Bộ là một biểu hiện<br />
của chính sách đầu tư có trọng điểm nhằm tạo ra<br />
các đầu tàu kinh tế thúc đẩy nền kinh tế cả nước.<br />
Cho đến nay vẫn chưa có những đánh giá tổng kết<br />
chính thức về chính sách phát triển vùng của Việt<br />
<br />
4 - 2009<br />
<br />
Nam, nhưng có thể nói các nỗ lực của Chính phủ<br />
Việt Nam đã và đang đem lại những chuyển biến<br />
tích cực. Vấn đề đặt ra là các chính sách này cần<br />
phải được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp<br />
với thực tế phát triển của đất nước và xu thế toàn<br />
cầu hoá. Một điều cần chú ý là không thể không<br />
tham khảo kinh nghiệm thực hiện chính sách vùng<br />
của nước ngoài, đặc biệt như các quốc gia đang có<br />
nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế hành chính tập<br />
trung sang cơ chế thị trường.<br />
6. Từ việc nghiên cứu lý luận chính sách và<br />
kinh nghiệm của nước ngoài trong việc soạn thảo<br />
và thực hiện chính sách vùng, thực tiễn phát triển<br />
vùng của Việt Nam, chúng tôi đưa ra một số<br />
khuyến nghị sau:<br />
- Vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng<br />
đối với phát triển vùng. Nước ta đã xây dựng được<br />
một hệ thống chính trị ổn định nhưng hệ thống thể<br />
chế, bộ máy quản lý hành chính, đặc biệt là tại các<br />
địa phương, các vùng kém phát triển còn yếu kém<br />
dẫn đến khả năng quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu<br />
tư còn hạn chế. Nhà nước cần phải xây dựng một bộ<br />
khung pháp lý rõ ràng và thể chế hoá thành một hệ<br />
thống chính sách với tư cách là chính sách trung mô<br />
của quốc gia - chính sách vùng.<br />
- Cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính<br />
quyền trung ương và địa phương trong điều phối<br />
chính sách để các chủ chương chính sách chung của<br />
Trung ương thực sự gắn với các điều kiện cụ thể của<br />
địa phương. Bên cạnh lợi ích quốc gia đặt ở vị trí cao<br />
nhất nhưng không vì thế mà bỏ qua các lợi ích của<br />
địa phương. Các chính sách của nhà nước đối với các<br />
vùng cần phải được thực hiên nhất quán ở tất cả các<br />
địa phương và cần được giám sát thực hiện sát sao,<br />
tránh việc các địa phương tự tiện “phá rào” ảnh<br />
hưởng đến lợi ích toàn cục.<br />
- Phát triển vùng là một quá trình lâu dài và<br />
phức tạp, cho nên cần nhận thức đầy đủ về vị trí<br />
vai trò của công việc này và xây dựng được một<br />
cơ sở lý luận vững chắc thông qua việc bồi dưỡng,<br />
đào tạo cán bộ thuộc các cơ quan xây dựng chính<br />
sách có đủ trình độ, năng lực xây dựng và thực<br />
hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình,<br />
chính sách phát triển vùng;<br />
- Nhà nước cần sớm nghiên cứu mô hình một<br />
cơ quan tổ chức tư vấn phát triển vùng phù hợp.<br />
Vùng không phải là một đơn vị hành chính hay một<br />
khu vực hành chính, đồng thời vùng cũng không<br />
<br />
25<br />
<br />
52(4): 22 - 26<br />
<br />
Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ<br />
<br />
phải là phép cộng đơn thuần của các đơn vị hành<br />
chính. Do vậy, để tăng cường khả năng phối hợp<br />
hoạt động các địa phương trong vùng có thể thành<br />
lập Hội đồng tư vấn phát triển vùng. Ví dụ: ở Pháp<br />
có Hội đồng vùng; còn ở Nga ngoài cơ quan quản<br />
lý nhà nước là Bộ phát triển vùng, trong 7 khu vực<br />
liên bang có cơ quan đại diện của chính quyền trung<br />
ương và người đứng đầu là đại diện toàn quyền của<br />
Tổng thống tại các khu vực liên bang.<br />
- Quy hoạch vùng phải là quy hoạch tổng thể,<br />
các quy hoạch ngành đơn lẻ (quy hoạch hệ thống<br />
giao thông, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch<br />
sử dụng đất…) phải tuân thủ theo quy hoạch tổng<br />
thể, có như vậy mới tránh khỏi lãng phí và sự<br />
chồng chéo trong các quy hoạch. Đặc biệt trong<br />
quy hoạch vùng cần phải đổi mới quan niệm, đó là<br />
cần phải “phá vỡ” ranh giới hành chính, điều này<br />
đã được các cơ quan chức năng chú ý khi quy<br />
hoạch vùng Thủ đô Hà Nội với không gian mở<br />
rộng ra các tỉnh lân cận trong khoảng bán kính từ<br />
50 - 100 km. Tương tự như vậy quy hoạch vùng<br />
Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận<br />
cũng có bán kính lan toả tương tự.<br />
- Để có nguồn vốn hỗ trợ phát triển vùng,<br />
ngoài sự ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước<br />
để xây dựng các công trình hạ tầng lớn, cần phải<br />
huy động cả hệ thống xã hội vào giải quyết vấn đề<br />
này và không loại trừ huy động cả nguồn vốn từ<br />
bên ngoài;<br />
- Trong điều kiện nền kinh tế mở và hội nhập,<br />
hợp tác quốc tế trở thành một nhân tố quan trọng<br />
của sự phát triển, điều này cần thiết phải cân nhắc<br />
khi soạn thảo và thực hiện các chiến lược phát<br />
triển vùng. Các chương trình phát triển có quy mô<br />
quốc tế và khu vực có ảnh hưởng rất lớn lên các<br />
chương trình, dự án phát triển vùng. Ví dụ như:<br />
Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mê<br />
Kông, Dự án đường xuyên Á ở khu vực miền<br />
Trung, dự án hợp tác hành lang phát triển Hải<br />
Phòng - Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc); ngoài<br />
ra còn có những “tam giác” hay “tứ giác” phát<br />
triển ở các nước xung quanh;<br />
- Việt Nam là nước có đến 31 tỉnh và thành<br />
phố trực thuộc Trung ương tiếp giáp với biển, vì<br />
vậy quan niệm kết hợp đất liền - vùng biển - đảo<br />
và quần đảo cần phải trở thành nguyên tắc bắt<br />
buộc cần phải tuân theo khi soạn thảo các chương<br />
trình, dự án phát triển vùng;<br />
- Để tạo ra các tiền đề thuận lợi cho phát triển<br />
nhanh các vùng và giảm sự chênh lệch giữa chúng,<br />
<br />
4 - 2009<br />
<br />
Nhà nước cần lựa chọn các địa điểm đầu tư hợp lý<br />
để xây dựng các trung tâm và các “cực tăng<br />
trưởng” mới ở các vùng còn thiếu vắng hệ thống<br />
đô thị, để từ đó nhờ hiệu ứng “lan toả” sẽ thúc đẩy<br />
phát triển toàn vùng.<br />
Tài liệu tham khảo<br />
[1] Alaev. E.B (1987). Các vấn đề vùng của các nước<br />
tư bản phát triển: khả năng sử dụng kinh nghiệm nước<br />
ngoài. Matxcova, LB Nga (Tiếng Nga).<br />
[2] Artobolepvxki. X.X (1992). Chính sách vùng các<br />
nước phát triển Tây Âu: khía cạnh lí luận, phương pháp<br />
luận và thực tiễn. Tóm tắt luận văn Tiến sĩ địa lí.<br />
Matxcova, LB Nga, (Tiếng Nga).<br />
[3] Burmatova. O.P (2000). Chính sách vùng của Nga.<br />
Hôvôsibiski, LB Nga, (Tiếng Nga).<br />
[4] Butov. V.I (2000). Cơ sở kinh tế vùng. Rôtstốp trên<br />
sông Đông, LB Nga, (Tiếng Nga).<br />
[5] Gladki. Iu.N, Chistabaev.A.I (1998). Cơ sở chính<br />
sách vùng. Sanhpertecbua, LB Nga, (Tiếng Nga).<br />
[6] Chistabaev.A.I (1996). Địa lí và quản lí vùng. Tạp<br />
chí khoa học, Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia<br />
Santpertecbua, LB Nga, (Tiếng Nga).<br />
[7] N.I. Larin (1996). Kinh nghiệm thế giới thực hiện<br />
chính sách vùng. Matxcơva, (Tiếng Nga).<br />
[8] Viện chiến lược phát triển - Bộ kế hoạch và đầu tư<br />
(2003). Cơ sở khoa học phân vùng kinh tế Việt Nam<br />
phục vụ phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất<br />
nước. Hà Nội.<br />
[9] Ngô Doãn Vịnh (2003). Nghiên cứu chiến lược và<br />
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: học<br />
hỏi và sáng tạo. Hà Nội.<br />
[10] Bùi Nhật Quang (2006). Chính sách phát triển<br />
vùng của Italia. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.<br />
<br />
26<br />
<br />