Chuyển đổi giáo dục đại học đến 2030: Những thách thức về chính sách và tài chính, và vai trò của nhà nước và xã hội
lượt xem 1
download
Bài viết "Chuyển đổi giáo dục đại học đến 2030: Những thách thức về chính sách và tài chính, và vai trò của nhà nước và xã hội" khái niệm “chuyển đổi giáo dục” được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục của Liên hợp quốc có nội hàm tương tự như khái niệm “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” trong Nghị quyết số 29 của Việt Nam. Với cách hiểu đó, giáo dục đại học Việt Nam đã và đang được trên một hành trình biến đổi đã được 10 năm. Đây là một hành trình đầy thử thách với những thách thức về tài chính và chính sách ở phía trước. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chuyển đổi giáo dục đại học đến 2030: Những thách thức về chính sách và tài chính, và vai trò của nhà nước và xã hội
- CHUYỂN ĐỔI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC ĐẾN 2030: NHỮNG THÁCH THỨC VỀ CHÍNH SÁCH VÀ TÀI CHÍNH, VÀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI Phạm Đỗ Nhật Tiến1 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Abstract In this article, the notion of "transforming education" proposed at the United Nations Transforming Education Summit has similar connotations to the notion of "radical and comprehensive renovation of education" in the Vietnam Resolution No 29. With that understanding, Vietnam higher education has been on a transforming journey for already 10 years. This has been a challenging journey, with financial and policy challenges at the forefront. Based on the analysis of these challenges, the paper comes to two recommendations. Firstly, the State needs to increase investment in higher education, ensuring at least 0.5% of GDP in the period 2021-2030. Secondly, along with promoting effective implementation of socialization guidelines, policies and solutions to mobilize financial resources of the society, it is necessary to pay attention to exploiting non-financial resources, including ideas, policy and technology resources. In a world that is moving in the direction of promoting open science, open education and open technology, the exploitation of these resources will help both institutions and learners to partially remove financial difficulties to develop higher education in terms of access, quality and social justice. Keywords: transforming higher education; radical and comprehensive renovation; financial and policy challenges; public good; common good 1. MỞ ĐẦU Tại Thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục (Transforming Education Summit) do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chủ trì tháng 9/2022 tại New York, Ủy ban Quốc tế về các tương lai của giáo dục đã ra Tuyên bố “Cùng nhau chuyển đổi giáo dục vì các tương lai công bằng và bền vững”. Tuyên bố mở đầu như sau: “Trước đây, giáo dục vẫn phải luôn thích ứng và đáp ứng với một thế giới thay đổi. Giờ đây, hơn bao giờ hết giáo dục phải góp phần làm thay đổi thế giới. Dù hơn nửa thế kỷ đã có nhiều nỗ lực quốc gia và quốc tế trong giáo dục và phát triển, nhưng các lời hứa về giáo dục có chất lượng cho mọi người vẫn dang dở. Chúng ta không thể nào bảo đảm rằng giáo dục là một quyền của con người trong suốt cuộc đời nếu tiếp tục như cũ… Một chuyển đổi giáo dục dũng cảm là cấp bách”. Ở đây, chuyển đổi giáo dục được hiểu vượt lên trên cải cách giáo dục. Nếu cải cách giáo dục chỉ xoay quanh những đổi mới nhằm tạo ra các phiên bản tốt hơn của các hệ thống giáo dục hiện có thì chuyển đổi giáo dục bao gồm cả đổi mới và làm mới mà kết quả là tạo ra hệ thống giáo dục mới, khác với cái hiện có. Định hướng chuyển đổi GDĐH đã được đề xuất tại Hội nghị giáo dục đại học thế giới lần thứ ba, do UNESCO tổ chức từ 18 đến 20/5/2022 tại Barcelona, thông qua Báo 1 Phamdntien26@gmail.com 2
- cáo mang tên “Vượt giới hạn. Các cách thức mới để sáng tạo lại GDĐH” (UNESCO, 2022). Theo đó, một lộ trình sáng tạo lại GDĐH đã được đề xuất với 6 chuyển đổi cụ thể để đến năm 2030 hình thành một hệ thống GDĐH mới với những đặc tính sau đây: mở, linh hoạt và liên thông, học tập suốt đời; đa ngành, liên ngành và xuyên ngành; đa dạng, hợp tác và kết nối; phát huy sức mạnh của CNTT. Về cơ bản đó là một hệ thống được tái cơ cấu một cách căn bản nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận GDĐH cho mọi người, suốt đời, mọi lúc, mọi nơi. Đó cũng là mục đích mà GDĐH Việt Nam theo đuổi trên con đường đổi mới căn bản và toàn diện. Bốn chuyển đổi mà GDĐH Việt Nam phải thực hiện theo tinh thần NQ29 chính là lộ trình tái cơ cấu phù hợp với bối cảnh cụ thể và đặc trưng của hệ thống GDĐH Việt Nam. Đáng quan tâm là trong QĐ 209 ngày 17/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH đến năm 2030, mục tiêu được đề ra là: “Thiết lập được một hệ thống GDĐH mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương”. Như vậy, về mặt chủ trương thì GDĐH Việt Nam đang chuyển đổi phù hợp với khuyến nghị của UNESCO trong Lộ trình chuyển đổi GDĐH đến 2030. Tuy nhiên, để thực hiện được sự chuyển đổi này rất nhiều thách thức cần được nhận dạng đầy đủ để có giải pháp phù hợp. Đó là những thách thức về thể chế, về chính sách, về tài chính, về đội ngũ, về công nghệ, v.v…, trong đó các thách thức về chính sách và tài chính đặc biệt quan trọng, thậm chí mang tính quyết định xét về phương diện nguồn lực. Bài viết này muốn làm rõ những thách thức về chính sách và tài chính đối với GDĐH nước ta trong bối cảnh hiện nay để từ đó thảo luận về vai trò của Nhà nước và xã hội trong việc khắc phục các thách thức này. 2. CÁC THÁCH THỨC VỀ CHÍNH SÁCH VÀ TÀI CHÍNH TRONG PHÁT TRIỂN GDĐH VIỆT NAM 2.1. Các thách thức về chính sách Chính sách thường được coi là nguồn lực của các nguồn lực. Các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn ai hết giá trị và tầm quan trọng của nguồn lực này. Một chính sách tốt, như chính sách khoán 10, có thể là một nguồn lực mang tính đột phá để đem lại những kỳ tích. Những điểm mạnh trong giáo dục nước ta nói chung, GDĐH nói riêng, cho đến nay cũng có nguyên nhân chủ yếu từ nguồn lực chính sách tốt. Tuy nhiên, nguồn lực chính sách này đang đối diện hai thách thức cơ bản sau đây trước yêu cầu chuyển đổi giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện: Thứ nhất, việc tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá chính sách còn nhiều yếu kém, bất cập. Điều này đã được nhắc đến nhiều lần trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về giáo dục. Đi sâu vào nghiên cứu có thể chỉ ra các điểm nghẽn trong thực thi chính sách GDĐH bao gồm: 1) Tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán của hệ thống văn bản pháp luật; 2) Hiệu lực thi hành của các văn bản pháp luật thấp; 3) Thiếu cân bằng giữa các nhiệm vụ, giải pháp với nguồn lực cần thiết để thực hiện; 4) Thiếu một cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các bộ, ngành trong QLNN về giáo dục nói chung, trong đổi mới 3
- GDĐH nói riêng; 5) Cơ chế giám sát và đánh giá còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích và lạc hậu về phương pháp (Pham Đỗ, 2022). Thứ hai, trong một thế giới ngày càng biến đổi, bất định và khó lường, gây nên bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì phản ứng chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực GDĐH còn chậm, và nếu có thì thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu. Hiện vẫn có những chính sách chỉ dừng lại ở các tuyên ngôn chung nhất, như các quy định về chính sách phát triển GDĐH tại Điều 12 của Luật GDĐH. Có những chính sách mang tính nửa vời, không đến nơi đến chốn như chính sách về các trường đại học mở. Lại có những chính sách quy định một đằng, thực hiện một nẻo như các chính sách liên quan đến quy hoạch mạng lưới, phát triển GDĐH tư thục. Riêng về GDĐH mở, liên quan đến tài nguyên giáo dục mở (OER) và khóa học trực tuyến mở đại chúng (MOOC), hiện vẫn chưa có bất kỳ chính sách nào, kể cả chính sách mang tính hỗ trợ để các nhà trường và nhà giáo có động lực trong việc sử dụng, khai thác các OER, MOOC. Khảo sát của Đỗ Văn Hùng và cộng sự (2019) cho biết khoảng 75% những người được hỏi cho rằng sự thiếu chỉ đạo chung của Nhà nước trong việc đưa ra chính sách là rào cản lớn đối với việc phát triển OER trong các trường đại học. 2.2. Các thách thức về tài chính Nhìn chung sự hạn hẹp về tài chính là thách thức của hầu hết các hệ thống GDĐH trên thế giới trong mấy thập kỷ gần đây trước yêu cầu của những động lực mới trong phát triển GDĐH. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thách thức này đặc biệt gay gắt khi GDĐH phải đáp ứng các yêu cầu cao về đổi mới căn bản và toàn diện trong việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Biểu hiện cụ thể của các thách thức này là như sau: Thách thức tài chính ở cấp hệ thống: Mặc dù theo quy định của pháp luật, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục được bảo đảm tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng trên thực tế, ngoại trừ duy nhất năm 2014, tỷ lệ này đạt 20,2%, còn thì tỷ lệ này không những chưa bao giờ đạt mà còn có xu thế giảm dần, hiện đạt 17,5% vào năm 2020 (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, 2021). Trong thách thức chung đó, GDĐH có hai thách thức đáng quan ngại sau đây. Thứ nhất, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDĐH trong GDP là rất thấp và cũng đang giảm dần, từ 0,33% năm 2004, giảm xuống 0,24% năm 2011và năm 2015 (World Bank, 2020). Thứ hai, chi ngân sách nhà nước cho GDĐH ở Việt Nam vào loại thấp nhất trên thế giới; đây là một tỷ lệ chi cực kỳ thấp, nhất là đối với một nước có khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (World Bank, 2020). Thách thức tài chính ở cấp trường: Từ Kết luận số 37 ngày 26/5/2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh XHH một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” đến NQ số 19 ngày 29/10/2017 của HNTW6 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, chủ trương nhất quán là phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công; thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư và chi thường xuyên. Trong lĩnh vực GDĐH, các cơ sở GDĐH hiện được chia thành bốn loại: 1) Cơ sở GDĐH tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư; 2) Cơ sở GDĐH tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên; 3) Cơ sở 4
- GDĐH tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 4) Cơ sở GDĐH do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Lộ trình đặt ra là các cơ sở GDĐH phải chuyển dần sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trên cơ sở từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đào tạo, bao gồm chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Nghĩa là, theo đúng quy định về nguồn thu tài chính của cơ sở GDĐH tại Điều 64 của Luật GDĐH 2018, thì nguồn thu chủ yếu của cơ sở GDĐH sẽ là các khoản thu ngoài ngân sách; nguồn ngân sách nhà nước cấp chỉ là nếu có. Thực sự đây là thách thức lớn đối với các cơ sở GDĐH, đặc biệt khi các cơ sở này đứng trước yêu cầu phải bảo đảm và nâng cao chất lượng với những khoản chi không ngừng gia tăng về đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cải thiện đời sống giảng viên, đầu tư công nghệ và trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất. Những thách thức trên càng trở nên bức bách do tác động của đại dịch covid-19. Việc giảm nguồn thu học phí do nhà trường ngưng hoạt động đi đôi với yêu cầu phải tăng các khoản chi để triển khai dạy và học trực tuyến đã là nỗi lo chung của các cơ sở GDĐH trên toàn thế giới. Đại dịch covid-19 đã là cú hích để các cơ sở GDĐH chuyển nhanh sang chuyển đổi số, nhưng khảo sát trên phạm vi toàn cầu cho thấy ngay cả ở những nước phát triển, khó khăn về tài chính là rào cản lớn nhất trong bước chuyển này. Hiện chưa có khảo sát để đánh giá rào cản này trong chuyển đổi số của GDĐH Việt Nam, nhưng trước những thách thức cả ở cấp hệ thống và cấp trường như nêu trên thì hiển nhiên giáo dục Việt Nam nói chung, các cơ sở GDĐH Việt Nam nói riêng, đang đứng trước một thách thức tài chính rất lớn khi mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo QĐ 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra một số chỉ tiêu đầy tham vọng cho ngành giáo dục. 3. QUAN ĐIỂM GDĐH LÀ LỢI ÍCH CÔNG (PUBLIC GOOD) VÀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC Trong khoảng bẩy thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, thì tư duy phát triển giáo dục ở phần lớn các nước trên thế giới được dẫn dắt bởi quan điểm giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng, là lợi ích công. Hệ thống GDĐH ở các nước chủ yếu là công lập và miễn phí. Tuy nhiên đó là một hệ thống GDĐH tinh hoa và vì vậy phần lớn các chính phủ trên thế giới đều có chính sách và nguồn lực tài chính đủ để đảm bảo Nhà nước giữ vai trò là chủ thể chính trong cả cung ứng và quản lý GDĐH. Vào vài thập kỷ cuối của thế kỷ XX, trước yêu cầu đại chúng hóa GDĐH thì quan điểm GDĐH là lợi ích công thuần túy bị lay động. GDĐH được quan niệm vừa là lợi ích công, vừa là lợi ích tư. Chính sách chia sẻ chi phí (cost-sharing) trong GDĐH được hình thành với quan điểm Nhà nước vẫn giữ vai trò chính trong quản lý GDĐH nhưng chia sẻ việc cung ứng với khu vực tư. Riêng trong khoảng hai thập kỷ gần đây, với việc hình thành và phát triển của thị trường GDĐH thì việc phân chia rạch ròi lợi ích công đối lập với lợi ích tư, theo kiểu lôgic cổ điển với hai giá trị (0,1) bị xem xét lại. Các chính phủ ngày càng có xu hướng tiếp cận bài toán lợi ích trong GDĐH theo một logic mờ (fuzzy logic) với một phổ giá trị trải dài từ 0 đến 1. Mô hình chia sẻ chi phí của các hệ thống GDĐH trên thế giới giờ đây là cả một phổ nằm giữa hai đầu cực. Ở một đầu cực là các hệ thống GDĐH với các cơ sở công lập miễn phí ở 81 nước trên thế giới, trong đó 5 nước (Na Uy, Phần Lan, Đức, Argentina và Cuba) đảm bảo quyền phổ cập GDĐH. Ở đầu cực kia là một số ít các hệ thống GDĐH hoạt động chủ yếu với nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước, với việc phát 5
- triển mạnh mẽ hệ thống GDĐH ngoài công lập đi đôi với việc đẩy mạnh thu học phí trong các cơ sở GDĐH công lập (Teferra và cộng sự, 2022). Ở giữa hai đầu cực là các hệ thống GDĐH với cơ chế chia sẻ chi phí theo tỷ lệ chi phí công/chi phí tư rất khác nhau tùy theo khu vực, thậm chí tùy theo nhà trường trong cùng một quốc gia. Chẳng hạn, nghiên cứu của Teferra và cộng sự (2022) cho thấy tỷ lệ này là 10,6 ở Châu Âu và Bắc Mỹ; 2,1 ở Châu Á; 1,9 ở Châu Mỹ La tinh và vùng Caribee. Ở hầu hết các quốc gia trong nghiên cứu này, chính phủ cung cấp số tiền lớn hơn so với gia đình của sinh viên. Chỉ riêng ở các nước Albania, El Salvador, Nepal và Peru thì chi tiêu gia đình cho mỗi sinh viên nhiều hơn so với chính phủ. Hiện không có một công thức tối ưu về tỷ lệ chi phí công/chi phí tư trong mô hình chia sẻ chi phí của GDĐH. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi GDĐH trước chiều hướng cắt giảm các khoản chi ngân sách Nhà nước cho GDĐH ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt do tác động tiêu cực của đại dịch covid-19, Hội nghị GDĐH thế giới lần thứ ba và tiếp đó là Thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục đã đưa ra các khuyến nghị sau về chính sách công và tài chính công đối với GDĐH: 1) Cần có sự thay đổi căn bản trong cách thức mà các chính phủ và các bộ tài chính nhìn nhận và đối xử với giáo dục. Chi tiêu cho giáo dục không hẳn là một khoản chi tiêu dùng – đó là một khoản đầu tư quan trọng của quốc gia (UN, 2022); 2) Bất kể cơ chế tài chính là gì, các chính phủ cần cấp tài chính nhiều hơn nữa cho GDĐH với tư cách là một lợi ích công trên cơ sở tối ưu hóa chi tiêu công, nâng cấp các hệ thống thuế và đảm bảo tính minh bạch; 3) Cần đảm bảo rằng các nước đang phát triển đầu tư 1% GDP của họ cho GDĐH, nghiên cứu và phát triển (Teferra và cộng sự, 2022). Trong bối cảnh chung đó, chính sách phát triển GDĐH Việt Nam hiện nay là phát huy quyền tự chủ đại học theo định hướng khuyến khích các cơ sở GDĐH công lập tự bảo đảm mọi khoản chi, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Nguồn thu ngoài ngân sách sẽ là nguồn thu chủ yếu của các cơ sở GDĐH công lập, trong đó đóng góp chính là nguồn thu từ học phí. Vào năm học 2015-2016 học phí đã cao hơn khoảng hai lần so với chi phí công trên đầu sinh viên (World Bank, 2020) và Việt Nam đã thuộc số ít nước mà chi tiêu gia đình cho mỗi sinh viên nhiều hơn so với chính phủ. Việt Nam cũng thuộc số ít nước mà học phí chiếm tới hơn 50% chi phí đơn vị, còn chi ngân sách nhà nước cho GDĐH chưa tới 0,5% GDP (World Bank, 2020). Hiện chưa có nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá tác động của chính sách cùng cơ chế tài chính nói trên. Tuy nhiên để thực sự có bước đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH theo yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ 13, sao cho GDĐH được chuyển đổi và đóng góp hữu hiệu vào việc đưa nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 thì việc tăng ngân sách Nhà nước cho GDĐH là cấp thiết. Đó là vì bất kể cơ chế tài chính là gì, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu dựa trên lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay, thì các chính phủ đều cần xây dựng một hệ thống GDĐH bền vững, đa dạng và có chất lượng, trong đó ngân sách Nhà nước không phải chỉ để bảo đảm công bằng xã hội trong GDĐH, mà còn để bảo đảm rằng chí ít có một số cơ sở GDĐH công lập được đầu tư đến nơi đến chốn để trở thành các đại học hoa tiêu (flagship university), tạo nền tảng cho sự phát triển của cả hệ thống thông qua các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội của các cơ sở này; và hơn thế nữa còn phải tạo điều kiện để người học được theo học với chi phí phải chăng (Altbach và cộng sự, 2021). 6
- Hiện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 cũng đã đề xuất “đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GDĐH đạt tối thiểu 0,5% GDP trong giai đoạn 2021-2030”2. Đây là một đề xuất khiêm tốn, nhưng chí ít cũng cụ thể hóa được quan điểm xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục nước ta; đó là đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Rất cần sự đổi mới tư duy phát triển GDĐH theo hướng nhận thức rõ hơn lợi ích công của GDĐH đã được các nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới khẳng định qua những đóng góp của GDĐH vào tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội để tỷ lệ chi nêu trên được thực hiện, phân bổ, sử dụng hiệu quả và minh bạch. 4. QUAN ĐIỂM GDĐH LÀ LỢI ÍCH CHUNG (COMMON GOOD) VÀ VAI TRÒ CỦA XÃ HỘI Trước những thay đổi căn bản về kinh tế-xã hội ngày nay cùng những thách thức toàn cầu truyền thống và không truyền thống, UNESCO đã công bố báo cáo toàn cầu về đổi mới giáo dục (Báo cáo Sahle-Work) với tên gọi “Cùng hình dung lại các tương lai: Một khế ước xã hội mới về giáo dục” (UNESCO, 2021). Khế ước xã hội mới về giáo dục là sự cam kết của các bên có liên quan trong việc chuyển đổi giáo dục thông qua việc thiết lập tầm nhìn chung mới cùng các nguyên tắc và cam kết mới để giáo dục góp phần mở ra các con đường mới hướng tới các tương lai mong muốn. Hai nguyên tắc mới được đề xuất. Thứ nhất, giáo dục có chất lượng suốt đời là một trong những quyền cơ bản của con người; thứ hai, giáo dục phải được tăng cường với tư cách là một nỗ lực công và một lợi ích chung. Đối với GDĐH, quan điểm GDĐH là lợi ích chung có ý nghĩa ở chỗ khắc phục các tranh cãi không ngã ngũ về GDĐH là lợi ích công hay lợi ích tư. Nó khẳng định GDĐH phải được xây dựng và phát triển trên nguyên tắc đó là sự nghiệp toàn xã hội và là một lợi ích chung, theo nghĩa GDĐH là lĩnh vực được quản trị chung và là hoạt động tập thể trong việc đồng sáng tạo và đồng sử dụng kho tàng tri thức nhân loại vì lợi ích của mọi người. Quan điểm về lợi ích chung của GDĐH không mới đối với Việt Nam. Nó đã được cụ thể hóa trong chủ trương XHH giáo dục và được thể chế hóa thông qua quy định “Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân” trong Luật Giáo dục. Thành công của chủ trương này là đã huy động được sự đóng góp to lớn của toàn xã hội, từ các cá nhân đến các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, vào sự phát triển của giáo dục. Cùng với sự phát triển của GDĐH theo xu thế đa dạng hóa, đại chúng hóa và quốc tế hóa, chính sách XHH cũng không ngừng được bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện theo nhiều hướng, thứ nhất khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH ngoài công lập; thứ hai thúc đẩy các cơ sở GDĐH công lập tăng cường các khoản thu ngoài ngân sách, chủ yếu là học phí; thứ ba đẩy mạnh hợp tác quốc tế. 2 Về vấn đề này, đề xuất của World Bank (2020) là như sau: “Cần tăng dần tỷ lệ cấp tài chính công cho GDĐH, từ 0,23% GDP hiện tại lên ít nhất 0,8% GDP vào năm 2030... Điều này sẽ tương ứng với mức tăng 0,056 điểm phần trăm mỗi năm. Không làm được như vậy sẽ đặt đất nước vào nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”. 7
- Đặc biệt, kể từ năm 2007, với việc nước ta gia nhập WTO và ký cam kết về GATS trong giáo dục, chấp nhận mở cửa thị trường GDĐH thì XHH giáo dục nước ta bước sang một giai đoạn phát triển mới. Đó là XHH trong bối cảnh hình thành, phát triển thị trường GDĐH với quan hệ cung cầu được đề cao và cơ chế cạnh tranh được phát huy. Phương thức đối tác công-tư (PPP) cũng đã chính thức được đưa vào vận dụng trong GDĐH, tạo thêm một kênh nhiều tiềm năng trong việc thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân đóng góp cho GDĐH trên cả hai phương diện, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và cung ứng dịch vụ GDĐH. Tuy nhiên, cho đến nay trọng tâm của XHH giáo dục là huy động sự đóng góp về nguồn lực tài chính của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân, trong và ngoài nước. Nghị quyết 35 ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT giai đoạn 2019-2025 cũng có một tiếp cận như vậy. Trong sự huy động đó, một phần chủ yếu là đóng góp bằng học phí của các học sinh, sinh viên. Với xu hướng phát triển của thị trường GDĐH thì sự đóng góp này sẽ tăng lên, tiến dần tới bù đắp đủ chi phí đơn vị trong GDĐH. Điều này sẽ dẫn tới một rào cản lớn, rào cản về tài chính, trên con đường người học đến với giáo dục. Và như thế sẽ tạo thành một nghịch lý trong việc xây dựng nền GDĐH theo hướng mở, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người mà Việt Nam hướng đến vào năm 2030. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần thay đổi tư duy về nguồn lực trong XHH GDĐH. Nghĩa là chuyển từ tư duy đóng khung trong nguồn lực tài chính sang tư duy về nguồn lực mở, bao gồm mọi nguồn lực có thể có cho phát triển GDĐH. Đó là các nguồn lực về ý tưởng, chính sách, công nghệ vốn là các nguồn lực được khai thác mạnh trong phát triển GDĐH hiện nay trên thế giới theo hướng chuyển đổi để hình thành hệ sinh thái GDĐH số, mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu HTSĐ của mọi người. Với cách tiếp cận như vậy, bài viết này đề xuất một số ý tưởng như sau: Thứ nhất, ngày nay khi thông tin gia tăng theo hàm số mũ và tri thức nhân loại tăng gấp đôi từng ngày thì nguồn lực ý tưởng sẽ rất dồi dào và quan trọng. Vì thế đã hình thành và phát triển một phương thức khai thác nguồn lực ý tưởng này, đó là crowdsourcing (tạm dịch là tìm kiếm nguồn lực từ đám đông). Đó là, thay vì cách truyền thống là huy động trí tuệ vốn chỉ giới hạn trong đơn vị, thì chuyển sang huy động trí tuệ rộng lớn bên ngoài thông qua mạng internet. Phương thức này hiện được sử dụng mạnh mẽ trong doanh nghiệp vì nhiều lợi ích: tìm ra giải pháp nhanh; chi phí thấp; hướng tới đổi mới sáng tạo. Trong GDĐH, crowdsourcing cũng đã được sử dụng qua các cách thức như crowdlearning (giúp cải thiện thành tích của sinh viên bằng cách sử dụng các sáng kiến tập thể để nâng cao kỹ năng của từng sinh viên), crowdteaching (tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy thông qua trao đổi và chia sẻ tài liệu giảng dạy và nghiên cứu), crowd wisdom và crowd creation (phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo, phá hủy cái cũ, tạo dựng các vườn ươm doanh nghiệp). Các cơ sở GDĐH Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vận dụng và phát triển crowdsourcing trong GDĐH, qua đó góp phần giải quyết bài toán làm thế nào chi phí thấp mà đạt hiệu quả cao trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thứ hai, huy động sự đóng góp của xã hội trong tiến trình xây dựng và triển khai chính sách vốn là một thành phần quan trọng của chủ trương XHH, nhưng thời gian qua chưa được coi trọng, nay cần phát huy để góp phần tháo gỡ các thách thức về chính sách 8
- đã được nêu ở trên. Về phương diện này, các cơ sở GDĐH, mà đại diện là Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có vị thế và lợi thế thực hiện tốt hơn cả, không chỉ trong giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, mà không kém phần quan trọng là đề xuất, khuyến nghị về chính sách để khắc phục tình trạng chậm trễ trong phản ứng chính sách hiện nay, bao gồm các chính sách về khoa học mở, giáo dục mở, năng lực số, trí tuệ nhân tạo trong GDĐH, v.v… Thứ ba về nguồn lực công nghệ, đây chính là nguồn lực chủ đạo trong phát triển GDĐH trên thế giới suốt hơn một thập kỷ nay. Chúng ta cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn lực này và đã phát triển chính sách về ICT trong giáo dục từ thế hệ chính sách này đến thế hệ chính sách khác, phù hợp với bước tiến vượt bậc của ICT và vai trò của nó trong giáo dục. Tuy nhiên, hiện trạng phát triển ICT của Việt Nam lại đang đứng trước nhiều thách thức. Báo cáo xếp hạng toàn cầu về chỉ số phát triển ICT (ICT Development Index, IDI) cho thấy Việt Nam thuộc tốp gần cuối bảng và tiếp tục tụt hạng trong những năm gần đây. Trong so sánh với các nước ASEAN thì vị trí xếp hạng của Việt Nam trong năm 2017 như sau: Singapore (18); Brunei (53); Malaysia (63); Thái Lan (78); Phillippines (101); Việt Nam (108); Indonesia (111); Campuchia (128); Myanmar (135); Lao (139) (International Telecommunication Union, 2017). Còn về kỹ năng số thì, theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam xếp ở vị trí 97/141 quốc gia. Riêng trong phạm vi 10 nước ASEAN thì Việt Nam xếp cuối bảng, thấp hơn cả Lào (74/141), chỉ hơn Cămpuchia (112/141). Vậy là trong bước tiến chung của khu vực và thế giới về ICT thì bước tiến của Việt Nam là chậm, không như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa khai thác tốt nguồn lực hợp tác, bao gồm hợp tác đại học-doanh nghiệp theo phương thức PPP và hợp tác đại học-đại học trong hội nhập khu vực và quốc tế. Đây là lĩnh vực giàu tiềm năng về chia sẻ và cung cấp nguồn lực công nghệ cho GDĐH trong bối cảnh ngày nay, khi mà GDĐH ngày càng được mọi bên có liên quan nhận thức là một lợi ích chung, cần được phát triển trên tinh thần đề cao sự hợp tác thay vì cạnh tranh. Những bất cập trong khai thác các nguồn lực nêu trên khiến cho các cơ sở GDĐH công lập vẫn chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí do khó thực hiện đa dạng hóa các nguồn thu khác. Rất cần quan tâm đến tiếp cận theo hướng khai thác các nguồn lực nêu trên về ý tưởng, về chính sách và về công nghệ để nâng cao hiệu quả-chi phí, qua đó giảm chi phí đơn vị. Trong một thế giới ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học mở, giáo dục mở, công nghệ mở thì các cơ sở GDĐH Việt Nam rất cần khai thác các nguồn tài nguyên phong phú đó để có thể đem đến cho người học các chương trình đào tạo chất lượng cao với chi phí thấp. 5. KẾT LUẬN Ở Việt Nam, hiện chưa có khái niệm “chuyển đổi GDĐH”. Thay vào đó là khái niệm “đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH”. Tuy nhiên, trong Tuyên bố UNESCO “Cùng nhau chuyển đổi giáo dục vì các tương lai công bằng và bền vững”, thì khái niệm chuyển đổi được định nghĩa như sau: “Chuyển đổi có nghĩa là những thay đổi căn bản đối với các quy trình và cơ hội giáo dục trên toàn thế giới”. Hiểu như vậy và căn cứ vào các quan điểm chỉ đạo của NQ29 thì chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam cũng chính là chủ trương về chuyển đổi GDĐH. 9
- Như vậy GDĐH Việt Nam đã trên hành trình chuyển đổi đến nay được 10 năm. Đã có những bước tiến đáng kể nhưng mục tiêu đến năm 2030 về “một hệ thống GDĐH mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời” còn đối diện với rất nhiều thách thức. Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển, thách thức hàng đầu là thách thức về chính sách và tài chính. Nhìn từ góc độ này, bài viết đưa ra hai khuyến nghị sau đây. Thứ nhất, do GDĐH là một lợi ích công, Nhà nước cần thực thi chính sách đầu tư cho GDĐH là đầu tư phát triển, tăng ngân sách cho GDĐH, chí ít bảo đảm tối thiểu 0,5% GDP trong giai đoạn 2021-2030 như đã được đề xuất trong dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030. Có thể coi đây là một điều kiện mang tính tiên quyết để GDĐH thực hiện được những chuyển đổi mong muốn, góp phần tích cực và hiệu quả vào việc đưa nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Thứ hai, do GDĐH là một lợi ích chung, rất cần hoàn thiện ở cả cấp hệ thống và cấp trường các chính sách và giải pháp XHH để huy động sự đóng góp hiệu quả của xã hội và cộng đồng quốc tế vào bổ sung nguồn lực cần thiết cho việc chuyển đổi GDĐH sang hệ thống mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời. Bên cạnh các đóng góp về tài chính đã được quan tâm huy động suốt thời gian qua, rất cần mở rộng sang những đóng góp về nguồn lực mở, bao gồm các nguồn lực về ý tưởng, về chính sách và về công nghệ. Trong một thế giới đang chuyển đổi rất mạnh và nhanh dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những chính sách, ý tưởng, khuyến nghị, giải pháp và hành động hiện nay hướng tới khoa học mở, giáo dục mở, công nghệ mở, thì GDĐH Việt Nam nói chung, các cơ sở GDĐH Việt Nam nói riêng, cần tranh thủ khai thác tối đa nguồn tài nguyên quốc tế đồ sộ, mở về khoa học, giáo dục và công nghệ để nâng cao hiệu quả-chi phí, đem lại cho người học những chương trình đào tạo có chất lượng, đại chúng, miễn phí hoặc chi phí phải chăng. ________________ Tài liệu tham khảo [1] Altbach, P. G., De Wit, H., & Woldegiyorgis, Y. A. 2021. Public vs. private participation in higher education: Realities and debates. Paper commissioned for the 2021/2 Global Education Monitoring Report, Non-state actors in education. [2] Bộ Chính trị. 2014. Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. [3] Chính phủ. 2015. Nghị quyết 26 về đẩy mạnh, ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. [4] Đỗ Văn Hùng và cộng sự. 2019. Báo cáo khảo sát tài nguyên giáo dục mở trong GDĐH Việt Nam. Trong “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở”, Hà Nội: Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] International Telecommunication Union. 2017. Measuring the Information Society Report. Geneva Switzerland: ITU. [6] Phạm Đỗ Nhật Tiến. 2022. Nâng cao chất lượng GDĐH trong bối cảnh mới: Rào cản, vấn đề và khuyến nghị. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển và nâng cao chất lượng GDĐH trong bối cảnh mới”, Huế ngày 07/10/2022. 10
- [7] Teferra, D., Chacón, E., Escribens, M., Johnstone, B., Malee Bassett, R., Pedró, F., Roser, J., and Varghese, N. V. 2022. Financing in Higher Education. Paper commissioned for the World Higher Education Conference 18-20 May 2022. [8] UN. 2022. Transforming Education: An urgent political imperative for our collective future. Vision Statement of the Secretary-General on Transforming Education [9] UNESCO. 2021. Reimagining our futures together. A new social contract for education. Paris: UNESCO [10] UNESCO. 2022. Beyond Limits. New Ways to Reinvent Higher Education. Working document for the World Higher Education Conference. 18-20 May 2022. [11] Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. 2021. Báo cáo giáo dục Việt Nam 2011-2020. Tài liệu lưu hành nội bộ. [12] World Bank. 2020. Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options. Hanoi: Higher Education Sector Report. 11
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tài liệu đọc thêm dành cho chuyên đề: Giáo dục Đại học thế giới và Việt Nam
275 p | 190 | 48
-
Đào tạo số trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam
8 p | 18 | 3
-
Trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế số: Cơ hội và thách thức cho giáo dục đại học
8 p | 9 | 3
-
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học ở Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
10 p | 9 | 2
-
Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động đào tạo giáo dục đại học
7 p | 2 | 2
-
Chuyển đổi số thúc đẩy tính bền vững trong giáo dục đại học: Tiếp cận từ quan điểm của các nhà nghiên cứu
6 p | 5 | 2
-
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học: Kết quả học tập và sự hài lòng của người học khi học theo phương thức kết hợp
8 p | 10 | 2
-
Đổi mới nhận thức về sứ mạng của giáo dục đại học
5 p | 34 | 2
-
Dạy học chuyển đổi – quan điểm giáo dục có khả năng thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam
10 p | 41 | 2
-
Chuyển đổi số giáo dục đại học trong nền kinh tế số
6 p | 7 | 2
-
Bước ngoặt trong sứ mệnh nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh không chuyên đối với giáo dục đại học
9 p | 4 | 2
-
Chuyển đổi số với chương trình giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay
8 p | 6 | 1
-
Kinh nghiệm chuyển đổi số trong quản trị giáo dục đại học trên thế giới - một số gợi ý cho Việt Nam
10 p | 3 | 1
-
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học, thách thức và các giải pháp thực hiện tại Trường Đại học Phú Yên
7 p | 2 | 1
-
Giáo dục đại học trong bối cảnh chuyển đổi số
11 p | 1 | 1
-
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay
13 p | 2 | 1
-
Nâng cao năng lực cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học của Trường Đại học Thủ Dầu Một
12 p | 2 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn